4- Ác-nghiệp nói lời vô ích

Nói lời vô ích là nói lời không đem lại sự lợi ích với tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm làm cho người nghe, người đọc say mê theo lời nói của mình, làm mất sự lợi ích, sự an-lạc đối với họ. Như vậy, gọi là người ấy tạo ác-nghiệp nói lời vô ích (samphappalāpa).

*    Trường hợp người nói, người viết những chuyện không có thật, để làm ví dụ trong việc giảng dạy, giúp cho người nghe, người đọc dễ hiểu theo lời dạy ấy, thì lời nói của người ấy không gọi là lời nói vô ích.

*    Trường hợp người nói hoặc người viết trình bày những câu chuyện có thật, đúng theo sự thật, nhưng không đem lại lợi ích gì cho người nghe hoặc người  đọc, thì lời nói của người ấy không gọi là lời nói vô ích.

*    Trường hợp người nói hoặc người viết những câu chuyện nhảm nhí, hoang đường, không có thật để làm cho người nghe, người đọc say mê tiêu  khiển  trong chốc lát, làm mất thời gian mà không đem lại sự lợi ích, gọi là lời nói vô ích (samphappalāpa) mà không gọi là lời nói-dối (musāvāda), bởi vì người nói  hoặc  người viết không có tác-ý ác-tâm nói-dối làm cho người nghe, người đọc tin theo rồi gây ra sự tai hại.

*   Nhưng nếu người nói hoặc người viết những chuyện nhảm nhí, hoang đường, không có thật để làm cho người nghe, người đọc say mê tin theo, làm mất sự lợi ích, gây ra sự tai hại đến với họ, thì người nói hoặc người viết tạo ác-nghiệp nói lời vô ích và ác-nghiệp nói-dối nữa.

Chi-pháp của ác-nghiệp nói lời vô ích

Để biết có tạo ác-nghiệp nói lời vô ích hay không,  cần phải căn cứ vào 2 chi-pháp của ác-nghiệp nói lời vô ích như sau:

1- Niratthakathāpurakkhāro: Tác-ý nói lời vô ích.

2- Kathanaṃ: Nói lời vô ích.

Nếu người nào hội đủ 2 chi-pháp của ác-nghiệp nói lời vô ích này thì người ấy đã tạo ác-nghiệp nói lời vô ích hội đủ chi-pháp, nhưng nếu không hội đủ 2 chi-pháp này thì người ấy tạo ác-nghiệp nói lời vô ích không hội đủ chi-pháp.

Quả của 2 loại ác-nghiệp nói lời vô ích này có sự khác biệt

–   Nếu tạo ác-nghiệp nói lời vô ích hội đủ 2 chi-pháp này thì ác-nghiệp nói lời vô ích ấy có nhiều năng lực, có cơ  hội  cho  quả  trong  thời-kỳ  tái-sinh  kiếp  sau  (paṭi- sandhikāla) và có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

–  Nếu tạo ác-nghiệp nói lời vô ích không hội đủ 2 chi- pháp này thì ác-nghiệp nói lời vô ích ấy có ít năng lực, không có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), mà chỉ có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

Ác-nghiệp nói lời vô ích nặng hoặc nhẹ

Nếu người nào hằng ngày nói lời vô ích trở thành thói quen như các diễn viên hài; người viết chuyện vui cười, nhảm nhí, hoang đường, không có thật làm cho người nghe, người đọc say mê, làm mất lợi ích, v.v… thì người ấy tạo ác-nghiệp nói lời vô ích, tạo ác-nghiệp nặng.

Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nói lời vô ích ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi- sandhikāla) thì sinh trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).

Nếu người nào thỉnh thoảng, đôi khi vui đùa nói lời vô ích thì người ấy tạo ác-nghiệp nói lời vô ích nhẹ. Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp nói lời vô ích ấy không có cơ  hội  cho  quả  trong  thời-kỳ  tái-sinh  kiếp  sau  (paṭi- sandhikāla), nếu có cơ hội thì ác-nghiệp nói lời vô ích ấy chỉ cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavatti- kāla), kiếp hiện-tại.(1)

Quả xấu của ác-nghiệp nói lời vô ích

Nếu người nào đã tạo ác-nghiệp nói lời vô ích làm mất sự lợi ích cho những người khác, thì sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nói lời vô ích ấy trong 11 bất- thiện-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng tâm) có cơ hội cho quả  trong  thời-kỳ  tái-sinh  kiếp  sau  (paṭisandhikāla)  thì có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác- nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Sau khi thoát ra khỏi cõi ác-giới, * trường-hợp nếu có đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả  trong  thời-kỳ  tái-sinh  kiếp  sau  (paṭisandhikāla)  thì có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong cõi người này.

*    Và trường hợp, người nào tạo ác-nghiệp nói lời vô ích nhẹ. Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nói lời vô ích nhẹ ấy không có cơ hội cho quả thì đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong cõi người này.

Cả 2 trường-hợp ấy, người ấy còn phải chịu 7 quả xấu của ác-nghiệp nói lời vô ích mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong quá-khứ là:

Kiếp hiện-tại của người ấy:

1-  Là người có nhiều người không tin lời nói của mình.

2-  Là người có nhiều người không ưa thích.

3-  Là người không được nhiều người kính trọng.

4-  Là người không thể nói cho người khác tin theo.

5-  Là người nghèo khổ.

6-  Là người không có quyền lực.

7-  Là người thiểu trí (ngu dốt).

Đó là 7 quả xấu của ác-nghiệp nói lời vô ích mà tiền- kiếp của người ấy đã tạo trong thời quá-khứ.

* Nói lời vô ích

Nói lời vô ích là nói những lời nói không đem lại sự lợi ích cho sự thực-hành pháp-hành thiền-định, pháp- hành thiền-tuệ, không dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, không diệt tận được tham-ái, phiền-não, không giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.

Trong kinh Sāmaññaphalasutta(1) Đức-Phật thuyết giảng có 32 chuyện không đem lại sự lợi ích cho sự giải thoát khổ gọi là tiracchānakathā, đó là:

1- Rājakathā: Nói chuyện về Đức-vua, Hoàng tộc,…

2- Mahāmattakathā: Nói chuyện về các quan trong triều đình, trong chính-phủ.

3- Corakathā: Nói chuyện về bọn trộm cướp.

4- Senākathā: Nói chuyện về quân đội.

5-  Bhayakathā: Nói chuyện về tai họa.

6-  Yuddhakathā: Nói chuyện về chiến tranh.

7-  Annakathā: Nói chuyện về vật thực: cơm, gạo,…

8- Pānakathā: Nói chuyện về đồ uống.

9-  Vatthakathā: Nói chuyện về vải, quần áo.

10-  Mālākathā: Nói chuyện về các loại hoa, vòng hoa.

11- Sayanakathā: Nói chuyện về chỗ nằm, chỗ ở.

12- Ghandhakathā: Nói chuyện về mùi thơm, dầu thơm.

13- Ñātikathā: Nói chuyện về bà con, dòng họ.

14-  Yānakathā: Nói chuyện về xe cộ.

15-  Gāmakathā: Nói chuyện về xóm làng.

16-  Nigamakathā: Nói chuyện về quận, huyện. 

17- Nagarakathā: Nói chuyện về thành phố.

18- Janapadakathā: Nói chuyện về vùng quê,

19- Itthikathā: Nói chuyện về đàn bà.

20-  Purisakathā: Nói chuyện về đàn ông.

21-  Kumārakathā: Nói chuyện về những chàng trai.

22- Kumārīkathā: Nói chuyện về những cô gái.

23- Surakathā: Nói chuyện về sự can đảm.

24- Visikhākathā: Nói chuyện về đường xá.

25-  Kumbaṭṭhānakathā: Nói chuyện về bến nước.

26-  Pubbapetakathā: Nói chuyện về bà con đã qua đời.

27-  Nānattakathā: Nói những chuyện nhảm nhí.

28-   Lokakkhāyika: Nói chuyện về thế giới tạo thiên lập địa.

29-  Samuddakkhāyika: Nói chuyện về đại dương.

30-  Itibhavābhavakathā: Nói chuyện về kiếp nhỏ, kiếp lớn luân hồi.

31-  Araññakathā: Nói chuyện về rừng. 32- Pabbatakathā: Nói chuyện về núi, …

Đó là 32 chuyện nói lời vô ích không đem lại sự lợi ích cho người nghe, không làm duyên dẫn đến sự giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.

Tóm lại, khẩu ác-nghiệp là ác-nghiệp phần nhiều được tạo bằng khẩu-môn nói ác còn gọi là khẩu hành- ác, có 4 loại ác-nghiệp:

–  Ác-nghiệp nói-dối.

–  Ác-nghiệp nói lời chia rẽ.

–  Ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).

–  Ác-nghiệp nói lời vô ích.

Khẩu ác-nghiệp này không chỉ được tạo bằng khẩu- môn nói ác, mà còn có thể tạo bằng thân-môn với hành vi cử chỉ ác, nhưng không gọi là thân ác-nghiệp, bởi vì  4 ác-nghiệp này phần nhiều được tạo bằng khẩu-môn hơn là thân-môn.

 

PHẦN II – Ác-nghiệp nói lời thô tục
PHẦN II – ÁC-NGHIỆP THAM LAM TÀI SẢN CỦA NGƯỜI KHÁC

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *