Lễ Dâng Y Kathina – Kathina Nghĩa Là Gì? Dâng Y Thường & Dâng Y Kathina?

Kathina nghĩa là gì?

Danh từ kathina có nhiều nghĩa, trong bộ Vimativinodanīṭīkā, bộ Vajirabuddhiṭīka định nghĩa rằng:

“Kathinan’ti pañcānisaṃse anto karaṇasamat- thatāya thiranti attho”.

Kathina: nghĩa là “vững chắc” bởi vì có khả năng làm cho 5 quả báu được duy trì trong suốt khoảng thời gian 5 tháng kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 2, hết quả báu của kathina.

Tấm y kathina là tấm y nào?

Đức Phật chế định cho phép nhiều loại y như:

-Tấm y 2 lớplà tấm y dùng để đắp mùa lạnh, gọi là tấm y saṃghāṭi.

– Tấm y vai trái là tấm y mặc che phủ từ cổ xuống dưới đầu gối 4 lóng tay, gọi là tấm y uttarasaṅga.

-Tấm y nộilà tấm y mặc che phủ trên lỗ rún xuống dưới đầu gối 8 lóng tay, gọi là tấm y antaravāsaka.

– Tấm y tắm mưa là tấm y dùng để tắm trong mùa mưa, gọi là tấm y vassikasāṭikā.

– Các tấm y phụ là những tấm y mặc thay cho tấm y trên, gọi là y cīvaraparikkhāracoḷa.

Trong các loại y trên, Đức Phật cho phép tấm y để làm lễ thọ kathina là 1 trong 3 tấm y:Tấm y saṃghāṭi, hoặc tấm y uttarasaṅga, hoặc tấm y antaravāsaka, còn lại các tấm y khác không thể làm lễ dâng y kathina được.

Tấm Y Thường Dùng Và Tấm Y Kathina

* Tấm y thường dùng gồm các tấm y như tấm y saṃghāṭi, tấm y uttarasaṅga, tấm y antaravāsaka, các tấm y cīvaraparikkhāracoḷa, v.v… mà vị tỳ khưu có thể xin từ mẫu thân, phụ thân, bà con thân quyến đã từng thỉnh mời, thậm chí có thể xin từ thí chủ đã từng thỉnh mời rằng:

“Kính bạch Ngài Đại đức, khi Ngài cần tấm y nào, kính xin Ngài nói cho con biết, con sẽ dâng tấm y ấy đến cho Ngài”.

Như vậy, khi nào vị tỳ khưu cần đến y, có thể đến xin y từ người thí chủ ấy, mà không có lỗi.

* Tấm y kathinachỉ là 1 trong 3 tấm y:Tấm y saṃghāṭi, hoặc tấm y uttarasaṅga, hoặc tấm y antaravāsaka mà Đức Phật cho phép chư tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa, được phép làm lễ thọ y kathina.

Tấm y kathina này được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch do thiện tâm trong sạch của thí chủ; tấm y kathina có được không phải do vị tỳ khưu biểu lộ bằng lời nói để cho thí chủ biết, hoặc xin trực tiếp hoặc gián tiếp từ thí chủ.

Trong chú giải Tạng Luật, bộ Mahāvagga atthakathā dạy rằng:

“Animittakatena atthataṃ hoti kathinaṃ, (1)

“Vị tỳ khưu làm lễ thọ y kathina với tấm y không phải biểu lộ bằng lời nói để cho thí chủ biết, hoặc vị tỳ khưu làm lễ thọ y kathina với tấm y không trực tiếp hoặc gián tiếp nói xin thí chủ”.

Bởi vì tấm y kathina phải được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch và cao quý, không do tỳ khưu động viên khuyến khích thí chủ làm lễ dâng y kathina.

Thật vậy, trong Chú giải Tạng Luật dạy rằng:

“Kathinaṃ nāma ati ukkaṭṭhaṃ vaṭṭati, mātarampi viññāpetuṃ na vaṭṭati, ākāsato aparikathākatena atthataṃ hoti kathinaṃ”. otiṇṇasadisameva vaṭṭati”.(2)

“Gọi tấm y kathina là tấm y được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch và cao quý tuyệt vời, cho nên, tỳ khưu làm lễ thọ y kathina không được phép xin tấm y, dù người thí chủ ấy là mẫu thân của mình. Tấm y kathina nên được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch, ví như từ trên hư không rơi xuống”.

1-2 Chú giải Tạng Luật, bộ Mahāvagga, Kathinakkhandhaka.

Thời Gian Dâng Y Thường Dùng Và Dâng Y Kathina

* Thời gian dâng y thường dùng

Trong một năm có 12 tháng, thí chủ có thể làm lễ dâng y thường dùng bất cứ tháng nào, ngày nào, giờ nào không hạn định, không bắt buộc, hoàn toàn tuỳ ý của thí chủ. Còn chư tỳ khưu có thể thọ nhận y mà thí chủ đem đến làm lễ dâng y thường dùng bất cứ thời gian nào, cũng không hạn định.

* Thời gian dâng y kathina

Trong một năm có 12 tháng, Đức Phật cho phép chư tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa xong rồi, chư tỳ khưu Tăng ấy được phép thọ y kathina, bắt đầu từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 10. Trong khoảng thời gian 30 ngày ấy, chỉ có một ngày, đối với chư tỳ khưu đã an cư nhập hạ tại một ngôi chùa hoặc tại một nơi chốn nào đó, chư tỳ khưu ấy chỉ được phép một lần thọ nhận y kathina, mà thí chủ đem đến làm lễ dâng y kathina mà thôi; còn lại 29 ngày khác, chư tỳ khưu ấy không được phép thọ nhận y kathina nữa.

Còn thí chủ có thể làm lễ dâng y kathina đến chư tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa, kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 10. Trong khoảng thời gian 30 ngày hay 1 tháng ấy, thí chủ có thể làm lễ dâng y kathina, còn 11 tháng còn lại, thí chủ không thể làm lễ dâng y kathina được.

Chỗ Ở Được Dâng Y Thường Dùng Và Dâng Y Kathina

* Chỗ ở được dâng y thường dùng

Là chỗ ở của chư tỳ khưu, như một ngôi chùa, hoặc một nơi thanh vắng trong rừng núi, hang động, hoặc tại nhà thí chủ, v.v… Thí chủ có đức tin trong sạch đem các tấm y đến làm lễ dâng y thường dùng đến chư tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna) hoặc cá nhân tỳ khưu (paṭipuggalikadāna) tại nơi ấy, bao nhiêu lần trong một năm, trong một tháng, trong một ngày cũng được, không hạn chế.

* Chỗ ở được dâng y kathina

Là chỗ ở mà chư tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa tại một ngôi chùa hoặc một nơi thanh vắng trong rừng núi, hang động, v.v… Thí chủ có đức tin trong sạch đem một tấm y đến làm lễ dâng y kathina đến chư tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna), không phải đến cá nhân tỳ khưu (paṭipuggalikadāna). Tại nơi ấy, chư tỳ khưu Tăng được phép thọ nhận y kathina của thí chủ chỉ có một lần trong một ngày nào trong khoảng thời gian kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 10 là hết hạn dâng y kathina.

Cách Dâng Y Thường Dùng Và Dâng Y Kathina

* Bố thí (dâng) có 2 cách:
– Paṭipuggalikadāna: dâng đến cá nhân.
– Saṃghikadāna: dâng đến chư tỳ khưu Tăng.

1- Dâng (bố thí) đến cá nhân có 14 trường hợp:

Trong kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta, Đức Phật dạy làm phước dâng đến cá nhân có 14 trường hợp như sau:

1- Dâng cúng dường đến Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

2- Dâng cúng dường đến Đức Phật Độc Giác.

3- Dâng cúng dường đến bậc Thánh A-ra-hán.

4- Dâng cúng dường đến bậc Thánh Bất Lai đang thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán.

5- Dâng cúng dường đến bậc Thánh Bất Lai.

6- Dâng cúng dường đến bậc Thánh Nhất Lai đang thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai.

7- Dâng cúng dường đến bậc Thánh Nhất Lai.

8- Dâng cúng dường đến bậc Thánh Nhập Lưu đang thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh Nhất Lai.

9- Dâng cúng dường đến bậc Thánh Nhập Lưu.

10- Dâng cúng dường đến hành giả đang thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu.

11- Làm phước cúng dường đến hành giả ngoài Phật giáo, vị ấy đã chứng đắc các bậc thiền sắc giới, thiền vô sắc giới, có ngũ thông.

12- Làm phước cúng dường đến hạng phàm nhân có giới trong sạch như tỳ khưu, Sadi, cận sự nam, cận sự nữ, …

13- Làm phước bố thí đến hạng người không có giới.

14- Làm phước bố thí đến các loài súc sinh.

2- Dâng cúng dường đến chư Tăng có 7 trường hợp

Trong kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta, Đức Phật dạy dâng cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng có 7 trường hợp như sau:

1- Dâng cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng và chư tỳ khưu ni Tăng có Đức Phật chủ trì.

2- Dâng cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng và chư tỳ khưu ni Tăng, sau khi Đức Phật đã tịch diệt Niết Bàn rồi.

3- Dâng cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng (Bhikkhusaṃgha).

4- Dâng cúng dường đến chư tỳ khưu ni Tăng (Bhikkhunisaṃgha).

5- Dâng cúng dường đến một số tỳ khưu Tăng và một số Tỳ khưu ni Tăng.

6- Dâng cúng dường đến một số tỳ khưu Tăng. 7- Dâng cúng dường đến một số tỳ khưu ni Tăng.

* Cách dâng y thường dùng

Thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, đem các y thường dùng dâng đến cá nhân tỳ khưu (paṭipuggalikadāna) hoặc dâng đến chư tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna) cũng được, tuỳ theo tác ý thiện tâm của thí chủ.

* Cách dâng y kathina

Thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo có trí tuệ hiểu biết rõ rằng: Tấm y kathina chỉ dâng đến chư tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna) mà thôi, không phải dâng đến cá nhân tỳ khưu (paṭi- puggalikadāna).

Người Thí Chủ – Người Thọ Thí

Trong kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta, Đức Phật dạy Ngài Ānanda rằng:

– Này Ānanda, thiện tâm trong sạch của người bố thí và người thọ thí có 4 trường hợp:

1- Người bố thí có thiện tâm trong sạch, còn người thọ thí không có tâm trong sạch.

2- Người bố thí không có tâm trong sạch, còn người thọ thí có thiện tâm trong sạch.

3- Người bố thí và người thọ thí đều có tâm không trong sạch.

4- Người bố thí và người thọ thí đều có thiện tâm trong sạch.

– Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí có thiện tâm trong sạch, còn người thọ thí không có tâm trong sạch?

Trường hợp này, người bố thí là người có giới đức trong sạch, hành thiện pháp; còn người thọ thí là người phạm giới, hành ác pháp.

Như vậy, gọi là người bố thí có thiện tâm trong sạch, còn người thọ thí không có tâm trong sạch.

– Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí không có tâm trong sạch, còn người thọ thí có thiện tâm trong sạch?

Trường hợp này, người bố thí là người phạm giới, hành ác pháp; còn người thọ thí là người có giới đức trong sạch, hành thiện pháp.

Như vậy, gọi là người bố thí không có tâm trong sạch, còn người thọ thí có thiện tâm trong sạch.

– Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí và người thọ thí đều có tâm không trong sạch?

Trường hợp này, cả người bố thí lẫn người thọ thí đều là những người phạm giới, hành ác pháp

Như vậy, gọi là người bố thí và người thọ thí đều có tâm không trong sạch.

– Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí và người thọ thí đều có thiện tâm trong sạch?

Trường hợp này, cả người bố thí lẫn người thọ thí đều là những người có giới đức trong sạch, hành thiện pháp.

Như vậy, gọi là người bố thí và người thọ thí đều có thiện tâm trong sạch.

* Quả báu của paṭipuggalikadāna

Quả báu của phước thiện cúng dường đến 14 hạng cá nhân, Đức Phật dạy mỗi hạng khác biệt nhau như sau:

– Thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch làm phước thiện bố thí đến loài súc sinh như chim, cá, … thì thí chủ sẽ hưởng được 5 quả báu: Sống lâu, sắc đẹp, an lạc, sức mạnh và trí tuệ được 100 kiếp.

– Thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch làm phước thiện bố thí đến người không có giới, thì thí chủ sẽ hưởng được 5 quả báu: Sống lâu, sắc đẹp, an lạc, sức mạnh và trí tuệ được 1000 kiếp.

– Thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch làm phước thiện cúng dường đến người có giới hạnh trong sạch, như Tỳ khưu, Sadi, cận sự nam, cận sự nữ, thì thí chủ sẽ hưởng được 5 quả báu: Sống lâu, sắc đẹp, an lạc, sức mạnh và trí tuệ được 100 ngàn kiếp (cả trong cõi người lẫn cõi trời dục giới).

– Thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch làm phước thiện cúng dường đến bậc thiện trí ngoài Phật giáo, vị ấy đã chứng đắc các bậc thiền sắc giới, thiền vô sắc giới, có thần thông, thì thí chủ sẽ hưởng được 5 quả báu: Sống lâu, sắc đẹp, an lạc, sức mạnh và trí tuệ được triệu triệu kiếp (1.000 tỷ kiếp) (cả trong cõi người lẫn cõi trời dục giới).

– Thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch làm phước thiện cúng dường đến hành giả đang thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, thì thí chủ sẽ hưởng được 5 quả báu: Sống lâu, sắc đẹp, an lạc, sức mạnh và trí tuệ vô số kiếp (cả trong cõi người lẫn cõi trời dục giới).

– Thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch dâng cúng dường đến bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai, bậc Thánh A-ra-hán, chư Phật Độc Giác, Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thì thí chủ sẽ hưởng được 5 quả báu cao quý đặc biệt trong mỗi cõi được tái sinh. Nếu thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người, thì sẽ là người cao quý đặc biệt, hoặc nếu thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chư thiên trong cõi trời dục giới nào, thì sẽ là chư thiên cao quý có hào quang sáng ngời đặc biệt hơn các chư thiên khác, được vô số kiếp không sao kể xiết. Đặc biệt, thí chủ đã gieo được duyên lành, chắc chắn sẽ được giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

* Quả báu của saṃghikadāna

Quả báu của phước thiện dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna) trong 7 trường hợp, chắc chắn nhiều hơn quả báu của phước thiện cá nhân thí (paṭipuggalikadāna) gấp bội phần.

Trong 7 trường hợp thí chủ làm phước thiện dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng, quả báu của mỗi trường hợp chắc chắn có sự khác biệt, nhưng vì lớn lao vô lượng nên không sao kể xiết được.

Trong kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta, Đức Phật dạy Ngài Đại đức Ānanda có một đoạn rằng:

– Này Ānanda, trong thời vị lai sau này, sẽ có số người gọi là “bhikkhu: tỳ khưu”, chỉ còn mảnh y nhỏ quấn cổ, là người không có giới, hành ác pháp. Thí chủ có đức tin trong sạch làm phước thiện dâng cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng, dù trong nhóm có tỳ khưu không có giới ấy.

– Này Ānanda, phước thiện cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng, mặc dù trong nhóm có tỳ khưu không có giới trong thời kỳ ấy. Như Lai dạy rằng: “Quả báu của phước thiện bố thí ấy vô lượng không sao kể được (asaṅkheyyaṃ), không sao lường được (appameyyaṃ)”.

– Này Ānanda, Như Lai không dạy rằng: “Làm phước thiện cúng dường đến cá nhân sẽ hưởng quả báu nhiều hơn làm phước thiện dâng cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng”.

 

Quả Báu Của Lễ Dâng Y Thường Dùng Và Lễ Dâng Y Kathina

1- Quả báu của lễ dâng y thường dùng

Thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, cung kính làm lễ dâng các y thường dùng đến cá nhân tỳ khưu (paṭi- puggalikadāna) hoặc dâng đến chư tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna). Sau khi thí chủ đã thành tựu được phước thiện dâng y rồi, quả báu của phước thiện dâng y vô cùng phong phú tuỳ theo lời phát nguyện của thí chủ.

Ví dụ:

* Tích Đức Bồ Tát kiếp đầu tiên của Đức

Phật Gotama, được tóm lược như sau:

Đức Thế Tôn ngự trên tảng đá quý cùng với số đông chư tỳ khưu Tăng ở ven rừng có nhiều cây hoa thơm gần hồ Anotatta. Khi ấy Đức Thế Tôn truyền dạy về thiện nghiệp của Ngài đã tạo trong tiền kiếp đầu tiên rằng:

– Này chư tỳ khưu, các con nên lắng nghe thiện nghiệp mà Như Lai đã tạo trong tiền kiếp. Như Lai thấy một vị tỳ khưu hành pháp hạnh đầu đà sống trong rừng, nên phát sinh đức tin trong sạch và dâng cúng dường đến vị tỳ khưu ấy một tấm vải cũ. Ngay khi ấy, Như Lai phát sinh tâm đại bi, có ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, để tế độ cứu vớt chúng sinh thoát khỏi biển khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài. Đó là tiền kiếp Đức Bồ Tát đầu tiên của Như Lai có ý nguyện trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác. Chính nhờ thiện nghiệp bố thí cúng dường “tấm vải cũ” trong tiền kiếp đầu tiên ấy, dẫn đến kiếp hiện tại đã trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, có danh hiệu Đức Phật Gotama.

* Tích chuyện tiền kiếp của Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī, bậc Thánh nữ Tối thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama, xuất sắc nhất về thần thông, được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, tại vương quốc Bārāṇasī tiền kiếp của Ngài Đại đức tỳ khưu ni Uppalavaṇ- ṇattherī là một cô gái sinh trong một gia đình nghèo khó. Vào ngày lễ hội, cô nhìn thấy các cô gái khác cùng trang lứa ăn mặc y phục bằng tấm vải choàng màu đỏ đắt giá rất đẹp, khiến cô thèm được mặc tấm vải choàng màu đỏ ấy. Cô về xin cha mẹ mua cho cô tấm vải ấy, cha mẹ an ủi cô rằng:

– Này con yêu quý! Gia đình ta nghèo khó, thiếu thốn, hằng ngày cha mẹ làm lụng vất vả, cực nhọc, lo kiếm miếng ăn, cái mặc thô sơ còn chưa đủ, làm sao mua sắm được tấm vải choàng đắt giá sang trọng như vậy, hỡi con!

– Thưa cha mẹ, nếu vậy, xin phép cha mẹ cho con đi làm thuê, ở mướn trong một gia đình giàu nào đó. Qua một thời gian, người chủ nhà thấy con làm được việc, sẽ cho con tấm vải ấy.

Được cha mẹ cho phép, cô gái đến xin làm thuê, ở mướn trong một gia đình phú hộ. Cô thưa với ông bà chủ rằng:

– Thưa ông bà phú hộ, con xin ở đây làm công, chỉ mong ước được tấm vải choàng đỏ mà thôi.

Ông bà phú hộ đặt điều kiện với cô rằng:

– Nếu ngươi chịu ở đây, làm việc giỏi suốt 3 năm, nếu chúng ta xét thấy xứng đáng, chúng ta sẽ cho ngươi tấm vải choàng màu đỏ, mà ngươi ước muốn.

Cô gái vô cùng hoan hỷ, chấp thuận điều kiện của ông bà phú hộ. Ngày đêm cô siêng năng cần mẫn làm tốt mọi công việc. Tuy cô làm chưa đủ 3 năm, nhưng ông bà phú hộ xét thấy cô rất xứng đáng được khen thưởng, nên một hôm gọi cô đến và bảo rằng:

– Hôm nay chúng ta ban tặng cho ngươi tấm vải choàng màu đỏ và các tấm vải khác. Ngươi hãy nên đi tắm cho sạch sẽ rồi mặc tấm vải choàng này.

Cô gái vô cùng sung sướng nhận tấm vải màu đỏ, vì đã thoả lòng mong ước từ lâu. Cô cám ơn ông bà phú hộ.

Cô cùng nhóm bạn gái đi đến bến sông, cô đặt tấm vải trên bờ và nghĩ rằng: “Xuống sông tắm xong, ta sẽ mặc tấm vải choàng này. Để có được tấm vải choàng này, ta phải làm công vất vả ngày đêm, suốt thời gian gần 3 năm qua”.

Ngay khi ấy, một vị Đại đức là bậc Thánh Thanh văn đệ tử của Đức Phật Kassapa bị mất trộm tất cả y, nên Ngài mặc tấm y dệt bằng chỉ gai thô đi ngang qua nơi ấy. Cô gái nhìn thấy Ngài và nghĩ rằng:

“Vị Đại đức này bị mất trộm y, nên Ngài mặc tấm y như vậy. Còn ta có được tấm vải choàng này, phải làm công vất vả ngày đêm, suốt thời gian gần 3 năm. Bởi vì trong quá khứ, tiền kiếp ta không làm phước bố thí vải, cho nên kiếp hiện tại này, ta phải chịu cảnh nghèo khổ thiếu thốn như thế này. Bây giờ ta nên làm phước thiện dâng một nửa tấm vải choàng đến Ngài Đại đức”.

Nghĩ xong, cô vội vã bước lên bờ, mặc y phục cũ xong rồi bạch với Ngài rằng:

– Kính bạch Ngài Đại đức, kính thỉnh Ngài dừng lại một giây lát.

Cô đến đảnh lễ Ngài rồi ngồi tại nơi ấy, xé tấm vải thành 2 tấm, cô cung kính dâng đến Ngài một nửa tấm vải. Ngài tạm lánh vào chỗ kín thay tấm y cũ bằng nửa tấm vải choàng ấy, mặc nghiêm chỉnh xong, Ngài bước ra. Bây giờ, cô nhìn thấy Ngài Đại đức mặc nửa tấm vải vào, rất trang nghiêm, làm cho cô vô cùng hoan hỷ. Cô kính xin dâng đến Ngài một nửa tấm vải choàng còn lại rồi phát nguyện rằng:

“Kính bạch Ngài, trong vòng tử sinh luân hồi, con nguyện kiếp nào cũng là người nữ xinh đẹp nhất, làm cho người nam nào nhìn thấy con, họ đều bị mê hồn, mất trí, không còn biết mình nữa. Con sẽ là người phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần”.

Cô gái ấy, sau khi chết, do năng lực phước thiện dâng tấm vải cho quả tái sinh, khi thì tái sinh làm thiên nữ trên cõi trời, là một thiên nữ xinh đẹp nhất, có hào quang sáng ngời hơn tất cả các chư thiên khác; khi thì tái sinh làm người nữ, là một cô gái xinh đẹp tuyệt trần, không một ai sánh bằng. Như kiếp tái sinh làm con gái của ông phú hộTiriṭivaccha tại kinh thành Ariṭṭha, cô có tên là Ummādandī, có nghĩa là cô gái có sắc đẹp làm mê hồn. Thật vậy, những người đàn ông mới nhìn thấy cô, họ đều say mê, mất trí như người điên, như người say, say bởi tâm tham ái.

Thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu thân của cô gái nghèo dâng tấm vải choàng đến Ngài Đại đức, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Kassapa trong thời quá khứ, do phước thiện dâng tấm vải choàng ấy cho quả tái sinh kiếp chót làm con gái ông phú hộ xứ Sāvatthī, cô xinh đẹp tuyệt trần, thật đáng chiêm ngưỡng, nên được đặt tên là Uppalavaṇṇā. Khi cô trưởng thành thì Đức vua các nước lớn nhỏ, các phú hộ đều đến cầu hôn với cô. Ông phú hộ phụ thân của cô không thể gả cô cho một người nào được, ông khuyên dạy cô nên từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành tỳ khưu ni. Vốn kiếp này là kiếp chót của cô, cho nên, khi nghe thân phụ khuyên dạy như vậy, cô vô cùng hoan hỷ nghe lời khuyên dạy ấy. Cô được phép xuất gia trở thành tỳ khưu ni, sau đó không lâu, tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā thực hành thiền tuệ, chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với tứ tuệ phân tích, đặc biệt có lục thông xuất sắc hơn các hàng nữ Thanh Văn của Đức Phật Gotama.

Đức Thế Tôn tuyên dương Ngài Đại đức tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī là bậc Thánh nữ Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama, xuất sắc nhất về thần thông trong các hàng nữ Thanh Văn.

Như vậy, quả báu của phước thiện dâng tấm vải choàng của cô gái nghèo thật vô cùng phong phú, từ kiếp này sang kiếp khác, cho đến kiếp chót trở thành bậc Thánh nữ A-ra-hán Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama.

* Quả báu của phước thiện bố thí một tấm choàng – Sự tích ông Bà-la-môn Cūḷekasāṭaka(1)

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi, đề cập đến tích Bà-la-môn tên Cūḷekasāṭaka. Tích này được tóm lược như sau:

Trong quá khứ, thời-kỳ Đức-Phật Vipassī xuất hiện trên thế gian. Có một Bà-la-môn tên là Mahā Ekasāṭaka.

Trong thời hiện-tại, thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, có một vị bà-la-môn khác tên là Cūḷekasāṭaka sống tại kinh-thành Sāvatthi.

Sở dĩ ông bà-la-môn có tên Cūḷekasāṭaka là vì 2 vợ chồng bà-la-môn chỉ có một tấm choàng trên người duy nhất mà thôi. Hằng ngày, nếu khi ông chồng đi ra ngoài thì ông mặc tấm choàng này, bà vợ ở trong nhà, và nếu khi bà vợ đi ra ngoài thì bà mặc tấm choàng này, ông chồng phải ở trong nhà.

Một hôm, nghe thông báo dân chúng trong kinh- thành Sāvatthi đi nghe Đức-Phật thuyết-pháp tại ngôi chùa Jetavana, ông bà-la-môn bảo với người vợ rằng:

– Này em! Họ thông báo dân chúng đi nghe- pháp. Hai vợ chồng chúng ta chỉ có một tấm choàng trên người duy nhất, nên không thể cùng đi chung với nhau được. Vậy, em đi nghe-pháp ban ngày hay ban đêm?

Nghe chồng hỏi vậy, nên bà vợ thưa rằng:

– Thưa anh, em xin đi nghe-pháp ban ngày, còn anh nên đi nghe-pháp ban đêm.

Bà vợ mặc tấm choàng trên người đi đến ngôi chùa Jetavana, nghe Đức-Phật thuyết-pháp ban ngày.

Ông chồng ở lại trong nhà cả ngày. Buổi chiều, sau khi nghe-pháp xong, bà vợ trở về nhà.

Ông Bà-la-môn muốn cúng dường tấm choàng

Ông bà-la-môn mặc tấm choàng trên người đi đến ngôi chùa Jetavana ban đêm. Đến ngồi gần Đức-Phật, ông bà-la-môn chú tâm lắng nghe Đức- Phật thuyết-pháp.

Khi ấy, 5 pháp hỷ-lạc(1) phát sinh làm cho toàn thân tâm của ông bà-la-môn có cảm giác an-lạc chưa từng có bao giờ. Ông bà-la-môn phát sinh đại-thiện-tâm có đức- tin trong sạch nơi Đức-Phật, ông muốn cúng dường lên Đức-Phật tấm choàng đang mặc trên mình, nhưng tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng phát sinh, bởi vì ông bà-la-môn nghĩ lại rằng:

“Nếu bây giờ ta cúng dường tấm choàng này lên Đức-Phật thì vợ ta sẽ không có mặc và ta cũng không có mặc”.

Khi ấy, tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng phát sinh trong ông bà-la-môn, rồi đại-thiện-tâm phát sinh có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, ông bà-la-môn lại muốn cúng dường tấm choàng này lên Đức-Phật, rồi tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng phát sinh trở lại làm cản trở đức-tin trong sạch muốn cúng dường tấm choàng lên Đức-Phật.

Vì vậy, khi thì đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch phát sinh muốn cúng dường tấm choàng lên Đức-Phật, khi thì tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng phát sinh không muốn cúng dường tấm choàng lên Đức-Phật.

Như vậy, đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch muốn cúng dường tấm choàng lên Đức-Phật với tham-tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng phát sinh ngăn cản.

Giữa đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch với tham-tâm bủn xỉn keo kiệt giằng co kéo dài trải qua canh đầu đêm, đến canh giữa đêm, cuộc chiến đấu giằng co giữa 2 tâm là đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch với tham-tâm bủn xỉn keo kiệt ấy vẫn chưa phân thắng bại.

Thắng tâm keo kiệt bằng đức-tin trong sạch

Đến canh chót đêm, ông bà-la-môn suy xét rằng:

“Cuộc chiến giằng co giữa đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật với ác-tâm là tham-tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng đã kéo dài trải qua 2 canh rồi. Nếu ta không thắng được tham-tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng này thì kiếp sống của ta không thể thoát khỏi 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.

Vậy, ta phải quyết tâm chiến thắng tham-tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng này!”

Sau khi quyết tâm như vậy, nên chế ngự được tham-tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng, làm cho phát sinh đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch nhiều năng lực nơi Đức-Phật, nên ông bà-la-môn liền cởi tấm choàng trên người, hai tay nâng tấm choàng cung-kính đến cúng dường lên Đức-Phật, ông đặt gần dưới hai bàn chân của Đức-Phật, rồi ông sung sướng reo lên 3 lần:

“Jitaṃ me! Jitaṃ me! Jitaṃ me!”

– Tôi đã thắng rồi! Tôi đã thắng rồi! Tôi đã thắng rồi!

Phước-thiện bố-thí cho quả hiện-tại

Đức-vua Pasenadi Kosala đang ngồi nghe-pháp, nghe ông bà-la-môn reo lên 3 lần như vậy, nên truyền bảo vị quan đến hỏi ông bà-la-môn ấy rằng:

“Ông đã thắng ai vậy?”

Tuân lệnh Đức-vua, vị quan đến hỏi Bà-la-môn.

– Này ông bà-la-môn! Ông đã thắng ai vậy?

Ông bà-la-môn thưa với vị quan đầy đủ sự việc xảy ra diễn tiến suốt 3 canh theo tuần tự như vậy. Vị quan đến tâu lên Đức-vua Pasenadi Kosala đầy đủ về sự việc xảy ra đối với ông bà-la-môn như vậy.

Nghe vị quan tâu như vậy, Đức-vua Pasenadi Kosala nghĩ rằng: “Ông bà-la-môn ấy đã làm điều mà người khác khó làm được. Vậy, ta nên tế độ ông bà-la-môn ấy.”

Đức-vua truyền bảo vị quan đem 2 tấm choàng mới ban cho ông bà-la-môn ấy.

Sau khi nhận được 2 tấm choàng mới của Đức- vua ban, ông bà-la-môn đem 2 tấm choàng mới ấy cúng dường lên Đức-Phật.

Thấy ông bà-la-môn cúng-dường 2 tấm choàng mới lên Đức-Phật như vậy, nên Đức-vua Pasenadi Kosala truyền bảo vị quan đem ban cho ông bà-la- môn ấy 4 tấm choàng mới khác.

Sau khi nhận được 4 tấm choàng mới của Đức- vua ban, ông bà-la-môn đem 4 tấm choàng mới ấy cúng dường lên Đức-Phật.

Thấy ông bà-la-môn cúng-dường 4 tấm choàng mới lên Đức-Phật như vậy, nên Đức-vua Pasenadi Kosala truyền bảo vị quan đem ban cho ông bà-la- môn ấy 8 tấm choàng mới khác.

Cứ mỗi lần Đức-vua ban tấm choàng mới tăng gấp đôi, và sau khi ông bà-la-môn nhận được gấp đôi là 16 tấm choàng mới, 32 tấm choàng mới, ông bà-la-môn đem 32 tấm choàng mới ấy cúng dường lên Đức-Phật.

Đức-vua truyền bảo vị quan đem 64 tấm choàng ban cho ông bà-la-môn ấy nữa.

Ông Bà-la-môn muốn tránh tiếng rằng: “Ông Bà-la-môn có được bao nhiêu tấm choàng của Đức-vua ban đều tạo phước-thiện bố-thí đến Đức- Phật cả thảy, không để lại cho phần của mình”.

Vì vậy, ông bà-la-môn lấy riêng ra 4 tấm choàng: Phần của mình 2 tấm choàng và vợ 2 tấm choàng. Còn lại 60 tấm choàng, ông Bà-la-môn đem cúng dường đến Đức-Phật.

Trong thời quá khứ, ông bà-la-môn Mahā Ekasāṭaka cúng dường đến Đức-Phật quá khứ 7 lần, lấy 4 tấm choàng trong 128 tấm choàng.

Trong thời hiện-tại, ông bà-la-môn tên Cūḷe- kasāṭaka cúng dường đến Đức-Phật 7 lần, lấy 4 tấm choàng trong 64 tấm choàng.

Đức-vua Pasenadi Kosala truyền bảo các quan:

– Này các khanh! Ông bà-la-môn này đã làm những điều mà người khác khó làm được. Vậy, các khanh hãy đem 2 tấm kambala dệt bằng các lông thú trong cung điện của Trẫm đến đây.

Tuân theo lệnh của Đức-vua, các quan đem 2 tấm kambala có giá 100 ngàn đồng kahāpaṇa, ban cho ông bà-la-môn ấy.

Sau khi nhận 2 tấm kambala ấy, ông bà-la-môn nghĩ rằng: “Hai tấm kambala này thật là vô giá chỉ có xứng đáng với Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác và chư Đại-đức- Tăng mà thôi. Vậy, ta nên đem cúng dường đến Đức-Phật”.

Ông Bà-la-môn đem 1 tấm kambala đến Gandhakuṭi, làm trần che phía trên chỗ giường nằm cúng dường đến Đức-Phật. Còn lại 1 tấm kambala, ông làm trần che phía trên chỗ vị tỳ-khưu ngồi độ vật thực trong nhà của ông.

Buổi chiều hôm ấy, Đức-vua Pasenadi Kosala ngự đến hầu đảnh lễ Đức-Phật tại Gandhakuṭi, nhìn lên trần, thấy tấm kambala, Đức-vua nhớ tấm kambala ấy, nên bạch với Đức-Thế-Tôn rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, ai là người làm trần nhà bằng tấm kambala này cúng dường đến Ngài?

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

– Này Đại-Vương! Bà-la-môn tên Cūḷekasāṭaka làm cúng dường đến Như-Lai.

Đức-vua Pasenadi Kosala nghĩ rằng: “Ông Bà- la-môn này tôn kính Đức-Thế-Tôn giống như ta tôn kính”.

Đức-vua Pasenadi Kosala truyền lệnh ban cho ông bà-la-môn một trăm thứ mà mỗi thứ có 4 như sau:

4 con voi, 4 con ngựa, 4 người đàn bà, 4 người đàn ông, 4 tớ trai, 4 tớ gái, 4 xóm làng để thâu thuế, 4000 Kahāpaṇa, v.v…

Phước-thiện làm mau có quả hơn làm chậm

Chư tỳ-khưu đàm đạo tại hội trường rằng:

“Phước-thiện của ông bà-la-môn Cūḷekasāṭaka thật là phi thường! Chỉ có trong thời gian ngắn, phước-thiện ấy cho quả tất cả mọi thứ mà mỗi thứ có 4. Phước-thiện của ông tạo nơi Đức-Thế-Tôn, nên cho quả báu ngay trong ngày hôm ấy”.

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn ngự đến hội trường, truyền hỏi chư tỳ-khưu rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Các con đang ngồi đàm đạo về chuyện gì vậy?

Chư tỳ-khưu bạch với Đức-Thế-Tôn về chuyện ông bà-la-môn Cūḷekasāṭaka tạo phước-thiện bố- thí và quả báu của phước-thiện như vậy.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Nếu bà-la-môn Cūḷekasāṭaka ấy có khả năng cúng dường đến Như-Lai trong canh đầu đêm thì ông sẽ được tất cả mọi thứ mà mỗi thứ có 16.

Nếu bà-la-môn ấy có khả năng cúng dường đến Như-Lai trong canh giữa đêm thì ông sẽ được tất cả mọi thứ mà mỗi thứ có 8.

Nhưng hai canh đã trải qua, ông bà-la-môn ấy không có khả năng cúng dường được, mãi cho đến canh chót, ông mới cúng dường đến Như-Lai, nên ông được tất cả mọi thứ mà mỗi thứ chỉ có 4 mà thôi.

Thật vậy, khi nào đại-thiện-tâm phát sinh muốn tạo phước-thiện, thì thí-chủ nên làm ngay khi ấy, không nên để đại-thiện-tâm ấy diệt mất.

Nếu thí-chủ tạo phước-thiện bố-thí chậm chạp thì có được quả báu chậm chạp và bị giảm sút.

Cho nên, nếu thí-chủ phát sinh đại-thiện-tâm muốn tạo phước-thiện bố-thí thì nên làm ngay tức khắc khi ấy, nếu để chậm chạp thì tham-tâm bủn xỉn keo kiệt dễ phát sinh làm ngăn cản việc tạo phước-thiện bố-thí ấy.

Đức-Phật thuyết dhammapadagāthā thứ 116 rằng:

“Abhittharetha kalyāṇe, pāpā cittaṃ nivāraye. Dandhaṃ hi karato puññaṃ, pāpasmiṃ ramatī mano”.

Các con nên mau chóng tạo phước-thiện, mới ngăn cản được ác-tâm tội lỗi.
Khi các con chậm chạp tạo phước-thiện, thì ác-tâm có cơ hội phát sinh.

Ác-tâm thường thỏa thích trong tội lỗi.

Để mọi phước-thiện tăng trưởng nhiều, quả báu của phước-thiện vô lượng, khi thí-chủ phát sinh đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch trong mỗi phước-thiện, nên mau lẹ tạo phước-thiện, không nên chần chừ, do dự, không để cho ác-tâm có cơ hội phát sinh làm cản trở phước-thiện ấy, thí-chủ nên nghĩ rằng:

“Ahaṃ pure! Ahaṃ pure!”

– Ta là người trước tiên! Ta là người trước tiên!

Sau khi thuyết pháp xong, Đức-Thế-Tôn thuyết về tứ Thánh-đế tế độ chư tỳ-khưu. Khi ấy, có nhiều vị chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh- quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân tùy theo các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi vị thanh-văn đệ-tử.

Sự thật, nếu thí-chủ nào là người có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có cơ hội tạo phước-thiện bố-thí, thì đó là dịp may đối với thí-chủ ấy, bởi vì thí-chủ có nhận thức đúng đắn rằng:

“Tiền của chỉ là của chung thật sự mà thôi, nay ta đang có quyền sở hữu tạm thời tiền của ấy, nếu ta biết sử dụng tiền của tạm thời ấy đem tạo phước-thiện bố-thí, thì chính phước-thiện ấy thuộc về đại-thiện-nghiệp trở thành của riêng ta, có tính chất vĩnh cửu đối với ta. Chính đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy sẽ cho quả an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai”.

* 8 quả báu của phước thiện bố thí vải

Trong bộ Apādāna, sự tích Ngài Đại Trưởng Lão Pilindavaccha(1) là bậc Thánh A-ra-hán có tứ tuệ phân tích, tám pháp giải thoát (vimokkha), lục thông. Ngài là bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama, có đức hạnh đặc biệt xuất sắc làm hài lòng hoan hỷ nhiều chư thiên hơn các bậc Thánh Thanh Văn khác. Ngài nhớ lại những tiền kiếp của mình đã từng làm phước thiện bố thí những thứ nào và quả báu của thứ ấy ra sao.

Trong phần này xin trích dẫn về phước thiện bố thí dâng vải và quả báu của phước thiện dâng vải (dussānisaṃsa). Ngài Đại Trưởng Lão dạy rằng:

“Dussāni Sugate datvā, Saṃghe gaṇavaruttame, atthānisaṃse anubhomi. Kammānucchavike mama…”(1)

Tôi đã cung kính cúng dường những tấm vải, đến Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng cao thượng. Tôi hưởng được tám quả báu của phước thiện ấy, tùy theo thiện nghiệp của tôi đã tạo như:

– Tôi là người có màu da óng ánh như vàng,
– Bụi bặm dơ dáy không thể bám vào thân,
– Có hào quang sáng ngời lan tỏa xung quanh,

– Có ánh sáng đặc biệt hơn các chư thiên khác.

– Thân hình của tôi rất xinh đẹp, mềm mại.

Kiếp tử sinh luân hồi của tôi:

– Có một trăm ngàn tấm vải màu trắng,

– Có một trăm ngàn tấm vải màu vàng,

– Có một trăm ngàn tấm vải màu đỏ.

Như vải lụa, vải gấm, vải bông, vải len,

Mà tôi có được trong khắp mọi nơi. Đó là quả báu của phước thiện bố thí vải, Mà tôi đã làm trong kiếp quá khứ.

Ngài Đại Trưởng Lão Pilindavaccha thuật lại thiện nghiệp bố thí vải và 8 quả báu của nghiệp ấy.

Trong buổi lễ dâng y có dâng thêm cái bát (dùng cho vị sa di, tỳ khưu đi khất thực).

– Nếu người thí chủ làm phước thiện dâng cái bát thì có quả báu như thế nào?

Ngài Đại Trưởng Lão Pilindavaccha dạy rằng:

“Tôi đã cung kính cúng dường bát,

đến Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng cao thượng,

Tôi hưởng được mười quả báu của phước thiện ấy, Tùy theo thiện nghiệp của tôi đã tạo như:

–  Tôi thường dùng vật thực trong chén đĩa, Bằng vàng, bằng ngọc mani, bằng bạc,…

–  Tôi là người không gặp điều nguy hiểm,

–  Không có điều rủi ro tai hại.

–  Được nhiều người cung kính.

–  Tôi là người có đầy đủ cơm, nước, y phục, vàmọi thứ đồ dùng.

–  Tài sản của tôi không gặp tai họa nào làm hưmất.

–  Tôi là người có tâm định vững chắc.

–  Tôi luôn luôn thích trong chánh pháp.

–  Tôi là người ít phiền não.

–  Nay tôi không còn phiền não trầm luân (Ngàilà bậc Thánh A-ra-hán).

Những quả báu, ân đức ấy theo tôi trong các cõi trời, cõi người không bao giờ tách rời, như bóng không bao giờ tách rời khỏi cây.

Trong thời kỳ Đức Phật đang còn trên thế gian, một số người nam xin Đức Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ khưu, Ngài cho phép xuất gia trở thành tỳ khưu bằng cách truyền dạy rằng:

“Ehi Bhikkhu! Svākkhato dhammo cara brahma- cariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya”.

“Con hãy đến với Như Lai, con trở thành tỳ khưu theo ý nguyện! Chánh pháp mà Như Lai đã thuyết hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối; con hãy nên cố gắng tinh tấn thực hành phạm hạnh cao thượng để chứng đắc A-ra-hán Thánh Đạo, A- ra-hán Thánh Quả và Niết Bàn, để chấm dứt sự khổ tử sinh luân hồi”.

Sau khi Đức Phật truyền dạy vừa dứt lời, ngay tức thì người nam ấy (hoặc đạo sĩ, tu sĩ ngoại đạo…) trở thành vị tỳ khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng cần thiết của tỳ khưu (3 y + 1 bát + 1 dây thắt lưng + 1 dao cạo + 1 ống kim chỉ + 1 đồ lọc nước) được thành tựu do quả của phước thiện bố thí của người ấy (iddhimayapattacīvara). Vị tỳ khưu ấy có tăng tướng trang nghiêm, ngũ căn thanh tịnh như một vị tỳ khưu có 60 hạ. Nhưng cũng có trường hợp, người nam sau khi lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, ngay tại nơi ấy, chứng đắc thành bậc Thánh nhân, người nam ấy xin Đức Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ khưu, thì Đức Phật truyền hỏi người nam ấy có đầy đủ 8 thứ vật dụng của tỳ khưu hay không. Nếu người nam ấy chưa đầy đủ 8 thứ vật dụng của tỳ khưu, thì cần phải đi tìm cho đầy đủ mới được phép xuất gia trở thành tỳ khưu.

Vấn: Vì lý do gì khi người nam xin Đức Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ khưu, có một số người nam được Đức Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ khưu bằng cách truyền dạy: “Ehi Bhikkhu!”, còn có một số người nam khác, Đức Phật hỏi người nam ấy có đầy đủ 8 thứ vật dụng của tỳ khưu hay không. Nếu người ấy chưa đầy đủ 8 thứ vật dụng ấy thì cần phải đi tìm cho đầy đủ mới được phép xuất gia trở thành tỳ khưu?

Đáp: Mỗi khi Đức Phật cho phép người nam nào xuất gia trở thành tỳ khưu bằng cách truyền dạy “Ehi Bhikkhu!”, Đức Phật xem xét tiền kiếp của người nam ấy đã từng làm phước thiện bố thí tam y (y 2 lớp, y vai trái và y nội), bát và các thứ vật dụng cần thiết của tỳ khưu đến chư tỳ khưu trong thời kỳ Đức Phật quá khứ hay không, và tiền kiếp người nam ấy có phát nguyện xuất gia trở thành tỳ khưu bằng cách “Ehi Bhikkhu!” hay không. Nếu người nam ấy có đủ điều kiện như vậy, thì Đức Phật mới truyền dạy “Ehi Bhikkhu!”. Sau khi Đức Phật truyền dạy vừa dứt lời, tức thì người nam ấy (hoặc đạo sĩ, tu sĩ ngoại đạo…) trở thành tỳ khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của tỳ khưu được thành tựu do quả phước thiện của người ấy (iddhimayapattacīvara).

Còn người nào trong tiền kiếp không từng làm phước bố thí 8 thứ vật dụng của tỳ khưu và cũng không từng phát nguyện xuất gia trở thành Tỳ khưu bằng cách “Ehi Bhikkhu!”, thì Đức Phật không thể truyền dạy “Ehi Bhikkhu!” được.

Trong thời kỳ Phật giáo hiện đang còn tồn tại trên thế gian, chư tỳ khưu hiện đang còn tồn tại, đó là một cơ hội tốt hiếm có, cũng rất hy hữu để cho những thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có dịp tốt làm phước bố thí cúng dường tam y, bát và các thứ vật dụng đến chư tỳ khưu Tăng, rồi phát nguyện kiếp sau gặp Đức Phật xin xuất gia trở thành tỳ khưu theo cách “Ehi Bhikkhu!”. Nhất là trong dịp lễ dâng y kathina thì lời phát nguyện của mình sẽ thành tựu như ý, bởi vì buổi lễ dâng y kathina có nhiều phước thiện lớn lao vô lượng không sao kể được. Chắc chắn sẽ thành tựu như ý.

Để thành tựu phước thiện bố thí, thì cần phải hội đầy đủ những nhân tố cần thiết như:

– Vật thí phải được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch.

– Thí chủ có tác ý thiện tâm (cetanā) hoàn toàn trong sạch.

– Bậc thọ thí là người có giới đức hoàn toàn trong sạch, hành thiện pháp cao thượng.

Khi đã thành tựu phước thiện bố thí rồi, thí chủ có được nhiều phước thiện thanh cao, cho nên thí chủ phát nguyện như thế nào, do nhờ năng lực thiện nghiệp ấy cho quả đem đến thành tựu quả báu như thế ấy. Cũng như người đã cố gắng tinh tấn làm công việc lớn lao, có được nhiều tiền của; người ấy muốn mua sắm thứ gì, thì cũng được như ý.

Trong các buổi lễ làm phước thiện bố thí các thứ vật dụng (không phải pháp thí) thì chỉ có lễ làm phước thiện dâng y kathina đến chư tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa là cao quý hơn cả, và quả báu của lễ dâng y kathina cũng phong phú vô lượng không sao kể xiết.

2- Quả báu của lễ dâng y kathina

Thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có trí tuệ sáng suốt, cung kính làm lễ dâng tấm y kathina đến chư tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna) đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại một ngôi chùa, hoặc một nơi thanh vắng trong rừng núi, hang động, v.v… Đó là một cơ hội tốt rất hiếm có, rất đặc biệt, thật vô cùng hy hữu. Bởi vì chư tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại một nơi nào, chư tỳ khưu Tăng tại nơi ấy chỉ được phép thọ nhận tấm y kathina của thí chủ một lần duy nhất trong ngày hôm ấy, trong mùa lễ dâng y kathina ấy mà thôi. Cho nên, quả báu của buổi lễ dâng tấm y kathina rất đặc biệt hơn quả báu của các buổi lễ làm phước thiện bố thí cúng dường khác đến chư tỳ khưu Tăng.

Đức Phật thuyết giảng bài pháp Pakiṇṇaka- desanā so sánh quả báu của một lần làm lễ dâng y kathina đến chư tỳ khưu Tăng như sau:

“Yāva akaṃiṭṭthā devā, Suvaṇṇaṃ rajataṃ bahuṃ.

Nānāratanarāsiṃ ca, Dade saṃghassa sabbadā. Ekakathinadānassa, Kalaṃ nagghati soḷasiṃ.

Sataṃ hatthi sataṃ assā, Sataṃ assatarī rathā. Sataṃ kaññāsahassāni, Āmuttaṃaṇikuṇḍalā. Ekakathinadānassa, Kalaṃ nagghati soḷasiṃ. Yatthake ca parikkhāre, Dade saṃghassa sabbadā. Ekakathinadānassa, Kalaṃ nagghati soḷasiṃ.

Caturāsītisahasse, Kārāpetvāna vihāre.
Pallaṅke ratanamaye,
Dade saṃghassa sabbadā. Taṃ taṃ dānaṃ mahāpphalaṃ, Vipulaṃ sukhadāyakaṃ. Ekakathinadānassa,

Kalaṃ nagghati soḷasiṃ.

Suvaṇṇamayapāsādaṃ, Ratanavicittaṃ katvā. Uddhaṃ yāva akaniṭṭhā, Dade saṃghassa sabbadā. Tampi dānaṃ mahāpphalaṃ, Uḷāraṃ sukhakāranaṃ. Ekakathinadānassa,

Kalaṃ nagghati soḷasiṃ.

Yasmā cāpattiṃ nāseti, Bhikkhūnaṃ kathinadānaṃ. Tasmā taṃ sabbadānehi, Atidānaṃ vuttaṃ mayā.
Tasmā hi paṇḍito poso, Sampassaṃ sukhamattano. Sammate kathinakhette,
Dade saṃghassa kathinaṃ …”(1)

Ý nghĩa bài pháp:

Này các hàng Thanh Văn đệ tử ! Các con lắng nghe quả báu một lần Dâng y ka-thi-na đến chư Tăng.

Hằng ngày dâng cúng dường đến chư Tăng, Nhiều vàng bạc và các thứ châu báu,
Chất cao từ cõi người đến cõi trời,
Phạm thiên sắc giới Sắc cứu cánh thiên, Không bằng quả báu một phần mười sáu, Của một lần dâng y ka-thi-na,

Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ.

Mỗi ngày có được trăm con voi quý, Trăm con ngựa quý, trăm xe ngựa quý, Trăm ngàn cô gái đeo bông tai ngọc, Không bằng quả báu một phần mười sáu, Của một lần dâng y ka-thi-na,

Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ.

Hằng ngày dâng cúng dường đến chư Tăng, Những thứ vật dụng dù nhiều bao nhiêu, Không bằng quả báu một phần mười sáu, Của một lần dâng y ka-thi-na,

Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ.
Xây tám mươi bốn ngàn ngôi chùa lớn, Làm pháp toà bằng các thứ châu báu,
Rồi hằng ngày cúng dường đến chư Tăng, Sự cúng dường ấy có quả báu lớn,
Thật vĩ đại, cho quả được an lạc,
Không bằng quả báu một phần mười sáu, Của một lần dâng y ka-thi-na,
Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ.

Hằng ngày dâng cúng dường đến chư Tăng, Lâu đài bằng vàng và các châu báu,
Cao đến cõi trời Sắc cứu cánh thiên,
Sự cúng dường ấy có quả báu lớn,

Thật vĩ đại, là nhân sanh sự an lạc, Không bằng quả báu một phần mười sáu, Của một lần dâng y ka-thi-na,
Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ.

Bởi vì lễ dâng y ka-thi-na,
Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ,
Tỳ khưu thọ y, chư Tăng hoan hỷ,
Được hưởng quả báu 4 giới không phạm, Suốt thời gian hưởng quả báu dâng y.
Vì vậy, Như Lai dạy các con rằng: Phước dâng y ka-thi-na cao quý,
Hơn tất cả mọi phước bố thí khác,

Cho nên người có trí tuệ quán xét, Sự lợi ích sự an lạc của mình, Trong mùa lễ dâng y kathina,
Nên làm lễ dâng y kathina,

Đến chư tỳ khưu Tăng đã an cư, Nhập hạ trong suốt 3 tháng mùa mưa.

Nhận xét về phước thiện và quả báu của lễ dâng y kathina

Sở dĩ quả báu của lễ dâng y kathina đặc biệt hơn tất cả mọi quả báu của phước thiện bố thí khác, là vì lễ dâng y kathina được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch, do bởi đại thiện tâm hợp với trí tuệ hiểu biết rõ phước thiện dâng y kathina là cao quý, và quả báu của lễ dâng y kathina là cao quý, không do một vị tỳ khưu nào động viên khuyến khích làm lễ dâng y kathina.

Lễ dâng y kathina chỉ có trong Phật giáo mà thôi, không có ngoài Phật giáo. Nơi nào có chư tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa, thì nơi ấy, thí chủ mới có cơ hội làm lễ dâng y kathina đến chư tỳ khưu Tăng ấy. Thí chủ có thể làm lễ dâng y kathina được một tháng trong một năm, kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 10 là hết hạn mùa dâng y kathina. Và tại mỗi nơi mà chư tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa xong, chỉ được phép thọ nhận y kathina của thí chủ một lần duy nhất trong một ngày ấy mà thôi; hay nói cách khác, trong một năm chỉ có 1 tháng, trong 1 tháng chỉ có 1 ngày, trong 1 ngày chỉ có 1 lần duy nhất tại nơi ấy, chư tỳ khưu Tăng ấy được phép thọ nhận y kathina của thí chủ một lần duy nhất trong mùa lễ dâng y kathina mà thôi.

Nếu tỳ khưu bị đứt hạ, tỳ khưu an cư nhập hạ sau kể từ ngày 16 tháng 7 cho đến ngày 16 tháng 10, tỳ khưu không an cư nhập hạ tại một nơi nào, tỳ khưu an cư nhập hạ từ một nơi khác đến nơi này,… thì tất cả những vị tỳ khưu ấy không được phép thọ nhận y kathina của thí chủ, không hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ thọ y kathina của chư Tăng, mà chỉ được phép thọ nhận y thường dùng mà thôi.

Do đó, cơ hội tốt để làm lễ dâng y kathina là một điều rất hiếm có, rất hy hữu. Có khi thí chủ phải chờ đợi qua thời gian lâu, mới có được cơ hội tốt làm lễ dâng y kathina đến chư tỳ khưu Tăng.

Còn các buổi lễ làm phước thiện bố thí khác, thí chủ có thể làm bao nhiêu lần trong một năm, trong một tháng, trong một ngày không bị giới hạn. Cho nên, làm lễ dâng y kathina dù chỉ một lần cũng thật là cao quý hơn các buổi lễ làm phước thiện bố thí khác gấp bội lần không thể so sánh được.

Đối với chư tỳ khưu Tăng, sau khi đã làm lễ thọ y kathina của chư Tăng, tất cả chư tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng, chính lễ thọ y kathina của chư Tăng ấy có một oai lực phi thường, hộ trì cho chư tỳ khưu không bị phạm 4 giới mà Đức Phật đã chế định và ban hành đến chư tỳ khưu Tăng, trong suốt thời gian hưởng đặc ân 5 quả báu của y kathina, cho đến ngày rằm tháng 2 mới hết hạn.

Bố Thí Của Bậc Thiện Trí

Đối với thí chủ, buổi lễ dâng y kathina thuộc ve sappurisadāna: Phước thiện bố thí cúng dường của bậc thiện trí, gồm đủ 5 chi pháp như sau:

1- Saddhadāna: Bậc thiện trí bố thí có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp.

Bố thí với đức tin này có quả báu giàu sang phú quý và đặc biệt nhất là có sắc thân xinh đẹp, đáng chiêm ngưỡng.

2- Sakkaccadāna: Bậc thiện trí bố thí với sự cung kính và vật thí phát sinh một cách trong sạch.

Bố thí với sự cung kính có quả báu giàu sang phú quý và đặc biệt nhất là toàn thể gia đình vợ con, tôi tớ, bà con, bạn bè, thuộc hạ… cả thảy đều ngoan ngoãn vâng lời, dễ dạy.

3- Kāladāna: Bậc thiện trí bố thí đúng thời, đúng lúc như trong buổi lễ dâng y tắm mưa, dâng y kathina, bố thí đến tỳ khưu khách, tỳ khưu đi xa, tỳ khưu bệnh, người bệnh, người đang đói khát…

Bố thí cúng dường đúng thời, đúng lúc có quả báu giàu sang phú quý và đặc biệt nhất là có quả báu tốt lành từ thuở ấu niên cho đến lão niên, có những vật mà người khác khó có, được những vật mà người khác khó được…

4- Anuggahadāna: Bậc thiện trí bố thí với tâm tế độ người thọ thí.

Bố thí với tâm tế độ, có quả báu giàu sang phú quý và đặc biệt nhất là quan tâm đến sự hưởng thụ của cải cho được an lạc.

5- Anupahaccadāna: Bậc thiện trí bố thí không làm khổ mình, không làm khổ người.

Bố thí không làm khổ mình, không làm khổ người có quả báu giàu sang phú quý và đặc biệt nhất là tất cả của cải không bị thiệt hại do bởi lửa thiêu hủy, không bị nước lụt cuốn trôi, không bị kẻ trộm cướp chiếm đoạt, không bị Đức vua tịch thu, không bị người không ưa thích tranh giành.

Trong kinh Sappurisadānasutta(1) Đức Phật dạy:

– Này chư Tỳ khưu, bậc thiện trí làm phước thiện bố thí bằng đức tin trong sạch sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt là người có sắc thân rất xinh đẹp, có làn da mịn màng trắng trẻo, sạch sẽ, đáng để cho mọi người ngưỡng mộ.

– Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí bằng sự cung kính sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt vợ con tôi tớ, người làm công, bè bạn, v.v… đều lắng nghe và cung kính vâng lời làm theo lời khuyên dạy.

– Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí hợp thời, hợp lúc sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt khi cần có thứ gì sẽ có được thứ ấy theo sự mong muốn của mình.

– Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí với tâm tế độ người thọ thí sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt là người ấy thường quan tâm đến sự thọ hưởng của cải, đầy đủ sung túc ngũ trần.

– Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí không làm khổ mình và người sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt tất cả của cải tài sản không bị thiệt hại bởi lửa cháy, nước lụt, trộm cướp, vua tịch thu và kẻ không ưa thích phá hoại.

– Này chư Tỳ khưu đó là 5 cách tạo phước thiện bố thí của bậc thiện trí và quả báu của nó.

Kathina có nghĩa là “vững chắc” thì quả báu của lễ dâng y kathina cũng có tính chất đặc biệt hơn các quả báu của các phước thiện bố thí khác đó là “vững chắc”, bền vững lâu dài, có đầy đủ 5 quả báu:

– Āyu: Sống lâu.
– Vanna: Có sắc đẹp đáng chiêm ngưỡng. – Sukha: Thân và tâm được an lạc.
– Bala: Thân và tâm có sức mạnh.

– Paññā: Có trí tuệ sáng suốt.

Những quả báu này được vững chắc, bền vững từ thời ấu niên, trung niên cho đến lão niên, và tất cả các tài sản sự nghiệp cũng được vững chắc, bền vững, không bị hủy hoại, không bị thiệt hại do lửa thiêu hủy, do nước lụt cuốn trôi, do bọn trộm cướp chiếm đoạt, do Đức vua tịch thu,…

Lễ dâng y kathina có tính chất đặc biệt hơn tất cả phước thiện bố thí khác đó là: Cơ hội tốt để thí chủ tạo được phước duyên sâu sắc nhất trong Phật giáo. Chính do nhờ phước duyên này hỗ trợ cho thí chủ dễ phát sinh đức tin nơi Tam Bảo, và thí chủ có thể phát nguyện được xuất gia theo cách gọi “Ehi Bhikkhu!” trong thời vị lai. Khi gặp Đức Phật, nếu hậu thân của thí chủ muốn xuất gia trở thành tỳ khưu, Đức Phật cho phép xuất gia tỳ khưu theo cách gọi “Ehi Bhikkhu!”: Con hãy lại đây! Con trở thành tỳ khưu theo ý nguyện… Ngay khi Đức Phật truyền dạy dứt câu, vị ấy trở thành tỳ khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng đó là y 2 lớp, y vai trái, y nội, bát, dây thắt lưng, dao cạo tóc, ống kim chỉ và đồ lọc nước; những thứ ấy được thành tựu do quả phước như thần thông, vị tân tỳ khưu liền có Tăng tướng trang nghiêm, lục căn thanh tịnh như một vị Đại đức có 60 tuổi hạ.

Trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế, có nhiều vị tỳ khưu được Đức Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ khưu bằng cách gọi “Ehi Bhikkhu!”, đó là những vị tỳ khưu mà trong kiếp quá khứ, quý Ngài đã từng dâng y, bát, các thứ vật dụng đến cá nhân tỳ khưu, hoặc đến chư tỳ khưu Tăng, nhất là có cơ hội đã từng làm lễ dâng y kathina và đã từng phát nguyện rằng:

“Do năng lực phước thiện dâng y kathina này, kiếp sau sẽ gặp Đức Phật và được Ngài cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu bằng cách gọi “Ehi Bhikkhu!”.

Khi thí chủ có nhiều phước thiện dâng y kathina cùng với lời phát nguyện thì sẽ được thành tựu như ý.

Gương Bậc Xuất Gia - Phần Phụ Lục
Phần Nghi Lễ Dâng y Kathina Của Thí Chủ

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *