Đêm rằm tháng tư – Đức-Bồ-tát trở thành Đức-Phật

Sau khi Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã toàn thắng Ác-Ma-Thiên vào canh đầu đêm rằm tháng tư âm lịch, Đức-Bồ-tát thực-hành pháp-hành thiền-định (samathabhāvanā) với đề mục niệm hơi thở vào, hơi thở ra (anāpānas-sati) tuần tự chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới:

– Đệ-nhất-thiền sắc-giới có 5 chi-thiền là hướng-tâm, quan-sát, hỷ, lạc, nhất-tâm, do chế ngự được 5 pháp-chướng-ngại là tham-dục, sân-hận, buồn-chán – buồn-ngủ, phóng-tâm – hối-hận, hoài-nghi.

– Đệ-nhị-thiền sắc-giới có 3 chi-thiền là hỷ, lạc, nhất-tâm, do chế ngự được 2 chi-thiền là hướng-tâm, quan-sát.

– Đệ-tam-thiền sắc-giới có 2 chi-thiền là lạc, nhất-tâm, do chế ngự được 1 chi-thiền là hỷ.

– Đệ-tứ-thiền sắc-giới có 2-chi thiền là xả, nhất-tâm, do chế ngự được 1 chi thiền lạc, thay bằng chi thiền xả.

Đó là 4 bậc thiền sắc-giới làm nền-tảng để chứng đắc Tam-Minh.

Đức-Bồ-tát chứng đắc Tam-Minh (Tevijja)

1- Tiền-kiếp-minh (Pubbenivāsānussatiñāṇa)

 Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha có đệ-tứ-thiền sắc-giới, có định-tâm trong sáng thanh-tịnh, thiền-tâm không lay động làm nền-tảng để Đức-Bồ-tát hướng tâm đến chứng đắc tiền-kiếp-minh: trí-tuệ nhớ rõ lại tiền-kiếp, từ một kiếp đến hàng trăm kiếp, hàng ngàn kiếp, hàng vạn kiếp, hàng triệu kiếp, hàng triệu triệu kiếp, … cho đến vô lượng kiếp không giới hạn.[1]

Tiền-kiếp-minh là trí-tuệ nhớ rõ tiền-kiếp thuộc loại chúng-sinh nào, trong cõi-giới nào, tên gì, thuộc dòng dõi nào, thực-hành đại-thiện-nghiệp, bất-thiện-nghiệp, …

Tiền-kiếp-minh là minh thứ nhất mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã chứng đắc vào canh đầu đêm rằm tháng tư (âm lịch).

2- Thiên-nhãn-minh (Dibbacakkhuñāṇa)

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha có đệ-tứ-thiền sắc-giới, có định-tâm trong sáng thanh-tịnh, thiền-tâm không lay động làm nền tảng để Đức-Bồ-tát hướng tâm đến chứng đắc thiên-nhãn-minh: trí-tuệ thấy rõ, biết rõ kiếp quá-khứ, kiếp vị-lai của tất cả chúng-sinh hơn thiên-nhãn của chư-thiên, phạm-thiên.

Thiên-nhãn-minh có 2 loại:

– Tử-sinh-minh (cutūpapātañāṇa): Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ sự tử, sự tái-sinh của tất cả chúng-sinh muôn loài trong các cõi-giới, do nghiệp nào, do quả của nghiệp nào…

– Vị-lai kiến-minh (anāgataṃsañāṇa): Trí-tuệ thấy rõ những kiếp vị-lai của tất cả chúng-sinh.

Chư Phật sử dụng vị-lai kiến-minh này để thọ ký, xác định thời gian còn lại của các Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-giác, Đức-Bồ-tát Độc-giác, các vị Bồ-tát thanh-văn-giác, v.v… xác định thời gian còn lại của các chúng-sinh trong kiếp vị-lai xa xăm.

Thiên-nhãn-minh là minh thứ nhì mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã chứng đắc vào lúc canh giữa đêm rằm tháng tư (âm lịch).

3- Trầm-luân tận-minh (Āsavakkhayañāṇa)

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha dùng đệ-tứ-thiền sắc-giới làm nền-tảng, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ các pháp thập-nhị duyên-sinh (paṭiccasamuppāda) là đối-tượng pháp-hành thiền-tuệ của chư Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

 * Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ biết rõ thập-nhị duyên-sinh theo chiều thuận như sau:

– Do vô-minh làm duyên, nên các hành sinh. (Avijjāpaccayā saṅkhārā.)

– Do các hành làm duyên, nên tái-sinh-thức sinh. (Saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ.)

– Do tái-sinh-thức làm duyên, nên danh-pháp sắc-pháp sinh. (Viññāṇapaccayā nāmarūpaṃ.)

– Do danh-pháp sắc-pháp làm duyên, nên lục-xứ sinh. (Nāmarūpapaccayā saḷāyatanaṃ.)

– Do lục-xứ làm duyên, nên lục-xúc sinh. (Saḷāyatanapaccayā phasso.)

– Do lục-xúc làm duyên, nên lục-thọ sinh. (Phassapaccayā vedanā.)

– Do lục-thọ làm duyên, nên lục-ái sinh. (Vedanāpaccayā taṇhā.)

– Do lục-ái làm duyên, nên tứ-thủ sinh. (Taṇhāpaccayā upādānaṃ.)

– Do tứ-thủ làm duyên, nên nhị-hữu sinh. (Upādānapaccayā bhavo.)

– Do nhị-hữu làm duyên, nên tái-sinh sinh. (Bhavapaccayā jāti.)

– Do tái-sinh làm duyên, nên lão tử… sinh. (Jātipaccayā jarāmaraṇaṃ…)

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thập-nhị duyên-sinh theo chiều-thuận, chiều-sinh, để trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ “sự-sinh” của mỗi pháp, trí-tuệ-thiền-tuệ chứng ngộ chân-lý khổ-Thánh-đế và nhân sinh khổ-Thánh-đế.

* Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thập-nhị nhân-diệt theo chiều nghịch, chiều diệt như sau:

– Do diệt tận vô-minh, nên diệt các hành. (Avijjāyatveva asesavirāganirodhā saṅkhāranirodho.)

– Do diệt các hành, nên diệt tái-sinh-thức. (Saṅkhāranirodhā viññaṇanirodho.)

– Do diệt tái-sinh-thức, nên diệt danh-pháp sắc-pháp. (Viññāṇanirodhā nāmarūpanirodho.)

– Do diệt danh-pháp sắc-pháp, nên diệt lục-xứ. (Nāmarūpanirodhā saḷāyatananirodho.)

– Do diệt lục-xứ, nên diệt lục-xúc. (Saḷāyatananirodhā phassanirodho.)

– Do diệt lục-xúc, nên diệt lục-thọ. (Phassanirodhā vedanānirodho.)

– Do diệt lục-thọ, nên diệt lục-ái. (Vedanānirodhā taṇhānirodho.)

– Do diệt lục-ái, nên diệt tứ-thủ. (Taṇhānirodhā upādānanirodho.)

– Do diệt tứ-thủ, nên diệt nhị-hữu. (Upādānanirodhā bhavanirodho.)

– Do diệt nhị-hữu, nên diệt tái-sinh. (Bhavanirodhā jātinirodho.)

– Do diệt tái-sinh, nên diệt lão, tử… (Jātinirodhā jarāmaraṇa … nirodho.)

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác suy xét thập-nhị nhân-diệt theo chiều-nghịch, chiều-diệt, để trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ “sự-diệt” của mỗi pháp, trí-tuệ-thiền-tuệ chứng ngộ chân-lý diệt khổ-Thánh-đế và pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế.

 Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác suy xét thập-nhị duyên-sinh, thập-nhị nhân-diệt theo chiều-thuận, chiều-nghịch, chiều-sinh, chiều-diệt; trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự-sinh, sự-diệt của mỗi pháp; trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của mỗi pháp; dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 4 pháp-trầm-luân (āsava) bằng 4 Thánh-đạo-tuệ theo tuần tự như sau:

1- Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ diệt tận được 1 pháp-trầm-luân là tà-kiến trầm-luân (diṭṭhāsava) đồng thời diệt được tất cả mọi tà-kiến trong các pháp khác.

2- Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ diệt tận được 1 pháp-trầm-luân là tham-dục trầm-luân (kāmā-sava) trong ngũ-dục loại thô (còn loại vi-tế chưa diệt được) đồng thời diệt được tất cả mọi tham-dục loại thô trong các pháp khác.

3- Bất-lai Thánh-đạo-tuệ diệt tận được 1 pháp-trầm-luân là tham-dục trầm-luân (kāmā-sava) trong ngũ-dục loại vi-tế không còn dư sót, đồng thời diệt được tất cả mọi tham-dục loại vi-tế trong các pháp khác.

4- A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ diệt tận được 2 pháp-trầm-luân là kiếp-sinh trầm-luân (bhavā-sava) và vô-minh trầm-luân (avijjāsava), đồng thời diệt tận được hoàn toàn mọi tham-ái, mọi phiền-não, mọi ác-pháp không còn dư sót, đặc biệt diệt tận được tất cả mọi tiền-khiên tật-xấu (vāsanā) đã tích lũy từ vô số kiếp trong quá-khứ.

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh.

Trầm-luân tận-minh là minh thứ 3 mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã chứng đắc vào canh chót của đêm rằm tháng tư (âm lịch), trước lúc rạng đông (aruṇa).

Cho nên, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị có danh hiệu là Đức-Phật Gotama tại cội cây Assattha, đúng như 24 Đức-Phật quá-khứ đã từng thọ ký, nên cây Assattha này trở thành Mahābodhirukkha[2] : cây Đại-Bồ-đề của Đức-Phật Gotama tại khu rừng Uruvelā (nay gọi là Buddhagayā tại nước Ấn-Độ‘India’).

* Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha trở thành Đức-Phật Gotama vào canh chót đêm rằm tháng tư, tròn đúng 35 tuổi.

Mười ngàn cõi-giới chúng-sinh từ mặt đất lên đến cõi sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh, chư-thiên, phạm-thiên vô cùng vui mừng hoan hỷ thốt lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

– Buddho uppanno!

(Đức-Phật-Bảo đã xuất hiện trên thế gian rồi!)

– Dhammo uppanno!

(Đức-Pháp-Bảo đã xuất hiện trên thế gian rồi!)

– Saṃgho uppanno!

(Đức-Tăng-Bảo sẽ xuất hiện trên thế gian này!)

Tiếng hoan hô vang dội khắp toàn mười ngàn cõi-giới chúng-sinh.

Điều phi thường chưa từng có trên thế gian này là:

* Tất cả các loài hoa đều đua nhau nở để cúng dường đến Đức-Phật.

* Tất cả các loại cây ăn trái đều cho quả ngon ngọt.

* Tất cả những người mù từ lúc đầu thai, khi sinh ra đời không thấy được gì, thì nay có đôi mắt sáng, có thể nhìn thấy rõ mọi vật trên đời.

* Tất cả những người điếc từ lúc đầu thai, khi sinh ra đời không nghe được âm thanh gì, thì nay hai tai có thể nghe rõ mọi thứ âm thanh.

* Tất cả những người què, bại liệt từ lúc đầu thai, khi sinh ra đời không đi lại được, thì nay họ đi lại dễ dàng.

* Đặc biệt nhất, địa-ngục Lokantarika rộng lớn tối tăm, nơi giáp ranh với ba cõi-giới, dành cho những chúng-sinh có tà-kiến cố-định (niyatamicchādiṭṭhi) hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp. Địa-ngục tối tăm ấy, dù ánh sáng của 7 mặt trời mọc lên cùng một lúc cũng không thể chiếu sáng đến nơi ấy, song ánh sáng hào quang của Đức-Phật Gotama tỏa khắp mười ngàn cõi-giới, chiếu sáng đến tận địa-ngục Lokantarika, cho nên, những chúng-sinh ở trong cõi địa-ngục ấy có thể nhìn thấy lẫn nhau, …

Toàn thể mười ngàn cõi-giới, chư-thiên, phạm-thiên đem những phẩm vật quý báu nhất từ các cõi trời đến cúng dường Đức-Phật Gotama và tán dương ca tụng hằng ngàn bài kệ.

[1] Đối với Đức-Phật Độc-Giác và Thanh-văn-Giác có giới hạn.

[2] Cây Assattha tại khu rừng Uruvelā đồng sinh cùng một lúc với Đức-Bồ-tát Siddhattha cách nay 35 năm, nên cây Assattha này gọi là Mahābodhirukkha: cây Đại-Bồ-đề của Đức-Phật Gotama.

 

Bài viết trích từ cuốn Ngày Rằm Tháng Tư Trong Phật Giáo – Tỳ Khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) biên soạn. Xem bản PDF cuốn sách tại đây. Xem bộ Nền Tảng Phật Giáo và các sách khác cùng tác giả tại đây.

Đức-Bồ-tát Siddhattha đi xuất gia
Đức-Phật an hưởng pháp vị giải thoát Niết-bàn trong 7 tuần

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *