3-Rūpāvacarakusalakamma: Sắc-giới thiện-nghiệp

Phần dục-giới đại-thiện-nghiệp và quả của dục-giới đại-thiện-nghiệp đã giải thích xong, tiếp theo giải thích sắc-giới thiện-nghiệp và quả của sắc-giới thiện-nghiệp.

Trong quyển sách này chỉ trình bày, giải thích nghiệp và quả của nghiệp, cho nên, phần sắc-giới thiện-nghiệp này không trình bày phương pháp thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới,([1]) mà chỉ trình bày, giải thích về sắc-giới thiện-nghiệp và quả của sắc-giới thiện-nghiệp mà thôi.

Sắc-giới thiện-nghiệp

Sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở (cetanā-cetasika) đồng sinh với 5 sắc-giới thiện-tâm, cho nên sắc-giới thiện-nghiệp có 5 loại thuộc về ý thiện-nghiệp.

5 sắc-giới thiện-tâm đó là 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm phát sinh do nương nhờ nơi 40 đề-mục thiền-định.

Pháp-hành thiền-định có 40 đề-mục thiền-định:

  • 10 đề-mục hình vòng tròn kasiṇa.
  • 10 đề-mục tử thi bất-tịnh (asubha).
  • 10 đề-mục niệm-niệm (anussati).
  • 4 đề-mục tứ vô-lượng-tâm (appamaññā).
  • 1 đề-mục vật-thực đáng nhờm (āhāre paṭikkūlasaññā).     
  • 1 đề-mục phân tích tứ-đại (catudhātuvavatthāna).
  • 4 đề-mục vô-sắc (āruppa).

Trong 40 đề-mục thiền-định này, mỗi đề-mục có tính chất khác nhau, thô hoặc vi-tế khác nhau, nên dẫn đến chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm khác nhau, được phân loại 40 đề-mục thiền-định theo tính chất như sau:

* 10 đề-mục dẫn đến cận-định (upacārasamādhi):

  • Đề-mục niệm-niệm 9 Ân Đức-Phật (Buddhānussati)
  • Đề-mục niệm-niệm 6 Ân Đức-Pháp (Dhammānussati)
  • Đề-mục niệm-niệm 9 Ân Đức-Tăng (Saṃghānussati)
  • Đề-mục niệm-niệm giới trong sạch của mình (Sīlā-nussati)
  • Đề-mục niệm-niệm sự bố-thí của mình (Cāgānussati)
  • Đề-mục niệm-niệm 5 pháp chư thiên có nơi mình (Devānussati)
  • Đề-mục niệm-niệm trạng thái an lạc tịch tịnh Niết-bàn (Upasamānussati)
  • Đề-mục niệm-niệm về sự chết (Maraṇānussati)
  • Đề-mụcvật thực đáng nhờm (Āhāre paṭikkūlasaññā)    
  • Đề-mục phân tích tứ-đại (catudhātavavatthāna)

Hành-giả thực-hành 1 trong 10 đề-mục thiền-định này

chỉ có khả năng dẫn đến cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, thuộc về dục-giới đại-thiện-tâm, bởi vì 10 đề-mục thiền-định này thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramattha-dhamma)([2]) vô cùng vi tế, sâu sắc, ý nghĩa rộng lớn mênh mông bao la, nên định-tâm không thể an trú vững chắc một đối-tượng nào nhất định.

Cho nên, hành-giả không thể chứng đắc được bậc thiền sắc-giới nào cả, tâm của hành-giả vẫn còn là dục-giới đại-thiện-tâm.

* 11 đề-mục thiền-định dẫn đến chứng đắc đệ nhất

   thiền sắc-giới thiện-tâm:

  • 10 đề-mục tử thi bất tịnh (asubha)
  • 1 đề-mục niệm 32 thể trược trong thân (kāyagatāsati)

Hành-giả thực-hành 1 trong 11 đề-mục thiền-định này có tính chất thô nên chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới mà thôi, không thể chứng đắc các bậc thiền sắc-giới bậc cao.

* 3 đề-mục vô-lượng-tâm dẫn đến chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm:

– Đề-mục niệm rải tâm-từ đến chúng-sinh đáng yêu, đáng mến (piyamanāpasattapaññatti).

– Đề-mục niệm rải tâm-bi đến chúng-sinh đang khổ, mong được cứu khổ (dukkhitasattapaññatti).

– Đề-mục niệm rải tâm-hỷ đến chúng-sinh đang hưởng sự an-lạc,hạnh phúc (sukhitasattapaññatti).

Hành-giả thực-hành 1 trong 3 đề-mục thiền định vô-lượng này có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm, nhưng không có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm, bởi vì 3 đề-mục vô-lượng này còn có thọ lạc là chi thiền.

* Đề-mục niệm rải tâm-xả dẫn đến chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm:

Hành-giả sau khi đã chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm với 1 trong 3 đề-mục vô-lượng là đề-mục niệm rải tâm-từ, hoặc đề-mục niệm rải tâm-bi, hoặc đề-mục niệm rải tâm-hỷ xong.

Muốn chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm , hành-giả chỉ có thể thay đổi sang đề-mục niệm rải tâm-xả mà thôi, rồi hành-giả tiếp tục thực-hành đề-mục niệm rải tâm-xả ấy dẫn đến chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới.

Vì vậy, đề-mục niệm rải tâm-xả này chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi. Cho nên, hành-giả không thể bắt đầu thực-hành đề-mục niệm rải tâm-xả này.

* 11 đề-mục thiền-định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm:

  • 10 đề-mục hình tròn kasiṇa.
  • 1 đề-mục niệm hơi thở vào, hơi thở ra (ānāpānassati).

Hành-giả thực-hành 1 trong 11 đề-mục thiền-định này, đề-mục thiền-định nào cũng có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm mà không cần thay đổi sang đề-mục thiền-định khác.

Đặc biệt 10 đề-mục hình tròn kasiṇa, khi hành-giả

thực-hành thiền định sử dụng 1 trong 10 đề-mục hình tròn kasiṇa dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm xong rồi; hành-giả muốn thay đổi sang đề-mục hình tròn kasiṇa khác, tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định, với đề-mục hình tròn kasiṇa ấy dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm một cách dễ dàng, trong trường hợp hành-giả muốn luyện phép-thần-thông: Iddhividha abhiññā (đa-dạng-thông).

[1] Xem phương pháp thực-hành pháp-hành thiền-định, quyển VII, Pháp-Hành Thiền-Định, Tâp 1, trong bộ Nền Tảng Phật-Giáo, cùng soạn-giả.

[2] Tuy 10 đề-mục thiền-định này thuộc về chân-nghĩa-pháp, nhưng hành-giả thực-hành theo phương pháp pháp-hành thiền-định, không phải thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, nên cũng không dẫn đến chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn được.

7 Lâu Đài Trên Hư Không
Tính chất của 5 sắc-giới thiện-tâm

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *