Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 39 – Cõi trời Tam-thập-tam-thiên

II.2.2- Tāvatiṃsābhūmi: Cõi trời Tam-thập-tam-thiên

Cõi trời Tam-thập-tam-thiên là cõi trời thứ nhì trong 6 cõi trời dục-giới, có vị trí nằm trên đỉnh núi Sineru.

Cõi trời Tam-thập-tam-thiên này có sự tích được tóm lược như sau:

Trong thời quá-khứ, một xóm nhà tên gọi là Macalagāma, có nhóm người sahapuññakārī (nhóm cùng tạo phước-thiện với nhau) gồm có 33 người đàn ông, người đứng đầu tên là Māghamānava.

Nhóm 33 người này cùng nhau làm vệ sinh xung quanh xóm làng, các đường sá, các ngõ hẻm đều sạch sẽ, để thuận tiện cho mọi người qua lại. Trên các con đường, rải rác làm chỗ đặt nồi nước sạch, để cho mọi người qua lại uống nước, xây dựng trại nghỉ chân dọc đường, để cho những người qua lại có chỗ nghỉ chân.

Nhóm 33 người này đồng tâm nhất trí với nhau tạo mọi phước-thiện, cho nên sau khi nhóm 33 người này chết, dục-giới thiện-nghiệp (đại-thiện-nghiệp) ấy cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới thứ nhì, tiền-kiếp của Māghamānava trở thành Đức-vua-trời Inda hoặc Đức-vua-trời Sakka và tiền-kiếp của 32 người bạn thân trở thành 32 vị chư-thiên bậc cao trên cõi trời dục-giới thứ nhì.

Vì vậy, cõi trời dục-giới thứ nhì gọi là Tāvatiṃsābhūmi: cõi trời Tam-thập-tam-thiên (cõi trời 33 vị chư-thiên).

Vấn: Ngoài cõi tam-giới gồm có 31 cõi-giới này ra, còn các cõi tam-giới khác, cõi trời dục-giới thứ nhì có tên gọi là cõi trời Tam-thập-tam-thiên hay không?

Đáp: Các cõi tam-giới gồm có 31 cõi-giới khác, cõi trời dục-giới thứ nhì cũng bắt chước tên gọi là cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Vị trí của 6 cõi trời dục-giới

1- Cõi trời Tứ-đại-thiên-vương nằm vị trí ở khoảng giữa núi Sineru, cách mặt đất loài người khoảng 42.000 do-tuần (yojana).

2- Cõi trời Tam-thập-tam-thiên nằm vị trí ở trên đỉnh núi Sineru, cách cõi trời Tứ-đại-thiên-vương khoảng 42.000 do-tuần (yojana).

3- Cõi trời Dạ-ma-thiên nằm ở trên hư không cao cách cõi trời Tam-thập-tam-thiên khoảng 42.000 do-tuần (yojana). 

4- Cõi trời Đâu-suất-đà-thiên nằm ở trên hư không cao cách cõi trời Dạ-ma-thiên khoảng 42.000 do-tuần (yojana).

5- Cõi trời Hóa-lạc-thiên nằm ở trên hư không cao cách cõi trời Đâu-suất-đà-thiên khoảng 42.000 do-tuần (yojana).

6- Cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên nằm ở trên hư không cao cách cõi trời Hóa-lạc-thiên khoảng 42.000 do-tuần (yojana).

Cõi trời Tam-thập-tam-thiên nằm vị trí ở trên đỉnh núi Sineru có bề mặt diện tích hình vuông mỗi cạnh khoảng 42.000 do-tuần (yojana), ngay trung tâm có kinh-thành Sudassana bề rộng mỗi cạnh 10.000 do-tuần, tất cả mặt bằng trên đỉnh núi Sineru được thành tựu bằng thất báu.

Toàn thể chư-thiên trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên có hai nhóm: nhóm bhummaṭṭha-devatā và nhóm ākāsaṭṭhadevatā.

* Nhóm bhummaṭṭhadevatā có Đức-vua-trời Inda (Sakka) và 32 vị thiên-nam cao quý cùng với nhóm chư-thiên thuộc hạ và 5 nhóm chư-thiên a-su-ra trú ngụ dưới núi Sineru cũng ở trong nhóm lớn bhummaṭṭhadevatā.

* Nhóm ākāsaṭṭhadevatā có những lâu đài nổi trong hư không phía trên đỉnh núi Sineru.

Trung tâm kinh-thành Sudassana có đại lâu đài Vejayanta là nơi ngự của Đức-vua-trời Sakka. 

* Hướng Đông của kinh-thành Sudassana có khu vườn Nandavana rộng 1.000 do-tuần, trong vườn có hai hồ nước: hồ lớn Mahānanda và hồ Cūḷananda, xung quanh hồ nước lát đá quý, để ngồi nghỉ ngơi.

* Hướng Tây của kinh-thành Sudassana có khu vườn Cittaladā rộng 500 do-tuần, có hai hồ nước: hồ lớn Vicitta và hồ Cūḷacitta.

* Hướng Bắc của kinh-thành Sudassana có khu vườn Missakavana rộng 500 do-tuần, có hai hồ nước: hồ Dhammā và hồ Sudhammā.

* Hướng Nam của kinh-thành Sudassana có khu vườn Phārusakavana rộng 700 do-tuần, có hai hồ nước: hồ Bhaddā và hồ Subhaddā.

Khu vườn 4 hướng này là nơi du ngoạn tiêu khiển của chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

* Hướng Đông Bắc của kinh-thành Sudassana có 2 khu vườn: khu vườn Puṇḍarika không rõ bề rộng và khu vườn Mahāvana rộng 700 do-tuần.

Cūḷāmaṇi Cetiya Và Sudhammasabhā

* Khu vườn Puṇḍarika có cây pārichatta hoặc parijāta cao 100 do-tuần có cành vươn rộng ra 50 do-tuần, khi đến mùa trổ hoa có mùi thơm tỏa ra xa 100 do-tuần.

Phía dưới tàng cây pārichatta có tấm đá quý làm chỗ ngồi gọi là Paṇḍukambalasilā bề ngang 50 do-tuần, bề dọc 60 do-tuần, bề dày 15 do-tuần có màu đỏ hồng như màu hoa.

* Ngôi bảo-tháp Cūḷāmaṇicetiya nơi tôn thờ Xá-lợi Răng nhọn bên phải của Đức-Phật Gotama và nắm tóc của Đức-Bồ-tát Siddhattha. Khi Đức-Bồ-tát đi xuất gia, cắt tóc ném lên hư không, khi ấy, Đức-vua-trời Sakka hiện xuống, hứng đón nhận nắm tóc, đem về tôn thờ trên ngôi bảo-tháp Cūḷāmaṇi này.

* Hội-trường Sudhammasabhā là nơi mà tất cả chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ tụ hội nghe pháp hoặc đàm đạo pháp tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

* Khu vườn Mahāvana có hồ nước rộng tên gọi là Sunandā và có lâu đài nguy nga tráng lệ là nơi du ngoạn tiêu khiển của Đức-vua-trời Sakka.

Tính chất cõi trời Tam-thập-tam-thiên

Chư-thiên là chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên có những tính chất đặc biệt như sau:

* Nếu là vị thiên-nam thì có thân hình dáng dấp trẻ trung trong độ tuổi 20, và nếu là vị thiên-nữ thì có thân hình trẻ đẹp trong độ tuổi 16. Tất cả mọi thiên-nam, mọi thiên-nữ vẫn duy trì độ tuổi ấy cho đến khi hết tuổi thọ 1.000 năm tuổi trời, so với thời gian trong cõi người là 36 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên bằng 100 năm trong cõi người.

Tất cả mọi thiên-nam, mọi thiên-nữ trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên không có già, bệnh, tóc bạc, răng rụng, da nhăn, v.v… vẫn duy trì sự trẻ trung, xinh đẹp cho đến hết tuổi thọ (chết) biến mất không có thi thể.

* Vật thực, nước uống của tất cả mọi thiên-nam, mọi thiên-nữ là vô cùng vi-tế, cho nên trong thân thể không có thải ra các chất cặn bã, nghĩa là không có tiểu tiện, đại tiện. Các thiên nữ không có kinh nguyệt, không có thai, bởi vì vị thiên-nam, vị thiên-nữ trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên đều hóa-sinh.

(Tuy nhiên cũng có số ít vị thiên-nữ trong cõi bhūmmaṭṭhadevatā giống như người nữ trong cõi người.)

Theo lệ thường, chư-thiên trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên này:

* Nếu vị thiên-nam, vị thiên-nữ là con thì hóa-sinh tại nơi vế của vị chư-thiên.

* Nếu vị thiên-nữ là vợ thì hóa-sinh tại chỗ nằm của vị thiên-nam. Mỗi vị thiên-nam có 500, 700, 1.000, v.v… vị thiên-nữ làm vợ.

* Nếu vị thiên-nam, vị thiên-nữ là vị hầu hạ thì hóa-sinh xung quanh chỗ nằm của vị chư-thiên ấy.

* Nếu vị thiên-nam, vị thiên-nữ là vị giúp công việc thì hóa-sinh trong lâu đài, hoặc trong phạm vi lâu đài của vị chư-thiên ấy.

* Nếu vị thiên-nam, vị thiên-nữ hóa-sinh ở bên ngoài khoảng giữa hai lâu đài của hai vị thiên-nam, nếu có sự tranh chấp giữa hai vị thiên-nam muốn vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ ấy là thuộc hạ của mình thì dẫn nhau đến hầu Đức-vua-trời Sakka phán xét.

Đức-vua-trời phán xét rằng:

“Nếu vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ nào xuất hiện gần với lâu đài của vị chư-thiên nào thì vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ thuộc về vị chư-thiên chủ của lâu đài ấy.”

“Vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ nào xuất hiện ngay khoảng giữa hai lâu đài của hai vị chư-thiên-nam, nếu vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ nhìn về hướng lâu đài vị chư-thiên nào thì thuộc về vị chư-thiên ấy.”

“Vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ nào xuất hiện ngay chính khoảng giữa hai lâu đài của hai vị chư-thiên, nếu vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ nhìn thẳng, không hướng về lâu đài của vị chư-thiên nào thì vị thiên-nam, vị thiên-nữ ấy thuộc về của Đức-vua-trời Sakka.”

Các vị thiên-nam, các vị thiên-nữ trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên có hào quang tỏa ra rộng lớn khác nhau, có những đồ trang sức, các loại châu báu quý giá khác nhau, có lâu đài to lớn nguy nga tráng lệ khác nhau, có thân hình xinh đẹp khác nhau, v.v… tiếp xúc với các đối-tượng tốt đáng hài lòng khác nhau, đó là do quả báu của các phước-thiện khác nhau, khác với loài người có thân hình ô-trọc. 

Cho nên, chư-thiên nếu tiếp xúc với mùi của loài người thì dù cách xa 100 do-tuần vẫn không thể chịu đựng nổi.

Cõi trời Tam-thập-tam-thiên có toàn những đối-tượng tốt thật vô cùng hoan-hỷ mà trong cõi người không sao sánh được, nhất là khu vườn Nandavana là nơi thật vô cùng hoan-hỷ bậc nhất trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Thật vậy, vị thiên-nam, vị thiên-nữ nào có nỗi khổ tâm vì lo sợ chết, nếu vị thiên-nam, vị thiên-nữ ấy đi đến du ngoạn tiêu khiển trong khu vườn Nandavana thì cảm nhận vô cùng hoan-hỷ, nên không còn khổ tâm nữa.

Đức-vua-trời Sakka

Đức-vua-trời Sakka là Đức-vua cao cả nhất trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên và cõi trời Tứ-đại-thiên-vương. Đức-vua-trời Sakka ngự tại lâu đài bằng vàng gọi là Vejayanta trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên. Lâu đài Vejayanta cao 1.000 do-tuần có những cây cột cờ cao 300 do-tuần cẩn bằng thất báu cắm xung quanh lâu đài.

* Đức-vua-trời Sakka có chiếc xe cũng có tên Vejayanta, phía trước xe là chỗ ngồi của vị thiên-nam lái xe Mātali dài 50 do-tuần, phần giữa xe là chỗ ngồi của Đức-vua-trời Sakka dài 50 do-tuần, phía sau xe dài 50 do-tuần, chiếc xe Vejayanta gồm có chiều dài 150 do-tuần, bề rộng 50 do-tuần. Chiếc ngai của Đức-vua-trời Sakka trên chiếc xe thành tựu bằng thất báu có chiều cao 1 do-tuần, bề rộng 1 do-tuần, phía trên có chiếc lọng lớn ba do-tuần, có 1.000 con ngựa báu trang hoàng những đồ trang sức quý giá để kéo chiếc xe Vejayanta (1.000 con ngựa báu không phải là loài súc-sinh mà chính là vị thiên-nam trên cõi trời biến hóa ra con ngựa báu).

* Nếu khi Đức-vua-trời Sakka muốn cỡi voi thì có con voi báu Erāvaṇa to lớn 150 do-tuần được trang hoàng lộng lẫy, voi báu Erāvaṇa này không phải là loài súc-sinh mà chính là vị thiên-nam biến hóa ra voi báu, …

Để trở thành Đức-vua-trời Sakka cần phải thực-hành 7 pháp:

1- Nuôi dưỡng cha mẹ một cách cung-kính và chu đáo.

2- Tôn kính bậc trưởng lão trong dòng họ và người trong đời.

3- Nói năng dịu dàng lễ phép đối với mọi người.

4- Không nói lời chia rẽ mà nói lời hòa thuận.

5- Không có tính keo kiệt trong của cải tài sản của mình mà hoan-hỷ tạo phước-thiện bố-thí.

6- Có tính chân thật với mình và mọi người.

7- Chế ngự được tính sân hận.

Cõi trời Tam-thập-tam-thiên

Cõi trời Tam-thập-tam-thiên có kinh-thành Sudassana, 4 khu vườn giải trí công cộng, đặc biệt có hai khu vườn Puṇḍarika và Mahāvana.

– Khu vườn Mahāvana là nơi mà Đức-vua-trời Sakka đến du lãm giải trí.

– Khu vườn Puṇḍarika là nơi đặc biệt quan trọng hơn các nơi khác, bởi vì có ngôi bảo-tháp Cūḷāmaṇicetiya, nơi tôn thờ Xá-lợi của Đức-Phật Gotama, có tảng đá Paṇḍukambalasilā dưới tàn cây Parichatta mà Đức-Phật Gotama đã từng ngự đến ngồi thuyết Abhidhamma-piṭaka: Tạng Vi-Diệu-Pháp gồm có 7 bộ, trong mùa hạ thứ 7 của Đức-Phật tại cung trời Tam-thập-tam-thiên và hội-trường Sudhammasabhā là nơi mà tất cả chư-thiên tụ hội nghe pháp hoặc đàm đạo pháp. 

Hội-Trường Sudhammasabhā

Hội-trường Sudhammasabhā nằm gần cây Parichatta. Cây Parichatta mỗi năm trổ hoa một lần, khi đến thời-kỳ trổ hoa, lá cây trở thành màu vàng, nhìn thấy lá màu vàng như vậy, chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ vui mừng hoan-hỷ sẽ được nhìn thấy hoa parichatta, đến khi gần trổ hoa, tất cả lá vàng đều rụng cả, tiếp theo toàn cây parichatta trổ hoa màu đỏ tỏa ra ánh sáng xung quanh 500 do-tuần, mùi thơm của hoa theo chiều gió 100 do-tuần.

Hội-trường Sudhammasabhā là nơi mà các vị thiên-nam, vị thiên-nữ hoan-hỷ tụ hội lắng nghe thuyết-pháp hoặc đàm đạo pháp có Đức-vua-trời Sakka chủ trì.

* Hội-trường Sudhammasabhā được thành tựu bằng thất báu, có chiều cao 500 do-tuần, rộng 300 do-tuần, nền lát bằng ngọc quý, cột bằng vàng, v.v… tất cả đều thành-tựu bằng 7 thứ báu.

Bên trong hội-trường, phía trên ngay ở giữa có một pháp-tòa thành-tựu bằng thất báu quý giá cao ba do-tuần, để vị Pháp-sư ngồi thuyết pháp.

Phía dưới có chỗ ngồi của Đức-vua-trời Sakka, kế tiếp 32 chỗ ngồi của 32 vị thiên-nam cấp cao quý và tiếp theo các vị thiên-nam, vị thiên-nữ theo thứ tự từ cao đến thấp.

Khi đến thời-kỳ nghe pháp tại hội trường Sudhammasabhā, Đức-vua-trời Sakka thổi tù-và bằng vỏ ốc gọi là vijayuttara dài 140 cùi tay, tiếng tù-và vang xa trong kinh-thành Sudassana, ngoài kinh-thành, và thổi tù-và chỉ một lần, âm thanh kéo dài lâu 4 tháng của cõi người.

Tất cả vị thiên-nam, vị thiên-nữ ở trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên này nghe tiếng tù-và báo hiệu, tất cả vị thiên-nam, vị thiên-nữ khắp mọi nơi đều đến hội-trường Sudhammasabhā.

Đức-vua-trời Sakka ra khỏi lâu đài Vejayanta cùng với 4 Chánh-cung hoàng-hậu là Nandā, Cittā, Sudhammā, Sujā lên voi báu Eravaṇa dẫn đầu tất cả vị thiên-nam, vị thiên-nữ ngự đến hội-trường Sudhammasabhā.

Pháp-sư là vị phạm-thiên Sunaṅkumāra từ cõi phạm-thiên hiện xuống thuyết-pháp, nếu khi vị phạm-thiên không hiện xuống thì Đức-vua-trời Sakka sẽ thay thế thuyết-pháp hoặc vị thiên nam nào có trí-tuệ sáng suốt hiểu biết chánh-pháp có khả năng cũng thuyết-pháp được.

Đức-vua-trời Sakka tủi thân

Đức-vua-trời Sakka có uy quyền bậc nhất trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên tư duy rằng:

“Ta là Đức-vua-trời là do nhờ quả báu của mọi phước-thiện mà tiền-kiếp của ta đã tạo trong thời-kỳ không có Phật-giáo, nên hào quang cùng những món đồ trang sức, lâu đài,… của ta không thể sánh với các vị thiên-nam mà tiền-kiếp của họ đã tạo mọi phước-thiện trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, nên các vị thiên-nam ấy có hào quang sáng choang cả hội trường, có những món đồ trang sức quý giá lộng lẫy, thậm chí có những lâu đài nguy nga tráng lệ hơn ta gấp bội.

Vậy, ta nên tìm cơ hội để tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến các Ngài Đại-Trưởng-lão có giới-đức cao thượng.”

Với thiên-nhãn đặc biệt hơn toàn thể chư-thiên trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên, Đức-vua-trời Sakka thấy rõ, biết rõ Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa nhập diệt-thọ-tưởng (nirodha-samāpatti) suốt bảy ngày đêm, Ngài Đại-Trưởng-lão vừa xả diệt-thọ-tưởng.

Theo lệ thường, sau khi xả diệt-thọ-tưởng, Ngài Đại-Trưởng-lão đi khất thực đến tế độ người nghèo khổ, để cho họ có được vô-lượng phước-thiện bố-thí và có được vô-lượng quả báu cao quý.

Sau khi thấy rõ, biết rõ như vậy, nên Đức-vua-trời Sakka truyền gọi Chánh-cung hoàng-hậu Sujā cùng nhau xuất hiện xuống cõi người, hóa thân thành hai ông bà lão thợ dệt nghèo khổ trong một căn nhà lá trên con đường mà Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa sẽ đi khất thực ngang qua.

Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa đi đến nhìn thấy căn nhà lá nghĩ rằng: “Hai ông bà thợ dệt này già cả như thế mà còn phải làm việc, chắc hẳn là người nghèo khổ nên tế độ.”

Nhìn thấy Ngài Đại-Trưởng-lão đứng trước cổng nhà, ông lão đi ra đảnh lễ dưới hai bàn chân của Ngài, rồi xin nhận cái bát.

Ngài Đại-Trưởng-lão trao cái bát với tâm bi, ông lão cung-kính đón nhận cái bát vào nhà, bỏ đầy vật thực ngon lành có vị trời, hai ông bà lão cùng nhau đem ra kính dâng lên Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa, cái bát tỏa ra mùi thơm của vật thực bay khắp kinh-thành Rājagaha.

Khi nhận cái bát, Ngài Đại-Trưởng-lão suy xét rằng: “Hai ông bà lão này là ai mà có món vật thực như vật thực của Đức-vua-trời vậy!”

Ngài Đại-Trưởng-lão biết ngay hai ông bà lão này chính là Đức-vua-trời Sakka và Chánh-cung hoàng-hậu Sujā hóa thân thành hai ông bà lão nghèo khổ như vậy. Ngài Đại-Trưởng-lão quở trách rằng:

– Này Đức-vua-trời Sakka! Đức-vua đã giành cơ hội của người nghèo khổ, đã làm việc không nên làm đối với địa vị cao cả như Đức-vua-trời! 

Nghe Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa quở trách như vậy, Đức-vua-trời Sakka kính bạch rằng:

– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, chúng con cũng là phận nghèo nàn trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên. Tuy con là Đức-vua-trời, nhưng hào quang, đồ trang sức, lâu đài,… không thể sánh với các vị thiên-nam mà tiền-kiếp của họ đã tạo mọi phước-thiện trong thời-kỳ có Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, nên các vị thiên-nam ấy có hào quang sáng choang cả hội trường, có những món đồ trang sức quý giá lộng lẫy, thậm chí có những lâu đài nguy nga tráng lệ hơn chúng con gấp bội.

Cho nên, chúng con cũng là phận nghèo nàn. Bạch Ngài.

Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa dạy rằng:

– Này Đức-vua-trời Sakka! Từ nay Đức-vua không nên lừa cúng dường lão Tăng như vậy nữa.

– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, nếu chúng con lừa cúng dường lên Ngài Đại-Trưởng-lão như vậy thì chúng con có được phước-thiện hay không? Bạch Ngài.

– Này Đức-vua-trời Sakka! Đức-vua vẫn có được phước-thiện vậy.

Đức-vua-trời Sakka và Chánh-cung-hoàng-hậu Sujā vô cùng hoan-hỷ, thành kính đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa rồi xin phép hồi cung trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên. Đức-vua-trời Sakka và Chánh-cung-hoàng-hậu Sujā bay lên hư không thốt lên lời hoan-hỷ 3 lần rằng:

“- Aho dānaṃ paramadānaṃ Kassape supaṭiṭ-ṭhitaṃ!

– Aho dānaṃ paramadānaṃ Kassape supaṭiṭ-ṭhitaṃ!

– Aho dānaṃ paramadānaṃ Kassape supatiṭ-ṭhitaṃ!”

“A! hạnh phúc quá! Phước-thiện mà chúng ta đã tạo do nương nhờ nơi Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa thật là phước-thiện bố-thí cao quý nhất, vững chắc nhất.” (3 lần)

Do nhờ năng lực của phước-thiện bố-thí cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa, từ đó, Đức-vua-trời Sakka có hào quang sáng ngời, có những món đồ trang sức quý giá lộng lẫy, thậm chí có những lâu đài cũng nguy nga tráng lệ không thua kém vị thiên-nam nào trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Đức-vua-trời Sakka trở thành bậc Thánh Nhập-lưu

Một thuở nọ Đức-Thế-Tôn ngự tại động núi Veriyaka, miền bắc của xóm làng Ambasaṇḍa, hướng Bắc của kinh-thành Rājagaha. Khi ấy, Đức-vua-trời Sakka thấy 5 hiện tượng gần chết của chư-thiên, nên phát sinh tâm sợ chết, Đức-vua-trời Sakka ngự xuống cõi người cùng với vị thiên-nam Pañcasikha đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, bạch hỏi 14 câu hỏi.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy giải đáp xong 14 câu hỏi. Khi ấy, Đức-vua-trời Sakka chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu. Ngay tại nơi ấy, Đức-vua-trời Sakka chuyển kiếp (cuti: chết), rồi hóa-sinh kiếp sau (paṭisandhi) trở lại là Đức-vua-trời Sakka (kiếp mới).

Đức-vua-trời Sakka thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, xin phép hồi cung trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Kiếp vị-lai của Đức-vua-trời Sakka

* Trong thời vị-lai, khi Đức-vua-trời Sakka hết tuổi thọ ở cõi trời Tam-thập-tam-thiên sẽ chuyển kiếp (cuti: chết), rồi tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi) xuống làm người trong cõi người, sẽ trở thành Đức-vua chuyển-luân-thánh-vương, sẽ trở thành bậc Thánh Nhất-lai tại cõi người.

* Khi Đức-vua chuyển-luân-thánh-vương hết tuổi thọ tại cõi người sẽ chuyển kiếp (cuti: chết), rồi hóa-sinh kiếp sau (paṭisandhi) lên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, làm vị thiên-nam, rồi sẽ trở thành bậc Thánh Bất-lai chứng đắc đến đệ-ngũ-thiền sắc-giới thiện-tâm, sau đó sẽ chuyển kiếp (cuti: chết), đệ-ngũ-thiền sắc-giới thiện-nghiệp cho quả hóa-sinh kiếp sau (paṭisandhi) lên 5 tầng trời sắc-giới Suddhāvāsa: Tịnh-cư-thiên, hết tuổi thọ ở tầng trời bậc thấp hóa-sinh kiếp sau lên tầng trời bậc cao theo tuần tự, từ tầng trời Avihā, tầng trời Atappā, tầng trời Sudassā, tầng trời Sudassī, cho đến tầng trời Akaniṭṭhā cuối cùng.

* Trong tầng trời sắc-giới Akaniṭṭhā, hậu-kiếp của Đức-vua-trời Sakka sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn tại tầng trời sắc-giới này, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

(Theo Chú-giải bộ Dī. Mahāvaggaṭṭhakathā, kinh Sakkapañhāsuttavaṇṇanā.)

Tích vị thiên-nam Rāhu-Asurinda

Trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên có vị thiên-nam tên Rāhu-asurinda có thân hình to lớn nhất trong 6 cõi trời dục-giới.

Thân hình của vị thiên-nam Rāhu-asurinda có chiều cao 4.800 do-tuần, hai vai rộng 112 do-tuần, chiều rộng vòng quanh thân hình có 600 do-tuần, hai bàn tay, hai bàn chân mỗi bàn lớn 200 do-tuần, ngón tay dài 50 do-tuần, cái đầu to 900 do-tuần, trán rộng 30 do-tuần, hai con mắt khoảng cách 50 do-tuần, lỗ mũi dài 300 do-tuần, miệng rộng 300 do-tuần.

Vị thiên-nam Rāhu-asurinda có thân hình to lớn là vị phó-vương trong cung điện của loài a-su-ra-kā-ya ở phía dưới núi Sineru. Khi nghe các chư-thiên tán dương ca tụng ân-đức của Đức-Phật Gotama, vị thiên-nam Rāhu-asurinda cũng muốn hiện xuống cõi người đến hầu Đức-Phật Gotama, nhưng suy nghĩ rằng:

“Ta có thân hình to lớn như thế này, nếu hiện xuống hầu Đức-Phật Gotama có thân hình nhỏ bé thì ta không thể cúi mặt nhìn thấy Đức-Phật được.”

Do suy nghĩ như vậy, nên không đến hầu Đức-Phật.

Một thời gian sau, nghe toàn thể chư-thiên đều tán dương ca tụng ân-đức của Đức-Phật Gotama vô lượng nên vị thiên-nam Rāhu-asurinda suy nghĩ rằng:

“Đức-Phật Gotama có 32 tướng tốt của bậc đại-nhân và 80 tướng tốt phụ, có ân-đức vô thượng như thế nào? Vả lại Đức-Phật xuất hiện trên thế gian là điều khó, rất hy hữu. Vậy, ta cũng nên cố gắng đến hầu Đức-Phật Gotama một lần cho biết.”

Khi ấy, biết rõ điều suy xét của thiên-nam Rāhu-asurinda, Đức-Phật nghĩ rằng:

Khi thiên-nam Rāhu-asurinda đến hầu, Như-lai nên ở trong oai-nghi nào trong 4 oai-nghi đi, đứng, ngồi, nằm. Con người đứng hoặc ngồi dù thấp cũng như cao. Vậy, Như-lai nên ở trong oai-nghi nằm nghiêng bên phải (Tathāgataseyyā), để vị thiên-nam Rāhu-asurinda nhìn thấy Như-lai trong oai nghi nằm nghiêng bên phải ấy.

Sau khi nghĩ như vậy, Đức-Phật truyền bảo Ngài Đại-đức Ānanda rằng:

– Này Ānanda! Con nên đặt chiếc giường nằm của Như-lai bên ngoài gần trước cửa cốc gandhakuṭi này, Như-lai sẽ nằm ở chỗ ấy.

Vâng lời Đức-Thế-Tôn, Ngài Trưởng-lão Ānanda đặt chiếc giường gần trước cửa cốc gandhakuṭi xong, Đức-Thế-Tôn ngự đến nằm nghiêng bên phải, tay phải chống cái đầu.

Khi ấy, vị thiên-nam Rāhu-asurinda từ trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên hiện xuống hầu Đức-Thế-Tôn, đứng ngửa mặt lên chắp hai tay trên trán nhìn Đức-Phật, như đứa bé ngửa mặt nhìn lên mặt trăng trên hư không. Đức-Thế-Tôn truyền hỏi rằng:

– Này Rāhu-asurinda! Ngươi đứng nhìn thấy Như-lai như thế nào?

Vị thiên-nam Rāhu-asurinda bạch với Đức-Thế-Tôn rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con không biết Đức-Thế-Tôn có nhiều oai lực vô thượng phi thường như thế này, thế mà con tưởng rằng con không thể cúi mặt mình nhìn thấy Ngài được, nên trước đây con không đến hầu Đức-Thế-Tôn.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

– Này Rāhu-asurinda! Khi tạo tất cả mọi pháp-hạnh ba-la-mật, Như-lai không hề cúi mặt rụt rè tạo các pháp-hạnh ba-la-mật, không hề thoái chí nản lòng, bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn. Vì vậy, những chúng-sinh có ý muốn nhìn thấy Như-lai, không cần phải cúi mặt xuống nhìn thấy Như-lai, như ngươi suy nghĩ.

Thấy rõ, biết rõ như vậy, vị thiên-nam Rāhu-asurinda phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, nên Đức-Phật thuyết-pháp tế độ vị thiên-nam Rāhu-asurinda.

* Sau khi lắng nghe Đức-Phật thuyết-pháp xong, vị thiên-nam Rāhu-asurinda phát sinh đức-tin trong sạch kính xin quy-y nương nhờ nơi Đức-Thế-Tôn, Đức-Pháp-bảo, chư tỳ-khưu-Tăng-bảo đến trọn kiếp.

Vị thiên-nam Rāhu-asurinda kính lễ Đức-Phật, xin phép trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

* Chư-thiên trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên có tuổi thọ 1.000 năm cõi trời, so với thời gian cõi người 36 triệu năm, bởi vì 1 ngày và 1 đêm bằng 100 năm cõi người.

 

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 38 - Cõi trời dục-giới: Cõi trời Tứ-đại-thiên-vương
Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 40 - Cõi trời Dạ-ma-thiên, Cõi trời Đâu-suất-đà-thiên, Cõi trời Hóa-lạc-thiên, Cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *