Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 19 – Pháp-Hành Trung-Đạo (Majjhimāpaṭipadā)

Pháp-Hành Trung-Đạo (Majjhimāpaṭipadā)

Pháp-hành trung-đạo là một pháp-hành chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo.

Trong bài Kinh Dhammacakkappavattanasutta: Kinh Chuyển-Pháp-Luân mà Đức-Phật thuyết giảng lần đầu tiên, để tế độ nhóm 5 tỳ-khưu: Ngài Đại-Trưởng-lão Koṇḍañña, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma Ngài Assaji tại khu rừng phóng sinh nai gọi Isipatana, gần kinh thành Bāraṇasī.

Hai pháp thấp hèn

Đức-Phật thuyết giảng rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Có hai pháp cực đoan thuộc về hai biên kiến mà bậc xuất gia không nên thực-hành theo.

Hai pháp ấy như thế nào?

1- Một là việc thường thụ hưởng lạc trong ngũ-dục do tham-tâm hợp với thường-kiến, là pháp thấp hèn của hạng phàm nhân trong đời, không phải pháp-hành của bậc Thánh-nhân, không đem lại sự lợi ích, sự an-lạc.

2- Hai là việc thường tự ép xác hành khổ mình do sân-tâm và có đọan-kiến thuộc về pháp-hành khổ-hạnh của ngoại đạo, không phải pháp-hành của bậc Thánh-nhân, không đem lại sự lợi ích, sự an-lạc.

Pháp-hành trung-đạo (majjhimāpaṭipadā)

– Này chư tỳ-khưu! Không thiên về hai pháp cực đoan thuộc về hai biên kiến ấy, Như-Lai đã thực-hành theo pháp-hành trung-đạo, nên đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế bằng trí-tuệ siêu-tam-giới, làm cho tuệ-nhãn phát sinh; trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới phát sinh đã làm vắng lặng mọi phiền-não; đã làm cho trí-tuệ siêu-việt thông-suốt chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

– Này chư tỳ-khưu! Như thế nào gọi là pháp-hành trung-đạo mà Như-Lai đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, bằng trí-tuệ siêu-tam-giới, làm cho tuệ-nhãn phát sinh; trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới phát sinh đã làm vắng lặng mọi phiền-não; đã làm cho trí-tuệ siêu-việt thông-suốt chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

– Này chư tỳ-khưu! Pháp-hành trung-đạo là Thánh-đạo hợp đủ 8 chánh cao thượng là chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định.

– Này chư tỳ-khưu! Pháp-hành trung-đạo là Thánh-đạo hợp đủ 8 chánh cao thượng này, mà Như-Lai đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, bằng trí-tuệ siêu-tam-giới, làm cho tuệ-nhãn phát sinh; trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới phát sinh đã làm vắng lặng mọi phiền-não; đã làm cho trí-tuệ siêu-việt thông-suốt chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.”

Trong bài kinh này, Đức-Phật thuyết giảng pháp-hành trung-đạo chính là Thánh-đạo-tâm hợp đủ 8 chánh cao thượng là chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định.

Bát chánh này đó là 8 tâm-sở cùng với 28 tâm-sở khác đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Thật ra, 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có 36 tâm-sở đồng sinh. Trong 36 tâm-sở ấy có 8 tâm-sở gọi là bát-chánh-đạo như sau:

1- Trí-tuệ tâm-sở gọi là chánh-kiến.

2- Hướng-tâm tâm-sở gọi là chánh-tư-duy.

3- Chánh-ngữ tâm-sở gọi là chánh-ngữ.

4- Chánh-nghiệp tâm-sở gọi là chánh-nghiệp.

5- Chánh-mạng tâm-sở gọi là chánh-mạng.

6- Tinh-tấn tâm-sở gọi là chánh-tinh-tấn.

7- Niệm tâm-sở gọi là chánh-niệm.

8- Nhất-tâm tâm-sở gọi là chánh-định.

Tám tâm-sở này cùng với 28 tâm-sở khác đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm cùng có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Pháp-hành trung-đạo đó là pháp-hành bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh trong 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Như vậy, pháp-hành bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh này không phải là pháp-hành bắt đầu thực-hành, cũng không phải là pháp-hành đang thực-hành, mà sự thật là pháp-hành đã thực-hành xong rồi, đã hoàn thành xong mọi phận sự tứ Thánh-đế, nên pháp-hành bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh này gọi là pháp-thành Phật-giáo (paṭivedhadhamma) là kết quả của pháp-hành Phật-giáo (paṭipattidhamma).

Cho nên, pháp-hành trung-đạo là pháp-hành bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh ở giai đọan cuối.

Bắt đầu thực-hành pháp-hành bát-chánh-đạo

* Giai đọan đầu thực-hành pháp-hành bát-chánh-đạo, hành-giả cần phải bắt đầu thực-hành chánh-niệm: Niệm-thân, niệm-thọ, niệm-tâm, niệm-pháp, đó là thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ.

 Thật vậy, trong kinh Rahogatasutta Ngài Trưởng-lão Anuruddha từng tư duy rằng:

“Hành-giả nào chán nản thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ, hành-giả ấy gọi là người chán nản thực-hành pháp-hành bát-chánh-đạo, nên không thể dẫn đến sự giải thoát khổ tử sinh luân-hồi.

“Hành-giả nào có tinh-tấn thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ, hành-giả ấy gọi là người có tinh-tấn thực-hành pháp-hành bát-chánh-đạo, nên có thể dẫn đến sự giải thoát khổ tử sinh luân-hồi, …”

Như vậy, chánh-niệm đó là pháp-hành tứ-niệm-xứ là pháp-hành phần đầu dẫn đến pháp-hành cuối cùng là Thánh-đạo hợp đủ 8 chánh: Chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định đồng sinh trong 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Trong Chú-giải kinh Mahāsatipaṭṭhānasuttavaṇṇanā giảng giải rằng: “Pubbabhāgasatipaṭṭhānamaggo” tứ-niệm-xứ là pháp-hành bát-chánh-đạo phần đầu.

Pháp-hành trung-đạo là pháp-hành tứ-niệm-xứ

Trong Chi-bộ-kinh, phần 3 chi pháp, Đức-Phật thuyết giảng về 3 pháp-hành (paṭipadā):

1- Āgāḷhā paṭipadā: Pháp-hành hưởng lạc cực đoan.

2- Nijjhāmāpaṭipadā: Pháp-hành khổ hạnh cực đoan.

3- Majjhimāpaṭipadā: Pháp-hành trung-đạo.

Đức-Phật thuyết giảng về pháp-hành trung-đạo rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Pháp-hành trung-đạo là thế nào?

 – Này chư tỳ-khưu! Trong Phật-giáo này, tỳ-khưu:

1- Là hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ toàn thân trong phần thân-niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

2- Là hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ các thọ trong phần thọ-niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

3- Là hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ tâm trong phần tâm-niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

4- Là hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ các pháp trong phần pháp-niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

Như vậy, pháp-hành trung-đạo phần đầu chính là pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, và phần cuối là pháp-hành bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh đồng sinh trong 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Pháp-hành trung-đạo có 2 giai đọan:

1- Giai đọan đầu của pháp-hành trung-đạo.

2- Giai đọan cuối của pháp-hành trung-đạo.

Pháp-hành trung-đạo là pháp-hành diệt tham-tâm hài lòng (abhijjhā) và diệt sân-tâm không hài lòng (domanassa) đồng thời cũng diệt si-tâm si mê không thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới, để cho trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh theo tuần tự từ trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới cho đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới gồm có 16 loại trí-tuệ thiền-tuệ.

1- Giai đọan đầu của pháp-hành trung-đạo là hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ để phát sinh trí-tuệ từ trí-tuệ thứ nhất gọi là nāmarūpaparicchedañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp đều là pháp-vô-ngã, và các trí-tuệ thiền-tuệ tuần tự phát sinh cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gọi là gotrabhuñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ chuyển tánh từ dòng phàm-nhân sang dòng Thánh-nhân. Trí-tuệ thiền-tuệ này có khả năng đặc biệt tiếp nhận đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, song tâm vẫn còn đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ.

Đó là giai đọan đầu của pháp-hành trung-đạo.

2- Giai đọan cuối của pháp-hành trung-đạo là hành-giả đã chứng đắc đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 gọi là Maggañāṇa: Thánh-đạo-tuệ đồng sinh với Thánh-đạo-tâm và trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 gọi là Phalañāṇa: Thánh-quả-tuệ đồng sinh với Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới. Khi ấy, chắc chắn có bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh: Chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm ấy.

Đó là giai đọan cuối của pháp-hành trung-đạo. 

Thực-hành pháp-hành trung-đạo

Pháp-hành trung-đạo (majjhimāpaṭipadā) là pháp-hành mà hành-giả cần phải học hỏi, nghiên cứu, hiểu biết các đối-tượng tứ-niệm-xứ là thân, thọ, tâm, pháp hoặc đối-tượng thiền-tuệ là tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp một cách rành rẽ.

Khi thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, hành-giả có đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ đặt trung dung trong các đối-tượng tứ-niệm-xứ thân, thọ, tâm, pháp hoặc đối-tượng thiền-tuệ mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp, không thiên vị đối-tượng nào nghĩa là không coi trọng đối-tượng này, cũng không coi khinh đối-tượng khác, nên hành-giả có khả năng diệt được tham-tâm hài lòng (abhijjhā) và diệt sân-tâm không hài lòng (domanassa) trong đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp ấy.

Như vậy, hành-giả thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo.

* Thực-hành không đúng theo pháp-hành trung-đạo như thế nào?

Số hành-giả không thường gần gũi thân cận với bậc thiện-trí trong Phật-giáo, không học hỏi, nghiên cứu, không hiểu rõ thật-tánh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới đều có sự sinh, sự diệt, đều có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã.

Hành-giả không hiểu biết rõ tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới đều là khổ đế, là pháp mà trí-tuệ-hành có phận sự nên biết (pariññeyya) khổ đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới.

Do chưa hiểu biết rõ thật-tánh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới như vậy, nên khi thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, hành-giả coi trọng đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp này, coi khinh đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp kia, có tâm thiên vị trong đối-tượng tứ-niệm-xứ hoặc đối-tượng thiền-tuệ.

Khi hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, không đặt tâm trung dung trong tất cả mọi đối-tượng sắc-pháp, mọi đối-tượng danh-pháp tam-giới, nên khi thì tham-tâm hài lòng phát sinh nơi đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp này, khi thì sân-tâm không hài lòng phát sinh nơi đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp kia.

Hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, không diệt được tham-tâm hài lòng và sân-tâm không hài lòng nơi đối-tượng tứ-niệm-xứ hoặc đối-tượng thiền-tuệ.

Cho nên, hành-giả thực-hành không đúng theo pháp-hành trung-đạo.

Hơn nữa, khi có tham-tâm hoặc sân-tâm phát sinh, ắt có si tâm-sở đồng sinh với tham-tâm, sân-tâm ấy, nên che phủ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, không thể chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.

Ví dụ: Hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có sắc-ngồi đó là tư thế ngồi, dáng ngồi thuộc về sắc-pháp phát sinh do tâm, làm đối-tượng thiền-tuệ.

– Nếu hành-giả coi trọng đối-tượng sắc-ngồi thì tham-tâm hài lòng nơi sắc-ngồi ấy phát sinh. Tham-tâm phát sinh có 19 hoặc 21 tâm-sở chắc chắn có si tâm-sở đồng sinh với tham-tâm ấy làm che phủ thật-tánh của sắc-ngồi thuộc về sắc-pháp ấy.

– Khi có phóng-tâm phát sinh (nghĩ đến chuyện khác), nên tâm buông bỏ đối-tượng sắc-ngồi ấy, nếu hành-giả coi khinh phóng-tâm tâm-sở (uddhaccacetasika) thuộc về danh-pháp thì sân-tâm không hài lòng phát sinh, bởi vì phóng-tâm phát sinh làm mất đối-tượng sắc-ngồi ấy. Sân-tâm phát sinh có 20 hoặc 22 tâm-sở, chắc chắn có si tâm-sở đồng sinh với sân-tâm ấy làm che phủ thật-tánh của danh-pháp phóng-tâm tâm-sở ấy.

Như vậy, hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ có đối-tượng sắc-ngồi, không diệt được tham-tâm hài lòng trong đối-tượng sắc-ngồi và cũng không diệt được sân-tâm không hài lòng trong đối-tượng danh-pháp phóng-tâm, trong khi đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng sắc-ngồi ấy.

Cho nên, hành-giả thực-hành không đúng theo pháp-hành trung-đạo.

* Thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo như thế nào?

Số hành-giả thường gần gũi thân cận với bậc thiện-trí trong Phật-giáo, thường học hỏi, nghiên cứu, hiểu biết rõ thật-tánh tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới đều là pháp-vô-ngã. Tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới đều có sự sinh, sự diệt, đều có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã.

Hành-giả hiểu biết rõ tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới đều là khổ đế, là pháp mà trí-tuệ-hành có phận sự nên biết (pariññeyya) khổ đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới.

Do nhờ có yonisomanasikāra trí-tuệ hiểu biết đúng 4 trạng-thái của tất cả mọi sắc-pháp, danh-pháp tam-giới như vậy, nên khi thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, hành-giả không coi trọng đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp này, cũng không coi khinh đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp kia, hành-giả không có tâm thiên vị trong các đối-tượng tứ-niệm-xứ thân, thọ, tâm, pháp hoặc đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp.

Hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, đặt tâm trung-dung trong tất cả mọi đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, nên tham-tâm hài lòng không phát sinh nơi đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp này, và sân-tâm không hài lòng cũng không phát sinh nơi đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp kia.

Hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ đúng theo pháp-hành trung-đạo, nên diệt được tham-tâm hài lòng và sân-tâm không hài lòng nơi các đối-tượng tứ-niệm-xứ hoặc các đối-tượng thiền-tuệ.

Cho nên, hành-giả thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo.

Ví dụ: Hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có sắc-ngồi đó là tư thế ngồi, dáng ngồi thuộc về sắc-pháp phát sinh do tâm, làm đối-tượng thiền-tuệ.

– Khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, không coi trọng đối-tượng sắc-ngồi, nên tham-tâm hài lòng nơi đối-tượng sắc-ngồi ấy không phát sinh, chỉ có trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-ngồi thuộc về sắc-pháp ấy mà thôi.

– Nếu khi có phóng-tâm phát sinh (nghĩ đến chuyện khác), làm cho tâm buông bỏ đối-tượng sắc-ngồi ấy thì hành-giả không coi khinh phóng-tâm tâm-sở (uddhacca-cetasika) thuộc về danh-pháp, nên sân-tâm không hài lòng không phát sinh, chỉ có trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ thật-tánh của phóng-tâm tâm-sở thuộc về danh-pháp mà thôi.

Hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp hành thiền-tuệ diệt được tham-tâm hài lòng và diệt được sân-tâm không hài lòng nơi các đối-tượng tứ-niệm-xứ hoặc đối-tượng thiền-tuệ ấy.

Cho nên, hành-giả thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo do biết đặt tâm trung-dung trong tất cả mọi đối-tượng tứ-niệm-xứ hoặc tất cả mọi đối-tượng thiền-tuệ, không coi trọng đối-tượng thiền-tuệ này, cũng không coi khinh đối-tượng thiền-tuệ kia, bởi vì hành-giả hiểu biết rõ thật-tánh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới đều có sự sinh, sự diệt, đều có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, không hơn không kém, đều có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

Sở dĩ, hành-giả thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo là vì có yonisomanasikāra hỗ trợ hiểu biết trong tâm với trí-tuệ hiểu biết đúng 4 trạng-thái: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới.

Thật vậy, * sắc-ngồi là đối-tượng trong tứ-oai-nghi trong phần thân-niệm-xứ thuộc về sắc-pháp phát sinh do tâm có sự sinh, sự diệt, có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

* Phóng-tâm đó là phóng-tâm tâm-sở (uddhacca-cetasika) là đối-tượng trong 5 pháp-chướng-ngại trong phần pháp-niệm-xứ thuộc về danh-pháp cũng có sự sinh, sự diệt, cũng có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, cũng có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn. 

Dù đối-tượng sắc-ngồi thuộc về sắc-pháp hoặc dù đối-tượng phóng-tâm tâm-sở thuộc về danh-pháp thì tâm của hành-giả vẫn có chánh-niệm trực nhận đối-tượng ấy, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ thật-tánh của đối-tượng sắc-ngồi thuộc về sắc-pháp hoặc của đối-tượng phóng-tâm tâm-sở thuộc về danh-pháp ấy một cách trung-dung, không hơn không kém, không coi trọng đối-tượng sắc-ngồi, cũng không coi khinh đối-tượng phóng-tâm.

Khi phóng-tâm diệt, hành-giả có chánh-niệm trực nhận đối-tượng sắc-ngồi cũ, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ trở lại đối-tượng sắc-ngồi cũ như trước.

Như vậy, hành-giả thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo.

Khi hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ trong giai đọan đầu đúng theo pháp-hành trung-đạo, nhờ không thiên về 2 pháp cực đoan là tham-tâm và sân-tâm, nên diệt được tham-tâm hài lòng nơi các đối-tượng tứ-niệm-xứ và diệt được sân-tâm không hài lòng nơi các đối-tượng tứ-niệm-xứ, đồng thời diệt được si tâm-sở nơi tất cả mọi đối-tượng tứ-niệm-xứ hoặc tất cả mọi đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp, nên trí-tuệ thiền-tuệ tiến triển từ trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới cho đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới, chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

Khi chứng đắc 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới. Khi ấy, bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh là chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm. 

Đó là giai đọan cuối của pháp-hành trung-đạo.

 

Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 18 - Chánh-Niệm, Trí-Tuệ Tỉnh-Giác
Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 20 - Pháp-Hành Giới-Định-Tuệ

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *