ĐOẠN KẾT
Trong kinh Tam-Bảo (Ratanasutta), Đức-Phật dạy bài kệ rằng:
“Yaṃ kiñci vittaṃ idha vā huraṃ vā,
Saggesu vā yaṃ ratanaṃ paṇītaṃ
Na no samaṃ atthi Tathāgatena,
Idampi Buddhe ratanaṃ paṇītaṃ
Etena saccena suvatthi hotu.”
Châu báu vô giá nào trong cõi người,
Cõi Long-cung, cõi dục-giới, sắc-giới
Tất cả mọi châu báu vô giá ấy,
Không thể sánh bằng Đức-Phật cao thượng,
Phật-Bảo này là châu báu vô thượng
Do năng lực của lời chân thật này,
Cầu mong toàn chúng-sinh được an-lạc.
Trong bài kinh Pubbaṇhasutta có 3 bài kệ: bài kệ thứ nhất giống bài kệ trên, còn bài kệ thứ nhì:
“Yaṃ kiñci vittaṃ idha vā huraṃ vā,
Saggesu vā yaṃ ratanaṃ paṇītaṃ
Na no samaṃ atthi Tathāgatena,
Idampi Dhamme ratanaṃ paṇītaṃ.
Etena saccena suvatthi hotu.”
Châu báu vô giá nào trong cõi người,
Cõi Long-cung, cõi dục-giới, sắc-giới
Tất cả mọi châu báu vô giá ấy,
Không thể sánh bằng Đức-Pháp cao thượng,
Pháp-Bảo này là châu báu vô thượng
Do năng lực của lời chân thật này,
Cầu mong toàn chúng-sinh được an-lạc.
Và bài kệ thứ ba:
“Yaṃ kiñci vittaṃ idha vā huraṃ vā,
Saggesu vā yaṃ ratanaṃ paṇītaṃ
Na no samaṃ atthi Tathāgatena,
Idampi Saṃghe ratanaṃ paṇītaṃ
Etena saccena suvatthi hotu.”
Châu báu vô giá nào trong cõi người,
Cõi Long-cung, cõi dục-giới, sắc-giới
Tất cả mọi châu báu vô giá ấy,
Không thể sánh bằng Đức-Tăng cao thượng,
Tăng-Bảo này là châu báu vô thượng.
Do năng lực của lời chân thật này,
Cầu mong toàn chúng-sinh được an-lạc.
Trong ba câu kệ trên ý nghĩa danh từ “Tathāgatena” theo từng mỗi câu kệ như sau:
* Bài kệ thứ nhất: Tathāgatena có ý nghĩa là Đức-Phật- bảo cao thượng hơn tất cả các loại châu báu vô giá trong cõi người, cõi Long-cung, cõi trời dục-giới và cõi trời sắc-giới.
* Bài kệ thứ nhì: Tathāgatena có ý nghĩa là Đức- Pháp-bảo đó là pháp-học Phật-giáo và 9 pháp siêu-tam- giới cao thượng hơn tất cả các loại châu báu vô giá trong cõi người, cõi Long-cung, cõi trời dục-giới và cõi trời sắc-giới.
* Bài kệ thứ ba: Tathāgatena có ý nghĩa là Đức-Tăng- bảo đó là chư Thánh-Tăng và phàm-Tăng cao thượng hơn tất cả các loại châu báu vô giá trong cõi người, cõi Long-cung, cõi trời dục-giới và cõi trời sắc-giới.
Như vậy, người tại gia nào có duyên lành, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có trí-tuệ sáng suốt đến xin thọ phép quy-y nương nhờ nơi Tam-bảo: nương nhờ nơi Đức-Phật-bảo, nương nhờ nơi Đức-Pháp-bảo, nương nhờ nơi Đức-Tăng-bảo, thì người ấy sẽ trở thành cận-sự- nam (upāsaka) hoặc cận-sự-nữ (upāsikā) là 1 trong 4 hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, được gần gũi thân cận nơi Tam-bảo: nơi Đức-Phật-bảo, nơi Đức-Pháp- bảo, nơi Đức-Tăng-bảo.
Người cận-sự-nam, hoặc cận-sự-nữ ấy được sự lợi ích cao thượng, sự tiến hóa trong mọi thiện-pháp từ dục-giới thiện-pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam-giới thiện-pháp cao thượng tuỳ theo khả năng của mình, sự an-lạc cao thượng cả trong kiếp hiện-tại lẫn vô số kiếp vị-lai, cho đến kiếp chót chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng, hết tuổi thọ sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Trong đời này, những người nghèo khó không dễ gì có những đồ trang sức như vàng, ngọc, kim cương, hột xoàn, … để trang điểm làm tôn vẻ đẹp hình thức bên ngoài của họ, nhưng thật ra, những đồ trang sức ấy dù quý giá thế nào cũng không thể sánh với Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo được.
Các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật có được Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo trang điểm bên trong đại-thiện-tâm của họ, ắt hẳn các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật chắc chắn không phải là những người nghèo trong đời này!
Thật vậy, các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật đã hiện hữu trong kiếp hiện-tại này, tin chắc chắn rằng: Trong những tiền-kiếp của họ đã từng tạo các pháp-hạnh ba-la-mật được tích-luỹ ở trong tâm từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá-khứ, nên kiếp hiện-tại này họ mới có được duyên lành, nhân tốt, có cơ-hội tốt đến thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới, hoặc bát-giới uposathasīla, cửu-giới uposathasīla, trở thành người cận-sự-nam, cận-sự-nữ, hoặc xuất gia trở thành sa-di, tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, thừa hưởng Pháp-bảo cao thượng của Đức-Phật.”
Chỉ có các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật mới có cơ-hội thừa hưởng Pháp-bảo của Đức-Phật mà thôi, họ được sự tiến hoá trong mọi thiện-pháp cao thượng, từ dục-giới thiện-pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam-giới thiện-pháp đó là 4 Thánh-đạo thiện-tâm liền cho quả là 4 Thánh-quả-tâm không có thời gian khoảng cách chờ đợi (akālika), trở thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.
Còn các chúng-sinh khác không phải là thanh-văn đệ- tử của Đức-Phật vốn họ không có đức-tin nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, không có duyên lành, không có cơ-hội thừa hưởng Pháp-bảo của Đức-Phật, nên vẫn còn chịu cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.
Patthanā
Iminā puññakammena, sukhī bhavāma sabbadā.
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo, loke sattā sumaṅgalā.
Vietnam-raṭṭhikā sabbe ca, janā pappontu sāsane.
Vuḍḍhiṃ viruḷhivepullaṃ, patthayāmi nirantaraṃ.
Lời cầu nguyện
Do nhờ phước-thiện thanh cao này,
Cho chúng con thường được an-lạc.
Cầu mong chánh-pháp được trường tồn,
Tất cả chúng-sinh được hạnh-phúc.
Dân tộc Việt Nam được phát triển,
Tiến hóa hưng thịnh trong Phật-giáo.
Bần sư cầu nguyện với tâm thành,
Hằng mong được thành tựu như nguyện.
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo Vietnamraṭṭhasmiṃ.
Cầu nguyện chánh-pháp được trường tồn trên thế gian,
Cầu nguyện chánh-pháp được trường tồn trên Tổ-quốc Việt-Nam thân yêu.
2560 / DL. 2016
Rừng Núi Viên-Không
Xã Tóc Tiên, Huyện Tân Thành Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tỳ-khưu Hộ-Pháp
(Dhammarakkhita Bhikkhu)
(Aggamahāpaṇḍita)