Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 16 – Phần pháp-học tứ-oai-nghi

1- Phần pháp-học tứ-oai-nghi

Hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng iriyā-pathapabba: Đối-tượng tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi là sắc-đi, oai-nghi đứng là sắc-đứng, oai-nghi ngồi là sắc-ngồi, oai-nghi nằm là sắc-nằm làm đối-tượng thiền-tuệ.

Trước tiên, hành-giả cần phải học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu biết rõ mỗi oai-nghi là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).

Hành-giả có trí-tuệ sáng suốt, có chánh-kiến thấy đúng, hiểu biết đúng rằng:

1- Oai-nghi đi gọi là thân đi hoặc sắc-đi đó là tư thế đi, dáng đi.

2- Oai-nghi đứng gọi là thân đứng hoặc sắc-đứng đó là tư thế đứng, dáng đứng.

3- Oai-nghi ngồi gọi là thân ngồi hoặc sắc-ngồi đó là tư thế ngồi, dáng ngồi

4- Oai-nghi nằm gọi là thân nằm hoặc sắc-nằm đó là tư thế nằm, dáng nằm.

Nhân-duyên phát sinh tứ-oai-nghi

Chú-giải bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasuttavaṇṇanā, đối-tượng iriyāpathapabba giảng giải về oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm như sau:

1- Oai-nghi đi

– Ko gacchati ? Ai đi?

– Kassa gamanaṃ? Oai-nghi đi của ai?

– Kiṃ karaṇā gacchati? Oai-nghi đi phát sinh do nhân-duyên nào?

Giảng giải

– Ko gacchatī’ti na koci satto vā puggalo vā gacchati.

– Ai đi? Nghĩa là không phải chúng-sinh nào, hoặc người nào đi cả.

– Kassa gamanan’ti na kassaci sattassa vā puggalassa vā gamanaṃ.

– Oai-nghi đi của ai? Nghĩa là oai-nghi đi không phải của chúng-sinh nào hoặc người nào cả.

– Kiṃ kāraṇā gacchatī’ti cittakiriyavāyodhātuvipphā-rena gacchati. Tasmā esa evaṃ pajānāti.

“Gacchāmī’ti cittaṃ uppajjati, taṃ vāyaṃ janeti, vāyo viññattiṃ janeti, cittakiriyavāyodhātuvipphārena sakala-kāyassa purato abhinīhāro gamanaṃ vuccati.”

Oai-nghi đi phát sinh do nhân-duyên nào? Nghĩa là oai-nghi đi phát sinh do chất gió chuyển động toàn thân do tâm.

Hành-giả nên biết rõ oai-nghi đi phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến qua nhiều nhân-duyên như sau:

– Tâm nghĩ “tôi đi”.

– Do tâm nghĩ đi, nên làm cho phát sinh chất gió.

– Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân chuyển động.

– Toàn thân di chuyển bước đi mỗi tư thế đi, dáng đi do năng lực của chất gió phát sinh do tâm ấy.

Vì vậy, gọi là “thân đi” hoặc “sắc-đi” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).

Nhân-duyên phát sinh oai-nghi đứng

Oai-nghi đứng phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến do nhiều nhân-duyên liên tục như sau:

2- Oai-nghi đứng

– Ko tiṭṭhati ? Ai đứng?

– Kassa ṭhānaṃ? Oai-nghi đứng của ai?

– Kiṃ karaṇā tiṭṭhati? Oai-nghi đứng phát sinh do nhân-duyên nào?

Giảng giải

– Ko tiṭṭhatī’ti na koci satto vā puggalo vā tiṭṭhati.

– Ai đứng? Nghĩa là không phải chúng-sinh nào, hoặc người nào đứng cả.

– Kassa ṭhānan’ti na kassaci sattassa vā puggalassa vā ṭhānaṃ.

– Oai-nghi đứng của ai? Nghĩa là oai-nghi đứng không phải của chúng-sinh nào hoặc của người nào cả.

– Kiṃ kāraṇā tiṭṭhatī’ti cittakiriyavāyodhātuvipphā-rena tiṭṭhati…

Oai-nghi đứng phát sinh do nhân-duyên nào? Nghĩa là oai-nghi đứng phát sinh do chất gió cử động toàn thân do tâm.

Hành-giả nên biết rõ oai-nghi đứng phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến qua nhiều nhân-duyên như sau:

– Tâm nghĩ “tôi đứng”.

– Do tâm nghĩ đứng, nên làm cho phát sinh chất gió.

– Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.

– Toàn thân từ chân đến đầu đứng yên theo mỗi tư thế đứng, dáng đứng do năng lực của chất gió phát sinh do tâm ấy.

Vì vậy, gọi là “thân đứng” hoặc “sắc-đứng” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).

Nhân-Duyên Phát Sinh Oai-Nghi Ngồi

Oai-nghi ngồi phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến do nhiều nhân-duyên liên tục như sau:

3- Oai-nghi ngồi

– Ko nisīdati ? Ai ngồi?

– Kassa nisajjaṃ ? Oai-nghi ngồi của ai?

– Kiṃ karaṇā nisīdati? Oai-nghi ngồi phát sinh do nhân-duyên nào?

Giảng giải

– Ko nisīdatī’ti na koci satto vā puggalo vā nisīdati.

– Ai ngồi? Nghĩa là không phải chúng sinh nào, hoặc người nào ngồi cả.

– Kassa nisajjan’ti na kassaci sattassa vā puggalassa vā nisajjā.

– Oai-nghi ngồi của ai? Nghĩa là oai-nghi ngồi không phải của chúng sinh nào hoặc của người nào cả.

– Kiṃ kāraṇā nisīdatī’ti cittakiriyavāyodhātuvipphā-rena nisīdati…

Oai-nghi ngồi phát sinh do nhân-duyên nào? Nghĩa là oai-nghi ngồi phát sinh do chất gió cử động toàn thân do tâm.

Hành-giả nên biết rõ oai-nghi ngồi phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến qua nhiều nhân-duyên như sau:

– Tâm nghĩ “tôi ngồi”.

– Do tâm nghĩ ngồi, nên làm cho phát sinh chất gió.

– Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.

– Toàn thân, thân phần trên ngồi yên, thân phần dưới co theo mỗi tư thế ngồi, dáng ngồi do năng lực của chất gió phát sinh do tâm ấy.

Vì vậy, gọi là “thân ngồi” hoặc “sắc-ngồi” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).

Nhân-Duyên Phát Sinh Oai-Nghi Nằm

Oai-nghi nằm phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến do nhiều nhân-duyên liên tục như sau:

4- Oai-nghi nằm

– Ko sayati? Ai nằm?

– Kassa sayanaṃ? Oai-nghi nằm của ai?

– Kiṃ karaṇā sayati? Oai-nghi nằm phát sinh do nhân-duyên nào?

Giảng giải

– Ko sayatī’ti na koci satto vā puggalo vā sayati.

– Ai nằm? Nghĩa là không phải chúng sinh nào, hoặc người nào nằm cả.

– Kassa sayanan’ti na kassaci sattassa vā puggalassa vā sayanaṃ.

– Oai-nghi nằm của ai? Nghĩa là oai-nghi nằm không phải của chúng-sinh nào hoặc của người nào cả.

– Kiṃ kāraṇā sayatī’ti cittakiriyavāyodhātuvipphā-rena tiṭṭhati…

Oai-nghi nằm phát sinh do nhân-duyên nào? Nghĩa là oai-nghi nằm phát sinh do chất gió cử động toàn thân do tâm.

Hành-giả nên biết rõ oai-nghi nằm phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến qua nhiều nhân-duyên như sau:

– Tâm nghĩ “tôi nằm”.

– Do tâm nghĩ nằm nên làm cho phát sinh chất gió.

– Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.

– Toàn thân nằm yên trên mặt phẳng theo mỗi tư thế nằm, dáng nằm do năng lực của chất gió phát sinh do tâm ấy.

Vì vậy, gọi là “thân nằm” hoặc “sắc-nằm” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).

Sự-thật, tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm là của tứ-đại thuộc về sắc-uẩn trong ngũ-uẩn.

Trong Chú-giải kinh Mahāsatipaṭṭhānasuttavaṇṇanā như sau:

“Paramatthato hi dhātūnamyeva gamanaṃ, dhātūnaṃ ṭhānaṃ, dhātūnaṃ nisajjaṃ, dhātūnaṃ sayanaṃ.”

Theo sự-thật chân-nghĩa-pháp thì oai-nghi đi chỉ là của tứ-đại mà thôi, oai-nghi đứng cũng là của tứ-đại, oai-nghi ngồi cũng là của tứ-đại, oai-nghi nằm cũng là của tứ-đại mà thôi.

Đức-Phật ví “sắc-thân” này ví như “chiếc xe”. “tâm” ví như “người lái xe”.

Thật vậy, sắc-thân này gồm có 27 sắc-pháp hoàn toàn không biết 6 đối-tượng, chỉ có thể tiếp nhận được 6 đối-tượng làm duyên để cho tâm phát sinh mà thôi.

Chiếc xe gồm có các bộ phận ráp lại với nhau không thể chạy mau, chạy chậm, rẽ phải, rẽ trái, ngừng lại, v.v… Sở dĩ chiếc xe có thể chạy mau, chạy chậm, rẽ phải, rẽ trái, ngừng lại được, v.v… là do người tài xế lái xe điều khiển.

Cũng như vậy, toàn thân này gồm có 27 sắc-pháp không thể đi, đứng, ngồi, nằm, quay bên phải, quay bên trái, co tay, co chân vào, duỗi tay, duỗi chân ra được, v.v…

Sở dĩ toàn thân này có thể đi, đứng, ngồi, nằm, quay bên phải, quay bên trái, co tay, co chân vào, duỗi tay, duỗi chân ra được, v.v… là do tâm điều khiển.

Tâm có khả năng điều khiển được thân này, khi thân này hội đủ nhân-duyên, nếu thiếu nhân-duyên nào thì tâm không thể điều khiển được.

Ví dụ: Một người bị bệnh tê liệt, dù tâm của họ muốn đi, đứng, ngồi, nằm, v.v… như người bình thường cũng không thể được, bởi vì chất gió (vāyodhātu) phát sinh do tâm của họ không đủ năng lực làm cử động toàn thân có chất đất (pathavīdhātu) và chất nước (āpodhātu) nặng nề trong thân của họ được.

Cũng như nếu chiếc xe bị hư một bộ phận nào thì dù người tài xế lái xe tài giỏi cũng không thể điều khiển chiếc xe chạy được theo ý của mình được.

Vì vậy, tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi là sắc-đi, oai-nghi đứng là sắc-đứng, oai-nghi ngồi là sắc-ngồi, oai-nghi nằm là sắc-nằm phát sinh do tâm (cittajarūpa) là sắc-pháp thuộc về pháp-vô-ngã.

* Đối với hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ với iriyāpathapabba: Đối-tượng tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm trong phần thân-niệm-xứ. 1- Oai-nghi đi gọi là thân đi đó là tư thế đi, dáng đi cũng gọi là sắc-đi.

2- Oai-nghi đứng gọi là thân đứng đó là tư thế đứng, dáng đứng cũng gọi là sắc-đứng. 3- Oai-nghi ngồi gọi là thân ngồi đó là tư thế ngồi, dáng ngồi cũng gọi là sắc-ngồi. 4- Oai-nghi nằm gọi là thân nằm đó là tư thế nằm, dáng nằm cũng gọi là sắc-nằm.

* Đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng iriyāpathapabba: Tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi gọi là sắc-đi, oai-nghi đứng gọi là sắc-đứng, oai-nghi ngồi gọi là sắc-ngồi, oai-nghi nằm gọi là sắc-nằm, mà sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm đều là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).

1- Thế nào gọi là sắc-đi?

* Sắc-đi chính là tư thế đi, dáng đi, toàn thân di chuyển bước đi từng bước theo mỗi tư thế đi, mỗi dáng đi chuyển động một cách tự nhiên. Cho nên, sắc-đi ở trong trạng-thái động.

Sắc-đi thuộc về sắc-pháp phát sinh do tâm làm đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ đó là tư thế đi, dáng đi.

Có vô số dáng đi, nên có vô số sắc-đi.

2- Thế nào gọi là sắc-đứng?

* Sắc-đứng chính là tư thế đứng, dáng đứng, toàn thân đứng yên trong mỗi tư thế đứng, mỗi dáng đứng không cử động trong khoảnh khắc tuỳ theo nhân-duyên một cách tự nhiên. Cho nên, sắc-đứng ở trong trạng-thái tĩnh (hiện-tại ngắn ngủi tuỳ theo nhân-duyên).

Sắc-đứng thuộc về sắc-pháp phát sinh do tâm làm đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ đó là tư thế đứng, dáng đứng.

Có vô số dáng đứng, nên có vô số sắc-đứng.

3- Thế nào gọi là sắc-ngồi?

* Sắc-ngồi chính là tư thế ngồi, dáng ngồi, toàn thân ngồi, thân phần trên ngồi yên, thân phần dưới co theo mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi không cử động trong khoảnh khắc tuỳ theo nhân-duyên một cách tự nhiên. Cho nên, sắc-ngồi ở trong trạng-thái tĩnh (hiện-tại ngắn ngủi tuỳ theo nhân-duyên).

Sắc-ngồi thuộc về sắc-pháp phát sinh do tâm làm đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ đó là tư thế ngồi, dáng ngồi.

Có vô số dáng ngồi, nên có vô số sắc-ngồi.

4- Thế nào gọi là sắc-nằm?

* Sắc-nằm chính là tư thế nằm, dáng nằm, toàn thân nằm nghiêng, nằm ngửa theo mỗi tư thế nằm, mỗi dáng nằm không cử động trong khoảnh khắc tuỳ theo nhân-duyên một cách tự nhiên. Cho nên, sắc-nằm ở trong trạng-thái tĩnh (hiện-tại ngắn ngủi tuỳ theo nhân-duyên).

Sắc-nằm thuộc về sắc-pháp phát sinh do tâm làm đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ đó là tư thế nằm, dáng nằm.

Có vô số dáng nằm, nên có vô số sắc-nằm.

Cho nên, hành-giả có chánh-kiến thấy đúng, hiểu biết đúng rằng:

* Khi đi, không phải là ta đi, cũng không phải là ai đi, mà sự thật đúng theo thật-tánh-pháp chỉ có “thân đi” hoặc “sắc-đi” mà thôi. Đó là mỗi tư thế đi, mỗi dáng đi.

* Khi đứng, không phải là ta đứng, cũng không phải là ai đứng, mà sự thật đúng theo thật-tánh-pháp chỉ có “thân đứng” hoặc “sắc-đứng” mà thôi. Đó là mỗi tư thế đứng, mỗi dáng đứng.

* Khi ngồi, không phải là ta ngồi, cũng không phải là ai ngồi, mà sự thật đúng theo thật-tánh-pháp chỉ có “thân ngồi” hoặc “sắc-ngồi” mà thôi. Đó là mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi.

* Khi nằm, không phải là ta nằm, cũng không phải là ai nằm, mà sự thật đúng theo thật-tánh-pháp chỉ có “thân nằm” hoặc “sắc-nằm” mà thôi. Đó là mỗi tư thế nằm, mỗi dáng nằm.

Sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa) làm đối-tượng thiền-tuệ thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).

Phân biệt đối-tượng tứ-oai-nghi thuộc về chế-định-pháp, chân-nghĩa-pháp

Tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm là 1 trong 14 đối-tượng trong phần thân-niệm-xứ thuộc về sắc-pháp là chân-nghĩa-pháp, nên gọi là thân đi, thân đứng, thân ngồi, thân nằm hoặc sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm là sắc-pháp phát sinh do tâm.

Như vậy, danh từ ngôn ngữ gọi là “thân đi, thân đứng, thân ngồi, thân nằm hoặc sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm” thuộc về chế-định-pháp loại vijjamānapaññatti:

Chế-định-pháp có thật-tánh-pháp làm nền tảng.

Khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ sử dụng tứ-oai-nghi làm đối-tượng thiền-tuệ, cần phải học hỏi, nghiên cứu, hiểu biết rõ, phân biệt rõ tứ-oai-nghi như thế nào thuộc về chế-định-pháp và tứ-oai-nghi như thế nào thuộc về chân-nghĩa-pháp?

Đó là điều vô cùng hệ trọng đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, bởi vì đối-tượng chế-định-pháp và đối-tượng chân-nghĩa-pháp dẫn đến kết quả hoàn toàn khác nhau.

* Tứ-oai-nghi thuộc về chế-định-pháp

Tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm hoặc sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm nếu thuộc về đối-tượng chế-định-pháp thì có 2 loại:

– Atthapaññatti: Ý nghĩa, hình dạng chế định.

– Nāmapaññatti: Danh từ ngôn-ngữ chế định.

1- Atthapaññatti: Ý nghĩa, hình dạng chế định

Nếu hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng tứ-oai-nghi đó là sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm mà hành-giả có khái niệm về tư thế đi, dáng đi; tư thế đứng, dáng đứng; tư thế ngồi, dáng ngồi; tư thế nằm, dáng nằm ở trong tâm.

Như vậy, những đối-tượng khái niệm về tứ-oai-nghi ấy thuộc về atthapaññatti: Ý nghĩa, hình dáng chế định.

2- Nāmapaññatti: Danh từ ngôn-ngữ chế định

Nếu hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ hướng tâm đến đối-tượng khái niệm thuộc về atthapaññatti: Ý nghĩa, hình dáng chế định tứ-oai-nghi ở trong tâm:

– Về tư thế đi, dáng đi ấy, mà niệm tưởng trong tâm rằng: “Sắc-đi, sắc-đi,…”

– Về tư thế đứng, dáng đứng ấy, mà niệm tưởng trong tâm rằng: “Sắc-đứng, sắc-đứng, …”

– Về tư thế ngồi, dáng ngồi ấy, mà niệm tưởng trong tâm rằng: “Sắc-ngồi, sắc-ngồi, …”

– Về tư thế nằm, dáng nằm ấy, mà niệm tưởng trong tâm rằng: “Sắc-nằm, sắc-nằm, …”

Như vậy, những đối-tượng khái niệm về tứ-oai-nghi ấy thuộc về nāmapaññatti: Danh từ ngôn-ngữ chế định.

Nếu hành-giả đang niệm tưởng đến đối-tượng khái niệm về mỗi oai-nghi ở trong tâm thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma) là khái niệm về tư thế, về dáng của mỗi oai-nghi và danh từ ngôn-ngữ gọi sắc-đi,… hoặc sắc-đứng, … hoặc sắc-ngồi, … hoặc sắc-nằm, … thì tâm của hành-giả cũng có thể định-từng-thời trong đối-tượng oai-nghi ấy, nhưng không phải là thực-hành pháp-hành thiền-định, bởi vì tứ-oai-nghi không phải là đề-mục thiền-định, cũng không phải là thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, bởi vì đối-tượng mỗi oai-nghi ấy thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma), nên cũng không phải là đối-tượng thiền-tuệ, sẽ dẫn đến kết quả như sau:

– Tâm không thể thấy rõ, biết rõ được thật-tánh của sắc-pháp ấy.

– Tâm không thể thấy rõ, biết rõ được trạng-thái riêng của mỗi sắc-pháp ấy.

– Tâm không thể thấy rõ, biết rõ được sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp.

– Tâm không thể thấy rõ, biết rõ được 3 trạng-thái chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp.

Cho nên không thể dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không thể chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào, mà chỉ có được dục-giới thiện-nghiệp mà thôi.

* Tứ-oai-nghi thuộc về chân-nghĩa-pháp

Tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm hoặc sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm là sắc-pháp phát sinh do tâm thuộc về chân-nghĩa-pháp là:

– Sắc-đi đó là tư thế đi, dáng đi thuần tuý tự nhiên.

– Sắc-đứng đó là tư thế đứng, dáng đứng thuần tuý tự nhiên.

– Sắc-ngồi đó là tư thế ngồi, dáng ngồi thuần tuý tự nhiên.

– Sắc-nằm đó là tư thế nằm, dáng nằm thuần tuý tự nhiên. Tư thế đi, dáng đi; tư thế đứng, dáng đứng; tư thế ngồi, dáng ngồi; tư thế nằm, dáng nằm đều là sắc-pháp phát sinh do đại-thiện-tâm trong sạch, không có phiền-não làm ô nhiễm thì tư thế đi, dáng đi, tư thế đứng, dáng đứng, tư thế ngồi, dáng ngồi, tư thế nằm, dáng nằm ấy mới thật là thuần tuý tự nhiên. 

Nếu hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có chánh-niệm trực nhận, trí-tuệ tỉnh-giác trực giác ngay đối-tượng tư thế đi, dáng đi, hoặc tư thế đứng, dáng đứng, hoặc tư thế ngồi, dáng ngồi, hoặc tư thế nằm, dáng nằm là sắc-pháp phát sinh do đại-thiện-tâm trong sạch được thể hiện toàn thân, thì đối-tượng ấy thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) có khả năng dẫn đến kết quả như sau:

– Trí-tuệ có khả năng thấy rõ, biết rõ được thật-tánh của sắc-pháp, (danh-pháp).

– Trí-tuệ có khả năng thấy rõ, biết rõ được trạng-thái-riêng của mỗi sắc-pháp ấy, (mỗi danh-pháp ấy).

– Trí-tuệ thiền-tuệ có khả năng thấy rõ, biết rõ được sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp,

– Trí-tuệ thiền-tuệ có khả năng thấy rõ, biết rõ được 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, có khả năng chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

Hành-giả có khả năng chứng đắc thành Thánh-nhân bậc nào hoàn toàn tuỳ thuộc vào 10 pháp-hạnh ba-la-mật và năng lực của 5 pháp-chủ (indriya): Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của hành-giả ấy.

Cho nên, đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) có tầm quan trọng thiết yếu đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, bởi vì chỉ có sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp mới có thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới mà thôi.

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ thứ nhất gọi là nāmarūpaparicchedañāṇa trí-tuệ thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, làm nền tảng căn bản để cho các trí-tuệ thiền-tuệ tiếp theo tuần tự phát sinh như sau:

– Trí-tuệ thứ nhì gọi là nāmarūpapaccayapariggaha-ñāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.

– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ ba gọi là sammasanañāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp do nhân-duyên-diệt, nên thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp.

– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 gọi là uddayabbayānupassanā-ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại, do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt, nên thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại. Tiếp theo tuần tự cho đến:

– Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 12 gọi là saccānulomañāṇa:

Trí-tuệ thiền-tuệ thuận dòng theo 8 loại trí-tuệ thiền-tuệ phần trước và thuận dòng theo 37 pháp bodhipakkhiya-dhamma phần sau.

Từ trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa cho đến trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa còn thuộc về trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới (lokiyavipassanā), bởi vì tâm vẫn còn là đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ và đối-tượng thiền-tuệ vẫn còn là sắc-pháp, danh-pháp tam-giới có 3 trạng-thái chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, liền tiếp theo:

– Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ có đối-tượng Niết-bàn, làm phận sự chuyển dòng từ bậc thiện-trí phàm-nhân lên bậc Thánh-nhân, …

Như vậy, trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa đặc biệt này tuy tâm vẫn còn là đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ nhưng có đối-tượng Niết-bàn, siêu-tam-giới, liền tiếp theo trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, đó là 2 trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới là:

– Trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 maggañāṇa: Thánh-đạo-tuệ trong Thánh-đạo-tâm có khả năng diệt tận được tham-ái, phiền-não,… và trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 phalañāṇa: Thánh-quả-tuệ trong Thánh-quả-tâm có khả năng làm vắng lặng được tham-ái, phiền-não,… trở thành bậc Thánh-nhân.

Cho nên, đối-tượng thiền-tuệ ấy chỉ có sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp mà thôi.

Ngoài mọi đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp ra, các đối-tượng chế-định-pháp dù là đối-tượng vijjamānapaññatti: Chế-định-pháp có thật-tánh-pháp làm nền tảng cũng không thể làm đối-tượng thiền-tuệ được, bởi vì các đối-tượng nầy thuộc về chế-định-pháp.

Vì vậy, hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ cần phải biết 3 giai đọan:

1- Giai đọan đầu: Hành-giả cần phải học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu rõ, phân biệt rõ tất cả mọi đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp như thế nào thuộc về chân-nghĩa-pháp và như thế nào thuộc về chế-định-pháp, đó là điều tối quan trọng, bởi vì hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ chỉ có đối-tượng thiền-tuệ là sắc-pháp hoặc danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp mà thôi.

2- Giai đọan giữa: Khi hành-giả thuộc về hạng người tam-nhân (tihetukapuggala) có giới hạnh của mình trong sạch và trọn vẹn làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có chánh-niệm trực nhận đúng ngay đối-tượng sắc-pháp ấy hoặc danh-pháp ấy, và trí-tuệ tỉnh-giác trực giác ngay đối-tượng sắc-pháp ấy hoặc danh-pháp ấy, thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp ấy hoặc của danh-pháp ấy có trạng-thái-riêng của mỗi sắc-pháp ấy hoặc của mỗi danh-pháp ấy.

3- Giai đọan cuối: Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, làm cho phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ theo tuần tự thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp ấy; trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp ấy, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi tham-ái, mọi phiền-não.

Diệt tận được tham-ái, phiền-não nào do năng lực của mỗi Thánh-đạo-tuệ, và trở thành Thánh-nhân bậc nào hoàn toàn tuỳ thuộc vào 10 pháp-hạnh ba-la-mật và năng lực của 5 pháp-chủ: Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của hành-giả.

 

Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 15 - Nhận xét về đối-tượng tứ-oai-nghi
Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 17 - Phần pháp-hành tứ-oai-nghi

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *