Biết nhẫn nại là thắng, là đức tính cao thượng

Biết nhẫn nại là thắng

Trong bài kinh Asurindakasuṭṭa (Saṃyuṭṭanikāya, Sagāṭhavagga, kinh Asurindakasuṭṭa) được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Veluvana gần kinh thành Rājagaha. Khi hay tin hai người anh là Bhāradvāja và Akkosaka đã xuất gia trở thành Tỳ khưu nơi Đức Thế Tôn, ông Bà la môn Asurindaka nổi giận, khổ tâm, đến gặp Đức Thế Tôn, chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ Ngài bằng những lời thô tục, không phải lời của bậc Thiện trí.

Mặc dù ông Bà la môn Asurindaka nói lời thô tục, chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ như vậy, nhưng Đức Thế Tôn nhẫn nại, Ngài vẫn im lặng.

Khi ấy, ông Bà la môn Asurindaka tuyên bố với Đức Thế Tôn rằng:

— Sa môn Goṭama, tôi đã thắng Sa môn rồi! Sa môn Goṭama, tôi đã thắng Sa môn rồi!

Đức Thế Tôn thuyết dạy bằng bài kệ rằng:

Này ông Bà la môn!
Người nói lời thô tục, với người khác lặng im,
Không đối đáp trả lại, tự cho mình đã thắng. 
Bậc Thiện trí cao thượng, nhẫn nại là tối thắng, 
Người nào hay nổi giận, trả thù kẻ giận mình,
Người ấy thấp hèn hơn, kẻ giận mình gấp bội,
Người không giận trả đũa, với kẻ đã giận mình, 
Gọi là người chiến thắng, mà người thường khó thắng. 
Người nào biết ai giận, có chánh niệm giữ mình,
Dập tắt mọi phiền não, người ấy gọi là người,
Thực hành pháp nhẫn nại, giữ gìn sự lợi ích, 
Cho mình và cho người, cả hai bên cùng lợi.
Người giữ gìn lợi ích, cả cho mình lẫn người,
Những người không trí tuệ, không biết rõ thiện pháp,
Hiểu lầm người ấy rằng: “Một hạng người khờ dại”.
 

Lắng nghe lời dạy của Đức Thế Tôn, ông Bà la môn vô cùng hoan hỉ tán dương, ca tụng Ngài, ông phát sanh đức tin trong sạch, rồi xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng và kính xin Đức Phật cho phép ông được xuất gia thọ Sa di, thọ Tỳ khưu nơi Ngài.

Đức Thế Tôn cho phép ông Bà la môn Asurindaka xuất gia trở thành Tỳ khưu theo như ý nguyện. Sau khi trở thành Tỳ khưu không lâu, Tỳ khưu Asurindaka hoan hỉ sống một mình nơi thanh vắng, không dể duôi, tiến hành thiền tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả, trở thành bậc A-ra-hán cao thượng trong giáo pháp của Đức Phật Goṭama.

Nhẫn nại được lợi ích cao thượng

Trong bài kinh Vepaciṭṭisuṭṭa được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jeṭavana gần kinh thành Sāvaṭṭhi, Ngài dạy chư Tỳ khưu rằng:

— Này chư Tỳ khưu, sự việc đã từng xảy ra, trong cuộc chiến tranh giữa nhóm chư thiên cõi Tam thập tam thiên với nhóm thiên Asurā, để tranh giành ưu thế ở cõi Tam thập tam thiên.

(Asurā có 3 hạng: 1- Deva Asurā: hạng thiên Asurà ở phía dưới cõi Tam thập tam thiên. 2- Petti Asurā: nhóm ngạ quỷ Asurā. 3- Niraya Asurā: nhóm địa ngục Asurā.)

Này chư Tỳ khưu, khi ấy thống tướng Vepaciṭṭi là chủ soái nhóm thiên Asurā truyền lệnh rằng: “Này các binh tướng, cuộc chiến tranh giữa Asurā chúng ta với nhóm chư thiên cõi Tam thập tam thiên, nếu chúng ta thắng, còn nhóm chư thiên bại, thì các ngươi hãy bắt Đức vua Sakka cầm đầu nhóm chư thiên, trói chặt năm chỗ (hai tay, hai chân và cổ) rồi giải về kinh thành của ta”.

— Và này chư Tỳ khưu, cùng khi ấy, Đức vua Sakka cầm đầu nhóm chư thiên cõi Tam thập tam thiên cũng truyền lệnh rằng: “Này chư thiên tướng, cuộc chiến tranh giữa chư thiên chúng ta với nhóm thiên Asurā, nếu chúng ta thắng, còn nhóm thiên Asurā bại, thì các ngươi hãy bắt thống tướng Vepaciṭṭi, chủ soái nhóm thiên Asurā, trói chặt năm chỗ rồi giải về hội trường Sudhammasabhā, tại cung Tam thập tam thiên của trẫm”.

Này chư Tỳ khưu, cuộc chiến lần đó, nhóm chư thiên thắng, còn nhóm thiên Asurā bị bại, chư thiên cõi Tam thập tam thiên bắt thống tướng Vepaciṭṭi, chủ soái nhóm thiên Asurā, trói chặt năm chỗ, giải về hội trường Sudhammasabhā, ở cung Tam thập tam thiên của Đức vua Sakka.

Này chư Tỳ khưu, khi thống tướng Vepaciṭṭi bị trói ở giữa hội trường, y đã chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ Đức vua Sakka bằng những lời thô tục, không phải lời của bậc Thiện trí.

Này chư Tỳ khưu, khi ấy vị thiên nam Māṭali, hầu cận Đức vua Sakka tâu bằng bài kệ rằng:

Thần muôn tâu Bệ hạ!
Đức vua trời Sak-ka, có uy lực phi thường,
Mà nghe lời thô tục, chửi mắng và hăm doạ,
Của Ve-pa-ciṭ-ṭi, chủ soái A-su-rā,
Nhẫn nại được như vậy, vì sợ hay yếu hèn?
 

Đức vua trời Sakka truyền dạy rằng:

Trẫm có đức nhẫn nại, giữ gìn tính cao thượng,
Chịu đựng lời thô tục, của soái A-su-rā, 
Không phải vì sợ hãi, cũng không phải yếu hèn,
Bậc Thiện trí như trẫm, sao đáp lại kẻ ác.
 

Vị thiên nam Māṭali tâu:

Thần muôn tâu Bệ hạ!
Bệ hạ không trừng phạt, kẻ ác càng lộng hành,
Tạo thêm nhiều tội ác, làm khổ não cho nhau.
Vì vậy người có quyền, phải trừng trị kẻ ác, 
Bằng hình phạt nặng nề, để răn dạy kẻ khác.
 

Đức vua trời Sakka truyền dạy:

Biết người khác nổi giận, ta nên có chánh niệm,
Có trí tuệ biết mình, dập tắt mọi phiền não,
Giữ thâm tâm an tịnh, như những bậc Thiện trí,
Chính là cách hình phạt nặng nề với kẻ ác.
 

Vị thiên nam Māṭali tâu:

Thần muôn tâu Bệ hạ!
Hạ thần xét thấy rằng: đức tính nhẫn nại ấy,
Với kẻ ác cho rằng: vì sợ nên nhẫn nại,
Kẻ ác càng lộng hành, đàn áp bậc Thiện trí,
Ví như bò thắng trận, đuổi theo bò bại trận.
 

Đức vua trời Sakka truyền dạy:

Kẻ ác tự cho rằng: người ấy có nhẫn nại,
Vì sợ ta hay không, điều ấy không quan trọng.
Trong tất cả lợi ích, lợi cho mình đệ nhất.
Lợi ích hơn nhẫn nại, không thể có trong đời!
Người nào có quyền lực, mà nhẫn nại người yếu, Đức nhẫn nại người ấy, bậc Thiện trí tán dương. 
Người có đức nhẫn nại, đức tính cao thượng nhất.
Người yếu đuối nhẫn nhục, với người chức quyền cao,
Là việc thường trong đời, có gì đáng ca tụng.
Bậc Thiện trí dạy rằng: sức mạnh của kẻ ác, 
Đàn áp kẻ yếu hèn, không có gì đáng khen!
Người nói lời thô tục, với tâm sân giận dữ, 
Không thể làm lay động, tâm của người hô pháp.
Người giận lại kẻ giận, tội ác hơn gấp bội.
Bậc không giận kẻ giận, giữ đức tính nhẫn nại,
Gọi là bậc chiến thắng, mà người thường khó thắng.
Người nào biết ai giận, có chánh niệm giữ mình,
Dập tắt mọi phiền não, người ấy gọi là người,
Thực hành pháp nhẫn nại, giữ gìn sự lợi ích, 
Cho mình và cho người, cả hai đều có lợi.
Người giữ gìn lợi ích, cả cho mình lẫn người,
Những người không trí tuệ, không biết rõ chánh pháp,
Hiểu lầm người ấy rằng: “Một hạng người khờ dại”.
 

Sau đó, Đức Thế Tôn dạy rằng:

— Này chư Tỳ khưu, Đức vua trời Sakka trị vì cõi Tam thập tam thiên, hưởng sự an lạc trên ngai vàng nơi cung trời ấy, do quả của phước thiện mà Đức vua Sakka đã tạo ở tiền kiếp trong quá khứ.

Này chư Tỳ khưu, các con đã xuất gia trở thành Tỳ khưu trong giáo pháp của Như Lai, các con phải là người có giới hạnh trong sạch, có hành vi, cử chỉ trang nghiêm, có đức tính nhẫn nại. Như vậy sẽ giúp cho các con tiến hoá tốt đẹp trong giáo pháp của Như Lai. 

Pháp hành trở thành Đức vua Sakka

Ngôi vị Đức vua trời Sakka trị vì cõi Tam thập tam thiên, không phải do một vị nào truyền ngôi, hoặc được tấn phong; sự thật là do quả báu của phước thiện, pháp hành mà Đức vua trời đã tạo trong những kiếp quá khứ.

Những pháp hành nào để trở thành Đức vua Sakka?

Trong kinh Paṭhamadevasuṭṭa (Saṃyuṭṭanikāya, Sagāṭhavagga, kinh Paṭhamadevasuṭṭa) tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jeṭavana gần kinh thành Sāvaṭṭhi, Ngài dạy rằng:

— Này chư Tỳ khưu, tiền kiếp của Đức vua trời Sakka trị vì cõi Tam thập tam thiên, khi sanh làm người đã từng thọ trì đầy đủ 7 pháp hành, sau khi chết, do nhờ phước thiện của 7 pháp hành ấy cho quả hoá sanh lên cõi Tam thập tam thiên, ở ngôi vị Đức vua trời Sakka.

Bảy pháp hành là:

1- Ta phụng dưỡng cha mẹ suốt đời.
2- Ta cung kính bậc trưởng lão trong dòng họ và trong thế gian suốt đời.
3- Ta nói lời êm dịu suốt đời.
4- Ta không nói lời đâm thọc, chia rẽ suốt đời.
5- Ta không nên có tâm keo kiệt, bỏn xẻn trong của cải, là tâm ô nhiễm của người tại gia; ta nên có thiện tâm trong sạch, đem của cải bố thí đến người thọ thí đúng theo nhu cầu của họ; ta nên hoan hỉ làm phước bố thí suốt đời.
6- Ta nói lời chân thật suốt đời.
7- Ta không sân hận suốt đời.
 

Này chư Tỳ khưu, tiền kiếp của Đức vua trời Sakka, khi sanh làm người đã từng thọ trì nghiêm chỉnh và đầy đủ 7 pháp hành này. Cho nên, sau khi chết, do nhờ phước thiện của 7 pháp hành ấy cho quả hoá sanh làm Đức vua trời Sakka trị vì cõi Tam thập tam thiên”.

Những hạng phàm nhân và bậc Thánh Hữu Học: bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai vẫn còn bất thiện tâm: tham tâm, sân tâm, si tâm, tuỳ theo mỗi hạng người. Nhưng tham tâm hoặc sân tâm hoặc si tâm có phát sanh hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào nhân duyên của mỗi bất thiện tâm. Nếu hội đủ nhân duyên của bất thiện tâm nào, thì bất thiện tâm ấy mới phát sanh.

Trường hợp tiền kiếp của Đức vua trời Sakka, khi còn ở cõi người là hạng phàm nhân, song ông đã phát nguyện thọ trì 7 pháp hành nghiêm chỉnh và đầy đủ. Do đó, dù có tham tâm, sân tâm, si tâm nhưng không thể phát sanh, vì không đủ nhân duyên. Khi bất thiện tâm không sanh, thì chắc chắn thiện tâm phát sanh.

Đức tính nhẫn nại, tâm không sân hận được rèn luyện từ những tiền kiếp. Cho nên, kiếp hiện tại, là Đức vua trời Sakka khi nghe lời thô tục, chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ của Vepaciṭṭi thống tướng nhóm thiên Asurā, Đức vua Sakka vẫn có đức tính nhẫn nại, tâm sân hận không phát sanh, để giữ gìn sự lợi ích cho mình và cho người.

Sân tâm không sanh chưa hẳn là nhẫn nại

Trong kinh Kakacūpamāsuṭṭa (Majjhimanikāya, Mūlapaṇṇāsa, kinh Kakacūpamāsuṭṭa) có một đoạn nói về nữ gia chủ tên Vedehikā tóm lược như sau: 

Trong kinh thành Sāvaṭhi, có nữ gia chủ tên Vedehikā, nổi tiếng tốt lành, lan truyền rằng: “Nữ gia chủ Vedehikā là người hiền thục, nữ gia chủ Vedehikā là người khiêm tốn, nữ gia chủ Vedehikā là người trầm tĩnh”.

Nữ gia chủ có một đứa tớ gái tên Kāli, là cô gái siêng năng, cần mẫn, đảm đang trong mọi công việc gia đình, thường thức khuya dậy sớm, sắp đặt nhà cửa thật gọn gàng, sạch sẽ, không thể chê trách được.

Một hôm, đứa tớ gái Kāli nghĩ rằng: Tiếng tốt lành của bà chủ ta lan truyền: “Nữ gia chủ Vedehikā là người hiền thục, nữ gia chủ Vedehikā là người khiêm tốn, nữ gia chủ Vedehikā là người trầm tĩnh”. Như vậy, bà chủ của ta có sân tâm mà không phát sanh hay không có sân tâm. Sở dĩ bà chủ của ta có tâm sân mà không phát sanh, là vì ta siêng năng, cần mẫn, đảm đang, lo mọi công việc gia đình đều chu toàn, không thể chê trách được, chứ không phải không có sân tâm. Vậy, ta nên thử xem bà chủ là người như thế nào? 

Sáng hôm sau, cô Kāli thức dậy trễ, nữ gia chủ Vedehikā gọi đứa tớ gái Kāli lại và nói rằng: 

— Này Kāli, tại sao hôm nay thức dậy trễ, ngươi có bị bệnh gì hay không?

— Thưa bà chủ, con không bị bệnh gì cả.

— Này, nếu ngươi không có bệnh gì, thì tại sao ngươi thức dậy trễ? Đứa tớ gái hư đốn! Bà chủ Vedehikā nổi giận, mặt mày cau có.

Cô Kāli nghĩ rằng: Bà chủ của ta có tâm sân mà không phát sanh, chứ không phải không có tâm sân. Sở dĩ tâm sân không phát sanh, là vì ta siêng năng, cần mẫn, đảm đang lo mọi công việc gia đình đều chu toàn. Vậy, ta nên thử thêm một lần nữa.

Ngày hôm sau nữa, cô Kāli thức dậy trễ hơn hôm trước, bà chủ Vedehikā gọi tớ gái Kāli với giọng bực tức:

— Này Kāli, tại sao mày lại thức dậy trễ nữa.

— Thưa bà chủ, không sao cả.

Nghe vậy, bà chủ tức giận, chửi rủa, mắng nhiếc đứa tớ gái, bà lấy cây đánh trên đầu đứa tớ gái, làm bể đầu, máu chảy xuống mặt, khi ấy người tớ gái chạy sang nhà bên cạnh tố cáo rằng: 

— Thưa quý bà con, quý bà con hãy xem hành động của bà chủ Vedehikā mà quý bà con cho là nữ hiền thục, là người khiêm tốn, là người trầm tĩnh đây!

Từ đó về sau, tiếng xấu của nữ gia chủ lan truyền khắp mọi nơi rằng: “Nữ gia chủ Vedehikā là người độc ác, nữ gia chủ Vedehikā là người không khiêm tốn, nữ gia chủ Vedehikā là người không trầm tĩnh”.

Qua câu chuyện trên đây, để hiểu rõ tâm sân không phát sanh không hẳn là do nhẫn nại, sở dĩ tâm sân không sanh, là vì chưa gặp đối tượng làm cho bất bình. Nếu khi gặp phải đối tượng làm cho bất bình, không hài lòng, thì tâm sân phát sanh, làm hại mình, hại người.

Sân tâm không sanh do đức tính nhẫn nại

Người nào có đức tính nhẫn nại thật sự, thì dù tiếp xúc với bất cứ đối tượng xấu hoặc tốt như thế nào, người ấy vẫn giữ gìn thiện tâm trong sáng hợp với tính nhẫn nại, nên chắc chắn không bị ảnh hưởng bởi đối tượng xấu hoặc tốt ấy.

Như Đức Phật dạy: Trong đời này, người ta nói với mình có 5 trường hợp:

1- Nói hợp thời hay nói không hợp thời.
2- Nói thật hay nói không thật.
3- Nói lời hoà nhã hay nói lời thô tục.
4- Nói lời lợi ích hay nói lời vô ích.
5- Nói với tâm từ hay nói với tâm sân.
 

Đức Phật dạy: Người ta nói hợp thời hay nói không hợp thời; nói thật hay nói không thật; nói lời hoà nhã hay nói lời thô tục; nói lời lợi ích hay nói lời vô ích; nói với tâm từ hay nói với tâm sân; như vậy, dù bất cứ điều nào, các con nên có trí nhớ giữ mình, thực hành như vầy: “Ta vẫn giữ thiện tâm hợp với đức tính nhẫn nại vững chắc, không để bị ảnh hưởng, chi phối bởi đối tượng ấy, ta không nên nói đáp lại bằng lời thô tục, nên tiếp độ người ấy với đức tính nhẫn nại của ta, để giữ gìn sự lợi ích cho mình và cho người, ta không để tâm sân phát sanh, mà nên có tâm từ phát sanh rải đến người ấy và đến khắp tất cả chúng sinh, mọi phương hướng không có giới hạn, cầu mong tất cả chúng sinh không oan trái lẫn nhau, không làm khổ lẫn nhau, cầu mong tất cả chúng sinh được thân tâm an lạc”.

Người có đức tính nhẫn nại là người biết gìn giữ sự lợi ích cả cho mình và lẫn người.

Lợi ích của sự diệt sân tâm
Nhẫn nại là nhân duyên phụ nữ có sắc đẹp

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *