Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 8 – Giảng giải về 12 bất-thiện-tâm

Giảng giải về 12 bất-thiện-tâm

Bất-thiện-tâm (akusalacitta) có 12 tâm, tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm tạo 10 bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp: akusalakamma) phát sinh do nương nhờ 3 môn: thân-môn, khẩu-môn, ý-môn.

* Bất-thiện-nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi thân-môn gọi là thân bất-thiện-nghiệp (akusala-kāyakamma) hoặc gọi là thân ác-nghiệp, có 3 loại nghiệp là:

1- Pāṇātipāta: Ác-nghiệp sát-sinh.

2- Adinnādāna: Ác-nghiệp trộm-cắp.

3- Kāmesumicchārāra: Ác-nghiệp tà-dâm.

* Bất-thiện-nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi khẩu-môn gọi là khẩu bất-thiện-nghiệp (akusala-vacīkamma) hoặc gọi là khẩu ác-nghiệp, có 4 loại nghiệp là:

1- Musāvāda: Ác-nghiệp nói-dối.

2- Pisuṇavācā: Ác-nghiệp nói lời chia rẽ.

3- Pharusavācā: Ác-nghiệp nói lời thô tục.

4- Samphappalāpa: Ác-nghiệp nói lời vô ích.

* Bất-thiện-nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi ý-môn gọi là ý bất-thiện-nghiệp (akusala-manokamma) hoặc gọi là ý ác-nghiệp, có 3 loại nghiệp là:

1- Abhijjhā: Ác-nghiệp tham lam của cải của người khác.

2- Byāpāda: Ác-nghiệp thù hận người khác.

3- Micchādiṭṭhi: Ác-nghiệp tà-kiến thấy sai chấp lầm.

Bất-thiện-tâm tạo ác-nghiệp

* Tám tham-tâm tạo ác-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, có 7 loại ác-nghiệp:

– Thân ác-nghiệp có hai loại: Ác-nghiệp trộm-cắp, ác-nghiệp tà-dâm. 

– Khẩu ác-nghiệp có 3 loại: Ác-nghiệp nói-dối, ác-nghiệp nói lời chia rẽ, ác-nghiệp nói lời vô ích.

– Ý ác-nghiệp có hai loại: Ác-nghiệp tham lam, ác-nghiệp tà-kiến.

* Hai sân-tâm tạo ác-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, có 7 loại ác-nghiệp:

– Thân ác-nghiệp có 2 loại: Ác-nghiệp sát-sinh, ác-nghiệp trộm-cắp.

– Khẩu ác-nghiệp có 4 loại: Ác-nghiệp nói-dối, ác-nghiệp nói lời chia rẽ, ác-nghiệp nói lời thô tục, ác-nghiệp nói lời vô ích.

– Ý ác-nghiệp có 1 loại: Ác-nghiệp thù hận.

* Hai si-tâm tạo ác-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý có 10 loại ác-nghiệp: thân ác-nghiệp có 3 loại, khẩu ác-nghiệp có 4 loại, ý ác-nghiệp có 3 loại.

Ác-nghiệp với ác-tâm

* Ba ác-nghiệp: Ác-nghiệp sát-sinh, ác-nghiệp nói lời thô-tục, ác-nghiệp thù-hận phát sinh do năng lực của sân-tâm, có sân tâm-sở dẫn đầu.

* Ba ác-nghiệp: Ác-nghiệp tà-dâm, ác-nghiệp tham lam, ác-nghiệp tà-kiến phát sinh do năng lực của tham-tâm, có tham tâm-sở dẫn đầu.

* Bốn ác-nghiệp: Ác-nghiệp trộm-cắp, ác-nghiệp nói-dối, ác-nghiệp nói lời chia rẽ, ác-nghiệp nói lời vô ích phát sinh khi thì do năng lực của tham-tâm ham muốn lợi lộc; khi thì do năng lực của sân-tâm như trộm-cắp đem vất bỏ vì ghét người chủ nhân, nói-dối, nói lời chia rẽ, nói lời vô ích để gây thiệt hại cho người khác.

Thật ra, 10 ác-nghiệp này phát sinh trực-tiếp do nương nhờ tham-tâm và sân-tâm. Còn si-tâm tạo ác-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý; có 10 loại ác-nghiệp chỉ là cách gián-tiếp mà thôi, bởi vì 10 ác-nghiệp phát sinh đều do vô-minh làm nhân.

* Tham-tâm phát sinh có tham tâm-sở dẫn đầu, có si tâm-sở hỗ trợ.

* Sân-tâm phát sinh có sân tâm-sở dẫn đầu, có si tâm-sở hỗ trợ.

* Si-tâm phát sinh chỉ có si tâm-sở dẫn đầu mà thôi.

Nhân sinh bất-thiện-tâm

Bất-thiện-tâm gồm có 12 tâm phát sinh do ayonisomanasikāra: do si-mê biết sai lầm trong tâm không đúng theo thật-tánh của các pháp.

Đức-Phật dạy rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Như-lai không thấy pháp nào khác làm nhân của bất-thiện-pháp chưa phát sinh thì phát sinh, thiện-pháp đã phát sinh thì bị suy thoái như ayonisomanasikāra.

– Này chư tỳ-khưu! Người nào có ayoniso-manasikāra, bất-thiện-pháp chưa phát sinh thì phát sinh, thiện-pháp đã phát sinh thì bị suy thoái .

Ayonisomanasikāra phát sinh do 5 nhân:

1- Pubbe akatapuññatā: Không tích lũy phước-thiện trong kiếp trước.

2- Appaṭirūpadesavāsa: Sống ở nơi không thuận lợi, không có bậc thiện-trí, không có Phật-giáo.

3- Asappurisupanissaya: Không gần gũi thân cận với bậc thiện-trí trong Phật-giáo.

4- Asaddhammassavana: Không lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí.

5- Attamicchāpanidhi: Tâm biết sai lầm trong ác pháp.

Ayonisomanasikāra phát sinh do 5 nhân này, nhân đầu tiên là không tích lũy phước-thiện trong những kiếp trước, nên kiếp hiện-tại sinh sống nơi chốn không thuận lợi, không có Phật-giáo, không được gần gũi thân cận với bậc thiện-trí trong Phật-giáo, không có cơ hội lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí. Cho nên, người ấy có si-mê, biết sai lầm trong tâm không đúng theo thật-tánh của các pháp, làm nhân cho bất-thiện-tâm chưa sinh thì phát sinh, thiện-tâm đã sinh thì bị suy thoái.

Vì vậy, ayonisomanasikāra là nhân phát sinh bất-thiện-tâm.

* Tâm với tâm-sở

Tâm (citta) gồm có 89 hoặc 121 tâm và tâm-sở (cetasika) gồm có 52 tâm-sở. Tâm với tâm-sở không thể tách rời nhau được, hễ khi có tâm nào phát sinh, ắt hẳn có một số tâm-sở tương xứng đồng sinh với tâm ấy, bởi vì tâm-sở có 4 trạng-thái là đồng sinh với tâm, đồng diệt với tâm, đồng đối-tượng với tâm, đồng nơi sinh với tâm.

Bất-thiện-tâm với tâm-sở

12 bất-thiện-tâm có 2 loại tâm-sở đồng sinh:

1-Aññasamānācetasika: Đồng-sinh-toàn-tâm tâm-sở và đồng-sinh-tùy-tâm tâm-sở, có 13 tâm-sở.

2- Akusalacetasika: Bất-thiện tâm-sở, có 14 tâm-sở.

Như vậy, trong 12 bất-thiện-tâm chỉ có 27 tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm mà thôi.

* Tham-tâm có 8 tâm:

Trong 8 tham-tâm, mỗi tham-tâm có một số tâm-sở đồng sinh với mỗi tham-tâm như sau:

1- Tham-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, không cần tác-động, có 19 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm này là 13 aññasamānā-cetasika + 4 mocatukacetasika + 1 lobhacetasika + 1 diṭṭhicetasika, gồm có 19 tâm-sở .

2- Tham-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, cần tác-động, có 21 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm này đó là 13 aññasamānā-cetasika + 4 mocatukacetasika + 1 lobhacetasika + 1 diṭṭhicetasika + 2 thidukacetasika, gồm có 21 tâm-sở.

3- Tham-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động, có 19 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm này đó là 13 aññasamānācetasika + 4 mocatukacetasika + 1 lobhacetasika + 1 mānacetasika, gồm có 19 tâm-sở.

4- Tham-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà-kiến, cần tác-động, có 21 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm này đó là 13 aññasamānā-cetasika + 4 mocatukacetasika + 1 lobhacetasika + 1 mānacetasika + 2 thidukacetasika, gồm có 21 tâm-sở.

5- Tham-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với tà-kiến, không cần tác-động, có 18 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm này đó là 12 aññasamānā-cetasika (trừ pīticetasika) +4 mocatukacetasika+ 1 lobhacetasika + 1 diṭṭhicetasika, gồm có 18 tâm-sở.

6- Tham-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với tà-kiến, cần tác-động, có 20 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm này đó là 12 aññasamānācetasika (trừ pīticetasika) + 4 mocatukacetasika + 1 lobha-cetasika + 1 diṭṭhicetasika + 2 thidukacetasika, gồm có 20 tâm-sở.

7- Tham-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động có 18 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm này đó là 12 aññasamānācetasika (trừ pīticetasika) + 4 mocatuka-cetasika + 1 lobhacetasika + 1 mānacetasika, gồm có 18 tâm-sở.

8- Tham-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, cần tác-động, có 20 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm này đó là 12 aññasamānā-cetasika (trừ pīticetasika) + 4 mocatukacetasika + 1 lobhacetasika + 1 mānacetasika + 2 thiduka-cetasika, gồm có 20 tâm-sở.

* Sân-tâm có 2 tâm:

Trong 2 sân-tâm, mỗi sân-tâm có một số tâm-sở đồng sinh với sân-tâm như sau:

1- Sân-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác-động, có 20 tâm-sở đồng sinh với sân-tâm này đó là 12 aññasamānā-cetasika (trừ pīticetasika) + 4 mocatukacetasika + 4 docatukacetasika, gồm có 20 tâm-sở.

2- Sân-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động, có 22 tâm-sở đồng sinh với sân-tâm này đó là 12 aññasamānācetasika (trừ pīticetasika) + 4 mocatukacetasika+4 docatuka-cetasika+2 thidukacetasika, gồm có 22 tâm-sở.

* Si-tâm có 2 tâm:

Trong 2 si-tâm, mỗi si-tâm có một số tâm-sở đồng sinh với si-tâm như sau:

1- Si-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ xả, hợp với hoài-nghi, có 15 tâm-sở đồng sinh với si-tâm này đó là 10 aññasamānācetasika (trừ pīticetasika adhimokkhacetasika, chandacetasika) + 4 mocatuka

-cetasika +1 vicikicchācetasika, gồm có 15 tâm-sở.

2- Si-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ xả, hợp với phóng-tâm, có 15 tâm-sở đồng sinh với si-tâm này đó là 11 aññasamānācetasika (trừ pīticetasika, chandacetasika) + 4 mocatuka-cetasika, gồm có 15 tâm-sở.

Trong 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm), mỗi bất-thiện-tâm (ác-tâm) phát sinh ắt có một số tâm-sở tương xứng đồng sinh với bất-thiện-tâm (ác-tâm) hỗ trợ làm phận sự của ác-tâm ấy.

* Diệt 12 bất-thiện-tâm

12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) là ác-pháp nên diệt.

Hành-giả thuộc về hạng người tam-nhân (tihetukapuggala) đã tạo và tích lũy đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp trong quá-khứ cho đến kiếp hiện-tại này, có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc mỗi Thánh-đạo, mỗi Thánh-quả và Niết-bàn, có khả năng diệt tận được bất-thiện-tâm (ác-tâm) như sau:

1- Chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết-bàn, có khả năng diệt tận được 5 loại bất-thiện-tâm là 4 tham-tâm hợp với tà-kiến và 1 si-tâm hợp với hoài-nghi không còn nữa, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

2- Chứng đắc đến Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, có khả năng diệt tận được 2 loại bất-thiện-tâm là 2 sân-tâm loại thô không còn nữa, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

3- Chứng đắc đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, có khả năng diệt tận được 2 loại bất-thiện-tâm là 2 sân-tâm loại vi-tế không còn nữa, trở thành bậc Thánh Bất-lai.

4- Chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, có khả năng diệt tận được 5 loại bất-thiện-tâm còn lại là 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến và 1 si-tâm hợp với phóng-tâm không còn dư sót nữa, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

* Diệt 14 bất-thiện tâm-sở

Thánh-đạo-tuệ diệt tận được 14 bất-thiện tâm-sở.

Bất-thiện tâm-sở có 14 loại tâm-sở chia ra 5 nhóm: 

Lotikacetasika: Nhóm tham có 3 tâm-sở:

– Lobhacetasika: Tham tâm-sở.

– Diṭṭhicetasika: Tà-kiến tâm-sở.

– Mānacetasika: Ngã-mạn tâm-sở.

Ba tâm-sở này đồng sinh với 8 tham-tâm.

Docatukacetasika: Nhóm sân có 4 tâm-sở:

– Dosacetasika: Sân tâm-sở.

– Issācetasika: Ganh-tỵ tâm-sở.

– Macchariyacetasika: Keo-kiệt tâm-sở.

– Kukkaccacetasika: Hối-hận tâm-sở.

Bốn tâm-sở này đồng sinh với 2 sân-tâm.

Mocatukacetasika: Nhóm si có 4 tâm-sở:

– Mohacetasika: Si tâm-sở.

– Ahirikacetasika: Không biết hổ-thẹn tội-lỗi tâm-sở.

– Anottappacetasika: Không biết ghê-sợ tội-lỗi tâm-sở.

– Uddhaccacetasika: Phóng-tâm tâm-sở.

Bốn tâm-sở này đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm.

Thidukacetasika: Nhóm buồn có 2 tâm-sở:

– Thinacetasika: Buồn-chán tâm-sở.

– Middhacetasika: Buồn-ngủ tâm-sở.

Hai tâm-sở này đồng sinh với 5 bất-thiện-tâm cần tác-động.

Vicikicchācetasika: Nhóm nghi có 1 tâm-sở:

– Vicikicchācetasika: Hoài-nghi tâm-sở chỉ đồng sinh với si-tâm hợp với hoài-nghi mà thôi.

* Mỗi Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được bất-thiện tâm-sở như sau:

1- Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 4 bất-thiện tâm-sở là tà-kiến tâm-sở, hoài-nghi tâm-sở, ganh-tị tâm-sở, keo-kiệt tâm-sở không còn nữa.

2- Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 2 bất-thiện tâm-sở loại thô là sân tâm-sở, hối-hận tâm-sở loại thô không còn nữa.

3- Bất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 2 bất-thiện tâm-sở loại vi-tế là sân tâm-sở, hối-hận tâm-sở loại vi-tế không còn nữa.

4- A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 8 bất-thiện tâm-sở còn lại là tham tâm-sở, ngã-mạn tâm-sở, si tâm-sở, phóng-tâm tâm-sở, buồn-chán tâm-sở, buồn-ngủ tâm-sở, không biết hổ-thẹn tội-lỗi tâm-sở, không biết ghê-sợ tội-lỗi tâm-sở không còn dư sót nữa.

* Diệt 10 loại phiền-não

Thánh-đạo-tuệ diệt tận được10 loại phiền-não.

Trong 14 bất-thiện tâm-sở có 10 tâm-sở gọi là 10 loại phiền-não là tham, sân, si, tà-kiến, ngã-mạn, hoài-nghi, buồn-chán, phóng-tâm, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi. 

* Mỗi Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được phiền-não như sau:

1- Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) và hoài-nghi (vicikicchā) không còn nữa.

2- Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại phiền-não thô là sân (dosa) loại thô không còn nữa.

3- Bất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại phiền-não vi-tế là sân (dosa) loại vi-tế không còn nữa.

4- A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 7 loại phiền-não còn lại là tham (lobha), si (moha), ngã-mạn (māna), phóng-tâm (uddhacca), buồn-chán (thina), không biết hổ-thẹn tội-lỗi (ahirika), không biết ghê-sợ tội-lỗi (anottappa) không còn dư sót nữa.

* Diệt 10 loại ác-nghiệp

Thánh-đạo-tuệ diệt tận được10 loại ác-nghiệp.

Trong 27 tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm, có tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh với bất-thiện-tâm gọi là bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp).

Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm tạo 10 ác-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý như sau: 

* Thân ác-nghiệp có 3 loại:

– Ác-nghiệp sát-sinh.

– Ác-nghiệp trộm-cắp.

– Ác-nghiệp tà-dâm.

* Khẩu ác-nghiệp có 4 loại:

– Ác-nghiệp nói-dối.

– Ác-nghiệp nói lời chia rẽ.

– Ác-nghiệp nói lời thô tục.

– Ác-nghiệp nói lời vô ích.

* Ý ác-nghiệp có 3 loại:

– Ác-nghiệp tham-lam tài sản của người khác.

– Ác-nghiệp thù-hận người khác.

– Ác-nghiệp tà-kiến thấy sai chấp lầm.

Đó là 10 ác-nghiệp được tạo bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

* Mỗi Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được ác-nghiệp như sau:

1- Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 5 loại ác-nghiệp là ác-nghiệp sát-sinh, ác-nghiệp trộm-cắp, ác-nghiệp tà-dâm, ác-nghiệp nói-dối, ác-nghiệp tà-kiến không còn nữa.

2- Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 3 loại ác-nghiệp loại thô là ác-nghiệp nói lời chia rẽ, ác-nghiệp nói lời thô tục, ác-nghiệp thù hận không còn nữa.

3- Bất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 3 loại ác-nghiệp loại vi-tế là ác-nghiệp nói lời chia rẽ, ác-nghiệp nói lời thô tục, ác-nghiệp thù-hận không còn nữa.

4- A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 2 loại ác-nghiệp còn lại là ác-nghiệp nói lời vô ích, ác-nghiệp tham-lam không còn dư sót.

Tóm lại, A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ đã diệt tận được 5 loại bất-thiện-tâm còn lại, 8 loại bất-thiện-tâm-sở còn lại, 7 loại phiền-não còn lại, 2 loại ác-nghiệp còn lại, mọi tham-ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Đến khi bậc Thánh A-ra-hán hết tuổi thọ, đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Tóm lại, tất cả mọi chúng-sinh thuộc về hạng phàm-nhân vẫn còn đầy đủ 12 bất-thiện-tâm.

Nếu chúng-sinh nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, có tác-ý tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm nào thì tạo bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) ấy.

Sau khi chúng-sinh ấy chết, nếu ác-nghiệp ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trong cõi ác-giới cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy.

Như vậy, tất cả mọi chúng-sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh) đều do quả của ác-nghiệp khác nhau mà chính tiền-kiếp của tất cả mọi chúng-sinh ấy đã tạo trong những kiếp quá-khứ.

Ngoài ác-nghiệp của chúng-sinh ấy trong ác-tâm ra, chắc chắn không có một ai có quyền năng đày đọa chúng-sinh nào sinh trong cõi ác-giới nào cả.

Đối với bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận 12 ác-tâm không còn nữa, nên tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

 

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 7 - Bất-thiện-tâm: Tâm có nhân si
Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 9 - Dục-giới tịnh-hảo-tâm & Đại-thiện-tâm có tám tâm chia theo thọ

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *