Ba-la-mật Tâm Từ Bậc Trung – Tích Suvaṇṇasāmajātaka Tiền Thân Đức Phật

* Tích Suvaṇṇasāmajātaka 

Đức-Thế-Tôn thuyết giảng tích Suvaṇṇa-sāmajātaka được tóm lược như sau: 

Trong thời quá-khứ, ở một ngôi làng không xa kinh-thành Bārāṇasī, có một người thợ săn trưởng xóm nhà gồm có 500 gia đình ở bờ sông bên này và một người thợ săn trưởng xóm nhà gồm có 500 gia đình ở bờ sông bên kia, hai người thợ săn trưởng này là hai người bạn thân thiết với nhau. 

Khi còn trẻ hai người bạn giao ước với nhau rằng: 

Sau này, nếu hai chúng ta mỗi người lập gia đình, người này sinh con trai, người kia sinh con gái thì hai chúng ta sẽ làm sui gia với nhau, cho hai đứa con chúng ta thành vợ thành chồng với nhau. 

Về sau, gia đình người thợ săn trưởng xóm bờ sông bên này sinh được đứa bé trai, mẹ cha đặt tên là Dukūlakumāra (bé trai Dukūla), và gia đình người thợ săn trưởng xóm bờ sông bên kia sinh được bé gái, mẹ cha đặt tên là Pārikā-kumārī (bé gái Pārikā). 

Hai đứa bé trai và bé gái rất xinh đẹp có màu da như màu vàng, tuy hai đứa con sinh trong hai gia đình thợ săn, nhưng hai đứa con ấy không bao giờ tạo ác-nghiệp sát-sinh theo nghề nghiệp gia đình. 

Khi cậu Dukūla và cô Pārikā đều trưởng thành lên 16 tuổi. 

* Mẹ cha của cậu Dukūla nói với đứa con trai rằng: 

– Này Dukūla con yêu quý! Mẹ cha sẽ cưới cô Pārikā rất xinh đẹp có màu da như màu vàng giống như con, là con gái của người bạn thân, đem về làm vợ của con. 

Nghe người cha nói như vậy, cậu Dukūla bịt hai lỗ tai không muốn nghe, bởi vì tiền-kiếp của cậu vốn là vị phạm-thiên ở tầng trời sắc-giới phạm-thiên, hết tuổi thọ, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh làm người trong gia đình người thợ săn trưởng này. Cho nên, tâm của cậu không say mê trong ngũ-dục là sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục. Cậu Dukūla thưa với mẹ cha rằng: 

– Kính thưa mẹ cha, xin mẹ cha đừng nói đến vấn đề ấy với con, con không muốn có vợ đâu! 

Mẹ cha cậu Dukūla khẩn khoản hai ba lần, nhưng cậu Dukūla vẫn khăng khăng không chịu ưng thuận. 

* Còn mẹ cha của cô Pārikā nói với con gái rằng: 

– Này Pārikā con yêu quý! Mẹ cha sẽ gả con cho cậu Dukūla rất đẹp trai có màu da như màu vàng giống như con, là con trai của người bạn thân, làm chồng của con. 

Nghe mẹ cha nói như vậy, cô Pārikā bịt hai lỗ tai không muốn nghe, bởi vì tiền-kiếp của cô vốn là vị phạm-thiên ở tầng trời sắc giới phạm-thiên, hết tuổi thọ, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh làm con trong gia đình người thợ săn trưởng này. Cho nên, tâm cô không say mê trong ngũ-dục. 

Cô Pārikā thưa với cha rằng: 

– Kính thưa mẹ cha, xin mẹ cha đừng nói vấn đề ấy với con, con không muốn lấy chồng đâu! 

Mẹ cha cô Pārikā khẩn khoản hai ba lần, nhưng cô Pārikā vẫn khăng khăng không chịu ưng thuận. 

Hai gia đình bạn thân này đã từng giao ước với nhau từ khi còn trẻ, cho nên hai gia đình giữ gìn lời giao ước năm xưa ấy, bắt buộc hai đứa con của hai gia đình phải vâng lời mẹ cha. 

Khi ấy, cậu Dukūla bí mật gởi thư cho cô Pārikā với lời lẽ rằng: 

Cô Pārikā! Nếu cô muốn lấy chồng, rồi ăn ở với chồng, thì cô nên lấy người con trai khác, còn tôi không thể ăn ở với cô được. 

Cô Pārikā cũng bí mật gởi thư cho cậu Dukūla với lời lẽ cũng giống như cậu Dukūla rằng: 

Anh Dukūla! Nếu anh muốn lấy vợ, rồi ăn ở với vợ, thì anh nên lấy cô gái khác, còn em không thể ăn ở với anh được. 

Lễ thành hôn hành phạm-hạnh 

Cậu Dukūla và cô Pārikā đã bí mật hiểu lòng nhau. Sau đó, hai gia đình tổ chức làm lễ thành hôn cho cậu Dukūla và cô Pārikā đúng theo lời giao ước năm xưa. Cậu Dukūla và cô Pārikā chính thức thành vợ chồng với nhau, hai vợ chồng tuy thân sống chung với nhau một nhà, nhưng tâm thì giống như hai vị phạm-thiên hoàn toàn không nghĩ đến tình dục. 

Mẹ cha cậu Dukūla bảo cậu rằng: 

– Này Dukūla con yêu quý! Con sinh ra trong gia đình người thợ săn mà con không làm nghề thợ săn. 

Vậy, sau này con làm nghề gì để nuôi sống gia đình. 

Cậu Dukūla thưa với mẹ cha rằng: 

– Kính thưa mẹ cha, xin mẹ cha cho phép hai con từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành đạo-sĩ ở trong rừng Himavanta, sống bằng các loại trái cây, các loại củ và lá rừng. 

Nghe con nói như vậy, không còn cách nào khác, mẹ cha đành chịu cho phép đứa con trai và con dâu đi xuất gia trở thành đạo-sĩ. 

Hai vợ chồng đều trở thành đạo-sĩ 

Cậu Dukūla và cô Pārikā vô cùng hoan hỷ đảnh lễ mẹ cha, xin phép từ giã mẹ cha, dẫn nhau rời khỏi nhà đi vào rừng Himavanta đến bên bờ sông Migasammatā. 

Khi ấy, chỗ ngồi của Đức-vua Sakka cõi trời Tam-thập-tam-thiên phát nóng, Đức-vua Sakka xem xét nguyên nhân bằng thiên nhãn, thấy rõ hai bậc đại-nhân là cậu Dukūla và cô Pārikā đang đi vào rừng núi Himavanta đến chỗ bến sông Migasammatā. 

Đức-vua Sakka truyền lệnh vị thiên-nam Vissa-kamma xuất hiện xuống rừng núi Himavanta, chỗ bến sông Migasammatā hóa ra hai cốc lá cùng những thứ vật dụng cần thiết như y phục đạo-sĩ, v.v… cho hai bậc đại-nhân, con đường dẫn đến hai cốc lá, đường đi kinh hành, con đường đi vào rừng tìm trái cây, v.v… để hai bậc đại-nhân thuận lợi thực-hành phạm-hạnh cao thượng. 

Tuân lệnh Đức-vua trời Sakka, vị thiên nam Vissakamma xuất hiện xuống rừng núi Hima-vanta, chỗ bến sông Migasammatā hóa ra hai cốc lá, những thứ vật dụng cần thiết như y phục đạo-sĩ v.v… con đường dẫn đến hai cốc lá, đường đi kinh hành, con đường đi vào rừng tìm trái cây, v.v… xong, vị thiên nam Vissakamma trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên. 

Hai bậc đại-nhân đi theo con đường nhỏ dẫn đến hai cốc lá cách nhau không xa, trong mỗi cốc lá có đầy đủ các thứ vật dụng cần thiết đối với vị đạo-sĩ. Hai bậc đại-nhân biết rõ các thứ này do vua trời Sakka ban cho họ. 

Cậu Dukūla thay bộ đồ cũ, mặc bộ y phục đạo-sĩ rồi làm lễ xuất gia trở thành nam đạo-sĩ và cô Pārikā cũng xuất gia trở thành nữ đạo-sĩ. 

Hai vị đạo-sĩ trú bên bờ sông Migasammatā, vị nam đạo-sĩ và vị nữ đạo-sĩ thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục niệm rải tâm-từ đến tất cả chúng-sinh muôn loài. Do năng lực tâm-từ của vị nam đạo-sĩ và nữ đạo-sĩ mà các loài chúng-sinh, các loài thú trong rừng đều được sống an lành mát mẻ, biết thương yêu lẫn nhau, không làm khổ nhau, không oan trái lẫn nhau, mọi loài đều được sống an-lạc. 

Hằng ngày, nữ đạo-sĩ Pārikā thức dậy từ sáng sớm quét dọn sạch sẽ chỗ ở, lấy nước dùng, nước uống để sẵn, rồi hai đạo-sĩ dẫn nhau vào rừng tìm các loại trái cây lớn nhỏ, các loại củ, rễ… đem về dùng, rồi thực-hành pháp-hành thiền-định với niệm rải tâm-từ, trải qua suốt thời gian lâu dài tại bờ sông Migasammatā. 

Đức-vua trời Sakka cõi trời Tam-thập-tam-thiên thường hiện xuống chăm sóc phụng dưỡng hai bậc đạo-sĩ. 

Một hôm, Đức-vua trời Sakka nhìn thấy tai nạn sẽ xảy đến với cả hai bậc đại-nhân đạo-sĩ, đó là đôi mắt của hai bậc đạo-sĩ đều bị mù, không nhìn thấy gì nữa. Đức-vua trời Sakka nghĩ rằng: 

“Ta phải tìm cách giúp hai bậc đại-nhân đạo-sĩ này.” 

Đức-vua trời Sakka từ cõi trời Tam-thập-tam-thiên hiện xuống đến hầu đảnh lễ vị đạo-sĩ Dukūla thưa rằng: 

– Kính bạch Ngài thiện-trí đạo-sĩ Dukūla, Ngài và nữ đạo-sĩ Pārikā sẽ bị tai nạn làm mù đôi mắt, không còn thấy gì nữa. 

Vậy, kính xin hai bậc Đại-nhân nên có một người con, để sau này người con ấy chăm lo săn sóc phụng dưỡng hai bậc Đại-nhân trong lúc đui mù. 

Vậy, kính xin hai bậc Đại-nhân nên để thân với thân tiếp xúc với nhau. 

Nghe Đức-vua trời Sakka bạch như vậy, vị thiện-trí đạo-sĩ Dukūla thưa rằng: 

– Thưa Đức-vua trời Sakka, Đức-vua bạch như vậy nghe sao được! 

Trước đây, dù sống tại gia hai chúng tôi vẫn không hề để thân với thân tiếp xúc với nhau. Nay, hai chúng tôi đã là đạo-sĩ thì làm sao hai chúng tôi có thể để thân với thân tiếp xúc với nhau được. 

Đức-vua trời Sakka bạch rằng: 

– Kính bạch Ngài thiện-trí đạo-sĩ Dukūla, Ngài không cần phải hành như người thường, mà Ngài chỉ cần lấy bàn tay vuốt nhẹ lên bụng của vị nữ đạo-sĩ Pārikā mà thôi. 

Vị đạo-sĩ thiện-trí Dukūla thưa rằng: 

– Thưa Đức-vua trời Sakka, nếu như vậy thì bần đạo có thể thực hiện được. 

Đức-vua trời Sakka đảnh lễ Ngài thiện-trí đạo-sĩ Dukūla, rồi ngự trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên. 

Khi ấy, vị đạo-sĩ Dukūla thuật lại cho vị nữ đạo-sĩ Pārikā nghe rằng: 

– Này nữ đạo-sĩ Pārikā! Đức-vua trời Sakka ngự đến đây báo cho bần đạo biết rằng: 

Bần đạo và nữ đạo-sĩ sẽ bị tai nạn làm mù đôi mắt, không còn nhìn thấy gì nữa. Đức-vua trời Sakka khuyên bần đạo và nữ đạo-sĩ nên có một đứa con, để sau này người con ấy chăm lo săn sóc phụng dưỡng hai chúng ta trong lúc đui mù. 

Đức-vua trời Sakka hướng dẫn bần đạo chỉ cần lấy bàn tay vuốt nhẹ lên bụng của nữ đạo-sĩ mà thôi. 

Bần đạo đã tâu với Đức-vua trời Sakka rằng: 

Nếu như vậy thì bần đạo có thể thực hiện được. 

Như vậy, bần đạo và nữ đạo-sĩ nên thực-hành theo lời khuyên của Đức-vua trời Sakka. 

Đức-Bồ-tát đầu thai 

Một hôm, vị đạo-sĩ Dukūla lấy tay vuốt nhẹ lên trên bụng của nữ đạo-sĩ Pārikā. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama chuyển kiếp (chết) từ cõi trời Tam-thập-tam-thiên, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh đầu thai vào lòng nữ đạo-sĩ Pārikā. 

Thời gian trải qua 10 tháng, nữ đạo-sĩ Pārikā sinh ra một bé trai có màu da như vàng ròng, do đó đạo-sĩ Dukūla và nữ đạo-sĩ Pārikā đặt tên đứa con trai là Suvaṇṇasāmakumāra: bé trai Suvaṇṇasāma. 

Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma có những tướng tốt của bậc đại-nhân, được nuôi nấng dễ dàng trong hoàn cảnh rừng núi Himavanta. 

Hằng ngày, nữ đạo-sĩ Pārikā tắm Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma xong, đặt nằm trong cốc lá. Hai vị đạo-sĩ đi vào rừng tìm các thứ trái cây. Khi ấy, các cô Kinnarī sống quanh rừng núi đến làm phận sự như bà vú nuôi (nhũ-mẫu) chăm sóc Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma, các cô Kinnarī ẵm Đức-Bồ-tát xuống suối tắm xong, rồi lại ẵm lên đỉnh núi, đặt Đức-Bồ-tát nằm trên tảng đá, các cô đi hái các loài hoa đem về trang điểm Đức-Bồ-tát, chăm sóc Đức-Bồ-tát cho đến khi biết hai vị đạo-sĩ đã tìm được các thứ trái cây trở về. 

Khi ấy, các cô Kinnarī mới ẵm Đức-Bồ-tát trở về cốc lá, để cho nữ đạo-sĩ Pārikā cho Đức-Bồ-tát bú sữa. 

Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma được hai vị đạo-sĩ mẹ cha chăm sóc nuôi nấng lớn lên trưởng thành. 

Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục niệm rải tâm-từ vô lượng đến tất cả chúng-sinh. 

Cho nên, các loài thú dữ trong rừng tiếp nhận được tâm-từ của Đức-Bồ-tát, đều trở thành các con thú thuần tính, không còn làm khổ lẫn nhau nữa, các loài thú lớn nhỏ đều đến quanh quẩn gần gũi chơi với Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma như những người bạn thân thiết. 

Hằng ngày, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma lo giúp đỡ những công việc như quét dọn sạch sẽ xung quanh hai cốc lá của hai vị đạo-sĩ mẹ cha, mang bình bát đi xuống sông Migasammatā lấy nước uống, nước dùng cho hai vị đạo-sĩ mẹ cha. 

Các con thú lớn nhỏ từng đàn, từng đàn đi theo sau, Đức-Bồ-tát đặt cái bình nước trên lưng một con thú lớn, lực lưỡng khỏe mạnh đi xuống sông Migasammatā, khi lấy nước xong lại đặt bình nước trên lưng con thú lớn lực lưỡng khoẻ mạnh ấy mang nước về hai cốc lá của hai vị đạo-sĩ mẹ cha. Cho nên, nước dùng, nước uống lúc nào cũng đầy đủ để cho hai vị đạo-sĩ mẹ cha dùng. 

Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma trưởng thành lên 16 tuổi, hằng ngày có khả năng đỡ đần mọi công việc cốc lá cho hai vị đạo-sĩ mẹ cha. 

Hai vị đạo-sĩ bị mù đôi mắt 

Một hôm, sau khi tìm các thứ trái cây trong rừng núi xong, hai vị đạo-sĩ từ trong rừng trở về gần đến cốc lá chỗ ở của mình, thì trời đổ mưa lớn, hai vị đạo-sĩ đi vào gốc cây lớn để trú mưa. Tại dưới gốc cây lớn ấy, có một con rắn độc nằm trong hang, trận mưa lớn, nước mưa thấm ướt vào người hai vị đạo-sĩ, nước chảy xuống đất thấm vào trong hang rắn độc, nước mưa có lẫn mồ hôi người của hai vị đạo-sĩ, ngửi mùi mồ hôi người, con rắn độc nổi giận bò lên phun hơi nọc độc vào đôi mắt của hai vị đạo-sĩ làm cho đôi mắt của hai vị đạo-sĩ đều bị mù không còn thấy đường về cốc lá của mình. 

Khi ấy, vị đạo-sĩ Dukūla gọi nữ đạo-sĩ Pārikā rằng: 

– Này nữ đạo-sĩ Pārikā! Đôi mắt của bần đạo đều bị mù không nhìn thấy đường nữa. 

Vị nữ đạo-sĩ Pārikā cũng thưa với vị đạo-sĩ Dukūla rằng: 

– Kính thưa Ngài đạo-sĩ Dukūla, đôi mắt của bần đạo cũng bị mù không còn thấy đường nữa. 

Nữ đạo-sĩ Pārikā khóc than rằng: 

– Sinh-mạng của chúng ta sẽ bị chết tại nơi đây, mà Suvaṇṇasāma con yêu quý không hay biết. 

Vấn: Quả của ác-nghiệp nào mà làm cho đôi mắt của vị đạo-sĩ Dukūla và nữ đạo-sĩ Pārikā bị mù đôi mắt cùng một lúc như vậy? 

Đáp: Tiền-kiếp của hai vị đạo-sĩ đã từng là hai vợ chồng với nhau, người chồng làm thầy thuốc chữa trị bệnh mắt. 

Thời ấy, một người giàu sang phú quý có nhiều của cải, có đôi mắt bị mù, không thấy nữa. Gia đình mời vị thầy thuốc đến tận nhà chữa trị đôi mắt cho người nhà giàu bị mù đôi mắt ấy. 

Qua một thời gian vị thầy chữa trị đôi mắt của người nhà giàu ấy được khỏi bệnh, đôi mắt sáng trở lại, có thể nhìn thấy rõ được mọi vật. 

Vị thầy thuốc đòi tiền thuốc chữa trị đôi mắt, thì người nhà giàu ấy không chịu trả tiền số tiền ấy. Vị thầy thuốc tức giận trở về nhà nói lại cho vợ biết sự việc như vậy. Người vợ cũng tức giận nói với người chồng rằng: 

“Bây giờ, chúng ta không cần tiền của ông ấy nữa, anh bào chế một món thuốc nhỏ mắt có chứa chất độc, đem lại cho ông nhỏ vào đôi mắt. Qua một thời gian sau, chất độc thấm vào làm mù đôi mắt của ông ấy.” 

Nghe vợ nói như vậy, người chồng cũng đồng ý, bào chế một món thuốc nhỏ mắt có chất độc, đem lại cho người nhà giàu nhỏ vào đôi mắt. 

Quả nhiên một thời gian sau, đôi mắt của người nhà giàu ấy bị mù, không còn nhìn thấy gì nữa. 

Trong kiếp hiện-tại, vị đạo-sĩ Dukūla và nữ đạo-sĩ Pārikā bị mù đôi mắt không thấy. Đó là quả của ác-nghiệp làm mù đôi mắt của người nhà giàu, mà tiền-kiếp của hai vị đạo-sĩ đã tạo trong kiếp quá-khứ. 

Đi tìm mẹ cha 

Tại cốc lá, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma nghĩ rằng: “Mỗi ngày, mẹ cha của ta giờ này đã trở về cốc rồi. Hôm nay, một trận mưa lớn vừa qua cũng đã tạnh từ lâu, vì sao mẹ cha của ta chưa trở về, chắc chắn có điều gì đã xảy đến với mẹ cha của ta.” 

Nghĩ xong, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma đi theo con đường mòn mà hai vị đạo-sĩ mẹ cha thường đi hằng ngày, vừa đi vừa gọi tên mẹ cha rằng: 

Mẹ cha ở đâu? Xin lên tiếng cho con biết! … 

Nghe tiếng gọi của đứa con yêu quý, hai đạo-sĩ lên tiếng ngăn cấm rằng: 

– Này con yêu quý, đôi mắt của mẹ cha bị mù cả rồi! 

Ở đây có rắn độc nguy hiểm, con chớ nên đến gần mẹ cha con nhé! 

Đức-Bồ-tát thưa rằng: 

– Kính thưa mẹ cha, nếu vậy, thì xin mẹ cha cầm lấy đầu cây này. 

Đức-Bồ-tát đưa đầu cây dài đến tận tay của mẹ cha, rồi mẹ cha của Đức-Bồ-tát lần theo cây đến Đức-Bồ-tát. 

Đức-Bồ-tát thưa rằng: 

– Kính thưa mẹ cha, do nguyên nhân nào mà làm cho đôi mắt của mẹ cha bị mù như thế này? 

Hai vị đạo-sĩ mẹ cha kể lại cho Đức-Bồ-tát biết rằng: 

– Này con yêu quý! Trên đường về đến chỗ ấy, một trận mưa lớn vừa qua, mẹ cha vào trú mưa dưới cội cây ấy nhưng không biết dưới cội cây ấy có hang rắn độc, nước mưa thấm ướt toàn thân chảy xuống miệng hang. Ngửi mùi mồ hôi người, con rắn độc nổi giận bò lên phun nọc độc vào đôi mắt của mẹ cha. 

Đó là nguyên nhân làm cho đôi mắt của mẹ cha bị mù không còn nhìn thấy gì nữa. 

Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma khóc và cười 

Lắng nghe mẹ cha thuật lại sự việc xảy ra như vậy, nhìn thấy mẹ cha bị mù đôi mắt nên vô cùng xúc động, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma khóc vì thương yêu mẹ cha, rồi suy nghĩ đến bổn phận của mình, nên Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma cười vì hoan hỷ có được cơ hội tốt chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha mù. 

Mẹ cha của Đức-Bồ-tát hỏi rằng: 

– Này Suvaṇṇasāma con yêu quý! Tại sao con khóc, rồi con lại cười như vậy? 

Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma thưa rằng: 

– Kính thưa mẹ cha, sở dĩ con khóc là vì con không nén được nỗi xúc động nhìn thấy mẹ cha bị mù đôi mắt không nhìn thấy gì nữa. 

Và sở dĩ con cười là vì con cảm thấy vui mừng là kể từ nay về sau, con có cơ hội tốt chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha được an-lạc. 

– Kính xin mẹ cha an tâm, con cố gắng hết sức mình làm tròn bổn phận người con đối với mẹ cha. 

Đức-Bồ-tát thưa lời an ủi mẹ cha xong, cầm tay dẫn mẹ cha trở về lại cốc lá. 

Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma cột dây từ mỗi cốc lá của mẹ cha dẫn đến chỗ ngồi ăn, chỗ rửa mặt, chỗ tắm rửa, chỗ đi tiểu tiện, đại tiện, chỗ đường đi kinh hành, chỗ ngồi nghỉ mát, v.v… 

Đức-Bồ-tát sắp đặt mọi thuận lợi cho mẹ cha khi cần. Kể từ hôm ấy, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇa-sāma làm tròn bổn phận người con biết chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha một cách chu đáo. 

Đức-Bồ-tát thức dậy sớm thực-hành pháp-hành thiền-định niệm rải tâm-từ vô lượng đến tất cả chúng-sinh. 

Mỗi buổi sáng, Đức-Bồ-tát quét dọn sạch sẽ chỗ ở, giặt các bộ y phục của mẹ cha xong, vào đảnh lễ mẹ cha, rồi đem bình nước cùng đàn thú đi xuống sông Migasammatā lấy nước dùng, nước uống, sắp đặt các loại trái cây ngon lành để mẹ cha dùng bữa sáng. 

Sau khi mẹ cha dùng xong, Đức-Bồ-tát dùng phần trái cây còn lại, làm xong mọi công việc, Đức-Bồ-tát vào đảnh lễ mẹ cha, xin phép đi vào rừng núi, mang giỏ đi cùng với các đàn thú vào rừng núi, để tìm các loại trái cây lớn nhỏ, các loại củ, các thứ rễ. 

Đức-Bồ-tát hái trái cây ở chỗ thấp, còn các trái cây chín ở trên cao, thì có các chú khỉ leo lên hái đem xuống, mỗi đàn thú đi theo giúp đỡ Đức-Bồ-tát tìm hái trái cây lớn nhỏ, các loại củ, các loại rễ cây, tùy theo khả năng của mỗi loài thú. Khi đầy đủ các thứ, các con thú lực lưỡng khoẻ mạnh có phận sự vận tải đem về cốc lá. 

Về đến cốc lá, vào buổi chiều, Đức-Bồ-tát vào đảnh lễ mẹ cha, dẫn mẹ cha đi tắm rửa sạch sẽ, đem bộ y phục sạch đến để mẹ cha thay bộ y phục cũ, sắp đặt các thứ trái cây, kính dâng mẹ cha dùng buổi chiều, và sắp đặt các trái cây còn lại dành để dùng buổi sáng ngày hôm sau. 

Đức-Bồ-tát mang bình nước cùng với các đàn thú đi đến sông Migasammatā lấy nước dùng, nước uống đem về. 

Vào mùa lạnh, Đức-Bồ-tát nấu nước ấm để cho mẹ cha tắm, và làm tròn bổn phận phục vụ mẹ cha một cách chu đáo mỗi ngày. 

Buổi tối, Đức-Bồ-tát đến mỗi cốc lá xoa bóp chân tay, thân mình của mẹ cha. Khi trời trở lạnh Đức-Bồ-tát đốt lò sưởi ấm đặt trong mỗi cốc lá của mẹ cha. 

Hằng ngày, Đức-Bồ-tát vô cùng hoan hỷ làm tròn mọi phận sự chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha một cách chu đáo và cung kính với đại-thiện-tâm hoan hỷ, không bao giờ phàn nàn một điều gì cả. 

Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma coi trọng việc chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha, đó là bổn phận thiêng liêng của người con đối với mẹ cha của mình. 

Đức-vua Pīḷiyakkha 

Trong thời-kỳ ấy, Đức-vua Pīḷiyakkha ngự tại kinh-thành Bārāṇasī trị vì đất nước Kāsi, vốn có thú vui săn bắn thú rừng ăn thịt, Đức-vua một mình mang khí giới cung tên ngự vào rừng núi Himavanta đến bến sông Migasammatā. 

Nhìn thấy nhiều dấu chân nai ở tại bến sông này, Đức-vua ngồi ẩn mình trong bụi cây, lấy mũi tên tẩm thuốc độc vào cây cung rồi chờ đợi, quan sát từ xa thấy Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma đi xuống sông tắm, Đức-vua nghĩ rằng: 

Ta đã ngự vào trong khu rừng núi Himavanta này nhiều lần, nhiều ngày nhưng chưa từng bao giờ gặp một người nào cả. 

Vậy, người kia có phải là người thật hay không? Hay là chư-thiên hóa ra thành người, hay là long vương hóa ra thành người? 

Nếu chư-thiên hoặc loài long hóa ra thành người, khi ta đến gần thì vị ấy biến mất. Ta muốn biết vị ấy thuộc hạng chúng-sinh nào. 

Đức-vua quan sát nhìn thấy các đàn thú xuống bến sông uống nước xong, lên bờ đứng chờ, đến lượt Đức-Bồ-tát tắm xong lên bờ, mặc y phục vỏ cây một tấm, choàng một tấm, cúi xuống nâng bình nước lau sạch đặt lên vai, rồi đi tự nhiên, các đàn thú đi theo sau. 

Khi ấy, Đức-vua đưa cây cung lên nhắm thẳng vào người Đức-Bồ-tát mà bắn, mũi tên trúng đâm vào thân của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇa-sāma. Các đàn thú biết Đức-Bồ-tát bị bắn, nên chúng hoảng sợ chạy thoát thân. 

Tuy Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma bị mũi tên đâm vào thân, nhưng vẫn bình tĩnh giữ bình nước không bị đổ, từ từ đặt bình nước xuống đất, nằm quay đầu hướng về chỗ ở của mẹ cha, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma nằm với đại-thiện-tâm trong sáng thốt lên rằng: 

Tôi không có oan trái với bất cứ ai trong rừng núi Himavanta này! 

Mẹ cha tôi cũng không có oan trái với ai trong rừng núi Himavanta này! 

Vậy, ai là người bắn mũi tên vào tôi khi tôi đang đem nước về cho mẹ cha tôi? 

Người nào bắn tôi, có được sự lợi ích gì? 

Bởi vì thịt của tôi không ăn được, da của tôi cũng không lấy làm gì được? 

Vậy, do nguyên nhân nào mà bắn mũi tên đâm vào thân của tôi? 

Tôi muốn biết người ấy là ai? Ở nơi nào? Xin mời đến gặp tôi. 

Nghe lời lẽ tha thiết của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇa-sāma, Đức-vua Pīḷiyakkha nghĩ rằng: 

“Người bị ta bắn bằng mũi tên tẩm thuốc độc vô cùng đau đớn, người ấy không mắng nhiếc chửi rủa ta mà nói bằng lời ngọt ngào tha thiết đáng yêu, làm cho ta cảm động vô cùng, ta phải ngự đến gặp y ngay.” 

Nghĩ xong, Đức-vua Pīḷiyakkha ngự đến đứng gần Đức-Bồ-tát rồi truyền bảo rằng: 

– Này cậu bé thân yêu! Trẫm là vua nước Kāsi, tên là Pīḷiyakkha, Trẫm vốn có thú vui ngự vào rừng núi Himavnata này săn bắn nai để ăn thịt. 

– Này cậu bé thân yêu! Tên của cậu gọi là gì? Cậu là con của ai ở trong rừng này vậy? 

Nghe Đức-vua Pīḷiyakkha truyền hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma tâu rằng: 

– Muôn tâu Đại-vương, tiện dân tên là Suvaṇṇasāma là con của đạo-sĩ Dukūla và nữ đạo-sĩ Pārikā. 

– Muôn tâu Đại-vương, thông thường người ta giết con cọp để lấy da cọp, giết con voi để lấy đôi ngà, giết nai để ăn thịt nai. 

Vậy, do nguyên nhân nào mà Đại-vương bắn mũi tên thấm độc đâm vào thân hình của tiện dân như thế này? 

Nghe Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma hỏi như vậy, Đức-vua lúng túng trả lời dối rằng: 

– Này cậu Suvaṇṇasāma! Đàn nai đang ở trong tầm mũi tên của Trẫm. Nhìn thấy cậu xuất hiện, chúng hoảng sợ chạy vào rừng trốn thoát. 

Đó là nguyên nhân làm cho Trẫm nổi cơn tức giận, nên Trẫm quay đầu mũi tên bắn vào cậu. 

Nghe Đức-vua truyền bảo không thật, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma tâu rằng: 

– Muôn tâu Đại-vương, từ khi kẻ tiện dân sinh ra trong rừng núi Himavanta này, các đàn thú rừng dù là loài thú dữ cũng trở thành loài thú thuần tính đến chơi quanh quẩn với kẻ tiện dân này như những người bạn thân thiết, khi kẻ tiện dân đi vào rừng núi tìm hái các loại trái cây lớn nhỏ, đào các loại củ, hái các thứ lá cây, khi xuống sông lấy nước, các đàn thú rừng đều đi theo giúp đỡ kẻ tiện dân này. 

Như vậy, đàn nai thấy kẻ tiện dân nên hoảng sợ chạy vào rừng trốn thoát, đó là điều không thể xảy ra đối với kẻ tiện dân trong khu rừng núi này được! 

Nghe lời lẽ của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma như vậy, Đức-vua cảm thấy ăn năn hối hận rằng: 

“Ta đã tạo ác-nghiệp bắn cậu Suvaṇṇasāma vô tội, ta lại còn tạo thêm ác-nghiệp nói dối nữa. 

Vậy, ta nên thú thật tội-lỗi của ta.” Đức-vua truyền bảo rằng: 

– Này cậu Suvaṇṇasāma! Sự thật, đàn nai không phải thấy cậu rồi hoảng sợ chạy vào rừng trốn thoát. Đó chỉ là điều mà Trẫm nói dối với cậu mà thôi, Trẫm đã tạo ác-nghiệp bắn mũi tên độc đâm vào thân thể của cậu và còn tạo thêm ác-nghiệp nói dối với cậu nữa. 

– Này cậu Suvaṇṇasāma! Cậu đang ở với ai trong khu rừng này. Xin cậu nói cho Trẫm biết. 

Nghe Đức-vua Pīḷayakkha hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma cố gắng nhẫn-nại chịu đựng nỗi đau đớn vì mũi tên độc, khạc nhổ máu trong miệng ra rồi tâu rằng: 

– Muôn tâu Đại-vương, kẻ tiện dân đang ở với mẹ cha là vị đạo-sĩ Dukūla và nữ đạo-sĩ Pārikā đều bị mù đôi mắt, không nhìn thấy gì cả. 

Hằng ngày, kẻ tiện dân này đi vào rừng tìm hái các loại trái cây lớn nhỏ, các loại củ, các thứ rau đem về phụng dưỡng mẹ cha mù. 

Chiều nay, kẻ tiện dân mang bình đi lấy nước tại bến sông Migasammatā này đem về cho mẹ cha của kẻ tiện dân dùng. 

Tâu đến đây, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma nghĩ đến mẹ cha mù đôi mắt, rồi khóc than rằng: 

– Những thứ trái cây, các thứ củ, các loại rau, … mà con đã tìm về hôm nay, mẹ cha dùng những thứ ấy, rồi có thể duy trì sinh-mạng được ít ngày, nhưng mẹ cha không có nước uống, thì mẹ cha sẽ chết, vì khát nước mà thôi. 

Sự đau khổ vì mũi tên độc này, không phải là sự đau khổ cùng cực của con. Con không được hầu hạ chăm sóc phụng dưỡng mẹ cha mới thật là nỗi đau khổ cùng cực nhất của con. 

Vào mỗi buổi tối, con thường đến xoa bóp cho mẹ cha ngủ ngon. Đêm nay, không có con, mẹ cha sẽ nhớ con, rồi khóc than suốt đêm nay, sức khoẻ sẽ bị hao mòn rồi sẽ bị chết khô. 

Ôi! Mũi tên thứ hai này mới thật làm cho con đau khổ cùng cực nhất, bởi vì con sẽ chết tại nơi đây, không còn nhìn thấy mẹ cha nữa, mẹ cha cũng không biết được con chết tại nơi đây. 

Nghe lời khóc than của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇa-sāma, Đức-vua Pīḷiyakkha nghĩ rằng: 

“Cậu Suvaṇṇasāma là người hành phạm-hạnh cao thượng, biết chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha một cách chu đáo, dù cậu đang chịu đựng nỗi đau khổ cùng cực như vậy, vẫn còn nhớ tưởng đến mẹ cha. Ta đã làm hại cậu Suvaṇṇasāma, con người cao thượng này.” 

Đức-vua Pīḷiyakkha tự phán xét mình rằng: 

“Ta đã tạo ác-nghiệp nặng đối với cậu Suvaṇṇasāma này, ác-nghiệp này khó mà tránh khỏi tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục. 

Vậy, ngai vàng ngôi báu có giúp được gì cho ta được đâu! 

Nếu cậu Suvaṇṇasāma chết, thì ta phải nên thay thế cậu chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha đui mù của cậu, như cậu Suvaṇṇasāma thực-hành hằng ngày đêm.” 

Khi ấy, Đức-vua an ủi cậu Suvaṇṇasāma rằng: 

– Này cậu Suvaṇṇasāma kính yêu! Cậu chớ nên khóc than nữa, Trẫm hứa sẽ thay thế cậu chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha cậu, như cậu đã chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha hằng ngày đêm. 

– Này cậu Suvaṇṇasāma kính yêu! Mẹ cha của cậu hiện đang ở chỗ nào. Xin cậu chỉ cho Trẫm biết. 

Nghe Đức-vua Pīḷiyakkha truyền bảo như vậy, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma tâu rằng: 

– Muôn tâu Đại-vương, nếu như vậy thì xin Đức-vua ngự đi con đường theo hướng đầu nằm của kẻ tiện dân này, ngự đến nơi có hai cốc lá, đó là chỗ ở của mẹ cha tiện dân này. 

Kính xin Đại-vương có tâm bi thương xót tế độ mẹ cha mù của kẻ tiện dân này. 

Sau khi chỉ con đường dẫn đến hai cốc lá chỗ ở của mẹ cha, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma ráng cố gắng hết sức chịu đựng nỗi đau khổ chắp hai tay lên ngực tâu rằng: 

– Muôn tâu Đại-vương, khi Đại-vương ngự đến gặp mẹ cha của kẻ tiện dân, xin Đại-vương chuyển lời của kẻ tiện dân này rằng: 

“Kính thưa mẹ cha, con hết lòng thành kính đảnh lễ dưới đôi bàn chân của mẹ cha, con xin phép vĩnh biệt mẹ cha.” 

Sau khi dứt lời cuối cùng, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma chết ngất, tắt thở không còn nói lời nào nữa, vì năng lực của chất độc đã thấm vào tim, đôi môi ngậm lại, đôi mắt nhắm lại, toàn thân cứng, nằm trên vũng máu của mình. 

Khi ấy, Đức-vua Pīḷiyakkha nghĩ rằng: 

“Cậu Suvaṇṇasāma vừa mới nói chuyện với ta tại sao nằm làm thinh bất động.” 

Đức-vua đưa tay đặt lên hai lỗ mũi xem xét thấy hơi thở ra vào của Đức-Bồ-tát không còn nữa, toàn thân thể cứng đơ, nhìn thấy mọi sự việc xảy ra trước mắt, Đức-vua mới biết cậu Suvaṇṇasāma đã chết rồi. 

Đức-vua Pīḷiyakkha vô cùng kinh ngạc, nỗi sầu não cực độ phát sinh, đưa hai bàn tay ôm đầu, Đức-vua Pīḷiyakkha hét lên khóc than thành tiếng lớn vô cùng thảm thiết, bởi vì ăn năn hối hận tội-lỗi của mình, vì thương tiếc cậu Suvaṇṇasāma có đức tính cao thượng. 

Đức-vua Pīḷayakkha khóc than rằng: 

Ta cứ tưởng không già, không chết, nhưng có ngờ đâu có già, có chết. Thật vậy, cậu Suvaṇṇasāma còn trẻ vừa mới nhờ ta kính lời đảnh lễ mẹ cha của cậu và lời vĩnh biệt xong thì cậu đã chết rồi. 

Chính ta đã chứng kiến cậu Suvaṇṇasāma là bậc đại-thiện-trí cao thượng chết ngay trước mặt ta. Ta đã tạo ác-nghiệp nặng bắn chết cậu Suvaṇṇasāma, bậc đại-thiện-trí thực-hành pháp-hạnh cao thượng. 

Trước đây, ta đã từng tạo ác-nghiệp giết các loài thú rừng và cũng đã từng truyền lệnh giết những kẻ tội phạm theo luật của triều đình. 

Nay, chính ta đã tạo ác-nghiệp giết cậu Suvaṇṇasāma hoàn toàn vô tội, cậu là bậc đại-thiện-trí thực-hành phạm-hạnh cao thượng. Chắc chắn mọi người sẽ chê trách ta là vị vua tàn nhẫn độc ác giết người vô tội, mọi người sẽ nguyền rủa ta. Nhưng trong rừng núi hoang vu này có ai thấy, có ai biết đâu mà chê trách ta, nguyền rủa ta! 

Đức-vua Pīḷayakkha khóc than thảm thiết đủ điều, vừa tự trách mình vừa tự an ủi mình. 

Vị thiên-nữ Bahusundharī 

Khi ấy, vị thiên-nữ Bahusundharī thường trú tại núi Gandhamādana, tiền-kiếp của vị thiên-nữ đã từng là mẹ của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma kiếp thứ 7, kể từ kiếp hiện-tại trở về trước, vị thiên-nữ Bahusundharī thường trông nom săn sóc theo dõi Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma với tình thương yêu của người mẹ đối với con. 

Hôm ấy, vị thiên-nữ Bahusundharī đi dự đại hội chư-thiên, nên không trông nom săn sóc, không theo dõi Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma. Vừa sực nhớ đến Đức-Bồ-tát con của mình, vị thiên-nữ Bahusundharī với thiên-nhãn của mình quan sát xem xét thấy rõ Đức-Bồ-tát bị chết ngất vì mũi tên tẩm thuốc độc, đang nằm trên vũng máu tại bãi cát bên bờ sông Migasammatā, còn Đức-vua Pīḷiyakkha bắn mũi tên độc ấy đang ngồi khóc than thảm thiết vì ăn năn hối lỗi của mình, vì thương tiếc đến Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma. 

Vị thiên-nữ Bahusundharī nghĩ rằng: 

“Nếu ta không đến kịp ngay chỗ ấy, thì Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma con của ta sẽ chết thật, Đức-vua Pīḷayakkha cũng vỡ tim chết, mẹ cha của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma cũng chết, vì đói khát. 

Vậy, ta mau đến kịp thời, khuyên Đức-vua Pīḷiyakkha mang bình nước đến gặp mẹ cha của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma, rồi thông báo cho hai vị đạo-sĩ biết rằng: 

“Cậu Suvaṇṇasāma con của hai vị đã bị bắn chết rồi”. Mẹ cha của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma yêu cầu Đức-vua dẫn hai vị đến thăm con mình. Khi ấy, mẹ cha của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma phát nguyện bằng lời chân thật, sẽ làm cho chất độc trong thân thể của Suvaṇṇasāma tiêu tan, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma con của ta sẽ sống trở lại như thường, và đặc biệt Đức-vua Pīḷiyakkha sẽ được nghe Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma thuyết pháp. Sau khi nghe Đức-Bồ-tát thuyết pháp xong, Đức-vua Pīḷayakkha sẽ trở thành Đức-vua thực-hành theo thiện pháp.” 

Sau khi xem xét như vậy, vị thiên-nữ Bahu-sundharī xuất hiện đến bên bờ sông Miga-sammatā nơi Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma đang nằm chết ngất, vị thiên-nữ đứng trên hư không tâu với Đức-vua Pīḷayakkha rằng: 

– Muôn tâu Đức-vua Pīḷayakkha, Đức-vua đã tạo ác-nghiệp bắn mũi tên độc vào thân thể của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma, bậc đại-thiện-trí thực-hành pháp-hạnh cao thượng. Với mũi tên độc ấy không chỉ giết chết một Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma mà còn làm cho hai vị đạo-sĩ mù là mẹ cha của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma cũng chết vì đói khát nữa. Cho nên, Đức-vua Pīḷayakkha đã tạo các ác-nghiệp sát-sinh. 

– Muôn tâu Đức-vua Pīḷayakkha, tôi sẽ hướng dẫn Đức-vua tạo mọi đại-thiện-nghiệp, tạo cho mình một con đường tái-sinh lên cõi trời. 

Vậy, kính xin Đức-vua đem bình nước uống ngự đến gặp mẹ cha mù của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma, rồi Đức-vua nên thay thế Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma mà chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha mù của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma trong rừng núi này. Tôi tin chắc rằng: 

Do nhờ mọi đại-thiện-nghiệp ấy, sau khi Đức-vua băng hà có thể tránh khỏi tái-sinh trong cõi địa-ngục, do nhờ đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau lên cõi trời dục-giới. 

Nghe lời khuyên của vị thiên-nữ, Đức-vua Pīḷiyakkha nghĩ rằng: 

“Nếu sau khi ta băng hà, để tránh khỏi ác-nghiệp cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục thì ta nên từ bỏ ngôi vua, mà thay thế cậu Suvaṇṇa-sāma chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha mù của cậu Suvaṇṇasāma. Sau khi ta băng hà, đại-thiện-nghiệp ấy sẽ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau lên cõi trời dục-giới.” 

Suy nghĩ như vậy xong, Đức-vua Pīḷayakkha cảm thấy yên tâm, tỏ lòng cung kính và thương tiếc cậu Suvaṇṇasāma, rồi đem bình nước ngự theo con đường đi thẳng đến chỗ ở của mẹ cha cậu Suvaṇṇasāma. 

Lắng nghe tiếng bước chân của Đức-vua Pīḷiyakkha ngự đến gần cốc lá, vị đạo-sĩ Dukūla nhận biết rằng: 

 “Không phải là bước chân của Suvaṇṇasāma con của ta, bởi vì bước chân của Suvaṇṇasāma đi điều đặn và nhẹ nhàng.” 

Vậy, ai mà đến khu rừng núi này, vị đạo-sĩ Dukūla thưa rằng: 

– Kính thưa vị khách quý, bần đạo mù xin hỏi rằng: Ngài là ai đến thăm bần đạo nơi rừng núi hoang vu này? 

Đặt bình bát xuống nền, Đức-vua Pīḷiyakkha đứng trước vị đạo-sĩ mù truyền bảo rằng: 

– Thưa Ngài Đạo-sĩ kính yêu, Trẫm là vua nước Kāsi này, tên là Pīḷiyakkha, Trẫm vốn thích đi săn băn thú rừng, duyên may ngự đến thăm Ngài Đạo-sĩ. 

Vị đạo-sĩ Dukūla tâu rằng: 

– Muôn tâu Đại-vương, kính xin Đại-vương tha tội thất lễ, vì bần đạo mù không biết nghi lễ đón tiếp Đại-vương cho đúng phép. 

– Muôn tâu Đại-vương, kính mời Đại-vương chọn lựa những loại trái cây ngon lành mà dùng, kính mời Đại-vương dùng nước mát của con sông Migasammatā. 

Lắng nghe lời tâu mời đón tiếp thân tình của vị đạo-sĩ Dukūla. Đức-vua nghĩ rằng: 

“Ta chưa nên nói cho vị đạo-sĩ biết cậu Suvaṇṇasāma đã chết.” 

Đức-vua Pīḷiyakkha thưa rằng: 

– Kính thưa Ngài Đạo-sĩ, Ngài bị mù đôi mắt không thấy được gì trong rừng này. 

Vậy, ai là người đi tìm hái những loại trái cây lớn nhỏ đem về, rồi sắp đặt từng loại đàng hoàng như người sáng mắt như thế này? 

Vị đạo Dukūla tâu rằng: 

– Muôn tâu Đại-vương, Suvaṇṇasāma đứa con yêu quý của chúng tôi, buổi sáng nó thức dậy sớm quét dọn sạch sẽ chỗ ở của mẹ cha xong, đem bình đi lấy nước cho mẹ cha dùng, rồi nó đi vào rừng cùng với các đàn thú đi tìm hái các trái cây lớn nhỏ, đào các thứ củ, hái các loại rau,… đem về sắp đặt từng loại đàng hoàng xong, rồi đem bình nước cùng với các đàn thú đi đến sông Migasammatā lấy nước uống, nước dùng. 

Chiều nay, nó đã đem bình lấy nước lâu rồi, chắc nó sắp về. 

Khi ấy, Đức-vua Pīḷayakkha truyền bảo rằng: 

– Thưa Ngài Đạo-sĩ, đứa con nhỏ tên Suvaṇ-ṇasāma yêu quý của Ngài, là bậc đại-thiện-trí thực-hành phạm-hạnh cao thượng. Cậu Suvaṇ-ṇasāma đã bị Trẫm bắn mũi tên độc chết nằm trên bãi cát bên bờ sông Migasammatā. 

Trước khi chết, cậu Suvaṇṇasāma có nhờ Trẫm thưa lại với Ngài rằng: 

 “Kính thưa mẹ cha, con hết lòng thành kính đảnh lễ dưới đôi bàn chân của mẹ cha, con xin phép vĩnh biệt mẹ cha.” 

Cốc lá của nữ đạo-sĩ Pārikā ở không xa nơi đó, nữ đạo-sĩ ngồi nghe rõ chuyện Suvaṇṇasāma bị bắn chết, muốn biết rõ chuyện xảy ra như thế nào, vị nữ đạo-sĩ Pārikā đứng dậy bước ra khỏi cốc lá, lần theo sợi dây đi đến cốc lá của vị đạo-sĩ Dukūla bèn hỏi rằng: 

– Kính thưa bậc thiện-trí Đạo-sĩ Dukūla, Ngài đang nói chuyện với vị nào mà tôi nghe rằng: 

“Cậu Suvaṇṇasāma đã bị bắn mũi tên độc chết nằm trên bãi cát bên bờ sông Miga-sammatā.” làm cho tôi khổ tâm cùng cực. 

Vị đạo-sĩ Dukūla khuyên nữ đạo-sĩ Pārikā rằng: 

– Này nữ đạo-sĩ Pārikā! Người đang nói chuyện với bần đạo là Đức-vua nước Kāsi. Đại-vương đã bắn mũi tên độc trúng Suvaṇṇasāma, con yêu quý của chúng ta đã chết nằm trên bãi cát bên bờ sông Migasammatā. 

Suvaṇṇasāma con yêu quý của chúng ta đã chết rồi. Chúng ta không nên xúc phạm đến Đại-vương. 

Nữ đạo-sĩ Pārikā khóc than rằng: 

– Suvaṇṇasāma là người con yêu quý nhất của chúng ta, là người con chí hiếu biết chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha trong khu rừng núi hoang vu này, làm sao tôi không khổ tâm thương tiếc được! 

Vị đạo-sĩ Dukūla khuyên dạy an ủi rằng: 

– Này nữ đạo-sĩ Pārikā! Thật vậy, Suvaṇṇa-sāma là người con yêu quý nhất của chúng ta, là người con chí hiếu biết chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha trong khu rừng hoang vu này. 

Đó là sự thật, nhưng chúng ta không nên phát sinh tâm sầu não. 

– Này nữ đạo-sĩ Pārikā! Chư bậc thiện-trí tán dương ca tụng người không phát sinh sân-tâm trong đối tượng không đáng hài lòng, trong trường hợp bất bình, bởi vì sân-tâm thuộc về ác-pháp, phiền não có thể dắt dẫn tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục. 

Nghe lời khuyên dạy an ủi của vị thiện-trí đạo sĩ Dukūla, nữ đạo-sĩ Pārikā ngẹn ngào xúc động quá, không sao ngăn nỗi thống khổ cùng cực, hai bàn tay ôm mặt khóc than kể lể đến đức tính chí hiếu của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma. 

Chứng kiến cảnh cảm động đau lòng ấy, Đức-vua Pīḷiyakkha truyền lời an ủi đến hai vị đạo-sĩ rằng: 

– Kính thưa hai Ngài đạo-sĩ kính yêu, xin hai Ngài nguôi bớt cơn sầu não, xin đừng than khóc nữa, cậu Suvaṇṇasāma đã bị Trẫm bắn chết rồi. 

Nay, Trẫm thay thế cậu Suvaṇṇasāma làm mọi phận sự chăm lo săn sóc phụng dưỡng hai Ngài, như cậu Suvaṇṇasāma. 

Kính xin hai Ngài an tâm, xin hai Ngài nguôi bớt nỗi buồn khổ. 

Khi ấy, hai vị đạo-sĩ tâu với Đức-vua rằng: 

– Muôn Tâu Đại-vương, Đại-vương không nên truyền bảo như vậy, bởi vì Đại-vương là Đức-vua trị vì toàn cõi đất nước Kāsi, còn hai bần đạo chúng tôi chỉ là tiện dân nhỏ bé trong nước của Đại-vương mà thôi, không đáng để Đại-vương phải bận tâm. 

Nghe lời tâu của hai vị đạo-sĩ, Đức-vua Pīḷayakkha nghĩ rằng: 

Thật là phi thường! Đối với bậc xuất-gia đạo-sĩ thực-hành phạm-hạnh cao thượng. Ta đã bắn chết người con yêu quý duy nhất của hai Ngài đạo-sĩ mà hai Ngài không hề thốt ra lời xúc phạm đến ta, mà còn nói những lời đạo đức, ôn hòa có tâm-từ với ta. 

Hai Ngài đạo-sĩ thật đáng kính, thật đáng khâm phục biết dường nào! 

Đức-vua Pīḷiyakkha thành kính thưa với hai Ngài đạo-sĩ với tấm lòng chân thành rằng: 

– Kính thưa hai Ngài đạo-sĩ khả kính, hai Ngài là bậc đại-thiện-trí thực-hành pháp-hạnh cao thượng có tâm-từ vô lượng rải khắp mọi chúng-sinh. 

– Kính thưa hai Ngài đạo-sĩ khả ái, Trẫm kính xin Ngài đạo-sĩ Dukūla làm phụ thân của Trẫm và kính xin Ngài nữ đạo-sĩ Pārikā làm mẫu thân của Trẫm. 

– Kính xin hai Ngài đạo-sĩ nhận Trẫm là con của hai Ngài. Trẫm xin cố gắng làm tròn bổn phận người con, làm mọi phận sự chăm lo săn sóc phụng dưỡng thân phụ và thân mẫu một cách chu đáo như Suvaṇṇasāma. 

Nghe Đức-vua Pīḷiyakkha truyền bảo như vậy, hai vị đạo-sĩ chắp tay tâu rằng: 

– Muôn tâu Đại-vương nước Kāsi, hai chúng tôi thành kính đội ơn Đại-vương. 

– Muôn tâu Đại-vương, cầu xin Đại-vương trị vì đất nước Kāsi cho an lành thịnh vượng, thần dân thiên hạ được an cư lạc nghiệp. 

Hai bần đạo chúng tôi chắp tay khẩn khoản kính xin Đại-vương dẫn hai bần đạo chúng tôi đến tận nơi chỗ nằm của Suvaṇṇasāma, để hai bần đạo chúng tôi tiếp xúc trực tiếp toàn thân thể của Suvaṇṇasāma, người con yêu quý của chúng tôi, rồi hai bần đạo chúng tôi sẽ được chết cùng với Suvaṇṇasāma tại nơi ấy, Đại-vương không phải bận tâm vì hai bần đạo chúng tôi nữa. 

Khi nghe hai vị đạo-sĩ khẩn khoản tâu như vậy, Đức-vua Pīḷiyakkha nghĩ rằng: 

“Bây giờ lúc mặt trời lặn, nếu bây giờ hai Ngài đạo-sĩ mù này đi đến chỗ nằm của Suvaṇṇasāma, tiếp xúc tử thi Suvaṇṇasāma thì trái tim của hai Ngài đạo-sĩ sẽ bị vỡ rồi chết, bởi vì quá thương yêu. Như vậy, cả 3 người đều chết bởi vì ta, chắc chắn ta sẽ khó tránh khỏi bị xa vào cõi địa-ngục.” 

Đức-vua Pīḷiyakkha tìm cách trì hoãn nên thưa rằng: 

– Kính thưa hai Ngài đạo-sĩ kính yêu, cậu Suvaṇṇasāma chết nằm trên bãi cát bên bờ sông Migasammatā. Bây giờ trời tối trong rừng có nhiều thú dữ, vì vậy, kính xin hai Ngài đạo-sĩ ở tại cốc trong đêm nay, sáng ngày mai Trẫm sẽ dẫn hai Ngài đến tận chỗ nằm của Suvaṇṇasāma. 

Hai vị đạo-sĩ tha thiết khẩn khoản tâu rằng: 

– Muôn tâu Đại-vương, dù trong rừng núi có hằng trăm, hằng ngàn thú dữ, hai bần đạo vẫn không bao giờ biết sợ cả. 

– Muôn tâu Đại-vương, hai bần đạo chúng tôi tha thiết khẩn khoản Đại-vương dẫn hai bần đạo chúng tôi đi đến chỗ nằm của Suvaṇṇasāma ngay bây giờ, để cho hai bần đạo chúng tôi tiếp xúc với thân thể của Suvaṇṇasāma, người con yêu quý nhất của chúng tôi. 

Biết không thể nào trì hoãn được, nên Đức-vua Pīḷiyakkha nắm tay dẫn hai vị đạo-sĩ mù đến chỗ nằm của Đức-Bồ-tát. Đức-vua truyền thưa rằng: 

– Kính thưa hai Ngài đạo-sĩ kính yêu, đây là thi thể Suvaṇṇasāma. 

Khi ấy, vị đạo-sĩ Dukūla phụ thân của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma đỡ cái đầu Đức-Bồ-tát lên đặt lên trên vế của mình và nữ đạo-sĩ Pārikā mẫu thân của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma đỡ đôi chân của Đức-Bồ-tát lên đặt trên vế của mình, rồi khóc than kể lễ đến đức tính tốt chí hiếu của Đức-Bồ-tát, đã tận tâm chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha mù trong khu rừng núi hoang vu này. 

Nữ đạo-sĩ Pārikā đưa tay sờ vào ngực của Suvaṇṇasāma có cảm giác còn có hơi ấm, nên nghĩ rằng: 

“Suvaṇṇasāma con của chúng ta còn có hơi ấm, có lẽ nó chỉ bị chết ngất vì chất độc mà thôi. 

Vậy, ta nên phát nguyện bằng lời chân-thật để làm cho tiêu tan chất độc trong thân của Suvaṇṇasāma con của chúng ta ngay bây giờ.” 

Năng lực của lời phát nguyện 

* Nữ đạo-sĩ Pārikā là mẹ của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma cố gắng làm nguôi bớt cơn sầu não, phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch phát nguyện bằng lời chân-thật rằng: 

– Suvaṇṇasāma là người con đại-trí thường thực-hành các pháp-hạnh cao thượng. 

– Suvaṇṇasāma là người con đại-từ thường thực-hành pháp-hành thiền-định niệm rải tâm-từ vô lượng đến tất cả chúng-sinh. 

– Suvaṇṇasāma là người con đại-thiện-trí thường nói lời chân-thật. 

– Suvaṇṇasāma là người con đại-chí-hiếu tận tâm chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha mù một cách chu đáo. 

– Suvaṇṇasāma là người con đại-khiêm-tốn biết kính trọng mẹ cha và tất cả mọi chúng-sinh. 

– Suvaṇṇasāma là người con có đức lớn, có đủ hai đức tính là biết ơn và biết đền đáp công ơn. 

– Suvaṇṇasāma là người con yêu quý nhất của mẹ. Do năng lực của lời chân-thật này, chất độc trong thân thể của Suvaṇṇasāma con yêu quý nhất của mẹ, xin hãy tiêu tan ngay. 

Do năng lực của lời phát nguyện chân thật của vị nữ đạo-sĩ Pārikā là mẹ của Đức-Bồ-tát khiến cho thân hình của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma trở mình sang một bên rồi nằm yên. 

* Tiếp theo, đạo-sĩ Dukūla là cha của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma cố gắng làm nguôi bớt cơn sầu não, phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch phát nguyện bằng lời chân-thật rằng: 

– Suvaṇṇasāma là người con đại-trí thường thực-hành các pháp-hạnh cao thượng. 

– Suvaṇṇasāma là người con đại-từ thường thực-hành pháp-hành thiền-định niệm rải tâm-từ vô lượng đến tất cả chúng-sinh. 

– Suvaṇṇasāma là người con đại-thiện-trí thường nói lời chân-thật. 

– Suvaṇṇasāma là người con đại-chí-hiếu tận tâm chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha mù một cách chu đáo. 

– Suvaṇṇasāma là người con đại-khiêm-tốn biết kính trọng mẹ cha và tất cả mọi chúng-sinh. 

– Suvaṇṇasāma là người con có đức lớn, có đủ hai đức tính là biết ơn và biết đền đáp công ơn. 

– Suvaṇṇasāma là người con yêu quý nhất của cha. Do năng lực của lời chân-thật này, chất độc trong thân thể của Suvaṇṇasāma con yêu quý nhất của cha, xin hãy tiêu tan ngay. 

Do năng lực của lời phát nguyện chân thật của vị đạo-sĩ Dukūla là cha của Đức-Bồ-tát khiến cho thân hình của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma trở mình lại sang một bên khác rồi nằm yên. 

* Tiếp theo, vị thiên-nữ Bahusundharī (đã từng là mẹ của tiền-kiếp thứ 7 của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma) trú tại núi Gandhamādana xuất hiện ra tại chỗ nằm Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma phát nguyện bằng lời chân-thật rằng: 

– Tôi trú tại núi Gandhamādana trải qua suốt thời gian lâu dài, không có ai mà tôi thương yêu hơn Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma. 

Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma là người mà tôi thương yêu nhất, cũng như núi Gandhamādana có toàn những cây có mùi thơm. 

Do năng lực của lời chân-thật này, chất độc trong thân thể của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma, xin hãy tiêu tan không còn dư sót. 

Sau khi vị thiên-nữ Bahusundharī phát nguyện vừa chấm dứt, thì Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma có màu da như vàng ròng, khôi ngô tuấn tú đứng dậy ngay tức khắc, mũi tên rơi xuống đất, không để lại dấu vết, nỗi đau khổ không còn nữa. 

Do oai lực của chư-thiên, mọi sự phi thường xảy ra cùng một lúc không trước không sau là: 

– Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma hồi sinh tự nhiên. 

– Đôi mắt của vị đạo-sĩ Dukūla và vị nữ đạo-sĩ Pārikā sáng trở lại tự nhiên. 

– Đúng lúc rạng đông bắt đầu một ngày mới. 

– Bốn vị là Đức-vua Pīḷiyakkha, đạo-sĩ Dukūla, vị nữ đạo-sĩ Pārikā và Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma được hiện diện tại cốc lá. 

4 sự kiện này được hiện hữu cùng một lúc, không sau không trước do oai lực của chư-thiên. 

Hai vị đạo-sĩ Dukūla và vị nữ đạo-sĩ Pārikā có đôi mắt sáng trở lại, nhìn thấy mọi vật, cho nên hai vị đạo-sĩ cảm thấy vô cùng hoan hỷ. 

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma thưa rằng: 

– Kính thưa mẹ cha, con là Suvaṇṇasāma, người con mà mẹ cha thương yêu nhất đã sống trở lại rồi. Con rất vui mừng thấy mẹ cha có đôi mắt sáng trở lại, xin mẹ cha không nên buồn khổ nữa, con cầu mong mẹ cha thân tâm thường an-lạc. 

Kính xin mẹ cha nói chuyện với con bằng những lời hay với tâm-từ như trước. 

Nhìn thấy Đức-vua Pīḷiyakkha, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma tâu rằng: 

– Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương đã ngự đến đây thật là điều tốt lành đối với mẹ cha của tôi. 

Kính mời Đại-vương lựa chọn các thứ trái cậy ngon mà dùng, kính mời Đại-vương dùng nước mát đem từ con sông Migasammatā. 

Đức-vua Pīḷiyakkha đã chứng kiến những điều xảy ra thật phi thường chưa từng có, nên thưa rằng: 

– Thưa bậc đại-thiện-trí Suvaṇṇasāma, Trẫm vô cùng ngạc nhiên chứng kiến những điều xảy ra, thật phi thường chưa từng có như thế này: 

Bậc đại-thiện-trí Suvaṇṇasāma đã chết rồi, nay hồi sinh sống trở lại tự nhiên, không có gì thay đổi. 

Hai vị đại-thiện-trí đạo-sĩ bị mù đôi mắt, nay có đôi mắt sáng trở lại tự nhiên. 

Nghe Đức-vua Pīḷiyakkha truyền thưa như vậy, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma nghĩ rằng: 

“Đức-vua Pīḷiyakkha tưởng ta đã chết rồi, ta nên giải thích điều này cho Đức-vua biết.” Nên tâu câu kệ rằng: 

Api jīvaṃ mahārāja,  

purisaṃ gāḷhavedanaṃ. 

Upanītamanasaṅkappaṃ,  

jīvantaṃ maññate mataṃ. 

Apijīvaṃ mahāraja,  

purisaṃ gāḷhavedanaṃ. 

Taṃ nirodhagataṃ santaṃ,  

jīvantaṃ maññate mataṃ.  

– Tâu Đại-vương, nếu người còn sống phải chịu đựng nỗi thống khổ cùng cực, tâm bị chìm xuống dòng hộ-kiếp-tâm (bhavaṇgacitta), thì người ấy vẫn còn sống, mà người đời tưởng đã chết. 

– Tâu Đại-vương, nếu người còn sống phải chịu đựng nỗi thống khổ cùng cực, hơi thở ra vào bị ngưng (diệt), thì người ấy vẫn còn sống mà người đời tưởng đã chết. 

Đức-Bồ-tát thuyết pháp tế độ Đức-vua rằng: 

– Tâu Đại-vương, người nào biết chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha, bạn bè một cách chu đáo, thì chư-thiên, nhân loại theo hộ trì người ấy. 

– Tâu Đại-vương, người nào biết chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha, bạn bè một cách chu đáo, chư bậc thiện-trí tán dương ca tụng người ấy trong kiếp này. Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới. 

Lắng nghe lời dạy của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇa-sāma, Đức-vua Pīḷiyakkha suy nghĩ rằng: 

“Thật phi thường chưa từng thấy! Chư-thiên chữa trị vết thương của Suvaṇṇasāma, người con biết chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha. 

Bậc đại-thiện-trí Suvaṇṇasāma thật là đáng kính!” 

Đức-vua Pīḷiyakkha chắp tay thưa rằng: 

– Thưa bậc đại-thiện-trí Suvaṇṇasāma, Trẫm là người tối mê lầm lạc. Nay, Trẫm kính xin nương nhờ nơi bậc đại-thiện-trí Suvaṇṇasāma. 

Kính xin bậc đại-thiện-trí Suvaṇṇasāma là nơi nương nhờ của Trẫm, tế độ Trẫm, để sau khi Trẫm băng hà, đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới. 

Nghe Đức-vua Pīḷiyakkha thưa như vậy, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma tâu rằng: 

– Tâu Đại-vương, nếu Đại-vương muốn kiếp sau có cơ hội tái-sinh hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc, thì ngay kiếp hiện-tại này, Đại-vương nên thực-hành đầy đủ nghiêm chỉnh 10 pháp-vương là pháp-hành của Đức-vua (dasa rājadhamma) như sau: 

– Tâu Đại-vương, 10 pháp-vương đó là: 

1- Xin Đại-vương nên thực-hành thiện-pháp phụng dưỡng Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu một cách cung kính trong kiếp hiện-tại này. 

2- Xin Đại-vương thực-hành thiện-pháp nuôi dưỡng Chánh-cung Hoàng-hậu, hoàng-hậu, các hoàng-tử, các công-chúa một cách chu đáo trong kiếp hiện-tại này. 

3- Xin Đại-vương thực-hành thiện-pháp tế độ, giúp đỡ các quan và bạn hữu một cách chu đáo trong kiếp hiện-tại này. 

4- Xin Đại-vương thực-hành thiện-pháp đối với các bộ binh, các con voi, ngựa một cách chu đáo trong kiếp hiện-tại này. 

5- Xin Đại-vương thực-hành thiện-pháp đối với dân chúng trong kinh-thành, trong các tỉnh thành và huyện xã, trong các vùng trong nước. 

6- Xin Đại-vương thực-hành thiện-pháp trong toàn đất nước trong kiếp hiện-tại này. 

7- Xin Đại-vương thực-hành thiện-pháp hộ độ, cúng dường đến Sa-môn, Bà-la-môn một cách cung kính trong kiếp hiện-tại này. 

8- Xin Đại-vương thực-hành thiện-pháp đối với các loài thú rừng, các loài chim, … không làm khổ chúng trong kiếp hiện-tại này. 

9- Xin Đại-vương thực-hành thiện-pháp, rồi thiện-pháp ấy sẽ cho quả an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai. 

10- Xin Đại-vương thực-hành thiện-pháp như Đức-vua trời Sakka, chư-thiên trong cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên ở trong các tầng trời sắc-giới đều là những vị đã từng thực-hành mọi thiện-pháp trong tiền-kiếp của họ. 

Kính xin Đại-vương chớ nên dể duôi trong mọi thiện-pháp. 

Sau khi Đại-vương băng hà, đại-thiện-nghiệp ấy sẽ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới. 

Đó là 10 pháp-vương (dasa rājadhamma) mà Đức-vua cần phải thực-hành nghiêm chỉnh khi trị vì đất nước của mình. 

Sau khi thuyết giảng 10 pháp-vương xong, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma hướng dẫn Đức-vua Pīḷiyakkha thọ trì ngũ-giới, rồi khuyên Đức-vua giữ gìn ngũ-giới của mình cho được trong sạch và đầy đủ trong kiếp hiện-tại. 

Đó là thiện-pháp cơ bản, sau khi Đức-vua băng hà, đại-thiện-nghiệp ấy sẽ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc. 

Khi ấy, Đức-vua Pīḷiyakkha chắp hai tay thành kính đảnh lễ Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma, rồi kính xin sám hối những tội-lỗi của mình, trước sự chứng minh của Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma. 

Đức-vua Pīḷiyakkha đảnh lễ Ngài đạo-sĩ Dukūlapaṇḍita và nữ đạo-sĩ Pārikā, rồi xin từ giã hồi cung trở về kinh-thành Bāraṇasī. 

Từ đó về sau, Đức-vua Pīḷiyakkha cố gắng tinh-tấn tạo mọi phước-thiện như phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ ngũ-giới trong sạch và đầy đủ, thực-hành 10 pháp-vương là pháp-hành của Đức-vua trị vì đất nước Kāsi được thanh bình thịnh vượng, thần dân thiên hạ được an cư lạc nghiệp. 

Đức-vua Pīḷiyakkha thực-hành mọi thiện-pháp cho đến suốt đời. 

Sau khi Đức-vua Pīḷayakkha băng hà, đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy. 

Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha, thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục tứ vô-lượng-tâm, chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và chứng đắc ngũ-thông (đa-dạng-thông, thiên-nhãn-thông, thiên-nhĩ-thông, tha-tâm-thông, tiền-kiếp-thông). 

Ngài Đạo-sĩ Dukūlapaṇḍita và nữ đạo-sĩ Pārikā thực-hành pháp-hành thiền-định, với đề-mục tứ vô-lượng-tâm, chứng đắc 5 bậc thiền sắc giới và chứng đắc ngũ-thông. 

Sau khi hai vị đạo-sĩ chết, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm có quyền ưu tiên cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Quảng-quả-thiên tột đỉnh, có tuổi thọ 500 đại-kiếp trái đất. 

Sau khi Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma chết, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm có quyền ưu tiên cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Quảng-quả-thiên tột đỉnh, có tuổi thọ 500 đại-kiếp trái đất. 

Sau khi Đức-Phật thuyết về tích Suvaṇṇasāma tiền-kiếp của Ngài xong, Đức-Phật thuyết dạy chư tỳ-khưu rằng: 

– Này chư tỳ-khưu! Người con chí hiếu chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha. Đó là truyền thống của chư bậc thiện-trí tiền bối xưa. 

Đức-Phật thuyết dạy về chân-lý tứ Thánh-đế, vị tỳ-khưu chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha ấy chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama. 

Các vị tỳ-khưu khác cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn trở thành bậc Thánh nhân thấp hoặc cao tuỳ theo năng lực của 10 pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi vị tỳ-khưu. 

Tích Suvaṇṇasāmajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại 

Trong tích Suvaṇṇasāmajātaka này, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm con của 2 vị đạo-sĩ: đạo-sĩ Dukūlapaṇḍita và nữ đạo-sĩ Pārikā trong kiếp quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Suvaṇṇasāmajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau: 

– Vị đạo-sĩ Dukūlapaṇḍita, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa. 

– Vị nữ đạo-sĩ Pārikā, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Bhaddākāpilānī. 

– Đức-vua trời Sakka, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Anuruddha. 

– Đức-vua Pīḷiyakkha, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānandā. 

– Vị thiên-nữ Bahusundarī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā. 

– Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama. 

Mười pháp-hạnh ba-la-mật 

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật bậc trung đồng thời các pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng được thành tựu như sau: 

1- Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma săn sóc phụng dưỡng mẹ cha, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật. 

2- Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma giữ gìn giới, đó là pháp-hạnh giữ giới ba-la-mật. 

3- Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma xuất gia đạo-sĩ, đó là pháp-hạnh xuất gia ba-la-mật. 

4- Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma có trí-tuệ sáng suốt, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật. 

5- Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma có sự tinh-tấn, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật. 

6- Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma có đức nhẫn-nại, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật. 

7- Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma nói lời phát-nguyện, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật. 

8- Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma nói lời chân-thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật. 

9- Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma có tâm-xả, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật. 

Đó là 9 pháp-hạnh ba-la-mật đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật bậc trung này. 

Nhận xét về tích Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma 

Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật bậc trung là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha). 

Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật đó là vô-sân tâm-sở (adosacetasika) đồng sinh với các thiện-tâm có đối tượng chúng-sinh đáng yêu, đáng mến, không oan trái và tất cả chúng-sinh, mong sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc đến tất cả chúng-sinh vô lượng không phân biệt. 

Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma thường thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục niệm rải tâm-từ vô lượng đến tất cả mọi chúng-sinh không phân biệt, cho nên, các loài thú trong rừng đều thương yêu quý mến Đức-Bồ-tát, chúng thường đi theo quanh quẩn với Đức-Bồ-tát như bạn. 

Tuy Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma bị mũi tên độc đâm vào thân thể đau đớn vô cùng, nhưng Đức-Bồ-tát vẫn nhẫn-nại chịu đựng, không hề phát sinh sân-tâm. Đó là do nhờ năng lực tâm-từ đè nén, chế ngự được sân-tâm không thể phát sinh, hỗ trợ Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật được thành tựu. 

Hành-giả thường thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục niệm rải tâm-từ vô lượng đến tất cả mọi chúng-sinh không phân biệt, trở thành thói quen, thì đại-thiện-tâm có tâm-từ mát mẻ, không nóng nảy bực bội, dù gặp những đối-tượng xấu, gặp cảnh trái ý nghịch lòng, hành-giả vẫn giữ gìn được đại-thiện-tâm trong sáng, nên sân-tâm không phát sinh nên không có khổ tâm. Đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật hỗ trợ pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật được thành-tựu. 

(Xong pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật bậc trung) 

Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật bậc hạ (Mettāpāramī) & bậc trung (Mettā Upapāramī)
Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật bậc thượng (Mettāparamatthapāramī)

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *