Phần I – ÐỐI TƯỢNG TỨ OAI NGHI  (tiếp theo) 4

 Phần I
ÐỐI TƯỢNG TỨ OAI NGHI  (tiếp theo)

 -ooOoo-

Ðoạn Kết Của Ðối Tượng Tứ Oai Nghi:

Ðoạn kết của đối tượng tứ oai nghi, Ðức Phật dạy rằng:

“Iti ajjhattaṃ vā kāye kāyānupassī viharati.
Bahiddhā vā kāye kāyānupassī viharati.
Ajjhattabahiddhā vā kāye kāyānupassī viharati…”.

Phần Chú giải [1] của đối tượng tứ oai nghi giải thích rằng:

Iti ajjhattaṃ vā’ti evaṃ attano vā catu iriyāpathapariggaṇhanena kāye kāyānupassī viharati.
Bahiddhā vā’ti parassa catu iriyāpathapariggaṇhanena.
Ajjhattabahiddhā vā’ti kālena attano, kālena parassa catu iriyāpathapariggaṇhanena kāye kāyānupassī viharati.
Samudayadhammānupassī vā’ti ādīsu pana “avijjāsamudayā rūpasamudayo”ti adinā nayena pañcahākārehi rūpakkhandhassa samudayo ca vayo ca nīharitabbo.
Tañhi sandhāya idha “samudayadhammā-nupassī vā ’ti ādi vuttaṃ.
Atthi kāyo’ti vā parassā ti ādi vuttasadisameva.

Dịch Nghĩa:

* Iti ajjhattaṃ vā: Hoặc Tỳ khưu (hành giả), có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác theo dõi trực nhận, trực giác thấy rõ biết rõ thân trong thân — 4 oai nghi bên trong của mình như vậy.

* Bahiddhā vā: Hoặc Tỳ khưu (hành giả), có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác theo dõi trực nhận, trực giác thấy rõ biết rõ thân trong thân — 4 oai nghi bên ngoài của người khác như vậy.

* Ajjhattabahiddhā vā: Hoặc Tỳ khưu (hành giả), có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác theo dõi trực nhận, trực giác thấy rõ biết rõ thân trong thân — 4 oai nghi, khi thì bên trong của mình; khi thì bên ngoài của người khác như vậy.

* Samudayadhammānupassī vā: Hoặc chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác theo dõi thấy rõ biết rõ trạng thái sanh do bởi 5 nhân duyên sanh của sắc pháp: vô minh, tham ái, nghiệp, vật thực, trạng thái sanh của sắc pháp như vậy.

* Vayadhammānupassī vā: Hoặc chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác theo dõi thấy rõ biết rõ trạng thái diệt do bởi 5 nhân duyên diệt của sắc pháp: vô minh, tham ái, nghiệp, vật thực, trạng thái diệt của sắc pháp như vậy.

* Samudayavayadhammānupassī vā: Hoặc chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác theo dõi thấy rõ biết rõ khi thì trạng thái sanh do bởi 5 nhân duyên sanh của sắc pháp; khi thì trạng thái diệt do bởi 5 nhân duyên diệt của sắc pháp, như vậy.

* Atthi kāyo: Chỉ là thân mà thôi. Thân trong đối tượng này là 4 oai nghi: đi, đứng, ngồi, nằm thuộc về sắc pháp là pháp vô ngã: không phải chúng sinh (na satto), không phải người (na puggalo), không phải đàn bà (na itthī), không phải đàn ông (na puriso), không phải ngã (na attā), không phải thuộc về ngã (ta) (na attaniyaṃ), không phải ta (nā’haṃ), không phải của ta (na mama), không phải ai (na koci), không phải của ai, v.v…

Chánh niệm trực nhận dáng đi, tư thế đi; dáng đứng, tư thế đứng; dáng ngồi, tư thế ngồi; dáng nằm, tư thế nằm… cốt để cho chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác được phát triển, tăng trưởng (sati sampajaññānaṃ vuṇṇhatthāya).

* Anisito ca viharati: Hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác hoàn toàn trong sạch thanh tịnh, không có tà kiến tham ái nương nhờ nơi dáng đi, tư thế đi; dáng đứng, tư thế đứng; dáng ngồi, tư thế ngồi; dáng nằm, tư thế nằm…

* Na ca kiñci loke upādīyati: Tâm không còn chấp thủ do bởi tà kiến, tham ái cho rằng: “ta, của ta”nào trong ngũ uẩn này nữa (Ðó là tâm của bậc Thánh A-ra-hán).

Như vậy, đối tượng tứ oai nghi trong phần niệm thân này có khả năng dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo — Nhập Lưu Thánh Quả; Nhất Lai Thánh Ðạo — Nhất Lai Thánh Quả; Bất Lai Thánh Ðạo — Bất Lai Thánh Quả; đến A-ra-hán Thánh Ðạo — A-ra-hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Nhận xét về đoạn kết:

Mỗi đoạn kết của 21 đối tượng trong kinh Ðại Tứ Niệm Xứ đều bắt đầu: “Iti ajjhattaṃ vā…”.

Iti ajjhattaṃ vā: hoặc đối tượng bên trong của mình như: hơi thở vô — hơi thở ra bên trong của mình; 4 oai nghi: đi, đứng, ngồi, nằm, bên trong của mình v.v… điều ấy không có gì đáng thắc mắc.

Bahiddhā vā: hoặc đối tượng bên ngoài của người khác như: hơi thở vô — hơi thở ra bên ngoài của người khác; 4 oai nghi: đi, đứng, ngồi, nằm, bên ngoài của người khác v.v… như thế nào?

Thật ra, hành giả tiến hành pháp hành Tứ niệm xứ hoặc pháp hành thiền tuệ đã đến giai đoạn có khả năng phát sanh trí tuệ thứ nhất gọi là Nāmarūpa-paricchedañāṇa: Trí tuệ thấy rõ biết rõ, phân biệt rõ từng mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp bên trong của mình đúng theo thực tánh các pháp đều là pháp vô ngã,chánh kiến thiền tuệ (Vipassanāsammādiṭṭhi), đạt đến thanh tịnh gọi là Diṭṭhivisuddhi: Chánh kiến thanh tịnh. Và trí tuệ phát triển, tiến hoá tuần tự phát sanh trí tuệ thứ nhì gọi là Nāmarūpapaccayapariggahañāṇa: Trí tuệ thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp: với paccakkhañāṇa: trí tuệ trực tiếp thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp bên trong (ajjhatta) của mình như thế nào; và bằng anumānañāṇa: trí tuệ gián tiếp thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp bên ngoài (bahiddhā) của người khác, chúng sinh khác phát sanh cũng do nhân duyên như thế ấy. Cho nên, trí tuệ thứ nhì này đạt đến thanh tịnh gọi là Kaṅkhāvitaraṇavisuddhi: Trí tuệ thoát ly hoài nghi thanh tịnh.

Do nhờ trí tuệ thứ nhì này, hành giả không có hoài nghi về sự sanh của danh pháp, sắc pháp bên trong của mình; và cũng không còn có hoài nghi về sự sanh của danh pháp, sắc pháp bên ngoài của người khác.

Như vậy, “bahiddhā vā”: Hoặc đối tượng bên ngoài của người khác, không phải là đối tượng thật hiện tại, mà chỉ là đối tượng của trí tuệ tư duy đúng đắn, do nhờ trí tuệ thứ nhì thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp bên trong của mình làm nền tảng.

Samudayadhammānupassī vā: Hoặc trí tuệ theo dõi thấy rõ biết rõ trạng thái sanh của danh pháp, sắc pháp do nhân duyên sanh, đó là trí tuệ thứ nhì gọi là Nāmarūpapaccayapariggahañāṇa: Trí tuệ thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp.

Vayadhammānupassī vā: Hoặc trí tuệ thiền tuệ theo dõi thấy rõ biết rõ trạng thái diệt của danh pháp, sắc pháp do nhân duyên diệt, đó là trí tuệ thứ ba gọi là Sammasanañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ sự diệt của danh pháp sắc pháp do nhân duyên diệt, nên thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp sắc pháp.

Samudayavayadhammānupassī vā: Hoặc trí tuệ thiền tuệ theo dõi thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp do nhân duyên sanh, do nhân duyên diệt ngay hiện tại, nên thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp sắc pháp. Ðó là trí tuệ thiền tuệ thứ tư gọi là Udayabbayañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp ngay hiện tại, nên thấy rõ 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp sắc pháp. v.v…

Atthi kāyo: nghĩa là chỉ là thân mà thôi, sắc thân thuộc sắc pháp là pháp vô ngã.

Anisito ca viharati: nghĩa là hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác hoàn toàn trong sạch thanh tịnh,không có tà kiến nương nhờ và cũng không có tham ái nương nhờ nơi đối tượng sắc thân hoặc danh pháp, sắc pháp.

Na ca kiñci loke upādīyati: nghĩa là tâm không còn chấp thủ cho rằng: “ta, của ta” nào trong ngũ uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn) hoặc sắc pháp, danh pháp này nữa. Ðó là tâm của bậc Thánh A-ra-hán.

Tóm lại, tất cả 21 đối tượng trong Tứ niệm xưù (thân niệm xứ có 14 đối tượng, thọ niệm xứ có 1 đối tượng chia làm 9 loại thọ, tâm niệm xứ có 1 đối tượng chia làm 16 loại tâm, pháp niệm xứ có 5 đối tượng),mỗi đối tượng đều có khả năng dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo — Nhập Lưu Thánh Quả; Nhất Lai Thánh Ðạo — Nhất Lai Thánh Quả; Bất Lai Thánh Ðạo — Bất Lai Thánh Quả; đến A-ra-hán Thánh Ðạo — A-ra-hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng, tuỳ theo duyên lành, 5 pháp chủ (tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ)ba la mật của mỗi hành giả.

Nhân duyên sanh của sắc pháp – danh pháp:

* Nhân duyên sanh của sắc pháp

Sắc pháp sanh do 5 nhân duyên:

— Sắc pháp sanh do vô minh sanh.
— Sắc pháp sanh do tham ái sanh.
— Sắc pháp sanh do nghiệp sanh.
— Sắc pháp sanh do vật thực sanh.
Trạng thái sanh của sắc pháp.

* Nhân duyên diệt của sắc pháp

Sắc pháp diệt do 5 nhân duyên:

— Sắc pháp diệt do vô minh diệt.
— Sắc pháp diệt do tham ái diệt.
— Sắc pháp diệt do nghiệp diệt.
— Sắc pháp diệt do vật thực diệt.
Trạng thái diệt của sắc pháp.

* Nhân duyên sanh của danh pháp

Danh pháp sanh do 5 nhân duyên:

— Danh pháp sanh do vô minh sanh.
— Danh pháp sanh do tham ái sanh.
— Danh pháp sanh do nghiệp sanh.
— Danh pháp sanh do danh pháp, sắc pháp sanh.
Trạng thái sanh của danh pháp.

* Nhân duyên diệt của danh pháp

Danh pháp diệt do 5 nhân duyên:

— Danh pháp diệt do vô minh diệt.
— Danh pháp diệt do tham ái diệt.
— Danh pháp diệt do nghiệp diệt.
— Danh pháp diệt do danh pháp, sắc pháp diệt.
Trạng thái diệt của danh pháp.

 -ooOoo-

Pháp Hành Trung Ðạo

Pháp hành Trung đạo (Majjhimāpaṭipadā) là một pháp hành chỉ có trong Phật giáo, hoàn toàn không có ngoài Phật giáo.

Trong bài kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkappavattanasutta [2] ), Ðức Phật dạy:

Hai Pháp Thấp Hèn (dve antā)

“Này chư Tỳ khưu, có hai pháp cực đoan thuộc về hai biên kiến người xuất gia không nên hành theo. Hai pháp ấy như thế nào?

1- Một là, việc thường thụ hưởng khoái lạc trong ngũ dục do tâm tham ái hợp với thường kiến, là pháp thấp hèn của hạng phàm nhân trong đời, không phải của bậc Thánh nhân, không đem lại lợi ích an lạc nào.

2- Hai là, việc thường tự ép xác hành khổ mình do tâm sân hận và có đoạn kiến, thuộc pháp hành khổ hạnh của ngoại đạo, không phải của bậc Thánh nhân, không đem lại lợi ích an lạc nào.

Pháp Hành Trung Ðạo (Majjhimāpaṭipadā)

Này chư Tỳ khưu, không thiên về hai pháp cực đoan thuộc hai biên kiến ấy, Như Lai đã hành theo Pháp hành Trung đạo, nên đã chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế bằng trí tuệ siêu tam giới, làm cho tuệ nhãn phát sanh; trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới phát sanh, để làm vắng lặng mọi phiền não; làm cho trí tuệ siêu việt thông suốt chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả và Niết Bàn.

Này chư Tỳ khưu, thế nào gọi là Pháp hành Trung đạo mà Như Lai đã chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế (bằng trí tuệ siêu tam giới), làm cho tuệ nhãn phát sanh; trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới phát sanh, để làm vắng lặng mọi phiền não; làm cho trí tuệ siêu việt thông suốt chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn.

Này chư Tỳ khưu, Pháp hành Trung đạo đó chính là Thánh Ðạo hợp đủ 8 chánh cao thượng là:

1- Chánh kiến. 2- Chánh tư duy. 3- Chánh ngữ. 4- Chánh nghiệp. 5- Chánh mạng. 6- Chánh tinh tấn. 7- Chánh niệm. 8- Chánh định.

Này chư Tỳ khưu, nhờ Pháp hành Trung đạo là Thánh Ðạo hợp đủ 8 chánh cao thượng này, mà Như Lai đã chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế (bằng trí tuệ siêu tam giới), làm cho tuệ nhãn phát sanh; trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới phát sanh, để làm vắng lặng mọi phiền não; làm cho trí tuệ siêu việt thông suốt chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả và Niết Bàn”.

Trong bài kinh này, Ðức Thế Tôn dạy Pháp hành Trung đạo đó chính là Thánh Ðạo hợp đủ 8 chánh cao thượng: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định; 8 chánh này là 8 tâm sở đồng sanh cùng một lúc trong Thánh Ðạo Tâm và Thánh Quả Tâm.

Trong Thánh Ðạo Tâm, Thánh Quả Tâm có 36 tâm sở đồng sanh, trong 36 tâm sở này có:

Trí tuệ tâm sở gọi là chánh kiến: trí tuệ chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế.

Hướng tâm tâm sở (vitakka) gọi là chánh tư duy: tư duy thoát ra khỏi ngũ dục, tư duy không làm khổ, tư duy không làm hại.

Chánh ngữ tâm sở gọi là chánh ngữ: lời nói chân chánh, đó là không nói dối, không nói lời chia rẽ, không nói lời thô tục, không nói lời vô ích.

Chánh nghiệp tâm sở gọi là chánh nghiệp: hành nghiệp chân chánh, đó là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.

Chánh mạng tâm sở gọi là chánh mạng: nuôi mạng chân chánh, tránh xa cách sống tà mạng do hành ác.

Tinh tấn tâm sở gọi là chánh tinh tấn, đó là:

* Tinh tấn ngăn ác pháp phát sanh.
* Tinh tấn diệt ác pháp đã sanh.
* Tinh tấn làm cho thiện pháp phát sanh.
* Tinh tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã sanh.

Niệm tâm sở gọi là chánh niệm: niệm chân chánh, đó là: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.

Nhất tâm tâm sở gọi là chánh định: định chân chánh, là định tâm trong 5 bậc thiền siêu tam giới, có Niết Bàn làm đối tượng.

Tám tâm sở có tên 8 chánh này cùng với 28 tâm sở khác, có Niết Bàn làm đối tượng, đặc biệt chỉ đồng sanh trong Thánh Ðạo TâmThánh Quả Tâm thuộc siêu tam giới tâm mà thôi. Ngoài ra, chúng không bao giờ đồng sanh cùng một lúc trong dục giới tâm, sắc giới tâm, vô sắc giới tâm.

Pháp hành Trung đạo đó là Thánh Ðạo hợp đủ 8 chánh đồng sanh trong Thánh Ðạo Tâm và Thánh Quả Tâm có Niết Bàn làm đối tượng; Pháp hành Bát chánh đạo ấy trong Thánh Ðạo Tâm và Thánh Quả Tâm, không phải là pháp hành bắt đầu tiến hành, cũng không phải là pháp hành đang tiến hành, mà là pháp hành đã tiến hành xong, đã hoàn thành phận sự Tứ thánh đế xong, là kết quả của pháp hành (paṭipatti) ở trong pháp thành (paṭivedha).

Như vậy, Pháp hành Trung đạo là pháp hành Bát chánh đạo hợp đủ 8 chánh ấy ở giai đoạn cuối; thì ở giai đoạn đầu của Pháp hành Trung đạo hoặc pháp hành Bát chánh đạo là pháp nào?

 

Pháp hành Trung đạo có 2 giai đoạn:

Giai đoạn đầu của Pháp hành Trung đạo như thế nào?

Pháp hành Trung đạo đó là pháp hành Bát chánh đạo, trong 8 chánh này, giai đoạn đầu, hành giả bắt đầu tiến hành từ chánh niệm: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp. Pháp hành Trung đạo giai đoạn đầu chính là tiến hành pháp hành Tứ niệm xứ, để diệt tâm tham, hài lòng và tâm sân, không hài lòng trong danh pháp, sắc pháp; để cho trí tuệ thiền tuệ phát sanh thấy rõ biết rõ thực tánh của các pháp; thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả Niết Bàn.

Giai đoạn cuối của Pháp hành Trung đạo như thế nào?

Hành giả tiến hành pháp hành Tứ niệm xứ dẫn đến chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả, trong 4 Thánh Ðạo Tâm 4 Thánh Quả Tâm 8 tâm sở đồng sanh gọi là Bát chánh đạo làm xong phận sự Tứ thánh đế. Bát chánh đạo trong 4 Thánh Ðạo Tâm 4 Thánh Quả Tâm ấy chính là Pháp hành Trung đạo ở giai đoạn cuối.

Pháp hành Tứ niệm xứthân, thọ, tâm, pháp làm đối tượng, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả Niết Bàn. Phần thân thuộc sắc pháp; phần thọ, phần tâm thuộc danh pháp; phần pháp thuộc sắc pháp danh pháp.

Pháp hành thiền tuệdanh pháp, sắc pháp làm đối tượng, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả Niết Bàn.

Như vậy, pháp hành Tứ niệm xứpháp hành thiền tuệ có đối tượng và kết quả hoàn toàn giống nhau, chỉ có khác nhau về tên gọi 2 pháp hành mà thôi.

Hành giả tiến hành thiền tuệ đúng theo Pháp hành Trung đạo mới có thể dẫn đến sự chứng ngộ chân lyù Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả Niết Bàn.

Hành không đúng theo Pháp hành Trung đạo như thế nào?

Hành giả tiến hành thiền tuệ có 4 oai nghi: đi, đứng, ngồi, nằm..ḷàm đối tượng của pháp hành thiền tuệ.

Sự thật, tất cả mọi danh pháp, sắc pháp dều là khổ đế, là pháp nên biết như nhau cả thảy, không hơn không kém. Nhưng có số hành giả không hiểu rõ sự thật chân lý khổ đế này, nên coi trọng đối tượng danh pháp, sắc pháp này; coi khinh đối tượng danh pháp, sắc pháp kia, tâm không biết trung dung trong tất cả mọi đối tượng danh pháp, sắc pháp; cho nên họ tiến hành thiền tuệ khi thì tâm tham, hài lòng trong đối tượng danh pháp, sắc pháp này; khi thì tâm sân, không hài lòng trong danh pháp, sắc pháp kia. Khi tâm tham hoặc tâm sân phát sanh, đều luôn luôn có tâm sở si (vô minh) đồng sanh bao trùm phủ kín thật tánh của danh pháp, sắc pháp ấy.

Như vậy, trí tuệ thiền tuệ không thể phát sanh, không thể thấy rõ biết rõ thực tánh của danh pháp, sắc pháp đúng theo chân nghĩa pháp, đồng thời pháp hành đã thiên về 2 pháp cực đoan: tâm tham, hài lòng và tâm sân, không hài lòng; cho nên, hành giả tiến hành thiền tuệ không đúng theo Pháp hành Trung đạo, chắc chắn không thể dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn.

Ví dụ:

Hành giả đang tiến hành thiền tuệ có sắc ngồi đó là dáng ngồi, tư thế ngồi làm đối tượng của thiền tuệ. Nếu hành giả coi trọng sắc ngồi, thì làm duyên cho tâm tham, hài lòng phát sanh cùng với tâm sở si đồng sanh bao trùm phủ kín thực tánh của sắc ngồi, thuộc sắc pháp ấy.

Một khi có phóng tâm phát sanh (nghĩ đến chuyện khác) phải buông bỏ đối tượng sắc ngồi. Nếu hành giả coi khinh phóng tâm thì tâm sân, không hài lòng phát sanh cùng với tâm sở si bao trùm phủ kín thực tánh của phóng tâm, danh pháp ấy. Cho nên, hành giả tiến hành thiền tuệ không diệt được tâm tham, hài lòng và tâm sân, không hài lòng cùng với tâm sở si trong danh pháp, sắc pháp ấy.

Như vậy, hành giả tiến hành thiền tuệ không đúng theo Pháp hành Trung đạo, vì thiên về 2 pháp cực đoan: tâm tham, hài lòng và tâm sân, không hài lòng trong danh pháp, sắc pháp.

Hành đúng theo Pháp hành Trung đạo như thế nào?

Hành giả tiến hành thiền tuệ có 4 oai nghi: đi, đứng, ngồi, nằm làm đối tượng của pháp hành thiền tuệ.

Sự thật, tất cả mọi danh pháp, sắc pháp đều là khổ đế, là pháp nên biết như nhau cả thảy, không hơn không kém. Có số hành giả hiểu rõ sự thật chân lý khổ đế này, nên không coi trọng đối tượng danh pháp, sắc pháp này; cũng không coi khinh đối tượng danh pháp, sắc pháp kia, tâm biết trung dung trong tất cả mọi đối tượng danh pháp, sắc pháp; cho nên khi họ tiến hành thiền tuệ dầu danh pháp, sắc pháp nào cũng ngăn ngừa được tâm tham, hài lòng và tâm sân, không hài lòng cùng với tâm sở si (vô minh) nương nhờ trong đối tượng danh pháp, sắc pháp ấy mà phát sanh; do đó, trí tuệ thiền tuệ phát sanh, thấy rõ biết rõ thực tánhcủa danh pháp, sắc pháp ấy, đồng thời diệt được tâm tham, hài lòng và tâm sân, không hài lòng cùng với tâm sở si trong đối tượng danh pháp, sắc pháp ấy.

Hành giả tiến hành thiền tuệ giai đoạn đầu đúng theo Pháp hành Trung đạo, vì không thiên về 2 pháp cực đoan: tâm tham, hài lòng và tâm sân, không hài lòng, dẫn đến sự phát sanh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ thực tánh của danh pháp, sắc pháp đúng theo sự thật chân nghĩa pháp; thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả Niết Bàn, đến giai đoạn cuối của Pháp hành Trung đạo.

Ví dụ:

Hành giả đang tiến hành thiền tuệ có sắc ngồi đó là dáng ngồi, tư thế ngồi làm đối tượng của thiền tuệ; hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác trực nhận trực giác ngay dáng ngồi, tư thế ngồi thuộc sắc pháp phát sanh từ tâm, gọi là sắc ngồi. Hành giả không coi trọng sắc ngồi, nên tâm tham, hài lòng cùng với tâm sở si không thể nương nhờ nơi sắc ngồi (sắc pháp) mà phát sanh. Khi ấy, chỉ có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác đồng sanh trong đại thiện tâm trong sạch sắc ngồi là đối tượng mà thôi.

Nếu khi có phóng tâm phát sanh (nghĩ đến chuyện khác) phải buông bỏ đối tượng sắc ngồi; hành giả không coi khinh phóng tâm nên tâm sân, không hài lòng cùng với tâm sở si không thể nương nhờ nơi phóng tâm (danh pháp) mà phát sanh. Cho nên, chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ biết rõ đối tượng phóng tâm (vừa mới diệt)danh phóng thuộc danh pháp. Như vậy, dù đối tượng thay đổi (từ sắc ngồi diệt, phóng tâm sanh), song chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác vẫn không thay đổi.

Hành giả tiến hành thiền tuệ giai đoạn đầu đúng theo Pháp hành Trung đạo, vì không thiên về 2 pháp cực đoan, nên diệt được tâm tham, hài lòng trong sắc ngồi (sắc pháp), và diệt được tâm sân, không hài lòng trong phóng tâm (danh pháp), đồng thời diệt được tâm si trong danh pháp, sắc pháp. Do đó, trí tuệ thiền tuệ phát sanh thấy rõ biết rõ thực tánh của danh pháp, sắc pháp đúng theo sự thật chân nghĩa pháp; thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến giai đoạn cuối của Pháp hành Trung đạo, để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả Niết Bàn.

 -ooOoo-

Pháp Hành Giới — Ðịnh — Tuệ

Pháp hành giới — định — tuệ có 2 loại:

1- Pháp hành giới — định — tuệ trong tam giới.
2- Pháp hành giới — định — tuệ trong siêu tam giới.

1- Pháp hành giới — định — tuệ trong tam giới như thế nào?

Pháp hành giới — định — tuệ trong tam giới, hành giả phải hành theo tuần tự trước sau: hành giới — hành định — hành tuệ.

* Pháp hành giới thuộc phần đầu là pháp hành trước tiên, đó là tác ý thiện tâm giữ gìn thân khẩu không phạm giới, để làm cho thân và khẩu được trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não, để làm nền tảng cho pháp hành thiền định.

* Pháp hành định thuộc phần giữa, đó là pháp hành thiền định ở giai đoạn giữa (sau pháp hành giới), có khả năng chứng đắc các bậc thiền sắc giới, bậc thiền vô sắc giới, còn có thể làm nền tảng cho pháp hành thiền tuệ.

Ðịnh (samādhi) có 3:

Cận định (upacārasamādhi): định tâm trong một đề mục thiền định duy nhất đến giai đoạn phát sanh ấn chứng từ uggahanimitta: ấn chứng thô ảnh tương tự đến paṭibhāganimitta: ấn chứng quang ảnh trong sáng.

An định (appanāsamādhi): định tâm trong một đề mục thiền định duy nhất vững chắc đến giai đoạn ấn chứng paṭibhāganimitta: ấn chứng quang ảnh trong sáng, có khả năng chứng đắc các bậc thiền sắc giới, các bậc thiền vô sắc giới…

Hai loại định tâm này thuộc về pháp hành thiền định, có khả năng làm nền tảng cho pháp hành thiền tuệ.

Sát na định (khaṇikasamādhi): định tâm trên đối tượng danh pháp hoặc sắc pháp trong thời gian ngắn ngủi tuỳ theo nhân duyên của nó. Sát na định này thuộc về pháp hành thiền tuệ.

* Pháp hành tuệ thuộc phần cuối đó là pháp hành thiền tuệ ở giai đoạn cuối (sau pháp hành định). Pháp hành thiền tuệ có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả Niết Bàn. Nhưng cũng có trường hợp đặc biệt, hành giả tiến hành thiền tuệ trước, thiền định sau hoặc tiến hành thiền định và thiền tuệ cả hai đi đôi với nhau [3] …

2- Pháp hành giới — định — tuệ trong siêu tam giới như thế nào?

Pháp hành Bát chánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, đó là 8 tâm sơû đồng sanh trong 4 Thánh Ðạo Tâm, 4 Thánh Quả Tâm Niết Bàn làm đối tượng; vậy pháp hành Bát chánh đạo hợp đủ 8 chánh đồng sanh với 4 Thánh Ðạo Tâm, 4 Thánh Quả Tâm này thuộc về siêu tam giới pháp.

Trong Bát chánh đạo này chia ra làm 3 pháp hành: giới — định — tuệ.

Chánh kiến, chánh tư duy thuộc về pháp hành tuệ.
Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc về pháp hành giới.
Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định thuộc về pháp hành định.

Pháp hành Bát chánh đạo trong siêu tam giới này sắp đặt chánh kiến lên hàng đầu, vì nó đóng vai trò chính yếu trong sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và có Niết Bàn làm đối tượng; chánh kiến ấy làm nền tảng hỗ trợ cho chánh tư duy; chánh tư duy hỗ trợ cho chánh ngữ; chánh ngữ hỗ trợ cho chánh nghiệp; chánh nghiệp hỗ trợ cho chánh mạng; chánh mạng hỗ trợ cho chánh tinh tấn; chánh tinh tấn hỗ trợ cho chánh niệm; chánh niệm hỗ trợ cho chánh định; đó là 8 tâm sở đồng sanh, đồng diệt, đồng đối tượng Niết Bàn, đồng nơi sanh với 4 Thánh Ðạo Tâm, với 4 Thánh Quả Tâm thuộc siêu tam giới tâm, đồng thời không trước không sau, thuộc về pháp thành(paṭivedhadhamma).

Ví dụ:

Một thang thuốc chữa bệnh gồm có 8 vị thuốc, trong đó có một vị thuốc chính để trị bệnh, còn 7 vị thuốc phụ trợ. Khi đem bỏ 8 vị thuốc vào siêu, đổ thêm 3 chén nước sắc thuốc cạn xuống còn 8 phân. Trong chén thuốc 8 phân này, vị thuốc chính cùng hoà với 7 vị thuốc phụ kia. Khi uống thuốc, cùng một lần, không thể phân biệt được uống vị nào trước, vị nào sau như thế nào, Bát chánh đạo có ba phần: hành giới, hành định, hành tuệ đồng sanh với siêu tam giới tâm cũng như thế ấy, đồng thời không trước, không sau.

-ooOoo-

PHÁP KHÔNG DỂ DUÔI (Appamādadhamma)

Pháp không dể duôi có hệ trọng như thế nào trong Phật giáo?

Trong Chi bộ kinh, Ðức Phật dạy rằng:

“Này chư Tỳ khưu, Như Lai quán xét mọi pháp mà không thấy có một pháp nào khác, dầu chỉ là một pháp, là nhân làm cho các thiện pháp chưa sanh được sanh hoặc các bất thiện pháp (ác pháp) đã sanh rồi bị diệt như pháp không dể duôi.

“Này chư Tỳ khưu, hành giả có pháp không dể duôi thì các thiện pháp chưa sanh được sanh và các bất thiện pháp (ác pháp) đã sanh rồi bị diệt”. [4]

Pháp không dể duôi là một pháp tối hệ trọng, vì vậy, hằng ngày Ðức Phật thường thuyết giảng, nhắc nhở khuyên dạy các hàng đệ tử rằng:

“Appamādena bhikkhave sampādetha:
Buddhuppādo dullabho lokasmiṃ,
Manussattabhāvo dullabho,
Dullabhā saddhā sampatti,
Pabbajitabhāvo dullabho,
Saddhammassavanaṃ dullabhaṃ.
Evaṃ divase divase ovadati”.
[5]

(Này chư Tỳ khưu, các con hãy nên cố gắng tinh tấn hoàn thành mọi phận sự Tứ thánh đế bằng pháp không dể duôi, tiến hành Tứ niệm xứ, bởi vì có năm điều khó được là:

Ðức Phật xuất hiện trên thế gian là một điều khó.
Ðược sanh làm người là một điều khó.
Có được đức tin hoàn toàn trong sạch nơi Tam bảo là một điều khó.
Ðược xuất gia trở thành Tỳ khưu là một điều khó.
Ðược lắng nghe chánh pháp
[6] là một điều khó.

Năm điều khó được này, hằng ngày, Ðức Phật thường thuyết giảng, nhắc nhở, khuyên dạy chư Tỳ khưu.)

Cho đến giây phút cuối cùng trước khi tịch diệt Niết Bàn, Ðức Phật còn nhắc nhở, khuyên bảo lần chót rằng:

“Handa dāni bhikkhave āmantayāmi vo
Vayadhammā saṅkhārā, appamādena sampādetha”.
[7]

(Này chư Tỳ khưu, bây giờ Như Lai nhắc nhở, khuyên bảo các con lần cuối rằng: các pháp hữu vi (danh pháp, sắc pháp) có trạng thái diệt là thường. Các con hãy nên cố gắng tinh tấn hoàn thành mọi phận sự Tứ thánh đế bằng pháp không dể duôi, tiến hành Tứ niệm xứ).

Câu “appamādena sampādetha” chấm dứt, Ðức Phật bắt đầu nhập các bậc thiền và cuối cùng tịch diệt Niết Bàn. Do đó, đây là lời giáo huấn cuối cùng của Ðức Phật (pacchimabuddhavacana).

Ðức Phật thường dạy: “Các con chớ nên dể duôi [8] trong mọi thiện pháp”.

Hành giả có pháp không dể duôi như thế nào?

Hành giả có pháp không dể duôi là người có chánh niệm, có trí tuệ tỉnh giác, có tâm tinh tấn không ngừng tiến hành tứ niệm xứ (tiến hành thiền tuệ) một cách kiên nhẫn, không bao giờ thoái chí nản lòng, có ý chí kiên quyết để đạt đến mục đích cao cả của mình. Vì vậy, hành giả có pháp không dể duôi hết sức cố gắng tinh tấn làm cho các thiện pháp nào chưa sanh, thì thiện pháp ấy được sanh và tăng trưởng; đồng thời cố gắng tinh tấn làm cho bất thiện pháp (ác pháp) đã sanh rồi, thì bị diệt.

Hành giả có pháp không dể duôi trong mọi thiện pháp, có tâm kiên nhẫn, có ý chí kiên quyết rằng:

– Xét thấy các giới của mình chưa được hoàn toàn trong sạch và đầy đủ, thì có tác ý thiện tâm trong sạch giữ gìn các giới của mình cho được hoàn toàn trong sạch và đầy đủ; giữ gìn và duy trì các giới ấy luôn luôn được trong sạch và đầy đủ.

– Xét thấy các định của mình chưa được đầy đủ, thì quyết tâm cố gắng tinh tấn tiến hành thiền định để chứng đắc bậc thiền nào chưa chứng đắc. Khi đã chứng đắc bậc thiền ấy rồi, cố gắng tinh tấn làm cho bậc thiền ấy thuần thục vững chắc, không để suy thoái.

– Xét thấy các tuệ của mình chưa được đầy đủ, thì quyết tâm cố gắng tinh tấn tiến hành thiền tuệ, để trí tuệ thiền tuệ nào chưa phát sanh thì được phát sanh. Khi trí tuệ thiền tuệ đã phát sanh rồi, cố gắng tinh tấn làm cho càng tăng trưởng, không để thoái hóa.

– Xét thấy các tuệ giải thoát khỏi phiền não đó là Thánh Ðạo Tuệ, Thánh Quả Tuệ nào chưa phát sanh, thì quyết tâm cố gắng tinh tấn tiến hành thiền tuệ để chứng đắc Thánh Ðạo Tuệ, Thánh Quả Tuệ ấy. Thánh Ðạo Tuệ, Thánh Quả Tuệ phát sanh rồi không bao giờ bị suy thoái.

– Xét thấy các tuệ tri kiến giải thoát đó là trí tuệ quán xét Thánh Ðạo, Thánh Quả nào và Niết Bàn đã chứng đắc, phiền não nào đã bị diệt đoạn tuyệt được rồi và phiền não nào chưa bị diệt đoạn tuyệt được, thì quyết tâm cố gắng tinh tấn quán xét Thánh Ðạo, Thánh Quả ấy và Niết Bàn; quán xét phiền não đã bị diệt đoạn tuyệt được rồi và phiền não chưa bị diệt đoạn tuyệt được.

Nhờ trí tuệ tri kiến giải thoát này, mà hành giả biết được Thánh Ðạo, Thánh Quả nào được chứng đắc, phiền não nào đã bị diệt đoạn tuyệt và Thánh Ðạo, Thánh Quả nào chưa chứng đắc, phiền não nào chưa bị diệt đoạn tuyệt. Hành giả quyết tâm tinh tấn tiếp tục tiến hành thiền tuệ để chứng đắc các Thánh Ðạo, Thánh Quả ấy và diệt đoạn tuyệt phiền não ấy.

Hoặc đối với hành giả có pháp không dể duôi, là người có chánh niệm (niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp) có trí tuệ tỉnh giác, có tâm tinh tấn không ngừng tiến hành Tứ niệm xứ hoặc tiến hành thiền tuệ bằng tâm kiên nhẫn, với ý chí kiên quyết hoàn thành mọi phận sự Tứ thánh đế rằng:

– Cố gắng tinh tấn tiến hành thiền tuệ, trí tuệ thấy rõ biết rõ khổ thánh đế đó là danh pháp, sắc pháp trong tam giới, là pháp có phận sự nên biết.

– Cố gắng tinh tấn tiến hành thiền tuệ để diệt tập thánh đế đó là tâm tham ái, nhân sanh khổ thánh đế, là pháp có phận sự nên diệt.

– Cố gắng tinh tấn tiến hành thiền tuệ để chứng ngộ diệt thánh đế đó là Niết Bàn, pháp diệt khổ thánh đế, là pháp có phận sự nên chứng ngộ.

– Cố gắng tinh tấn tiến hành đạo thánh đế đó là bát chánh đạo, pháp hành dẫn đến sự chứng ngộ Niết Bàn, diệt khổ thánh đế, là pháp có phận sự nên tiến hành.

Phận sự của Tứ thánh đế:

Trong Tứ thánh đế, mỗi thánh đế có mỗi phận sự riêng biệt như sau:

Khổ thánh đế, đó là danh pháp, sắc pháp trong tam giới, là pháp có phận sự nên biết (danh pháp, sắc pháp ấy) bằng cách tiến hành thiền tuệ.

Tập thánh đế, đó là tham ái, nhân sanh khổ thánh đế, là pháp có phận sự nên diệt (tham ái ấy) bằng cách tiến hành thiền tuệ.

Diệt thánh đế, đó là Niết Bàn, diệt khổ thánh đế, là pháp có phận sự nên chứng ngộ (Niết Bàn ấy)bằng cách tiến hành thiền tuệ.

Ðạo thánh đế, đó là bát chánh đạo [9] , pháp hành dẫn đến sự chứng ngộ Niết Bàn, diệt khổ thánh đế, là pháp có phận sự nên tiến hành thiền tuệ.

Tuy mỗi thánh đế có mỗi phận sự riêng biệt, nhưng có sự liên quan mật thiết với nhau trong 4 thánh đế cùng một lúc không trước không sau.

– Nếu hành giả tiến hành thiền tuệ dẫn đến sự hoàn thành xong 4 phận sự Tứ thánh đế cùng một lúc không trước không sau lần thứ nhất, thì gọi là hành giả đã chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo — Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu (bậc Thánh thứ nhất trong Phật giáo).

– Nếu hành giả tiến hành thiền tuệ dẫn đến sự hoàn thành xong 4 phận sự Tứ thánh đế cùng một lúc không trước không sau lần thứ nhì, thì gọi là hành giả đã chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhất Lai Thánh Ðạo — Nhất Lai Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhất Lai (bậc Thánh thứ nhì trong Phật giáo).

– Nếu hành giả tiến hành thiền tuệ dẫn đến sự hoàn thành xong 4 phận sự Tứ thánh đế cùng một lúc không trước không sau lần thứ ba, thì gọi là hành giả đã chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Bất Lai Thánh Ðạo — Bất Lai Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Bất Lai (bậc Thánh thứ ba trong Phật giáo).

– Nếu hành giả tiến hành thiền tuệ dẫn đến sự hoàn thành xong 4 phận sự Tứ thánh đế cùng một lúc không trước không sau lần thứ tư, thì gọi là hành giả đã chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo — A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán (bậc Thánh thứ tư cao thượng nhất trong Phật giáo).

Thực ra, chỉ có bậc Thánh A-ra-hán mới có khả năng hoàn thành mọi phận Tứ thánh đế mà thôi.

Hành giả có pháp không dể duôi trong mọi thiện pháp. Thiện pháp có 4 loại:

1- Dục giới thiện pháp: đó là bố thí, giữ giới, hành thiền, v.v…
2- Sắc giới thiện pháp: đó là 5 bậc thiền sắc giới.
3- Vô sắc giới thiện pháp: đó là 4 bậc thiền vô sắc giới.
4- Siêu tam giới thiện pháp: đó là 4 Thánh Ðạo.

Hành giả có pháp không dể duôi, có sự tinh tấn không ngừng, có khả năng tạo mọi dục giới thiện pháp, 5 sắc giới thiện pháp, 4 vô sắc giới thiện pháp và cuối cùng là 4 siêu tam giới thiện pháp, đó là 4 Thánh Ðạo: Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhất Lai Thánh Ðạo, Bất Lai Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Ðạo.

Pháp hành gatapaccāgatikavatta

Hành giả có pháp không dể duôi trong mọi thiện pháp thường thực hành pháp hành: gatapaccāgatikavatta:thọ trì pháp hành tứ niệm xứ cả đi lẫn về. Hành giả thọ trì pháp hành cả đi lẫn về là hành giả tiến hành pháp hành tứ niệm xứ (pháp hành thiền tuệ), có tâm tinh tấn không ngừng suốt ngày và đêm. Ban đêm tiến hành suốt canh đầu, đến canh giữa mới ngủ, để cho cơ thể được nghỉ ngơi, rồi đến canh chót bắt đầu thức giấc, lại tiếp tục tiến hành cho đến sáng ngày khác, và cứ tiếp tục như vậy. Hành giả có sự tinh tấn không ngừng suốt ngày đêm tiến hành thiền tuệ, có mọi đối tượng tứ niệm xứ, không lúc nào buông bỏ đối tượng, suốt ngày và đêm, chỉ trừ khi ngủ ngon giấc; là người thường tỉnh ngủ, khi thức giấc liền tiếp tục tiến hành tứ niệm xứ đối tượng hiện tại.

Vì vậy, đối với hành giả tiến hành tứ niệm xứ một cách liên tục trong mọi đối tượng tứ niệm xứ; thậm chí khi đại tiện, tiểu tiện, v.v… cũng là đối tượng của thân niệm xứ như trong phần Sampajānapabba, Ðức Phật dạy rằng: “Uccārapassāvakamme sampajānakārī hoti” [10] : (Khi đại tiện, tiểu tiện, hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác trực giác thấy rõ biết rõ thực tánh của sắc pháp (chất gió) phát sanh từ tâm đẩy phân, nước tiểu ra ngoài, không phải ta hoặc người đi đại tiện, tiểu tiện).

Hành giả có pháp không dể duôi thường thọ trì pháp hành tứ niệm xứ cả đi lẫn về (gatapaccāgatikavatta),tinh tấn không ngừng tiến hành pháp hành tứ niệm xứ (pháp hành thiền tuệ) một cách liên tục ngày và đêm, không buông bỏ đối tượng tứ niệm xứ, sẽ có được quả báu ngay trong kiếp hiện tại hoặc trong kiếp vị lai.

Quả báu của pháp hành (gatapaccāgatikavatta):

Chú giải Trung bộ kinh, trong bài kinh Ðại tứ niệm xứ [11] , phần Sampajānapabba dạy rằng:

Hành giả thọ trì gatapaccāgatikavatta, ngay trong kiếp hiện tại:

– Nếu hành giả có đầy đủ ba la mật, thì sẽ chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả trong thời kỳ ấu niên.

– Nếu trong thời kỳ ấu niên chưa chứng đắc, thì sẽ chứng đắc trong thời kỳ trung niên.

– Nếu trong thời kỳ trung niên chưa chứng đắc, thì sẽ chứng đắc trong thời kỳ lão niên.

– Nếu trong thời kỳ lão niên chưa chứng đắc, thì sẽ chứng đắc trước lúc lâm chung.

– Nếu trước lúc lâm chung chưa chứng đắc, thì sẽ chứng đắc sau khi hóa sanh làm chư thiên.

– Nếu trong kiếp chư thiên chưa chứng đắc, thì sau khi tái sanh làm người, trong thời kỳ không có Ðức Phật Toàn Giác xuất hiện trên thế gian, người ấy sẽ chứng đắc thành Ðức Phật Ðộc Giác.

– Nếu chưa chứng đắc thành Ðức Phật Ðộc Giác, thì sau khi tái sanh làm người, gặp thời kỳ Ðức Phật Toàn Giác xuất hiện trên thế gian, người ấy sẽ đến hầu Ngài, lắng nghe Ngài thuyết pháp tóm tắt, sẽ chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán rất mau lẹ, ví như Ngài Ðại Ðức Bāhiya Dārucīriya; hoặc sẽ là bậc Thánh tối thượng Thánh Văn có đại trí tuệ xuất chúng, ví như Ngài Ðại Ðức Sāriputta; hoặc sẽ là bậc Thánh tối thượng Thánh Văn có đại thần thông xuất chúng, ví như Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna; hoặc sẽ là bậc Thánh đại Thanh Văn có hạnh đầu đà cao thượng nhất, ví như Ngài Ðại Ðức Mahākassapa; hoặc sẽ là bậc Thánh đại Thanh Văn có thiên nhãn thông xuất sắc nhất, ví như Ngài Ðại Ðức Anuruddha; hoặc sẽ là bậc Thánh đại Thanh Văn thông thuộc nhất về tạng luật, ví như Ngài Ðại Ðức Upāli; hoặc sẽ là bậc Thánh đại Thanh Văn có tài xuất sắc nhất về thuyết pháp, ví như Ngài Ðại Ðức Puṇṇa Mantāṇiputta; hoặc sẽ là bậc Thánh đại Thanh Văn có hạnh đầu đà xuất sắc nhất ở trong rừng, ví như Ngài Ðại Ðức Revata; hoặc sẽ là bậc Thánh đại Thanh Văn có tài đa văn túc trí xuất sắc nhất, ví như Ngài Ðại Ðức Ānanda; hoặc sẽ là bậc Thánh đại Thanh Văn hiếu học nhất, ví như Ngài Ðại Ðức Rāhula, v.v…

Hành giả có pháp không dể duôi, thường tinh tấn không ngừng tiến hành pháp hành Tứ niệm xứ (pháp hành thiền tuệ), chắc chắn sẽ được quả báu ngay trong kiếp hiện tại hoặc trong kiếp vị lai tùy thuộc vào ba la mật của mình.

-ooOoo-

[1] Majjhimanikāya, Mūl., kinh Mahāsatipaṭṭhānasuttavaṇṇanā.

[2] Saṃyuttanikāya, bộ Mahāvagga, kinh Dhammacakkappavattanasutta.

[3] Phương pháp tiến hành, xem quyển “Tìm Hiểu Pháp Hành Thiền Tuệ” trang 474-477.

[4] Aṅguttaranikāya, phần Ekakanipātapāḷi, Vīriyārambhādimagga.

[5] Quyển Parittāpaḷi (xứ Myanmar) và Chú giải Aṅguttaranikāya.

[6] Chánh pháp (saddhamma): đó là 37 pháp để chứng đắc Thánh Ðạo: 4 pháp niệm xứ, 4 pháp tinh tấn, 4 pháp thành tựu, 5 pháp chủ, 5 pháp lực, 7 pháp giác chi, 8 pháp chánh đạo.

[7] Dīghanikāya, Mahāvagga, kinh Mahāparinibbānasutta.

[8] Dể duôi là trạng thái quên mình, không có chánh niệm. Pháp không dể duôi là pháp chánh niệm, chính là pháp hành tứ niệm xứ: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.

[9] Bát pháp chánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

[10] Dīghanikāya, Mahāvagga, kinh Mahāsatipatthānasutta, Sampajānapabba.

[11] Majjhimanikāya, bộ Chú giải Mūlapannāsa-aṭṭhakathā, kinh Mahāsatipatthānasuttavaṇṇanā, Sampajānapabba.

-ooOoo-

Phần I - ÐỐI TƯỢNG TỨ OAI NGHI  (tiếp theo) 2
 Phần II - NGHI LỄ THỌ PHÁP HÀNH THIỀN TUỆ

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *