Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 21 – Tịnh-hảo tâm-sở: Vô-lượng tâm-sở & Tuệ-chủ tâm-sở

III.3- Appamaññācetasika: Vô-lượng tâm-sở là tịnh-hảo tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 3 đệ-nhất-thiền sắc-giới thiện-tâm, 3 đệ-nhị-thiền sắc-giới thiện-tâm, 3 đệ-tam-thiền sắc-giới thiện-tâm, 3 đệ-tứ-thiền sắc-giới thiện-tâm có đối-tượng chúng-sinh vô lượng.

Appamaññācetasika: Vô-lượng tâm-sở có 2 tâm-sở:

– Karuṇācetasika: Bi tâm-sở.

– Muditācetasika: Hỷ tâm-sở.

III.3.1- Karuṇācetasika: Bi tâm-sở là tâm-sở thương xót chúng-sinh đang khổ (dukkhitasatta-paññatti).

Trạng-thái riêng của karuṇācetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Dukkhāpanayanākārapavattilakkhaṇā: Muốn cứu giúp chúng-sinh khác thoát khỏi khổ là trạng-thái của bi tâm-sở.

2- Paradukkhāsahanarasā: Giúp chúng sinh khác thoát khỏi khổ là phận-sự của bi tâm-sở.

3- Avihiṃsāpaccupaṭṭhānā: Không làm hại chúng sinh là quả hiện hữu của bi tâm-sở.

4- Dukkhābhibhūtānaṃ anāthabhāvadassana-padaṭṭhānā: Thấy chúng sinh trong cảnh cô đơn đang lâm vào cảnh khổ là nguyên-nhân gần phát sinh karuṇācetasika. 

Tâm bi giả là thấy cảnh khổ người khác, không chịu nổi nên phát sinh tâm sầu não. 

Karuṇā: Tâm bi là một đề-mục thiền-định niệm rải tâm bi trong bốn đề-mục thiền-định tứ vô-lượng-tâm. Đề-mục thiền-định niệm rải tâm bi có đối-tượng thiền-định là dukkhitasattapañ-ñatti: chúng-sinh đang trong cảnh khổ, có khả năng chỉ chứng đắc từ đệ-nhất-thiền sắc-giới-tâm cho đến đệ-tứ-thiền sắc-giới-tâm mà thôi.

Đề-mục thiền-định niệm rải tâm bi không có khả năng chứng đắc đệ-ngũ-thiền sắc-giới-tâm, bởi vì đề-mục thiền-định này cần có chi-thiền lạc, mà đệ-ngũ-thiền sắc-giới-tâm chỉ có 2 chi-thiền xả và nhất-tâm mà thôi.

* Karuṇācetasika: Bi tâm-sở đồng sinh với 28 tịnh-hảo-tâm:

– 8 đại-thiện-tâm.

– 8 đại-duy-tác-tâm.

– 3 đệ-nhất-thiền sắc-giới-tâm, 3 đệ-nhị-thiền sắc-giới-tâm, 3 đệ-tam-thiền sắc-giới-tâm, 3 đệ-tứ-thiền sắc-giới-tâm.

* Karuṇācetasika: Bi tâm-sở không đồng sinh với 61 tâm còn lại:

– 12 bất-thiện-tâm.

– 18 vô-nhân-tâm.

– 8 đại-quả-tâm. 

– 3 đệ-ngũ-thiền sắc-giới-tâm.

– 12 vô-sắc-giới-tâm.

– 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm.

III.3.2- Muditācetasika: Hỷ tâm-sở là tâm-sở hoan-hỷ với chúng-sinh đang hưởng an-lạc (sukhitasattapaññatti).

Trạng-thái riêng của muditācetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Parasampatti anupamodanalakkhaṇā: Phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ trong của cải tài-sản, danh tiếng của người khác là trạng-thái của hỷ tâm-sở.

2- Anissāyanarasā: Không có tâm ganh tỵ là phận-sự của hỷ tâm-sở.

3- Arativighātapaccupaṭṭhānā: Diệt tâm ghen ghét là quả hiện hữu của hỷ tâm-sở.

4- Sattanaṃ sampattidassanapadaṭṭhānā: Nhìn thấy của cải tài-sản, danh tiếng của tất cả chúng-sinh là nguyên-nhân gần phát sinh muditācetasika.

Tâm hỷ giả là hoan-hỷ đồng sinh với tham-tâm thấy đối-tượng tốt đáng hài lòng. 

Muditā: Tâm hỷ là một đề-mục thiền-định niệm rải tâm hỷ trong 4 đề-mục thiền-định tứ vô-lượng-tâm. Đề-mục thiền-định niệm rải tâm hỷ có đối-tượng thiền-định là sukhitasattapaññatti: chúng-sinh đang hưởng sự an-lạc, có khả năng chỉ chứng đắc từ đệ-nhất-thiền sắc-giới-tâm cho đến đệ-tứ-thiền sắc-giới-tâm mà thôi.

Đề-mục thiền-định niệm rải tâm hỷ không có khả năng chứng đắc đệ-ngũ-thiền sắc-giới-tâm, bởi vì đề-mục thiền-định này cần có chi-thiền lạc, mà đệ ngũ thiền sắc-giới-tâm chỉ có 2 chi-thiền là xả và nhất-tâm mà thôi.

* Muditācetasika: Hỷ tâm-sở đồng sinh với 28 tịnh-hảo-tâm, và không đồng sinh với 61 tâm còn lại giống như karuṇācetasika: bi tâm-sở.

Vấn: Appamaññā có 4 đề-mục thiền-định tứ vô-lượng-tâm là mettā, karuṇā, muditā, upekkhā, tại sao trong phần appamaññācetasika: vô-lượng tâm-sở chỉ có 2 tâm-sở là karuṇācetasika: bi tâm-sở và muditācetasika: hỷ tâm-sở mà thôi?

Đáp: Appamaññā có 4 đề-mục thiền-định tứ vô-lượng-tâm là mettā, karuṇā, muditā, upekkhā.

* Đề-mục thiền-định niệm rải tâm từ (mettā) đến chúng-sinh vô-lượng có chi pháp là adosa-cetasika: vô-sân tâm-sở có đối-tượng thiền-định là piyamanāpasattapaññatti: chúng-sinh đáng thương đáng kính.

* Đề-mục thiền-định niệm rải tâm bi (karuṇā) đến chúng-sinh vô-lượng có chi pháp là karuṇā-cetasika: bi tâm-sở có đối-tượng thiền-định là dukkhitasattapaññatti: chúng-sinh đang khổ. 

* Đề-mục thiền-định niệm rải tâm-hỷ (muditā) đến chúng-sinh vô-lượng có chi-pháp là muditā-cetasika: hỷ tâm-sở có đối-tượng thiền-định là sukhitasattapaññatti: chúng-sinh đang hưởng sự an-lạc.

* Đề-mục thiền-định niệm rải tâm-xả (upekkhā) đến chúng-sinh vô-lượng có chi-pháp là tatramajjhattatācetasika: trung-dung tâm-sở có đối-tượng thiền-định là majjhattasattapaññatti: chúng-sinh không thương không ghét.

Như vậy, 2 tâm-sở là adosacetasika và tatra-majjhattatācetasika là 2 chi-pháp của đề-mục thiền-định mettā và đề mục thiền-định upekkhā đã trình bày trong phần cetasika, nên chỉ còn karuṇācetasika và muditācetasika mà thôi.

III.4- Paññindriyacetasika có 1 tâm-sở

1- Paññindriyacetasika: Tuệ-chủ tâm-sở là trí-tuệ kammassakatāpaññā biết rõ thiện-nghiệp, bất-thiện-nghiệp nào mà ta đã tạo là của riêng, ta sẽ hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp ấy, và chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy; và là trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp danh-pháp; là trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của sắc-pháp danh-pháp; là trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp, đặc biệt nhất là trí-tuệ-thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn.

Trí-tuệ (paññā) này là chủ (indriya) có khả năng đặc biệt diệt được vô-minh (avijjā), cho nên gọi là paññindriyacetasika: tuệ-chủ tâm-sở.

Trạng-thái của paññindriyacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Dhammasabhāvapaṭivedhalakkhaṇā: Thấy rõ, biết rõ được thật-tánh-pháp là trạng-thái của trí-tuệ tâm-sở.

2- Dhammānaṃ sabhāvapaṭichādakamohan-dhakāraviddhasanarasā: Diệt tâm tối tăm (si-mê) che phủ thật-tánh của các pháp là phận sự của trí-tuệ tâm-sở.

– (vā) tatthappakāsanarasā: Thấy rõ, biết rõ đúng theo thật-tánh của các pháp là phận sự của trí-tuệ tâm-sở.

– (vā) paramatthapakāsanarasā: Thấy rõ, biết rõ sự-thật chân-nghĩa-pháp là phận sự của trí-tuệ tâm-sở.

– (vā) catusaccavibhāvanakiccānarasā: Làm phận sự chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế là phận sự của trí-tuệ tâm-sở.

3- Asammohapaccupaṭṭhānā: Không mê muội có trí-tuệ sáng suốt là quả hiện hữu của trí-tuệ tâm-sở. 

4- Samādhipadaṭṭhānā: Có định-tâm vững vàng là nguyên-nhân gần phát sinh paññindriyacetasika.

* Paññindriyacetasika: Tuệ-chủ tâm-sở chỉ đồng sinh với 47 hoặc 79 tâm như sau:

– 12 dục-giới tịnh-hảo-tâm hợp với trí-tuệ.

– 15 sắc-giới-tâm.

– 12 vô-sắc-giới-tâm.

– 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm mà thôi.

* Trí-tuệ có khả năng như sau:

– Kammassakatāpaññā: Trí-tuệ biết rõ bất-thiện-nghiệp nào, đại-thiện-nghiệp nào mà ta đã tạo rồi thuộc về của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả khổ của ác-nghiệp ấy, thừa hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy.

– Mahaggatapaññā: Trí-tuệ đồng sinh với 15 sắc-giới tâm, 12 vô-sắc-giới-tâm.

– Lokiyavipassanā: Trí-tuệ-thiền-tuệ tam-giới thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của sắc-pháp danh-pháp tam-giới; trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp danh-pháp tam-giới.

– Lokuttaravipassanā: Trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới đồng sinh với 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm và 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới. 

* Paññindriyacetasika: Tuệ-chủ tâm-sở không đồng sinh với 42 tâm còn lại:

– 12 bất-thiện-tâm.

– 18 vô-nhân-tâm.

– 12 tịnh-hảo-tâm không hợp với trí.

 

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 20 - Chế ngự tâm-sở
Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 22 - Bất-định tâm-sở

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *