Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 6 – Bất-thiện-tâm: Tâm có nhân sân

2- Dosamūlacitta

Dosamūlacitta là bất-thiện-tâm có nhân sân (dosahetu) hoặc bất-thiện-tâm có sân tâm-sở (dosacetasika) nhiều năng lực dẫn dắt các tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm ấy nên gọi là sân-tâm (dosacitta).

Sân-tâm (dosacitta) này có sân tâm-sở đứng đầu dắt dẫn các tâm-sở đồng sinh với sân-tâm.

Sân tâm-sở (dosacetasika) có 4 tính chất riêng biệt:

1- Caṇḍikalakkhaṇo có trạng-thái hung dữ.

2- Nissayadahanaraso có phận sự làm nóng nảy thiêu đốt trong tâm của mình và người khác.

3- Dūsanapaccuṭṭhāno gây tai hại đến đối-tượng là quả hiện hữu.

4- Āghātavatthupadaṭṭhāno có đối-tượng hận thù là nhân-duyên gần phát sinh dosacetasika.

Dosacitta: Sân-tâm phát sinh do nương nhờ 3 pháp là domanassa: thọ ưu, paṭigha: hận thù, saṅkhāra: tác-động, nên sân-tâm phân chia ra làm 2 tâm như sau: 

1- Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ. Sân-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác-động.

2- Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ. 

Sân-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động.

Giải nghĩa từ Pāḷi trong 2 sân-tâm

* Domanassasahagata: domanassa+sahagata

– Domanassa: Thọ ưu: sân-tâm tiếp xúc với đối-tượng xấu, cảm nhận nỗi khổ tâm nên phát sinh thọ ưu.

– Sahagata: đồng sinh với

– Domanassasahagataṃ: đồng sinh với thọ ưu.

* Paṭighasampayutta: paṭigha + sampayutta

– paṭigha: hận thù.

– sampayutta: hợp với.

– Paṭighasampayuttaṃ: hợp với hận.

* asaṅkhārikaṃ: không cần tác-động.

* sasaṅkhārikaṃ: cần tác-động.

Dosacitta (Sân-tâm) có 2 tâm:

1- Sân-tâm đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác-động.

2- Sân-tâm đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động. 

* Nhân phát sinh 2 sân-tâm

Hai sân-tâm phát sinh do 5 nhân:

1- Dosajjhāsayatā: Người có tính hay sân hận.

2- Agambhīrapakatitā: Thói quen không suy xét sâu sắc, không tế nhị.

3- Appassutatā: Người có ít học hỏi, kém hiểu biết trong các thiện-pháp.

4- Aniṭṭhārammaṇasamāyogo: Tiếp xúc với đối-tượng xấu không hài lòng.

5- Āghātavatthusamāyogo: Tiếp xúc với đối-tượng hận thù với mình hoặc người thân của mình.

Giảng giải về 2 sân-tâm

Do nguyên nhân nào gọi là sân-tâm?

Bất-thiện-tâm nào có nhân sân (dosahetu), hoặc có sân tâm-sở (dosacetasika) nhiều năng lực dắt dẫn các tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm ấy biết đối-tượng xấu, phát sinh khổ tâm, gọi bất-thiện-tâm ấy là sân-tâm (dosacitta).

Sân-tâm có nhân sân (dosahetu) chắc chắn cũng có nhân si (mohahetu) hoặc có sân tâm-sở (dosacetasika) chắc chắn có si tâm-sở (moha-cetasika) che phủ thật-tánh của đối-tượng nên sân-tâm mù quáng gây tai hại đối-tượng.

Dosacitta (Sân-tâm) phát sinh do nương nhờ 3 pháp căn bản:

1- Vedanā (Thọ tâm-sở) đó là domanassa-vedanā: thọ ưu. Domanassasahagataṃ: đồng sinh với thọ ưu.

2- Paṭigha (Sân hận) đó là sân tâm-sở. Paṭighasampayutta: Hợp với hận.

3- Saṅkhārika (Tác-động) đó là asaṅkhārika không cần tác-động, sasaṅkhārika cần tác-động.

Cho nên, sân-tâm phân chia ra làm 2 loại.

* Domanassasahagata: Đồng sinh với thọ ưu

Khi 2 sân-tâm biết đối-tượng xấu, cảm nhận nỗi khổ tâm khó chịu, nóng nảy, sầu não, v.v… đó là domanassa: thọ ưu thuộc về vedanācetasika.

Thọ tâm-sở (Vedanā) có 5 loại:

1- Dukkhavedanā: Thọ khổ.

2- Sukhavedanā: Thọ lạc.

3- Somanassavedanā: Thọ hỷ.

4- Domanassavedanā: Thọ ưu.

5- Upekkhāvedanā: Thọ xả.

* Domanassavedanā: Thọ ưu này chỉ đồng sinh với 2 sân-tâm mà thôi, không đồng sinh với tâm nào khác cả. Cho nên, khi nào sân-tâm phát sinh thì khi ấy chắc chắn có domanassavedanā: thọ ưu đồng sinh.

Vì vậy, gọi là domanassasahagata: Đồng sinh với thọ ưu.

* Paṭighasampayutta: Hợp với hận 

Khi 2 sân-tâm hợp với hận nghĩa là khi sân-tâm tiếp xúc với đối-tượng xấu thì paṭigha sân hận, khổ tâm khó chịu gây tai hại, phá hoại đối-tượng xấu ấy.

Paṭigha này là dosacetasika: sân tâm-sở luôn luôn chỉ đồng sinh với domanassavedanā mà thôi, không đồng sinh với vedanā nào khác.

Domanassavedanā và paṭigha có 2 tính chất thật-tánh khác nhau như sau:

– Domanassavedanā là 1 trong 5 loại vedanā-cetasika: thọ tâm-sở thuộc về vedanā-kkhandha: thọ-uẩn thụ hưởng đối-tượng xấu, cảm giác nỗi khổ tâm.

– Paṭigha đó là dosacetasika thuộc về saṅkhārakkhandha: hành-uẩn gây tai hại, phá hoại đối-tượng xấu ấy.

Domanassavedanā và paṭigha tuy có 2 tính chất thật-tánh khác nhau, nhưng do năng lực của dosacittuppāda (các tâm-sở đồng sinh với sân-tâm) cho nên khi sân-tâm phát sinh thì ắt có domanassavedanā và paṭigha luôn luôn đồng sinh với sân-tâm ấy.

* Asaṅkhārika: Không cần tác-động

Khi sân-tâm tiếp xúc với đối-tượng xấu, quá bực tức, sân hận paṭigha có năng lực mạnh, sân-tâm tự mình phát sinh với asaṅkhārika không cần tác-động. 

Cho nên, sân-tâm này có năng lực mạnh, ác-nghiệp trong sân-tâm này rất nặng.

* Sasaṅkhārika: Cần tác-động

Khi sân-tâm tiếp xúc với đối-tượng xấu, sân hận paṭigha có năng lực yếu, khi có người khác đến tác-động nên sân-tâm mới phát sinh với sasaṅkhārika cần tác-động.

Cho nên, sân-tâm này có năng lực yếu, ác-nghiệp trong sân-tâm này nhẹ.

* Nguyên nhân gần để phát sinh sân-tâm

Nguyên nhân gần để phát sinh 2 sân-tâm đó là aniṭṭhārammaṇa: đối-tượng xấu và āghāta-vatthu: đối-tượng hận thù.

Āghātavatthu (Đối-tượng hận thù) có 10 loại:

1- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đã từng gây tai hại cho ta.

2- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đang gây tai hại cho ta.

3- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy sẽ gây tai hại cho ta.

4- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đã từng gây tai hại cho người thân yêu của ta.

5- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đang gây tai hại cho người thân yêu của ta.

6- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy sẽ gây tai hại cho người thân yêu của ta. 

7- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đã từng làm lợi ích cho kẻ thù của ta.

8- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đang làm lợi ích cho kẻ thù của ta.

9- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy sẽ làm lợi ích cho kẻ thù của ta.

10- Hận thù do gặp phải rủi như vấp ngã đau, đạp gai đâm vào bàn chân đau, v.v …

Nhận xét về 2 sân-tâm

Sân-tâm có 2 tâm:

* Sân-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác-động.

* Sân-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động.

– Tâm-sở đồng sinh với sân-tâm thứ nhất có 20 tâm-sở, trong 20 tâm-sở này có tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) gọi là ác-nghiệp, cho nên ác-nghiệp này thuộc về ác-nghiệp nặng nhất, bởi vì sân-tâm này đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận không cần tác-động, có năng lực mạnh.

– Tâm-sở đồng sinh với sân-tâm thứ nhì có 22 tâm-sở có hai tâm-sở thina: buồn-chán và middha: buồn-ngủ, nên làm sân-tâm có năng lực yếu.

Trong 22 tâm-sở này có tác-ý tâm-sở (cetanā-cetasika) gọi là ác-nghiệp. Ác-nghiệp này thuộc về ác-nghiệp nhẹ nhất, bởi vì sân-tâm này đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động, có năng lực yếu.

Trình bày 2 sân-tâm tiếp theo sau 8 tham-tâm bởi vì tham-tâm là nhân, sân-tâm là quả, nếu không có tham-tâm thì chắc chắn cũng không có sân-tâm.

Thật vậy, bậc Thánh Bất-lai diệt tận được tham-ái trong 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc trong cõi dục-giới, cũng đồng thời diệt tận được 2 sân-tâm không còn dư sót nữa.

Bậc Thánh-Bất-lai chỉ còn tham-ái trong các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, các tầng trời sắc-giới phạm-thiên, các tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên mà thôi. Cho nên bậc Thánh Bất-lai không còn tái-sinh kiếp sau trở lại trong cõi dục-giới, mà chỉ có sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền sắc-giới thiện-tâm bậc cao cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có bậc thiền sắc-giới quả-tâm bậc cao gọi là sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên tương xứng với sắc-giới quả-tâm ấy mà thôi, rồi chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, sẽ tịch diệt Niết-bàn tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. 

Quả của sân-tâm

* Sân-tâm (dosacitta) là bất-thiện-tâm có sân tâm-sở (dosacetasika) nhiều năng lực dẫn dắt các tâm-sở đồng sinh với sân-tâm làm khổ tâm trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.

Tác-ý tâm-sở đồng sinh với sân-tâm tạo ác-nghiệp. Nếu ác-nghiệp trong sân-tâm ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong sân-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm chúng-sinh trong cõi địa-ngục chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy.

 

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 5 – Chánh kiến, Nhận xét về tám tham-tâm & Quả của tham-tâm
Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 7 - Bất-thiện-tâm: Tâm có nhân si

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *