Những Tích Liên Quan Đến Phạm Điều-Giới Trong Bát-Giới Ājīvaṭṭhamakasīla
Quả Xấu Của Người Phạm Điều-Giới Nói Lời Chia Rẽ
* Tích Ngạ-Quỷ Sūciloma
Một thuở nọ, Đức-Phật đang ngự tại ngôi chùa dạy bài kinh Sūcilomasutta được tóm lược như sau:
Một buổi sáng, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna và Ngài Trưởng-lão Lakkhaṇa từ trên núi Gijjhakūṭa cùng nhau đi vào kinh-thành Rājagaha để khất thực.
– Trên đường từ trên núi Gijjhakūṭa đi xuống, Ngài Đại- Trưởng-lão Mahāmoggallāna nhìn thấy loài ngạ-quỷ có lông kim đâm thật là kỳ quái, nên Ngài Đại-Trưởng-lão mỉm cười. Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Lakkhaṇa hỏi Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna rằng:
– Kính thưa pháp-huynh Mahāmoggallāna, do nhân duyên nào mà pháp-huynh mỉm cười.
Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna trả lời rằng:
– Này pháp-hữu Lakkhaṇa! Bây giờ tôi chưa có thể trả lời được. Pháp-hữu chờ khi chúng ta cùng nhau đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, khi ấy, tôi sẽ trả lời cho pháp- hữu rõ.
Hai Ngài Trưởng-lão cùng nhau đi vào kinh-thành Rājagaha để khất thực. Sau khi độ vật thực xong, hai Ngài Trưởng-lão cùng nhau đến ngôi chùa Veḷuvana đảnh lễ Đức-Phật, rồi ngồi một nơi hợp lẽ.
Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Lakkhaṇa hỏi Ngài Đại- Trưởng-lão Mahāmoggallāna rằng:
– Kính thưa pháp-huynh Mahāmoggallāna, khi từ trên núi Gijjhakūṭa đi xuống, do nhân-duyên nào mà pháp- huynh mỉm cười?
Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna trả lời rằng:
– Này pháp-hữu Lakkhaṇa! Khi từ trên núi Gijjhakūṭa đi xuống, tôi nhìn thấy loài ngạ-quỷ có lông kim lơ lửng trên hư không, những lông kim ấy đâm từ đầu ra miệng, đâm từ miệng ra ngực, đâm từ sau ra bụng, đâm từ bụng ra 2 vế non, đâm từ 2 vế non ra 2 bắp chân, đâm từ 2 bắp chân ra 2 bàn chân. Ngạ-quỷ ấy đau đớn khóc than thảm thiết.
Khi ấy, Đức-Phật truyền dạy chư tỳ-khưu rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Như-lai là người có nhãn-thông thấy rõ loài ngạ-quỷ có lông kim ấy, đúng sự thật như vậy.
Thật ra, trước đây, Như-Lai đã từng gặp loài ngạ-quỷ có lông kim đâm ấy, nhưng Như-lai chưa cho các con biết có loài ngạ-quỷ như vậy, bởi vì Như-Lai nói ra, nếu người nào không tin Như-Lai thì điều ấy sẽ đem lại sự bất lợi, làm họ khổ lâu dài.
– Này chư tỳ-khưu! Tiền-kiếp của loài ngạ-quỷ có lông kim đâm ấy là người phạm điều-giới nói lời chia rẽ, tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ làm cho mọi người trong kinh-thành Rājagaha chia rẽ nhau, làm mất sự đoàn kết trong thời quá-khứ.
* Tích Ngạ-Quỷ Đầu Heo
Một thuở nọ, Đức-Phật ngự ở tại ngôi chùa Veḷuvana, gần kinh-thành Rājagaha. Khi ấy Đức-Phật đề cập đến loài ngạ-quỷ đầu heo sūkarapeta-vatthu được tóm lược như sau:
Một hôm, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna và Ngài Trưởng-lão Lakkhaṇa cùng nhau đi vào kinh-thành Rājagaha để khất thực. Trên đường từ trên núi Gijjhakūṭa đi xuống, đến một nơi Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmog-gallāna nhìn thấy loài ngạ-quỷ thật là kỳ quái, rồi Ngài mỉm cười. Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Lakkhaṇa hỏi rằng:
– Kính thưa pháp-phuynh Mahāmoggallāna, do nhân- duyên nào mà pháp-huynh mỉm cười.
Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna bảo rằng:
– Này pháp-hữu Lakkhaṇa! Bây giờ tôi chưa có thể trả lời được. Pháp-hữu chờ khi chúng ta cùng nhau đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, khi ấy, tôi sẽ trả lời cho pháp- hữu rõ.
Hai Ngài Trưởng-lão cùng nhau đi vào kinh-thành Rājagaha để khất thực. Sau khi độ vật thực xong, hai Ngài Trưởng-lão cùng nhau đến ngôi chùa Veḷuvana gần kinh-thành Rājagaha, vào đảnh lễ Đức-Phật, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Lakkhaṇa hỏi Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna rằng:
– Kính thưa pháp-huynh Mahāmoggallāna, khi từ trên núi Gijjhakūṭa đi xuống, do nhân-duyên nào mà pháp- huynh mỉm cười?
Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna trả lời rằng:
– Này pháp-hữu Lakkhaṇa! Khi ấy tôi nhìn thấy một ngạ-quỷ thật là kỳ quái, nó cao khoảng 3 gāvuta thân hình của nó giống người, cái đầu giống đầu heo, trong miệng của nó có mọc một cái đuôi, các con giòi chảy ra từ miệng. Tôi chưa từng thấy một loài ngạ-quỷ kỳ quái như vậy. Đó là nhân-duyên làm cho tôi mỉm cười.
Khi ấy, Đức-Phật truyền dạy rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Như-Lai, có nhãn-thông nhìn thấy được loài ngạ-quỷ có thân hình kỳ quái ấy, đúng sự thật như vậy.
Trước đây, chính Như-Lai cũng đã từng gặp ngạ-quỷ có thân hình kỳ quái ấy, nhưng Như-lai chưa cho các con biết có loài ngạ-quỷ như vậy, bởi vì Như-Lai nói ra, nếu người nào không tin Như-Lai thì điều ấy sẽ đem lại sự bất lợi, làm họ khổ lâu dài.
Bây giờ, Moggallāna nhìn thấy ngạ-quỷ ấy, nên Như- Lai truyền dạy cho các con biết rõ.
– Này chư tỳ-khưu! Moggallāna nhìn thấy và thuật lại loài ngạ-quỷ ấy có thân hình kỳ quái như vậy là hoàn toàn đúng với sự thật.
Lắng nghe Đức-Phật truyền dạy như vậy, chư tỳ-khưu bạch hỏi Đức-Phật rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, tiền-kiếp của loài ngạ-quỷ ấy đã tạo ác-nghiệp như thế nào, mà kiếp hiện-tại này là loài ngạ-quỷ có thân hình kỳ quái như vậy? Bạch Ngài.
* Đức-Phật truyền dạy về tiền-kiếp của loài ngạ-quỷ ấy là người phạm điều-giới nói lời chia rẽ giữa hai Ngài Trưởng-lão có giới-đức trong sạch trong thời-kỳ Đức- Phật Kassapa, được tóm lược như sau:
Trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa (thời đại con người có tuổi thọ khoảng 20.000 năm), hai Ngài Trưởng-lão rất thương yêu kính mến nhau, cùng sống chung trong một ngôi chùa làng. Vị Trưởng-lão lớn có 60 hạ và vị Trưởng-lão nhỏ có 56 hạ, Ngài Trưởng-lão nhỏ hạ hết lòng tôn kính Ngài Trưởng-lão cao hạ.
Hằng ngày, Ngài Trưởng-lão nhỏ hạ cung kính làm mọi phận sự như đem nước uống, nước dùng, quét dọn, giặt y,… cho Ngài Trưởng-lão cao hạ.
Khi Ngài Trưởng-lão cao hạ đi khất thực, thì Ngài Trưởng-lão nhỏ hạ mang y và bát theo sau … Ngài Trưởng-lão nhỏ hạ làm mọi phận sự như một vị sa-di cung kính phục vụ vị thầy của mình.
Hai Ngài Trưởng-lão sống chung hòa thuận với nhau như hai anh em ruột cùng cha mẹ sinh ra.
Một hôm, một vị pháp-sư đến chùa, nhằm vào ngày thuyết pháp, hai Ngài Trưởng-lão kính thỉnh vị pháp-sư thuyết pháp tế độ hai Ngài Trưởng-lão.
Sau khi lắng nghe pháp xong, hai Ngài Trưởng-lão phát sinh đức-tin vô cùng hoan hỷ.
Ngày hôm sau, hai Ngài Trưởng-lão kính thỉnh vị pháp-sư cùng đi vào xóm làng để khất thực. Sau khi thọ thực xong, hai Ngài Trưởng-lão kính thỉnh vị pháp-sư thuyết pháp tế độ những thí-chủ.
Nghe pháp rất hoan hỷ, những người thí-chủ kính thỉnh vị pháp-sư mỗi ngày đi khất thực, để họ có cơ hội tốt cúng dường vật thực và nghe pháp.
Sau khi trở về chùa, vị pháp-sư nghĩ rằng: “Hai Ngài Trưởng-lão này dễ dạy, những thí-chủ nơi đây có đức- tin nơi ta, vậy ta nên tìm cách làm cho hai Ngài Trưởng- lão bỏ ngôi chùa này đi nơi khác, một mình ta ở tại ngôi chùa này, ta được nhiều lợi ích biết dường nào.”
Sau khi suy nghĩ xong, lén tìm đến chỗ ở của Ngài Trưởng-lão cao hạ, vị pháp-sư bịa chuyện thưa với Ngài Trưởng-lão cao hạ rằng:
Thưa Ngài Trưởng-lão, tôi xin nói nhỏ cho Ngài biết, Ngài Trưởng-lão nhỏ hạ nói xấu Ngài, còn khuyên tôi không nên gần gũi thân cận với Ngài nữa.
Ban đầu, Ngài Trưởng-lão cao hạ không tin rằng đó là sự thật, bởi vì từ lâu họ đã sống chung với nhau như tình huynh đệ.
Rồi lại lén tìm đến chỗ ở của Ngài Trưởng-lão nhỏ hạ, vị pháp-sư bịa chuyện thưa với vị Trưởng-lão nhỏ hạ rằng:
– Thưa Ngài Trưởng-lão, tôi xin nói nhỏ cho Ngài biết, Ngài Trưởng-lão cao hạ nói xấu Ngài, còn khuyên tôi không nên gần gũi thân cận với Ngài nữa.
Ban đầu, Ngài Trưởng-lão nhỏ hạ không tin rằng đó là sự thật, bởi vì từ lâu họ đã sống chung với nhau như tình huynh đệ.
Vị pháp-sư cố gắng bịa chuyện nói như vậy nhiều lần, khiến gây ra sự ngờ vực giữa hai Ngài Trưởng-lão lẫn nhau, rồi từ ngờ vực lẫn nhau, phát sinh hiểu lầm nhau, dẫn đến tin rằng:‘Điều mà vị pháp-sư nói có lẽ là sự thật.’
Như thường ngày, đến giờ đi khất thực, Ngài Trưởng- lão nhỏ hạ đến đảnh lễ Ngài Trưởng-lão cao hạ xin nhận mang y bát theo sau, nhưng sáng hôm ấy Ngài Trưởng-lão cao hạ không cho Ngài Trưởng-lão nhỏ hạ nhận y bát của mình, mỗi Ngài Trưởng-lão đi khất thực riêng rẽ.
Khi xảy ra sự bất bình giữa hai Ngài Trưởng-lão với nhau, cả hai Ngài Trưởng-lão đều bỏ ngôi chùa đi mỗi người mỗi hướng, một Ngài Trưởng-lão đi về hướng Đông, còn Ngài Trưởng-lão khác đi về hướng Tây.
Chỉ còn lại một mình vị pháp-sư đi vào xóm làng để khất thực, những người thí-chủ bạch hỏi đến hai Ngài Trưởng-lão ấy, vị pháp-sư nói rằng:
Ngày hôm qua, hai Ngài Trưởng-lão ấy có chuyện bất hòa, cãi cọ với nhau, bần sư đã cố gắng hết sức khuyên bảo giải hòa, nhưng không được, cho nên hai Ngài Trưởng-lão đã đi khỏi ngôi chùa, mỗi người mỗi hướng.
Ngài Trưởng-lão cao hạ nghĩ rằng: “Ác-nghiệp của vị nhỏ hạ nặng thật, đã nói xấu ta, lại còn khuyên vị pháp-sư không nên gần gũi thân cận với ta.”
Và Ngài Trưởng-lão nhỏ hạ cũng nghĩ rằng: “Ác- nghiệp của vị cao hạ nặng thật, đã nói xấu ta, lại còn khuyên vị pháp-sư không nên gần gũi thân cận với ta.”
Vì vậy, hai Ngài Trưởng-lão mỗi vị đi một đường suốt 100 năm, tâm của hai Ngài Trưởng-lão không được an-lạc.
Một hôm, Ngài Trưởng-lão cao hạ đến tạm trú tại một ngôi chùa. Về sau, Ngài Trưởng-lão nhỏ hạ cũng ghé vào tạm trú tại ngôi chùa ấy. Ngẫu nhiên hai Ngài Trưởng-lão gặp lại nhau.
Ngài Trưởng-lão cao hạ nhận biết Ngài Trưởng-lão nhỏ hạ, và Ngài Trưởng-lão nhỏ hạ cũng nhận biết vị Trưởng-lão cao hạ, hai Ngài Trưởng-lão vô cùng cảm động và đều trào nước mắt.
Ngài Trưởng-lão nhỏ hạ đảnh lễ Ngài Trưởng-lão cao hạ xong, rồi bạch rằng:
– Kính bạch pháp-huynh, trong thời gian qua trước đây, pháp-đệ đã cung kính phục vụ pháp-huynh, nếu có phạm những lỗi nào làm phật ý pháp-huynh thì pháp-đệ xin thành tâm sám hối. Kính xin pháp-huynh có tâm từ, tâm bi tha thứ lỗi cho pháp-đệ.
Nghe Ngài Trưởng-lão nhỏ hạ kính bạch như vậy, Ngài Trưởng-lão cao hạ suy xét kỹ rồi trả lời rằng:
– Này pháp-đệ! Pháp-huynh chưa từng thấy lỗi nào mà pháp-đệ đã đối xử với pháp-huynh cả.
– Kính bạch pháp-huynh, nếu thật như vậy thì tại sao pháp-huynh nói xấu pháp đệ với vị pháp-sư, và khuyên vị pháp-sư không nên gần gũi thân cận với pháp-đệ?
Ngài Trưởng-lão cao hạ khẳng định rằng:
– Này pháp đệ! Pháp-huynh không bao giờ nói như vậy với vị pháp-sư ấy. Và chính vị pháp-sư đã nói với pháp-huynh rằng:
“Pháp-đệ nói xấu pháp-huynh với vị pháp-sư ấy, và khuyên vị pháp-sư không nên thân cận với pháp-huynh.”
Nghe Ngài Trưởng-lão cao hạ nói như vậy, Ngài Trưởng-lão nhỏ hạ khẳng định chắc chắn rằng:
– Kính bạch pháp-huynh, pháp-đệ không bao giờ dám nói xấu pháp-huynh với vị pháp-sư, và cũng không bao giờ khuyên vị pháp-sư không nên gần gũi thân cận với pháp-huynh.
Ngay lúc ấy, hai Ngài Trưởng-lão mới hiểu rõ rằng: “Vị pháp-sư có mưu đồ đen tối bịa chuyện nói lời chia rẽ, gây ra sự hiểu lầm giữa hai Ngài Trưởng-lão huynh đệ thân thiết như ruột thịt, làm cho hai Ngài Trưởng-lão giận hờn nhau bỏ đi mỗi vị một hướng, để ngôi chùa lại cho vị pháp-sư.”
Bây giờ, đã hiểu biết rõ như vậy, nên hai Ngài Trưởng-lão sám hối lẫn nhau, tình huynh đệ trở lại thương yêu kính mến nhau như xưa.
Hai Ngài Trưởng-lão cùng dẫn nhau trở về ngôi chùa cũ, vị pháp-sư giả vờ tỏ vẻ vui mừng đón rước, nhưng do đã biết rõ thái độ giả dối của vị pháp-sư, nên hai Ngài Trưởng-lão nói rằng:
– Này vị pháp-sư! Ngài không còn xứng đáng ở tại ngôi chùa này nữa, Ngài hãy đi nơi khác.
Biết âm mưu của mình đã bị bại lộ, vị pháp-sư liền đi ra khỏi chùa ngay tức thì.
Vị pháp-sư đã xuất gia suốt thời gian lâu năm trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa. Tuy vị pháp-sư thuyết pháp hay, nhưng đã phạm điều-giới nói lời chia rẽ hai Ngài Trưởng-lão có giới-đức.
Sau khi vị pháp-sư chết, khẩu ác-nghiệp nói lời chia rẽ ấy trong ác-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm hợp với xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy suốt thời gian lâu dài, rồi từ cõi đại-địa-ngục đến các cõi tiểu địa-ngục, từ thời-kỳ Đức-Phật Kassapa cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục.
Sau khi thoát ra khỏi cõi địa-ngục, cũng do ác-nghiệp nói lời chia rẽ ấy cho quả tái-sinh kiếp sau làm ngạ-quỷ có hình thù kỳ quái đầu heo như vậy.
Vị pháp-sư thuyết pháp hay, xuất gia lâu năm trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa, nhưng vì phạm điều-giới nói lời chia rẽ hai Ngài Trưởng-lão có giới đức, đã tạo ác- nghiệp nặng cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa- ngục rồi đến các cõi tiểu địa-ngục, từ thời-kỳ Đức-Phật Kassapa cho đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, vẫn chưa thoát khỏi cõi ác-giới.