Niyatamicchādiṭṭhi: Tà-kiến cố-định là tà-kiến chấp-thủ cố-định, không thay đổi

* Niyatamicchādiṭṭhi: tà-kiến cố-định là tà-kiến chấp-thủ cố-định, không thay đổi.

Tà-kiến cố-định có 3 loại:

1- Natthikadiṭṭhi: vô-quả tà-kiến.

2- Ahetukadiṭṭhi: vô-nhân tà-kiến.

3- Akiriyadiṭṭhi: vô-hành tà-kiến.

1- Vô-quả tà-kiến như thế nào?

Natthikadiṭṭhi: vô-quả tà-kiến cố-định là tà kiến thấy sai chấp lầm cố-định, không thay đổi rằng: “Không có quả của nghiệp”.

Người có vô-quả tà-kiến cố-định này thấy sai chấp lầm rằng: “Không có quả khổ của ác-nghiệp, cũng không có quả an-lạc của thiện-nghiệp. Người đã tạo ác-nghiệp hoặc đã tạo thiện-nghiệp rồi đều không có quả khổ của ác-nghiệp, cũng không có quả an-lạc của thiện-nghiệp.

Tất cả chúng-sinh chết rồi là hết, không có nghiệp nào cho quả tái-sinh kiếp sau”.

Vô-quả tà-kiến cố-định này còn gọi là đoạn-kiến (ucchedadiṭṭhi) chết là hết, không có kiếp sau.

Như trong bài kinh Sāmaññaphalasutta(1) vị Đạo-sư ngoại-đạo Ajitakesakambala có tà thuyết natthikadiṭṭhi: vô-quả tà-kiến cố-định thấy sai, chấp lầm rằng:“không có quả của nghiệp” như sau:

1- Natthi dinnaṃ: tà-kiến thấy sai rằng: Phước thiện bố thí không có quả tốt, an-lạc.

2- Natthi yiṭṭhaṃ: tà-kiến thấy sai rằng: Phước-thiện cúng dường không có quả tốt, an-lạc.

3- Natthi hutaṃ: tà-kiến thấy sai rằng: Phước-thiện cúng dường, đón rước cũng không có quả tốt, an-lạc.

4- Natthi sukatadukkatānaṃ kammānaṃ phalaṃ vipākaṃ: tà-kiến thấy sai rằng: Đã tạo thiện-nghiệp, ác-nghiệp rồi, không có quả an-lạc của thiện-nghiệp, không có quả khổ của ác-nghiệp.

5- Natthi ayaṃ loko: tà-kiến thấy sai rằng: Không có cõi giới này nghĩa là không có chúng-sinh tái-sinh đến cõi giới này.

6- Natthi paro loko: tà-kiến thấy sai rằng: Không có cõi giới khác nghĩa là chúng-sinh chết rồi là hết, không có tái-sinh kiếp sau trong cõi giới khác.

7- Natthi mātā: tà-kiến thấy sai rằng: Tạo phước, tạo tội đối với mẹ của mình, không có quả tốt, quả xấu.

8- Natthi pitā: tà-kiến thấy sai rằng: Tạo phước, tạo tội đối với cha của mình, không có quả tốt, quả xấu.

9- Natthi sattā opapātikā: tà-kiến thấy sai rằng: Không có các loài chúng-sinh hóa sinh to lớn ngay tức thì, như chư-thiên cõi dục-giới, chư phạm-thiên cõi sắc-giới, chúng-sinh địa-ngục, loài ngạ-quỷ, loài a-su-ra.

10- Natthi loke samaṇabrahmaṇā samaggatā sam-māpaṭipannā ye imañca lokaṃ parañca lokaṃ abhiññā sacchikatvā pavedenti: tà-kiến thấy sai rằng: Trong đời này, không có các Sa-môn, Bà-la-môn thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới, các bậc thiền vô-sắc, chứng đắc các phép thần-thông; thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, thấy rõ, biết rõ cõi giới này, các cõi giới khác.

Người có vô-quả tà-kiến cố-định này là người phủ nhận quả của ác-nghiệp, quả của thiện-nghiệp, cũng có nghĩa là phủ nhận nhân là ác-nghiệp, thiện-nghiệp.

2- Vô-nhân tà-kiến như thế nào?

Ahetukadiṭṭhi: vô-nhân tà-kiến cố-định là tà-kiến thấy sai chấp lầm cố-định, không thay đổi rằng: “Không có nhân là không có nghiệp”.

Người có vô-nhân tà-kiến cố-định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có nghiệp sinh cho quả (janakahetu), cũng không có nghiệp hỗ trợ cho quả của nghiệp. Nghĩa là không có thiện-nghiệp cho quả an-lạc, không có ác-nghiệp cho quả khổ; cũng không có thiện-nghiệp hỗ trợ cho quả của nghiệp, không có ác-nghiệp hỗ trợ cho quả của nghiệp”.

Như vậy, người có vô-nhân tà-kiến cố-định thấy sai chấp lầm rằng: “Tất cả mọi chúng-sinh hiện hữu trong cõi đời này theo tự nhiên, không do quả của thiện-nghiệp, không do quả của ác-nghiệp nào cả. Tất cả mọi chúng-sinh bị ô nhiễm tự nhiên, đến thời-kỳ được trong sạch thanh-tịnh tự nhiên. Cho nên, tất cả mọi chúng-sinh là người ác và người thiện; kẻ ngu và bậc trí, trải qua tử sinh luân-hồi nhiều đời nhiều kiếp, đến thời-kỳ nào đó cũng đều giải thoát khổ cả thảy”.

Như trong bài kinh Sāmaññaphalasutta(1) vị Đạo-sư ngoại đạo Makkhaligosāla có tà thuyết Ahetukadiṭṭhi: vô-nhân tà-kiến cố-định thấy sai, chấp lầm rằng: “Không có nhân là không có nghiệp” như sau:

– Không có nhân nào, không có duyên nào làm cho tất cả chúng-sinh bị ô nhiễm. Tất cả chúng-sinh bị ô nhiễm tự nhiên, không do nhân nào, duyên nào cả.

– Không có nhân nào, không có duyên nào làm cho tất cả chúng-sinh được trong sạch thanh-tịnh. Tất cả chúng-sinh được trong sạch thanh-tịnh tự nhiên, không do nhân nào, duyên nào cả.

– Không có nghiệp riêng của mình, không có nghiệp của người khác. Tất cả chúng-sinh sống tùy thuộc vào sự may, sự rủi, thọ khổ tự nhiên, thọ lạc tự nhiên.

– Tất cả chúng-sinh là người ác, người thiện; kẻ ngu, bậc trí, trải qua tử sinh luân-hồi nhiều đời nhiều kiếp, đến thời-kỳ nào đó cũng đều giải thoát khổ cả thảy”.

Người có vô-nhân tà-kiến cố-định này là người phủ nhận nhân đó là thiện-nghiệp, ác-nghiệp, cũng có nghĩa là phủ nhận quả an-lạc của thiện-nghiệp, quả khổ của ác-nghiệp.

3- Vô-hành tà-kiến như thế nào?

Akiriyadiṭṭhi: vô-hành tà-kiến cố-định là tà-kiến thấy sai chấp lầm cố-định, không thay đổi rằng: “Không có hành ác, không có hành thiện”.

Người có vô-hành tà-kiến cố-định thấy sai chấp lầm rằng: “Người tạo ác-nghiệp không có hành ác, người tạo thiện-nghiệp không có hành thiện. Hành chỉ là hành mà thôi, không có hành ác, không có hành thiện”.

Như trong bài kinh Sāmaññaphalasutta vị Đạo-sư ngoại đạo Puraṇakassapa có tà thuyết Akiriyadiṭṭhi: vô-hành tà-kiến cố-định thấy sai, chấp lầm rằng: “Không có hành ác, không có hành thiện” như sau:

Tự mình hành ác, sai khiến người khác hành ác đều không có hành ác như:

– Tự mình sát-sinh, sai khiến người khác sát-sinh đều không có hành ác sát-sinh.

– Tự mình trộm-cắp, sai khiến người khác trộm-cắp đều không có hành ác trộm-cắp, v.v…

– Tự mình bố-thí, khuyên dạy người khác bố-thí đều không có hành thiện bố-thí.

– Tự mình cúng dường, khuyên dạy người khác cúng dường đều không có hành thiện cúng dường, v.v…

Người có vô-hành tà-kiến cố-định này là người phủ nhận nhân đó là thiện-nghiệp, ác-nghiệp, cũng có nghĩa là phủ nhận quả của thiện-nghiệp, ác-nghiệp.

Ba loại tà-kiến cố-định này là ác-nghiệp cực kỳ nặng hơn 5 ác-nghiệp vô-gián trọng-tội là giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, làm bầm máu bàn chân của Đức-Phật và chia rẽ chư tỳ-khưu-Tăng, bởi vì, người có loại tà-kiến cố-định này hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp của họ.

Tuy người ấy không tin nghiệp và quả của nghiệp, nhưng sự thật, người ấy đã tạo ác-nghiệp cực kỳ nặng, nên sau khi người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp tà-kiến cố-định ấy có quyền ưu tiên cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục Avīci, phải chịu quả khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài, không có hạn định.

Micchādiṭṭhi: Tà-kiến - Sakkāyadiṭṭhi: Tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn
Tà-kiến - Chánh-kiến (Micchādiṭṭhi - Sammādiṭṭhi) & Vipallāsa: 3 loại pháp-đảo-điên

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *