Cuộc Đời Ghosaka Có Phước Thoát Chết 7 Lần
1- Trẻ Sơ Sinh Ghosaka Bị Bỏ Trong Đống Rác
Ngày Ghosaka sinh ra đời, người kỹ nữ hỏi người tớ gái rằng:
– Này con! Bé trai hay bé gái?
Người tớ gái thưa rằng:
– Thưa Bà, bé trai ạ.
Người kỹ-nữ bảo người tớ gái đem đứa bé trai ấy bỏ nơi đống rác, vì kỹ-nữ chỉ nuôi con gái, không nuôi con trai, bởi vì con trai không kế nghiệp nghề kỹ-nữ được.
Đứa bé trai sơ sinh bị bỏ nơi đống rác, các bầy quạ, diều, chó vây quanh đứa bé, mà không con nào dám vào ăn thịt.
Đó là quả của đại-thiện-nghiệp kiếp chó sủa với tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Đức-Phật Độc-Giác.
Khi ấy, một người thấy các bầy quạ, diều, chó vây quanh đống rác, liền đi lại xem có gì lạ thường, thì thấy một đứa bé trai, người ấy vui mừng hớn hở bồng đứa bé như đứa con của mình, sung sướng kêu lên rằng:
“Ta được đứa con trai!”, rồi người ấy bồng đứa bé về nhà nuôi nấng tử tế.
2- Bé Ghosaka Bỏ Trước Cổng Chuồng Bò
Khi ấy, phú-hộ kinh thành Kosambī đi đến chầu Đức-vua, giữa đường gặp vị quân sư nhà vua chuyên môn xem sao trên hư không mà đoán số. Ông phú-hộ hỏi vị quan rằng:
– Thưa vị quân sư, hôm nay có điều lành dữ thế nào?
Vị quân sư thưa:
– Hôm nay, Đức-vua và triều đình, hoàng gia cho đến thần dân thiên hạ đều bình an và có một điều lành.
“Đặc biệt, đứa bé nào sinh ra đời ngày hôm nay, về sau, nó sẽ trở thành một phú-hộ nước Kosambī này”.
Nghe nói như vậy, ông phú-hộ có phu-nhân đang mang thai, già ngày già tháng rồi, nên ông phú-hộ sai bảo gia nhân trở về nhà xem phu-nhân của mình đã sinh hay chưa, rồi trở lại báo tin cho ông biết.
Gia nhân báo tin cho ông phú-hộ biết rằng bà phú-hộ chưa sinh.
Ông phú-hộ đến chầu Đức-vua xong, vội vàng trở về nhà, gọi người tớ gái thân tín tên Kāḷi và trao cho 1.000 đồng (một ngàn đồng) kahāpana (tiền Ấn-Độ thời xưa), để bà đi tìm kiếm trong kinh-thành có đứa bé nào sinh trong ngày, thì bà trao cho họ số tiền 1.000 đồng kahāpana ấy, rồi bồng đứa bé về.
Bà Kāḷi đi hỏi thăm tìm hỏi khắp nơi, lần lượt đến nhà một người, nhìn thấy có đứa bé bèn hỏi người nhà ngày sinh của đứa bé ấy. Người nhà bảo đứa bé vừa mới sinh trong ngày.
Bà Kāḷi trao cho người chủ nhà 1.000 đồng kahāpana, rồi bồng đứa bé về cho ông phú-hộ.
Ông phú-hộ nghĩ rằng:
“Nếu phu-nhân của ta sinh con gái, ta sẽ cho con gái của ta làm vợ nó, rồi cho nó tước vị phú-hộ, nếu phu-nhân ta sinh con trai, thì ta sẽ giết nó chết.”
Ông phú-hộ bảo người nuôi nấng săn sóc đứa bé ở trong nhà. Vài ngày sau, phu-nhân của phú-hộ sinh con trai, nên ông phú-hộ tính kế giết đứa bé này, để con mình lớn lên được tước phú-hộ.
Ông phú-hộ gọi bà Kāḷi đến sai bảo rằng:
– Này Kāḷi! Sáng sớm mai, bà hãy bồng đứa bé Ghosaka này bỏ trước cổng chuồng bò, để khi bò ra sẽ đạp đứa bé này chết. Bà đứng xem đứa bé chết hay sống thế nào rồi về trình cho ta biết.
Bà Kāḷi làm theo lời của phú-hộ, bồng đứa bé Ghosaka bỏ trước cửa cổng chuồng bò. Người chăn bò mở cổng, thường ngày con bò đầu đàn đi ra sau chót, nhưng hôm ấy nó đi ra trước, bốn chân đứng như bốn trụ cột, đứa bé nằm ở giữa, đàn bò hằng trăm con lấn hai bên sườn con bò đầu đàn đi ra. Người chăn bò thấy điều lạ thường, nghĩ rằng:
“Con bò đầu đàn này hằng ngày đi ra sau cùng, hôm nay ra trước đứng yên một chỗ, có chuyện gì lạ vậy.”
Đến xem thấy đứa bé đang nằm giữa bốn chân con bò đầu đàn, người chăn bò vui mừng sung sướng bồng đứa bé, kêu lên rằng:
“Ta được đứa con trai!”, rồi bồng đứa bé về nhà nuôi dưỡng tử tế.
Bà Kāḷi trở về trình cho ông phú-hộ biết tất cả sự việc đã xảy ra. Ông phú-hộ liền trao cho bà 1.000 đồng kahāpana, bảo bà đưa cho người chăn bò và bồng đứa bé trở về.
3- Bé Ghosaka Bị Bỏ Trên Đường
Khi ấy, ông phú-hộ gọi bà tớ gái Kāḷi rồi sai bảo rằng:
– Này Kāḷi! Sáng sớm ngày mai sẽ có đoàn xe bò 500 chiếc chở hàng hóa đi bán. Bà bồng đứa bé Ghosaka này đặt nằm ngang trên đường, để cho bò đạp chết, hoặc xe cán nó chết. Bà đứng đó theo dõi nó sống chết thế nào rồi về trình cho ta biết.
Bà Kāḷi làm theo lời của ông phú-hộ, bồng đứa bé Ghosaka đặt nằm ngang trên đường. Khi ấy, người trưởng đoàn xe đi trước, khi đi đến gần chỗ đứa bé nằm, con bò đứng sững lại, không chịu bước tới trước, dù người trưởng đoàn la bảo thế nào hai con bò vẫn không chịu bước, chỉ đứng sừng sững tại một chỗ. Chờ đến gần sáng, người trưởng đoàn nghĩ rằng:
“Tại sao hai con bò này lại đứng sừng sững như vậy?”
Người trưởng đoàn bước xuống xe xem đường nhìn thấy đứa bé nằm ngang trên đường, người trưởng đoàn vui mừng sung sướng kêu lên rằng:
“Ta được đứa con trai!”, rồi bồng đứa bé về nhà nuôi dưỡng tử tế.
Bà Kāḷi về trình lại sự việc đã xảy ra cho ông phú-hộ nghe. Ông phú-hộ lại trao cho bà 1.000 đồng kahāpana, bảo bà đưa cho người trưởng đoàn xe, rồi bồng đứa bé trở về.
4- Bé Ghosaka Bị Bỏ Nơi Nghĩa Địa
Khi ấy, ông phú-hộ gọi bà tớ gái Kāḷi rồi sai bảo rằng:
– Này Kāḷi! Bà bồng đứa bé Ghosaka này bỏ nơi nghĩa địa, cho nằm giữa bụi cây, để cho chó rừng, quạ, diều ăn thịt, hoặc các hàng phi nhân giết hại nó chết. Bà xem xét nó sống chết thế nào, về trình cho ta biết.
Bà Kāḷi làm theo lời của ông phú-hộ, bồng đứa bé Ghosaka bỏ nơi nghĩa địa, cho nằm giữa bụi cây, bà đứng ở một nơi theo dõi xem xét. Bầy quạ, diều, chó rừng, phi nhân v.v… không con nào dám đến gần đứa bé, vì đại-thiện-nghiệp của đứa bé trong tiền-kiếp hộ mạng nó.
Khi ấy, người chăn dê thả đàn dê vào nghĩa địa ăn lá cây, một con dê mẹ đi ăn vào giữa bụi cây, nhìn thấy đứa bé, dê mẹ quỳ gối xuống để cho đứa bé bú sữa.
Người chăn dê la bảo dê mẹ không chịu ra, nên đi vào bụi cây đuổi dê mẹ thì nhìn thấy dê mẹ đang quỳ gối cho đứa bé bú sữa. Người chăn dê sung sướng vui mừng kêu lên rằng:
“Ta được đứa con trai!”, rồi bồng đứa bé về nhà nuôi dưỡng tử tế.
Bà Kāḷi trở về trình lại sự việc đã xảy ra cho ông phú-hộ nghe, ông phú-hộ lại trao cho bà 1.000 đồng kahāpana, bảo bà đưa cho người chăn dê, rồi bồng đứa bé về.
5- Bé Ghosaka Bị Ném Xuống Hố Sâu
Khi ấy, ông phú-hộ gọi bà tớ gái Kāḷi rồi sai bảo rằng:
– Này Kāḷi! Bà bồng đứa bé Ghosaka này lên đỉnh núi nơi ném bọn cướp, rồi ném đứa trẻ xuống hố sâu để thân hình nó đụng vào đá tan xương nát thịt rơi xuống đất.
Bà theo dõi xem xét nó sống chết thế nào, về trình cho ta biết.
Bà Kāḷi làm theo lời của ông phú-hộ, bồng đứa bé Ghosaka lên đỉnh núi rồi ném đứa bé xuống hố sâu. Đứa bé rơi xuống nằm trên bụi tre có dây tơ hồng chằng chịt như nằm trên tấm thảm làm bằng lông thú êm ấm.
Hôm ấy, người thợ đan tre và đứa con lên núi đốn tre, khi đốn cây tre xong, lôi cây tre ra, làm cho bụi cây rung chuyển, đứa trẻ phát ra tiếng khóc, người thợ nói rằng:
“Giống như tiếng khóc của một đứa bé”.
Người thợ đi vòng quanh, nhìn lên ngọn bụi tre, thấy đứa bé nằm trên ấy, người thợ sung sướng kêu lên rằng:
“Ta được đứa con trai!”, rồi bồng đứa bé về nhà nuôi dưỡng tử tế.
Bà Kāḷi trở về trình lại sự việc xảy ra cho ông phú-hộ nghe, ông phú-hộ lại trao cho bà 1.000 đồng kahāpana, bảo bà đưa cho người thợ đan tre, rồi bồng đứa bé về.
6- Nghĩ Hại Người, Lại Tự Làm Khổ Mình
Ông phú-hộ nghĩ mưu kế nào cũng không giết
hại được đứa bé Ghosaka, đành nuôi nấng chờ tìm mưu kế khác. Đứa bé Ghosaka càng ngày càng khôn lớn trưởng thành, ngây thơ và tưởng mình là con của ông phú-hộ, không hề hay biết ông phú-hộ tìm mưu kế giết hại mình.
Khi ấy, phú-hộ nghĩ ra mưu kế giết hại cậu Ghosaka, ông phú-hộ đến chỗ làm đồ gốm, gặp người thợ đồ gốm quen thân, hỏi rằng:
– Này người thợ! Khi nào sẽ đốt lò.
Người thợ trả lời:
– Thưa ông phú-hộ, ngày mai, tôi sẽ đốt lò.
Ông phú-hộ bảo rằng:
– Này người thợ! Ngươi hãy nhận số tiền 1.000 đồng kahāpana này, rồi giúp tôi một việc.
Người thợ hỏi:
– Thưa ông phú-hộ, tôi giúp ông việc gì?
Ông phú-hộ bảo rằng:
– Này người thợ! Tôi có một đứa con ngỗ nghịch, vong ơn, tôi sẽ sai nó đến chỗ anh, anh dẫn nó vào trong phòng chặt nó làm nhiều đoạn, bỏ vào trong hũ, rồi đem đốt trong lò. Tôi xin thưởng cho anh trước 1.000 đồng kahāpana, khi nào anh làm xong, tôi sẽ hậu tạ xứng đáng cho anh.
Người thợ đồ gốm nhận lời.
Sáng ngày hôm sau, ông phú-hộ gọi Ghosaka đến rồi bảo rằng:
– Này Ghosaka! hôm qua, cha có gặp người thợ đồ gốm nhờ làm một việc, con hãy đến nơi ấy, gặp người thợ đồ gốm nói rằng:
“Cha tôi bảo tôi đến hỏi ông, công việc cha tôi nhờ ông làm hôm qua, hãy làm cho xong”.
Cậu Ghosaka vâng lời cha ra đi, vừa ra khỏi nhà, gặp đứa em trai (con ruột của ông phú-hộ) đang chơi bắn bi với tính cách ăn thua với nhóm trẻ con.
Thấy anh Ghosaka đến, người em vui mừng nói rằng:
– Này anh Ghosaka! Em chơi bị thua bọn trẻ này rất nhiều viên bi, bây giờ nhờ anh chơi hộ, bắn thắng lại số bi ấy cho em.
Cậu Ghosaka bảo với em rằng:
– Này em thân thương! Anh phải đem tin của cha đến chỗ lò gốm đất nung, ở đây chơi trò bắn bi sẽ bị cha rầy la, anh sợ cha lắm.
Biết cậu Ghosaka có tài chơi trò bắn bi rất giỏi, lúc nào cũng thắng bọn trẻ, nên người em năn nỉ rằng:
– Này anh Ghosaka! Xin anh đừng sợ, để em đem tin của cha đến chỗ lò gốm đất nung thay anh, còn anh ở đây chơi trò bắn bi với nhóm trẻ, thắng lại số bi cho em, rồi anh chờ em trở lại.
Cậu Ghosaka nói với em rằng:
– Này em thân thương! Nếu như vậy, em đến chỗ lò gốm, gặp người thợ đồ gốm nói rằng:
“Cha tôi sai bảo tôi đến hỏi ông, công việc cha tôi nhờ ông làm hôm qua, hãy làm cho xong.”
Người em là người con ruột của ông phú-hộ đến gặp người thợ đồ gốm nói như vậy. Khi ấy, người thợ đồ gốm liền giết đứa con của ông phú-hộ theo lời yêu cầu của ông, chặt đứa con từng đoạn bỏ vào hũ đặt vào lò nung thiêu cháy.
Cậu Ghosaka chơi trò bắn bi thắng nhóm trẻ, lấy lại số bi của người em đã thua, rồi ngồi chờ người em trở lại, mãi đến chiều không thấy em trở lại, nên trở về nhà. Ông phú-hộ nhìn thấy Ghosaka liền hỏi:
– Này Ghosaka! Sao con không đi đến gặp người thợ đồ gốm ?
Cậu Ghosaka thưa với cha (ông phú-hộ) rằng:
– Kính thưa cha, khi con đi ra, gặp em trai chơi trò bắn bi bị thua bọn trẻ, nên nó nhờ con chơi để gỡ lại, còn nó thay con đi đến nhà bác thợ nung lò gốm.
Khi nghe như vậy, ông phú-hộ liền kêu la rằng:
Xin đừng có giết con tôi!
Ông phú-hộ đầu óc choáng váng, bước đi khệnh khạng, đến chỗ người thợ đồ gốm, hai tay ôm đầu kêu la:
– Này anh thợ ! Xin đừng làm cho tôi thiệt hại.
Người thợ đồ gốm thấy ông phú-hộ đến kêu la như vậy, bèn thưa với ông phú-hộ rằng:
– Thưa ông phú-hộ, ông đừng lớn tiếng kêu la như vậy, công việc ông yêu cầu tôi đã hoàn thành xong rồi.
Ông phú-hộ khổ tâm sầu não tột cùng, như bị quả núi lớn đè lên ngực của ông.
Người này mưu hại người kia, mà người kia không có tâm làm hại trở lại, hoặc người này mưu làm khổ người kia, mà người kia không có tâm làm khổ trở lại, thì người mưu làm hại này sẽ phải chịu 10 điều khổ não, như Đức-Phật đã dạy:
– Chịu khổ tâm cùng cực.
– Bị thiệt hại lớn.
– Bị đau đầu, đứt mạch máu (vì sự nóng nảy
quá độ).
– Bị bệnh trầm trọng.
– Bị phóng tâm, loạn trí, điên cuồng.
– Bị tai-hại do từ Đức-vua.
– Bị chê trách dữ dội.
– Bà con, bè bạn bị tai nạn.
– Của cải, sự nghiệp bị thiệt hại.
– Sau khi chết sa vào địa-ngục.
7- Mưu kế giết hại Ghosaka lần cuối cùng
Mặc dù vậy, vẫn chưa từ bỏ ý định giết hại cậu Ghosaka, ông phú-hộ nghĩ ra được mưu kế:
“Ta sẽ sai Ghosaka đi đến nhà bác thâu thuế 100 gia đình của ta, nhờ bác thâu thuế giết nó”.
Nghĩ xong, ông phú-hộ liền viết một lá thư gửi cho bác thâu thuế ấy rằng:
“Người cầm thư này là đứa con ngỗ nghịch vong ơn của tôi, nhờ bác giết chết nó, rồi ném xuống hầm. Khi giết chết nó xong rồi, tôi sẽ trọng thưởng cho bác.”
Ông phú-hộ gọi cậu Ghosaka rồi bảo rằng:
– Này Ghosaka! Con mang thư này đi đến trao cho bác thâu thuế của nhà ta ở vùng ấy.
Ông phú-hộ bảo cậu Ghosaka cất giữ cẩn thận lá thư trong chéo áo. Cậu Ghosaka không biết đọc chữ, vì từ nhỏ đến lớn cậu không được đi học chữ, cho nên cậu Ghosaka đem lá thư giết mình, nhưng vẫn không biết. Cậu thưa với người cha rằng:
– Thưa cha, trên đường đi con sẽ ở trọ nơi nào?
Ông phú-hộ bảo rằng:
– Này Ghosaka! Con đừng lo, trên đường đi đến vùng bên ấy, đến tỉnh thành có một gia đình phú-hộ là bạn thân của cha, con đến nhà ông phú-hộ ăn và nghỉ lại đêm nơi ấy, rồi sáng mai đi tiếp.
Cậu Ghosaka đảnh lễ cha rồi từ giã ra đi, đến tỉnh ấy hỏi thăm nhà ông phú-hộ, gặp phu-nhân của phú-hộ ở nhà, cậu tự giới thiệu tên là Ghosaka, con trai của phú-hộ Kosambī.
Được biết như vậy, bà phú-hộ vô cùng hoan hỷ, bởi vì phú-hộ xứ Kosambī với gia đình bà vốn là bạn thân thiết với nhau. Phu-nhân phú-hộ nhìn thấy Ghosaka đem lòng thương yêu như con của mình.
* Gia-đình phú-hộ tỉnh này có một đứa con gái được 16 tuổi rất xinh đẹp đáng yêu. Cô ở trong một căn phòng sang trọng đặc biệt trên tầng lầu thứ 7, với một người tớ gái lo phục vụ cho cô. Khi ấy, cô sai bảo đứa tớ gái đi chợ.
Nhìn thấy đứa tớ gái, phu-nhân phú-hộ gọi lại hỏi rằng:
– Này con! Con đi đâu?
Người tớ gái thưa rằng:
– Thưa bà, tiểu thư sai con đi chợ mua sắm đồ.
Phu-nhân phú-hộ bảo người tớ gái rằng:
– Này con! Con hãy lo nước tắm, nước rửa chân, sắp đặt chỗ nghỉ cho cậu Ghosaka, con của phú-hộ, rồi con đi chợ sau.
Người tớ gái làm công việc mà bà phú-hộ sai bảo xong mới đi chợ nên về trễ, bị tiểu-thư quở trách.
Người tớ gái thưa chuyện với tiểu thư rằng:
Thưa tiểu thư, sở dĩ em về trễ là vì em phải lo chỗ ở cho công-tử Ghosaka là con của phú-hộ Kosambī xong, em mới đi chợ, xin tiểu-thư đừng trách em. em
Nghe đến tên Ghosaka là con trai phú-hộ Kosambī, con gái phú-hộ cảm thấy con tim rung động, lòng yêu thương dạt dào trong lòng, khiến nàng không thể ngồi yên trên tầng lầu.
Thật ra, tiền-kiếp của cô con gái phú-hộ này tên là Kāḷī có người chồng yêu quý tên là Kotuhalika, và tiền-kiếp của cậu Ghosaka tên là Kotuhalika có người vợ yêu quý tên Kāḷī.
Như vậy, cô con gái phú-hộ với cậu Ghosaka đã từng là vợ chồng thương yêu với nhau trong tiền-kiếp, cho nên, tình nghĩa vợ chồng yêu thương với nhau trong kiếp trước đã phát sinh trở lại với cô, khiến cho cô muốn gặp lại người chồng yêu thương trong kiếp trước.
* Tình Thương Yêu Phát Sinh Do Hai Nhân
Đức-Phật dạy rằng:
Tình yêu phát sinh do hai nguyên nhân:
1- Tình yêu vợ chồng đã từng sống chung trong kiếp trước.
2- Tình nghĩa giúp đỡ lẫn nhau trong kiếp hiện-tại.
Cô gái phú-hộ hỏi người tớ gái rằng:
– Này em! Bây giờ công-tử Ghosaka đang ở đâu vậy em?
Người tớ gái thưa rằng:
– Thưa tiểu-thư, công-tử Ghosaka đang nghỉ ở trong phòng khách.
Cô gái phú-hộ hỏi rằng:
– Này em! Công-tử Ghosaka có mang gì theo không?
Người tớ gái thưa rằng:
– Thưa tiểu thư, công-tử Ghosaka có mang theo lá thư được cất giữ trong chéo áo.
Cô gái phú-hộ nôn nao muốn biết nội dung của lá thư.
Cô gái phú-hộ từ tầng lầu thứ 7 vội vàng đi xuống. Trong nhà không ai hay biết, nàng lén vào phòng ngủ của công-tử Ghosaka, thấy công tử Ghosaka đang nằm ngủ say, tình yêu thương vô hạn phát sinh, nàng muốn biết lá thư nói gì, nên lấy lá thư trở về phòng đọc, nàng giật mình nghĩ rằng:
“Người gì mà khờ khạo đến thế! Mang thư giết mình, mà không hay biết, nếu ta không đọc thư này, thì chắc anh ta chết mất thôi!”
Nàng bỏ lá thư ấy, viết lại lá thư khác, dựa theo lời của ông phú-hộ, đổi ý nghĩa lại rằng:
“Thưa bác, con của tôi tên Ghosaka, mang thư này đến bác, nhờ bác thâu thuế 100 nhà, rồi làm một nhà lầu 2 tầng, có hàng rào xung quanh chắc chắn, có người canh gác cửa ngày đêm. Nhờ bác thay mặt tôi đứng ra làm lễ thành hôn con trai của tôi Ghosaka với con gái phú-hộ trong tỉnh thành ấy. Khi công việc xong rồi, tôi sẽ trọng thưởng cho bác.”
Viết xong nàng gấp lại, xuống lầu đến phòng ngủ của công-tử Ghosaka, nàng cất giữ lá thư vào trong chéo áo của cậu ta như trước.
Cậu Ghosaka nghỉ một đêm, sáng dậy ăn uống no đủ, từ giã ông bà phú-hộ đi đến nhà bác thâu thuế. Bác thâu thuế nhìn thấy cậu Ghosaka hỏi:
– Này công-tử! Công-tử đến có công việc gì?
Cậu Ghosaka thưa rằng:
– Thưa bác! Thân phụ của con gửi lá thư cho bác đây.
Cậu Ghosaka trao lá thư cho bác thâu thuế xem, đọc xong thư bác thâu thuế vô cùng hoan hỷ nghĩ rằng:
“Ông phú-hộ đã giao cho ta công việc quan trọng, rất vinh dự lớn lao.”
Ông thông báo với 100 gia đình đóng thuế biết rằng:
– Thưa quý bà con! Công-tử Ghosaka của ông phú-hộ mang lá thư đến cho tôi, trao một phận-sự quan trọng rất vinh dự là thay mặt ông phú-hộ đứng ra lo công việc làm lễ thành hôn công-tử lớn của phú-hộ với cô tiểu-thư của gia đình phú-hộ trong tỉnh thành này.
Chúng ta hãy mang vật liệu, v.v… để xây cất một căn nhà lầu 2 tầng thật xinh đẹp xong, rồi chúng ta sẽ tổ chức làm lễ thành hôn cho công-tử của ông phú-hộ với tiểu-thư của ông phú-hộ trong tỉnh thành này.
Tất cả mọi người vô cùng hoan hỷ chung lo xây cất nhà, rồi làm lễ thành hôn công-tử Ghosaka của phú-hộ Kosambī với cô tiểu-thư của phú-hộ trong tỉnh thành này xong, cho người báo tin cho ông phú-hộ Kosambī biết rằng:
“- Kính thưa ông phú-hộ, công việc mà ông phú-hộ giao cho tôi, bây giờ tôi đã làm xong.”
Ông phú-hộ Kosambī nghe người đem tin thuật lại mọi sự việc ngoài ý muốn của mình, ông than vãn rằng:
“Ta muốn làm điều nào, thì điều ấy không thành tựu, ta không muốn làm điều nào, thì điều ấy lại thành tựu.”
Ông phú-hộ Kosambī phát sinh khổ tâm buồn phiền lâm bệnh nặng, một phần vì thương tiếc đứa con ruột, một phần uất ức đứa con nuôi, đã bao nhiêu lần giết nó mà vẫn không giết được, cho nên căn bệnh của phú-hộ càng ngày càng trầm trọng, không có thuốc men nào điều trị cho khỏi được.
Phần tiểu-thư của ông phú-hộ sau khi làm lễ thành hôn với công-tử Ghosaka rồi, nàng bảo nhóm gia nhân rằng:
– Nếu có người nhà ông phú-hộ xứ Kosambī mang tin tức gì đến đây, các người hãy cho ta biếttrước, không được cho cậu Ghosaka biết trước.
Ông phú-hộ Kosambī tuy đã lâm bệnh nặng, nhưng ông nghĩ rằng:
“Ta sẽ không cho đứa con nuôi xấu số này thừa hưởng của cải sự nghiệp của ta.”
Ông phú-hộ Kosambī sai người đem thư đến gọi đứa con nuôi Ghosaka về gặp ông hai lần mà phu-nhân của Ghosaka vẫn giấu kín, không cho phu-quân Ghosaka biết, mãi cho đến lần thứ ba, người nhà phú-hộ Kosambī đem tin đến, bảo công-tử Ghosaka trở về nhà cho ông phú hộ gặp mặt gấp.
Lần này phu-nhân của công-tử Ghosaka hỏi thăm tình trạng và biết ông phú-hộ lâm bệnh nặng trầm trọng, không thể sống lâu được nữa, nàng mới báo tin cho phu-quân biết rằng:
– Cha của anh bị bệnh nặng trầm trọng, hai vợ chồng chúng ta nên sắp đặt trở về thăm cha.
Nàng muốn kéo dài thời gian, nên nàng tính đem xe chở của cải hàng hóa thâu thuế 100 nhà về nhà chồng.
Khi cậu Ghosaka về đến nhà, thì ông phú-hộ đã quá yếu rồi, người nhà báo tin cho ông phú-hộ biết cậu Ghosaka về đến.
Theo sự sắp đặt của của phu nhân, công tử Ghosaka đứng phía dưới chân của người cha, vợ của công tử Ghosaka đứng ở phía trên đầu.
Ông phú-hộ gọi người thủ kho báo cáo tất cả của cải vàng bạc trong kho của ông và của cải bên ngoài. Người thủ kho báo cáo: “của cải có 400 triệu (bốn trăm triệu), còn ruộng đất, đàn gia súc: trâu, bò, ngựa, xe cộ, v.v… có chừng ấy, chừng ấy,…”.
Ông phú-hộ Kosambī nghĩ trong tâm không muốn cho cậu Ghosaka số của cải, tài sản ấy, nhưng miệng lại nói cho, ngược lại với điều ông đã nghĩ, bởi vì, do phước-thiện của cậu Ghosaka khiến ông phú-hộ Kosambī nói trái với điều ông suy nghĩ.
Sau đó, ông phú-hộ Kosambī qua đời (chết), tất cả của cải, tài sản sự nghiệp của ông phú-hộ Kosambī đều thuộc về của cậu Ghosaka.