Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 19 – Tịnh-hảo tâm-sở: Tịnh-hảo tâm-sở đồng-sinh-toàn-tâm

III-Sobhaṇacetasika: Tịnh-Hảo Tâm-Sở

Sobhaṇacetasika: Tịnh-hảo tâm-sở là tâm-sở tốt lành, khi đồng sinh với tâm nào làm cho tâm ấy tốt lành, trong sáng, không bị ô nhiễm, nên gọi là sobhaṇacetasika: tịnh-hảo tâm-sở.

* Sobhaṇacetasika: Tịnh-hảo tâm-sở gồm có 25 tâm-sở đồng sinh với 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm (sobhaṇacitta).

Citta: Tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm chia ra 2 loại tâm:

* Asobhaṇacitta: Bất-tịnh-hảo-tâm có 30 tâm

– 12 bất-thiện-tâm.

– 18 vô-nhân-tâm.

Trong 30 tâm này đều không có tịnh-hảo tâm-sở (sobhaṇacetasika) nào đồng sinh, nên gọi 30 tâm này là bất-tịnh-hảo-tâm.

* Sobhaṇacitta: Tịnh-hảo-tâm gồm có 59 hoặc 91 tâm:

– 24 dục-giới tịnh-hảo-tâm.

– 15 sắc-giới-tâm.

– 12 vô-sắc-giới-tâm.

– 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm.

Trong 59 hoặc 91 tâm này, mỗi tâm có một số tịnh-hảo tâm-sở (sobhaṇacetasika) đồng sinh, nên gọi 59 hoặc 91 tâm này là tịnh-hảo-tâm (sobhaṇacitta). 

Sobhaṇacetasika: Tịnh-hảo tâm-sở

Tịnh-hảo tâm-sở gồm có 25 tâm-sở chia ra 4 loại như sau:

– Sobhaṇasādhāraṇacetasika có 19 tâm-sở.

– Viraticetasika có 3 tâm-sở.

– Appamaññācetasika có 2 tâm-sở.

– Paññindriyacetasika có 1 tâm-sở.

III.1- Sobhaṇasādhāraṇacetasika: Tịnh-hảo tâm-sở đồng sinh toàn-tịnh-hảo-tâm gồm có 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm (sobhaṇacitta), có 19 tịnh-hảo tâm-sở như sau:

1- Saddhācetasika: Tín tâm-sở.

2- Saticetasika: Niệm tâm-sở.

3- Hirīcetasika: Hổ-thẹn tâm-sở.

4- Ottappacetasika: Ghê-sợ tâm-sở.

5- Alobhacetasika: Vô-tham tâm-sở.

6- Adosacetasika: Vô-sân tâm-sở.

7- Tatramajjhattatācetasika: Trung-dung tâm-sở.

8- Kāyapassaddhicetasika: Tam-uẩn an-tịnh tâm-sở.

9- Cittapassaddhicetasika: Thức-uẩn an-tịnh tâm-sở.

10- Kāyalahutācetasika: Tam-uẩn nhẹ-nhàng tâm-sở.

11- Cittalahutācetasika: Thức-uẩn nhẹ-nhàng tâm-sở. 

12- Kāyamudutācetasika: Tam-uẩn nhu-nhuyến tâm-sở.

13- Cittamudutācetasika: Thức-uẩn nhu-nhuyến tâm-sở.

14- Kāyakammaññatācetasika: Tam-uẩn uyển-chuyển tâm-sở.

15- Cittakammaññatācetasika: Thức-uẩn uyển-chuyển tâm-sở.

16- Kāyapāguññatācetasika: Tam-uẩn thuần-thục tâm-sở.

17- Cittapāguññatācetasika: Thức-uẩn thuần-thục tâm-sở.

18- Kāyujukatācetasika: Tam-uẩn trung-thực tâm-sở.

19- Cittujukatācetasika: Thức-uẩn trung-thực tâm-sở.

19 tịnh-hảo tâm-sở này đồng sinh với 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm.

III.2- Viraticetasika: Chế ngự tâm-sở có 3 tâm-sở

1- Sammāvācācetasika: Chánh-ngữ tâm-sở.

2- Sammākammantacetasika: Chánh-nghiệp tâm-sở.

3- Sammā-ājīvacetasika: Chánh-mạng tâm-sở.

III.3- Appamaññācetasika: Vô-lượng tâm-sở có 2 tâm-sở

1- Karuṇācetasika: Bi tâm-sở.

2- Muditācetasika: Hỷ tâm-sở. 

III.4- Paññindriyacetasika có 1 tâm-sở

1- Paññindriyacetasika: Tuệ-chủ tâm-sở.

Giảng giải 25 tịnh-hảo tâm-sở

III.1- Sobhaṇasādhāraṇacetasika: Tịnh-hảo tâm-sở đồng-sinh-toàn-tâm, có 19 tâm-sở:

III.1.1- Saddhācetasika: Tín tâm-sở là tâm-sở tin với đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nơi nghiệp và quả của nghiệp.

Trạng-thái riêng của saddhācetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Saddhahanalakkhaṇā: Có đức-tin trong sạch nơi đáng tin là trạng-thái của tín tâm-sở.

2- Pasādanarasā: Làm cho các tâm với tâm-sở đồng sinh trở nên trong sạch là phận-sự của tín tâm-sở.

3- Akālussiyapaccupaṭṭhānā: Tâm không bị ô nhiễm, tâm trong sáng là quả hiện hữu của tín tâm-sở.

4- Saddheyyavatthupadaṭṭhānā: Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo và nghiệp và quả của nghiệp là nguyên-nhân gần gần phát sinh tín tâm-sở.

Saddhā: Đức-tin dẫn đầu cho mọi thiện-pháp phát sinh, đó là dục-giới thiện-pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện-pháp, cho đến siêu-tam-giới thiện-pháp phát sinh, tăng trưởng.

Saddhā: Đức-tin phát sinh do nhân-duyên, mà nhân-duyên gần phát sinh saddhā đó là ân-đức Tam-bảo: 9 ân-đức-Phật-bảo, 6 ân-đức-Pháp-bảo, 9 ân-đức-Tăng-bảo; tin nơi nghiệp và quả của nghiệp.

Saddhā: Đức-tin là tin nơi đáng tin, và không tin nơi không đáng tin. Nơi đáng tin có 4 pháp:

* Kammasaddhā: Tin nghiệp có 2 loại: thiện-nghiệp và bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp).

* Vipākasaddhā: Tin quả của nghiệp rằng: thiện-nghiệp cho quả an-lạc, bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) cho quả khổ.

* Kammassakatāsaddhā: Tin nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp sinh ta ra, nghiệp là thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta, khi ta tạo nghiệp nào: thiện-nghiệp hoặc bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp), chính ta là người hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp hoặc chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy.

* Tathāgatabodhisaddhā: Tin nơi sự chứng đắc của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Nếu người nào tin nơi không đáng tin thì gọi là cuồng-tín, cho nên đức-tin phải đi đôi với trí-tuệ thì gọi là chánh-tín. 

* Saddhācetasika: Tín tâm-sở đồng sinh với 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm, không đồng sinh với 30 bất-tịnh-hảo-tâm.

III.1.2- Saticetasika: Niệm tâm-sở là tâm-sở niệm vững vàng trong 6 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).

Trạng-thái riêng của saticetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Apilāpanalakkhaṇā: Niệm vững vàng trong đối-tượng là trạng-thái của niệm tâm-sở.

2- Asammoharasā: Sự không quên, sự ghi nhớ là phận-sự của niệm tâm-sở.

3- Visayābhimukhabhāvapaccupaṭṭhānā: Sự ghi nhớ khăng khít trực tiếp nơi đối-tượng là quả hiện hữu của niệm tâm-sở.

4- Thirasaññāpadaṭṭhānā (vā) kāyādisatipaṭ-ṭhānapadaṭṭhānā: Ghi nhớ chắc chắn hoặc có tứ-niệm-xứ là thân niệm-xứ, thọ niệm-xứ, tâm niệm-xứ, pháp niệm-xứ là nguyên-nhân gần phát sinh saticetasika.

* Tuy nhiên, sati trong satipaṭṭhāna thì sati trở thành sammāsati: chánh-niệm trong bốn đối-tượng là:

– Thân niệm-xứ: Thân là đối-tượng của chánh-niệm và trí-tuệ-tỉnh-giác.

– Thọ niệm-xứ: Thọ là đối-tượng của chánh-niệm và trí-tuệ-tỉnh-giác. 

– Tâm niệm-xứ: Tâm là đối-tượng của chánh-niệm và trí-tuệ-tỉnh-giác.

– Pháp niệm-xứ: Pháp là đối-tượng của chánh-niệm và trí-tuệ-tỉnh-giác.

* Saticetasika: Niệm tâm-sở đồng sinh với 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm, không đồng sinh với 30 bất-tịnh-hảo-tâm.

III.1.3- Hiricetasika: Hổ-thẹn tâm-sở là tâm-sở tự mình biết hổ-thẹn tội-lỗi, xa lánh mọi ác-nghiệp.

Trạng-thái riêng của hiricetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Pāpato jigucchanalakkhaṇā: Ghét bỏ, tránh xa ác-nghiệp là trạng-thái của hổ-thẹn tâm-sở.

2- Pāpaṃ akaraṇaṃ: Không tạo ác-nghiệp là phận-sự của hổ-thẹn tâm-sở.

3- Pāpato saṅkocanapaccupaṭṭhānā: Hổ-thẹn tội-lỗi nên tránh xa ác-nghiệp là quả hiện hữu của hổ-thẹn tâm-sở.

4- Attagāravapadaṭṭhānaṃ: Đức tính tôn trọng chính mình là nguyên-nhân gần phát sinh hiricetasika.

* Hiricetasika: Hổ-thẹn tâm-sở đồng sinh với 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm, không đồng sinh với 30 bất-tịnh-hảo-tâm.

III.1.4- Ottappacetasika: Ghê-sợ tâm-sở là tâm-sở kính trọng người khác nên biết ghê-sợ tội lỗi, xa lánh mọi hành ác-nghiệp. 

Trạng-thái riêng của ottappacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Uttāsanalakkhanaṃ: Biết ghê sợ ác-nghiệp là trạng-thái của ghê-sợ tâm-sở.

2- Pāpānaṃ akaraṇarasaṃ: Không tạo ác-nghiệp là phận-sự của ghê-sợ tâm-sở.

3- Pāpato saṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ: Biết ghê-sợ tội lỗi nên tránh xa ác-nghiệp là quả hiện hữu của ghê-sợ tâm-sở.

4- Paragāravapadaṭṭhānaṃ: Đức tính tôn trọng người khác là nguyên-nhân gần phát sinh ottappacetasika.

* Ottappacetasika: Ghê-sợ tâm-sở đồng sinh với 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm, không đồng sinh với 30 bất-tịnh-hảo-tâm.

Hiri và ottappa là 2 tâm-sở đồng sinh với 59 hoặc 91 tâm xa lánh, tránh xa mọi ác-nghiệp, tội-lỗi do thân hành-ác, khẩu nói-ác, ý nghĩ-ác, bởi vì hiri có trạng-thái hổ-thẹn tội-lỗi do tính tự trọng, nên không dám tạo ác-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý; còn ottappa có trạng-thái ghê-sợ tội-lỗi do biết kính-trọng người khác, sợ 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh) nên không dám tạo ác-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

* Hiri phát sinh do nhân-duyên tự mình biết hổ-thẹn tội lỗi, biết tự trọng do nương nhờ nhân-duyên bên trong của mình như sau: 

– Kula: Biết hổ-thẹn tội-lỗi do nghĩ đến dòng họ của mình.

– Vaya: Biết hổ-thẹn tội-lỗi do nghĩ đến tuổi tác mình.

– Bahussuta: Biết hổ-thẹn tội-lỗi do nghĩ đến tài năng hiểu biết của mình.

– Jātimahaggata: Biết hổ-thẹn tội-lỗi do nghĩ đến kiếp cao quý của mình.

– Satthumahaggata: Biết hổ-thẹn tội-lỗi do nghĩ đến Đức-Phật, thầy tổ, cha, mẹ,… cao thượng của mình.

– Dāyajjamahaggata: Biết hổ-thẹn tội-lỗi do nghĩ đến mình là người thừa kế di sản cao quý.

– Sabrahmacārīmahaggata: Biết hổ-thẹn tội-lỗi do nghĩ đến những bạn hữu đồng phạm hạnh cao thượng.

– Surabhāva: Biết hổ-thẹn tội-lỗi do nghĩ đến tính dũng cảm của mình.

* Ottappa phát sinh do nhân-duyên biết ghê-sợ tội-lỗi, biết kính trọng người khác do nương nhờ nhân-duyên bên ngoài như sau:

– Attānuvādabhaya: Biết ghê-sợ tội-lỗi do tự chê trách mình.

– Paravādānubhaya: Biết ghê-sợ tội-lỗi do sợ chư bậc thiện-trí chê trách mình.

– Daṇḍabhaya: Biết ghê-sợ tội-lỗi do sợ hình phạt đau khổ. 

– Duggatibhaya: Biết ghê-sợ tội-lỗi do sợ khổ trong 4 cõi ác-giới: cõi địa-ngục, cõi a-su-ra, cõi ngạ-quỷ, loài súc-sinh.

Hiri và ottappa là 2 tâm-sở biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, không dám tạo mọi ác-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, nên không tự làm khổ mình, không làm khổ tất cả mọi chúng-sinh khác.

Cho nên, hiri và ottappa là 2 pháp hộ trì, giữ gìn tất cả mọi chúng-sinh.

III.1.5- Alobhacetasika: Vô-tham tâm-sở là tâm-sở không tham muốn, không dính mắc trong đối-tượng.

Trạng-thái riêng của alobhacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Alaggabhāvalakkhaṇo (vā) agedhalakkhaṇo: Không dính mắc trong đối-tượng hoặc không say đắm trong đối-tượng là trạng-thái của vô-tham tâm-sở.

2- Apariggaharaso: Không chấp thủ trong đối-tượng là phận-sự của vô-tham tâm-sở.

3- Anallīnabhāvapaccupaṭṭhāno: Không dính mắc, không chấp thủ trong đối-tượng là quả hiện hữu của vô-tham tâm-sở.

4- Yonisomanasikārapadaṭṭhāno: Trí-tuệ biết rõ trong tâm đúng theo thật-tánh của các pháp là nhân-duyên gần phát sinh alobhacetasika.

Alobhacetasika: Vô-tham tâm-sở có tính chất hoàn toàn trái ngược với lobhacetasika tham tâm-sở. Cho nên, người có vô-tham tâm-sở đồng sinh với tịnh-hảo-tâm không tham muốn, không chấp-thủ trong đối-tượng.

* Alobhacetasika: Vô-tham tâm-sở đồng sinh với 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm, không đồng sinh với 30 bất-tịnh-hảo-tâm.

III.1.6- Adosacetasika: Vô-sân tâm-sở là tâm-sở không làm hại đối-tượng, không hận thù, không tự làm khổ mình, khổ chúng-sinh.

Trạng-thái riêng của adosacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka: 

1-Acaṇḍikalakkhaṇo: Tính không hung dữ, tính hiền hậu là trạng-thái của vô-sân tâm-sở.

2- Āghātavinayaraso: Diệt được mọi thù hận là phận-sự của vô-sân tâm-sở.

3- Somabhāvapaccupaṭṭhāno: Sự mát mẻ trong sáng như vầng trăng rằm là quả hiện hữu của vô-sân tâm-sở.

4- Yonisomanasikārapadaṭṭhāno: Trí-tuệ biết rõ trong tâm đúng theo thật-tánh của các pháp là nhân-duyên gần phát sinh adosacetasika.

Adosacetasika vô-sân tâm-sở có tính chất hoàn toàn trái ngược với dosacetasika sân tâm-sở.

* Adosacetasika vô-sân tâm-sở có liên quan đến 2 pháp: khanti và mettā. 

* Khanti: Pháp nhẫn-nại có chi-pháp là adosa-cetasika: vô-sân tâm-sở, đồng sinh với đại-thiện-tâm thuộc về tịnh-hảo-tâm chịu đựng mọi đối-tượng xấu trong hoàn cảnh bất bình, bị vu oan giá họa, phải chịu mọi cảnh khổ, v.v… mà vẫn không hề phát sinh sân-tâm không hài lòng trong đối-tượng ấy. Đó là do năng lực của adosacetasika: vô-sân tâm-sở.

* Mettā: Tâm từ là 1 trong 4 đề-mục thiền-định vô-lượng-tâm (appamaññā).

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục niệm rải tâm từ đến chúng-sinh vô-lượng, có chi-pháp là adosacetasika: vô-sân tâm-sở, đồng sinh với tịnh-hảo-tâm có đối-tượng piyamanāpasatta-paññatti: chúng-sinh đáng yêu, đáng kính là đối-tượng thiền-định của đề-mục niệm rải tâm từ.

* Đề-mục niệm rải tâm từ này chỉ có khả năng chứng đắc từ đệ-nhất-thiền sắc-giới cho đến đệ-tứ-thiền sắc-giới mà thôi, không thể chứng đắc đệ-ngũ-thiền sắc-giới, bởi vì đề-mục-thiền-định này cần có chi-thiền lạc, mà đệ-ngũ-thiền sắc-giới có 2 chi-thiền là xả và nhất-tâm.

Nếu khi hành-giả tụng kinh, niệm ân-Đức-Phật dù có adosacetasika: vô-sân tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm thuộc về tịnh-hảo-tâm, cũng không gọi là mettā: tâm từ được, bởi vì, đối-tượng của đề-mục thiền-định niệm rải tâm từ là chúng-sinh đáng yêu, đáng kính, không phải là đối-tượng ân-Đức-Phật.

* Adosacetasika: Vô-sân tâm-sở đồng sinh với 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm, không đồng sinh với 30 bất-tịnh-hảo-tâm.

III.1.7- Tatramajjhattatācetasika: Trung-dung tâm-sở là tâm-sở trung dung giữa tâm với tâm-sở đồng sinh không hơn không kém, giữ gìn các tâm với tâm-sở đồng sinh đồng đều nhau.

Trạng-thái riêng của tatramajjhattatācetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Cittacetasikānaṃ samavāhitalakkhaṇā: Giữ gìn tâm với tâm-sở đồng sinh đồng đều nhau là trạng-thái của trung-dung tâm-sở.

2- Ūnādhikatānivāraṇarasā: Giữ gìn không để tâm với tâm-sở đồng sinh hơn hoặc kém nhau là phận-sự của trung-dung tâm-sở.

3- Majjhattabhāvapaccupaṭṭhānā: Tính chất trung-dung đối với tâm với tâm-sở là quả hiện hữu của trung-dung tâm-sở.

4- Sampayuttānaṃpadaṭṭhānā: Tâm với các tâm-sở đồng sinh là nguyên-nhân gần phát sinh tatramajjhattatācetasika.

Tatramajjhattatācetasika: Trung-dung tâm-sở có trạng-thái giữ gìn các tâm với tâm-sở đồng sinh đồng đều nhau không hơn không kém. 

Ví như người đánh xe ngựa với hai con ngựa báu có sức mạnh đồng đều nhau, chiếc xe ngựa chạy đều, nên người đánh xe không đánh, không la hai con ngựa, mà chỉ cần đặt tâm trung-dung dõi theo hai con ngựa mà thôi.

* Tatramajjhattatācetasika: Trung-dung tâm-sở còn là chi-pháp của đề-mục thiền-định upekkhā-appamaññā: niệm rải tâm xả đến chúng-sinh vô-lượng có đối-tượng là majjhattasattapaññatti: hạng chúng-sinh không thương không ghét.

* Tatramajjhattatācetasika: Trung-dung tâm-sở đồng sinh với 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm, không đồng sinh với 30 bất-tịnh-hảo-tâm.

Sáu đôi tịnh-hảo tâm-sở

* 19 tịnh-hảo tâm-sở đồng sinh với toàn tịnh-hảo-tâm (sobhaṇacitta) từ saddhācetasika cho đến tatramajjhattatācetasika mỗi tâm-sở riêng rẽ; từ kāyapassaddhicetasika, cittapassaddhicetasika cho đến kāyujukatācetasika, cittujukatācetasika gồm có 6 đôi, mà mỗi đôi kāya và citta cùng có chung một tịnh-hảo tâm-sở.

* Kāya nghĩa là tổng hợp các tâm-sở đồng sinh với tịnh-hảo-tâm gồm có 3 uẩn: thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn.

* Citta tịnh-hảo-tâm thuộc về thức-uẩn.

Trong bộ Visuddhimagga giải rằng: 

* Kāyapassaddhi: Kāyo’ti cettha vedanādayo tayo khandhā.

Kāya trong kāyapassaddhi có nghĩa là gồm có 3 uẩn: thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn.

Như vậy, kāya nghĩa là tổng hợp các tâm-sở đồng sinh với tịnh-hảo-tâm ấy.

Tâm-sở đồng sinh với mỗi tịnh-hảo-tâm gồm có 4 uẩn:

– Thọ tâm-sở thuộc về thọ-uẩn.

– Tưởng tâm-sở thuộc về tưởng-uẩn.

– Tổng các tâm-sở còn lại thuộc về hành-uẩn.

– Tịnh-hảo-tâm thuộc về thức-uẩn. III.1.8- Kāyapassaddhicetasika: Tam-uẩn an-tịnh tâm-sở.

III.1.9- Cittapassaddhicetasika: Thức-uẩn an-tịnh tâm-sở.

* Kāyapassaddhicetasika: Tam-uẩn an-tịnh tâm-sở là tâm-sở làm an tịnh tam-uẩn: thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn.

* Cittapassaddhicetasika: Thức-uẩn an-tịnh tâm-sở là tâm-sở làm an tịnh thức-uẩn.

Hai tịnh-hảo tâm-sở này đều có chung một passaddhicetasika: an-tịnh tâm-sở, có trạng-thái làm an tịnh tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn, nghĩa là làm an tịnh tâm và các tâm-sở đồng sinh với tịnh-hảo-tâm ấy.

Trạng-thái riêng của passaddhicetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Kāyacittānaṃ darathavūpasamalakkhaṇā: Làm an tịnh sự nóng nảy của tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là trạng-thái của tam-uẩn an-tịnh tâm-sở và thức-uẩn an-tịnh tâm-sở.

2- Kāyacittadarathanimmaddanarasā: Chế ngự được sự nóng nảy của tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là phận-sự của tam-uẩn an-tịnh tâm-sở và thức-uẩn an-tịnh tâm-sở.

3- Kāyacittānaṃ aparipphandanasītibhāva-paccupaṭṭhānā: Sự mát mẻ an-tịnh của tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là quả hiện hữu của tam-uẩn an-tịnh tâm-sở và thức-uẩn an-tịnh tâm-sở.

4- Kāyacittapadaṭṭhānā: Có tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là nguyên-nhân gần phát sinh kāya-passaddhicetasika và cittapassaddhicetasika.

* Hai tịnh-hảo tâm-sở này đồng sinh với 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm, không đồng sinh với 30 bất-tịnh-hảo-tâm.

III.1.10- Kāyalahutācetasika: Tam-uẩn nhẹ-nhàng tâm-sở.

III.1.11- Cittalahutācetasika: Thức-uẩn nhẹ-nhàng tâm-sở. 

* Kāyalahutācetasika: Tam-uẩn nhẹ-nhàng tâm-sở là tâm-sở làm nhẹ nhàng tam-uẩn: thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn.

* Cittalahutācetasika: Thức-uẩn nhẹ-nhàng tâm-sở là tâm-sở làm nhẹ nhàng thức-uẩn.

Hai tịnh-hảo tâm-sở này đều có chung một lahutācetasika nhẹ-nhàng tâm-sở, có trạng-thái làm nhẹ nhàng tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn, nghĩa là làm nhẹ nhàng các tâm-sở đồng sinh với tịnh-hảo-tâm ấy.

Trạng-thái riêng của lahutācetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Kāyacittagarubhāvavūpasamalakkhaṇā: Làm nhẹ nhàng sự nặng nề của tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là trạng-thái của tam-uẩn nhẹ-nhàng tâm-sở và thức-uẩn nhẹ-nhàng tâm-sở.

2- Kāyacittagarubhāvanimmaddanarasā: Làm giảm được sự nặng nề của tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là phận-sự của tam-uẩn nhẹ-nhàng tâm-sở và thức-uẩn nhẹ-nhàng tâm-sở.

3- Kāyacittānaṃ adandhatāpaccupaṭṭhānā: Sự nhẹ nhàng của tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là quả hiện hữu của tam-uẩn nhẹ-nhàng tâm-sở và thức-uẩn nhẹ-nhàng tâm-sở.

4- Kāyacittapadaṭṭhānā: Có tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là nguyên-nhân gần phát sinh kāyalahutācetasika và cittalahutācetasika. 

* Hai tịnh-hảo tâm-sở này đồng sinh với 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm, không đồng sinh với 30 bất-tịnh-hảo-tâm.

III.1.12- Kāyamudutācetasika: Tam-uẩn nhu-nhuyến tâm-sở.

III.1.13- Cittamudutācetasika: Thức-uẩn nhu-nhuyến tâm-sở.

* Kāyamudutācetasika: Tam-uẩn nhu-nhuyến tâm-sở là tâm-sở làm nhu nhuyến tam-uẩn: thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn.

* Cittamudutācetasika: Thức-uẩn nhu-nhuyến tâm-sở là tâm-sở làm nhu nhuyến thức-uẩn.

Hai tịnh-hảo tâm-sở đều có chung một mudutā-cetasika: nhu-nhuyến tâm-sở, có trạng-thái làm nhu nhuyến tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn, nghĩa là làm nhu nhuyến các tâm-sở đồng sinh với tịnh-hảo-tâm ấy.

Trạng-thái riêng của mudutācetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Kāyacittathambhavūpasamalakkhaṇā: Làm giảm sự cứng rắn của tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là trạng-thái của tam-uẩn nhu-nhuyến tâm-sở và thức-uẩn nhu-nhuyến tâm-sở.

2- Kāyacittathaddhabhāvanimmaddanarasā: Làm giảm được sự cứng rắn của tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là phận-sự của tam-uẩn nhu-nhuyến tâm-sở và thức-uẩn nhu-nhuyến tâm-sở.

3- Appaṭighātapaccupaṭṭhānā: Không sân hận của tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là quả hiện hữu của tam-uẩn nhu-nhuyến tâm-sở và thức-uẩn nhu-nhuyến tâm-sở.

4- Kāyacittapadaṭṭhānā: Có tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là nguyên-nhân gần phát sinh kāyamudutācetasika và cittamudutācetasika.

* Hai tịnh-hảo tâm-sở này đồng sinh với 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm, không đồng sinh với 30 bất-tịnh-hảo-tâm.

III.1.14- Kāyakammaññatācetasika: Tam-uẩn uyển-chuyển tâm-sở.

III.1.15- Cittakammaññatācetasika: Thức-uẩn uyển-chuyển tâm-sở.

* Kāyakammaññatācetasika: Tam-uẩn uyển-chuyển tâm-sở là tâm-sở làm uyển chuyển tam-uẩn: thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn.

* Cittakammaññatācetasika: Thức-uẩn uyển-chuyển tâm-sở là tâm-sở làm uyển chuyển thức-uẩn.

Hai tịnh-hảo tâm-sở đều có chung một kammaññatācetasika: uyển-chuyển tâm-sở, có trạng-thái làm uyển chuyển tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn, nghĩa là làm uyển-chuyển các tâm-sở đồng sinh với tịnh-hảo-tâm ấy. 

Trạng-thái riêng của kammaññatācetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Kāyacittātkammaññabhāvavūpasamalakkhaṇā: Sự yên tĩnh của tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là trạng-thái của tam-uẩn uyển-chuyển tâm-sở và thức-uẩn uyển-chuyển tâm-sở.

2- Kāyacittākammaññabhāvanimmaddanarasā: Chế ngự được sự không uyển chuyển của tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là phận-sự của tam-uẩn uyển-chuyển tâm-sở và thức-uẩn uyển-chuyển tâm-sở.

3- Kāyacittānaṃ ārammaṇakaraṇasampatti-paccupaṭṭhānā: Làm thành tựu đối-tượng của tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là quả hiện hữu của tam-uẩn uyển-chuyển tâm-sở và thức-uẩn uyển-chuyển tâm-sở.

4- Kāyacittapadaṭṭhānā: Có tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là nguyên-nhân gần phát sinh kāyakammaññatācetasika và cittakammaññatā-cetasika.

* Hai tịnh-hảo tâm-sở này đồng sinh với 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm, không đồng sinh với 30 bất-tịnh-hảo-tâm.

III.1.16- Kāyapāguññatācetasika: Tam-uẩn thuần-thục tâm-sở. 

III.1.17- Cittapāguññatācetasika: Thức-uẩn thuần-thục tâm-sở. 

* Kāyapāguññatācetasika: Tam-uẩn thuần-thục tâm-sở là tâm-sở làm thuần thục tam-uẩn: thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn.

* Cittapāguññatācetasika: Thức-uẩn thuần-thục tâm-sở là tâm-sở làm thuần thục thức-uẩn.

2 tịnh-hảo tâm-sở đều có chung một pāguññatā-cetasika: thuần-thục tâm-sở có trạng-thái làm thuần thục tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn, là làm thuần-thục các tâm-sở đồng sinh với tịnh-hảo-tâm ấy.

Trạng-thái riêng của pāguññatācetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Kāyacittānaṃ agelaññabhāvalakkhaṇā: Sự không bệnh hoạn (không có phiền-não) của tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là trạng-thái của tam-uẩn thuần-thục tâm-sở và thức-uẩn thuần-thục tâm-sở.

2- Kāyacittagelaññanimmaddanarasā: Chế ngự được sự bệnh hoạn của tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là phận-sự của tam-uẩn thuần-thục tâm-sở và thức-uẩn thuần-thục tâm-sở.

3- Nirādīnavapaccupaṭṭhānā: Không có lỗi của tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là quả hiện hữu của tam-uẩn thuần-thục tâm-sở và thức-uẩn thuần-thục tâm-sở.

4- Kāyacittapadaṭṭhānā: Có tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là nguyên-nhân gần phát sinh kāyapāguññatācetasika và cittapāguññatācetasika. 

* Hai tịnh-hảo tâm-sở này đồng sinh với 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm, không đồng sinh với 30 bất-tịnh-hảo-tâm.

III.1.18- Kāyujukatācetasika: Tam-uẩn trung-thực tâm-sở. 

III.1.19- Cittujukatācetasika: Thức-uẩn trung-thực tâm-sở.

* Kāyujukatācetasika: Tam-uẩn trung-thực tâm-sở là tâm-sở làm trung thực tam-uẩn: thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn.

* Cittujukatācetasika: Thức-uẩn trung-thực tâm sở là tâm-sở làm trung thực thức-uẩn.

Hai tịnh-hảo tâm-sở đều có chung một ujukatā-cetasika: trung-thực tâm-sở có trạng-thái làm trung thực tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn, nghĩa là làm trung thực các tâm-sở đồng sinh với tịnh-hảo-tâm ấy.

Trạng-thái riêng của ujukatācetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Kāyacitta ajjavalakkhaṇā: Sự ngay thẳng trung thực của tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là trạng-thái của tam-uẩn trung-thực tâm-sở và thức-uẩn trung-thực tâm-sở.

2- Kāyacittakuṭilabhāvanimmaddanarasā: Chế ngự được sự không thành thật của tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là phận-sự của tam-uẩn trung-thực tâm-sở và thức-uẩn trung-thực tâm-sở. 

3- Ajimhatāpaccupaṭṭhānā: Sự thành thật của tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là quả hiện hữu của tam-uẩn trung-thực tâm-sở và thức-uẩn trung-thực tâm-sở.

4- Kāyacittapadaṭṭhānā: Có tam-uẩn tâm-sở và thức-uẩn tâm-sở là nguyên-nhân gần phát sinh kāyujukatācetasika và cittujukatācetasika.

* Hai tịnh-hảo tâm-sở này đồng sinh với 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm, không đồng sinh với 30 bất-tịnh-hảo-tâm.

 

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 18 - Giảng giải 52 tâm-sở - Bất-thiện tâm-sở (tiếp theo)
Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 20 - Chế ngự tâm-sở

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *