Đức Pháp – Tứ Thánh Đế & Kinh Chuyển Pháp Luân

ĐỨC PHÁP (DHAMMA)

Đức Pháp dịch từ danh từ Pāḷi Dhamma ở đây có nghĩa là Chánh Pháp (Saddhamma) mà Đức Thế Tôn đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, hoàn hảo phần giữa, hoàn hảo phần cuối, đầy đủ ý nghĩa, văn chương trong sáng thanh tịnh.

Chánh pháp có 10 pháp là:

– Pháp học (Pariyattidhamma).

– 9 pháp Siêu tam giới (Navalokuttaradhamma).

PHÁP HỌC CHÁNH PHÁP

Là lời giáo huấn của Đức Phật gồm có Tam Tạng và Chú giải bằng tiếng Pāḷi.

CHUYỂN PHÁP LUÂN ĐẦU TIÊN

Vào ngày rằm tháng tư, Đức Phật xuất hiện trên thế gian, Đức Pháp cũng xuất hiện cùng một lúc ấy. Bởi vì, trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác là do chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Chánh Pháp, đó là chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn đầu tiên trên toàn cõi thế giới chúng sinh (Đức Tăng chưa xuất hiện).

Lần đầu tiên Đức Phật thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacak-kappavattanasutta) vào ngày rằm tháng sáu, để tế độ nhóm 5 Tỳ-khưu, tại vườn phóng sinh nai tên gọi Isipatana gần kinh thành Bārāṇasi. Khi đó là lúc mặt trời sắp lặn hướng Tây, mặt trăng vừa ló dạng hướng Đông. Lần đầu tiên, Đức Thế Tôn thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân này.

Bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattanasutta)

Phần I:  Ý nghĩa Kệ khai kinh Chuyển Pháp Luân

Bhikkhūnaṃ pañcavaggīnam…”
Vị Đại Phạm Thiên Sa-ham-pa-ti,
Thỉnh cầu Đức Phật, thuyết pháp độ sinh,
Đức Phật đại bi nhận lời cầu thỉnh
Thuyết pháp giảng giải pháp Tứ Thánh Đế,
Chánh pháp cao thượng chứng ngộ Niết Bàn
Tế độ chúng sinh, nhóm năm Tỳ-khưu
Tại khu rừng rậm, nơi phóng sinh nai
Tên gọi là I-si-pa-ta-na,
Mong sự lợi ích cho toàn chúng sinh,
Lắng nghe bài kinh Chuyển Pháp Luân này,
Thành tựu kết quả cõi người, cõi trời,
Niết Bàn tịch tịnh an lạc tuyệt đối
Chư thiên, phạm thiên vô cùng hoan hỷ,
Này chư thiện trí, xin hãy lắng nghe,
Chúng tôi tụng kinh Chuyển Pháp Luân ấy.

Phần II:  Ý nghĩa bài kinh Chuyển Pháp Luân

“Evam me sutam…”.

Lời Đại đức Ānanda bạch với Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa:

Kính bạch Đại đức Trưởng Lão Mahākassapa khả kính:

Con là Ānanda được nghe bài kinh Chuyển Pháp Luân từ Đức Thế Tôn như vầy:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại khu rừng phóng sinh nai, gọi là Isipatana, trước kia Chư Phật Độc Giác thường ngự xuống. Tại đây, Đức Thế Tôn gọi nhóm 5 Tỳ-khưu là Ngài Kondanna, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji mà dạy rằng:

Hai pháp thấp hèn (Dve antā)

– Này chư Tỳ-khưu, có 2 pháp cực đoan thuộc về hai biên kiến mà người xuất gia không nên hành theo, hai pháp ấy như thế nào?

Một là việc thường thụ hưởng khoái lạc trong ngũ dục do tâm tham ái hợp với thường kiến, là pháp thấp hèn của hạng phàm nhân trong đời; không phải là pháp hành của bậc Thánh Nhân, không đem lại lợi ích an lạc nào.

Hai là việc thường tự ép xác hành khổ mình do tâm sân và có đoạn kiến, thuộc pháp hành khổ hạnh của ngoại đạo; không phải là pháp hành của bậc Thánh Nhân, không đem lại lợi ích an lạc nào.

Pháp hành Trung Đạo (Majjhimāpatipadā)

– Này chư Tỳ-khưu, không thiên về hai biên kiến ấy, Như Lai đã hành theo pháp hành Trung Đạo, nên đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế bằng trí tuệ Siêu tam giới, làm cho tuệ nhãn phát sinh, trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới phát sinh, để làm vắng lặng mọi phiền não, làm cho trí tuệ Siêu tam giới phát sinh, chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

Này chư Tỳ-khưu, thế nào gọi là pháp hành Trung Đạo mà Như Lai đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế (bằng trí tuệ Siêu tam giới), làm cho tuệ nhãn phát sinh, trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới phát sinh, để làm vắng lặng mọi phiền não, làm cho trí tuệ Siêu tam giới phát sinh chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

Này chư Tỳ-khưu, pháp hành Trung Đạo đó chính là Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh cao thượng là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.     

Này chư Tỳ-khưu, nhờ pháp hành Trung Đạo là Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh cao thượng này, mà Như Lai đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế (bằng trí tuệ Siêu tam giới), làm cho tuệ nhãn phát sinh, trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới phát sinh, đã làm vắng lặng mọi phiền não, làm cho trí tuệ Siêu tam giới phát sinh chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

TỨ THÁNH ĐẾ

Tam Tuệ Luân trong Tứ Thánh Đế

Tam Tuệ Luân trong Khổ Thánh Đế

1- Trí tuệ học biết Khổ Thánh Đế (Saccanāna)

– Này chư Tỳ-khưu, tuệ nhãn (cakkhu) thấy rõ Khổ Thánh Đế đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ (nāna) thấy rõ thực tánh Khổ Thánh Đế đã phát sinh, trí tuệ sáng suốt (pannā) thấy rõ khổ sanh, khổ già… đã phát sinh, tuệ minh (vijjā) thấy rõ, thấu suốt hoàn toàn Khổ Thánh Đế đã phát sinh, ánh sáng trí tuệ (āloka) diệt màn vô minh che án Khổ Thánh Đế đã phát sinh đến với Như Lai trong mọi pháp Khổ Thánh Đế, mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng:

Thực tánh tất cả các pháp (danh pháp, sắc pháp) trong tam giới, ngoại trừ tâm tham ái ra, đều là Khổ Thánh Đế.

2- Trí tuệ hành biết Khổ Thánh Đế (Kiccanāna)

– Này chư Tỳ-khưu, tuệ nhãn… đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ…, trí tuệ sáng suốt…, tuệ minh, … ánh sáng trí tuệ… đã phát sinh đến với Như Lai, trong mọi pháp Khổ Thánh Đế, mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng:

Thực tánh tất cả các pháp (danh pháp, sắc pháp) Khổ Thánh Đế ấy là pháp nên biết rõ bằng Thánh Đạo Tuệ.

3- Trí tuệ thành biết Khổ Thánh Đế (Katanāna)

– Này chư Tỳ-khưu, tuệ nhãn… đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ…, trí tuệ sáng suốt…, tuệ minh, … ánh sáng trí tuệ… đã phát sinh đến với Như Lai, trong mọi pháp Khổ Thánh Đế, mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng:

Thực tánh tất cả các pháp (danh pháp, sắc pháp) Khổ Thánh Đế ấy là pháp nên biết, thì đã được biết rõ bằng Thánh Đạo Tuệ rồi.

Tam Tuệ Luân trong Nhân sinh Khổ Thánh Đế

1- Trí tuệ học biết Nhân sinh Khổ Thánh Đế (Saccanāna)

– Này chư Tỳ-khưu, tuệ nhãn thấy rõ tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh Đế đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ thực tánh ba loại tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh Đế đã phát sinh, trí tuệ sáng suốt thấy rõ 108 loại tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh Đế đã phát sinh, tuệ minh thấy rõ, thấu suốt Nhân sinh Khổ Thánh Đế đã phát sinh, ánh sáng trí tuệ diệt màn vô minh che án Nhân sinh Khổ Thánh Đế đã phát sinh đến với Như Lai, trong mọi pháp Nhân sinh Khổ Thánh Đế, mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng:

Thực tánh ba loại tham ái ấy là Nhân sinh Khổ Thánh Đế, hay Tập Thánh Đế.

2- Trí tuệ hành biết Nhân sinh Khổ Thánh Đế (Kiccanāna)

– Này chư Tỳ-khưu, tuệ nhãn… đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ…, trí tuệ sáng suốt…, tuệ minh, … ánh sáng trí tuệ… đã phát sinh đến với Như Lai, trong mọi pháp Nhân sinh Khổ Thánh Đế, mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng:

Thực tánh ba loại tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh Đế ấy là pháp nên diệt đoạn tuyệt bằng Thánh Đạo Tuệ.

3- Trí tuệ thành biết Nhân sinh Khổ Thánh Đế (Katanāna)

– Này chư Tỳ-khưu, tuệ nhãn… đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ…, trí tuệ sáng suốt…, tuệ minh, … ánh sáng trí tuệ… đã phát sinh đến với Như Lai, trong mọi pháp Nhân sinh Khổ Thánh Đế, mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng:

Thực tánh ba loại tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh Đế ấy là pháp nên diệt, thì đã được diệt đoạn tuyệt bằng Thánh Đạo Tuệ rồi.

Tam Tuệ Luân trong Diệt Khổ Thánh Đế

1- Trí tuệ học biết Diệt Khổ Thánh Đế (Saccanāna)

– Này chư Tỳ-khưu, tuệ nhãn thấy rõ Diệt Khổ Thánh Đế đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ Diệt Khổ Thánh Đế đã phát sinh, trí tuệ sáng suốt thấy rõ thực tánh mỗi loại Niết Bàn đã phát sinh; tuệ minh thấy rõ, thấu suốt Diệt Khổ Thánh Đế đã phát sinh, ánh sáng trí tuệ diệt màn vô minh che án Diệt Khổ Thánh Đế đã phát sinh, đến với Như Lai, trong mọi pháp Diệt Khổ Thánh Đế, mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng:

Thực tánh Niết Bàn là pháp Diệt Khổ Thánh Đế, hay Diệt Thánh Đế.

2- Trí tuệ hành biết trong Diệt Khổ Thánh Đế (Kiccanāna)

– Này chư Tỳ-khưu, tuệ nhãn… đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ…, trí tuệ sáng suốt…, tuệ minh, … ánh sáng trí tuệ… đã phát sinh đến với Như Lai trong mọi pháp Diệt Khổ Thánh Đế, mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng:

Thực tánh Niết Bàn là Diệt Khổ Thánh Đế ấy là pháp nên chứng ngộ bằng Thánh Đạo Tuệ.

3- Trí tuệ thành biết Diệt Khổ Thánh Đế (Katanāna)

– Này chư Tỳ-khưu, tuệ nhãn… đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ…, trí tuệ sáng suốt…, tuệ minh, … ánh sáng trí tuệ… đã phát sinh đến với Như Lai, trong mọi pháp Diệt Khổ Thánh Đế, mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng:

Thực tánh Niết Bàn là Diệt Khổ Thánh Đế ấy là pháp nên chứng ngộ, thì đã được chứng ngộ bằng Thánh Đạo Tuệ rồi.

Tam Tuệ Luân trong Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế

1- Trí tuệ học biết pháp hành diệt Khổ Thánh Đế (Saccanāna)

– Này chư Tỳ-khưu, tuệ nhãn thấy rõ Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế đã phát sinh, trí tuệ sáng suốt thấy rõ thực tánh của chánh kiến… đã phát sinh, tuệ minh thấy rõ, thấu suốt Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế đã phát sinh, ánh sáng trí tuệ diệt màn vô minh che án Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế đã phát sinh đến với Như Lai, trong mọi Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng:

Thực tánh Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh là pháp hành (dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn), diệt Khổ Thánh Đế, hay ĐạoThánh Đế.

2- Trí tuệ hành biết Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế (Kiccanāna)

– Này chư Tỳ-khưu, tuệ nhãn… đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ…, trí tuệ sáng suốt…, tuệ minh, … ánh sáng trí tuệ… đã phát sinh đến với Như Lai, trong mọi Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế, mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng:

Thực tánh Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh là pháp hành (dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn), diệt Khổ Thánh Đế ấy là pháp nên tiến hành để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế.

3- Trí tuệ thành biết Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế (Katanāna)

– Này chư Tỳ-khưu, tuệ nhãn… đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ…, trí tuệ sáng suốt…, tuệ minh, … ánh sáng trí tuệ… đã phát sinh đến với Như Lai, trong mọi Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế, mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng:

Thực tánh Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh là pháp hành (dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn), diệt Khổ Thánh Đế ấy là pháp nên tiến hành, thì đã được tiến hành, chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế rồi.

Vai trò quan trọng của Tam Tuệ Luân

– Này chư Tỳ-khưu, khi nào trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của Tứ Thánh Đế theo Tam Tuệ Luân (trí tuệ học, trí tuệ hành, trí tuệ thành), thành 12 loại trí tuệ hoàn toàn trong sáng, thanh tịnh chưa phát sinh đến với Như Lai.

Này chư Tỳ-khưu, khi ấy Như Lai chưa dám truyền dạy rằng Như Lai chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác vô thượng trong toàn thế giới chúng sinh: nhân loại, Vua chúa, Samôn, Bàlamôn, chư thiên, Ma vương và phạm thiên cả thảy.

Này chư Tỳ-khưu, khi nào trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ thực tánh của Tứ Thánh Đế theo Tam Tuệ Luân, thành 12 loại trí tuệ hoàn toàn trong sáng, thanh tịnh đã phát sinh đến với Như Lai.

Này chư Tỳ-khưu, khi ấy, Như Lai khẳng định truyền dạy rằng: Như Lai đã chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác vô thượng, trong toàn thế giới chúng sinh: Nhân loại, Vua chúa, Samôn, Bàlamôn, chư thiên, Ma vương và phạm thiên cả thảy.

Trí tuệ quán xét (paccavekkhananāna)

Trí tuệ quán xét đã phát sinh đến với Như Lai, biết rõ rằng: Arahán Thánh Quả Tuệ giải thoát của Như Lai không bao giờ bị hư hoại, kiếp này là kiếp chót, sau kiếp này, chắc chắn không còn tái sinh kiếp nào nữa.

Đại đức Kondanna chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế

Đức Thế Tôn thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân này xong, nhóm 5 Tỳ-khưu vô cùng hoan hỷ với lời giáo huấn của Ngài. Trong khi bài pháp văn xuôi đang được thuyết giảng, thì Đại đức Kondanna đã phát sinh pháp nhãn chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo Tuệ, tâm không còn ô nhiễm bởi phiền não, tà kiến, hoài nghi nữa; Ngài biết rõ ràng, chắc chắn rằng: “Tất cả các pháp nào trong tam giới có trạng thái sinh, thì tất cả pháp ấy đều có trạng thái diệt”.

Toàn thể chư thiên, phạm thiên tán dương, ca tụng

Khi Đức Thế Tôn thuyết giảng kinh Chuyển Pháp Luân vừa xong, chư thiên trên địa cầu đồng thanh tán dương ca tụng rằng:

Đức Thế Tôn Chuyển Pháp Luân vô thượng tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần thành Barānasī, chưa từng có Samôn, Bàlamôn, chư thiên, Ma vương, phạm thiên hay bất cứ một ai trong đời này có thể Chuyển Pháp Luân như vậy được.

Đồng thời, chư thiên ở cõi Tứ Đại Thiên Vương được nghe lời tán dương ca tụng của chư thiên địa cầu, cũng đồng thanh tán dương ca tụng như trên.

Cũng như vậy, chư thiên trong cõi Tam Thập Tam Thiên, cõi Dạ Ma Thiên, cõi Đẩu Suất Đà Thiên, cõi Hóa Lạc Thiên, cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên cũng đồng thanh tán dương ca tụng như trên.

Phạm thiên ở cõi trời sắc giới được nghe lời tán dương ca tụng của chư thiên trong cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên, cũng đồng thanh tán dương ca tụng rằng:

“Đức Thế Tôn Chuyển Pháp Luân vô thượng tại khu rừng phóng sanh nai gọi là Isipatana, gần thành Barānasī, chưa tùng có Samôn, Bàlamôn, chư thiên, Ma vương, phạm thiên hay bất cứ một ai trong đời này có thể Chuyển Pháp Luân như vậy được”.

Ngay khi ấy, ngay lúc ấy, ngay sát- na ấy, lời tán dương ca tụng lên đến cõi sắc giới phạm thiên cao nhất là Sắc cứu cánh thiên(Akanitthā), mười ngàn thế giới này đều rung chuyển, rúng động, rung rinh, ánh sáng hào quang của Đức Chánh Đẳng Giác tỏa rộng vô biên cùng khắp thế giới, hơn hẳn oai lực chư thiên, phạm thiên cả thảy.

Đại đức Kondanna có tên Annasikondanna

Khi Đại đức Kondanna chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, Đức Thế Tôn hoan hỷ tự thốt lên cho toàn thế giới biết rằng:

– Này chư vị, quả thật Kondanna đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế rồi!

Này chư vị, quả thật Kondanna đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế rồi!

Do vậy, Đại đức Kondanna được gọi là Annasikondanna (Đại đức Kondanna đã chứng ngộ).

Đại đức Annasikondanna xin thọ Tỳ-khưu

Khi ấy, Đại đức Annasikondanna đã phát sinh trí tuệ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, đã đạt đến chân lý Tứ Thánh Đế, đã biết rõ đúng theo chân lý Tứ Thánh Đế, đã thấu rõ, thông suốt chân lý Tứ Thánh Đế, nên đã diệt đoạn tuyệt hoàn toàn mọi điều hoài nghi nơi Đức Phật, Đức Pháp,… không còn hoài nghi nào nữa, với trí tuệ thiền tuệ của mình đã chứng ngộ đúng theo lời giáo huấn của Đức Thế Tôn, nên không còn tin nơi người nào khác nữa.

Đại đức Annasikondanna thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi bạch rằng:

– Kính bạch Đức Thế Tôn cao thượng, con xin nương nhờ nơi Ngài, kính xin Ngài cho phép con được thọ Sa di và Tỳ-khưu.

Đức Thế Tôn từ bi đưa ngón tay trỏ chỉ và truyền dạy:

“Ehi bhikkhu! Svākkhāto dhammo cara brahmacariyam sammā dukkhassa antakiriyāya”.

“Con hãy đến với Như Lai! Con trở thành Tỳ-khưu theo ý nguyện! Chánh pháp mà Như Lai đã thuyết giảng, hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối. Con hãy nên cố gắng tinh tấn hành phạm hạnh cao thượng để chứng đắc Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, để chấm dứt khổ tử sinh luân hồi”.

Đức Thế Tôn chỉ thuyết dạy như vậy, Đại đức Annasikondanna đã trở thành Tỳ-khưu (Xuất gia trở thành Tỳ-khưu theo cách gọi Ehi bhikkhū!).

(Xong bài kinh Chuyển Pháp Luân)

*

Trong khi lắng nghe Đức Phật thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân, nhóm 5 Tỳ-khưu chỉ có Ngài Đại đức Koṇḍanna chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế y theo Đức Phật, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Gotama, cùng với 180 triệu chư thiên, phạm thiên cũng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế y theo Đức Phật, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn tùy theo pháp hạnh ba-la-mật của mỗi vị.

Sau khi đã trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, Ngài Đại đức Koṇḍanna được Đức Phật cho phép thọ Sadi, Tỳ-khưu.

Đức Phật cho phép thọ Tỳ-khưu theo cách Ehi-bhikkhūpasampadā. Đức Phật đưa bàn tay phải, chỉ bằng ngón trỏ về phía Ngài Koṇḍanna dạy rằng:

Ehi Bhikkhu! Svākkhāto dhammo cara brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya.

Nghĩa: “Con hãy đến với Như Lai! Con trở thành Tỳ-khưu theo ý nguyện! Chánh pháp mà Như Lai đã thuyết giảng, hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối. Con hãy nên cố gắng tinh tấn hành phạm hạnh cao thượng, để chứng đắc Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, để chấm dứt sự khổ tử sinh luân hồi”.

Thật kỳ diệu thay! Khi Đức Phật vừa chấm dứt câu, ngay khi ấy, hình tướng cũ Đạo sĩ của Ngài Đại đức Koṇḍanna biến mất, thay vào tăng tướng mới, đạo mạo một Tỳ-khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của Samôn (là tam y, bình bát, dây thắt lưng, dao cạo tóc,ống kim chỉ và đồ lọc nước) thành tựu do phước thần thông của Ngài. Vị Tỳ-khưu có tăng tướng trang nghiêm, lục căn thanh tịnh như một vị Tỳ-khưu có 60 hạ.

TAM BẢO TRỌN VẸN XUẤT HIỆN

Đức Phật thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân lần đầu tiên vào ngày rằm tháng sáu. Ngài Đại đức Koṇḍanna chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Gotama. Đức Phật cho phép Ngài xuất gia thọ Tỳ-khưu đầu tiên. Ngay khi ấy, Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo trọn vẹn đầu tiên xuất hiện trên thế gian.

Trong nhóm 5 Tỳ-khưu, Ngài Koṇḍanna trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, còn lại 4 vị Tỳ-khưu khác, Đức Phật còn phải dạy dỗ.

Sáng ngày 16 tháng 6, Đức Phật không ngự đi khất thực, ở lại trong khu rừng để dạy dỗ Ngài VappaNgài Bhaddiya, còn 3 vị Tỳ-khưu: Ngài Koṇḍanna, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji đi khất thực, đem về dâng vật thực đến Đức Phật, phần vật thực còn lại phân chia đều cho 5 Tỳ-khưu độ trong ngày. Ngày 16 tháng 6, Ngài Vappa trở thành bậc Thánh Nhập Lưu và được Đức Phật cho phép thọ Tỳ-khưu cũng theo cách Ehi-bhikkhūpasampadā.

Ngày 17 tháng 6, Đức Phật dạy dỗ Ngài BhaddiyaNgài Mahānāma, còn Ngài Koṇḍanna, Ngài Vappa và Ngài Assaji đi khất thực đem về dâng vật thực đến Đức Phật, phần vật thực còn lại chia đều cho 5 Tỳ-khưu. Ngày 17 tháng 6, Ngài Bhaddiya trở thành bậc Thánh Nhập Lưu và được Đức Phật cho phép thọ Tỳ-khưu theo cách Ehi-bhikkhūpasampadā.

Ngày 18 tháng 6, Đức Phật dạy dỗ Ngài MahānāmaNgài Assaji, còn Ngài Koṇḍanna, Ngài Vappa và Ngài Bhaddiya đi khất thực đem về dâng vật thực đến Đức Phật, phần vật thực còn lại chia đều cho 5 vị Tỳ-khưu.

Ngày 18 tháng 6, Ngài Mahānāma trở thành bậc Thánh Nhập Lưu và được Đức Phật cho phép thọ Tỳ-khưu theo cách Ehi-bhikkhūpasampadā.

Ngày 19 tháng 6, Đức Phật dạy dỗ Ngài Assaji, còn 4 vị Tỳ-khưu đi khất thực đem về dâng vật thực đến Đức Phật, phần còn lại chia đều đến 5 vị Tỳ-khưu. Ngày 19 tháng 6, Ngài Assajitrở thành bậc Thánh Nhập Lưu và được Đức Phật cho phép thọ Tỳ-khưu theo cách Ehi-bhikkhūpasampadā.

Như vậy nhóm 5 Tỳ-khưu đều trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, mới là bậc Thánh thứ nhất trong Phật giáo. Muốn nâng đỡ nhóm 5 Tỳ-khưu lên bậc Thánh Arahán, ngày 20 tháng 6, Đức Phật thuyết bài kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhaṇasutta). Thật vậy, sau khi nghe Đức Phật thuyết bài kinh Vô Ngã Tướng xong, nhóm 5 Tỳ-khưu đều chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc từ Nhất Lai Thánh Đạo – Nhất Lai Thánh Quả, Bất Lai Thánh Đạo – Bất Lai Thánh Quả cho đến Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng trong Phật giáo, diệt đoạn tuyệt hoàn toàn mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp không còn dư sót.

Như vậy, Đức Phật có 5 vị Thánh Arahán đã xuất hiện trên thế gian này.

Tóm lược cốt yếu bài kinh Chuyển Pháp Luân

Tứ Thánh Đế là 4 sự thật chân lý mà bậc Thánh Nhân đã chứng ngộ đó là:

1- Khổ Thánh Đế đó là danh pháp, sắc pháp trong tam giới đều là khổ, là chân lý mà bậc Thánh Nhân đã chứng ngộ.

2- Nhân sinh Khổ Thánh Đế đó là tham ái là nhân sinh Khổ Thánh Đế, là chân lý mà bậc Thánh Nhân đã chứng ngộ, hay gọi tắt là Tập Thánh Đế.

3- Diệt Khổ Thánh Đế đó là Niết Bàn là pháp diệt khổ Thánh Đế, là chân lý mà bậc Thánh Nhân đã chứng ngộ, hay gọi tắt là Diệt Thánh Đế.

4- Pháp hành Diệt Khổ Thánh Đế đó là Bát Chánh Đạo hợp đủ 8 chánh, là pháp hành dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn diệt Khổ Thánh Đế, là chân lý mà bậc Thánh Nhân đã chứng ngộ, hay gọi tắt là Đạo Thánh Đế.

Tứ Thánh Đế này là nền tảng căn bản, là cốt lõi quan trọng trong giáo pháp của Chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai.

Trong bài kinh Chuyển Pháp Luân, có một đoạn mà Đức Thế Tôn khẳng định truyền dạy trong toàn cõi thế giới chúng sinh rằng:

“Yato ca kho me bhikkhave imesu catūsu ariyasaccesu evam tiparivattam dvādasākāram yathā bhūtam nānadassanam suvisuddham ahosi. Athāham bhikkhave sadevake loke samārake sabrahmake sassamanabrāhmaniyā pajāya devamanussāya “anuttaram sammāsambodhim abhisambuddho” ti paccannāsim…”.

– Này chư Tỳ-khưu, khi nào trí tuệ thiền tuệ đã thấy rõ, biết rõ đúng thực tánh của Tứ Thánh Đế theo Tam Tuệ Luân thành 12 loại trí tuệ trong sáng thanh tịnh, đã phát sinh đến với Như Lai.

Này chư Tỳ-khưu, khi ấy Như Lai khẳng định truyền dạy rằng: Như Lai đã chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác vô thượng trong toàn thế giới chúng sinh: Nhân loại, Vua chúa, Samôn, Bàlamôn, chư thiên, Ma Vương và phạm thiên cả thảy.

Như vậy, Đức Thế Tôn có danh hiệu Sammāsambuddha vì chính Ngài tự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế theo Tam Tuệ Luân là:

– Trí tuệ học (saccanāna) trong Tứ Thánh Đế.
– Trí tuệ hành (kiccanāna) trong Tứ Thánh Đế.
– Trí tuệ thành (katanāna) trong Tứ Thánh Đế.

Ba loại trí tuệ trong Tứ Thánh Đế (3 x 4) thành 12 loại trí tuệ, mà Đức Phật đã chứng đạt một cách hoàn toàn trong sáng thanh tịnh, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddho).

Đối với hàng Phật tử là bậc xuất gia Sa di, Tỳ-khưu, cũng như hàng tại gia cư sĩ là cận sự nam, cận sự nữ, cùng tất cả chư thiên, phạm thiên có nguyện vọng trở thành bậc Thánh Nhân, cũng phải hành theo con đường duy nhất mà Đức Phật đã tiến hành. Đó là: Pháp hành trung đạo để dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế theo Tam Tuệ Luân, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, pháp giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Tìm hiểu rõ ý nghĩa Tứ Thánh Đế

Trong bộ Thanh Tịnh Đạo giảng giải 16 ý nghĩa của Tứ Thánh Đế như sau:

1- Khổ Thánh Đế đó là ngũ uẩn chấp thủ, hay danh pháp, sắc pháp trong tam giới là sự thật chân lý Khổ Thánh Đế có 4 ý nghĩa thực chất của khổ là:

Thực chất của khổ luôn luôn hành hạ.
Thực chất của khổ là do nhân duyên cấu tạo.
Thực chất của khổ làm nóng nảy.
Thực chất của khổ là do luôn luôn sinh diệt.

2- Nhân sinh khổ Thánh Đế đó là tâm tham ái Nhân sinh Khổ Thánh Đế có 4 ý nghĩa thực chất của tham ái là:

Thực chất của tham ái là Nhân sinh khổ.
Thực chất của tham ái làm cho phát sinh khổ đế.
Thực chất của tham ái ràng buộc trong khổ, không thoát ra khỏi khổ được.
Thực chất của tham ái dính mắc ở trong khổ đế.

3- Diệt Thánh Đế đó là Niết Bàn là pháp diệt Khổ Thánh Đế, có 4 ý nghĩa thực chất của Niết Bàn là:

Thực chất của Niết Bàn giải thoát mọi cảnh Khổ Thánh Đế.
Thực chất của Niết Bàn không bị ràng buộc ở trong Khổ Thánh Đế.
Thực chất của Niết Bàn không bị nhân duyên nào cấu tạo.
Thực chất của Niết Bàn không có tử sinh luân hồi.

4- Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế đó là Pháp hành Bát Chánh Đạo dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn, có 4 ý nghĩa thực chất của pháp hành Bát Chánh Đạo là:

Thực chất của pháp hành Bát Chánh Đạo dẫn đến giải thoát khổ tử sinh luân hồi.
Thực chất của pháp hành Bát Chánh Đạo là nhân dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn.
Thực chất của pháp hành Bát Chánh Đạo để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế.
Thực chất của pháp hành Bát Chánh Đạo dẫn đầu làm phận sự biết Khổ Thánh Đế, diệt Nhân sinh Khổ Thánh Đế, chứng ngộ Niết Bàn.

Tất cả 16 ý nghĩa thực chất của Tứ Thánh Đế này đồng thành tựu phận sự cùng một lúc ở trong Thánh Đạo Tâm, không trước không sau.

Tam Tuệ Luân (Tiparivatta)

Tam Tuệ Luân là 3 bậc trí tuệ luân chuyển theo Tứ Thánh Đế như sau:

Saccanāna: Trí tuệ học Tứ Thánh Đế.
Kiccanāna: Trí tuệ hành phận sự Tứ Thánh Đế.
Katanāna: Trí tuệ thành hoàn thành phận sự Tứ Thánh Đế.

1- Trí tuệ học biết Tứ Thánh Đế

1.1 Trí tuệ học biết Khổ Thánh Đế

Trí tuệ học hiểu biết rõ các chi pháp trong Khổ Thánh Đế.

Khổ Thánh Đế đó là ngũ uẩn chấp thủ, hay danh pháp, sắc pháp trong tam giới mà bậc Thánh Nhân đã chứng ngộ bằng Thánh Đạo Tuệ.

* Ngũ uẩn chấp thủ là:

Sắc uẩn chấp thủ: Sắc uẩn là đối tượng của tà kiến và tham ái chấp thủ.

Thọ uẩn chấp thủ: Thọ uẩn là đối tượng của tà kiến và tham ái chấp thủ.

Tưởng uẩn chấp thủ: Tưởng uẩn là đối tượng của tà kiến và tham ái chấp thủ.

Hành uẩn chấp thủ: Hành uẩn là đối tượng của tà kiến và tham ái chấp thủ.

Thức uẩn chấp thủ: Thức uẩn là đối tượng của tà kiến và tham ái chấp thủ.

* Danh pháp, sắc pháp trong tam giới là:

– Danh pháp đó là tâmtâm sở trong tam giới.

Tâm tam giới, có 81 tâm (không có 8 hay 40 tâm Siêu tam giới, vì không phải Khổ Thánh Đế):

Tâm dục giới có 54 tâm.

Tâm sắc giới có 15 tâm.

Tâm vô sắc giới có 12 tâm.

Tâm sở, có 51 tâm sở (không có tâm sở tham, vì tâm sở tham thuộc Tập Thánh Đế).

– Sắc pháp chỉ có trong dục giới và sắc giới, không có trong vô sắc giới gồm có tất cả 28 sắc pháp.

Như vậy, danh pháp, sắc pháp trong tam giới gồm có 81 tâm tam giới + 51 tâm sở + 28 sắc pháp là Khổ Thánh Đế, là pháp mà bậc Thánh Nhân đã chứng ngộ bằng Thánh Đạo Tuệ.

1.2 Trí tuệ học biết Nhân sinh khổ Thánh Đế

Trí tuệ học hiểu biết rõ chi pháp trong Nhân sinh khổ Thánh Đế.

Nhân sinh khổ Thánh Đế đó là tâm sở tham (lobhacetasika) có tên gọi là tham ái (tanhā) là Nhân sinh Khổ Thánh Đế.

Tham ái (tanhā): Có 3 loại, 6 loại, 18 loại, 54 loại, 108 loại theo cách tính như sau:

* Tham ái tính theo tính chất: Tính chất của tham ái có 3 loại:

Kāmatanhā: Dục ái, tham ái trong 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) không hợp với tà kiến.

Bhavatanhā: Hữu ái, tham ái trong 6 trần hợp với thường kiến (sassataditthi), hoặc tham ái trong cõi dục giới, cõi sắc giới, cõi vô sắc giới, trong thiền hữu sắc, thiền vô sắc.

Vibhavatanhā: Phi hữu ái, tham ái trong 6 trần hợp với đoạn kiến (ucchedaditthi).

* Tham ái tính theo đối tượng có 6 loại:

Tham ái phát sinh do nương nhờ 6 đối tượng như sau:

Sắc ái: Tham ái phát sinh do nương nhờ nơi đối tượng sắc trần.

Thanh ái: Tham ái phát sinh do nương nhờ nơi đối tượng thanh trần.

Hương ái: Tham ái phát sinh do nương nhờ nơi đối tượng hương trần.

Vị ái: Tham ái phát sinh do nương nhờ nơi đối tượng vị trần.

Xúc ái: Tham ái phát sinh do nương nhờ nơi đối tượng xúc trần.

Pháp ái: Tham ái phát sinh do nương nhờ nơi đối tượng pháp trần.

* Tham ái có 18 loại:

Tính theo 3 tính chất tham ái nhân với 6 đối tượng của tham ái thành 18 loại tham ái.

* Tham ái có 54 loại:

Tính theo tham ái phát sinh trong 3 thời như sau:

Thời quá khứ tham ái có 18 loại.
Thời hiện tại tham ái có 18 loại.
Thời vị lai tham ái có 18 loại.

* Tham ái có 108 loại:

Tính theo tham ái phát sinh bên trong của mình và bên ngoài mình của người khác, và vật khác (có sinh mạng và không sinh mạng) như sau: Bên trong mình tham ái có 54 loại; bên ngoài mình tham ái có 54 loại.

Tổng cộng tất cả bên trong và bên ngoài gồm có 108 loại tham ái. 108 loại tham ái đều là Nhân sinh Khổ Thánh Đế, là pháp mà bậc Thánh Nhân đã chứng ngộ bằng Thánh Đạo Tuệ.

Tâm tham ái không chỉ là nhân sinh khổ ở kiếp hiện tại, mà còn là nhân sinh khổ dẫn dắt tái sinh ở kiếp sau nữa. Hễ còn tâm tham ái, thì còn phải tái sinh kiếp sau, trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài vô cùng, vô tận.

1.3 Trí tuệ học biết Diệt Khổ Thánh Đế

Trí tuệ học hiểu biết rõ các chi pháp trong Diệt Khổ Thánh Đế.

Diệt Khổ Thánh Đế đó là Niết Bàn, pháp diệt Nhân sinh Khổ Thánh Đế, cũng là pháp diệt quả Khổ Thánh Đế.

* Niết Bàn có 2 loại theo Bậc Thánh Arahán:

Hữu Dư Niết Bàn (Sa upādisesanibbāna): Niết Bàn đối với bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt tất cả mọi tham ái, mọi phiền não không còn dư sót, cũng gọi là Phiền Não Niết Bàn(Kilesaparinibbāna), song ngũ uẩn vẫn còn tồn tại cho đến hết tuổi thọ.

Vô Dư Niết Bàn (Anupādisesanibbāna): Niết Bàn đối với bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt được tất cả mọi tham ái, mọi phiền não không còn dư sót; đồng thời đến lúc hết tuổi thọ, ngũ uẩn tịch diệt Niết Bàn, cũng gọi là Ngũ Uẩn Niết Bàn (Khandhaparinibbāna), chấm dứt sự tử sinh luân hồi trong tam giới.

* Niết Bàn có 3 loại theo đối tượng:

Vô Tướng Niết Bàn (Amimittanibbāna): Niết Bàn đối với hành giả tiến hành thiền tuệ. Khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô thường hiện rõ hơn trạng thái khổ trạng thái vô ngã, do tín pháp chủ có năng lực hơn 4 pháp chủ khác, dẫn đến sự chứng ngộ Niết Bàn gọi là “Vô Tướng Niết Bàn”: Niết Bàn không có hiện tượng pháp hành hữu vi.

Vô Ái Niết Bàn (Appanihitanibbāna): Niết Bàn đối với hành giả tiến hành thiền tuệ. Khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp có trạng thái khổ hiện rõ hơn trạng thái vô thường trạng thái vô ngã, do định pháp chủ có năng lực hơn 4 pháp chủ khác, dẫn đến sự chứng ngộ Niết Bàn gọi là “Vô Ái Niết Bàn”: Niết Bàn không có tham ái nương nhờ.

Chơn Không Niết Bàn (Sunnatanibbāna): Niết Bàn đối với hành giả tiến hành thiền tuệ. Khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô ngã hiện rõ hơn trạng thái vô thường trạng thái khổ, do tuệ pháp chủ có năng lực hơn 4 pháp chủ khác, dẫn đến sự chứng ngộ Niết Bàn gọi là “Chơn Không Niết Bàn”: Niết Bàn hoàn toàn vô ngã, không phải Ta, không phải của Ta.

Các loại Niết Bàn đều là Diệt Khổ Thánh Đế, là pháp mà chư bậc Thánh đã chứng ngộ bằng Thánh Đạo Tuệ và Thánh Quả Tuệ.

1.4 Trí tuệ học biết Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế

Trí tuệ học hiểu biết rõ các chi pháp trong Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế.

Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế: Đó là Bát Chánh Đạo hợp đủ 8 chánh, là pháp hành dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn diệt Khổ Thánh Đế.

Bát Chánh Đạo:

Chánh kiến: Trí tuệ chân chính là trí tuệ thiền tuệ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế: Khổ Thánh Đế, Tập Thánh Đế, Diệt Thánh Đế và Đạo Thánh Đế.

Chánh tư duy: Tư duy chân chính là tư duy thoát ra khỏi ngũ trần, tư duy không làm khổ mình khổ người, tư duy không làm hại mình hại người.

Chánh ngữ: Nói lời chân chính là không nói dối, không nói lời chia rẽ, không nói lời thô tục chửi rủa mắng nhiếc, không nói lời vô ích.

Chánh nghiệp: Hành nghiệp chân chính là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.

Chánh mạng: Nuôi mạng chân chính là tránh xa cách sống tà mạng do thân và khẩu hành ác.

Chánh tinh tấn: Tinh tấn chân chính là

Tinh tấn diệt ác pháp đã phát sinh.
Tinh tấn ngăn không cho ác pháp phát sinh.
Tinh tấn làm cho thiện pháp phát sinh.
Tinh tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã phát sinh.

Chánh niệm: Niệm chân chính là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp, (ngoài ra không gọi là chánh niệm).

Chánh định: Định chân chính là định tâm trong các bậc thiền Siêu tam giới tâm có Niết Bàn làm đối tượng. (Ngoài ra, định tâm ở bậc thiền hữu sắc, thiền vô sắc không gọi là chánh định).

Bát Chánh Đạo hợp đủ 8 chánh, là pháp hành dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn diệt Khổ Thánh Đế, là pháp mà chư bậc Thánh đã chứng ngộ bằng Thánh Đạo Tuệ và Thánh Quả Tuệ.

Trên đây là 4 trí tuệ học hiểu biết các chi pháp của Tứ Thánh Đế, thuộc về phần Pháp học(pariyattidhamma).

2- Trí Tuệ hành phận sự Tứ Thánh Đế

Khi 4 trí tuệ học đã hiểu biết rõ tất cả chi pháp trong Tứ Thánh Đế xong rồi, luân chuyển đến 4 trí tuệ hành theo phận sự của mỗi Thánh Đế như sau:

2.1 Trí tuệ hành phận sự Khổ Thánh Đế

Khổ Thánh Đế đó là ngũ uẩn chấp thủ, hay danh pháp, sắc pháp trong tam giới, là pháp mà trí tuệ hành có phận sự nên biết (parinneyya), hay trí tuệ hành có phận sự nên biết danh pháp, sắc pháp là khổ đế. (không phải có phận sự nên diệt, nên chứng ngộ, nên tiến hành).

2.2 Trí tuệ hành phận sự Tập Thánh Đế

Nhân sinh Khổ Thánh Đế đó là tham ái, Nhân sinh Khổ Thánh Đế, là pháp mà trí tuệ hành có phận sự nên diệt (pāhātabba), hay trí tuệ hành có phận sự nên diệt tham ái. (không phải có phận sự nên biết, nên chứng ngộ, nên tiến hành).

2.3 Trí tuệ hành phận sự Diệt khổ Thánh Đế

Diệt Khổ Thánh Đế đó là Niết Bàn diệt Nhân sinh Khổ Thánh Đế, là pháp mà trí tuệ hành có phận sự nên chứng ngộ (sacchikātabba), hay trí tuệ hành có phận sự nên chứng ngộ Niết Bàn. (không phải có phận sự nên biết, nên diệt, nên tiến hành).

2.4 Trí tuệ hành phận sự Pháp hành diệt khổ Thánh Đế

Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế đó là Bát Chánh Đạo pháp hành dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn, diệt Nhân sinh Khổ Thánh Đế, là pháp mà trí tuệ hành có phận sự nên tiến hành (bhāvetabba), hay trí tuệ hành có phận sự nên tiến hành Bát Chánh Đạo. (không phải có phận sự nên biết, nên diệt, nên chứng ngộ).

Trên đây là 4 trí tuệ hành phận sự của Tứ Thánh Đế, thuộc về phần pháp hành(patipattidhamma).

3- Trí Tuệ thành phận sự Tứ Thánh Đế

Khi 4 trí tuệ hành đang tiến hành phận sự Tứ Thánh Đế luân chuyển đến 4 trí tuệ thànhhoàn thành xong phận sự của mỗi Thánh Đế như sau:

3.1 Trí tuệ thành phận sự Khổ Thánh Đế

Khổ Thánh Đế: Đó là ngũ uẩn chấp thủ, hay danh pháp, sắc pháp trong tam giới, là pháp mà trí tuệ thành đã biết xong (parinnata), đã hoàn thành xong phận sự biết Khổ Thánh Đế, hay trí tuệ thành Thánh Đạo Tuệ – Thánh Quả Tuệ đã biết xong danh pháp, sắc pháp là Khổ Thánh Đế.

3.2 Trí tuệ thành phận sự Nhân sinh Khổ Thánh Đế

Nhân sinh Khổ Thánh Đế đó là tham ái, Nhân sinh Khổ Thánh Đế, là pháp mà trí tuệ thành đã diệt xong (pahīna), đã hoàn thành xong phận sự diệt Nhân sinh Khổ Thánh Đế, hay trí tuệ thành Thánh Đạo Tuệ – Thánh Quả Tuệ đã diệt xong tham ái.

3.3 Trí tuệ thành phận sự Diệt Khổ Thánh Đế

Diệt Khổ Thánh Đế đó là Niết Bàn diệt Nhân sinh Khổ Thánh Đế, là pháp mà trí tuệ thành đã chứng ngộ xong (sacchikata), đã hoàn thành xong phận sự chứng ngộ Diệt Khổ Thánh Đế, hay trí tuệ thành Thánh Đạo Tuệ – Thánh Quả Tuệ đã chứng ngộ xong Niết Bàn.

3.4 Trí tuệ thành phận sự Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế

Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế đó là Bát Chánh Đạo hợp đủ 8 chánh, pháp hành dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn là pháp mà trí tuệ thành đã tiến hành xong (bhāvita), đã hoàn thành xong phận sự tiến hành Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế, hay trí tuệ thành Thánh Đạo Tuệ – Thánh Quả Tuệ đã tiến hành xong Bát Chánh Đạo.

Trên đây là 4 trí tuệ thành đã hoàn thành xong mọi phận sự Tứ Thánh Đế, thuộc về pháp thành (paṭivedhadhamma), đó là sự chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả Niết Bàn, gọi là 9 pháp Siêu tam giới (navalokuttaradhamma).

Nhân Quả Liên Quan Tam Tuệ Luân

* Từ quả suy ra nhân:

4 trí tuệ thành đã hoàn thành xong 4 phận sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả Niết Bàn, đó là kết quả của 4 trí tuệ hành theo 4 phận sự của Tứ Thánh Đế.

4 trí tuệ hành hành đúng theo 4 phận sự của Tứ Thánh Đế, đó là kết quả của 4 trí tuệ học hiểu biết rõ Tứ Thánh Đế.

* Từ nhân đến quả:

4 trí tuệ học hiểu biết đúng theo các chi pháp của Tứ Thánh Đế, làm nhân duyên dẫn đến kết quả 4 trí tuệ hành theo 4 phận sự của Tứ Thánh Đế.

4 trí tuệ hành hành đúng theo 4 phận sự của Tứ Thánh Đế làm nhân duyên dẫn đến kết quả4 trí tuệ thành đã hoàn thành xong 4 phận sự của Tứ Thánh Đế. Đó là, sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả, Nhất Lai Thánh Đạo – Nhất Lai Thánh Quả, Bất Lai Thánh Đạo – Bất Lai Thánh Quả đến Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán. Trí tuệ thấy rõ, biết rõ phạm hạnh đã hoàn thành xong, kiếp này là kiếp chót, không còn phải tái sinh kiếp nào khác nữa.

Như trong đoạn kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Thế Tôn khẳng định:

“Nānanca pana me dassanam udapādi, akuppā me vimutti, ayamantimājāti, natthi dāni punabbhavo”.

Trí tuệ quán xét đã phát sinh đến Như Lai, biết rõ rằng: “Arahán Thánh Quả Tuệ giải thoát của Như Lai không bao giờ bị hư hoại, kiếp này là kiếp chót, sau kiếp hiện tại này, không còn phải tái sinh kiếp nào nữa.

Tượng Đức Phật Có Từ Thời Kỳ Nào & Các Biểu Tượng Phật Giáo
Tứ Thánh Đế - Tam Tuệ Luân Trong Mỗi Thánh Đế

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *