Đức Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo

TAM BẢO (RATANATTAYA)

Tam Bảo là ba ngôi báu:

– Phật Bảo (Buddharatana)
– Pháp Bảo
(Dhammaratana)
– Tăng Bảo
(Saṃgharatana)

Ý nghĩa Ratana: Bảo trong ba ngôi Tam Bảo có 5 đặc tính.

Cittīkata: Làm cho phát sinh tâm tôn kính.
Mahaggha: Vô giá.
Atula: Không sánh được, vô thượng.
Dullabhadassana: Khó được nghe, được thấy.
Anomasattaparibhoga: Hạng chúng sinh cao quý có duyên lành được hưởng.

Đó là 5 đặc tính của Bảo trong ba ngôi Tam Bảo.

1- Buddha: Đức Phật Bảo.

Đức Phật Bảo có 5 đặc tính.

a) Đức Phật Bảo xứng đáng được tôn kính

Đức Phật có đầy đủ 32 tướng tốt chính của bậc Đại nhân và 80 tướng tốt phụ. Ngài đã diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, tham ái, ác pháp cùng mọi tiền khiên tật. Vì vậy, tất cả chúng sinh như Đức vua, dân chúng, chư thiên, phạm thiên v.v.. khi đến hầu Đức Phật đều tỏ lòng tôn kính, đảnh lễ xong ngồi một nơi hợp lẽ, chiêm ngưỡng Đức Phật, Ngài có đầy đủ 32 tướng tốt chính và 80 tướng tốt phụ, có hào quang tỏa ra sáng ngời, mát mẻ làm tâm họ vô cùng hoan hỷ. Khi nghe Đức Phật thuyết pháp, họ ngồi chắp hai tay lắng nghe, rồi phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài. Mỗi lần như vậy đều có số chúng sinh chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, có số chứng đắc thành bậc Thánh Nhất Lai, có số chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai, có số chứng đắc thành bậc Thánh Arahán; có số xin phép xuất gia trở thành Sadi, Tỳ-khưu trong giáo pháp của Ngài; có số xin quy y Tam Bảo nương nhờ nơi Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo cho đến trọn đời… Và cứ mỗi lần được đến hầu Đức Phật, lại càng tăng thêm đức tin và lòng tôn kính Đức Phật.

Bởi vì Đức Phật là Phật Bảo xứng đáng được tôn kính.

b) Đức Phật Bảo là vô giá

Những châu báu trong đời dù quý giá đến mức nào cũng có thể định giá trị của bảo vật ấy được. Còn Đức Phật Bảo có 9 Ân đức Phật cao thượng nhất mà không thể định giá nào cho xứng đáng, nên Đức Phật Bảo là vô giá.

Thật vậy, khi Đức Phật còn tại thế, ông phú hộ Jotika có tòa lâu đài bằng các thứ ngọc quý, do chư thiên hóa ra; ông phú hộ Jaṭila có hòn núi bằng vàng ròng… Những phú hộ ấy đến hầu Đức Phật, phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Phật, họ từ bỏ gia đình, lâu đài bằng ngọc quý, hòn núi vàng, xin Đức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ-khưu trong giáo pháp của Ngài.

Sau khi họ trở thành Tỳ-khưu, tiến hành thiền tuệ dẫn đến chứng chứng đắc thành bậc Arahán cùng với Tứ Tuệ Phân Tích, Lục thông…

Bởi vì, Đức Phật là Phật Bảo vô giá trong toàn cõi chúng sinh.

c) Đức Phật là Phật Bảo Tối Thượng

Trong muôn ngàn cõi thế giới chúng sinh, chư thiên, phạm thiên, Samôn, Bàlamôn…, không một ai có giới đức hoàn toàn trong sạch như Đức Phật. Tương tự như vậy, không một ai có định đức, tuệ đức, giải thoát đức, giải thoát tri kiến đức hoàn toàn trong sạch đầy đủ như Đức Phật. Chỉ có Đức Phật mới có đủ 5 đức cao thượng hoàn toàn đầy đủ.

Bởi vì, Đức Phật là Phật Bảo Tối Thượng, không có một ai trong toàn cõi thế giới chúng sinh sánh được với Đức Phật.

Thật vậy, trong Chi Bộ Kinh, Đức Phật dạy:

“Này chư Tỳ-khưu, một bậc độc nhất vô nhị đang xuất hiện trong thế gian (mười ngàn cõi thế giới chúng sinh), không có vị thứ hai như Ngài, không có bậc đồng đẳng, không có người tương đồng, không có người sánh bằng, không có người cạnh tranh, bậc không giống như tất cả chúng sinh, mà giống như chư Phật trong quá khứ, là bậc Tối Thượng trong tất cả chúng sinh có hai chân (chư thiên, phạm thiên và nhân loại).

Bậc đôc nhất vô nhị ấy là ai?

Bậc đôc nhất vô nhị ấy là Như Lai, Đức Arahán, Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Này chư Tỳ-khưu, bậc độc nhất vô nhị này đang xuất hiện trong thế gian, thì không có vị thứ hai như Ngài… Đức Phật là Bậc Tối Thượng trong tất cả chúng sinh.”

d) Đức Phật Bảo khó được nghe, được chiêm ngưỡng

Trong đời, những thứ châu báu quý hiếm, thường khó được thấy, khó có được dễ dàng. Cũng vậy, chúng sinh trong vòng tử sinh luân hồi thật khó được nghe danh hiệu Đức Phật, được chiêm ngưỡng Đức Phật lại càng khó hơn nữa.

Thật vậy, không phải kiếp trái đất nào cũng có Đức Phật xuất hiện. Theo lịch sử của Đức Phật Gotama, từ Đức Phật Dīpaṅkara đến Đức Phật Koṇḍañña, thời gian khoảng cách trải qua 1 a-tăng-kỳ kiếp trái đất thành-trụ-hoại-không vô số kể, mà không có một Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian, gọi là suññakappa: kiếp trái đất không có Đức Phật xuất hiện. Tương tự như vậy, từ Đức Phật Koṇḍañña đến Đức Phật Maṅgala, từ Đức Phật Sobhita đến Đức Phật Anomadassī, và từ Đức Phật Nārada đến Đức Phật Padumuttara, thời gian khoảng cách trải qua một a-tăng-kỳ kiếp trái đất thành-trụ-hoại-không vô số kể, mà không có một Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian. Cho nên, mỗi khi Đức Phật xuất hiện trên thế gian này thật là một điều hy hữu, hiếm có vô cùng. Bởi vì, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Đức Bồ Tát phải trải qua vô số kiếp trong khoảng thời gian lâu dài để tạo cho đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật.

Ví dụ: Đức Phật Gotama đã xuất hiện trong thời đại của chúng ta. Ngài thuộc hạng Đức Bồ Tát trí tuệ ưu việt (paññādhika), nghĩa là thời gian tạo 30 pháp hạnh ba-la-mật để cho đầy đủ trọn vẹn chỉ cần bằng nửa thời gian tạo 30 pháp hạnh ba-la-mật của Đức Bồ Tát có đức tin ưu việt (saddhādhika), và chỉ bằng một phần tư thời gian tạo 30 pháp hạnh ba-la-mật của Đức Bồ Tát có tinh tấn ưu việt (vīriyādhika). Thế mà, tiền kiếp của Đức Phật Gotama là Đức Bồ Tát đã từng tạo 30 pháp hạnh ba-la-mật trong thời kỳ phát nguyện ở trong tâm suốt 7 a-tăng-kỳ, trong thời kỳ phát nguyện bằng lời nói suốt 9 a-tăng-kỳ, và trong thời kỳ được Đức Phật Dīpaṅkarathọ ký xác định thời gian còn 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa mới trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức Phật Gotama.

Cho nên, Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian là một điều thật hy hữu, vô cùng hiếm có. Vì vậy hằng ngày, Đức Phật thường nhắc nhở khuyên dạy chư Tỳ-khưu rằng:

“Các con cố gắng tinh tấn hoàn thành mọi phận sự Tứ Thánh Đế bằng pháp không dể duôi, tiến hành Tứ Niệm Xứ…”. Bởi vì:

Buddhhuppādo dullabho lokasmiṃ…

Đức Phật xuất hiện trên thế gian này là một điều khó được…

Do đó, Đức Phật Bảo khó được nghe, khó được chiêm ngưỡng, khó được đến quy y nương nhờ.

e) Đức Phật Bảo là nơi nương nhờ của hạng chúng sinh cao quý

Trong đời, những thứ châu báu như kim cương, hột xoàn, ngọc manī… là những đồ trang sức của hạng người giàu sang phú quý. Còn những người nghèo khổ thiếu thốn, nhìn thấy được những thứ quý giá ấy, đã là một điều khó, huống gì được sử dụng chúng làm đồ trang sức cho mình.

Những thứ châu báu trong cõi người, cõi Long vương, cõi chư thiên, phạm thiên không thể nào sánh với Đức Phật Bảo.

Đức Phật Bảo là vô giá, là cao thượng, những người đến quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo phải là những hạng người có phước duyên, đã từng tạo nhiều phước thiện ba-la-mật, và được tích lũy từ nhiều đời nhiều kiếp trong thời kỳ chư Phật quá khứ hoặc chư Thanh Văn Đệ tử của Ngài. Cho nên, kiếp hiện tại này, những người ấy mới có phước duyên đến xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật.

Do đó, Đức Phật Bảo là nơi nương nhờ của hạng chúng sinh cao quý.

Đó là 5 đặc tính của Đức Phật Bảo.

2- Dhamma: Pháp, đó là 10 chánh pháp: 1 pháp học 9 pháp Siêu tam giới (4 Thánh Đạo + 4 Thánh Quả + Niết Bàn) là lời giáo huấn của Đức Phật.

Chánh pháp này gọi là Đức Pháp Bảo vì có 5 đặc tính:

a) Đức Pháp Bảo xứng đáng được tôn kính

Pháp Bảo có 3 phần chính:

Pháp học chánh pháp đó là Tam Tạng và Chú giải Pāḷi, lời giáo huấn của Đức Phật.

Pháp hành chánh pháp đó là hành giới, hành định, hành tuệ.

Pháp thành chánh pháp đó là 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

– Pháp học chánh pháp là nền tảng căn bản cho pháp hành chánh pháp. Cho nên, các hàng Thanh Văn có bổn phận học pháp học chánh pháp này cho hiểu rõ, để hành pháp hành chánh pháp cho đúng; để giữ gìn duy trì pháp học chánh pháp được trường tồn lâu dài trên thế gian. Pháp học chánh pháp này không chỉ đối với các hàng Thanh Văn phàm nhân và bậc Thánh hữu học, mà còn đối với các bậc Thánh vô học Arahán nữa. Bậc Thánh Arahán tuy không còn phải hành pháp hành chánh pháp để chứng đắc pháp thành chánh pháp, song quý Ngài còn có bổn phận học pháp học chánh pháp cốt để duy trì pháp học chánh pháp được trường tồn trên thế gian này.

Do đó, các hàng Thanh Văn, hết lòng tôn kính pháp học chánh pháp, bảo tồn pháp học chánh pháp.

– Pháp hành chánh pháp đó là pháp hành giới, pháp hành định, pháp hành tuệ.

Pháp hành giới đó là tác ý thiện tâm giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi ác nghiệp, giữ gìn giới cho được trong sạch và trọn vẹn. Các hàng Thanh Văn tôn trọng giới, tôn kính giới, dù phải hy sinh tính mạng, chứ không chịu phạm giới, đứt giới; nhờ giới làm nền tảng cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ.

Pháp hành định đó là pháp hành thiền định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, các bậc thiền vô sắc, để làm nền tảng cho pháp hành thiền tuệ.

*                           Pháp hành tuệ đó là pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp không còn dư sót.

– Pháp thành chánh pháp đó là 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, là kết quả của pháp hành chánh pháp. Nhờ pháp thành chánh pháp, hành giả mới trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai, bậc Thánh Arahán sẽ tịch diệt Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Cho nên, Đức Pháp Bảo xứng đáng được tôn kính không những đối với các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, mà còn đối với chư Phật trong quá khứ, Đức Phật hiện tại và chư Phật trong vị lai nữa, cũng đều tôn kính Đức Pháp Bảo.

b) Pháp Bảo là vô giá

Những thứ châu báu trong đời, dù quý giá đến mức nào cũng chỉ làm cho chủ nhân hoan hỷ, đem lại cho chủ nhân sự lợi ích trong kiếp hiện tại mà thôi, không đem lợi ích trong những kiếp vị lai.

Đức Pháp Bảo có 6 Ân đức Pháp đem lại cho các hàng Thanh Văn đệ tử sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai, và đặc biệt được giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Do đó, Đức Pháp Bảo thật là vô giá.

c) Pháp Bảo là cao thượng

Pháp học chánh pháp gồm những lời giáo huấn của Đức Phật, chỉ dẫn chúng sinh con đường giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.

Vậy pháp học chánh pháp là cao thượng.

Pháp hành chánh pháp đó là pháp hành giới, pháp hành định, pháp hành tuệ là pháp hành chánh pháp cao thượng.

Pháp thành chánh pháp đó là kết quả của pháp hành chánh pháp:

Chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo – Nhất Lai Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhất Lai.

Chứng đắc Bất Lai Thánh Đạo – Bất Lai Thánh Quả trở thành bậc Thánh Bất Lai.

Chứng đắc Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán.

Đó là 4 bậc Thánh Nhân cao thượng.

Do đó, Đức Pháp Bảo là cao thượng.

d) Đức Pháp Bảo khó được nghe thấy

Đức Pháp xuất hiện trên thế gian, khi có Đức Phật xuất hiện trên thế gian, mà Đức Phật xuất hiện trên thế gian là một điều khó. Do đó, Đức Pháp Bảo cũng khó được nghe thấy.

Đức Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, đồng thời Đức Pháp cũng xuất hiện trên thế gian. Tuy Đức Phật tịch diệt Niết Bàn cách đây 2.548 năm rồi, song Đức Pháp Bảo vẫn còn tồn tại trên thế gian cho đến 5.000 năm tuổi thọ Phật giáo. Sau 5.000 năm rồi, trong cõi người sẽ không còn nghe thấy Đức Pháp Bảo nữa.

Như vậy, Đức Pháp Bảo khó được nghe thấy.

e) Đức Pháp Bảo là nơi nương nhờ của hạng chúng sinh cao quý

Những chúng sinh có đầy đủ phước duyên đến xin quy y nương nhờ nơi Phật Bảo, thì những người ấy cũng được quy y nương nhờ nơi Pháp Bảo.

Quy y nương nhờ nơi Pháp Bảo có hai hạng người:

– Chư bậc Thánh Thanh Văn quy y nương nhờ nơi pháp học, pháp hành (giới-định-tuệ) và đặc biệt đã chứng đắc pháp thành, Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn.

– Hạng phàm nhân quy y nương nhờ nơi pháp họcpháp hành (giới-định-tuệ), nhưng chưa chứng đắc pháp thành Phật giáo.

Những hàng Thanh Văn là hạng phàm nhân hoặc bậc Thánh Nhân đều chắc chắn là những người đã trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ đã tạo nhiều phước thiện ba-la-mật, đã gieo duyên lành từ chư Phật trong quá khứ hoặc chư Thanh Văn đệ tử của Ngài, cho nên kiếp hiện tại này mới có được phước duyên đến quy y nương nhờ nơi Pháp Bảo như vậy.

Do đó, Đức Pháp Bảo là nơi nương nhờ của hạng chúng sinh cao quý .

Đó là 5 đặc tính của Đức Pháp Bảo.

3- Saṃgha: Đức Tăng, đó là Ariyasaṃgha (chư Thánh Tăng), là bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Chánh Đẳng Giác có 4 đôi thành 8 bậc Thánh.

 Bốn đôi Thánh Đạo → Thánh Quả tương xứng

– Nhập Lưu Thánh ĐạoNhập Lưu Thánh Quả
– Nhất Lai Thánh Đạo
Nhất Lai Thánh Quả
– Bất Lai Thánh Đạo
Bất Lai Thánh Quả
– Arahán Thánh Đạo
Arahán Thánh Quả

Tám bậc Thánh: 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả

Bậc Nhập Lưu Thánh Đạo (Sotāpattimagga)
Bậc Nhất Lai Thánh Đạo (Sakadāgāmimagga)
Bậc Bất Lai Thánh Đạo (Anāgāmimagga)
Bậc Arahán Thánh Đạo (Arahattamagga)
Bậc Nhập Lưu Thánh Quả (Sotāpattiphala)
Bậc Nhất Lai Thánh Quả (Sakadāgāmiphala)
Bậc Bất Lai Thánh Quả (Anāgāmiphala)
Bậc Arahán Thánh Quả (Arahattaphala)

Đức Tăng gọi là Tăng Bảo vì có 5 đặc tính như sau:

a) Tăng Bảo xứng đáng được tôn kính

Đức Tăng Bảo là chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, quý Ngài đã hành đúng theo chánh pháp, có giới đức trong sạch và thanh tịnh, có định đức vững vàng, có tuệ đức diệt đoạn tuyệt phiền não, có giải thoát đức vắng lặng, có giải thoát tri kiến đức quán xét các pháp. Quý Ngài là chư Thánh Tăng đã thừa hưởng chánh pháp, và giữ gìn duy trì phát huy chánh pháp của Đức Phật từ thế hệ này sang thế hệ khác, giữ gìn duy trì chánh pháp được trường tồn cho đến ngày nay.

Do đó, Đức Tăng Bảo thật xứng đáng được tôn kính.

b) Đức Tăng Bảo là vô giá

Đức Tăng Bảo là chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, có 9 Ân đức Tăng, quý Ngài là phước điền cao thượng của chúng sinh không có nơi nào sánh bằng. Những người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, họ tôn kính, lễ bái, dâng lễ cúng dường đến chư Thánh Tăng, dù ít dù nhiều, chắc chắn có phước thiện vô lượng, và có quả của phước thiện vô cùng phong phú, vô lượng, ngay cả trong kiếp hiện tại, lẫn vô lượng kiếp vị lai. Họ được thành tựu quả báu trong cõi người, quả báu trong cõi trời và đặc biệt cuối cùng thành tựu Niết Bàn, chấm dứt khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Do đó, Đức Tăng Bảo là vô giá.

c) Đức Tăng Bảo là cao thượng

Đức Tăng Bảo là chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, quý Ngài đã hành đúng theo chánh pháp, đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai và bậc Thánh Arahán cao thượng nhất.

Do đó, Đức Tăng Bảo là cao thượng.

d) Tăng Bảo khó được nghe thấy

Đức Tăng Bảo xuất hiện trên thế gian, khi có Đức Phật Bảo và Đức Pháp Bảo xuất hiện trên thế gian, mà Đức Phật Bảo và Đức Pháp Bảo xuất hiện trên thế gian là một điều khó có được. Do đó, Đức Tăng Bảo cũng khó được nghe thấy.

Tuy Đức Phật Gotama đã tịch diệt Niết Bàn cách đây 2.548 năm rồi, nhưng Đức Pháp Bảo và Đức Tăng Bảo vẫn còn tồn tại trên thế gian cho đến 5.000 năm mãn tuổi thọ Phật giáo. Sau 5.000 năm rồi, trong cõi người không còn ai nghe thấy Đức Tăng Bảo gồm cả chư Thánh Tăng và chư phàm Tăng nữa

Như vậy, Tăng Bảo rất khó được nghe thấy.

e) Đức Tăng Bảo là nơi nương nhờ của hạng chúng sinh cao quý

Người nào có phước duyên đến quy y nương nhờ Phật Bảo, quy y nương nhờ Pháp Bảo, thì người ấy cũng quy y nương nhờ Tăng Bảo. Những người đến quy y nương nhờ Tăng Bảo chắc chắn phải là những người đã trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ, đã từng tạo phước hạnh ba-la-mật, có duyên lành nơi chư Phật trong thời quá khứ, hoặc chư Thanh Văn đệ tử của Ngài trong thời quá khứ. Do nhờ phước duyên đã tích luỹ nhiều đời trong quá khứ, nên kiếp hiện tại này mới có được cơ hội có duyên lành đến quy y nương nhờ nơi Tăng Bảo.

Do đó, Đức Tăng Bảo là nơi nương nhờ của hạng chúng sinh cao thượng.

Đó là 5 đặc tính của Đức Tăng Bảo.

DUYÊN LÀNH NƠI TAM BẢO

Phàm mỗi chúng sinh trong vòng tử sinh luân hồi trong tam giới, từ vô thủy trải qua vô số – vô số kiếp không sao kể xiết. Trong khoảng thời gian lâu dài ấy, đã có hàng triệu Đức Phật tuần tự xuất hiện trên thế gian, chẳng lẽ chúng sinh ấy không từng gieo duyên lành nơi Đức Phật nào hoặc chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Ngài trong quá khứ ấy hay sao? Đó là điều khó biết được!

Trong kiếp hiện tại, có một số người chưa đến với Tam Bảo được, vì do một hay nhiều nguyên nhân nào đó, không hẳn là không có duyên lành.

Ví dụ: Trong thời kỳ Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, Đức Bồ Tát Jotipāla tiền kiếp của Đức Phật Gotama, sinh trưởng trong một gia đình quyền quý thuộc dòng dõi Bàlamôn, nên sinh tính ngã mạn, không chịu đến hầu Đức Phật Kassapa. Công tử Jotipāla có một người bạn tốt là Ghaṭīkāra thuộc dòng dõi thấp hèn, cậu Ghaṭīkāra là cận sự nam đã quy y nương nhờ nơi Tam Bảo, thường hay đến hầu Đức Phật Kassapa. Cậu đã nhiều lần động viên khuyến khích công tử Jotipāla cùng với mình đến hầu Đức Phật Kassapa; nhưng do tính ngã mạn về dòng dõi, nên lần nào công tử Jotipāla cũng khước từ. Không nản lòng, Ghaṭīkāra quyết tâm cố thuyết phục cho bằng được. Một hôm cậu Ghaṭīkāra mời công tử Jotipāla cùng đến tắm ở một bến sông gần nơi Đức Phật Kassapa đang ngự. Tắm xong, cậu Ghaṭīkāra động viên công tửJotipāla rằng:

– Này bạn thân mến! Đức Phật Kassapa mà tôi tôn kính nhất hiện đang ngự gần đây, mời bạn cùng tôi đến hầu Đức Phật Kassapa.”

Công tử Jotipāla khước từ lời mời của cậu Ghaṭīkāra hai lần, đến lần thứ ba, không còn cách nào khác cậu Ghaṭīkāra bèn nắm đầu tóc của công tử Jotipāla dẫn đi.

Công tử Jotipāla vô cùng ngạc nhiên, bảo rằng:

– Này Ghaṭīkāra, ngươi thuộc dòng dõi thấp hèn hơn ta, tại sao lại dám nắm đầu tóc ta dẫn đi như vậy?

Tuy vậy, không thể làm gì khác được, nên công tử Jotipāla đành phải theo cậu Ghaṭīkārađến hầu Đức Phật Kassapa.

Đức Bồ Tát Jotipāla ngồi lắng nghe Đức Phật Kassapa thuyết pháp, liền phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo và kính xin Đức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ-khưu trong giáo pháp của Ngài.

Sau khi trở thành Tỳ-khưu không lâu, Tỳ-khưu Jotipāla đã thông thuộc Tam Tạng, chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, thiền vô sắc, chứng đắc ngũ thông và đặc biệt được Đức Phật Kassapa thọ ký rằng:

Trong thời vị lai, cùng trong kiếp trái đất gọi là Bhaddakappa này, Tỳ-khưu Jotipāla này sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, có danh hiệu là Đức Phật Gotama”.

Qua tích chuyện Đức Bồ Tát Jotipāla tiền kiếp của của Đức Phật Gotama, khiến chúng ta nên suy nghĩ rằng:

Đức Bồ Tát Jotipāla tiền kiếp của Đức Phật Gotama là quả của một quá trình diễn biến từ vô lượng-vô lượng kiếp trong quá khứ; từ thời kỳ phát nguyện trong tâm có ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác, đã tạo những pháp hạnh ba-la-mật suốt 7 a-tăng-kỳ; tiếp đến thời kỳ phát nguyện bằng lời nói, để cho tất cả chúng sinh nghe, hiểu biết ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác của mình, tiếp tục tạo ba-la-mật suốt 9 a-tăng-kỳ, cho đến kiếp đạo sĩ Sumedha tiền kiếp của Đức Phật Gotama được Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký rằng: “Trong thời vị lai, còn 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, đạo sĩ Sumedha này sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, có danh hiệu là Đức Phật Gotama”.

Đức Bồ Tát Sumedha tiếp tục tạo và bồi bổ cho đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật suốt 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, đã được 23 Đức Phật tuần tự thọ ký, đến thời kỳ Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian lúc ấy, Đức Bồ Tát Jotipāla tiền kiếp của Đức Phật Gotama được sinh trưởng trong dòng dõi Bàlamôn. Do tính ngã mạn bởi dòng dõi, nên Đức Bồ Tát Jotipāla không chịu đến hầu Đức Phật Kassapa, đến nổi người bạn Ghaṭīkāra phải nắm lấy đầu tóc dẫn đi, mới đành chịu đến hầu Đức Phật Kassapa.

Bậc thiện trí có thiện tâm trong sáng, luôn luôn mong muốn sự lợi ích, sự tiến hóa trong mọi thiện pháp, sự an lạc lâu dài đến cho mọi người. Cho nên, đối với số người nào chưa có đức tin nơi Tam Bảo, bậc thiện trí ấy tìm cách giảng dạy giáo pháp của Đức Phật, để cho người ấy phát sinh đức tin nơi Tam Bảo, dẫn dắt số người ấy đến xin thọ phép quy y Tam Bảo, khuyến khích họ xuất gia trở thành Sadi – Tỳ-khưu trong giáo pháp của Đức Phật.

Ví như một người có hạt giống tốt lành, khi chưa đủ nhân duyên, thì hạt giống ấy chưa có thể nảy mầm được. Nếu có người giúp đỡ, hỗ trợ nhân duyên, thì hạt giống tốt lành ấy có thể nảy mầm, sinh trưởng, phát triển thành cây, trổ hoa, cho quả ngon lành.

Như tích Hoàng tử Nanda xuất gia thọ Tỳ-khưu được tóm lược như sau:

Hay tin Thái tử Siddhattha đã chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Đức vua Sudhodana truyền lệnh cho các quan cận thần đi kính thỉnh Đức Phật ngự trở về kinh thành Kapilavatthu vào ngày 16 tháng 4, sau khi đã trở thành Đức Phật được 1 năm lẻ 1 ngày, gần 7 năm xa cách, kể từ khi xuất gia rời bỏ kinh thành Kapilavatthu.

Đức Thế Tôn cùng 20.000 chư Đại đức Tăng Arahán ngự trở về kinh thành Kapilavatthungày đầu tiên.

Ngày thứ hai, Đức Phật thuyết pháp tế độ Đức vua Sudhodana. Sau khi lắng nghe chánh pháp, Đức vua chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, và tiếp theo chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo – Nhất Lai Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhất Lai; và chánh cung Hoàng hậu Mahāpajāpatigotamīcũng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Ngày thứ ba, Đức Phật cùng chư Thánh Arahán đến cung điện Đức vua Suḍhodana, hôm ấy, nhằm ngày cử hành lễ đăng quang lên ngôi báu và hôn lễ của Hoàng tử Nanda cùng Công chúa Janapadakalyāṇī. Sau khi thọ thực xong, Đức Phật trao cái bát cho Hoàng tử Nanda, rồi Ngài ngự về ngôi chùa Nigrodhā. Hoàng tử Nanda ôm bát đi theo sau, nghe văng vẳng tiếng Công chúa Janapadakalyāṇī căn dặn:

Hoàng huynh hãy mau trở về”.

Khi đến ngôi chùa Nigrodhā, Đức Phật truyền dạy rằng:

– Này Nanda, con muốn xuất gia thọ Tỳ-khưu hay không?

Hoàng tử Nanda, vì quá tôn kính Đức Phật, nên không dám từ chối, bèn bạch với Đức Phật rằng:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, dạ vâng, con muốn xuất gia thọ Tỳ-khưu. Bạch Ngài

Đức Phật truyền dạy chư Tỳ-khưu Tăng làm lễ thọ Tỳ-khưu cho Hoàng tử Nanda. Sau khi trở thành Tỳ-khưu, Tỳ-khưu Nanda không muốn hành phạm hạnh cao thượng, mà muốn hoàn tục trở về cung; bởi vì, nhớ lời căn dặn của hoàng muội Janapadakalyāṇī xinh đẹp tuyệt trần.

Đức Phật biết rõ tâm trạng chán nản hành phạm hạnh của Tỳ-khưu Nanda, nên cho gọi đến và truyền dạy rằng:

– Này Nanda, con chán nản hành phạm hạnh cao thượng, mà muốn hoàn tục trở về cung có phải hay không?

– Kính bạch Đức Thế Tôn, dạ phải như vậy. Bạch Ngài.

– Này Nanda, do nguyên nhân nào mà con chán nản hành phạm hạnh cao thượng, muốn hoàn tục trở về cung?

– Kính bạch Đức Thế Tôn, sở dĩ con chán nản hành phạm hạnh cao thượng, mà con muốn hoàn tục trở về cung, là vì con nhớ lời căn dặn của hoàng muội Janapadakalyāṇī xinh đẹp tuyệt trần. Bạch Ngài.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nắm tay Tỳ-khưu Nanda, bằng phép thần thông du hành bay lên cõi trời Tam Thập Tam Thiên, trên đường đi, Đức Phật chỉ cho Tỳ-khưu Nanda thấy một con khỉ già ngồi ủ rủ trên cây khô, rồi tiếp tục ngự đến cung trời Tam Thập Tam Thiên. Tỳ-khưu Nandanhìn thấy 500 thiên nữ xinh đẹp hầu hạ Đức vua trời Sakka, Đức Thế Tôn bèn hỏi Tỳ-khưu Nanda rằng:

– Này Nanda con nghĩ thế nào, 500 thiên nữ này so với Công chúa Janapadakalyāṇī ai xinh đẹp hơn?

– Kính bạch Đức Thế Tôn, Công chúa Janapadakalyāṇī như con khỉ già ngồi ủ rủ trên cây khô, mà đã gặp trên đường đi, còn 500 thiên nữ này xinh đẹp tuyệt trần.

– Này Nanda, con có thích 500 thiên nữ này không?

– Kính bạch Đức Thế Tôn, con thích 500 thiên nữ này lắm. Bạch Ngài.

– Này Nanda, nếu con thích 500 thiên nữ này, thì con phải hoan hỷ hành phạm hạnh cao thượng, rồi Như Lai sẽ bảo đảm cho.

Nghe Đức Thế Tôn truyền dạy như vậy, Tỳ-khưu Nanda vô cùng hoan hỷ hành phạm hạnh cao thượng.

Đức Thế Tôn cùng Tỳ-khưu Nanda hiện xuống trở lại ngôi chùa Jetavana. Không còn nhớ tưởng đến Công chúa Janapadakalyāṇī nữa, Tỳ-khưu Nanda cố gắng tinh tấn không ngừng hành phạm hạnh cao thượng, tiến hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng.

Sau khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, Ngài Đại đức Nanda đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, và xin từ bỏ ý muốn được 500 thiên nữ ở cõi trời.

Qua câu chuyện Ngài Đại đức Nanda, nếu không có Đức Phật tạo nhân duyên tế độ, thì Hoàng tử Nanda không có cơ hội xuất gia trở thành Tỳ-khưu và cũng không chứng đắc thành bậc Thánh Arahán cao thượng.

Sở dĩ Hoàng tử Nanda trở thành Tỳ-khưu và chứng đắc thành bậc Thánh Arahán cao thượng, là do nhờ Đức Phật có tâm đại bi tế độ Hoàng tử. Nhưng không phải bất cứ chúng sinh nào Đức Phật cũng có thể tế độ, để họ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán cả thảy đâu?

Thật ra, Đức Phật thấy rõ biết rõ vốn tiền kiếp của Hoàng tử Nanda đã từng đến hầu Đức Phật Padumuttara, đã phát nguyện muốn trở thành bậc Arahán có đức hạnh đặc biệt xuất sắc về thu thúc lục căn thanh tịnh; và cũng được Đức Phật Padumuttara thọ ký xác định rằng: Trong thời vị lai, ý nguyện ấy sẽ được thành tựu trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

Những tiền kiếp của Hoàng tử Nanda đã tạo 10 pháp hạnh ba-la-mật trải qua nhiều đời nhiều kiếp, từ thời kỳ Đức Phật Padumuttara cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama, khoảng cách thời gian đúng 100 ngàn đại kiếp trái đất.

Kiếp hiện tại Hoàng tử Nanda đã có đầy đủ 10 pháp hạnh ba-la-mật, chắc chắn sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, trở thành bậc Thánh Đại Thanh Văn đệ tử có đức hạnh đặc biệt xuất sắc về thu thúc lục căn thanh tịnh, trong giáo pháp của Đức Phật Gotama. Nhưng vì Hoàng tử bị vướng mắc vào sắc đẹp tuyệt trần của hoàng muội Janapadakalyāṇī, nên không muốn xuất gia trở thành Tỳ-khưu; vì lòng tôn kính Đức Phật, nên phải xuất gia. Sau khi trở thành Tỳ-khưu rồi, Tỳ-khưu Nanda chán nản hành phạm hạnh cao thượng, muốn hoàn tục trở về cung. Đức Thế Tôn là Đức Vô Thượng Giáo Hóa chúng sinh, Ngài đã khéo sử dụng đến kế sắc đẹp tuyệt vời của thiên nữ, để gỡ vướng mắc về sắc đẹp tầm thường của con người. Nhờ vậy, nên Tỳ-khưu Nanda không còn màng đến sắc đẹp của hoàng muội Janapadakalyāṇī nữa, mà cố gắng tinh tấn hành phạm hạnh cao thượng, tiến hành thiền tuệ dẫn đến chứng đắc thành bậc Thánh Arahán cao thượng.

Như vậy, Tỳ-khưu Nanda đã có sẵn hạt giống lành, còn Đức Phật trợ duyên để cho hạt giống ấy được có cơ hội nảy mầm, tăng trưởng trổ hoa cho quả.

Ngài Đại đức Sāriputta thuyết pháp tế độ thân mẫu

Ngài Đại đức Sāriputta đã xuất gia trở thành Tỳ-khưu là bậc Thánh Arahán được 44 năm. Quán xét thấy rõ còn 7 ngày nữa sẽ tịch diệt Niết Bàn, Ngài đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xin phép tịch diệt Niết Bàn.

Đức Thế Tôn truyền hỏi:

– Này Sāriputta, con sẽ tịch diệt Niết Bàn tại nơi nào?

Ngài Đại đức Sāriputta bạch rằng:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, con sẽ tịch diệt Niết Bàn tại ngôi nhà nơi con sinh trưởng, làng Nālākāgāma xứ Magadha, đồng thời con sẽ tế độ thân mẫu của con. Tuy bà có 7 người con đã trở thành bậc Thánh Arahán, song bà vẫn chưa có đức tin nơi Tam Bảo.

Ngài Đại đức Sāriputta cùng 500 vị đệ tử đảnh lễ xin phép từ giã Đức Thế Tôn. Ngài trở về lại ngôi nhà xưa, trong căn phòng nơi Ngài đã sinh trưởng.

Trong đêm cuối cùng của Ngài Đại đức Sāriputta có các vị Vua trời từ cõi Tứ Đại Thiên Vương, cõi Tam Thập Tam Thiên, cõi Dạ Ma Thiên, cõi Đẩu Suất Đà Thiên, cõi Hóa Lạc Thiên, cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên trong 6 cõi trời dục giới; tiếp đến chư Đại phạm thiên các cõi trời sắc giới đều tuần tự đến chiêm bái đảnh lễ Ngài Sāriputta lần cuối cùng.

Bà thân mẫu của Ngài nhìn thấy chư thiên, Đại phạm thiên có hào quang sáng ngời, vị sau hơn vị trước, bà muốn biết những vị chư thiên, chư Đại phạm thiên ấy là vị nào mà có lòng tôn kính con của bà đến như thế, nên bà đến phòng của Ngài, hỏi Đại đức Cunda (người con trai của bà) rằng:

– Này Cunda, các vị chư thiên nào mà có lòng tôn kính, đến chiêm bái đảnh lễ sư huynh của con như vậy?

Đại đức Cunda thưa rằng:

– Thưa thân mẫu, bốn vị đầu tiên đó là Tứ Đại Thiên Vương.

Bà nghĩ thầm: “Tứ Đại Thiên Vương có lòng tôn kính chiêm bái, đảnh lễ con ta; con ta cao thượng như vậy sao! Đức Phật là Bậc Thầy của con ta chắc chắn cao thượng hơn nhiều”. Và bà hỏi tiếp:

– Này Cunda, còn các vị chư thiên khác là vị nào vậy?

Đại đức Cunda thưa tiếp:

– Thưa thân mẫu, Đức vua trời Sakka từ cõi trời Tam Thập Tam Thiên, kế đến Đức vua trời Sujāma cõi trời Dạ Ma Thiên, Đức vua trời Santussita cõi trời Đâu Suất Đà Thiên, Đức vua trời Sunimmita cõi trời Hóa Lạc Thiên, Đức vua trời Paranimmita từ cõi trời Tha Hóa Tự Tại Thiên, và tiếp đến chư Đại phạm thiên từ các tầng trời sắc giới

Nghe vậy bà lại nghĩ rằng: “Đại phạm thiên mà ta tôn kính, chư Đại phạm thiên ấy lại có lòng tôn kính, chiêm bái đảnh lễ con của ta, con ta cao thượng đến như vậy sao! Đức Phật là Bậc Thầy của con ta, vậy Đức Phật còn cao thượng biết dường nào!

Nghĩ vậy, bà phát sinh tâm hỷ lạc chưa từng có, bà ân cần thăm hỏi bệnh tình của Ngài Sāriputta và bày tỏ ý nghĩ của mình. Ngài Đại đức Sāriputta biết đúng lúc hợp thời, nên Ngài thuyết giảng về Ân đức Phật để tế độ thân mẫu của Ngài. Sau khi lắng nghe pháp xong, bà liền chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu có đức tin trong sạch vững chắc nơi Tam Bảo.

Ngài Đại đức Sāriputta suy tư rằng: “Nay ta đã đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của thân mẫu”. Rạng đông đêm ấy, Ngài Sāriputta tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Qua tích chuyện về thân mẫu của Ngài Đại đức Sāriputta, bà chưa có đức tin nơi Tam Bảo, vì bà tin nơi vị Đại phạm thiên là cao thượng; và bà cũng đã từng bực mình vì bảy đứa con của bà đều bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ-khưu trong giáo pháp của Đức Phật Gotama v.v… đó là những nguyên nhân cản trở làm cho bà chưa có đức tin nơi Tam Bảo, chứ không phải bà không có duyên lành nơi Tam Bảo. Khi bà nhìn thấy vị Đại phạm thiên mà bà tôn kính, chư Đại phạm thiên ấy lại có lòng tôn kính, đến chiêm bái đảnh lễ con của bà, thì con của bà còn cao thượng hơn chư Đại phạm thiên ấy. Bà suy nghĩ tiếp: Đức Phật là Bậc Thầy của con bà, vậy Đức Phật chắc chắn còn cao thượng biết dường nào!

Do đó, bà liền phát sinh đức tin nơi Tam Bảo, phát sinh tâm hoan hỷ với việc bảy người con bỏ nhà đi xuất gia trở thành Tỳ-khưu là việc làm chính đáng và cao thượng.

Như vậy, nhờ Ngài Đại đức Sāriputta, Bậc đại trí tuệ thấy rõ biết rõ, hợp thời, đúng lúc, nên chuyển hóa thân mẫu của Ngài từ tà kiến sang chánh kiến, từ phàm nhân sang bậc Thánh Nhân, để đền đáp với công ơn sinh thành dưỡng dục của thân mẫu. Thật là một tấm gương sáng cho người đời nên noi theo.

Biết Đức Phật, kính Đức Phật

Trong thời Đức Phật còn tại thế, có số người chỉ nghe đến danh hiệu “Buddho: Đức Phật” liền phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Phật, như trường hợp của ông phú hộ Anathapiṇdika, Đức vua Mahākappinna v.v…

Cũng có số người nghe đến Đức Phật không hài lòng, tìm đến gặp Đức Phật mắng nhiếc, chửi rủa, hăm dọa Đức Phật, như trường hợp ông Bàlamôn Akkosakađược tóm lược như sau:

* Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Veluvana gần kinh thành Rājagaha. Khi hay tin người anh là Bhāradvāja đã xuất gia trở thành Tỳ-khưu nơi Đức Thế Tôn, ông Bàlamôn Akkosaka nổi giận, tìm đến gặp Đức Phật chửi rủa, mắng nhiếc, hăm dọa Đức Phật. Đức Phật vẫn an nhiên tự tại, hoàn toàn không nhận lời mắng chửi của ông Bàlamôn Akkosaka.

Khi ấy Đức Phật truyền dạy rằng:

– Này ông Bàlamôn, ông chửi rủa, mắng nhiếc, hăm dọa Như Lai, mà Như Lai không chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ trả lại ông; ông giận Như Lai, mà Như Lai không hề giận trả lại ông; ông cố tâm chọc tức Như Lai, mà Như Lai không chọc tức trả lại ông. Như Lai hoàn toàn không nhận điều gì cuả ông cả.

Này ông Bàlamôn, người nào chửi mắng trả lại người đã chửi mắng mình; người nào nổi giận trả lại người đã nổi giận mình; người nào cố tâm chọc tức trả lại người đã chọc tức mình,… Như Lai gọi người ấy là người cùng chung hưởng lẫn nhau. Còn Như Lai không cùng chung hưởng với ông, không cùng ăn thua với ông.

Này ông Bàlamôn, như vậy, những lời chửi mắng… chỉ thuộc về một mình ông mà thôi.

Đức Thế Tôn thuyết dạy bài kệ rằng:

Này ông Bàlamôn!
Người nào diệt tâm sân, không còn nóng giận nữa,
Sống an nhiên tự tại, giải thoát khỏi khổ tâm,
Vì chứng ngộ chân lý, dập tắt mọi phiền não,
Tâm sân hận từ đâu, mà phát sinh lên được?
Người nào hay nổi giận, trả thù kẻ giận mình,
Người ấy thấp hèn hơn, kẻ giận mình gấp bội.
Người không giận trả đũa, với kẻ đã giận mình,
Gọi là người chiến thắng
, mà người thường khó thắng.
Người nào biết ai giận, có chánh niệm giữ mình,
Dập tắt mọi phiền não, người ấy gọi là người,
Thực hành pháp nhẫn nại, giữ gìn sự lợi ích,
Cho mình và cho người, cả hai đều cùng lợi.
Người giữ gìn lợi ích, cả cho mình lẫn người.
Những người không trí tuệ, không biết rõ thiện pháp.

Hiểu lầm người ấy rằng: “Một hạng người khờ dại”.

Khi Đức Thế Tôn thuyết dạy xong, thì ông Bàlamôn Akkosaka thành kính bạch rằng:

– Kính bạch Đức Gotama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá.
Kính bạch Đức Gotama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá.

Sau khi tán dương, ca tụng Đức Thế Tôn xong, ông Bàlamôn Akkosaka phát sinh đức tin trong sạch, rồi xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, và kính xin Đức Thế Tôn cho phép ông được xuất gia thọ Sa di, thọ Tỳ-khưu nơi Ngài.

Đức Thế Tôn cho phép Bàlamôn Akkosaka xuất gia trở thành Tỳ-khưu, theo như ý nguyện. Sau khi trở thành Tỳ-khưu không lâu, Tỳ-khưu Akkosaka hoan hỷ sống một mình nơi thanh vắng, không dể duôi, tiến hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng, trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

* Trường hợp Aṅgulimāla, là kẻ cướp sát nhân, nhìn thấy Đức Phật, Aṅgulimāla đã cầm gươm đuổi theo định giết Ngài. Đức Phật vừa đi, vừa thuyết pháp cải hóa y, Aṅgulimāla tỉnh ngộ và kính xin Đức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ-khưu trong giáo pháp của Ngài. Đức Phật cho phép Aṅgulimāla thọ Tỳ-khưu. Về sau, không lâu Tỳ-khưu Aṅgulimāla tiến hành thiền tuệ dẫn đến sự chứng đắc thành bậc Thánh Arahán.

* Trường hợp dạ xoa Āḷavaka, y dùng đủ các phép mầu nguy hiểm để xua đuổi Đức Phật ra khỏi lâu đài của y, nhưng không có khả năng thực hiện được. Cuối cùng, dạ xoa Āḷavaka đặt các câu hỏi để bắt bí Đức Phật, nếu Ngài không trả lời được, thì phải ra khỏi lâu đài. Đức Phật đã trả lời thông suốt, giúp cho dạ xoa Āḷavaka chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu v.v…

Đức Phật thấy rõ, biết rõ những chúng sinh đã từng gieo duyên lành nơi chư Phật trong quá khứ, đã từng tạo nhiều pháp hạnh ba-la-mật, có thể chứng đắc thành bậc Thánh Nhân. Trong kiếp hiện tại, nguyên nhân gây ra sự bực mình, oán ghét Đức Phật, thì chỉ là tạm bợ nhất thời; một khi người ấy đã tỉnh ngộ rồi, thì sẽ không còn một chướng ngại nào để người ấy có thể dễ dàng chứng đắc thành bậc Thánh Nhân.

Giúp cơ hội đến người khác

Đức vua Asoka, một Đấng Minh Quân, là một cận sự nam có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo và hết lòng hộ trì Phật giáo. Đức vua có ý định truyền ngôi báu lại cho Thái tử Mahinda. Nhưng sau khi suy xét giữa việc truyền ngôi báu và việc cho phép Thái tử xuất gia; Đức vua đã sáng suốt lựa chọn việc xuất gia trở thành Tỳ-khưu, là việc cao thượng hơn nhiều. Nếu Thái tử Mahinda nghe theo lời vua cha chịu xuất gia trở thành Tỳ-khưu, thì đương nhiên Đức vua sẽ trở thành người thân quyến kế thừa của Phật giáo (Dāyado sāsanassa).

Đức vua truyền dạy Hoàng tử Mahinda rằng:

– Này Hoàng nhi yêu quý! Con có muốn xuất gia trở thành Tỳ-khưu hay không?

Hoàng tử Mahinda vốn là người có đầy đủ pháp hạnh ba-la-mật, kiếp này là kiếp chót; nên khi nghe Đức vua hỏi, như hạt giống tốt hội đủ duyên lành, liền tâu rằng:

– Tâu Phụ hoàng, con muốn xuất gia trở thành Tỳ-khưu. Kính xin Phụ hoàng cho phép con được xuất gia trở thành Tỳ-khưu trong Phật giáo.

Khi ấy, Công chúa Saṃghamittā cũng đang đứng gần ở đó, Đức vua liền quay sang và cũng truyền dạy Công chúa rằng:

– Này Saṃghamittā, con yêu quý! Con có muốn xuất gia trở thành Tỳ-khưu ni hay không?

Cũng như Thái tử Mahinda, Công chúa Saṃghamittā là người đã từng tạo ba-la-mật nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ, kiếp này là kiếp chót của Công chúa; nên khi nghe Đức vua hỏi như vậy, Công chúa Saṃghamittā vô cùng hoan hỷ tâu rằng:

– Tâu Phụ hoàng, con muốn xuất gia trở thành Tỳ-khưu ni. Kính xin Phụ hoàng cho phép con được xuất gia trở thành Tỳ-khưu ni trong Phật giáo.

Thái tử Mahinda tròn 20 tuổi, chư Đại đức Tăng cho phép làm lễ thọ Tỳ-khưu, Công chúa Saṃghamittā mới lên 18 tuổi nên xuất gia Sikkhamānā.

Một thời gian sau, Ngài Đại đức Mahinda đã chứng đắc thành bậc Thánh Arahán. Về sau, Ngài đã dẫn một phái đoàn chư Thánh Tăng sang đảo quốc Sirilankā truyền bá Phật giáo.

Tiếp theo, Tỳ-khưu ni Saṃghamittā cũng chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, về sau, cũng dẫn một phái đoàn Tỳ-khưu ni sang đảo quốc Sirilankā để làm lễ xuất gia thọ Tỳ-khưu ni cho các Công chúa, công nương và những người nữ khác trên đảo quốc Sirilankā.

Trong đời này, có những hạng người có khả năng tự giác, không cần đến sự động viên khuyết khích giúp đỡ của người khác, mà họ cũng có thể thành tựu được ý nguyện của mình.

Và cũng có những hạng người không thể tự giác, không thể tự mình hiểu biết, nên cần phải có sự động viên khuyến khích giúp đỡ của người khác, thậm chí còn phải được dẫn dắt dạy dỗ, thì họ mới có thể thành tựu. Đối với những hạng người này việc giúp đỡ tạo cho họ một cơ hội tốt, một trợ duyên tốt là điều kiện rất cần thiết, để những hạt giống tốt ấy có cơ hội nảy mầm và phát triển.

CÚNG DƯỜNG PHÁP BẢO

Trong thời Đức Phật còn tại thế, có một vị Bàlamôn đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, bèn bạch rằng:

– Kính bạch đức Thế Tôn, cúng dường Phật Bảo, cúng dường Tăng Bảo thì có người thọ nhận rõ ràng; còn cúng dường đến Pháp Bảo, thì con phải cúng dường bằng cách nào?

Đức Phật truyền dạy rằng:

“Sacepi Brahmaṇa Dhammaratanaṃ pūjetukāmo ekaṃ bahussutaṃ pūjehi”.

– Này Bàlamôn, nếu muốn cúng dường đến Pháp Bảo, thì con nên cúng dường đến vị đa văn túc trí (bahussuta).

Ông Bàlamôn đảnh lễ Đức Phật xong, xin phép lui ra và đi hỏi chư Đại đức để biết vị nào là đa văn túc trí.

Chư Đại đức chỉ dẫn, giới thiệu Ngài Đại đức Ānanda là bậc Đa Văn Túc Trí, bậc giữ kho tàng Pháp Bảo. Ông Bàlamôn tìm đến đảnh lễ Ngài Đại đức Ānanda, rồi kính dâng đến Ngài bộ tam y giá 1.000 đồng (tiền Ấn Độ ngày xưa).

Ngài Đại đức Ānanda thọ nhận, sau đó, Ngài kính dâng lại bộ tam y đó đến Ngài Đại đức Sāriputtabậc Thống Lĩnh Pháp (Dhammasenāpati).

Hiện nay, Phật giáo tại Myanmar còn có những bậc Đại Trưởng Lão thông thuộc Tam Tạng và Chú giải Pāḷi, nếu thí chủ có tác ý thiện tâm hướng tâm đến cúng dường Pháp Bảo, thì nên cúng dường đến những vị Đại Trưởng Lão ấy, hoặc thí chủ có tác ý thiện tâm hướng tâm đến cúng dường Pháp Bảo, thì kính dâng đến vị Pháp sư thuyết giảng chánh pháp, hay cúng dường bốn thứ vật dụng đến chư Đại đức giảng dạy chánh pháp, và đến chư Tỳ-khưu hay Sadi ngày đêm đang học hành chánh pháp, đang giữ gìn duy trì chánh pháp v.v.., cũng được gọi là cúng dường Pháp Bảo.

(Chương II : TAM BẢO đã trình bày xong)

ĐOẠN KẾT

Trong kinh Tam Bảo (Ratanasutta), Đức Phật dạy câu kệ rằng:

“Yaṃ kiñci vittaṃ idha vā huraṃ vā
Saggesu vā yaṃ ratanaṃ paṇītaṃ
Na no samaṃ atthi Tathāgatena
Idampi Buddhe ratamaṃ paṇītaṃ
Etena saccena suvatthi hotu”.

Châu báu vô giá nào trong cõi người,
Cõi Long vương, cõi dục giới, sắc giới
Tất cả mọi châu báu vô giá ấy,
Không thể sánh bằng Đức Phật cao thượng,
Phật Bảo này là châu báu vô thượng
Do năng lực của lời chân thật này,
Cầu mong toàn chúng sinh được an lạc.

Trong bài kinh Pubbaṇhasutta, có 3 câu kệ: Câu thứ nhất giống câu trên, còn câu nhì và câu ba là:

Câu thứ nhì:

“Yaṃ kiñci vittaṃ idha vā huraṃ vā
Saggesu vā yaṃ ratanaṃ paṇītaṃ
Na no samaṃ atthi Tathāgatena
Idampi Dhamme ratamaṃ paṇītaṃ
Etena saccena suvatthi hotu”.

Châu báu vô giá nào trong cõi người,
Cõi Long vương, cõi dục giới, sắc giới
Tất cả mọi châu báu vô giá ấy,
Không thể sánh bằng Đức Pháp cao thượng,
Pháp Bảo này là châu báu vô thượng
Do năng lực của lời chân thật này,
Cầu mong toàn chúng sinh được an lạc.

Câu thứ ba:

“Yaṃ kiñci vittaṃ idha vā huraṃ vā
Saggesu vā yaṃ ratanaṃ paṇītaṃ
Na no samaṃ atthi Tathāgatena
Idampi Saṃghe ratamaṃ paṇītaṃ
Etena saccena suvatthi hotu”.

Châu báu vô giá nào trong cõi người,
Cõi Long vương, cõi dục giới, sắc giới
Tất cả mọi châu báu vô giá ấy,
Không thể sánh bằng Đức Tăng cao thượng,
Tăng Bảo này là châu báu vô thượng.
Do năng lực của lời chân thật này,
Cầu mong toàn chúng sinh được an lạc.

Trong ba câu kệ trên danh từ “Tathāgatena” ý nghĩa theo từng mỗi câu kệ.

Câu kệ thứ nhất: Tathāgatena có ý nghĩa là Đức Phật Bảo cao thượng hơn tất cả các loại châu báu vô giá trong cõi người, cõi Long vương, cõi trời dục giới và cõi trời sắc giới.

Câu kệ thứ nhì: Tathāgatena có ý nghĩa là Đức Pháp Bảo đó là pháp học và 9 pháp Siêu tam giới cao thượng hơn tất cả các loại châu báu vô giá trong cõi người, cõi Long vương, cõi trời dục giới và cõi trời sắc giới.

Câu kệ thứ ba: Tathāgatena có ý nghĩa là Đức Tăng Bảo đó là chư Thánh Tăng và phàm Tăng cao thượng hơn tất cả các loại châu báu vô giá trong cõi người, cõi Long vương, cõi trời dục giới và cõi trời sắc giới.

Như vậy, người nào có duyên lành, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt đến thọ phép quy y Tam Bảo, nương nhờ nơi Tam Bảo , thì người ấy sẽ trở thành người cận sự nam, hoặc cận sự nữ được gần gũi thân cận với Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, Tam Bảo cao thượng , được sự lợi ích cao thượng, sự tiến hóa trong mọi thiện pháp từ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp, cho đến Siêu tam giới thiện pháp cao thượng, sự an lạc cao thượng cả trong kiếp hiện tại lẫn vô lượng kiếp vị lai, cho đến kiếp cuối cùng chứng đắc 4 Thánh Đạo, thành tựu được phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, chứng đắc 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng, hết tuổi thọ sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

-ooOoo-

Patthanā

Iminā puññakammena
Sukhī bhavāma sabbadā
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo
Loke sattā sumaṅgalā
Vietnam raṭṭhikā sabbe
Janā pappontu sāsane
Vuḍḍhiṃ viruḷhivepullaṃ
Patthayāmi nirantaraṃ.

Do nhờ phước thiện thanh cao này
Cho chúng con thường được an lạc
Cầu mong chánh pháp được trường tồn
Tất cả chúng sinh được hạnh phúc.
Dân tộc Việt Nam được phát triển
Tiến hóa hưng thịnh trong Phật giáo,
Bần sư cầu nguyện với tâm thành
Ngày đêm, đêm ngày không ngừng nghỉ.

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo VietNamraṭṭhasmiṃ.

Nguyện cầu chánh pháp được trường tồn trên thế gian,
Nguyện cầu chánh pháp được trường tồn trên Tổ quốc Việt nam thân yêu.

Tỳ-khưu Hộ Pháp
Mùa an cư nhập hạ PL: 2548/2004
Thiền viện Viên Không
Xã Tóc Tiên, Huyện Tân Thành
Bà Rịa-Vũng Tàu

Chương II - Tam Bảo - 9 Ân Đức Phật

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *