Thời kỳ học thuộc lòng Tam tạng
Thời kỳ đầu: kể từ khi Ðức Phật còn tại thế cho đến trước Phật lịch năm 450, trong khoảng thời gian này trọn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải chưa ghi thành chữ viết; cho nên, việc học Tam tạng bằng cách khẩu truyền tâm thọ: vị thầy đọc, các học trò lặp theo ghi nhớ nằm lòng; như vậy, vị thầy thông thuộc chừng nào, các học trò cũng thông thuộc chừng ấy. Nếu vị thầy không thuộc bộ nào, thì vị thầy gởi các học trò của mình đến vị Ðại Trưởng Lão khác xin học bộ ấy. Cho nên, việc học trọn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải trong thời kỳ này rất vất vả khó khăn.
Thời kỳ sau: kể từ sau thời kỳ kết tập Tam tạng và các bộ Chú giải lần thứ tư, khoảng thời gian 450 năm sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn, kỳ kết tập Tam tạng và các bộ Chú giải này được ghi bằng chữ viết trên lá buông. Cho nên, việc học Tam tạng trọn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải tương đối ít vất vả khó khăn hơn thời kỳ trước, song có phần hạn chế, vì số bổn được ghi trên lá buông rất ít.
Thời hiện tại này, hầu hết các nước Phật giáo lớn như Myanmar, Thailan, Srilankā, Campuchia, v.v… đều có trọn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải được in ra thành sách bằng mẫu tự của xứ mình. Cho nên việc học trọn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải có nhiều điều kiện thuận lợi. Song việc dạy Tam tạng và việc học Tam tạng trong một số nước ít phổ biến đến toàn thể Phật tử. Hiện nay, phần đông được biết đến xứ Myanmar có chư Ðại Trưởng Lão dạy Tam tạng và Chú giải, và có chư Tỳ khưu theo học Tam tạng và Chú giải; hằng năm, chính phủ Myanmar, Bộ Tôn Giáo tổ chức kỳ thi Tam tạng, kết quả đã có 12 vị Ðại Trưởng Lão thi đậu trọn bộ Tam tạng và thông suốt Chú giải; ngoài ra, còn có những vị Ðại Ðức khác thi đậu Nhị Tạng, Nhất Tạng, một Nikāya, hai Nikāya, v.v… giúp giữ gìn duy trì pháp học Phật giáo được trường tồn. Ðó là điều đáng cho tất cả mọi người Phật tử vô cùng hoan hỉ.
Thời kỳ Ðức Phật còn tại thế, việc thông thuộc Tam tạng không những chỉ có chư vị Ðại Trưởng Lão, Ðại Ðức, mà còn có nhiều vị cận sự nam, cận sự nữ nữa. Bởi vì, việc bảo tồn Phật giáo là phận sự chung của các hàng Phật tử, gồm cả bậc xuất gia lẫn các hàng tại gia cư sĩ.