Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 37 – Cõi thiện dục-giới: Cõi người

II-Kāmasugatibhūmi: Cõi Thiện-Dục-Giới

Cõi thiện-dục-giới gồm có 7 cõi:

1- Manussabhūmi: Cõi người.

2- Catumahārājikābhūmi: Cõi Tứ-đại-thiên-Vương.

3- Tavatiṃsābhūmi: Cõi Tam-thập-tam-thiên.

4- Yamābhūmi: Cõi Dạ-ma-thiên.

5- Tusitābhūmi: Cõi Đâu-suất-đà-thiên.

6- Nimmānaratibhūmi: Cõi Hóa-lạc-thiên.

7- Paranimmitavasavattibhūmi: Cõi Tha-hóa-tự-tại-thiên.

– Kāmasahacaritā sugati: Kāmasugati

Cõi thiện-dục-giới là cõi phát sinh cùng với kāmataṇhā: ái-dục gọi là kāmasugatibhūmi.

Cõi thiện-dục-giới có 7 cõi là nơi nương nhờ sinh sống của loài người và chư vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên 6 cõi trời dục-giới liên quan đến kāmataṇhā mong muốn trong 5 đối-tượng ái-dục (kāmārammaṇa) là:

1- Rūpataṇhā: Sắc-ái là tâm tham-ái trong những đối-tượng sắc xinh đẹp.

2- Saddataṇhā: Thanh-ái là tâm tham-ái trong những đối-tượng âm thanh hay.

3- Gandhataṇhā: Hương-ái là tâm tham-ái trong những đối-tượng hương thơm tho. 

4- Rasataṇhā: Vị-ái là tâm tham-ái trong những đối-tượng vị ngon lành.

5- Phoṭṭhabbataṇhā: Xúc-ái là tâm tham-ái trong những đối-tượng xúc êm ái.

* Chúng-sinh sinh trong 7 cõi thiện-dục-giới là quả của dục-giới thiện-nghiệp (đại-thiện-nghiệp) trong 8 dục-giới thiện-tâm (đại-thiện-tâm) cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi người, 6 cõi trời dục-giới.

II.1- Manussabhūmi: Cõi Người

Manussabhūmi: Cõi người là nơi sinh sống của loài người (manussa).

Loài người (manussa) trong 4 châu lớn (dīpa):

– Uttarakurudīpa: Bắc-cưu-lưu-châu.

– Pubbavidehadīpa: Đông-thắng-thần-châu.

– Aparagoyānadīpa: Tây-ngưu-hóa-châu.

– Jambūdīpa: Nam-thiện-bộ-châu.

Bốn châu này nằm ở 4 hướng của núi Sineru.

1- Uttarakurudīpa: Bắc-cưu-lưu-châu nằm ở hướng Bắc của núi Sineru. Loài người ở Uttara-kurudīpa này có ba đức tính là:

* Không chấp-thủ của cải tài sản là của mình.

* Không chấp-thủ con trai, con gái, vợ, chồng là của mình.

* Có tuổi thọ đúng 1.000 năm. 

Loài người ở Uttarakurudīpa này có ngũ-giới là thường-giới, sau khi hết tuổi thọ chết, chắc chắn dục-giới thiện-nghiệp (đại-thiện-nghiệp) cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới. Sau khi vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ chết, nghiệp nào cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi nào tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ ấy.

– Nếu ác-nghiệp có cơ hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (cõi địa-ngục, cõi a-su-ra, cõi ngạ-quỷ, loài súc-sinh).

– Nếu dục-giới thiện-nghiệp (đại-thiện-nghiệp) cho quả thì tái-sinh kiếp sau trong cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới.

2- Pubbavidehadīpa: Đông-thắng-thần-châu nằm ở hướng Đông của núi Sineru. Loài người ở pubbavidehadīpa này có tuổi thọ 700 năm.

3- Aparagoyānadīpa: Tây-ngưu-hóa-châu nằm ở hướng Tây của núi Sineru. Loài người ở aparagoyānadīpa này có tuổi thọ 500 năm.

4- Jambūdīpa: Nam-thiện-bộ-châu nằm ở hướng Nam của núi Sineru là trái đất mà chúng ta đang sống, con người ở cõi Jambūdīpa của chúng ta có tuổi thọ không nhất định, tuỳ theo thời-kỳ thiện-pháp tăng trưởng hoặc ác-pháp tăng trưởng.

* Nếu thời-kỳ nào loài người ở Jambūdīpa có thân hành-thiện, khẩu hành-thiện, ý hành-thiện, mọi thiện-pháp tăng trưởng, thì thời-kỳ ấy tuổi thọ của loài người tăng lên đến tột đỉnh. Khi ấy, loài người ở cõi Jambūdīpa có tuổi thọ tột đỉnh đến a-tăng-kỳ năm.

* Nếu thời-kỳ nào loài người ở Jambūdīpa có thân hành-ác, khẩu hành-ác, ý hành-ác, mọi ác-pháp tăng trưởng thì thời-kỳ ấy tuổi thọ của loài người giảm xuống đến tột cùng. Khi ấy, loài người ở Jambūdīpa có tuổi thọ chỉ còn 10 năm.

Tuổi thọ của loài người trong 4 châu dựa theo bộ Chú-giải Samyuttanikāyaṭṭhakathā rằng:

“Jambūdīpavāsinaṃ āyuppamāṇam natthi, Pubbavidehānaṃ sattavassasatāyukā, Apara-goyānavāsīnaṃ pañcavassasatāyukā, Uttara-kuruvāsīnaṃ vassasahassāyukā. Tesaṃ tesaṃ parittadīpavāsīmampi tadanugatikāva.”

Loài người sống trong Bắc-cưu-lưu-châu có tuổi thọ 1.000 năm, loài người sống trong Tây-ngưu-hóa-châu có tuổi thọ 500 năm, loài người sống trong Đông-thắng-thần-châu có tuổi thọ 700 năm, loài người sống trong Nam-thiện-bộ-châu có tuổi thọ không nhất định.

Loài người (manussa) trong châu này đề cập trực tiếp đến Jambūdīpa: Nam-thiện-bộ-châu, còn ba châu chỉ là gián tiếp mà thôi.

Định nghĩa manussa

* Mano ussannaṃ etesanti: Manussā.

Mọi chúng-sinh gọi là manussa: người, bởi vì có thiện-tâm cao-thượng và ác-tâm thấp hèn.

Ý nghĩa manussa này ám chỉ trực tiếp đến con người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu, còn loài người trong ba châu khác là Pubbavidehādīpa, Aparagoyānadīpa, Uttarakurudīpa chỉ là gián tiếp mà thôi.

Con người trong Jambūdīpa nam-thiện-bộ châu đặc biệt có thiện-tâm cực thiện hoặc có ác-tâm cực ác.

* Người trong cõi Jambūdīpa Nam-thiện-bộ-châu này đặc biệt có thiện-tâm cực thiện như thế nào?

– Người nào thuộc về hạng người tam-nhân trong cõi Jambudīpa này, hạng người ấy có khả năng đặc biệt đạt đến thiện-tâm cực thiện trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác hoặc Đức-Phật Độc-Giác hoặc bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng-thanh-văn-giác hoặc bậc Thánh A-ra-hán đại-thanh-văn-giác, có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới, 6 phép-thần-thông, hoặc trở thành Đức-vua Chuyển-luân-thánh-vương.

Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác chỉ xuất hiện trong cõi Jambūdīpa Nam-thiện-bộ-châu này mà thôi, không xuất hiện trong cõi-giới khác.

* Người trong cõi Jambūdīpa nam-thiện-bộ-châu này đặc biệt có thể có ác-tâm cực ác như thế nào?

– Người trong cõi Jambūdīpa Nam-thiện-bộ-châu này đặc biệt có thể có ác-tâm cực ác tạo pañcānantariyakamma: ngũ-ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội đó là giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, làm bầm máu bàn chân của Đức-Phật, chia rẽ chư tỳ-khưu-Tăng, mà các chúng-sinh ở trong các cõi-giới khác không thể tạo ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội này được.

Người nào đã tạo 1 trong 5 ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội nào, sau khi người ấy chết, chắc chắn chỉ có ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội ấy có quyền ưu tiên cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp không gián đoạn trong cõi đại-địa-ngục Avīci, mà không có nghiệp nào có khả năng ngăn cản được, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy, bị thiêu đốt, bị hành hạ trong suốt thời gian lâu dài trong cõi đại-địa-ngục ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục ấy được.

* Và người trong cõi Jambūdīpa Nam-thiện-bộ-châu này có thể tạo ác-nghiệp trọng-tội niyatamicchādiṭṭhikamma: ác-nghiệp tà-kiến cố-định, có 3 loại là vô-quả tà-kiến, vô-nhân tà-kiến, vô-hành tà-kiến hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp.

Người nào đã tạo ác-nghiệp tà-kiến cố-định này, sau khi người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp tà-kiến cố-định ấy có quyền ưu tiên cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy không có thời gian hạn định.

* Kāraṇākaraṇaṃ manati jānātīti: Manusso.

Con người trong cõi Jambūdīpa Nam-thiện-bộ-châu này gọi là manussa: người, bởi vì có thể hiểu biết được nhân hợp pháp và nhân không hợp pháp.

Người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu có trí-tuệ thấy rõ, biết rõ nhân hợp pháp và nhân không hợp pháp. Trong đời này, các loài chúng-sinh sinh từ nghiệp, nên có sinh-mạng, còn loài thực vật không phải sinh từ nghiệp, nên không có sinh-mạng.

* Atthānatthaṃ manati jānātīti: Manusso.

Con người trong cõi Jambūdīpa Nam-thiện-bộ-châu này gọi là manussa: người, bởi vì hiểu biết được điều lợi ích, điều không lợi ích.

Thông thường mọi người trong đời, khi có quả rồi mới có tâm hài lòng, hoan-hỷ, hoặc có tâm không hài lòng, không hoan-hỷ. Cả hai tâm trạng ấy chỉ có do từ thân hành động hoặc khẩu nói năng hoặc ý suy nghĩ mà thôi.

Nếu thân hành điều thiện, khẩu nói điều thiện, ý nghĩ điều thiện thì có quả tốt được hài lòng, hoan-hỷ; và nếu thân hành điều ác, khẩu nói điều ác, ý nghĩ điều ác thì có quả xấu không được hài lòng, không hoan-hỷ.

Người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu hiểu biết được nếu thân hành điều thiện, khẩu nói điều thiện, ý nghĩ điều thiện, thì tạo đại-thiện-nghiệp cho quả an-lạc đem lại sự lợi ích đáng hài lòng hoan-hỷ; và nếu thân hành điều ác, khẩu nói điều ác, ý nghĩ điều ác, thì tạo ác-nghiệp cho quả khổ đem lại sự bất lợi, không được hài lòng, không hoan-hỷ.

* Kusalākusalaṃ manati jānātīti: Manusso.

Con người trong cõi Jambūdīpa Nam-thiện-bộ-châu này gọi là manussa: người, bởi vì hiểu biết được thiện-nghiệp, ác-nghiệp.

Thông thường mọi người trong đời chỉ có ba việc mà thôi, đó là hành động bằng thân, nói năng bằng khẩu, suy nghĩ bằng ý, cho quả đem lại sự lợi ích an-lạc, hoặc cho quả đem lại sự bất lợi, đau khổ theo quan niệm trong đời.

Đúng theo sự-thật chân-nghĩa-pháp (para-matthadhamma) thì chỉ có 2 pháp là akusala-dhamma: bất-thiện-pháp (ác-pháp) và kusala-dhamma: thiện-pháp mà thôi.

Người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu hiểu biết được nếu thân hành điều ác, khẩu nói điều ác, ý nghĩ điều ác, thì gọi là akusaladhamma: bất-thiện-pháp (ác-pháp).

Nếu thân hành điều thiện, khẩu nói điều thiện, ý nghĩ điều thiện, hoặc tạo mọi phước-thiện như bố-thí, giữ-giới, thực-hành pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, v.v… thì gọi là kusaladhamma: thiện-pháp

Kusaladhamma: Thiện-pháp có 4 loại:

– Dục-giới thiện-pháp đó là 8 dục-giới thiện-tâm (8 đại-thiện-tâm).

– Sắc-giới thiện-pháp đó là 5 sắc-giới thiện-tâm.

– Vô-sắc-giới thiện-pháp đó là 4 vô-sắc-giới thiện-tâm.

– Siêu-tam-giới thiện-pháp đó là 4 Thánh-đạo-tâm.

Tóm lại, số người nào trong cõi Nam-thiện-bộ-châu có khả năng hiểu biết được về akusala-dhamma: bất-thiện-pháp (ác-pháp) và kusala-dhamma: thiện-pháp nhiều hay ít là do tiền-kiếp của số người ấy đã từng tạo các pháp-hạnh ba-la-mật trải qua vô số kiếp, rồi được tích lũy và lưu trữ ở trong tâm từ kiếp này sang kiếp kia, và nay kiếp hiện-tại của số người ấy có duyên lành được gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, lắng nghe lời giáo huấn của bậc thiện-trí, nên số người ấy hiểu biết được tùy theo khả năng của mỗi người, cho nên, mỗi người có kiến thức hiểu biết khác nhau trong đời.

Loài người trong 4 châu, thì loài người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu có kiến thức hiểu biết được bất-thiện-pháp (ác-pháp) và thiện-pháp đặc biệt hơn loài người trong 3 châu còn lại.

Loài người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu có kiến thức hiểu biết đặc biệt rằng:

Karaṇākaranaṃ atthānatthaṃ kusalākusalaṃ manati jānātī’ti manusso.

Người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này gọi là manussa: người, bởi vì có thể hiểu biết được nhân hợp pháp và nhân không hợp pháp, hiểu biết được điều lợi ích, điều không lợi ích, hiểu biết được thiện-pháp, bất-thiện-pháp.

Loài người trong Nam-thiện-bộ-châu có ba đức tính ưu việt là:

1- Sūrabhāva là người có tâm nhiệt tình trong mọi phước-thiện bố-thí, giữ-giới, thực-hành pháp-hành thiền-định, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, …

2- Satimanta là người có niệm vững vàng trong ân-đức Tam-bảo: ân-đức-Phật-bảo, ân-đức-Pháp-bảo, ân-đức-Tăng-bảo, …

3- Brahmacariyāvāsa là người thực-hành phạm-hạnh cao thượng được đó là xuất gia trở thành tỳ-khưu, thực-hành pháp-hành giới, thực-hành pháp-hành thiền-định, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Manussa: Loài người

Bộ Chú-giải phân loại các loài người trong Nam-thiện-bộ-châu như sau:

– Manussa-manussa: Người như người thật.

– Manussa-deva: Người như chư-thiên.

– Manussa-tiracchāna: Người như loài súc-sinh.

– Manussa-peta: Người như loài ngạ-quỷ.

– Manussa-nerayika: Người như chúng-sinh trong cõi địa-ngục, …

1- Manussa-manussa: Người như người thật như thế nào?

Người như người thật nghĩa là người ấy có thân người và tâm người. 

Tâm người là đại-thiện-tâm giữ gìn ngũ-giới là thường-giới của con người được trong sạch và trọn vẹn.

– Có đại-thiện-tâm tạo thập-thiện-nghiệp là thiện-pháp của loài người đầy đủ, nên thân, khẩu, ý trong sạch.

– Có đại-thiện-tâm tạo mười phước-thiện (puññakriyāvatthu) đầy đủ.

* Ngũ-giới có 5 điều-giới là:

1- Tránh xa sự sát-sinh là không giết hại các loài chúng-sinh dù nhỏ dù lớn.

2- Tránh xa sự trộm-cắp là không trộm-cắp chiếm đoạt của cải tài sản của công lẫn của tư.

3- Tránh xa sự tà-dâm là không quan hệ tình dục bất chánh với vợ hoặc chồng của người khác.

4- Tránh xa sự nói-dối là không nói-dối trá, lừa gạt người khác.

5- Tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp, nghĩa là không uống các thứ rượu, và các chất say như thuốc phiện, ma túy, bia, thuốc lá, v.v… là nhân sinh thất niệm dể duôi quên mình.

* Thập-thiện-nghiệp có 10 đại-thiện-nghiệp:

1- Đại-thiện-nghiệp không sát-sinh.

2- Đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp.

3- Đại-thiện-nghiệp không tà-dâm với vợ hoặc chồng của người khác. 

Đó là ba thân đại-thiện-nghiệp, phần nhiều liên quan đến thân.

4- Đại-thiện-nghiệp không nói-dối, mà chỉ nói lời chân-thật.

5- Đại-thiện-nghiệp không nói lời chia rẽ, mà nói lời hòa thuận.

6- Đại-thiện-nghiệp không nói lời thô tục, mà nói lời hòa nhã.

7- Đại-thiện-nghiệp không nói lời vô ích, mà nói lời hữu ích.

Đó là 4 khẩu đại-thiện-nghiệp phần nhiều liên quan đến khẩu.

8- Đại-thiện-nghiệp không tham lam của cải của người khác một cách phi pháp.

9- Đại-thiện-nghiệp không thù hận người khác, mà có tâm từ đối với mọi người, mọi chúng-sinh.

10- Đại-thiện-nghiệp chánh-kiến thấy đúng, biết đúng theo thật-tánh của các pháp.

Đó là ba ý thiện-nghiệp thuộc về ý.

Thập thiện-nghiệp này gọi là thiện-pháp của con người (manussadhamma).

* Thập phước-thiện có 10 nhân sinh phước-thiện là:

1- Phước-thiện bố-thí.

2- Phước-thiện giữ-giới.

3- Phước-thiện hành-thiền.

4- Phước-thiện cung-kính.

5- Phước-thiện hỗ-trợ mọi việc phước-thiện.

6- Phước-thiện hồi-hướng phần phước-thiện của mình đến mọi người, mọi chúng-sinh.

7- Phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng.

8- Phước-thiện nghe chánh-pháp của Đức-Phật.

9- Phước-thiện thuyết chánh-pháp của Đức-Phật.

10- Phước-thiện chánh-kiến sở nghiệp.

Nếu người nào giữ gìn ngũ-giới của mình trong sạch và trọn vẹn, hành thập thiện-nghiệp đầy đủ và tạo thập phước-thiện đầy đủ, thì người ấy gọi là người như người thật nghĩa là người ấy có thân người và tâm người.

Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.

2- Manussa-deva: Người như chư-thiên như thế nào?

Người như chư-thiên nghĩa là người ấy có thân người và tâm như chư-thiên.

Tâm chư-thiên có 5 pháp là:

1- Saddhā (Đức-tin): Người có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo; tin nghiệp và quả của nghiệp, tin chỉ có nghiệp là của riêng mình thật sự mà thôi.

2- Sīla (Giới-đức): Người có giới-hạnh trong sạch và trọn vẹn tùy theo địa vị của mỗi người.

3- Suta (Nghe nhiều hiểu rộng): Người thường học hỏi trong chánh-pháp của Đức-Phật, thường gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí, rồi thực-hành theo chánh-pháp của bậc thiện-trí.

4- Cāga (Phước-thiện bố-thí): Người không có tâm keo kiệt, bủn xỉn trong của cải tài sản của mình, bởi vì người ấy suy xét đúng đắn rằng:

“Tất cả mọi thứ của cải trong đời này không hẳn là của riêng ta, chỉ có nghiệp mới thật sự là của riêng ta mà thôi. Vì vậy, ta nên biết sử dụng phần tiền của mà ta đang tạm thời sở hữu, đem ra tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng, bố-thí đến cho người khác, để trở thành đại-thiện-nghiệp bố-thí vĩnh viễn là của riêng ta trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.

Do suy xét như vậy, nên người ấy đem tiền của ra tạo phước-thiện bố-thí đến người khác.

5- Paññā (Trí-tuệ): Người có trí-tuệ học hỏi hiểu biết rõ về pháp-học Phật-giáo, rồi thực-hành pháp-hành thiền-định, hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Nếu người nào có đầy đủ 5 pháp chư-thiên ấy thì người ấy được gọi là người như chư-thiên nghĩa là người ấy có thân người và tâm như chư-thiên.

Trong kiếp hiện-tại, nếu người ấy chưa chứng đắc bậc thiền nào và chưa trở thành bậc Thánh A-ra-hán thì sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới.

3- Manussa-tiracchāna: Người như loài súc-sinh như thế nào?

Người như loài súc-sinh nghĩa là người ấy có thân người và tâm như loài súc-sinh.

Tâm loài súc-sinh là bất-thiện-tâm (ác-tâm) không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi. Loài súc-sinh thường hành động do năng lực của mọi phiền-não, tạo mọi ác-nghiệp. Nếu khi tham-tâm phát sinh thì loài súc-sinh hành động theo tham-tâm, nếu khi sân-tâm phát sinh thì loài súc-sinh hành động theo sân-tâm, nếu khi si-tâm phát sinh thì loài súc-sinh hành động theo si-tâm, loài súc-sinh không biết chế ngự phiền-não, nên tạo mọi ác-nghiệp. 

Người nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, hành động theo năng lực của mọi phiền-não sai khiến, tạo mọi ác-nghiệp. Nếu khi tham-tâm phát sinh thì hành động theo tham-tâm, nếu khi sân-tâm phát sinh thì hành động theo sân-tâm, nếu khi si-tâm phát sinh thì hành động theo si-tâm. Người ấy không biết chế ngự được mọi phiền-não sai khiến, nên tạo mọi ác-nghiệp, tự làm khổ mình, làm khổ người, chúng-sinh khác.

Nếu người nào hành động do năng lực của mọi phiền-não, tạo mọi ác-nghiệp như vậy, thì người ấy bị gọi là người như loài súc-sinh, nghĩa là người ấy có thân người mà tâm như loài súc-sinh.

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau làm loài súc-sinh, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp mới thoát ra khỏi loài súc-sinh ấy.

4- Manussa-peta: Người như loài ngạ-quỷ như thế nào?

Người như loài ngạ-quỷ nghĩa là người ấy có thân người mà tâm như loài ngạ-quỷ.

Tâm loài ngạ-quỷ là tham-tâm thèm muốn, khao khát, bởi vì đói khát, lạnh lẽo không sao chịu đựng nổi, không có nơi nương nhờ, v.v…

Người nào có cuộc sống đói khổ, lạnh lẽo, thiếu thốn mọi thứ, nên tham-tâm thường phát sinh thèm muốn, khao khát do ăn không được no, mặc không được ấm, không có nơi nương nhờ, v.v….

Như vậy, người ấy bị gọi là người như loài ngạ-quỷ, nghĩa là người ấy có thân người mà tâm như loài ngạ-quỷ.

Tuy nhiên nếu người nào có tâm keo kiệt, bủn xỉn trong của cải tài sản của mình, không muốn đem tiền của ra tạo phước-thiện bố-thí đến cho người nghèo khổ khác, thậm chí còn phát sinh tham-tâm vơ vét của người khác đem về làm của riêng mình nữa, do năng lực của tham-tâm tham muốn không biết đủ, người ấy cũng bị gọi là người như loài ngạ-quỷ nghĩa là người ấy có thân người mà tâm như loài ngạ-quỷ.

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong loài ngạ-quỷ, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp mới thoát ra khỏi kiếp ngạ-quỷ ấy.

5- Manussa-nerayika: Người như chúng-sinh trong cõi địa-ngục như thế nào?

Người nào có ác-tâm cướp của giết người, chiếm đoạt của cải tài-sản của công hoặc của người khác một cách phi pháp, hoặc làm những việc phạm pháp, nên người ấy bị bắt, bị đánh đập hành hạ tra khảo, cuối cùng phải chịu tội trước cơ quan pháp luật. Người ấy bị tù đày trong ngục tù, bị hành hạ khổ sai phải chịu bao nỗi khổ cực, bởi vì tội ác của mình.

Người ấy bị giam cầm trong nhà tù, bị hành hạ khổ sai, không được tự do theo ý muốn của mình như vậy, nên người ấy bị gọi là người như chúng-sinh địa-ngục nghĩa là người ấy có thân người mà tâm như chúng-sinh địa-ngục.

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm chúng-sinh trong cõi địa-ngục.

Cõi Nam-thiện-bộ-châu

Con người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu (trái đất mà chúng ta đang sống) có tuổi thọ không nhất định, trong thời-kỳ thiện-pháp tăng trưởng cao thì con người sống trường thọ có tuổi thọ tối đa tột đỉnh là a-tăng-kỳ năm và trong thời-kỳ ác-pháp tăng trưởng cao, thì con người sống yểu thọ có tuổi thọ tột cùng chỉ còn 10 năm.

Con người chết vì 4 nguyên-nhân:

1- Āyukkhaya maraṇa: Chết vì hết tuổi thọ.

2- Kammakkhaya maraṇa: Chết vì mãn nghiệp-hỗ-trợ.

3- Ubhayakkhaya maraṇa: Chết vì hết tuổi thọ và mãn nghiệp-hỗ-trợ cùng một lúc.

4- Upacchedaka maraṇa: Chết vì nghiệp khác cắt đứt sinh-mạng, nhưng tuổi thọ và nghiệp-hỗ-trợ vẫn còn.

Ví như ngọn đèn dầu bị tắt vì 4 nguyên-nhân:

1- Ngọn đèn dầu bị tắt vì hết tim.

2- Ngọn đèn dầu bị tắt vì cạn dầu.

3- Ngọn đèn dầu bị tắt vì hết tim và cạn dầu.

4- Ngọn đèn dầu bị tắt vì gió thổi, vì bị bể…

Cũng như vậy, người chết vì 4 nguyên-nhân:

1- Người chết vì hết tuổi thọ, ví như ngọn đèn dầu bị tắt vì hết tim, nhưng còn dầu.

2- Người chết vì mãn nghiệp-hỗ-trợ, ví như ngọn đèn dầu bị tắt vì cạn dầu, nhưng còn tim.

3- Người chết vì hết tuổi thọ và mãn nghiệp-hỗ-trợ cùng một lúc, ví như ngọn đèn dầu bị tắt vì hết tim và cạn dầu cùng một lúc.

4- Người chết vì tai nạn, vì bệnh nan y, nhưng tuổi thọ và nghiệp-hỗ-trợ vẫn còn, ví như ngọn đèn dầu bị tắt vì gió thổi hoặc vì bị vỡ bể, nhưng tim và dầu vẫn còn. 

Giảng giải

– Người chết vì hết tuổi thọ (āyu): Tuổi thọ con người tùy theo thời đại, nếu người nào chết đúng theo tuổi thọ, thì người ấy chết hợp thời (kālamaraṇa).

– Người chết vì mãn nghiệp-hỗ-trợ (kamma). Nghiệp ở đây có hai loại nghiệp đều mãn là:

  • Janakakamma: Sinh-quả-nghiệp là nghiệp có phận sự cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người và cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh, kiếp hiện-tại, của người ấy.
  • Upatthambhakakamma: Hỗ-trợ-nghiệp là nghiệp có phận sự hỗ trợ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người và có phận sự hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp khác trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh kiếp người ấy được tồn tại cho đến khi mãn quả của nghiệp ấy.

Như vậy, người ấy chết hợp thời (kālamaraṇa).

– Người chết vì tai nạn: Chết vì nghiệp khác phát sinh cắt đứt sinh-mạng của người ấy, dù tuổi thọ và nghiệp-hỗ-trợ vẫn còn.

Như vậy, người ấy chết không hợp thời (akālamaraṇa).

 

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 36 - Cõi Súc-Sinh
Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 38 - Cõi trời dục-giới: Cõi trời Tứ-đại-thiên-vương

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *