Nhân-duyên có sắc đẹp 

Phàm là người nữ, ai ai cũng muốn có sắc đẹp, duyên dáng, dễ thương, song không phải người nữ nào cũng có sắc đẹp, duyên dáng như mình muốn. 

Trong đời này, có số người nữ xinh đẹp, có số người nữ xấu xí. Do nguyên nhân nào lại có số người nữ xinh đẹp, duyên dáng, dễ thương và do nguyên nhân nào lại có số người nữ xấu xí, vô duyên như vậy? 

Kiếp sau của người nữ muốn là người rất xinh đẹp duyên dáng dễ thương thì làm thế nào? 

Để hiểu biết rõ nguyên nhân, nên tìm hiểu bài kinh Mallikāsuṭṭa được tóm lược như sau: 

Một thuở nọ, Đức-Phật ngự tại chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvaṭṭhi. Khi ấy, Chánh cung Hoàng hậu Mallikā của Đức vua Pasenadi-kosala đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, rồi bạch rằng: 

1- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, trong đời này, do nhân nào, duyên nào cho quả số người nữ có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm, còn là người nghèo khó, thiếu thốn của cải và có địa vị thấp kém? 

2- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, trong đời này, do nhân nào, duyên nào cho quả số người nữ có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm; nhưng là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao và có địa vị cao quý? 

3- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, trong đời này, do nhân nào, duyên nào cho quả số người nữ có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp, duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng; nhưng là người nghèo khó, thiếu thốn của cải và có địa vị thấp kém? 

4- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, trong đời này, do nhân nào, duyên nào cho quả số người nữ có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp, duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng; còn là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao và có địa vị cao quý? 

Đức-Thế-Tôn thuyết dạy rằng: 

1- Này Mallikā! Trong đời này, người nữ nào có tính sân hận, thường hay khổ tâm, bực tức khi bị xúc phạm chút đỉnh, tâm sân hận liền phát sinh, nổi cơn giận dữ, biểu hiện rõ nỗi bực tức trong lòng; lại là người không hoan hỷ tạo phước-thiện bố-thí như: thức ăn, thức uống, vải, y phục, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn,… đến sa-môn, bà-la-môn và còn là người có tính ganh tị lợi lộc, địa vị, lễ vật, sự cung kính, lễ bái cúng dường của người khác, hay ngăn cản, cắt đứt lợi lộc của người khác, … do có tính ganh tị. 

Sau khi số người nữ ấy chết, đại-thiện-nghiệp khác có cơ hội cho quả, nếu tái-sinh trở lại làm người nữ, thì người nữ ấy có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí nhìn đáng ghê tởm; còn là người nghèo khó, thiếu thốn của cải và có địa vị thấp kém trong đời này. 

– Này Mallikā! Đó là nhân, là duyên cho quả số người nữ ấy có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm; còn là người nghèo khó, thiếu thốn của cải và có địa vị thấp kém trong đời này. 

2- Này Mallikā! Trong đời này, số người nữ nào có tính sân hận, thường hay khổ tâm, bực tức khi bị xúc phạm chút đỉnh, tâm sân hận liền phát sinh, nổi cơn giận dữ, biểu hiện rõ nỗi bực tức trong lòng; nhưng là người hoan hỷ tạo mọi phước-thiện bố-thí như: thức ăn, thức uống, vải, y phục, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn,…đến sa-môn bà-la-môn và còn là người không có tính ganh tị lợi lộc, địa vị, lễ vật, sự cung kính, lễ bái cúng dường của người khác; không ngăn cản, không cắt đứt lợi lộc của người khác,… do không có tính ganh tị. 

Sau khi số người nữ ấy chết, đại-thiện-nghiệp khác có cơ hội cho quả, nếu được tái-sinh trở lại làm người, thì người nữ ấy có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm; nhưng là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao và có địa vị cao quý trong đời này. 

– Này Mallikā! Đó là nhân, là duyên cho quả số người nữ ấy có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm; nhưng là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao và có địa vị cao quý trong đời này. 

3- Này Mallikā! Trong đời này, số người nữ nào không có tính sân hận, thường không khổ tâm, không bực tức, dù bị xúc phạm nhiều, tâm sân hận vẫn không phát sinh, không nổi cơn giận dữ, không có biểu hiện rõ nỗi bực tức trong lòng; nhưng là người không hoan hỷ tạo mọi phước-thiện bố-thí như: thức ăn, thức uống, vải, y phục, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn,… đến sa-môn bà-la-môn và còn là người có tính ganh tị lợi lộc, địa vị, lễ vật, sự cung kính, lễ bái cúng dường của người khác, hay ngăn cản, cắt đứt lợi lộc của người khác, … do có tính ganh tị. 

Sau khi số người nữ ấy chết, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả, nếu được tái-sinh trở lại làm người, thì người nữ ấy có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng; nhưng là người nghèo khó, thiếu thốn của cải và có địa vị thấp kém trong đời này. 

– Này Mallikā! Đó là nhân, là duyên cho quả số người nữ có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp, duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng; nhưng là người nghèo khó, thiếu thốn của cải và có địa vị thấp kém trong đời này. 

4- Này Mallikā! Trong đời này có số người nữ nào không có tính sân hận, thường không có khổ tâm, bực tức, dù bị xúc phạm nhiều, tâm sân hận vẫn không phát sinh, không nổi cơn giận dữ, không biểu hiện rõ nỗi bực tức trong lòng; lại là người hoan hỷ tạo mọi phước-thiện bố-thí như: thức ăn, thức uống, vải, y phục, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn,… đến sa-môn bà-la-môn và còn là người không có tính ganh tị lợi lộc, địa vị, lễ vật, sự cung kính, lễ bái cúng dường của người khác, không ngăn cản, không cắt đứt lợi lộc của người khác, … do không có tính ganh tị. 

Sau khi số người nữ ấy chết, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả, nếu được tái-sinh trở lại làm người, thì người nữ ấy có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng; lại là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao và có địa vị cao quý trong đời này. 

– Này Mallikā! Đó là nhân, là duyên cho quả số người nữ ấy có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp, duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng; lại là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao và có địa vị cao quý trong đời này. 

Nghe Đức-Thế-Tôn thuyết dạy giải đáp xong 4 câu hỏi, bà Chánh-cung hoàng-hậu Mallikā bèn bạch rằng: 

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, tiền-kiếp của con là người có tính sân hận, thường hay có khổ tâm, bực tức khi bị xúc phạm chút đỉnh, tâm sân hận liền phát sinh, nổi cơn giận dữ, biểu hiện rõ nỗi bực tức trong lòng. Cho nên, kiếp hiện-tại này con có da dẻ không mịn màng, thân hình không xinh đẹp, không đáng chiêm ngưỡng. 

* Tiền-kiếp của con là người hoan hỷ tạo mọi phước-thiện bố-thí như: thức ăn, thức uống, vải, y phục, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn,… đến sa-môn bà-la-môn. Cho nên, kiếp hiện-tại này con là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải. 

* Tiền-kiếp của con là người không có tính ganh tị lợi lộc, địa vị, lễ vật, sự cung kính, lễ bái cúng dường của người khác. Cho nên, kiếp hiện-tại này con có địa vị cao quý nhất. 

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, những người nữ trong nước, trong dòng dõi bà-la-môn, trong hoàng tộc, trong cung điện này, con là người nữ có địa vị cao quý hơn tất cả các người nữ ấy. 

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, kể từ nay về sau, con không dám có tính sân hận, thường không có khổ tâm, bực tức; dù bị xúc phạm nhiều, tâm sân hận vẫn không phát sinh, không nổi cơn giận dữ, không biểu hiện rõ nỗi bực tức trong lòng; con sẽ hoan hỷ tạo mọi phước-thiện bố-thí như: thức ăn, thức uống, vải, y phục, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn,… đến sa-môn, bà-la-môn; con không có tính ganh tị lợi lộc, địa vị, lễ vật, sự cung kính, lễ bái cúng dường của người khác; không ngăn cản, không cắt đứt lợi lộc của người khác,… do không có tính ganh tị. 

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, lời dạy của Ngài rõ ràng quá! Kính bạch Đức Thế Tôn, lời dạy của Ngài rõ ràng quá! 

Con đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức-Thế-Tôn, xin quy y nương nhờ nơi Đức-Pháp-bảo, xin quy y nương nhờ nơi chư tỳ-khưu Tăng-bảo. Kính xin Ngài nhận biết con là cận-sự-nữ đã quy-y Tam-bảo kể từ nay cho đến trọn đời. 

(Xong bài kinh Mallikāsuṭṭa)

 

Đoạn Kết

Pháp nhẫn-nại đó là vô-sân tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hợp với tâm-từ, người có pháp nhẫn-nại là bậc thiện-trí hiền lành nhân từ. 

Pháp nhẫn-nại là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật mà khi Đức-Bồ-tát thực-hành hoàn toàn bị động bất ngờ, bởi vì có người ác nào bỗng nhiên đến bịa chuyện vu khống, hoặc gây gổ, đánh đập hành hạ. Khi ấy, Đức-Bồ-tát suy nghĩ rằng: 

“Đây là cơ hội tốt hiếm có cho ta thực-hành pháp nhẫn-nại với đại-thiện-tâm có vô-sân hợp với tâm-từ, nên vẫn làm thinh chịu đựng một cách tự nhiên, không hề phát sinh sân-tâm thù ghét người ác ấy, để thực-hành pháp nhẫn-nại là đức-hạnh cao thượng mà Đức-Phật đã dạy, để thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật cho được thành-tựu, để bổ sung vào 10 pháp-hạnh ba-la-mật hỗ trợ cho pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.” 

Đức-Bồ-tát có trí-tuệ sáng suốt suy xét về sự lợi ích, trong các sự lợi ích thì chỉ có sự lợi ích của pháp nhẫn-nại là cao thượng, bởi vì đem lại sự lợi ích cao cả cho mình và sự lợi ích cho người ác ấy nữa. Thật ra, rất khó có cơ hội hy hữu để thực-hành pháp nhẫn-nại. 

Cũng như vậy, trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật, chỉ có pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật là khó có cơ hội hy hữu để thực-hành. 

Đức-Bồ-tát có ý nguyện tha thiết muốn giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, thì Đức-Bồ-tát hành-giả chỉ có thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ là con đường, là pháp-hành duy nhất dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn mà thôi. 

Khi Đức-Bồ-tát hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, nếu hành-giả chưa có đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật thì không đủ năng lực hỗ trợ cho pháp-hành thiền-tuệ, không thể dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không thể chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, không thể giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài được. 

Cho nên, Đức-Bồ-tát cần phải thực-hành đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật, đó là điều thiết yếu để hỗ trợ hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn. 

Trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật này, có 9 pháp-hạnh ba-la-mật là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật, pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật, pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật, pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật, pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật, pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật, pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật, pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật, Đức-Bồ-tát hoàn toàn chủ động muốn thực-hành pháp-hạnh ba-la-mật nào tuỳ theo khả năng của Đức-Bồ-tát, nhưng mà riêng pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, Đức-Bồ-tát hoàn toàn bị động bất ngờ, có người ác nào bỗng nhiên đến bịa chuyện vu khống, hoặc gây gổ, đánh đập hành hạ. Khi ấy, Đức-Bồ-tát có cơ hội tốt hy hữu thực-hành pháp nhẫn-nại với đại-thiện-tâm có vô-sân hợp với tâm-từ, không hề phát sinh sân-tâm thù ghét người ác ấy, và thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật được thành tựu, để cho được đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật, để hỗ trợ Đức-Bồ-tát thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài. 

Vì vậy, chư Đức-Bồ-tát luôn luôn chờ đợi cơ hội hiếm có khi người ác nào đến bịa chuyện vu khống, chửi mắng, đánh đập hành hạ, v.v…Thật ra, đó là quả của ác-nghiệp của tiền-kiếp Đức-Bồ-tát đến thời-kỳ có cơ hội cho quả xấu, nên khiến người ác ấy liều mạng đến đối xử tàn nhẫn với Đức-Bồ-tát như vậy. 

Nếu suy xét về nghiệp và quả của nghiệp của Đức-Bồ-tát thì người ác ấy thật là đáng thương biết dường nào! 

Nhân dịp rằm tháng giêng PL. 2562 /2019 

Chùa Tổ Bửu-Long 

Q.9, TP. Hồ-Chí-Minh 

Tỳ-Khưu Hộ-Pháp 

(Dhammarakkhita Bhikkhu) 

(Aggamahāpaṇḍita) 

 

Patthanā

Iminā puññakammena,  

sukhī bhavāma sabbadā. 

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo,  

loke sattā sumaṅgalā.  

Vietnamraṭṭhikā hi sabbe,  

janā pappontu sāsane. 

Vuḍḍhiṃ viruḷhivepullaṃ,  

patthayāmi nirantaraṃ.  

Lời nguyện cầu

Do nhờ phước-thiện thanh cao này, 

Cho chúng con thường được an-lạc. 

Cầu mong chánh-pháp được trường tồn, 

Tất cả chúng-sinh được hạnh phúc. 

Dân tộc Việt Nam được phát triển, 

Tiến hóa hưng thịnh trong Phật-giáo. 

Bần sư cầu nguyện với tâm thành, 

Hằng mong được thành tựu như nguyện.  

 

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ 

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo Vietnamraṭṭhasmiṃ. 

Nguyện cầu chánh-pháp được trường tồn trên thế gian. 

Nguyện cầu chánh-pháp được trường tồn trên Tổ-quốc Việt Nam thân yêu. 

Những Bài Kinh Liên Quan Đến Pháp Nhẫn Nại
1. Ngũ Giới Là Thường Giới Pañcasīla - Lễ Quy Y Tam Bảo & Thọ Trì Ngũ Giới

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *