Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 32 – Cõi Ngạ-Quỷ

I.2- Pettivisayabhūmi: Cõi Ngạ-Quỷ

Pettivisayabhūmi: Cõi ngạ-quỷ không có cõi riêng biệt, rải rác mọi nơi trong rừng, núi, sông, suối, biển, nghĩa-địa, xóm làng, v.v… loài ngạ-quỷ thuộc về loại chúng-sinh hóa-sinh trong cõi ngạ-quỷ, thường chịu cảnh khổ đói khát lạnh lẽo, v.v…

Ác-nghiệp nào cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm loài ngạ-quỷ trong cõi ngạ-quỷ?

Người ác nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không biết tự trọng, phạm điều-giới, tạo ác-nghiệp phạm giới.

Sau khi người ác ấy chết, nếu ác-nghiệp trong tham-tâm có nhiều năng lực có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp thuộc về bất-thiện-quả vô-nhân-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm loài ngạ-quỷ trong cõi ngạ-quỷ, chịu quả khổ đói khát, lạnh lẽo,… của ác-nghiệp ấy, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi kiếp ngạ-quỷ ấy.

Loài ngạ-quỷ thuộc về loại chúng-sinh hóa-sinh có thân hình rất vi-tế mà mắt thường của con người không thể nhìn thấy, chỉ có bậc nào có thiên-nhãn-thông mới có khả năng nhìn thấy rõ các loài ngạ-quỷ được; hoặc nếu khi loài ngạ-quỷ biến hóa ra thân hình thô thì mắt thường của con người có thể nhìn thấy được.

* Loài ngạ-quỷ (petti) không có cõi riêng biệt, sống khắp mọi nơi như trong rừng, núi, sông, suối, biển, nghĩa-địa, xóm làng, v.v…

Loài ngạ-quỷ có nhiều nhóm, nhóm có thân hình nhỏ, nhóm có thân hình to lớn, nhóm có khả năng biến hóa thành người đàn ông, đàn bà, trẻ con, tỳ-khưu, sa-di, tu-nữ, v.v… hoặc biến hóa thành các con thú như con bò, con trâu, con chó, con mèo, v.v… khi thì hiện hình rõ ràng, khi thì hiện hình mờ mờ không rõ, v.v…

Tất cả mọi loài ngạ-quỷ đều phải chịu quả khổ của ác-nghiệp, thường chịu cảnh khổ đói khát, có nhóm ăn đồ dơ dáy như nước đàm, nước miếng, máu, mủ, v.v…

Nhóm ngạ-quỷ nương nhờ nơi các núi rừng không chỉ chịu cảnh khổ đói khát, lạnh lẽo, … mà còn bị hành hạ như chúng-sinh địa-ngục nữa.

Peta: Ngạ-quỷ có 4 loại:

1- Paradattupajīvikapeta: Loài ngạ-quỷ nuôi mạng do nương nhờ người khác hồi-hướng phần phước-thiện.

2- Khuppīpāsikapeta: Loài ngạ-quỷ thường chịu cảnh đói khát, lạnh lẽo, … 

3-Nijjhāmataṇhikapeta: Loài ngạ-quỷ thường bị lửa thiêu đốt làm nóng rực không chịu nổi.

4- Kālakañcikapeta: Loài ngạ-quỷ trong nhóm loài a-su-ra hoặc loài ngạ-quỷ có tên giống loài a-su-ra.

Chuyện loài ngạ-quỷ Kālakañcikapeta

Ngày nọ, ngạ-quỷ kālakañcikapeta khát nước dữ dội muốn uống nước, nên đi tìm đến con sông gaṇgā, bước xuống sông để uống nước, do năng lực của ác-nghiệp nước ấy biến ra đất bốc lửa khói lên nghi ngút, nhưng ngạ-quỷ ấy vẫn nghe tiếng nước chảy mà không thấy nước đâu cả, mãi đi tìm từ chiều đến sáng ngày hôm sau.

Buổi sáng hôm ấy, nhóm 30 tỳ-khưu đi khất thực, dọc theo bờ sông nhìn thấy ngạ-quỷ kāla-kañcikapeta đang đi tìm nước.

Vị tỳ-khưu đến hỏi rằng:

– Này người kia! Ngươi đang đi tìm gì vậy?

Ngạ-quỷ kālakañcikapeta thưa rằng:

– Kính bạch Ngài, con khát nước dữ dội, nên con đang đi tìm nước uống.

Chư tỳ-khưu nói với ngạ-quỷ rằng:

– Này người kia! Nước sông ở trước mặt, ngươi không nhìn thấy sao?

– Kính bạch Ngài, con không thấy nước, nhưng vẫn nghe tiếng nước chảy. Con đi tìm nước từ ngày hôm qua đến hôm nay vẫn chưa thấy nước.

Chư tỳ-khưu bảo ngạ-quỷ rằng:

– Này người kia! Ngươi hãy nằm ngửa xuống đây, chúng tôi sẽ múc nước cho ngươi uống no đủ.

Vâng lời chư tỳ-khưu, ngạ-quỷ ấy nằm há miệng ra, 30 vị tỳ-khưu mỗi vị theo tuần tự đem bát đi xuống sông múc nước đổ vào miệng ngạ-quỷ, nhưng chỉ vào được chút đỉnh mà thôi, bởi vì miệng của ngạ-quỷ ấy nhỏ như lỗ kim.

(Trích trong bộ Chú-giải Sammohavinodanī)

Loài ngạ-quỷ nào nhận được phần phước-thiện của thí-chủ?

Trong 4 loài ngạ-quỷ này, chỉ có loài ngạ-quỷ paradattupajīvikapeta là loài ngạ-quỷ có thể nhận được phần phước-thiện của bà con thân quyến hoặc người khác hồi hướng đến loài ngạ-quỷ này mà thôi, bởi vì loài ngạ-quỷ này còn có ác-nghiệp nhẹ, nên được sống gần gũi với loài người, để trông chờ nhận được phần phước-thiện của bà con thân quyến hoặc người khác hồi hướng đến cho chúng.

Khi nhóm ngạ-quỷ này biết có người bà con thân quyến hoặc các thí chủ tạo phước-thiện, rồi hồi hướng phần phước-thiện đến loài ngạ-quỷ ấy, nên chúng hiện đến chờ đợi, khi nghe người nói lên lời hồi hướng phần phước-thiện đến cho nhóm ngạ-quỷ, chúng liền phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Ngay khi ấy, chúng ngạ-quỷ nhận được phần phước-thiện hoan-hỷ ấy, là đại-thiện-nghiệp hoan-hỷ cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, hưởng được mọi sự an-lạc trong cõi trời dục-giới ấy.

Nếu ngạ-quỷ nào không biết, thì ngạ-quỷ ấy không có cơ hội hưởng phần phước-thiện ấy, nên ngạ-quỷ ấy vẫn còn phải chịu cảnh khổ đói khát như vậy.

* Như trường-hợp nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra trong quá-khứ xa xưa, từ thời-kỳ Đức-Phật Phussa xuất hiện trên thế gian, cho đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama của chúng ta, trải qua thời gian lâu dài khoảng cách 92 đại-kiếp trái đất, có 8 Đức-Phật đã tuần tự xuất hiện trên thế gian.

Nhóm người bà con thân quyến ấy vốn là những người hộ độ Đức-Phật Phussa cùng chư tỳ-khưu-Tăng, họ đã tự tiện lấy dùng những vật thực cúng dường của chư tỳ-khưu-Tăng, lại còn gây gỗ với nhau, đốt nhà bếp, phạm ác-nghiệp trộm cắp của chư tỳ-khưu-Tăng.

Sau khi họ chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục, khi ra khỏi cõi đại-địa-ngục, rồi ác-nghiệp ấy còn cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi tiểu-địa-ngục, khi ra khỏi cõi tiểu-địa-ngục này, rồi ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi tiểu-địa-ngục kia, và cứ như vậy, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi tiểu-địa-ngục ấy.

Như vậy, ác-nghiệp vẫn còn dư sót, nên cho quả hóa-sinh làm loài ngạ-quỷ.

* Đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, Đức-Phật thuyết-pháp tế độ chúng sinh trong khắp mọi nơi. Đức-Phật ngự đến kinh-thành Rājagaha cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, Đức-Phật thuyết-pháp tế độ Đức-vua Bimbisāra, các quan trong triều và dân chúng trong kinh-thành Rājagaha.

Sau khi lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật xong, Đức-vua Bimbisāra cùng với số đông các quan trong triều cùng dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

Khi ấy, Đức vua Bimbisāra đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, kính bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, ngày mai, con kính thỉnh Đức-Thế-Tôn ngự đến cung điện cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, để con tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Thế-Tôn cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. Bạch Ngài.

Đức-Phật làm thinh nhận lời thỉnh mời.

Hay tin Đức-vua Bimbisāra tạo phước-thiện bố-thí như vậy, nên sáng hôm sau, nhóm ngạ-quỷ đã từng là bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra trong tiền-kiếp hiện đến đứng chờ sẵn, để mong phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ nhận phần phước-thiện bố-thí ấy.

Đức-Phật ngự đến cung điện của Đức-vua cùng với chư tỳ-khưu-Tăng, Đức-vua Bimbisāra tự tay kính dâng các món vật thực đến Đức-Phật và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng xong. Khi ấy, Đức-vua hướng tâm suy xét nên xây dựng ngôi chùa nơi nào cho thích hợp với Đức-Phật cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, nên Đức-vua không hồi hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến cho các hàng ngạ-quỷ nào cả.

Nhóm ngạ-quỷ đã từng bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra trong tiền-kiếp, không nhận được phần phước-thiện bố-thí ấy, nên chúng vô cùng thất vọng, khổ tâm. Ban đêm, nhóm ngạ-quỷ ấy hiện đến cung điện của Đức-vua, khóc than thảm thiết, làm cho Đức-vua vô cùng kinh sợ. 

Sáng ngày hôm sau, Đức-vua Bimbisāra ngự đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, kính bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, đêm hôm qua, con nghe những tiếng khóc than thảm thiết, làm cho con vô cùng kinh sợ.

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, có điều gì bất hạnh đối với con, hoặc triều đình của con hay không? Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

– Này Đại-vương! Con chớ nên lo sợ, chẳng có điều gì bất hạnh đối với con cả. Đó là tiếng khóc than của nhóm ngạ-quỷ đã từng là bà con thân quyến của con trong tiền-kiếp. 

Hôm qua, nhóm ngạ-quỷ ấy hay tin con tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Như-lai cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, nên nhóm ngạ-quỷ ấy hiện đến đứng chờ đợi con hồi hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến cho hàng ngạ-quỷ, nhưng sau khi con tạo phước-thiện bố-thí cúng dường xong, con không hồi hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến cho các hàng ngạ-quỷ, nên nhóm ngạ-quỷ đã từng là bà con thân quyến của con trong tiền-kiếp, không nhận được phần phước-thiện bố-thí ấy, nên chúng nó vô cùng thất vọng, khổ tâm.

Đêm hôm qua, nhóm ngạ-quỷ ấy hiện đến khóc than thảm thiết như vậy. 

Nghe Đức-Phật truyền dạy như vậy, Đức-vua Bimbisāra bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, ngày mai con sẽ tạo phước-thiện bố-thí cúng-dường đến Đức-Thế-Tôn cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, rồi con hồi hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến cho nhóm ngạ-quỷ đã từng là bà con thân quyến của con trong tiền-kiếp, họ sẽ nhận được phần phước-thiện bố-thí ấy hay không? Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

– Này Đại-vương! Nhóm ngạ-quỷ đã từng là bà con thân quyến của con trong tiền-kiếp sẽ nhận được phần phước-thiện bố-thí ấy.

Đức-vua Bimbisāra kính bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, ngày mai, con kính thỉnh Đức-Thế-Tôn ngự đến cung điện cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng để con tạo phước-thiện bố-thí cúng-dường đến Đức-Thế-Tôn cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. Bạch Ngài.

Đức-Phật làm thinh nhận lời thỉnh mời.

Đức-vua Bimbisāra chuẩn bị tạo phước-thiện bố-thí cúng dường vào ngày hôm sau.

Sáng hôm sau, nhóm ngạ-quỷ đã từng là bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra trong tiền-kiếp hiện đến đứng chờ sẵn, với hy vọng sẽ nhận phần phước-thiện bố-thí ấy. 

Đức-Phật ngự đến cung điện của Đức-vua Bimbisāra cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Đức-vua Bimbisāra tự tay kính dâng các món vật thực đến Đức-Phật và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, rồi kính dâng bộ y đến Đức-Phật và bộ y đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. Khi ấy, Đức-vua hồi hướng phần phước-thiện ấy đến cho nhóm ngạ-quỷ đã từng là bà con thân quyến rằng:

“Idaṃ me ñātīnaṃ hotu.”

Phước-thiện bố-thí thanh cao này, cầu mong cho được thành-tựu đến cho nhóm ngạ-quỷ đã từng là bà con thân quyến của tôi.

Ngay khi ấy, nhóm ngạ-quỷ ấy phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra trong tiền-kiếp, phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ nhận phần phước-thiện thanh cao là đại-thiện-nghiệp hoan-hỷ ấy liền cho quả đến nhóm ngạ-quỷ ấy đều thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ đói khát, nhờ đại-thiện-nghiệp hoan-hỷ ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, có đầy đủ các món vật thực ngon lành, có y phục lộng lẫy của vị thiên-nam, vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới.

Những tích tương tự như vậy có nhiều trong bộ Petavatthu, bộ Vimānavatthu. 

* Trong bộ Lokapaññatti và bộ Chagatidīpanī trình bày ngạ-quỷ có 12 loài:

1- Vantāsapeta: Loài ngạ-quỷ ăn nước miếng, đàm, đồ ói mửa.

2- Kuṇapāsapeta: Loài ngạ-quỷ ăn tử thi người và thú-vật.

3- Gūthakhādakapeta: Loài ngạ-quỷ ăn các loại phẩn.

4- Aggijālamukhapeta: Loài ngạ-quỷ luôn luôn có ngọn lửa phát ra từ trong miệng.

5- Sūcimukhapeta: Loài ngạ-quỷ có miệng bằng lỗ kim.

6- Taṇhaṭṭitapeta: Loài ngạ-quỷ bị hành hạ bởi tham-ái đói ăn, khát uống luôn luôn.

7- Sunijjhāmakapeta: Loài ngạ-quỷ có thân hình đen thui như cội cây bị cháy.

8- Satthaṅgapeta: Loài ngạ-quỷ có móng tay, móng chân dài và bén nhọn như lưỡi kiếm.

9- Pabbataṅgapeta: Loài ngạ-quỷ có thân hình to cao.

10- Ajagaraṅgapeta: Loài ngạ-quỷ có thân hình như con trăn.

11- Vemānikapeta: Loài ngạ-quỷ chịu khổ ban ngày, ban đêm hưởng an-lạc trong lâu đài trên cõi trời dục-giới.

12- Mahiddhikapeta: Loài ngạ-quỷ có phép biến hóa nhiều loại, là chúa của các ngạ-quỷ. 

* Trong Tạng Luật Pāḷi, bộ Lakkaṇasamyutta Pāḷi trình bày ngạ-quỷ có 21 loài:

1- Aṭṭhisaṅkhasikapeta: Loài ngạ-quỷ có bộ xương không có thịt.

2- Maṃsapesikapeta: Loài ngạ-quỷ có từng cục thịt không có xương.

3- Maṃsapiṇḍapeta: Loài ngạ-quỷ có cục thịt.

4- Nicchaviparisapeta: Loài ngạ-quỷ không có da.

5- Asilomapeta: Loài ngạ-quỷ có lông nhọn như lưỡi kiếm.

6- Sattilomapeta: Loài ngạ-quỷ có lông nhọn như mũi lao.

7- Usulomapeta: Loài ngạ-quỷ có lông dài như mũi tên.

8- Sūcilomapeta: Loài ngạ-quỷ có lông như mũi kim.

9- Dutiyasūcilomapeta: Loài ngạ-quỷ có lông như mũi kim dài.

10- Kumbhaṇḍapeta: Loài ngạ-quỷ có tinh-hoàn (hòn dái) to lớn.

11- Gūthakūpanimuggapeta: Loài ngạ-quỷ chìm trong hầm phẩn.

12- Gūthakhādakapeta: Loài ngạ-quỷ ăn phẩn.

13- Nicchavitakapeta: Loài nữ ngạ-quỷ không có da.

14- Duggandhapeta: Loài ngạ-quỷ có mùi hôi.

15- Ogilinīpeta: Loài ngạ-quỷ có thân hình như than hồng. 

16- Asīsapeta: Loài ngạ-quỷ không có đầu.

17- Bhikkhupeta: Loài ngạ-quỷ có hình dáng như tỳ-khưu.

18- Bhikkhunīpeta: Loài ngạ-quỷ có hình dáng như tỳ-khưu-ni.

19- Sikkhamānapeta: Loài ngạ-quỷ có hình dáng như sikkhamānā.

20- Sāmaṇerapeta: Loài ngạ-quỷ có hình dáng như sa-di.

21- Sāmaṇerīpeta: Loài ngạ-quỷ có hình dáng như sa-di-ni.

Nhận xét về loài ngạ-quỷ

Loài ngạ-quỷ có 4 loài, có 12 loài, có 21 loài, ngoài ra còn có loài ngạ-quỷ khác rải rác trong các bộ trong Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi khác, trong tất cả các loài ngạ-quỷ ấy chỉ có loài ngạ-quỷ paradattupajīvikapeta có thể nhận được phần phước-thiện của bà con thân quyến hoặc những người khác hồi hướng đến cho loài ngạ-quỷ ấy mà thôi, bởi vì loài ngạ-quỷ này có ác-nghiệp đã giảm dần còn nhẹ, nên được sống gần gũi với loài người, trông chờ nhận phần phước-thiện hồi hướng của bà con thân quyến hoặc các thí-chủ khác.

Những loài ngạ-quỷ còn lại không thể nhận được phần phước-thiện của bà con thân quyến hoặc người khác hồi hướng phần phước-thiện đến cho chúng được, bởi vì những loài ngạ-quỷ ấy có ác-nghiệp vẫn còn nặng, vả lại những loài ngạ-quỷ ấy sống cách xa loài người, nên chưa có cơ hội nhận được phần phước-thiện hồi hướng của bà con thân quyến hoặc những người khác.

* Đối với loài ngạ-quỷ paradattupajīvikapeta sống gần gũi với loài người, vả lại ác-nghiệp của loài ngạ-quỷ này đã giảm nhẹ nhiều rồi, nếu loài ngạ-quỷ này chờ có cơ hội nhận được phần phước-thiện hồi hướng của bà con thân quyến hoặc người người khác, thì loài ngạ-quỷ para-dattupajīvikapeta này phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ nói lên lời rằng: Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Ngay khi ấy, loài ngạ-quỷ paradattupajīvikapeta ấy được thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, nhờ đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, hưởng sự an-lạc trên cõi trời dục-giới ấy.

Loài ngạ-quỷ paradattupajīvikapeta có 2 nhóm

1- Tiền-kiếp của nhóm ngạ-quỷ đã từng tạo ác-nghiệp nặng, sau khi chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục (mahānaraka), chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp tại cõi đại-địa-ngục ấy xong, nhưng năng lực của ác-nghiệp vẫn còn, nên tiếp tục cho quả tái-sinh kiếp sau trong các cõi tiểu-địa-ngục (ussadanaraka) theo tuần tự cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp tại cõi tiểu-địa-ngục ấy xong, nếu năng lực của ác-nghiệp vẫn còn thì tiếp tục cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục yamalokanaraka, tiếp tục chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp tại cõi địa-ngục ấy xong, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục.

Nếu có đại-thiện-nghiệp đã tích lũy từ những kiếp quá-khứ xa xưa của chúng-sinh địa-ngục ấy thì đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người hoặc làm chư-thiên trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi an-lạc trong cõi thiện-giới ấy.

* Nếu không có đại-thiện-nghiệp nào có cơ hội cho quả thì ác-nghiệp còn dư sót ấy cho quả tái-sinh kiếp sau làm loài ngạ-quỷ paradattupa-jīvikapeta sống gần gũi với loài người chờ cơ hội nhận phần phước-thiện của bà con thân quyến hoặc người khác hồi hướng đến cho chúng (Như nhóm ngạ-quỷ là bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra trong tiền-kiếp).

* Nếu loài ngạ-quỷ nào hay biết hiện đến chờ cơ hội phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ nói lên lời “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” thì loài ngạ-quỷ ấy nhận được phần phước-thiện của bà con thân quyến hoặc người khác hồi hướng đến cho họ. Ngay khi ấy, loài ngạ-quỷ ấy thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, nhờ đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người hoặc làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời, hưởng mọi an-lạc trong cõi trời ấy.

* Nếu loài ngạ-quỷ nào không hay tin, không hiện đến chờ thì loài ngạ-quỷ ấy không có cơ hội nhận được phần phước-thiện của bà con thân quyến hoặc người khác hồi hướng đến cho họ.

2- Người nào phạm điều-giới, có tham-tâm dính mắc trong của cải tài sản của mình.

Đến lúc lâm chung nếu người ấy lưu luyến của cải tài-sản với tham-tâm tiếc nuối, nên sau khi người ấy chết, thì ác-nghiệp trong tham-tâm ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong loài ngạ-quỷ paradattupajīvikapeta tại quanh ngôi nhà. Hoặc nếu người nào lúc lâm chung với tham-tâm lưu luyến ngôi nhà, con cháu, v.v…

Sau khi người ấy chết, thì ác-nghiệp trong tham-tâm ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong loài ngạ-quỷ paradattupajīvikapeta tại ngôi nhà ấy. Loài ngạ-quỷ ấy đôi khi báo mộng cho con cháu biết, hoặc hiện hình cho con cháu thấy mờ mờ.

* Trong trường hợp này, bà con thân quyến thỉnh chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng có giới đức trong sạch đến nhà tạo phước-thiện bố-thí, rồi hồi hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến loài ngạ-quỷ thân quyến của mình rằng:

“Idaṃ no ñātīnaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.”

Cầu mong phần phước-thiện thanh cao này được thành tựu đến thân quyến của chúng tôi. 

Cầu mong thân quyến của chúng tôi hưởng được sự an-lạc.

* Nếu loài ngạ-quỷ ấy hiểu biết về phước-thiện, phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ nói lên lời “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” thì nhận được phần phước-thiện bố-thí ấy. Ngay khi ấy, thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, nhờ đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người hoặc làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi an-lạc trong cõi thiện-giới ấy.

Hồi hướng phước-thiện (Pattidānakusala)

Vấn: Một người thân nào đã chết, gia đình bà con thân quyến thỉnh chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng có giới đức trong sạch đến nhà, tạo phước-thiện bố-thí cúng dường để hồi hướng phần phước-thiện bố-thí đến cho người thân quá vãng ấy có được thành tựu hay không?

Đáp: Bà con thân quyến thỉnh chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng có giới đức trong sạch đến nhà làm phước thiện bố-thí, cúng dường, rồi hồi hướng phần phước-thiện bố-thí đến cho người thân nào đã quá vãng, người thân ấy có nhận được hay không, nên xem xét trong các trường-hợp như sau:

* Sau khi người thân ấy chết, nếu ác-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong loài ngạ-quỷ paradattupajīvikapeta đến chờ đợi sẵn để phát sinh đại-thiện-tâm nói lời hoan-hỷ rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” thì nhận được phần phước-thiện hồi hướng ấy, liền thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ ấy, ngay khi ấy, đại-thiện-nghiệp hoan-hỷ phần phước-thiện hồi hướng ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ trên cõi trời dục-giới ấy.

Chỉ có trường hợp kiếp sau của người thân ấy thuộc về loài ngạ-quỷ paradattupajīvikapeta mới nhận được phần phước-thiện bố-thí của bà con thân quyến hồi hướng đến loài ngạ-quỷ ấy mà thôi. Ngoài ra, kiếp sau của người thân ấy thuộc về các loài chúng-sinh khác thì khó có thể nhận được phần phước-thiện bố-thí hồi hướng của thân quyến, với lý do như sau:

* Nếu sau khi người thân nào chết, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người, thì người thân ấy hoàn toàn không hay biết thân quyến tạo phước-thiện bố-thí hồi hướng đến cho mình.

* Nếu sau khi người thân nào chết, ác-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm chúng-sinh trong cõi địa-ngục, hoặc hóa-sinh làm loài a-su-ra, hoặc loài súc-sinh, hoặc loài ngạ-quỷ khác ở cách xa loài người, thì kiếp sau của người thân ấy hoàn toàn không hay biết thân quyến tạo phước-thiện bố-thí hồi hướng đến cho mình, nên không nhận được phần phước-thiện bố-thí hồi hướng của thân quyến.

* Nếu sau khi người thân nào chết, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, thì dù vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ ấy có hay biết thân quyến tạo phước-thiện bố-thí hồi hướng đến cho mình, cũng không màng đến phước-thiện bố-thí ấy.

* Tuy nhiên trường hợp, nếu bà con thân quyến thỉnh chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng có giới đức trong sạch đến nhà làm phước thiện bố-thí, cúng dường, tụng kinh Pāḷi, thuyết-giảng chánh-pháp, làm pháp-thí,… tạo các phước-thiện cao-quý ấy, rồi hồi hướng phần phước-thiện thanh cao ấy đến cho tất cả chúng-sinh không có chỉ định riêng cho người nào cả, thì trong tất cả chúng-sinh ấy ắt có những người thân đã quá vãng, chư vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ cũng đều phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ nhận phần phước-thiện pháp-thí thanh cao ấy, bởi vì Đức-Phật dạy:

Pháp-thí là cao thượng hơn tất cả mọi bố-thí

Vậy, sau khi các thí-chủ tạo phước-thiện nào rồi, nên đọc câu hồi hướng đến tất cả bà con thân quyến đã quá vãng rằng:

“Idaṃ no ñātīnaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.”

“Cầu mong phước-thiện này được thành tựu đến cho tất cả mọi bà con thân quyến quá vãng của chúng con, xin cho tất cả mọi bà con thân quyến của chúng con thoát khỏi khổ, hưởng được mọi sự an-lạc.”

Như vậy, trong vòng tử sinh luân-hồi từ vô thủy trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện-tại này, chắc chắn trong số thân quyến quá vãng ấy ắt có số thân quyến thuộc về loài ngạ-quỷ paradattupajīvikapeta đến chờ đợi sẵn để phát sinh đại-thiện-tâm nói lời hoan-hỷ rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” rồi thọ nhận phần phước-thiện bố-thí ấy, để thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, nhờ đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời dục-giới ấy.

Cho nên, sau khi thí-chủ tạo phước-thiện nào rồi, nên đọc câu hồi hướng đến tất cả chúng-sinh và tất cả bà con thân quyến như sau:

Imaṃ puññabhāgaṃ mātāpitu ācariya ñāti mittānañceva sesasabbasattānañca dema, sabbepi te puññapattiṃ laddhāna sukhitā hontu, dukkhā muccantu sabbattha.

Chúng con thành tâm hồi hướng, chia phần phước-thiện thanh cao này đến ông bà, cha mẹ, thầy tổ, thân quyến, bạn hữu cùng tất cả chúng-sinh từ cõi địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, chư-thiên trong cõi trời dục-giới,… Xin quý vị hoan-hỷ nhận phần phước-thiện thanh cao này, cầu mong quý vị thoát khỏi mọi cảnh khổ, hưởng được mọi sự an-lạc lâu dài trong khắp mọi nơi.

* Tìm hiểu về sự-thật chúng-sinh tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài:

Cuticitta: Tử-tâm (chết) là quả-tâm cuối cùng kết thúc kiếp hiện-tại diệt và liền theo paṭi-sandhicitta: tái-sinh-tâm sinh là quả-tâm bắt đầu sinh kiếp sau cùng trong cận-tử-lộ-trình-tâm (maraṇāsannavīthicitta) đối với các hạng phàm-nhân và ba bậc Thánh-nhân là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai (ngoại trừ bậc Thánh A-ra-hán).

Đồ biểu ý-môn-cận-tử lộ-trình-tâm

(Kāmajavanamanodvāramaraṇāsannavīthi)

 

Ý-môn-cận-tử lộ-trình-tâm

Dục-giới tác-hành-tâm trong ý-môn-cận-tử lộ-trình-tâm (Kāmajavanamanodvāramaraṇāsannavīthi) có các tâm sinh rồi diệt liên tục như sau:

1- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm viết tắt bha

2- Bhavaṅgacalana: Hộ-kiếp-tâm rung động vt na

3- Bhavaṅgupaccheda: Hộ-kiếp-tâm bị ngưng vt da

4- Manodvāravajjanacitta: Ý-môn-hướng-tâm vt ma 

5-9- Javanacitta: Tác-hành-tâm vt ja

10- Tadārammaṇacitta: Tiếp-đối-tượng-tâm vt ta

11- Cuticitta: Tử-tâm vt cu

12- Paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm vt paṭ

13- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm vt bha

Giải thích:

1- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm là quả-tâm có đối-tượng cũ quá-khứ, theo hộ trì, giữ gìn kiếp hiện-tại này, sinh rồi diệt, làm duyên cho tâm tiếp theo, (viết tắt bha)

2- Bhavaṅgacalana: Hộ-kiếp-tâm rung động do 1 trong 3 đối-tượng mới là kamma, hoặc kammanimitta, hoặc gatinimitta, nhưng vẫn còn giữ đối-tượng cũ quá-khứ, phát sinh một sát-na-tâm rồi diệt, làm duyên cho tâm tiếp theo, (viết tắt na)

3- Bhavaṅgupaccheda: Hộ-kiếp-tâm cắt đứt đối-tượng cũ kiếp quá-khứ, bởi vì 1 trong 3 đối-tượng mới là kamma, hoặc kammanimitta, hoặc gatinimitta phát sinh một sát-na-tâm rồi diệt, làm duyên cho tâm tiếp theo, (viết tắt da)

4- Manodvāravajjanacitta: Ý-môn-hướng-tâm tiếp nhận 1 trong 3 đối-tượng mới là kamma: thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp, hoặc kammanimitta: hiện tượng của thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp, hoặc gatinimitta: cõi ác-giới hoặc cõi thiện-giới, phát sinh một sát-na-tâm rồi diệt, làm duyên cho tâm tiếp theo, (viết tắt ma)

5- Javanacitta: Tác-hành-tâm là tâm làm phận sự tạo nghiệp (đại-thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp) có 1 trong 3 đối-tượng giống như ý-môn-hướng-tâm trước, phát sinh chỉ có 5 sát-na-tâm yếu ớt rồi diệt, làm duyên cho tâm tiếp theo, (viết tắt ja)

6- Tadārammaṇacitta: Tiếp-đối-tượng-tâm là tâm tiếp đối-tượng sót lại của tác-hành-tâm, phát sinh hai sát-na tâm rồi diệt, làm duyên cho tâm tiếp theo, (viết tắt ta)

7- Cuticitta: Tử-tâm là quả-tâm cuối cùng kết thúc kiếp hiện-tại có đối-tượng cũ quá-khứ, làm phận sự chuyển kiếp (chết) kết thúc kiếp hiện-tại, phát sinh một sát-na tâm rồi diệt, làm duyên cho tâm tiếp theo, (viết tắt cu)

8- Paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm là quả-tâm làm phận sự tái-sinh bắt đầu của kiếp sau kế tiếp, có 1 trong 3 đối-tượng là kamma hoặc kammanimitta hoặc gatinimitta giống như ý-môn-hướng-tâm, phát sinh một sát-na-tâm rồi diệt, làm duyên cho tâm tiếp theo, (viết tắt pat)

9- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm là quả-tâm có đối-tượng giống như tái-sinh-tâm (kiếp-hiện-tại), theo hộ trì, giữ gìn kiếp hiện-tại này, sinh rồi diệt, chấm dứt ý-môn cận-tử-lộ-trình-tâm. (viết tắt bha)

Theo dục-giới tác-hành-tâm ý-môn-cận-tử lộ-trình-tâm thì cuticitta: tử-tâm cuối cùng kết thúc kiếp hiện-tại diệt và tiếp theo paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm sinh bắt đầu của kiếp sau kế-tiếp chỉ có cách nhau một sát-na-tâm sinh rồi diệt mà thôi, không có thời gian khoảng cách chờ đợi.

Như vậy, cuticitta: tử-tâm (chết) là quả-tâm cuối cùng kết thúc kiếp hiện-tại và paṭisandhi-citta: tái-sinh-tâm là quả-tâm bắt đầu của kiếp sau không có thời gian khoảng cách, nghĩa là cuticitta: tử-tâm diệt liền tiếp theo paṭisandhi-citta: tái-sinh-tâm sinh, trong cùng cận-tử-lộ-trình-tâm (maraṇāsannavīthi). 

Nói nôm na là kiếp hiện-tại chết và kiếp sau sinh chỉ có cách 1 sát-na-tâm sinh rồi diệt mà thôi, không có khoảng cách thời gian chờ đợi.

* Sau khi hạng phàm-nhân chết, nếu ác-nghiệp trong 11 bất-thiện-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng-tâm) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có một quả-tâm là suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới chịu quả khổ của ác-nghiệp trong cõi ác-giới ấy.

Chúng-sinh trong cõi địa-ngục, cõi a-su-ra, loài súc-sinh không hay biết đến phước-thiện bố-thí của bà con thân quyến hồi hướng đến cho họ.

Trong tích Tirokuḍapetavatthu, Đức-Phật dạy có câu kệ rằng:

“Idaṃ vo ñātīnaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.”

Cầu mong phước-thiện bố-thí này được thành tựu đến bà con thân quyến là loài ngạ-quỷ của các con, xin bà con thân quyến loài ngạ-quỷ ấy được hưởng mọi sự an-lạc.

Và “Evameva ito dinnaṃ, petānaṃ upakappati.

Phước-thiện bố-thí mà thân quyến cõi người đã hồi hướng, được thành tựu đến các ngạ-quỷ như vậy.

Loài ngạ-quỷ ở đây đó là loài ngạ-quỷ para-dattupajīvikapeta bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra đang chờ đợi để phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ nói lời “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” rồi nhận phần phước-thiện bố-thí của Đức-vua Bimbisāra.

Còn lại các loài ngạ-quỷ khác không có cơ hội nhận phần phước-thiện của bà con thân quyến hoặc người khác hồi hướng, bởi vì chúng sống cách xa loài người, nên không hay biết, vả lại chúng đang còn chịu quả khổ của ác-nghiệp.

* Sau khi hạng phàm-nhân chết, nếu đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có 9 quả-tâm là 8 đại-quả-tâm và 1 suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả đại-thiện-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ 1 trong 6 cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi thiện-dục-giới ấy cho đến hết tuổi thọ.

– Như vậy, nếu đầu-thai làm người thì người ấy không hay biết gì đến phần phước-thiện bố-thí của bà con thân quyến hoặc người khác hồi hướng đến cho mình.

– Nếu hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới dù có biết cũng không quan tâm đến, bởi vì phần phước-thiện bố-thí ấy là tầm thường, nhưng nếu có phước-thiện nghe pháp (dhammassavanakusala) hoặc phước-thiện thuyết-pháp (dhammadesanākusala) thì chư-thiên đều vô cùng hoan-hỷ nhận phần pháp-thí ấy, bởi vì Đức-Phật dạy rằng:

“Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti.”

Pháp-thí là cao quý hơn tất cả mọi phước-thiện bố-thí.

Ác-nghiệp trong 8 tham-tâm phần nhiều cho quả tái-sinh kiếp sau trong các loài ngạ-quỷ và loài a-su-ra.

 

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 31 - Cõi-Giới Chúng-Sinh
Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 33 - Cõi A-Su-Ra

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *