Quả của pháp-hành thiền-định

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định:

– Nếu hành-giả nào mới đạt đến sơ-định (parikamma-samādhi) định-tâm ở giai đoạn đầu và đạt đến cận-định (upacārasamādhi) định-tâm ở giai đoạn giữa, 2 loại định-tâm này còn thuộc về dục-giới thiện-tâm, thì đại-thiện-nghiệp trong dục-giới thiện-tâm ấy có cơ hội cho quả an-lạc bình thường trong kiếp hiện-tại.

Sau khi hành-giả chết, nếu đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm người trong cõi người hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trong 6 cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi thiện-giới ấy cho đến tuổi thọ.

– Nếu hành-giả là hạng người tam-nhân (tihetuka-puggala) có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và tiếp theo chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, thì được hưởng sự an-lạc vi-tế ngay trong kiếp hiện-tại và kiếp kế-tiếp như sau:

– Nhập bậc thiền đã chứng đắc để hưởng sự an-lạc trong kiếp hiện-tại.

– Chứng đắc đủ 9 bậc thiền, có khả năng luyện tập phép thần-thông (abhiññā).

– Sử dụng bậc thiền làm nền tảng để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

– Bậc thiền hỗ trợ bậc Thánh nhập Thánh-quả-tâm.

– Chứng đắc đủ 9 bậc thiền hỗ trợ bậc Thánh Bất-lai, bậc Thánh A-ra-hán nhập diệt-thọ-tưởng.

6- Sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên.

– Vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

Giảng giải

1- Nhập thiền đã chứng đắc để hưởng sự an-lạc trong kiếp hiện-tại.

Khi hành-giả đã chứng đắc bậc thiền nào rồi, muốn nhập thiền (jhānasamāpatti) ấy, để hưởng sự an-lạc trong bậc thiền ấy, hành-giả cần phải luyện tập 5 pháp-thuần-thục (vasībhāva) như sau:

Vasībhāva có 5 pháp-thuần-thục

1- Āvajjana vasībhhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục quán triệt chi-thiền với ý-môn-hướng-tâm.

2- Samāpajjana vasībhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục nhập bậc thiền ấy.

3-Adhiṭṭhāna vasībhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục phát nguyện ấn định thời gian nhập bậc thiền ấy.

4- Vuṭṭhāna vasībhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục ấn định thời gian xả bậc thiền ấy.

5- Paccavekkhaṇa vasībhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục quán triệt chi-thiền với tác-hành-tâm.

Hành-giả có 5 pháp thuần thục có khả năng nhập bậc thiền ấy, để hưởng sự an-lạc kiếp hiện-tại, trong khoảng thời gian suốt 1 giờ hoặc 2-3 giờ tùy theo ý nguyện của hành-giả.

Nếu hành-giả đã chứng đắc tất cả 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm thì hành-giả muốn nhập bậc thiền nào do ý nguyện.

Ví dụ: Có ý nguyện muốn nhập đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả hướng tâm đến đối-tượng paṭi-bhāganimitta của đề-mục thiền-định ấy, rồi nhập đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, theo đệ nhị thiền sắc-giới lộ-trình-tâm (jhānasamāpattivīthicitta) các tâm sinh diệt tuần tự như sau:

Đồ biểu nhập thiền lộ-trình-tâm

 

Giải thích:

Hành-giả trước tiên nhập đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm theo lộ-trình-tâm jhānasamāpattivīthicitta như sau:

“Bhavaṅgacitta, bhavaṅgacalana, bhavaṅgupaccheda, manodvārāvajjanacitta, parikamma, upacāra, anuloma, gotrabhū, jhānakusalacitta (phát sinh liên tục nhiều sát-na-tâm), bhavaṅgacitta,… chấm dứt nhập thiền sắc-giới lộ-trình-tâm.

Nhập thiền sắc-giới lộ-trình-tâm

1- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm trước, viết tắt ( bha)

2- Bhavaṅgacalana: Hộ-kiếp-tâm rung động, vt (na)

3- Bhavaṅgupaccheda: Hộ-kiếp-tâm bị cắt đứt, vt (na)

4- Manodvāravajjanacitta: Ý-môn-hướng-tâm, vt (ma)

5- Parikamma: Tâm chuẩn bị đệ nhị thiền, vt (pari)

6- Upacāra: Tâm cận đệ nhị thiền, vt (upa)

7- Anuloma: Tâm thuận theo đệ nhị thiền vt (upa)

8- Gotrabhu: Tâm chuyển cõi-giới , vt (got)

9- Jhānacitta: Đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm sinh rồi diệt liên tục không ngừng suốt thời gian nhập đệ nhị thiền sắc giới thiện-tâm ấy, vt (jha)

10- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm sau. vt (bha)

Chấm dứt nhập đệ nhị thiền sắc-giới lộ-trình-tâm.

Hành-giả đã nhập đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm thì đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm sinh rồi diệt liên tục không ngừng trong suốt thời gian mà hành-giả đã phát nguyện 1 giờ hoặc 2-3 giờ theo ý nguyện của hành-giả.

Trong khi nhập thiền, chỉ có các đệ nhị thiền sắc-giới lộ-trình-tâm phát sinh trong ý-môn-lộ-trình-tâm mà thôi, hưởng sự an-lạc trong thiền.

Ngoài ra, ngũ-môn-lộ-trình-tâm không phát sinh, nên hành-giả không thấy, không nghe, không ngửi, không nếm, không cảm giác được các đối-tượng khác, cho đến khi mãn thời gian phát nguyện, đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm tự động chấm dứt.

Khi ấy, hành-giả trở lại cuộc sống bình thường, nhãn-thức-tâm nhìn thấy đối-tượng sắc; nhĩ-thức-tâm nghe đối-tượng âm thanh; tỷ-thức-tâm ngửi đối-tượng hương; thiệt-thức-tâm nếm đối-tượng vị; thân-thức-tâm cảm giác đối-tượng cứng mềm, nóng lạnh, … ý-thức-tâm biết các đối-tượng pháp, v.v…

2- Chứng đắc đủ 9 bậc thiền, có khả năng luyện tập phép thần-thông (abhiññā).

Nếu chứng đắc đủ 9 bậc thiền: 5 bậc thiền sắc-giới và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thì hành-giả có thể luyện tập phép tam-giới thần-thông (lokiya abhiññā).

Tam-giới thần-thông có 5 loại:

– Iddhividha abhiññā: Đa-dạng-thông.

– Dibbasota abhiññā: Thiên-nhĩ-thông.

– Paracittavijānana abhiññā: Tha-tâm-thông.

– Pubbenivasānussati abhiññā: Tiền-kiếp-thông.

– Dibbacakkhu abhiññā: Thiên-nhãn-thông.

3- Sử dụng bậc thiền làm nền tảng để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Sau khi đã chứng đắc bậc thiền nào rồi, hành-giả có thể sử dụng bậc thiền ấy làm nền tảng, làm đối-tượng, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ như sau:

– Nếu hành-giả sử dụng chi-thiền (jhānaṅga) làm đối-tượng niệm-thọ (thọ lạc, thọ xả) trong thọ-niệm-xứ, thuộc về danh-pháp (nāmadhamma).

– Nếu hành-giả sử dụng tâm-thiền (jhānacitta) làm đối-tượng niệm-tâm (sắc-giới thiện-tâm) trong tâm-niệm-xứ, thuộc về danh-pháp (nāmadhamma)…

– Hadayavatthu: Sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm thuộc về sắc-pháp (rūpadhamma).

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có đối-tượng danh-pháp, sắc-pháp của bậc thiền ấy làm đối-tượng thiền-tuệ.

Khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có đối-tượng thiền-tuệ là danh-pháp hoặc sắc-pháp, trí-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ thật-tánh của danh-pháp, sắc-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp là pháp-vô-ngã.

Tiếp tục trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn theo bậc thiền ấy, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Bậc thiền ấy trở thành siêu-tam-giới-thiền-tâm có đối-tượng Niết-bàn.

Cho nên, siêu-tam-giới-thiền-tâm có 5 bậc thiền, từ đệ nhất thiền siêu-tam-giới-tâm cho đến đệ ngũ thiền siêu-tam-giới-tâm đều có đối-tượng Niết-bàn (Khác với tam-giới-thiền-tâm có đối-tượng là 11 đề-mục thiền-định).

4- Bậc thiền hỗ trợ Thánh-nhân nhập Thánh-quả-tâm

Hành-giả là bậc Thánh-nhân đã chứng đắc Thánh-quả-tâm bậc cao cuối cùng, có ý nguyện muốn nhập Thánh-quả-tâm (phalasamāpatti) ấy suốt thời gian 1 giờ hoặc 2-3 giờ theo ý nguyện của bậc Thánh-nhân ấy, để hưởng sự an-lạc tịch tịnh Niết-bàn. Hành-giả cần phải có bậc thiền hỗ trợ cho việc nhập Thánh-quả-tâm ấy.

Ví dụ: Nếu bậc Thánh A-ra-hán đã chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới duy-tác-tâm thì chỉ nhập A-ra-hán-Thánh-quả mà thôi, còn 5 bậc thiền sắc-giới duy-tác-tâm, bậc Thánh A-ra-hán muốn sử dụng bậc thiền nào nhập A-ra-hán-Thánh-quả cũng được.

(Bậc Thánh-nhân đã chứng đắc Thánh-quả bậc cao không nhập Thánh-quả bậc thấp, còn chứng đắc đủ 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, muốn nhập bậc thiền nào tùy theo ý nguyện của bậc Thánh-nhân.)

5- Chứng đắc đủ 9 bậc thiền hỗ trợ bậc Thánh-Bất-lai, bậc Thánh A-ra-hán nhập diệt thọ tưởng.

Hành-giả là bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī) hoặc bậc Thánh A-ra-hán (Arahanta) có ý nguyện muốn nhập diệt-thọ-tưởng (nirodhasamāpatti) cần phải có đủ 2 năng-lực (bala):

– Năng-lực của thiền-định (samathabala) chứng đắc 9 bậc thiền: 5 bậc thiền sắc-giới và 4 bậc thiền vô-sắc-giới.

– Năng-lực của thiền-tuệ (vipassanābala) phải là bậc Thánh Bất-lai-Thánh-quả hoặc bậc Thánh A-ra-hán-Thánh-quả.

Do nhờ 2 năng-lực ấy, bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī) hoặc bậc Thánh A-ra-hán (Arahanta) có thể nhập diệt-thọ-tưởng (nirodhasamāpatti) nghĩa là diệt tâm, tâm sở và sắc-pháp phát sinh từ tâm (chỉ còn lại sắc-pháp phát sinh từ nghiệp, từ thời tiết và từ vật thực mà thôi) suốt thời gian 7 ngày đêm, hoàn toàn không có khổ thân, khổ tâm nào cả.

Qua 7 ngày đêm, tự động xả diệt-thọ-tưởng (nirodha-samāpatti), bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī) hoặc bậc Thánh A-ra-hán (Arahanta) trở lại cuộc sống bình thường thở vào, thở ra, 6 thức-tâm: Nhãn-thức-tâm, nhĩ-thức-tâm, tỷ-thức-tâm, thiệt-thức-tâm, thân-thức-tâm, ý-thức-tâm tiếp xúc với 6 đối-tượng: Đối-tượng sắc, đối-tượng thanh, đối-tượng hương, đối-tượng vị, đối-tượng xúc, đối-tượng pháp như bình thường.

(Nhập Thánh-quả-tâm và nhập diệt-thọ-tưởng sẽ giảng giải rộng trong Quyển X, Pháp-Hành Thiền-Tuệ, phần Quả của thiền-tuệ.)

6- Bậc thiền cho quả tái-sinh kiếp sau

– Sắc-giới-thiện-nghiệp trong 5 sắc-giới thiện-tâm chắc chắn sẽ cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên.

– Vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 vô-sắc-giới thiện-tâm chắc chắn sẽ cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

Sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh

Hành-giả nào thuộc hạng người tam-nhân (tihetuka-puggala) có khả năng đã chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm giữ gìn duy trì cho đến lúc lâm chung,

Sau khi hành-giả ấy, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên.

16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên chia ra 4 tầng trời theo 4 sắc-giới quả-tâm như sau:

1-Tầng trời đệ nhất thiền sắc-giới quả-tâm có 3 tầng trời

– Brahmapārisajjā: Tầng trời Phạm-chúng-thiên.

– Brahmapurohitā: Tầng trời Phạm-sư-thiên.

– Mahābrahnā: Tầng trời Đại-phạm-thiên.

2- Tầng trời đệ nhị thiền sắc-giới quả-tâm có 3 tầng trời

– Parittābhā: Tầng trời Thiểu-quang-thiên.

– Appamāṇābhā: Tầng trời Vô-lượng-thiên.

– Ābhassarā: Tầng trời Quang-âm-thiên.

3- Tầng trời đệ tam thiền sắc-giới quả-tâm có 3 tầng trời

– Parittasubhā: Tầng trời Thiểu-tịnh-thiên.

– Appamāṇasubhā: Tầng trời Vô lượng tịnh-thiên.

– Subhakiṇhā: Tầng trời Biến-tịnh-thiên.

4- Tầng trời đệ tứ thiền sắc-giới quả-tâm có 7 tầng trời

– Vehapphalā: Tầng trời Quảng-quả-thiên.

– Asaññasattā: Tầng trời Vô-tưởng-thiên.

* Suddhāvāsa: Tầng trời Tịnh-cư-thiên có 5 tầng trời này chỉ dành cho bậc Thánh Bất-lai chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi.

– Avihā: Tầng trời Vô-phiền-thiên.

– Atappā: Tầng trời Vô-nhiệt-thiên.

– Sudassā: Tầng trời Thiện-hiện-thiên.

– Sudassī: Tầng trời Thiện-kiến-thiên,

– Akaniṭṭhā: Tầng trời Sắc-cứu-cánh-thiên.

Sắc-giới thiện-nghiệp cho quả trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên.

Thật ra, sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có 5 bậc thiền sắc-giới quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: Sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên (trừ tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên, bởi vì chư phạm-thiên trên tầng trời này tái-sinh kiếp sau bằng rūpapaṭisandhi đó là jīvita-navakakalāpa: Nhóm sắc-pháp có sắc-mạng-chủ thứ 9).

Thiền sắc-giới có 5 bậc thiền

Đối với hành-giả thuộc hạng mandapuggala: Hành-giả có trí-tuệ chậm thực-hành pháp-hành-thiền-định có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm theo tuần tự như sau:

1- Đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 chi-thiền là vitakka, vicāra, pīti, sukha, ekaggatā do chế ngự được 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa): Kāmacchanda, byāpāda, thīna-middha, uddhacca-kukkucca, vicikicchā.

2- Đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm có 4 chi-thiền là vicāra, pīti, sukha, ekaggatā, do chế ngự được chi-thiền vitakka.

3- Đệ tam thiền thiện-tâm có 3 chi-thiền là pīti, sukha, ekaggatā, do chế ngự được chi-thiền vicāra.

4- Đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền là sukha, ekaggatā, do chế ngự được chi-thiền pīti.

5- Đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền là upekkhā, ekaggatā, do thay thế chi-thiền sukha bằng upekkhā.

Thiền sắc-giới có 4 bậc thiền

Đối với hành-giả thuộc hạng tikkhapuggala: Hành-giả có trí-tuệ sắc bén nhanh nhạy có khả năng suy xét thấy rõ trạng-thái thô của chi-thiền vitakka và chi-thiền vicāra cùng một lúc, nên đệ nhị thiền sắc-giới có 3 chi-thiền là pīti, sukha, ekaggatā.

Cho nên, hành-giả thuộc hạng tikkhapuggala có 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm theo tuần tự như sau:

1- Đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 chi-thiền là vitakka, vicāra, pīti, sukha, ekaggatā, do chế ngự được 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa): Kāmacchanda, byāpāda, thīna-middha, uddhacca-kukkucca, vicikicchā.

2- Đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm có 3 chi-thiền là pīti, sukha, ekaggatā, do chế ngự được 2 chi-thiền vitakka, vicāra cùng một lúc.

3- Đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền là sukha, ekaggatā, do chế ngự được chi-thiền pīti.

4- Đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền là upekkhā, ekaggatā, do thay thế chi-thiền sukha bằng chi-thiền upekkhā.

Cõi sắc-giới phạm-thiên có 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên chia ra 4 tầng trời theo 4 bậc thiền sắc-giới quả-tâm.

Như vậy, nếu hành-giả thuộc hạng tikkhapuggala có 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, thì 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên chia ra 4 tầng trời theo 4 bậc thiền sắc-giới quả-tâm không có gì đặc biệt.

– Tuy nhiên nếu hành-giả thuộc hạng mandapuggala có 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, thì 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên chia ra 4 tầng trời theo 4 bậc thiền sắc-giới quả-tâm, cho nên đệ nhị thiền sắc-giới quả-tâm và đệ tam thiền sắc-giới quả-tâm cho quả chung trong tầng trời đệ nhị thiền sắc-giới quả-tâm có 3 tầng trời.

Quả của 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm

1- Quả của đệ nhất thiền sắc-giới-thiện-tâm

– Hành-giả nào thuộc về hạng người tam-nhân (tihetukapuggala) có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, thực-hành pháp-hành thiền-định có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, giữ gìn duy trì cho đến lúc lâm chung gần chết.

Sau khi hành-giả ấy chết, sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đệ nhất thiền sắc-giới quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: Sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời đệ nhất thiền sắc-giới quả-tâm có 3 tầng trời sắc-giới phạm-thiên theo đệ nhất thiền sắc-giới quả-tâm có 3 bậc: Bậc hạ, bậc trung, bậc thượng như sau:

– Đệ nhất thiền sắc-giới quả-tâm bậc hạ làm phận sự tái-sinh kiếp kế tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Brahmapārisajjā: Phạm-chúng-thiên. Chư phạm-thiên trong tầng trời này là thuộc hạ của Đại-phạm-thiên, có tuổi thọ 1/3 a-tăng-kỳ trụ của kiếp trái đất.

– Đệ nhất thiền sắc-giới quả-tâm bậc trung làm phận sự tái-sinh kiếp kế tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Brahmapurohitā: Phạm-sư-thiên. Chư phạm-thiên trong tầng trời này là cố vấn của Đại-phạm-thiên, có tuổi thọ 1/2 a-tăng-kỳ trụ của kiếp trái đất.

– Đệ nhất thiền sắc-giới quả-tâm bậc thượng làm phận sự tái-sinh kiếp kế tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Mahābrahmā: Đại-phạm-thiên. Chư phạm-thiên là những bậc cao cả trong tầng trời này, có tuổi thọ 1 a-tăng-kỳ trụ của kiếp trái đất.

2- Quả của đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm và đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm

* Hành-giả nào đã chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm và đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, giữ gìn duy trì cho đến lúc lâm chung gần chết.

Sau khi hành-giả ấy chết, sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm và đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, cho quả chung trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đệ nhị thiền sắc-giới quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: Sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời đệ nhị thiền sắc-giới quả-tâm có 3 tầng trời sắc-giới phạm-thiên theo đệ nhị thiền sắc-giới quả-tâm có 3 bậc: Bậc hạ, bậc trung, bậc thượng như sau:

– Đệ nhị thiền sắc-giới quả-tâm bậc hạ làm phận sự tái-sinh kiếp kế tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Parittābhā: Thiểu-quang-thiên. Chư phạm-thiên trong tầng trời này có hào quang kém thua chư Phạm-thiên bậc cao, có tuổi 2 đại kiếp trái đất.

– Đệ nhị thiền sắc-giới quả-tâm bậc trung làm phận sự tái-sinh kiếp kế tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Appamāṇābhā: Vô-lượng-thiên. Chư phạm-thiên trong tầng trời này có hào quang vô lượng, có tuổi 4 đại-kiếp trái đất.

– Đệ nhị thiền sắc-giới quả-tâm bậc thượng làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Ābhassarā: Quang-âm-thiên. Chư phạm-thiên trong tầng trời này có hào quang sáng ngời phóng ra từ thân của vị Phạm-thiên, có tuổi 8 đại-kiếp trái đất.

3- Quả của đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm

* Hành-giả nào đã chứng đắc đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm, giữ gìn duy trì cho đến lúc lâm chung gần chết.

Sau khi hành-giả ấy chết, sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm, cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đệ tam thiền sắc-giới quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: Sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời đệ tam thiền sắc-giới quả-tâm có 3 tầng trời sắc-giới phạm-thiên theo đệ tam thiền sắc-giới quả-tâm có 3 bậc: Bậc hạ, bậc trung, bậc thượng như sau:

– Đệ tam thiền sắc-giới quả-tâm bậc hạ làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Parittasubhā: Thiểu-tịnh-thiên. Chư Phạm-thiên trong tầng trời này có hào quang xinh đẹp tuyệt vời vẫn còn kém thua Phạm-thiên bậc cao, có tuổi 16 đại-kiếp trái đất.

– Đệ tam thiền sắc-giới quả-tâm bậc trung làm phận sự tái-sinh kiếp kế tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Appamāṇasubhā: Vô-lượng-tịnh-thiên. Chư phạm thiên trong tầng trời này có hào quang xinh đẹp tuyệt vời vô lượng, có tuổi 32 đại-kiếp trái đất.

– Đệ tam thiền sắc-giới quả-tâm bậc thượng làm phận sự tái-sinh kiếp kế tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Subhakiṇhā: Biến-tịnh-thiên. Chư phạm-thiên trong tầng trời này có hào quang xinh đẹp tuyệt vời tỏa ra toàn thân của vị phạm-thiên, có tuổi 64 đại-kiếp trái đất.

4- Quả của đệ ngũ thiền sắc-giới-thiện-tâm

* Hành-giả nào đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm, giữ gìn duy trì cho đến lúc lâm chung gần chết.

Sau khi hành-giả ấy chết, sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm, cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đệ tứ thiền sắc-giới quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: Sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời đệ tứ thiền sắc-giới quả-tâm có 7 tầng trời sắc-giới phạm-thiên theo đệ tứ thiền sắc-giới quả-tâm như sau:

– Vehapphalābhūmi: Tầng trời Quảng-quả-thiên

* Hành-giả nào là hạng phàm-nhân hoặc bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới-thiện-tâm, sau khi hành-giả ấy chết, sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ ngũ thiền sắc-giới-thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đệ tứ thiền sắc-giới quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: Sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời Vehapphalā: Quảng-quả-thiên. Chư Phạm-thiên trong tầng trời này có tuổi thọ bền vững lâu dài đủ 500 đại-kiếp trái đất.

Còn 9 tầng trời sắc-giới phạm-thiên bậc thấp có tuổi thọ không bền vững:

– Nếu mỗi khi kiếp trái đất bị hủy hoại bằng lửa thì 6 cõi trời dục-giới và 3 tầng trời đệ nhất thiền sắc-giới quả-tâm cũng đều bị hủy hoại.

– Nếu mỗi khi kiếp trái đất bị hủy hoại bằng nước thì 6 cõi trời dục-giới, 3 tầng trời đệ nhất thiền sắc-giới quả-tâm và 3 tầng trời đệ nhị thiền sắc-giới quả-tâm cũng đều bị hủy hoại.

– Nếu mỗi khi kiếp trái đất bị hủy hoại bằng gió thì 6 cõi trời dục-giới, 3 tầng trời đệ nhất thiền sắc-giới quả-tâm, 3 tầng trời đệ nhị thiền sắc-giới quả-tâm và 3 tầng trời đệ tam thiền sắc-giới quả-tâm 3 cõi của tầng trời đệ nhất thiền sắc-giới cũng đều bị hủy hoại. Cho nên 9 tầng trời sắc-giới phạm-thiên bậc thấp này không có bền vững lâu dài cho đến hết tuổi thọ.

– Asaññasattābhūmi: Tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên

* Hành-giả nào là hạng phàm-nhân đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm này, vốn có tâm nhàm chán 4 danh-uẩn (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn), bởi vì nhàm chán tâm biết các đối-tượng, nên có ý nguyện chỉ muốn có sắc-uẩn mà thôi.

Vì vậy, sau khi hành-giả ấy chết, do nguyện lực của hành-giả, sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có jīvitanavakakalāpa: Nhóm sắc-pháp có sắc-mạng-chủ thứ 9 làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Asaññasattābhūmi: Vô-tưởng-thiên.

Chư Phạm-thiên trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên Asaññasattābhūmi: Vô-tưởng-thiên này chỉ có nhất uẩn là sắc-uẩn mà thôi, chư phạm-thiên chỉ có thân không có tâm, có tuổi thọ sống lâu suốt 500 đại-kiếp trái đất.

– Suddhāvāsabhūmi: Tầng trời Tịnh-cư-thiên có 5 tầng

– Avihā: Tầng trời Vô-phiền-thiên.

– Atappā: Tầng trời Vô-nhiệt-thiên.

– Sudassā: Tầng trời Thiện-hiện-thiên.

– Sudassī: Tầng trời Thiện-kiến-thiên.

– Akaniṭṭhā: Tầng trời Sắc-cứu-cánh-thiên.

Hành-giả là bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī) đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi Thánh Bất-lai chết, sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đệ tứ thiền sắc-giới-quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: Sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 5 tầng trời sắc-giới phạm-thiên Suddhāvāsabhūmi: Tịnh-Cư-Thiên tùy theo năng lực của 5 pháp-chủ (indriya) là tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi bậc Thánh Bất-lai như sau:

– Nếu bậc Thánh Bất-lai có tín-pháp-chủ nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ còn lại, thì đệ tứ thiền sắc-giới quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Avihā-bhūmi: Vô-phiền-thiên, có tuổi thọ 1.000 đại-kiếp trái đất.

– Nếu bậc Thánh Bất-lai có tấn-pháp-chủ nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ còn lại, thì đệ tứ thiền sắc-giới quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Atappā-bhūmi: Vô-nhiệt-thiên có tuổi thọ 2.000 đại-kiếp.

– Nếu bậc Thánh Bất-lai có niệm-pháp-chủ nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ còn lại, thì đệ tứ thiền sắc-giới quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Sudassā-bhūmi: Thiện-hiện-thiên, có tuổi thọ 4.000 đại-kiếp.

– Nếu bậc Thánh Bất-lai có định-pháp-chủ nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ còn lại, thì đệ tứ thiền sắc-giới quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Sudassībhūmi: Thiện-kiến-thiên, có tuổi thọ 8.000 đại-kiếp.

– Nếu bậc Thánh Bất-lai có tuệ-pháp-chủ nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ còn lại, thì đệ tứ thiền sắc-giới quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Akaniṭṭhā-bhūmi: Sắc-cứu-cánh-thiên, có tuổi thọ 16.000 đại-kiếp.

Bậc Thánh Bất-lai chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán tại 1 trong 5 tầng trời Tịnh-cư-thiên ấy, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Cõi vô-sắc-giới có 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên

1- Ākāsānañcāyatanabhūmi: Tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên Không-vô-biên-xứ-thiên.

2- Viññāṇañcāyatanabhūmi: Tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên Thức-vô-biên-xứ-thiên.

3- Ākiñcaññāyatanabhūmi: Tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên Vô-sở-hữu-xứ-thiên.

4- Nevasaññānāsaññāyatanabhūmi: Tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiên.

Vô-sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

Thật ra, vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có 4 bậc thiền vô-sắc-giới quả-tâm gọi là paṭisandhi-citta: Vô-sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

Thiền vô-sắc-giới có 4 bậc thiền

Thiền vô-sắc-giới có 4 bậc thiền mà mỗi bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm có mỗi đối-tượng thiền-định vô-sắc riêng biệt để chứng đắc mỗi bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm ấy. Cho nên, đối-tượng thiền-định vô-sắc có 4 loại để chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi đã chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định, để chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm theo tuần tự.

1- Hành-giả nào thực-hành pháp-hành thiền-định với đối-tượng thiền-định vô-sắc gọi là ākāsapaññatti dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là ākāsānañcāyatanakusalacitta: Không vô biên xứ thiền thiện-tâm có 2 chi-thiền là upekkhā và ekaggatā.

Sau khi hành-giả ấy chết, vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong không-vô-biên-xứ-thiền thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có không-vô-biên-xứ-thiền quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: Vô-sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên Không-vô-biên-xứ-thiên. Chư phạm-thiên trong tầng trời vô-sắc-giới này chỉ có tâm không có thân, có tuổi thọ 20 000 đại-kiếp trái đất.

2- Hành-giả nào thực-hành pháp-hành thiền-định với đối-tượng thiền-định vô-sắc gọi là pathamāruppa-viññāṇa đó là ākāsānañcāyatanakusalacitta dẫn đến chứng đắc đệ nhị thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là viññāṇañcāyatanakusalacitta: Thức-vô-biên-xứ-thiền thiện-tâm có 2 chi-thiền là upekkhā và ekaggatā.

Sau khi hành-giả ấy chết, vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong thức-vô-biên-xứ-thiền thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có thức-vô-biên-xứ-thiền quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: Vô-sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên Thức-vô-biên-xứ-thiên. Chư phạm-thiên trong tầng trời vô-sắc-giới này chỉ có tâm không có thân, có tuổi thọ 40 000 đại-kiếp trái đất.

3- Hành-giả nào thực-hành pháp-hành thiền-định với đối-tượng thiền-định vô-sắc gọi là natthibhāvapaññatti dẫn đến chứng đắc đệ tam thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là ākiñcaññāyatanakusalacitta: Vô-sở-hữu-xứ-thiền thiện-tâm có 2 chi-thiền là upekkhā và ekaggatā.

Sau khi hành-giả ấy chết, vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong vô-sở-hữu-xứ-thiền thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) có vô-sở-hữu-xứ-thiền quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: Vô-sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên Vô-sở-hữu-xứ-thiên. Chư phạm-thiên trong tầng trời vô-sắc-giới này chỉ có tâm không có thân, có tuổi thọ 60 000 đại-kiếp trái đất.

4- Hành-giả nào thực-hành pháp-hành thiền-định với đối-tượng thiền-định vô-sắc gọi là tatiyāruppaviññāṇa đó là ākiñcaññāyatanakusalacitta dẫn đến chứng đắc đệ tứ thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là nevasaññānāsaññā-yatanakusalacitta: Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền thiện-tâm có 2 chi-thiền là upekkhā và ekaggatā.

Sau khi hành-giả ấy chết, vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền quả-tâm gọi là paṭi-sandhicitta: Vô-sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiên. Chư phạm-thiên trong tầng trời vô-sắc-giới này chỉ có tâm không có thân, có tuổi thọ 84000 đại-kiếp trái đất.

Như vậy, chư phạm-thiên trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên chỉ có 4 danh-uẩn là thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn mà thôi gọi là chư phạm-thiên có tứ-uẩn.

Chư phạm-thiên tử sinh luân-hồi

Chư phạm-thiên còn là hạng phàm-nhân (chưa phải là bậc Thánh-nhân) sinh trong tầng trời sắc-giới nào hoặc tầng trời vô-sắc-giới nào, có tuổi thọ sống lâu bao nhiêu đi nữa, đến khi hết tuổi thọ tại tầng trời ấy, đều phải chết, rồi tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác tùy theo thiện-nghiệp cho quả của mỗi vị phạm-thiên.

* Trong cõi trời sắc-giới, nếu vị phạm-thiên nào không chỉ hưởng sự an-lạc trong tầng trời ấy, mà còn tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định, có thể dẫn đến chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào thấp hơn bậc thiền cũ, hoặc ngang bằng bậc thiền cũ, hoặc cao hơn bậc thiền cũ.

Sau khi vị phạm-thiên ấy hết tuổi thọ tại tầng trời ấy (chết), sắc-giới thiện-nghiệp, hoặc vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền thiện-tâm ấy sẽ cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên hoặc tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên tương xứng với bậc thiền sắc-giới quả-tâm, hoặc bậc thiền vô-sắc-giới quả-tâm ấy như sau:

– Nếu vị phạm-thiên nào chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào thấp hơn bậc thiền cũ, thì sau khi vị phạm-thiên ấy chết, sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền sắc-giới thiện-tâm bậc thấp ấy cho quả là bậc thiền sắc-giới quả-tâm bậc thấp ấy gọi là tái-sinh-tâm (paṭi-sandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên xuống dưới tầng trời sắc-giới phạm-thiên bậc thấp hơn tầng trời cũ, tương xứng với bậc thiền sắc-giới quả-tâm ấy, vị phạm-thiên hưởng an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy.

– Nếu vị phạm-thiên nào chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm ngang bằng với bậc thiền cũ, thì sau khi vị phạm-thiên ấy chết, sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền sắc-giới thiện-tâm ngang bằng với bậc thiền cũ cho quả là bậc thiền sắc-giới quả-tâm ngang bằng ấy gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trở lại trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên cũ ấy.

– Nếu vị phạm-thiên nào chứng đắc bậc thiền sắc-giới-thiện-tâm nào cao hơn bậc thiền cũ, thì sau khi vị phạm-thiên ấy chết, sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền sắc-giới thiện-tâm bậc cao hơn bậc thiền cũ, hoặc vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm cho quả là bậc thiền vô-sắc-giới quả-tâm ấy gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên tương xứng với bậc thiền vô-sắc-giới quả-tâm ấy.

– Nếu vị phạm-thiên nào không chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào, thì sau khi vị phạm-thiên ấy chết, dục-giới thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm của kiếp trước cho quả tái-sinh kiếp sau xuống cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc 1 trong 6 cõi trời dục-giới.

* Trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên, đến khi vị phạm-thiên hết tuổi thọ 500 đại-kiếp trái đất, sau khi vị phạm-thiên ấy chết, thì dục-giới thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm kể từ kiếp thứ 3 trở lui về trước sẽ cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới, sinh làm người hoặc sinh làm chư-thiên trong cõi trời-dục-giới.

* Trong cõi trời vô-sắc-giới, nếu vị phạm-thiên nào không chỉ hưởng sự an-lạc trong tầng trời ấy, mà còn tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định, thì chỉ có thể dẫn đến chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm ngang bằng với bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm cũ, hoặc chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm cao hơn bậc thiền cũ mà thôi, nhưng mà không thể chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm thấp hơn bậc thiền cũ, bởi vì không có đối-tượng-thiền-định.

– Nếu vị phạm-thiên nào chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm ngang bằng với bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm cũ, thì sau khi vị phạm-thiên ấy chết, vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm ngang bằng với bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm cũ ấy cho quả là bậc thiền vô-sắc-giới quả-tâm ngang bằng ấy gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp làm vị phạm-thiên trở lại trong tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên cũ ấy, vị phạm-thiên hưởng sự an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ trong tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên ấy.

– Nếu vị phạm-thiên nào chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm cao hơn bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm cũ, thì sau khi vị phạm-thiên ấy chết, vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm bậc cao hơn bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm cũ ấy cho quả là bậc thiền vô-sắc-giới quả-tâm bậc cao ấy gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp làm vị phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên cao hơn tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên cũ ấy, vị phạm-thiên hưởng an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ trong tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên ấy.

* Trong tầng trời vô-sắc-giới Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiên tột đỉnh, vị phạm-thiên ấy chỉ có thể chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm ngang bằng với bậc thiền cũ là bậc thiền phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ thiện-tâm mà thôi, không thể chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm bậc thấp, bởi vì không có đề-mục thiền-định.

Sau khi vị phạm-thiên ấy hết tuổi thọ lâu dài nhất suốt 84.000 đại-kiếp trái đất chết, vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ thiện-tâm cho quả là bậc thiền phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp làm vị phạm-thiên trở lại tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên cũ ấy.

– Nếu vị phạm-thiên nào không chứng đắc bậc thiền phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ thiện-tâm cũ, thì sau khi vị phạm-thiên ấy chết, dục-giới thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ của kiếp trước cho quả tái-sinh kiếp sau xuống cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới.

Như vậy, mỗi chúng-sinh còn là hạng phàm-nhân (chưa phải bậc Thánh-nhân) vẫn còn luẩn quẩn trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Dù chúng-sinh trong cõi đại-địa-ngục Avīci chịu quả khổ của ác-nghiệp, bị thiêu đốt suốt 100 ngàn đại-kiếp trái đất cũng đến lúc mãn quả của ác-nghiệp, được thoát ra khỏi cõi ác-giới, rồi tái-sinh kiếp sau nơi cõi-giới khác tùy theo quả nghiệp của họ.

Dù vị phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiên hưởng quả an-lạc trong suốt thời gian 84.000 đại-kiếp trái đất, cũng đến lúc hết tuổi thọ, rồi cũng phải tái-sinh kiếp sau xuống cõi dục-giới.

Cho nên, đối với chúng-sinh còn là hạng phàm-nhân chưa phải là bậc Thánh-nhân vẫn còn luẩn quẩn trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Cho nên, trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới chỉ là nơi tạm-trú của tất cả chúng-sinh mà thôi, chắc chắn không có chúng-sinh nào thường-trú trong cõi-giới nào cố định được cả.

* Đối với chư bậc Thánh-nhân tuy đã trải qua kiếp tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài từ vô thủy không sao biết được, nhưng mà sau khi trở thành bậc Thánh-nhân rồi, thì kiếp tử sinh luân-hồi bị hạn chế theo mỗi bậc Thánh-nhân như sau:

* Bậc Thánh Nhập-lưu tuyệt đối không còn tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới, chỉ còn tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi. Trong kiếp thứ 7, chắc chắn bậc Thánh Nhập-lưu sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Bậc Thánh Nhất-lai chỉ còn tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới 1 kiếp nữa mà thôi. Trong kiếp ấy, chắc chắn bậc Thánh Nhất-lai sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Bậc Thánh Bất-lai không còn tái-sinh kiếp sau trở lại cõi thiện dục-giới, mà chỉ tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên mà thôi. Bậc Thánh Nhất-lai sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Bậc Thánh A-ra-hán đến khi hết tuổi thọ, đồng thời tịch diệt Niết-bàn ngay kiếp hiện-tại ấy, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Tuy nhiên nếu bậc Thánh Nhập-lưu và bậc Thánh Nhất-lai nào đã chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm (hoặc các vô-sắc-giới thiện-tâm), thì sau khi bậc Thánh-nhân ấy chết, sắc-giới thiện-nghiệp (hoặc vô-sắc-giới thiện-nghiệp) trong bậc thiền thiện-tâm bậc cao có quyền ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có bậc thiền quả-tâm bậc cao ấy gọi là paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời tương xứng với bậc thiền quả-tâm bậc cao ấy. Vị phạm-thiên Thánh-nhân ấy hưởng an-lạc trong tầng trời ấy cho đến khi hét tuổi thọ tại tầng trời ấy, sau khi vị phạm-thiên ấy chết, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp (hoặc vô-sắc-giới thiện-nghiệp) trong bậc thiền thiện-tâm bậc cao cho quả có bậc thiền quả-tâm bậc cao gọi là paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời tương xứng với bậc thiền quả-tâm bậc cao ấy.

Thật ra, sau khi bậc Thánh Nhập-lưu và bậc Thánh Nhất-lai trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên hoặc tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên hết tuổi thọ tại tầng trời ấy (chết), không tái-sinh kiếp sau xuống tầng trời bậc thấp, cũng không tái-sinh kiếp sau trở lại tầng trời cũ, mà chỉ có sắc-giới thiện-nghiệp (hoặc vô-sắc-giới thiện-nghiệp) trong bậc thiền thiện-tâm bậc cao cho quả có bậc thiền quả-tâm bậc cao gọi là paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời bậc cao cho đến tầng trời tột đỉnh, sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

 

PHÁP HÀNH THIỀN ĐỊNH – PHẦN XII
PHÁP HÀNH THIỀN ĐỊNH – PHẦN XIV

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *