CHƯƠNG III. ÂN-ĐỨC TAM-BẢO (RATANATTAYAGUṆA)

Quyển I: Tam-Bảo gồm có 2 chương: chương I và chương II đã trình bày xong, tiếp theo quyển II: Quy-Y Tam-Bảo gồm có 2 chương: chương III là Ân-đức Tam- bảo và chương IV Quy-y Tam-bảo sẽ được trình bày:

Chương III là Ân-đức Tam-bảo:

1-   Ân-đức Phật-bảo (Buddhaguṇa),

2-   Ân-đức Pháp-bảo (Dhammaguṇa),

3-   Ân-đức Tăng-bảo (Saṃghaguṇa).

I-    Ân-Đức Phật-Bảo (Buddhaguṇa)

Trong bài kinh Dhajaggasutta, Đức-Phật dạy chư tỳ- khưu niệm 9 ân-đức Phật-bảo như sau:

“Itipi so Bhagavā Arahaṃ, Sammāsambuddho, Vijjācaraṇasampanno, Sugato, Lokavidū, Anuttaro purisadammasārathi, Satthā devamanussānaṃ, Buddho, Bhagavā.”(1)

Đức-Thế-Tôn có đầy đủ 9 ân-đức là Arahaṃ, Sammā- sambuddho, Vijjācaraṇasampanno, Sugato, Lokavidū, Anuttaro purisadammasārathi, Satthā devamanussānaṃ, Buddho, Bhagavā.

9 Ân-đức Phật-bảo này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi-tế, rộng lớn vô lượng vô biên.

Ý Nghĩa 9 Ân-Đức Phật-Bảo

1-   Arahaṃ: Đức A-ra-hán là Bậc cao thượng có thân, khẩu, ý hoàn toàn trong sạch và thanh-tịnh, xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của nhân-loại chư-thiên và phạm-thiên.

2-   Sammāsambuddho: Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác là Bậc tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi ác- pháp không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền- khiên-tật (vāsana), trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi tam-giới chúng-sinh. Do đó, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị.

3- Vijjācaraṇasampanno: Đức Minh-Hạnh-Túc là Bậc có đầy đủ Tam-minh, Bát-minh và 15 Đức-hạnh cao thượng.

4- Sugato: Đức Thiện-Ngôn là Bậc thuyết pháp chân- lý đem lại sự lợi ích thật sự cho chúng-sinh.

5-  Lokavidū: Đức Thông-Suốt Tam-Tổng-Pháp là Bậc thấy rõ, biết rõ tổng các loài chúng-sinh (sattaloka), tổng các cõi chúng-sinh (okāsaloka), tổng các pháp- hành (saṅkhāraloka).

6-  Anuttaro purisadammasārathi: Đức Vô-Thượng Giáo-Hóa Chúng-Sinh là Bậc giáo huấn chúng-sinh cải tà quy chánh, cải ác làm thiện, từ hạng phàm-nhân lên bậc Thánh-nhân.

7- Satthā devamanussānaṃ: Đức Thiên-Nhân-Sư là Bậc Thầy của nhân-loại, chư-thiên, chư phạm-thiên, …

8-      Buddho: Đức-Phật là Bậc tự mình chứng ngộ chân- lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh- đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi tam-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị, rồi Đức-Phật thuyết pháp giáo huấn chúng-sinh có duyên lành cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Ngài, cũng chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn tùy theo năng lực các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp- chủ (indriya): tín pháp-chủ, tấn pháp-chủ, niệm pháp- chủ, định pháp-chủ, tuệ pháp-chủ của mỗi chúng-sinh.

9- Bhagavā: Đức-Thế-Tôn là Bậc có 6 ân-đức đặc biệt do thành tựu đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh Ba-la- mật của Đức-Phật.

Giảng Giải Về 9 Ân-Đức Phật-Bảo

Trong bộ Chú-Giải giảng giải 9 ân-đức Phật-bảo được tóm lược sau đây:

1- Ân-Đức Phật-Bảo Thứ Nhất: Arahaṃ

Itipi so Bhagavā Arahaṃ.

(Cách đọc: Í-tí-pí xô Phá-gá-voa Á-rá-hăng)

Nghĩa:

–   So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.

–   Itipi: Do Ngài là Bậc Thánh A-ra-hán cao thượng có thân, khẩu, ý hoàn toàn trong sạch và thanh-tịnh, xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của nhân-loại, chư- thiên, phạm-thiên, …

–   Arahaṃ: Do đó Đức-Thế-Tôn có ân-đức A-ra-hán.

Arahaṃ có 5 ý nghĩa

–   Arahaṃ có nghĩa là xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường.

–   Arahaṃ có nghĩa là đã xa lìa vĩnh viễn mọi phiền-não.

–   Arahaṃ có nghĩa là đã diệt tận mọi kẻ thù là phiền-não.

–   Arahaṃ có nghĩa là đã phá hủy vòng luân-hồi trong 3 giới 4 loài.

–   Arahaṃ có nghĩa là không bao giờ làm điều ác ở nơi kín đáo.

Giải thích:

1- Arahaṃ có ý nghĩa bậc xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường như thế nào?

Đức-Thế-Tôn là Bậc Tối-Thượng độc nhất vô nhị, trong muôn ngàn cõi tam-giới chúng-sinh. Thật vậy, trong toàn thể chúng-sinh không có một người nào, một Sa-môn, Bà-la-môn, chư-thiên, phạm-thiên, … nào có đầy đủ 5 đức: giới-đức, định-đức, tuệ-đức, giải-thoát- đức, giải-thoát-tri-kiến-đức như Đức-Thế-Tôn.

Đức-Thế-Tôn có đầy đủ 5 đức:

–   Giới-đức trong sạch hoàn toàn thanh-tịnh,

–   Định-đức hoàn toàn thanh-tịnh,

–   Tuệ-đức hoàn toàn thanh-tịnh,

–   Tuệ-giải-thoát-đức hoàn toàn thanh-tịnh,

–   Tuệ-giải-thoát-tri-kiến-đức hoàn toàn thanh-tịnh. Chỉ có Đức-Thế-Tôn mới có đầy đủ 5 đức ấy mà thôi.

Do đó, Đức-Thế-Tôn là Bậc Tối-Thượng nhất trong  toàn tam-giới chúng-sinh, là Bậc xứng đáng cho chúng-sinh lễ bái cúng dường. Chúng-sinh nào lễ bái cúng dường rồi, chúng sinh ấy sẽ được quả báu lớn, sự lợi ích lớn, sự tiến hóa cao thượng, sự an-lạc cao thượng lâu dài. Như Đức-Phật dạy:

–    Này chư tỳ-khưu! Bậc Tối-Thượng độc nhất vô nhị, khi xuất hiện trên thế gian, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho phần đông chúng-sinh, để tế độ chúng-sinh, nhân-loại, chư-thiên, phạm-thiên. Bậc Tối-Thượng độc nhất ấy là ai? Bậc Tối-Thượng độc nhất vô nhị ấy chính là Như-Lai, Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

–    Này chư tỳ-khưu! Như-Lai là Bậc Tối-Thượng độc nhất vô nhị, xuất hiện trên thế gian để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho phần đông chúng-sinh, nhân-loại, chư-thiên, phạm-thiên.”(1)

Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Arahaṃ với ý  nghĩa bậc xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của tất cả chúng-sinh.

2- Arahaṃ có ý nghĩa xa lìa vĩnh viễn mọi phiền-não như thế nào?

Phiền-não dịch từ tiếng Pāḷi: kilesa.

Kilesa: Phiền-não là những bất-thiện tâm-sở đồng sinh với những bất-thiện-tâm làm cho thân tâm nóng nảy, khó chịu, khổ thân, khổ tâm; phiền-não còn làm cho tâm, tâm-sở bị ô nhiễm, khiến tạo nghiệp do thân, khẩu, ý.

Phiền-não có 10 loại

1-  Tham (lobha) là tham tâm-sở đồng sinh với 8 tham-tâm, có trạng thái tham muốn trong đối-tượng.

2- Sân (dosa) là sân tâm-sở đồng sinh với 2 sân-tâm, có trạng thái hung dữ, tàn bạo, không tham muốn trong đối-tượng.

3-  Si (moha) là si tâm-sở đồng sinh với 12 bất- thiện-tâm, có trạng thái si-mê, không biết rõ thật-tánh của các pháp.

4- Tà-kiến (diṭṭhi) là tà-kiến tâm-sở đồng sinh với 4 tham-tâm hợp tà-kiến có trạng thái thấy sai, chấp lầm nơi đối-tượng.

5- Ngã-mạn (māna) là ngã-mạn tâm-sở đồng sinh với 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến, có trạng thái so mình với người: hơn người, bằng người, kém thua người.

6- Hoài-nghi (vicikicchā) là hoài-nghi tâm-sở đồng sinh với 1 si-tâm hợp với hoài-nghi, có trạng-thái hoài- nghi nơi đối-tượng.

7- Buồn-chán (thīna) là buồn-chán tâm-sở đồng sinh với 4 tham-tâm và 1 sân-tâm gồm có 5 bất-thiện-tâm  cần tác-động có trạng-thái không hăng hái, buông bỏ đối-tượng.

8- Phóng-tâm (uddhacca) là phóng-tâm tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm, có trạng-thái không an trụ nơi đối-tượng.

9- Không biết hổ-thẹn (hiri) là không biết hổ-thẹn tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm, có trạng-thái tự mình không biết hổ-thẹn tội-lỗi, khi hành ác.

10- Không biết ghê-sợ (ottappa) là không biết ghê-sợ tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm, có trạng-thái không biết ghê-sợ tội-lỗi, khi hành ác.

Đó là 10 loại phiền-não, mỗi khi có phiền-não nào phát sinh ở bất-thiện-tâm nào, thì không những làm cho tâm bị ô nhiễm, nóng nảy, mà còn làm cho thân cũng nóng nảy, khó chịu, mặt mày mất vẻ tự nhiên.

Tính chất của phiền-não có 3 loại

–     Vītikkamakilesa là phiền-não loại thô, được biểu hiện ra ở thân hành-ác, khẩu nói-ác. Phiền-não loại thô này có thể diệt bằng pháp-hành giới. Hành-giả có tác-ý thiện-tâm (cetanā) tránh xa mọi hành-ác, giữ gìn giới làm cho thân và khẩu được trong sạch, thì diệt-từng-thời phiền-não loại thô này.

–   Pariyuṭṭhānakilesa là phiền-não loại trung phát sinh ở trong tâm, đó là 5 pháp-chướng-ngại(1), làm cho tâm cảm thấy khó chịu, khổ tâm, ngăn cản mọi thiện-pháp. Phiền-não loại trung này có thể diệt bằng pháp-hành thiền-định. Khi hành-giả chứng đắc đệ nhất thiền sắc- giới, nhờ có 5 chi thiền có thể diệt bằng cách chế-ngự, đè nén được phiền-não loại trung này.

–     Anusayakilesa là phiền-não cực kỳ vi-tế ẩn tàng ngấm ngầm ở trong tâm thức, đó là 7 pháp phiền-não ngủ ngầm trong tâm(2) không hiện rõ. Phiền-não loại cực kỳ vi-tế này có thể bị diệt bằng pháp-hành thiền-tuệ. Khi hành-giả chứng đắc 4 Thánh-đạo-tuệ mới có thể diệt tận được phiền-não loại cực kỳ vi-tế này.

Phiền-não tính rộng có 1.500 loại

Khi 10 loại phiền-não kể trên liên quan đến đối-tượng làm nhân duyên để phát sinh phiền-não, tính rộng có 1.500 loại phiền-não.

Cách tính như sau:

75 pháp có thể làm đối-tượng của phiền-não:

Tâm tính là 1 pháp (vì cùng có một trạng-thái biết đối-tượng).

– Tâm-sở tính 52 pháp (mỗi tâm-sở có mỗi trạng-thái riêng biệt).

Sắc-pháp chỉ có 18 sắc-pháp hiện-hữu thật rõ ràng, và 4 pháp-trạng-thái của sắc-pháp.

Như vậy, gồm có (1 + 52 + 18 + 4) = 75 pháp có thể làm đối-tượng của phiền-não.

–   75 pháp này là đối-tượng của phiền-não ở bên trong mình, là kẻ thù bên trong.

–   75 pháp này cũng là đối-tượng của phiền-não ở bên ngoài mình, là kẻ thù bên ngoài.

Đối-tượng của phiền-não bên trong mình có 75 pháp và bên ngoài mình có 75 pháp gồm cả thảy 150 pháp nhân với 10 loại phiền-não (tham, sân, si, tà-kiến, ngã- mạn, hoài-nghi, buồn-chán, phóng-tâm, không hổ-thẹn tội-lỗi, không ghê-sợ tội-lỗi) thành 1.500 loại phiền-não (150 x 10).

Thật ra, 10 loại phiền-não trong 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm) mới làm cho tâm bị ô nhiễm, làm cho tâm nóng nảy, khó chịu, khổ tâm, khổ thân.

Phiền-não làm nhân duyên trực tiếp tạo mọi ác- nghiệp và làm nhân duyên gián tiếp tạo mọi thiện- nghiệp trong tam-giới (do vô-minh làm duyên nên tạo ác-nghiệp, thiện-nghiệp), để rồi cho quả của nghiệp, dẫn dắt trong vòng tử sinh luân-hồi trong 3 giới(1)4 loài(2).

Nghiệp này được dẫn dắt do bởi tham-ái (taṇhā).

Tham-ái (taṇhā) đó là tham tâm-sở (lobhacetasika). Tham-ái có tất cả 108 loại.

Tham-ái có 108 loại

Cách tính 108 loại tham-ái theo 3 tính chất, 6 đối- tương, 2 bên, 3 thời như sau:

3 tính chất của tham-ái:

Dục-ái (kāmataṇhā): Tham-ái trong 6 đối-tượng: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

– Hữu-ái (bhavataṇhā): Tham-ái trong 6 đối-tượng hợp với thường-kiến và tham-ái trong thiền sắc-giới, thiền vô-sắc-giới, trong cõi sắc-giới, cõi vô-sắc-giới.

– Phi-hữu-ái (vibhavataṇhā): Tham-ái trong 6 đối- tượng hợp với đoạn-kiến.

6 đối-tượng của tham-ái:

1- Sắc-ái (rūpataṇhā): Sắc là đối-tượng của tham-ái.

2- Thanh-ái (saddataṇhā): Âm thanh là đối-tượng của tham-ái.

3-   Hương-ái (gandhataṇhā): Hương là đối-tượng của tham-ái.

4-   Vị-ái (rasataṇhā): Vị là đối-tượng của tham-ái.

5-   Xúc-ái (phoṭṭhabbataṇhā): Xúc là đối-tượng của tham-ái.

6-   Pháp-ái (dhammataṇhā): Pháp là đối-tượng của tham-ái.

2   bên:

1- Bên trong: Tham-ái phát sinh bên trong tâm của mình.

2- Bên ngoài: Tham-ái phát sinh bên ngoài mình (của người khác).

3   thời:

1-    Thời quá-khứ: Tham-ái đã phát sinh trong thời quá-khứ.

2-    Thời hiện-tại: Tham-ái đang phát sinh trong thời hiện-tại.

3-   Thời vị-lai: Tham-ái sẽ phát sinh trong thời vị-lai. Như vậy, tham-ái có 3 tính chất nhân với 6 đối-tượng, nhân với 2 bên (trong và ngoài), nhân với 3 thời (quá-khứ, hiện-tại, vị-lai) thành 108 (3 x 6 x 2 x 3) loại tham- ái, là nhân sinh khổ-đế.

Đức-Bồ-Tát Siddhattha tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh- đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được tất cả 1.500 loại phiền-não, 108 loại tham-ái không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền-khiên-tật (vāsanā)(1) do tích lũy  từ vô lượng kiếp ở quá-khứ, tại dưới cội Đại-Bồ-đề, vào canh chót đêm rằm tháng tư, trở thành bậc Thánh A-ra- hán đầu tiên, trong toàn cõi tam-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.

Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Arahaṃ với  ý  nghĩa xa lìa vĩnh viễn mọi phiền-não và tiền-khiên-tật không bao giờ phát sinh được nữa.

3-   Arahaṃ có ý nghĩa diệt tận mọi kẻ thù là phiền-não như thế nào?

Đức-Phật dạy: “Kẻ thù nguy hiểm chính  là  1.500 loại phiền-não của mình”.

Sở dĩ gọi phiền-não là kẻ thù là vì kẻ thù ở trong đời này thường tìm cơ hội làm khổ mình, sát hại mình, không có một kẻ thù nào mong cho mình được an-lạc.

Cũng như vậy, phiền-não phát sinh trong bất-thiện- tâm làm cho mình khổ tâm, khổ thân, nóng nảy, khó chịu và còn khiến mình tạo mọi ác-nghiệp, làm khổ chúng- sinh khác, để rồi phải chịu quả khổ trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp vị-lai.

Sự thật, chỉ có phiền-não bên trong bất-thiện-tâm của mình, mới trực tiếp làm khổ mình, còn phiền-não bên ngoài mình, của người khác, không trực tiếp làm khổ mình được, nếu mình không tiếp nhận.

Ví dụ: Người ta mắng chửi, đánh đập mình, nếu mình có tâm nhẫn-nại, không sân-hận, phiền-não không sinh, thì mình không bị khổ tâm. Nếu tâm phiền-não sân-hận phát sinh, thì chính phiền-não bên trong tâm mình làm cho mình khổ tâm, hoàn toàn không phải phiền-não bên ngoài mình, của người khác, làm cho mình khổ tâm.

Còn phần khổ thân thuộc về quả của nghiệp, không một ai tránh khỏi, dù là Đức-Phật hay chư bậc Thánh A- ra-hán. Đức-Phật và chư bậc Thánh A-ra-hán tuy đã diệt tận được tất cả 1.500 loại phiền-não rồi, hoàn toàn không còn khổ tâm nữa, nhưng còn có sắc thân, nên vẫn còn có khổ thân cho đến khi hết tuổi thọ, tịch diệt Niết- bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài. Khi ấy, mới thật sự giải thoát hoàn toàn mọi cảnh khổ.

Đức-Bồ-Tát Siddhattha đã diệt tận tất cả mọi kẻ thù là 1.500 loại phiền-não, bằng 4 Thánh-đạo-tuệ tại dưới cội Đại-Bồ-đề, vào canh chót đêm rằm tháng tư (âm lịch), trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị, trong toàn cõi tam-giới chúng-sinh, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.

Cho nên, Đức-Thế-Tôn có Ân-đức Arahaṃ với ý nghĩa diệt tận mọi kẻ thù là phiền-não không còn dư sót.

4-    Arahaṃ có ý nghĩa phá hủy vòng luân-hồi trong 3 giới 4 loài như thế nào?

Vòng luân-hồi đó chính là pháp “Thập-nhị-duyên- sinh” (Paṭiccasamuppāda), có 12 chi pháp:

–  Do vô-minh làm duyên, nên pháp-hành phát sinh, (Avijjāpaccayā saṅkhārā)

–  Do pháp-hành làm duyên, nên tâm-thức phát sinh, (Saṅkhārāpaccayā viññāṇaṃ)

Do tâm-thức làm duyên, nên danh-pháp sắc-pháp phát sinh, (Viññāṇapaccayā nāmarūpaṃ)

–  Do danh-sắc làm duyên, nên lục-xứ phát sinh, (Nāmarūpapaccayā saḷāyatanaṃ)

–  Do lục-xứ làm duyên, nên lục-xúc phát sinh, (Saḷāyatanapaccayā phasso)

–  Do lục-xúc làm duyên, nên lục-thọ phát sinh, (Phassapaccayā vedanā)

–  Do lục-thọ làm duyên, nên lục-ái phát sinh, (Vedanāpaccayā taṇhā)

–  Do lục-ái làm duyên, nên tứ-thủ phát sinh, (Taṇhāpaccayā upādānaṃ)

–  Do tứ-thủ làm duyên, nên nhị-hữu phát sinh, (Upādānapaccayā bhāvo)

–  Do nhị-hữu làm duyên, nên tái-sinh phát sinh, (Bhāvapaccayā jāti)

Do tái-sinh làm duyên, nên lão, tử, sầu-não, khóc than, khổ thân, khổ tâm, nỗi khổ cùng cực phát sinh, …

(Jātipaccayā jarā-maraṇa-soka-parideva-dukkha- domanassupāyāsā sambhavanti, … )

Giải Thích

1- Vô-minh (avijjā) đó là si tâm-sở (mohacetasika) đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm.

* Vô-minh không phải là không biết tất cả, mà sự-thật vô-minh chỉ không biết 8 pháp sau đây mà thôi.

1-   Không biết sắc-pháp, danh-pháp tam-giới là Khổ- Thánh-đế,

2-   Không biết tham-ái là Nhân sinh khổ-Thánh-đế,

3- Không biết Niết-bàn là pháp Diệt khổ-Thánh-đế,

4- Không biết pháp-hành bát-chánh-đạo dẫn đến Diệt khổ-Thánh-đế,

5-   Không biết ngũ-uẩn, danh-pháp, sắc-pháp trong quá-khứ,

6-   Không biết ngũ-uẩn, danh-pháp, sắc-pháp trong vị-lai,

7- Không biết ngũ-uẩn, danh-pháp, sắc-pháp trong quá-khứ và vị-lai,

8- Không biết pháp thập-nhị-duyên-sinh.

Vô-minh chỉ không biết 8 pháp này mà thôi, ngoài ra, vô-minh có thể biết các pháp khác.

“Do vô-minh làm duyên, nên pháp-hành phát sinh.”

2-    Pháp-hành (saṅkhārā) đó là tác-ý tâm-sở (cetanā- cetasika đồng sinh với 29 tâm, là quả của vô-minh:

–   Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm,

–   Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm,

–   Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 5 sắc-giới thiện-tâm,

–   Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 vô-sắc-giới thiện-tâm.

Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 29 tâm này là quả của vô- minh, được phát sinh do vô-minh làm duyên.

“ Do pháp-hành làm duyên, nên tâm-thức phát sinh.”

3-     Tâm-thức (viññāṇa) đó là tam-giới quả-tâm-thức gồm có 32 quả-tâm là quả của pháp-hành:

–   Dục-giới quả-tâm-thức có 23 tâm,

–   Sắc-giới quả-tâm-thức có 5 tâm,

–   Vô-sắc-giới quả-tâm-thức có 4 tâm. 32 tam-giới quả-tâm-thức có 2 phận sự:

3.1- Paṭisandhiviññāṇa: Tam-giới tái-sinh-tâm gồm có 19 quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 3 giới 4 loài:

–    1 suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là bất-thiện-quả vô-nhân-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác- giới: cõi địa-ngục, cõi a-su-ra, cõi ngạ-quỷ, loài súc-sinh,

–   1 suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là thiện-quả vô- nhân-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi người hoặc chư-thiên bậc thấp thuộc về hạng đui mù, câm điếc, tật nguyền, … từ khi tái-sinh, hạng người hoặc chư-thiên này gọi là hạng người vô-nhân cõi dục-giới.

–    8 dục-giới quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm người trong cõi người hoặc làm chư-thiên trong 6 cõi trời dục-giới,

–    5 sắc-giới quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm phạm-thiên trên 15 cõi trời sắc-giới,

–     4 vô-sắc-giới quả-tâm làm phận sự tái-sinh  kiếp sau làm phạm-thiên trên 4 cõi trời vô-sắc-giới.

3.2- Pavattiviññāṇa: Tam-giới quả-tâm gồm có 32 tâm làm phận sự sau khi đã tái-sinh kiếp sau:

32 tam-giới quả-tâm này có phận sự thọ nhận quả xấu của bất-thiện-nghiệp hoặc quả tốt của thiện-nghiệp của chúng-sinh ấy.

32 tam-giới quả-tâm này là quả của pháp-hành, được phát sinh do pháp-hành làm duyên.

4-  “Do tâm-thức làm duyên, nên danh-pháp, sắc-pháp phát sinh.”

4-1- Danh-pháp (nāmadhamma) đó chỉ là 35 tâm-sở đồng sinh với 32 tam-giới quả-tâm mà thôi.

4.2- Sắc-pháp (rūpadhamma) là sắc-pháp phát sinh do nghiệp và sắc-pháp phát sinh do tâm, sau khi đã tái-sinh.

Những danh-pháp và sắc-pháp này là quả của tâm- thức, được phát sinh do 32 tam-giới quả-tâm làm duyên.

“Do danh-pháp, sắc-pháp làm duyên, nên lục-xứ phát sinh.”

5-   Lục-xứ (sāḷāyatana) đó là 6 xứ nơi tiếp nhận 6 đối- tượng: nhãn-xứ, nhĩ-xứ, tỷ-xứ, thiệt-xứ, thân-xứ, ý-xứ.

Lục-xứ này là quả của danh-pháp, sắc-pháp, được phát sinh do danh-pháp, sắc-pháp làm duyên.

“Do lục-xứ làm duyên, nên lục-xúc phát sinh.”

6- Lục-xúc (phassa) đó là nhãn-xúc, nhĩ-xúc, tỷ-xúc, thiệt-xúc, thân-xúc, ý-xúc.

Lục-xúc này là quả của lục-xứ, được phát sinh do lục- xứ làm duyên.

“Do lục-xúc làm duyên, nên lục-thọ phát sinh.”

7- Lục-thọ (vedanā) đó là nhãn-xúc-thọ, nhĩ-xúc-thọ, tỷ-xúc-thọ, thiệt-xúc-thọ, thân-xúc-thọ, ý-xúc-thọ.

Lục-thọ này là quả của lục-xúc, được phát sinh do lục- xúc làm duyên.

“Do lục-thọ làm duyên, nên lục-ái phát sinh.”

8- Lục-ái (taṇhā) đó là sắc-ái, thanh-ái, hương-ái, vị- ái, xúc-ái, pháp-ái.

Lục-ái này là quả của lục-thọ, được phát sinh do lục- thọ làm duyên.

“Do lục-ái làm duyên, nên tứ-thủ phát sinh.”

9-    Tứ-thủ (upādāna) đó là 4 pháp chấp-thủ: chấp-thủ trong ngũ-dục, chấp-thủ trong tiền-kiếp, chấp-thủ trong pháp-hành sai, chấp-thủ trong ngã-kiến.

4 pháp chấp-thủ này là quả của lục-ái, được phát sinh do lục-ái làm duyên.

“Do tứ-thủ làm duyên, nên nhị-hữu phát sinh.”

10-   Nhị-hữu (bhava) có 2 loại: nghiệp-hữu và cõi hữu.

10.1- Nghiệp-hữu (kammabhava) đó là tác-ý tâm-sở (cetanācetasika).

–   Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm,

–   Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm,

–   Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 5 sắc-giới thiện-tâm,

–   Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 vô-sắc-giới thiện-tâm.

Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 29 tam-giới tâm này  gọi là nghiệp-hữu.

10.2- Cõi-hữu (uppattibhava) đó là cõi sinh của tất cả chúng-sinh trong tam-giới, gồm có 31 cõi.

Nghiệp-hữu và cõi-hữu này là quả của tứ-thủ, được phát sinh do tứ-thủ làm duyên.

“Do nhị-hữu làm duyên, nên tái-sinh phát sinh.”

11-    Tái-sinh (jāti) đó là tái-sinh kiếp sau, sự sinh đầu tiên của tam-giới quả-tâm trong 3 giới(1), 4 loài (2) thuộc 3 loại chúng-sinh do năng lực quả của thiện-nghiệp hoặc bất-thiện-nghiệp của chúng-sinh ấy.

–     Chúng-sinh có ngũ-uẩn trong 11 cõi dục-giới và 15 cõi sắc-giới (trừ cõi trời sắc-giới Vô-tưởng-thiên).

–     Chúng-sinh có tứ-uẩn (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành- uẩn, thức-uẩn) trong 4 cõi trời vô-sắc-giới.

–      Chúng-sinh có nhất-uẩn là sắc-uẩn trong cõi trời sắc-giới Vô-tưởng-thiên.

Sự tái-sinh đầu tiên của tam-giới quả-tâm và sắc- pháp phát sinh do nghiệp, là quả của nghiệp-hữu, được phát sinh do nghiệp-hữu làm duyên.

“Do tái-sinh làm duyên, nên lão, tử,… phát sinh.”

12- Lão, tử, … (jarā-maraṇa-…) đó là sự già, sự chết,…, là quả của sự tái-sinh.

–   Sự già (jarā) đó là thời gian trụ của tam-giới quả-tâm và sắc-pháp phát sinh do nghiệp, là quả của sự tái-sinh.

– Sự chết (maraṇa) đó là thời gian diệt của tam-giới quả-tâm và sắc-pháp phát sinh do nghiệp gọi là “chết”, là quả của sự tái-sinh.

Sự già, sự chết là quả của sự tái-sinh, được phát sinh do tái-sinh làm duyên.

Thập-nhị-duyên-sinh có 12 chi pháp ví như vòng xích gồm có 12 mắt xích gắn bó lại với nhau.

Cũng như vậy, vòng luân-hồi thập-nhị-duyên-sinh có 12 chi pháp, từ vô-minh đến lão, tử… Mỗi chi pháp không thuần là nhân, không thuần là quả, mà sự thật mỗi chi pháp là quả của chi pháp trước, rồi làm nhân của chi pháp sau liên hoàn với nhau như vậy.

Do đó, nhân và quả trong thập-nhị-duyên-sinh liên quan đến chi pháp trước với chi pháp sau. Nếu chỉ riêng rẽ mỗi chi pháp thì không thể gọi là nhân, cũng không thể gọi là quả.

(Ví dụ: Ông B là con của ông A, cũng là cha của ông C. Nếu chỉ riêng một mình ông B thì không thể gọi là con, cũng không thể gọi là cha.)

Cho nên, vòng luân-hồi thập-nhị-duyên-sinh theo định luật nhân-quả liên-hoàn 12 chi pháp nối dính vào nhau thành vòng không có điểm bắt đầu, cũng không có điểm cuối cùng. 12 chi pháp trong vòng luân-hồi thập-nhị- duyên-sinh phân tích nhân quả theo 3 thời như sau:

*   Vô-minh, hành là nhân quá-khứ.

*    Thức, danh-sắc, lục-nhập, lục-xúc, lục-thọ là quả hiện-tại.

*   Tham-ái, thủ, hữu là nhân hiện-tại.

*   Sinh, già, chết là quả vị-lai.

Đối với chúng-sinh còn có vô-minh và tham-ái, thì vô- minh không phải là điểm bắt đầu, và lão, tử… cũng không phải là điểm cuối cùng.

Thật vậy, vô-minh chỉ là nhân-duyên quá-khứ, không phải là nhân-duyên bắt đầu, vì vô-minh còn là quả của 4 pháp-trầm-luân. Như Đức-Phật dạy:

“Āsavasamudayā avijjāsamudayo …”(1).

“Do có sự sinh của bốn pháp trầm-luân, nên có sự sinh của vô minh …”

Và lão, tử, … chỉ là điểm cuối cùng của mỗi kiếp mà thôi. Chúng-sinh còn vô-minh và tham-ái sau khi chết, thì nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau. Kiếp sau như thế nào, chỉ hoàn toàn tuỳ thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy mà thôi.

Vòng Tam-Luân

Vòng luân-hồi thập-nhị-duyên-sinh có 12 chi pháp này được phân chia thành Tam-luân, luân chuyển theo chiều hướng nhất định như sau:

1-   Phiền-não-luân: Gồm có 3 chi pháp: vô-minh, lục- ái, tứ-thủ.

2-   Nghiệp-luân: Gồm có 2 chi pháp: hành, nghiệp-hữu(1). 3- Quả-luân: Gồm có 8 chi pháp: Cõi-hữu, thức, danh-sắc, lục-nhập, lục-xúc, lục-thọ, sanh, lão tử, …

Vòng luân-hồi “Thập-nhị-duyên-sinh” luân chuyển theo ba luân: Phiền-não-luân → Nghiệp-luân → Quả- luân → Phiền-não-luân … từ kiếp này sang kiếp khác tiếp nối với nhau, từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện-tại, và sẽ còn những kiếp vị-lai, đối với chúng- sinh còn phiền-não-luân.

* Đối với chư bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận được tất cả mọi phiền-não không còn dư sót nữa, phiền-não- luân bị đoạn-tuyệt, thì vòng luân-hồi cũng bị tan rã rời, không còn tiếp tục luân chuyển được nữa, nghĩa là chấm dứt tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Giải Thích Vòng Tam -Luân

Chúng-sinh còn vô-minh, lục-ái, tứ-thủ làm nhân- duyên khiến tạo bất-thiện-nghiệp, thiện-nghiệp do thân, khẩu, ý.

1-      Phiền-Não-Luân Làm Nhân-Duyên Tạo Nghiệp-Luân

*   Phiền-não làm nhân-duyên tạo bất-thiện-nghiệp

Số chúng-sinh do vô minh, không biết rõ bất-thiện- nghiệp (ác-nghiệp) cho quả khổ trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai. Và cũng có số chúng-sinh, tuy có hiểu biết bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) cho quả khổ như vậy, nhưng vì vô-minh, tham-ái có nhiều năng lực, nên xui khiến tạo mọi bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) bằng thân, khẩu, ý như sau:

–   Thân hành ác như: sát sinh, trộm cắp, tà dâm.

–   Khẩu nói ác như: nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích.

–   Ý nghĩ ác như: tham lam, thù hận, tà-kiến, …

*   Phiền-não làm nhân duyên tạo thiện-nghiệp

Số chúng-sinh do vô-minh, không biết rõ chân-lý tứ Thánh-đế, không biết khổ của ngũ-uẩn, do đó, muốn hưởng sự an-lạc tạm thời, nên tạo mọi thiện-nghiệp:

–  Dục-giới thiện-nghiệp cho quả an-lạc trong cõi dục-giới.

–  Sắc-giới thiện-nghiệp cho quả an-lạc trong cõi sắc-giới.

–    Vô-sắc-giới thiện-nghiệp cho quả an-lạc trong cõi vô-sắc-giới.

Sự an-lạc trong cõi tam-giới này không phải là chân- lý, mà chỉ có tính cách tạm thời tùy theo năng lực quả của thiện-nghiệp ấy mà thôi.

Như vậy, gọi là phiền-não luân khiến tạo nghiệp-luân

2-       Nghiệp-Luân Cho Quả-Luân

Chúng-sinh còn phiền-não khiến đã tạo bất-thiện- nghiệp (ác-nghiệp), thiện-nghiệp, nếu khi nghiệp nào có cơ hội thì nghiệp ấy cho quả, chúng-sinh ấy thọ quả của nghiệp ấy.

*   Nếu bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có cơ hội cho quả trong kiếp hiện-tại, thì phải thừa hưởng quả xấu như sau:

–   Nhãn-thức-tâm nhìn thấy những đối-tượng xấu.

–   Nhĩ-thức-tâm nghe những đối-tượng thanh dở.

–   Tỷ-thức-tâm ngửi những đối-tượng mùi hôi.

–   Thiệt-thức-tâm nếm những đối-tượng vị dở.

–   Thân-thức-tâm tiếp xúc những vật thô cứng.

–   Ý-thứ-tâm biết những điều xấu, điều ác.

*     Sau khi chúng-sinh ấy chết, nếu bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì sinh 1 trong 4 cõi ác-giới: Địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh tùy theo năng lực quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) ấy, chúng-sinh ấy phải chịu khổ trong cõi ác-giới, cho đến khi mãn quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) ấy.

*    Nếu thiện-nghiệp có cơ hội cho quả trong kiếp hiện- tại thì được hưởng quả tốt như sau:

–   Nhãn-thức-tâm nhìn thấy những đối-tượng tốt.

–   Nhĩ-thức-tâm nghe những đối-tượng thanh hay.

–   Tỷ-thức-tâm ngửi những đối-tượng mùi thơm.

–   Thiệt-thức-tâm nếm những đối-tượng vị ngon.

–   Thân-thức-tâm tiếp xúc những vật mềm mại.

–   Ý-thứ-tâm biết những điều tốt, điều thiện.

*   Sau khi chúng-sinh ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau đầu-thai làm người trong cõi người, hoặc tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm chư-thiên 1 trong 6 cõi trời dục-giới, hưởng quả an-lạc trong cõi trời dục-giới ấy cho đến khi mãn quả của đại- thiện-nghiệp ấy.

*    Sau khi chúng-sinh ấy chết, nếu sắc-giới thiện- nghiệp cho quả tái-sinh làm phạm-thiên trên 1 trong 16 tầng trời sắc-giới, tùy theo bậc thiền sở đắc của hành- giả. Vị phạm-thiên ấy hưởng quả an-lạc vi-tế hơn ở cõi dục-giới, sống lâu theo tuổi thọ của cõi trời sắc-giới ấy.

*    Sau khi chúng-sinh ấy chết, nếu vô-sắc-giới thiện- nghiệp cho quả tái-sinh làm phạm-thiên trên 1 trong 4 cõi trời vô-sắc-giới, tùy theo bậc thiền sở đắc của hành- giả. Vị phạm-thiên ấy hưởng sự an-lạc vi-tế hơn ở cõi trời sắc-giới, sống lâu theo tuổi thọ của cõi trời vô-sắc- giới ấy.

3-       Quả-Luân Sinh Phiền-Não-Luân

Quả-luân là sự hiện hữu của chúng-sinh trong tam-giới:

–  Chúng-sinh có ngũ-uẩn (sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn) trong 11 cõi dục-giới, 15 cõi sắc-giới.

–     Chúng-sinh có tứ-uẩn (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành- uẩn, thức-uẩn (không có sắc-uẩn) trong 4 cõi vô-sắc-giới.

Chúng-sinh có nhất-uẩn là sắc-uẩn (không có 4 danh-uẩn) trong cõi sắc-giới Vô-tưởng-thiên.

Nếu các chúng-sinh này chưa diệt tận được phiền-não, vô-minh, tham-ái, … khi có cơ hội thì phiền-não phát sinh làm nhân duyên khiến tạo nên thiện-nghiệp hoặc bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp), rồi trở lại vòng Tam-luân chuyển biến không ngừng từ kiếp này sang kiếp khác, trong vòng tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.

Tam-luân này chuyển biến theo định luật nhân và quả như sau:

Phiền-não-luân là nhân, nghiệp-luân là quả; nghiệp- luân là nhân, quả-luân là quả; quả-luân là nhân, phiền- não-luân là quả và tiếp diễn như vậy thành vòng Tam- luân trong vòng luân-hồi thập-nhị-duyên-sinh.

Đức-Thế-Tôn đã diệt tận được tất cả 1.500 loại phiền-não rồi, nhổ tận gốc rễ của vô-minh và tham-ái bằng 4 Thánh-đạo-tuệ rồi. Vòng-tam-luân bị tan rã, tách rời không còn luân chuyển được nữa, do diệt-đoạn- tuyệt được phiền-não-luân.

Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Arahaṃ với  ý  nghĩa phá hủy vòng luân-hồi tử sinh trong 3 giới 4 loài.

5- Arahaṃ có ý nghĩa không bao giờ hành điều ác ở nơi kín đáo như thế nào?

Nơi kín đáo là nơi không một ai thấy, không một ai nghe, không một ai biết, cũng không có một ai có thể nghi ngờ. Như vậy, đối với người có bất-thiện-tâm, nơi kín đáo ấy là nơi dễ hành-ác bằng thân, khẩu, ý, vì không sợ ai chê trách, nhưng đối với Đức-Thế-Tôn là Bậc đã diệt tận tất cả mọi phiền-não, mọi bất-thiện-tâm không còn nữa, nên thân, khẩu, ý của Đức-Phật lúc nào cũng hoàn toàn trong sạch thanh-tịnh.

Cho nên, dầu ở nơi kín đáo, không một ai thấy, không một ai nghe, không một ai biết, cũng không một ai có thể nghi ngờ, thì Đức-Thế-Tôn cũng không bao giờ hành-ác bằng thân, khẩu, ý nữa.

Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Arahaṃ với  ý  nghĩa không bao giờ hành điều ác ở nơi kín đáo.

Ân-đức Arahaṃ có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi-tế, rộng lớn, vô lượng vô biên.

Qua 5 ý nghĩa tóm tắt trên chỉ để hiểu biết rõ phần ý nghĩa về Ân-đức Arahaṃ. Đặc biệt đáng ghi nhớ ý nghĩa “Bậc xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của tất cả chúng-sinh.”

Niệm Ân-Đức Arahaṃ

Các hàng thanh-văn đệ-tử thường niệm tưởng đến Ân- đức Phật-bảo, niệm “ân-đức Arahaṃ” này, sẽ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Thế-Tôn, có trí-tuệ sáng suốt, phát sinh hỷ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Đức-Thế- Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước-thiện được tăng trưởng.

Hành-giả thực-hành đề-mục niệm-niệm Ân-đức Phật- bảo, niệm ân-đức Arahaṃ như sau:

Câu ân-đức Arahaṃ rằng: “Itipi so Bhagavā Arahaṃ, Itipi so Bhagavā Arahaṃ, … Itipi so Bhagavā Arahaṃ,…” làm đối-tượng thiền-định.

Hoặc danh từ ân-đức Arahaṃ rằng: “A-ra-haṃ, … A- ra-haṃ, … A-ra-haṃ, …” làm đối-tượng thiền-định.

Đề-mục thiền-định niệm Ân-đức Phật-bảo, niệm ân- đức Arahaṃ này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi-tế, rộng lớn vô lượng vô biên. Vì vậy, định-tâm không thể an- định vào một pháp nào nhất định làm đối-tượng được, nên chỉ có khả năng dẫn đến chứng đạt cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không có khả năng chứng  đạt đến an-định (appanāsamādhi), nên không thể chứng đắc được bậc thiền sắc-giới nào.

Như vậy, tâm-cận-định này vẫn còn trong dục-giới thiện-tâm. Do năng lực dục-giới thiện-nghiệp thực-hành niệm Ân-đức Phật-bảo, niệm ân-đức Arahaṃ này sẽ cho quả như sau:

Kiếp hiện-tại: Hành-giả là người có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức- Tăng-bảo, có trí-tuệ sáng suốt, phước-thiện tăng trưởng, tránh được mọi tai họa, thân tâm thường an-lạc.

Kiếp vị-lai: Sau khi hành-giả chết, nếu đại-thiện- nghiệp này cho quả tái-sinh làm người thì là người có đầy đủ tam-nhân (vô-tham, vô-sân, vô-si) cao quý, được nhiều người quý mến, kính trọng.

Nếu tái-sinh làm chư-thiên trong cõi trời nào trong 6 cõi trời dục-giới, thì vị chư-thiên ấy có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời, hưởng sự an-lạc cao quý đến hết tuổi thọ trong cõi trời ấy.

Dục-giới thiện-nghiệp niệm Ân-đức Phật-bảo, niệm ân-đức Arahaṃ này có thể cho quả tốt lành suốt nhiều kiếp vị-lai, đặc biệt còn làm duyên lành dễ dàng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh- quả và Niết-bàn trong thời vị-lai.

2-   Ân-Đức Phật-Bảo Thứ Nhì: Sammāsambuddho

Itipi so Bhagavā Sammāsambuddho.

(Cách đọc: Í-tí-pí xô Phá-gá-voa Xăm-ma-xăm-bút-thô)

Nghĩa:

–    So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.

–   Itipi: Do Ngài là Bậc tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi ác-pháp không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền-khiên-tật, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi tam-giới chúng-sinh, nên gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị.

Sammāsambuddho: Do đó, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Chân-Lý Tứ Thánh-Đế

– Khổ-Thánh-đế: Đó là ngũ-uẩn, danh-pháp, sắc- pháp trong tam-giới là pháp nên biết thì Đức-Phật đã biết rõ ngũ-uẩn, khổ-Thánh-đế xong rồi.

– Nhân sinh khổ-Thánh-đế: Đó là tham-ái là pháp nên diệt. Đức-Phật đã diệt tận tất cả mọi tham-ái, nhân sinh khổ-Thánh-đế xong rồi.

Diệt khổ-Thánh-đế: Đó là Niết-bàn là pháp nên chứng ngộ thì Đức-Phật đã chứng ngộ Niết-bàn, diệt khổ

Thánh-đế xong rồi.

Pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế: Đó là pháp- hành bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh: Chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định, là pháp nên tiến hành dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, diệt khổ-Thánh- đế thì Đức-Phật đã tiến hành xong rồi.

Đức-Phật đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi tam-giới chúng-sinh gọi là Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác độc nhất vô nhị.

Đức-Thế-Tôn đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, bằng trí-tuệ quán xét pháp “Thập-nhị-duyên-sinh” như:

“Avijjāpaccayā saṅkhārā”…

“Do vô-minh làm duyên, nên pháp-hành phát sinh”…

Đức-Thế-Tôn đã chứng ngộ khổ-Thánh-đế và nhân sinh khổ-Thánh-đế.

Và trí-tuệ quán xét “Thập-nhị nhân-diệt” như:

“Avijjāyatveva asesavirāganirodhā saṅkhāra- nirodho”…

“Do diệt tận vô-minh, tham-ái không còn dư sót, nên diệt pháp-hành”…

Đức-Thế-Tôn đã chứng ngộ diệt khổ-Thánh-đế và pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế.

Đức-Thế-Tôn đã chứng-ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, theo tam-tuệ-luân, mà Đức-Phật đã khẳng định với nhóm 5 tỳ- khưu trong bài kinh Chuyển-Pháp-Luân(1) rằng:

–    Này chư tỳ-khưu! Khi nào trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của tứ Thánh-đế theo tam-tuệ-luân (trí- tuệ-học, trí-tuệ-hành, trí-tuệ-thành), thành 12 loại trí- tuệ hoàn toàn trong sáng, thanh-tịnh đã phát sinh đến với Như-Lai.

–      Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, Như-Lai khẳng định, truyền dạy rằng: “Như-Lai đã chứng đắc thành Đức- Phật Chánh-Đẳng-Giác vô thượng trong muôn ngàn cõi tam-giới chúng-sinh, nhân-loại, Vua chúa, Sa-môn, Bà- la-môn, chư-thiên, ma-vương, phạm-thiên cả thảy”.

Như vậy, Đức-Thế-Tôn đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo,  4 Thánh-quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong muôn ngàn cõi tam-giới chúng-sinh, nên Đức- Thế-Tôn có ân-đức Sammāsambuddho: Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác.

Ñeyyadhamma

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đặc biệt có đầy đủ 5 pháp Ñeyyadhamma:

Saṅkhāra: Tất cả pháp-hành cấu tạo.

Vikāra: Sắc-pháp, danh-pháp biến đổi.

Lakkhaṇa: Trạng-thái-sinh, trụ, diệt của sắc-pháp, danh-pháp.

– Paññattidhamma: Chế-định-pháp: Chế-định ngôn ngữ, để thuyết giảng chánh-pháp.(1)

Nibbāna: Niết-bàn, pháp diệt khổ-Thánh-đế.

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có đầy đủ 5 pháp ấy, nên Đức-Phật có khả năng chế định ra ngôn ngữ, để thuyết pháp tế độ chúng-sinh

Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sammāsambuddho: Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Niệm Ân-Đức Sammāsambuddho

Các hàng thanh-văn đệ-tử thường niệm tưởng đến ân- đức Phật-bảo, niệm “ân-đức Sammāsambuddho” này,  sẽ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Thế-Tôn, có trí- tuệ sáng suốt, phát sinh hỷ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Đức-Thế-Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước-thiện được tăng trưởng.

Hành-giả thực-hành đề-mục niệm-niệm ân-đức Phật- bảo, niệm ân-đức Sammāsambuddho như sau:

Câu ân-đức Sammāsambuddho rằng: “Itipi so Bhagavā Sammāsambuddho,… Itipi so Bhagavā Sammā-sambuddho, … Itipi so Bhagavā Sammāsambuddho, …” làm đối-tượng thiền-định.

Hoặc danh từ ân-đức Sammāsambuddho rằng: “Sammāsambuddho,… Sammāsambuddho, … Sammā- sambuddhho, …” làm đối-tượng thiền-định.

Đề-mục thiền-định niệm ân-đức Phật-bảo, niệm ân- đức Sammāsambuddho này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi-tế, rộng lớn vô lượng vô biên. Vì vậy, định-tâm không thể an-định vào một pháp nào nhất định làm đối-tượng được, nên chỉ có khả năng dẫn đến chứng đạt cận định (upacārasamādhi) mà thôi, không có khả năng chứng  đạt đến an-định (appanāsamādhi), nên không thể chứng đắc được bậc thiền sắc-giới nào.

Như vậy, tâm cận-định này vẫn còn trong dục-giới thiện-tâm.

Do năng lực dục-giới thiện-nghiệp thực-hành niệm ân-đức Phật-bảo này sẽ cho quả như sau:

Kiếp hiện-tại: Hành-giả là người có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức- Tăng-bảo, có trí-tuệ sáng suốt, phước-thiện tăng trưởng, tránh được mọi tai họa, thân tâm thường an-lạc.

Kiếp vị-lai: Sau khi hành-giả chết, nếu đại-thiện- nghiệp này cho quả tái-sinh làm người thì sẽ là người có đầy đủ tam-nhân (vô-tham, vô-sân, vô-si) cao quý, được nhiều người quý mến, kính trọng.

(Phần còn lại giống như Ân-đức Arahaṃ)

3- Ân-Đức Phật-Bảo Thứ Ba: Vijjācaraṇasampanno

Itipi so Bhagavā Vijjācaraṇasampanno.

(Cách đọc: Í-tí-pí xô Phá-gá-voa Vít-chà-chá-rá-ná-xăm-păn-nô)

Nghĩa:

–   So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.

–   Itipi: Do Ngài là Bậc có đầy đủ tam-minh, bát-minh và 15 đức-hạnh cao thượng,

Vijjācaraṇasampanno: Do đó, Đức-Thế-Tôn có ân- đức Minh-Hạnh-Túc.

Tam-Minh

1- Tiền-kiếp-minh (Pubbenivāsānussatiñāṇa) là trí- tuệ thấy rõ, biết rõ, nhớ rõ trở lại tiền-kiếp từ một kiếp, hằng trăm kiếp, hằng ngàn kiếp, hằng vạn kiếp, hằng triệu kiếp, hằng triệu triệu kiếp. Đức-Phật Chánh-Đẳng- Giác có khả năng ghi nhớ lại vô số kiếp không có giới hạn (còn Tiền-kiếp-minh của Đức-Phật Độc-Giác, bậc Thánh thanh-văn-giác có giới hạn).

Tiền-kiếp-minh là trí-tuệ biết rõ tiền-kiếp thuộc loại chúng-sinh nào, tên gì, thuộc dòng dõi nào, tạo thiện- nghiệp, bất-thiện-nghiệp, thực-hành pháp-hạnh ba-la- mật, … tuổi thọ, … đều ghi nhớ rõ ràng mọi chi tiết.

2-  Thiên-nhãn-minh (Dibbacakkhuñāṇa) là trí-tuệ thấy rõ, biết rõ kiếp quá khứ, kiếp vị-lai của tất cả chúng-sinh như mắt của chư-thiên, phạm-thiên. Thiên- nhãn-minh có 2 loại:

–   Tử-sinh-minh (Cutūpapātañāṇa) là trí-tuệ biết rõ sự tử, sự tái-sinh của tất cả chúng-sinh. Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác có tử-sinh-minh này biết rõ chúng-sinh sau khi chết rồi, nghiệp nào cho quả tái-sinh trong cảnh giới nào.

Vị-lai-kiến-minh (Anāgataṃsañāṇa) là trí-tuệ thấy rõ những kiếp vị-lai của chúng-sinh. Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác dùng vị-lai-kiến-minh này để thọ ký chúng- sinh trong những kiếp vị-lai xa xăm, còn thời gian bao nhiêu đại-kiếp trái-đất nữa, sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Phật Độc-Giác, bậc Thánh thanh-văn-giác, …

3-  Trầm-luân-tận-minh (Āsavakkhayañāṇa) là trí- tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới, đó là 4 Thánh-đạo-tuệ diệt tận được 4 pháp phiền-não trầm-luân (āsava) không còn dư sót, đồng thời Đức-Thế-Tôn tận diệt được tất cả mọi tiền-khiên-tật (vāsanā) do tích lũy từ vô lượng kiếp  trong quá-khứ.

Bát-Minh

1-   Tiền-kiếp-minh (Pubbenivāsānussatiñāṇa).

2-   Thiên-nhãn-minh (Dibbacakkhuñāṇa).

3-   Trầm-luân-tận-minh (Āsavakkhayañāṇa).

4- Thiền-tuệ-minh (Vipassanāñāṇa) là trí-tuệ-thiền- tuệ tam-giới thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc- pháp, danh-pháp tam-giới, và trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam- giới chứng đắc 4 Thánh-đạo-tuệ, 4 Thánh-quả-tuệ và Niết-bàn.

5- Tha-tâm-minh (Cetopariyañāṇa) là trí-tuệ có khả năng biết đến tâm của người khác, chúng-sinh khác đang nghĩ gì, thiện-tâm hoặc bất-thiện-tâm, …

6- Hóa-tâm-minh (Manomayiddhiñāṇa) là trí-tuệ có khả năng hóa thân khác theo mong muốn của mình, do năng lực của thiền-định.

Như trường hợp Đức-Phật Gotama thuyết tạng Vi- Diệu-Pháp vào hạ thứ bảy tại cung trời Tam-thập-tam-thiên suốt ba tháng hạ. Mỗi ngày đến giờ đi khất thực, Đức-Phật hóa thân khác như Đức-Phật tiếp tục thuyết pháp, còn chính Đức-Phật thật đi khất thực ở Bắc-câu- lưu-châu. Khi độ ngọ xong, Đức-Phật trở lại cung trời thay thế Đức-Phật hóa thân ấy.

7-    Thiên-nhĩ-minh (Dibbasotañāṇa) là trí-tuệ có khả năng nghe được mọi thứ tiếng người, tiếng súc-sinh, tiếng chư-thiên gần xa, do năng lực thiền-định, như tai của chư-thiên, phạm-thiên.

8-    Đa-dạng-minh (Iddhividhañāṇa) là trí-tuệ có khả năng biến hóa nhiều phép thần thông khác nhau, do năng lực thiền-định, như một người hóa thành nhiều người, tàng hình không ai thấy, hiện hình nơi khác, đi xuyên qua núi, đi trên hư không, …

15 Đức Hạnh Cao thượng

1-   Giới đức: Hoàn toàn trong sạch và thanh-tịnh.

2-    Giữ gìn lục-căn thanh-tịnh: Giữ gìn thận trọng khi mắt thấy, khi tai nghe, khi mũi ngửi, khi lưỡi nếm, khi thân tiếp xúc, khi tâm suy nghĩ hoàn toàn thanh-tịnh.

3- Biết tri-túc trong vật thực: Nhận vật thực vừa đủ, khi thọ thực đàng hoàng, còn 4 – 5 miếng nữa đủ no, biết ngừng lại để dành uống nước, không dùng quá no.

4- Tinh-tấn tỉnh-thức: Ngày, đêm tinh-tấn hành phận- sự, nghĩa là suốt ngày không ngủ, ban đêm có 3 canh; canh đầu (18 đến 22 giờ): Ngồi hành đạo, đi kinh hành; canh giữa (22 đến 2 giờ khuya): Nằm nghỉ ngủ trong tư thế nằm nghiêng bên phải, có trí-nhớ, trí-tuệ trước khi ngủ, sẽ thức dậy lúc cuối canh giữa, canh chót (2 giờ đến 6 giờ sáng): Hành đạo, đi kinh hành, … gọi là tinh- tấn luôn luôn tỉnh thức.

5-   Đức-tin: Có đức-tin không lay chuyển.

6-   Trí nhớ: Thường có trí nhớ.

7-  Hổ-thẹn: Biết hổ-thẹn tội-lỗi, không làm mọi ác-nghiệp.

8- Ghê-sợ: Biết ghê-sợ tội-lỗi, không làm mọi ác-nghiệp.

9- Đa-văn túc-trí: Học nhiều hiểu rộng tất cả các pháp.

10- Tinh-tấn: Có tâm tinh-tấn không ngừng nghỉ.

11- Trí-tuệ: Có trí-tuệ hiểu biết rõ tất cả các pháp.

12-    Đệ nhất thiền: Có đệ nhất thiền sắc-giới và vô- sắc-giới.

13-  Đệ nhị thiền: Có đệ nhị thiền sắc-giới và vô-sắc-giới.

14-  Đệ tam thiền: Có đệ tam thiền sắc-giới và vô- sắc-giới.

15-   Đệ tứ thiền: Có đệ tứ thiền sắc-giới và vô-sắc-giới. Đó là 15 Đức hạnh cao thượng.

Đức-Thế-Tôn có đầy đủ trọn vẹn tam-minh, bát-minh và 15 đức-hạnh cao thượng hợp với đại-bi-tâm, tế độ chúng-sinh có hữu duyên nên tế độ để chúng-sinh ấy giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.

Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Vijjācaraṇa- sampanno: Ân-đức Minh-Hạnh-Túc.

Niệm Ân-Đức Vijjācaraṇasampanno

Các hàng thanh-văn đệ-tử thường niệm tưởng đến ân- đức Phật-bảo, niệm“ân-đức Vijjācaraṇasampanno” này, sẽ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Thế-Tôn, có trí- tuệ sáng suốt, phát sinh hỷ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Đức-Thế-Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước-thiện được tăng trưởng.

Hành-giả thực-hành đề-mục niệm-niệm ân-đức Phật- bảo, niệm ân-đức Vijjācaraṇasampanno như sau:

Câu ân-đức Vijjācaraṇasampanno rằng: “Itipi so Bhagavā Vijjācaraṇasampanno, … Itipi so Bhagavā Vijjācaraṇasampanno, … Itipi so Bhagavā Vijjācaraṇa- sampanno, …” làm đối-tượng thiền-định.

Hoặc danh từ ân-đức Vijjācaraṇasampanno rằng: “Vijjācaraṇasampanno, … Vijjācaraṇasampanno, … Vijjācaraṇasampanno, …” làm đối-tượng thiền-định.

Đề-mục thiền-định niệm ân-đức Phật-bảo, niệm ân- đức Vijjācaraṇasampanno này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi-tế, rộng lớn vô lượng vô biên. Vì vậy, định-tâm không thể an-định vào một pháp nào nhất định làm đối- tượng được, nên chỉ có khả năng dẫn đến chứng đạt cận định (upacārasamādhi) mà thôi, không có khả năng chứng đạt đến an-định (appanāsamādhi), nên không thể chứng đắc được bậc thiền sắc-giới nào.

Như vậy, tâm cận-định này vẫn còn trong dục-giới thiện-tâm.

(Phần còn lại giống như Ân-đức Arahaṃ.)

Chương II - Duyên Lành Nơi Tam-Bảo
CHƯƠNG III – Ân-Đức Phật-Bảo Thứ Tư: Sugato

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *