Nhận Xét Về Nghiệp Và Quả Của Nghiệp

* Nghiệp đó là tất cả mọi thiện-nghiệp và mọi bất- thiện-nghiệp (ác-nghiệp) là của riêng mỗi một chúng- sinh, không có liên quan với chúng-sinh nào khác cả.

* Quả của nghiệp đó là quả của đại-thiện-nghiệp, quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) là không chỉ riêng của chúng-sinh ấy mà còn có thể liên quan, ảnh hưởng gián tiếp đến chúng-sinh khác thân cận nữa.(1)

Nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng-sinh là một trong bốn điều “bất khả tư nghì,” mọi chúng-sinh nên tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, hoặc có chánh-kiến nơi nghiệp của mình (kammassakatā sammādiṭṭhi) mà thôi.

Trong tam-giới, duy nhất chỉ có Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác mới có trí-tuệ đặc biệt thấy rõ, biết rõ được nghiệp và quả của nghiệp không chỉ đối với Đức-Phật, mà còn đối với tất cả mọi chúng-sinh muôn loài nữa.

* Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Thái-tử Siddhattha kiếp chót có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân là quả của 30 pháp-hạnh ba-la-mật đó là dục-giới đại-thiện- nghiệp mà vô số tiền-kiếp của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng- Giác Thái-tử Siddhattha đã từng thực-hành, tích-luỹ 30 pháp-hạnh ba-la-mật trải qua vô số kiếp, suốt 20 a-tăng- kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, kể từ thời-kỳ phát nguyện ở trong tâm, khoảng thời gian suốt 7 a-tăng-kỳ; đến thời-kỳ phát nguyện ra bằng lời nói, khoảng thời gian suốt 9 a-tăng-kỳ, cho đến thời-kỳ được Đức-Phật Dīpaṅkara thọ ký xác định thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.

Trong suốt khoảng thời gian gồm có 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng- Giác tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã thực-hành, bồi bổ đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật đó là dục- giới đại-thiện-nghiệp có mục đích cứu cánh cuối cùng trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

30 pháp-hạnh ba-la-mật đó là dục-giới đại-thiện- nghiệp đã được lưu-trữ, tích lũy ở trong tâm liên tục từ kiếp này sang kiếp kia, cho đến kiếp chót cho quả tái- sinh làm người là kiếp Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Thái-tử Siddhattha, khi Đức-Bồ-tát sinh hạ ra đời có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân (mahāpurisalakkhaṇa).

Đức-Phật dạy trong kinh Lakkhaṇasutta, mỗi tướng tốt đều do quả trực tiếp của mỗi đại-thiện-nghiệp pháp- hạnh ba-la-mật, được biểu hiện nơi kim thân của Đức- Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân.

Vì vậy, các vị Bà-la-môn trí-thức học rộng, hiểu biết bộ sách xem tướng của dòng dõi Bà-la-môn, mới có thể tiên đoán biết Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Thái-tử Siddhattha, khi trưởng thành sẽ đi xuất gia và chắc chắn sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Thật vậy, đúng theo lời tiên đoán của các vị Bà-la-môn trí-thức, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Thái-tử Siddhattha từ bỏ cung điện đi xuất gia năm 29 tuổi, và trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác năm 35 tuổi. Đó là quả của 30 pháp-hạnh ba-la-mật, dục-giới đại-thiện-nghiệp.

Quả của dục-giới đại-thiện-nghiệp, 30 pháp-hạnh ba- la-mật ấy không chỉ trực-tiếp riêng cho Đức-Phật, mà còn có ảnh hưởng tốt gián-tiếp đến các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, từ thế hệ xưa cho đến thế hệ ngày nay, và còn tiếp tục đến thế hệ mai sau, cho đến khi giáo-pháp của Đức-Phật bị mai một hoàn toàn.

80 Tướng Tốt Phụ CỦa Đức-Bồ-Tát Kiếp Chót (Anubyañjana)

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót chắc chắn sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, cho nên khi đản- sinh ra đời, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân (mahāpurisalakkhaṇa) và 80 tướng tốt phụ (anubyañjana).

Như trong bài kinh Āṭānāṭiyasutta(1) có câu kệ:

“UpetāBuddhadhammehi, aṭṭharasāhi nāyakā Bāttiṃsalakkhaṇūpetā-sītānubyañjanādharā.”

Chư Phật có đầy đủ mười tám đức,

Ba mươi hai tướng tốt bậc đại-nhân,

Cùng trọn vẹn tám mươi tướng tốt phụ,

Chư Phật cao thượng cả thân lẫn tâm.

Trong bộ Jinālaṅkāraṭīkā trình bày 80 tướng tốt phụ của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác như sau:

1-   Bốn ngón tay dài bằng nhau (trừ ngón cái) khít vào nhau, và năm ngón chân dài bằng nhau, khít vào nhau, không có kẽ hở.

2-   Ngón tay, ngón chân từ gốc đến đầu thon mềm mại.

3-   Ngón tay, ngón chân tròn trịa xinh đẹp.

(3 tướng tốt phụ của ngón tay, ngón chân)

4-   Móng tay, móng chân đỏ hồng như ngọc.

5-   Móng tay, móng chân cao nhọn hơi cong.

6-   Móng tay, móng chân đẹp hoàn toàn.

(3 tướng tốt phụ của móng tay, móng chân)

7-   Hai mắt cá bàn chân không lộ rõ.

8-   Hai bàn chân, mỗi bàn chân có năm ngón dài bằng nhau.

9-   Dáng chân bước đi đẹp, như bước chân của voi chúa.

10-    Dáng chân bước đi thu thúc, như sư tử chúa.

11-   Dáng chân bước đi khoan thai, như con hạc chúa.

12-   Dáng chân bước đi khoan thai, như con bò chúa.

13-   Chân phải bắt đầu bước đi trước.

(5 tướng tốt phụ về dáng đi)

14-    Hai đầu gối tròn trịa đẹp.

15-    Đầy đủ tướng tốt của đàn ông.

16-    Lỗ rốn tròn trịa không có nếp nhăn.

17-     Lỗ rốn sâu.

18- Lỗ rốn xoay tròn khu ốc bên phải. (3 tướng tốt phụ của lỗ rốn)

19-     Hai cánh tay, hai ống chân thon giống như vòi của con voi.

20-     Kim thân trên dưới cân đối xinh đẹp.

21-    Toàn kim thân từ trên xuống dưới các bộ phận rất xinh đẹp.

22-    Toàn kim thân không có tỳ vết.

23-    Kim thân không mập, không gầy, cân đối.

24-    Toàn kim thân không có nếp nhăn.

25-    Toàn kim thân không có nốt ruồi, tàn nhang v.v…

26-    Các bộ phận trong cơ thể trước sau xinh đẹp.

27-    Toàn thân có da sạch sẽ trong sáng như vàng ròng.

(9 tướng tốt phụ của thân)

28-   Đức-Phật có sức mạnh bằng 10 tỷ con voi khỏe mạnh.

29-   Lỗ mũi cao và dài, đầu mũi hơi nhọn.

30-   Lợi răng đỏ đậm.

31-   Hàm răng sạch sẽ.

32-   Hàm răng đều đặn đẹp đẽ. (2 tướng tốt phụ của hàm răng)

33-   Mắt, tai, mũi, lưỡi hoàn toàn trong sáng thanh-tịnh.

34-   Bốn cái răng nhọn tròn trịa.

35-   Đôi môi hồng đỏ (như màu đỏ lúc rạng đông).

36-   Miệng rộng.

37-   Hai lòng bàn tay có chỉ tay sâu đậm rõ ràng.

38-   Chỉ tay dài.

39-   Chỉ tay ngay thẳng.

40-   Đường chỉ tay đẹp.

(4 tướng tốt phụ của bàn tay)

41-    Toàn thân phát ra ánh sáng độ một sải. 

42-    Đôi má đầy đặn.

43-    Đôi mắt dài và rộng.

44-   Đôi mắt bên trong có năm màu (xanh, vàng, đỏ, trắng và xám).

(2 tướng tốt phụ của đôi mắt)

45-    Lưỡi hồng mềm mỏng.

46-    Đôi lỗ tai có trái tai dài.

47-    Những dây thần kinh không gút mắc.

48-    Những dây thần kinh chìm sâu.

49-    Cái đầu đẹp tròn trịa.

50-    Vầng trán rộng cao đẹp.

51-    Đôi lông mày cong tự nhiên.

52-    Đôi lông mày hình dáng đẹp.

53-    Lông mày mềm mại.

54-    Lông mày từ đầu đến đuôi cong tự nhiên.

55-    Lông mày lớn đẹp.

56-    Lông mày dài.

(6 tướng tốt phụ của lông mày)

57-   Kim thân trẻ trung tuyệt vời (không lúc nào thấy già).

58-   Kim thân mát mẻ tuyệt vời.

59-   Kim thân luôn luôn tỏa ra ánh sáng tuyệt vời.

60-   Kim thân hoàn toàn sạch sẽ, không có dơ bẩn.

61-   Kim thân mềm mại.

62-   Kim thân trơn tru xinh đẹp.

63-   Kim thân có mùi thơm.

(7 tướng tốt phụ của kim thân)

64-   Lông đều đặn.

65-    Lông mềm mại.

66-   Sợi lông uốn cong xoay bên phải.

67-    Lông có màu xanh như bích ngọc.

68-    Sợi lông tròn.

69-    Sợi lông bóng láng.

(6 tướng tốt phụ của sợi lông)

70-    Hơi thở ra, hơi thở vào vô cùng vi-tế.

71-    Miệng có mùi thơm tho(1).

72-    Tóc có màu xanh đen.

73-    Tóc xoắn khu ốc bên phải.

74-    Tóc hình dáng đẹp tự nhiên.

75-    Tóc mềm mại.

76-    Tóc không rối.

77-    Tóc đều đặn.

78-    Tóc bóng láng.

(7 tướng tốt phụ của sợi tóc)

79-    Trên đỉnh đầu tóc có mùi thơm tho.

80-    Trên đỉnh đầu phát ra tia hào quang.

Đó là 80 tướng tốt phụ của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng- Giác kiếp chót chắc chắn sẽ trở thành Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác.

Phật Mẫu Mahāmayādevī Quy Thiên

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Thái-tử Siddhattha đản sinh ra đời đến ngày thứ bảy, Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmayādevī quy thiên, bởi vì, Bà đã hết tuổi thọ. Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmayādevī hưởng thọ được 56 năm 4 tháng 27 ngày ở cõi người.

Sau khi Bà Chánh-cung Hoàng-hậu chết, dục-giới đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh làm vị thiên-nam tên Santussita trong cõi trời Tusita (Đâu-suất-đà-thiên) tầng trời thứ tư trong 6 cõi trời dục-giới. Chư-thiên trong tầng trời thứ tư này có tuổi thọ 4.000 năm tuổi trời, so với thời gian cõi người bằng 576 triệu năm; bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời Tusita này bằng 400 năm ở cõi người.

Tuyển Chọn Nhũ-Mẫu

Đức-vua Suddhodana truyền lệnh tuyển chọn nhũ mẫu để nuôi dưỡng Thái-tử Siddhattha. Những người đàn bà đủ tiêu chuẩn được tuyển chọn có 240 người nhưng chỉ có 60 bà được chọn trực tiếp lo phục vụ Thái- tử; ngoài ra, còn có 60 lính hầu và 60 vị quan trông coi việc nuôi dưỡng Thái-tử.

Khi Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmayādevī quy thiên, Đức-vua Suddhodana tấn phong Bà Mahāpajāpati gotamī (em của Bà Mahāmayādevī) lên ngôi vị Chánh- cung Hoàng-hậu.

Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāpajāpatigotamī sinh hạ Hoàng-tử Nanda, sau Thái-tử Siddhattha 2-3 ngày. Bà Mahāpajāpatigotamī vốn là bà dì ruột của Thái-tử Siddhattha, bà tự đảm đương địa vị nhũ mẫu nuôi dưỡng Thái-tử Siddhattha, còn Hoàng-tử Nanda, con đẻ của bà, được giao cho nhũ mẫu khác nuôi dưỡng.

Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha trưởng thành bằng bầu sữa ngọt lành của nhũ mẫu Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāpajāpatigotamī.

Cuộc Đời Đức-Bồ-Tát Thái-Tử Siddhattha

Năm Thái-tử Siddhattha được mười sáu (16) tuổi thì Đức-vua Suddhodana truyền ngôi báu cho Thái-tử.

Trong buổi lễ đăng quang lên ngôi Vua của Thái-tử Siddhattha và lễ thành hôn với Công-chúa Yasodharā (1), Đức-vua Siddhattha tấn phong Công-chúa Yasodharā lên ngôi vị Chánh-cung Hoàng-hậu.

Đức-vua Bồ-tát Siddhattha trị vì đất nước được thanh bình thịnh vượng, thần dân thiên-hạ được an cư lạc nghiệp.

Đức Thái-Thượng-hoàng Suddhodana muốn Đức-vua Siddhattha trở thành Đức Chuyển-luân Thánh-vương, không muốn Đức-vua Bồ-tát Siddhattha từ bỏ cung điện đi xuất gia để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác. Cho nên, Đức Thái-Thượng-hoàng truyền lệnh cho các quân lính không được để cho Đức-vua Siddhattha nhìn thấy người già, người bệnh, người chết và bậc xuất-gia.

Đức vua Bồ-tát Siddhattha lên ngôi Vua an hưởng sự an-lạc trên ngai vàng thời gian trải qua 12 năm, chưa từng thấy cảnh nào để phát sinh động-tâm (saṃvega).

Nguyên Nhân Đức-Bồ-Tát Đi Xuất Gia

Những sự kiện xảy ra theo tuần tự thời gian, khiến Đức-vua Bồ-tát quyết định đi xuất gia.

* Lần đầu tiên, vào ngày rằm tháng 6, Đức-vua Bồ- tát Siddhattha ngự đi du lãm vườn thượng uyển. Trên đường đi, bỗng nhiên Đức-vua Bồ-tát nhìn thấy một người già, do chư-thiên hóa ra, để làm cho Đức-vua Bồ- tát phát sinh động-tâm (saṃvega).

Thật vậy, Đức-vua Bồ-tát chưa từng nhìn thấy người già như thế bao giờ, cho nên Đức-vua Bồ-tát suy tư:

“Chắn chắn ta sẽ có sự già như thế, không thể tránh khỏi sự già được.”

Nỗi ưu tư tràn ngập trong lòng, không còn muốn đi du lãm nữa, Đức-vua Bồ-tát truyền bảo quan đánh xe đưa Đức-vua hồi cung.

* Lần thứ nhì, cách 4 tháng sau, vào ngày rằm tháng 10, Đức-vua Bồ-tát lại ngự đi du lãm vườn thượng uyển. Trên đường đi, lần này Đức-vua Bồ-tát nhìn thấy một người bệnh, cũng do chư-thiên hóa ra.

Như lần trước, Đức-vua Bồ-tát suy tư:

“Chắc chắn ta cũng có sự bệnh như thế, không thể tránh khỏi sự bệnh được.”

Tâm trạng u buồn, Đức-vua Bồ-tát truyền lệnh bảo quan đánh xe đưa Đức-vua hồi cung.

* Lần thứ ba, cũng cách 4 tháng sau, vào ngày rằm tháng 2, để vơi bớt nỗi buồn, Đức-vua Bồ-tát lại ngự đi du lãm vườn thượng uyển. Trên đường đi, bất chợt Đức- vua Bồ-tát nhìn thấy một người chết, cũng do chư-thiên hoá ra.

Cũng như hai lần trước, Đức-vua Bồ-tát suy tư:

“Chắc chắn ta cũng có sự chết như thế, không thể tránh khỏi sự chết được”.

Nỗi lo sợ phát sinh trong lòng, Đức-vua Bồ-tát truyền lệnh bảo quan đánh xe đưa Đức-vua hồi cung.

Từ đó, Đức-vua Bồ-tát lúc nào cũng suy tư về sự già, sự bệnh, sự chết. Đức-vua Bồ-tát tự hỏi, có con đường nào giải thoát khỏi sự già, sự bệnh, sự chết hay không? Sở dĩ có sự già, sự bệnh, sự chết là vì có sự tái-sinh.

“Ôi! Sự tái-sinh đáng kinh sợ thật!”

* Lần thứ tư, 4 tháng sau, vào ngày rằm tháng 6, để khuây khỏa nỗi u buồn, lo sợ trong lòng, một lần nữa, Đức-vua Bồ-tát ngự đi du lãm vườn thượng uyển.

Trên đường đi, Đức-vua Bồ-tát nhìn thấy một bậc xuất-gia đang tĩnh tọa dưới cội cây, tỏ vẻ an nhiên tự tại, cũng do chư-thiên hóa ra, để làm cho Đức-vua Bồ-tát nghĩ đến việc xuất-gia.

Thật vậy, khi Đức-vua Bồ-tát nhìn thấy bậc xuất-gia, Ngài liền trút bỏ được mọi nỗi ưu tư nặng trĩu trong lòng về sự già, sự bệnh, sự chết. Đức-vua Bồ-tát quyết định xuất gia ngay đêm ấy, để tìm con đường giải thoát khỏi sự tái-sinh là giải thoát khỏi khổ già, khổ bệnh, khổ chết.

Hôm ấy, Đức-Bồ-tát cảm thấy vô cùng hoan hỷ, nên Đức-Bồ-tát vẫn tiếp tục ngự đi du lãm vườn thượng uyển.

Khi Đức-vua Bồ-tát hồi cung, ngay trong đêm ấy Đức-vua Bồ-tát nghe tin Chánh-cung Hoàng-hậu Yasodharā đã sinh hạ Hoàng-tử, tình thương con phát sinh trong tâm, Đức-vua Bồ-tát than rằng:

“Sự ràng buộc lớn!”

Do đó, Hoàng-tử được đặt tên là “Rāhula.”

Mặc dù vậy, chí nguyện xuất-gia của Đức-vua Bồ-tát vẫn không thay đổi.

Đêm ấy, Đức-vua Bồ-tát đến tìm gặp Channa, quan giữ ngựa thân tín rồi bảo:

– Này Channa! Đêm nay, Trẫm sẽ rời khỏi hoàng cung, đi xuất gia, khanh hãy sửa soạn cho Trẫm con ngựa Kaṇḍaka ngay bây giờ, và nhớ không để cho một ai hay biết cả.

Như vậy, Đức-vua Bồ-tát Siddhattha lên ngôi vua, trị vì đất nước được 13 năm.

Đức-Bồ-Tát Siddhattha Đi Xuất Gia

Bỗng nhiên Đức-vua Bồ-tát thoáng nghĩ:

“Trước khi xuất gia, ta nên đến nhìn mặt Hoàng-nhi.”

 

Đức-vua Bồ-tát đi nhẹ nhàng lén vào phòng Chánh- cung Hoàng-hậu Yasodharā, dưới ánh đèn mờ nhạt, Chánh-cung Hoàng-hậu đang nằm nghiêng, choàng cánh tay qua Hoàng-nhi, vì đứng đằng sau nên không thể nhìn thấy rõ mặt Hoàng-nhi, nên Đức-vua Bồ-tát thầm nghĩ:

“Nếu ta đến gần e rằng Chánh-cung Hoàng-hậu sẽ thức giấc, làm trở ngại việc xuất-gia của ta trong đêm nay. Bây giờ, ta chưa nhìn thấy mặt Hoàng-nhi, thì chờ sau khi ta trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, ta sẽ trở về gặp sau cũng không muộn”.

Vào nửa đêm ngày rằm tháng sáu âm lịch, Đức-vua Bồ-tát Siddhattha nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng, lên ngựa Kaṇḍaka, còn Channa đi theo sau, Đức-vua Bồ-tát Siddhattha trốn khỏi hoàng cung, đi xuất gia, lúc 29 tuổi.

Mỗi vó ngựa đều có bàn tay chư-thiên nâng đỡ, không phát ra tiếng động, nên không một ai hay biết, khi đến cửa thành thì liền có chư-thiên mở cửa cho ngựa Kaṇḍaka phi nhanh qua.

Đức-vua Bồ-tát Siddhattha ngự đi qua khỏi ba xứ: Xứ Sakya, xứ Koliya và xứ Malla khoảng 30 do tuần chỉ trong một đêm. Đến bờ sông Anoma, Đức-vua Bồ-tát Siddhattha ra hiệu cho ngựa Kaṇḍaka bay sang bờ bên kia, rồi Ngài nhẹ nhàng xuống ngựa cởi các đồ trang phục đức-vua, rồi bảo Channa rằng:

– Này Channa! Trẫm sẽ xuất gia tại nơi đây, khanh hãy mang tất cả đồ trang phục nầy trở về hoàng cung, trình tâu cho Đức-Phụ-vương của Trẫm biết.

Đức-vua Bồ-tát Siddhattha dùng thanh gươm báu cắt tóc, chừa lại khoảng 2 lóng tay, tất cả những sợi tóc còn lại tự xoắn vòng xoáy theo khu ốc sang bên phải nằm sát trên da đầu và cạo sạch râu.

Chỉ một lần ấy thôi, từ đó về sau suốt cả cuộc đời của Đức-Phật, không còn phải cắt tóc, cạo râu nữa.

Sau khi cắt tóc xong, Đức-vua Bồ-tát cầm nắm tóc trên tay, phát nguyện rằng:

“Nếu ta trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thì xin cho nắm tóc này ở trên hư không, còn như nếu ta không trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thì nắm tóc này sẽ rơi xuống đất.”

Đức-Bồ-tát ném nắm tóc lên hư không.

Thật là phi thường thay! Nắm tóc bay bỗng lên trên hư không khoảng một do tuần rồi đứng yên một chỗ.

Lúc ấy, Đức-vua Trời Sakka nhìn thấy bèn đem cái hộp bằng ngọc hiện xuống, cung kính đặt nắm tóc của Đức-vua Bồ-tát vào hộp, đem về tôn thờ ở ngôi tháp Cuḷamanī tại cõi Tam-thập-tam-thiên.

Khi ấy, vị Đại phạm-thiên Ghaṭikāra, là bạn thân cũ từ tiền-kiếp của Đức-vua Bồ-tát trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa, biết hôm nay Đức-vua Bồ-tát Siddhattha xuất gia, nên mang 8 thứ vật dụng của bậc Sa-môn là tam y, bình bát, dao cạo, kim chỉ, dây thắt lưng và đồ lọc nước đến kính dâng cúng dường Đức-vua Bồ-tát.

Đức-Bồ-tát Siddhattha mặc y vàng màu lõi mít, tượng trưng như lá cờ chiến thắng của bậc Thánh A-ra- hán, trở thành bậc xuất-gia, lúc Đức-Bồ-tát Chánh- Đẳng-Giác Siddhattha được 29 tuổi.

Đức-Bồ-Tát Thọ Giáo Pháp-Hành Thiền-Định

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha tìm đến vị Đạo-sư Ālāra Kālāmagotta xin thọ giáo. Vị Đạo-sư hân hoan tiếp nhận Đức-Bồ-tát, rồi truyền dạy pháp-hành thiền-định.

Đức-Bồ-tát thực-hành pháp-hành thiền-định qua một thời gian không lâu, Đức-Bồ-tát chứng đắc được 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, và chứng đắc đến đệ tam thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là: vô-sở-hữu-xứ-thiền thiện- tâm (akiñcaññāyatanajjhānakusalacitta) ngang bằng với bậc thiền mà vị Đạo-sư Ālāra Kālāmagotta đã chứng đắc.

Vị Đạo-sư Ālāra Kālāmagotta tán dương ca tụng tài đức của Đức-Bồ-tát rằng:

–    Này hiền-giả! Tôi đã chứng đắc bậc thiền vô-sắc- giới thiện-tâm nào, thì hiền-giả cũng chứng đắc được bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm ấy. Hiền-giả chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm nào, thì tôi cũng đã chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm ấy.

–    Này hiền-giả! Từ nay, hai chúng ta cùng làm Đạo- sư dạy dỗ nhóm đệ-tử này.

Đức-Bồ-tát suy xét rằng:

“Đệ tam thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là vô-sở-hữu- xứ-thiền thiện-tâm này sẽ cho quả tái-sinh lên cõi vô- sắc-giới phạm-thiên gọi là cõi Vô-sở-hữu-xứ-thiên, có tuổi thọ sống lâu đến 60.000 đại-kiếp, không phải là pháp dẫn đến sự nhàm chán ngũ-uẩn, không diệt tận tham-ái, không diệt tận được phiền-não, không chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không chứng đắc 4 Thánh- đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, không giải thoát khổ sinh, lão, bệnh, tử, không giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.”

Đức-Bồ-tát Siddhattha không bằng lòng với sở đắc của mình, nên Đức-Bồ-tát xin từ giã vị Đạo-sư Ālāra Kālāmagotta khả kính, để đi tìm pháp môn khác, hầu mong giải thoát khổ sinh, lão, bệnh, tử.

Sau khi từ giã vị Đạo-sư Ālāra Kālāmagotta, Đức-Bồ-tát Siddhattha tìm đến vị Đạo-sư Udaka Rāmaputta xin thọ giáo. Vị Đạo-sư hân hoan tiếp nhận Đức-Bồ-tát, rồi truyền dạy pháp-hành thiền-định.

Đức-Bồ-tát thực-hành pháp-hành thiền-định qua một thời gian không lâu, Đức-Bồ-tát chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới và chứng đắc đến đệ tứ thiền vô-sắc-giới tột đỉnh gọi là: phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền thiện-tâm (nevasaññānāsaññāyatanajjhānakusalacitta) là bậc thiền vô-sắc-giới tột đỉnh ngang bằng với bậc thiền mà vị Đạo-sư Udaka Rāmaputta đã chứng đắc.

Vị Đạo-sư tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát rằng:

–    Này hiền giả! Tôi đã chứng đắc bậc thiền vô-sắc- giới tột đỉnh nào, thì hiền-giả cũng chứng đắc bậc  thiền vô-sắc-giới tột đỉnh ấy. Hiền-giả chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới tột đỉnh nào, tôi cũng đã chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới tột đỉnh ấy.

–   Này hiền-giả! Tôi xin thỉnh hiền-giả làm Đạo-sư dạy dỗ nhóm đệ-tử này.

Đức-Bồ-tát suy xét rằng:

“Đệ tứ thiền vô-sắc-giới gọi là phi-tưởng-phi-phi- tưởng-xứ-thiền thiện-tâm này sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời vô-sắc-giới phạm-thiên gọi là cõi Phi-tưởng-phi- phi-tưởng-xứ-thiên, có tuổi thọ sống lâu đến 84.000 đại- kiếp, không phải là pháp dẫn đến sự nhàm chán ngũ- uẩn, không diệt tận được tham-ái, không diệt tận được phiền-não, không chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, không giải thoát khổ sinh, lão, bệnh, tử, không giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.”

Đức-Bồ-tát Siddhattha xin từ giã Đạo-sư Udaka Rāmaputta khả kính, để đi tìm pháp-môn khác, hầu mong giải thoát khổ sinh, lão, bệnh, tử.

 

CHƯƠNG I – Tích Vị Đạo-Sĩ Kāḷadevila Khi Gặp Đức Bồ Tát Thái Tử Siddhattha
CHƯƠNG I: Lễ Đặt Tên Đức-Bồ-Tát Thái-Tử

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *