Đức tính nhẫn nại không gây oan trái, thắng rồi không bại

Đức tính nhẫn nại không gây oan trái

Oan trái là một điều đáng kinh sợ trong vòng tử sanh luân hồi của mỗi chúng sinh.

Sự oan trái lẫn nhau giữa đôi bên: Người này gây oan trái với người kia và ngược lại, người kia gây oan trái với người này; người này trả thù người kia, rồi người kia trả thù lại người này. Cứ như thế, sự oan trái lẫn nhau từ đời này sang kiếp khác, mỗi khi gặp lại nhau, nối tiếp kéo dài đến vô chung.

Sự oan trái một bên: Như trường hợp những tiền thân của Tỳ khưu Devadaṭṭa gây oan trái với những tiền thân của Đức Phật, qua nhiều đời nhiều kiếp. Cho đến kiếp chót của Đức Phật, Tỳ khưu Devadaṭṭa vẫn tìm mọi cách để sát hại Đức Phật; nhưng điều ấy không bao giờ có thể xảy ra, bởi vì không có một ai có thể sát hại Đức Phật được; chắc chắn Đức Phật tịch diệt Niết Bàn theo hết tuổi thọ của Ngài.

Chúng sinh thấy rõ sự oan trái là điều đáng kinh sợ trong vòng tử sanh luân hồi của mình, cho nên không còn muốn gây oan trái với nhau, đó là điều tốt hơn hết. Người có đức tính nhẫn nại là người không gây oan trái với tất cả chúng sinh. Nếu người khác gây oan trái với ta, thì ta làm thế nào để giải oan trái?

Trong tích Kāḷayakkhinīvaṭṭhu Đức Phật thuyết dạy bài kệ rằng:

“Na hi verena verāni,
Sammaṭīdha kudācanaṃ.
Averena ca sammaṭi,
Esa dhammo sananṭano”.

(Dhammpadaṭṭhakaṭhā, kệ thứ 5, tích Kāḷayakkhinīvaṭṭhu)
(Sự thật trong đời này,
Chẳng bao giờ oan trái,
Dập tắt bằng oan trái.
Oan trái dập tắt được,
Bằng sự không oan trái,
Đây thật sự là pháp,
Bậc trí tự ngàn xưa).

 

Thật vậy, những đồ dơ bẩn không thể rửa sạch bằng thứ nước dơ bẩn, mà chỉ có thể rửa sạch bằng thứ nước trong sạch mà thôi. Cũng như vậy, người ác này chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập người kia… đã gây oan trái với người kia; nếu người kia lại chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập trả đũa lại người ác này một cách tàn nhẫn hơn, hòng dập tắt oan trái, thì chẳng những không dập tắt được oan trái, mà còn gây thêm sự oan trái lâu dài, càng chồng chất thêm nhiều nữa.

Sự thật, oan trái không bao giời dập tắt được bằng sự oan trái. Bậc Thiện trí có đức tính nhẫn nại, có tâm từ, tâm không oan trái với tất cả chúng sinh, mới có thể dập tắt được sự oan trái.

Thắng rồi không bại

Trong đời này, người chiến thắng thường gây oan trái; còn kẻ chiến bại lại ngủ không yên giấc, bởi vì mưu tính việc trả thù. Cho nên, thường xảy ra thắng rồi lại bại, hoặc bại rồi lại thắng. Đó là do không có đức tính nhẫn nại.

Làm thế nào để thắng rồi không bị bại trở lại?

Bậc Thiện trí tự thắng phiền não trong tâm của mình rồi, không bị bại trở lại, đó mới thật là chiến thắng vinh quang nhất.

Tự thắng phiền não: tham, sân, si… trong tâm của mình, như Đức Phật dạy cận sự nữ Uṭṭarā bằng bài kệ rằng:

 

“Akkodhena jine kodhaṃ,
Asādhuṃ sādhunā jine.
Jine kadariyaṃ dānena,
Sacce nāli kavādinaṃ”.
(Bộ Dhammapadaṭṭkaṭhà, bài kệ số 223, tích Uṭṭarā upāsikāvaṭṭhu)

(Này, con Uṭ-ṭa-rā!
Thắng được người sân hận,
Bằng tâm không sân hận.
Thắng được người độc ác,
Bằng thiện pháp cao thượng.
Thắng được người keo kiệt,
Bằng phước thiện bố thí.
Thắng được người nói dối,
Bằng lời nói chân thật).
Đó là cách thắng rồi không bị bại trở lại.

 

Pháp hạnh Nhẫn nại Ba la mật
Pháp không nhẫn nại, pháp nhẫn nại thuộc tâm nào?

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *