Giảng Giải Bát-Giới Ājīvaṭṭhamakasīla
* Ājīvaṭṭhamakasīla: ājīva + aṭṭhamaka + sīla.
– Ājīva: Mạng sống, nuôi mạng
Có 2 cách:
– Micchājīva: Cách sống tà-mạng, nghĩa là sống bằng cách thân hành 3 ác-nghiệp, khẩu hành 4 ác-nghiệp, làm 5 nghề buôn bán: buôn bán vũ khí, buôn bán người làm nô lệ, giết gia súc bán thịt, buôn bán rượu, bia và các chất say, buôn bán thuốc độc giết hại chúng sinh, …
– Sammā ājīva: Cách sống chánh-mạng, nghĩa là sống bằng cách thân hành 3 thiện-nghiệp, khẩu hành 4 thiện- nghiệp, không làm 5 nghề buôn bán: không buôn bán vũ khí, không buôn bán người làm nô lệ, không giết gia súc bán thịt, không buôn bán rượu, bia và các chất say, không buôn bán thuốc độc giết hại chúng sinh, …
– Aṭṭhamaka: Thứ 8.
– Sīla: Điều-giới.
– Ājīvaṭṭhamakasīla: Điều-giới thứ 8 là điều-giới tránh xa cách sống tà-mạng, sống theo chánh-mạng.
Bát-giới ājīvaṭṭhamakasīla có 8 điều-giới, 4 điều-giới đầu là điều-giới thứ nhất, điều-giới thứ nhì, điều-giới thứ ba và điều-giới thứ tư đã giảng giải trong phần ngũ-giới.
5- Điều-Giới Thứ 5
Pisuṇavācā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Nghĩa từng chữ:
* Pisuṇavācā: Pisuṇa + vācā
– Pisuṇa: làm cho chia rẽ, phá tan sự đoàn kết.
– Vācā: lời nói.
– Pisuṇavācā; lời nói chia rẽ nhau, lời nói làm mất tình thương yêu đoàn kết nhau.
* Veramaṇisikkhāpadaṃ: Veramaṇī + sikkhāpadaṃ.
– Veramaṇī: tác-ý tránh xa.
– Sikkhāpadaṃ: điều-giới, giới.
* Samādiyāmi: Con xin thọ trì.
Nghĩa toàn câu:
Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa sự nói lời chia rẽ.
Chi-Pháp Phạm Điều-Giới Nói Lời Chia Rẽ
Người nào phạm điều-giới nói lời chia rẽ phải hợp đủ 5 chi-pháp:
1- Nói lời chia rẽ giữa hai người đang thân thiết với nhau.
2- Tác-ý ác làm cho hai người ấy chia rẽ nhau.
3- Cố gắng bằng khẩu để hai người ấy chia rẽ nhau.
4- Hai người nghe và tin lời người nói, rồi lánh xa nhau.
5- Hai người oán ghét lẫn nhau, rồi chia rẽ xa lánh.
Nếu người nào hội đủ 5 chi-pháp này thì người ấy đã phạm điều-giới nói lời chia rẽ. Nếu không đủ 5 chi-pháp thì không phạm điều-giới nói lời chia rẽ.
Giảng Giải Về Sự Nói Lời Chia Rẽ
Sự nói lời chia rẽ như thế nào?
Cậu A và cô B là hai người bạn thân thiết với nhau, thường giúp đỡ lẫn nhau. Cô C nhìn thấy họ như vậy nên sinh tâm ganh tỵ, tìm cách làm cho cậu A và cô B nghi ngờ lẫn nhau, rồi ghét nhau dẫn đến xa lánh nhau.
Cô C lén tìm đến gặp cậu A nói rằng:
– Này anh A! Em nói cho anh biết, cô B lén lút quan hệ với người con trai khác, anh nên thận trọng là hơn.
Ban đầu cậu A không tin, nhưng do cô C nói nhiều lần khiến cho cậu A phát sinh tâm nghi ngờ về cô B.
Từ nghi ngờ nên mỗi khi gặp cô B, cậu A thường có thái độ dè dặt.
Lúc khác cô C lén tìm đến gặp cô B khuyên rằng:
– Này em B! Chị nói cho em biết, cậu A lén lút quan hệ với người con gái khác, em hãy thận trọng trong việc quan hệ với cậu ấy, để tránh sự hối hận về sau.
Ban đầu cô B không tin, nhưng do cô C nói nhiều lần khiến cho cô B phát sinh tâm nghi ngờ về cậu A.
Từ nghi ngờ, nên cô B có thái độ dè dặt, bắt đầu để ý, dò xét thấy gần đây cậu A có thái độ dè dặt đối với cô. Cô B tin lời cô C nói thật và nghĩ rằng:
“Chị C thật tâm thương mình nên nhắc nhở.”
Về phía cậu A, từ khi nghe lời cô C, cậu A cũng dò xét để ý thấy cô B gần đây có thái độ bớt thân thiết như trước, đáng nghi ngờ, nên nghĩ rằng:
“Chắc có lẽ điều mà cô C nói là sự thật.”
Một hôm, bất ngờ cậu A nhìn thấy cô B đang nói cười vui vẻ với một người con trai khác ở một nơi. Cậu A lẫn tránh không cho cô B nhìn thấy, rồi nghĩ rằng:
“Cô C có tâm tốt đối với ta, cô ấy không muốn ta thất vọng.”
Chuyện gì sẽ xảy ra?
Cậu A tìm đến gặp cô B, mắng nhiếc cô B rằng:
– Cô là con người lừa dối, không thật tâm đối với tôi.
Khi nghe cậu A mắng như vậy, cô B do bị xúc phạm quá nặng và vì quá oan ức, nên cô cũng phản ứng gay gắt rằng:
– Anh cũng không tốt gì đâu!
Hai người tin theo lời nói chia rẽ của cô C, nên làm cho cậu A và cô B hiểu lầm nhau, ghét bỏ nhau, rồi xa lánh nhau.
Như vậy, cô C đã phạm điều-giới nói lời chia rẽ.
Nói lời chia rẽ do khẩu là chính, nhưng cũng có trường hợp thuộc về phần thân: Không nói mà có cử chỉ, hành động, hoặc viết thư gửi cho hai người khiến cho họ hiểu lầm nhau, ghét bỏ nhau, rồi xa lánh nhau.
Phạm Điều-Giới Nói Lời Chia Rẽ Tạo Ác-Nghiệp
Người phạm điều-giới nói lời chia rẽ tạo ác-nghiệp nặng hoặc ác-nghiệp nhẹ tùy thuộc vào đối tượng người có giới đức hoặc người không có giới đức.
Nếu người nào có tác-ý trong ác-tâm nói lời chia rẽ giữa hai người có giới-đức thì người ấy tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ nặng.
Nếu người nào có tác-ý trong ác-tâm nói lời chia rẽ giữa hai người không có giới-đức, thì người ấy tạo ác- nghiệp nói lời chia rẽ nhẹ.
* Quả Xấu Của Ác-Nghiệp Nói Lời Chia Rẽ
Người nào phạm điều-giới nói lời chia rẽ, tạo ác- nghiệp nói lời chia rẽ nặng, sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nói lời chia rẽ nặng ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác- nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới, chịu quả khổ của ác- nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát khỏi được cõi ác-giới.
Sau khi thoát khỏi cõi ác-giới, trường hợp nếu có đại- thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
* Và trường hợp, nếu người nào phạm điều-giới nói lời chia rẽ, tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ nhẹ, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp nói lời chia rẽ nhẹ ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh, mà đại-thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái- sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái- sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy còn phải chịu quả xấu của ác-nghiệp nói lời chia rẽ trong kiếp quá-khứ của người ấy như sau:
Kiếp hiện-tại của người ấy:
1- là người thường sống bất hòa với cha mẹ, anh em, bà con thân quyến, bạn bè, vợ chồng, …
2- là người thường bị người khác đánh đập, bị tàn tật. 3- là người không có bạn bè thân thiết.
4- là người có bạn bè không bền vững, không lâu sẽ bỏ nhau.
5- là người có nhiều người không ưa thích, không thân thiết.
6- là người thường có tâm bị ô nhiễm bởi phiền-não, thường khổ tâm, …
* Quả Của Đại-Thiện-Nghiệp Tránh Xa Sự Nói Lời Chia Rẽ
Người nào đã thọ trì bát-giới ājivaṭṭhamakasīla, giữ gìn điều-giới tránh xa sự nói lời chia rẽ, tạo đại-thiện- nghiệp tránh xa sự nói lời chia rẽ, sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời chia rẽ ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm gọi là tái- sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
Hoặc sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời chia rẽ ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam hoặc thiên-nữ trong cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.
Sau khi vị thiên-nam, vị thiên-nữ chết tại cõi trời ấy, trường hợp nếu đại-thiện-nghiệp khác trong đại-thiện- tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ có được quả- tốt của đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời chia rẽ ấy trong kiếp quá-khứ của người ấy, đáng hài lòng.
Quả tốt của đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời chia rẽ ấy là hoàn toàn trái ngược với quả xấu của ác-nghiệp nói lời chia rẽ ấy như sau:
Kiếp hiện-tại của người ấy:
1- là người thường sống hòa thuận với cha mẹ, anh em, bà con thân quyến, bạn bè, vợ chồng, …
2- là người không bị người khác đánh đập, không bị tàn tật.
3- là người có nhiều bạn bè thân thiết.
4- là người có bạn hữu thân thiết không bỏ nhau.
5- là người có nhiều người thương yêu, quý mến.
6- là người thường có tâm ít bị ô nhiễm bởi phiền- não, sống an-lạc.
6- Điều-Giới Thứ 6
Pharusavācā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Nghĩa từng chữ:
* Pharusavācā: Pharusa + vācā
– Pharusa: Thô tục, phát sinh từ tâm sân.
– Vācā: Lời nói.
– Pharusavācā: Lời nói thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), phát sinh từ tâm sân.
* Veramaṇisikkhāpadaṃ: Veramaṇī + sikkhāpadaṃ.
– Veramaṇī: Tác-ý tránh xa.
– Sikkhāpadaṃ: Điều-giới, giới.
* Samādiyāmi: Con xin thọ trì.
Nghĩa toàn câu:
Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa sự nói lời thô tục.
Chi-Pháp Phạm Điều-giới Nói Lời Thô Tục
Người nào phạm điều-giới nói lời thô tục phải hợp đủ 3 chi-pháp:
1- Tâm sân tức giận.
2- Có người bị chửi rủa, mắng nhiếc.
3- Đã nói lời chửi rủa, mắng nhiếc.
Nếu người nào hội đủ 3 chi-pháp này thì người ấy đã phạm điều-giới nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc). Nếu không đủ 3 chi-pháp thì không phạm điều-giới nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).
Giảng Giải Về Sự Nói Lời Thô Tục
Sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) này có tác-ý trong ác-tâm phát sinh từ sân-tâm. Vì vậy, lời nói thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) chua chát hoặc ngọt ngào, nghe êm tai, thì cũng gọi là pharusavācā: lời nói thô tục.
Người nào nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) thậm tệ với sân-tâm làm khổ người khác, thì người ấy phạm điều-giới pharusavācā: nói lời thô tục.
Trường hợp nói lời ngọt ngào nghe êm tai, với tác-ý trong ác-tâm phát sinh từ sân-tâm muốn tiêu diệt người khác cũng gọi là pharusavācā: nói lời thô tục.
Ví dụ: Một người có sân-tâm muốn giết người khác, nhưng nói bằng lời lẽ ngọt ngào rằng:
“Tôi sẽ giúp anh được yên giấc nghìn thu; hoặc tôi sẽ đưa anh về nơi chín suối; hoặc tôi sẽ gửi anh đi chầu trời, v.v…”
Như vậy, người ấy vẫn phạm điều-giới pharusavācā: nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).
Trong Chú-giải Aṭṭhasālinī giảng giải về sự nói lời thô tục rằng:
Nếu cha mẹ rầy la, chửi mắng con, hoặc thầy rầy la, chửi mắng học trò, … là cốt để dạy dỗ, khuyên răn, hăm dọa muốn cho con cái, học trò trở nên người tốt, người thiện, cho nên, những lời rầy la, chửi mắng ấy hoàn toàn không có tác-ý trong ác-tâm làm hại con cái, làm hại học trò, v.v…, thì không gọi là nói lời thô tục.
Như vậy, khi cha mẹ, thầy rầy la, chửi mắng không hợp đủ chi-pháp của điều-giới nói lời thô tục. Cho nên, cha mẹ, thầy không phạm điều-giới nói lời thô tục.
Thật vậy, trong Phụ-chú-giải Ṭikā của Trường-bộ- kinh và Trung-bộ-kinh, giảng giải về sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) rằng:
“Người nào nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) với sân-tâm, dù không có người thù, người ghét, hoặc người thù ghét đã chết, người ấy vẫn phạm điều-giới nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).
Lời Thô Tục Chửi Rủa, Mắng Nhiếc
Lời chửi rủa, mắng nhiếc là 1 trong 3 chi-pháp của điều-giới nói lời thô tục.
Nói lời thô tục chửi rủa, mắng nhiếc như thế nào?
Lời Chửi Rủa, Mắng Nhiếc Có 10 Cách
1- Hạng người (jāti): Lời mắng nhiếc gọi người thấp hèn hay người cao quý.
– Hạng người thấp hèn như: Đồ tôi tớ! Đồ kẻ ăn mày! Tên trộm cướp! v.v…
– Hạng người cao quý như: Thôi, ông chủ! Thôi, ông tướng! Thôi, ông hoàng! bà chúa! v.v…
2- Tên người (nāma): Lời mắng nhiếc gọi tên xấu hay tên đẹp.
– Tên xấu như: Đồ thằng quỷ! Đồ con ma! …
– Tên đẹp như: Ông hoàng! Bà chúa! …
3- Dòng dõi (gotta): Lời mắng nhiếc gọi dòng dõi thấp hèn hay cao quý.
– Dòng dõi thấp hèn như: Con nhà ăn trộm! Con nhà lừa đảo! …
– Dòng dõi cao quý như: Con ông hoàng! Công nương! Tiểu thư! …
4- Nghề nghiệp (kamma): Lời mắng nhiếc gọi nghề nghiệp thấp hèn hay cao quý.
– Nghề nghiệp thấp hèn như: Đồ sát-sinh! Đồ trộm- cắp! Đồ tà-dâm, …
– Nghề nghiệp cao quý như: Thầy dạy học! Ông làm quan lớn! …
5- Nghệ thuật (sippa): Lời mắng nhiếc gọi nghệ thuật thấp hay cao.
– Nghệ thuật thấp như: Đồ tài lừa đảo!…
– Nghệ thuật cao như: Anh làm thơ hay rồi! Anh giỏi nói chữ! …
6- Bệnh (ābādha): Lời mắng nhiếc gọi bệnh người hèn, bệnh người sang.
– Bệnh người hèn như: Thằng bệnh lậu! Thằng bệnh nghiện ma túy! …
– Bệnh người sang như: Ông bệnh đau đầu! Bà bệnh đau tim! …
7- Hình dáng (liṅgika): Lời mắng nhiếc gọi hình dáng xấu hay hình dáng đẹp.
Hình dáng xấu như: Thằng lùn! Con mụ mập! …
Hình dáng đẹp như: Thôi, cậu công tử! Thôi, cô tiên nữ!
8- Phiền-não (kilesa): Lời mắng nhiếc gọi phiền-não… Đồ tham lam! Đồ ngu ngốc!…
9- Tội-lỗi (āpatti): Lời mắng nhiếc gọi tội …
– Ông đã phạm tội bất công trụ! …
10- Lời thô tục (akkosa): Lời mắng nhiếc nói lời thô tục.
– Mẹ mày! Cha mày! Đồ loài súc sinh! … Đó là 10 cách chửi rủa, mắng nhiếc thô tục. Chửi rủa, mắng nhiếc bằng 2 môn
– Chửi rủa mắng nhiếc bằng khẩu.
– Chửi rủa mắng nhiếc bằng thân.
Lời chửi rủa, mắng nhiếc phần nhiều bằng khẩu, nhưng cũng có trường hợp bằng thân như hành vi cử chỉ thô tục hoặc viết thư, viết báo, viết sách, … bằng những lời lẽ thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).
Phạm Điều-Giới Nói Lời Thô Tục Tạo Ác-Nghiệp
Người nào phạm điều-giới nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) đến cha mẹ, thầy tổ, những bậc Trưởng- Lão, chư tỳ-khưu, sa-di có giới hạnh trong sạch, đến Đức-Phật Độc-Giác, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, thì người ấy tạo ác-nghiệp nặng.
* Người nào phạm điều-giới nói lời thô tục (chửi rủa mắng nhiếc) đến người không có giới đức trong sạch, thì người ấy tạo ác-nghiệp nhẹ.
* Quả Xấu Của Ác-Nghiệp Nói Lời Thô Tục
Người nào phạm điều-giới nói lời thô tục, tạo ác- nghiệp nói lời thô tục nặng, sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nói lời thô tục nặng ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác- nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới, chịu quả khổ của ác- nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát khỏi được cõi ác-giới.
Sau khi thoát khỏi cõi ác-giới, trường hợp nếu có đại- thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
* Và trường hợp, nếu người nào phạm điều-giới nói lời thô tục, tạo ác-nghiệp nói lời thô tục nhẹ, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp nói lời thô tục nhẹ ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh, mà đại-thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái- sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái- sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy còn phải chịu quả xấu của ác-nghiệp nói lời thô tục trong kiếp quá-khứ của người ấy như sau:
Kiếp hiện-tại của người ấy:
1- là người thường nghe những lời không hài lòng như lời chửi rủa, mắng nhiếc, v.v…
2- là người có nhiều người ghét.
3- là người thường bị chê trách, bị vu oan giá họa.
4- là người ít được nghe những lời ngon ngọt thân thiết.
5- là người sống nghèo nàn khổ cực.
6- là người bị tàn tật câm điếc, đui mù.
* Quả Của Đại-Thiện-Nghiệp Tránh Xa Nói Lời Thô Tục
Người nào đã thọ trì bát-giới ājivaṭṭhamakasīla, giữ gìn điều-giới tránh xa sự nói lời thô tục, tạo đại-thiện- nghiệp tránh xa sự nói lời thô tục, sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời thô tục ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm gọi là tái- sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
Hoặc sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời thô tục ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam hoặc thiên-nữ trong cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.
Sau khi vị thiên-nam, vị thiên-nữ chết tại cõi trời ấy, trường hợp nếu đại-thiện-nghiệp khác trong đại-thiện- tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ có được quả- tốt của đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời thô tục ấy trong kiếp quá-khứ của người ấy, đáng hài lòng.
Quả tốt của đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời thô tục ấy là hoàn toàn trái ngược với quả xấu của ác-nghiệp nói lời thô tục ấy như sau:
Kiếp hiện-tại của người ấy:
1- là người thường được nghe những lời đáng hài lòng.
2- là người được nhiều người thương yêu quý mến.
3- là người thường được nghe những lời tán dương ca tụng, không bị vu oan giá họa.
4- là người thường được nghe những lời ngọt ngào thân thiết.
5- là người sống được an-lạc hạnh-phúc. 6- là người có giọng nói thanh tao rất hay.
7- Điều-Giới Thứ 7
Samphappalāpā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Nghĩa từng chữ:
* Samphappalāpā: Sampha + palāpā
– Sampha: Làm mất sự lợi ích và sự an-lạc.
– Palāpā: Lời nói.
– Samphappalāpā: Lời nói làm mất sự lợi ích và sự an-lạc.
* Veramaṇisikkhāpadaṃ: Veramaṇī + sikkhāpadaṃ.
– Veramaṇī: Tác-ý tránh xa.
– Sikkhāpadaṃ: Điều-giới, giới.
* Samādiyāmi: Con xin thọ trì.
Nghĩa toàn câu:
Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa sự nói lời vô ích.
Chi-Pháp Phạm Điều-Giới Nói Lời Vô Ích
Người nào phạm điều-giới nói lời vô ích phải hợp đủ 2 chi-pháp:
1- Tác-ý trong ác-tâm nói lời vô ích. 2- Nói lời vô ích.
Nếu người nào hội đủ 2 chi-pháp này thì người ấy phạm điều-giới nói lời vô ích. Nếu không đủ 2 chi-pháp thì không phạm điều-giới nói lời vô ích.
Giảng Giải Về Sự Nói Lời Vô Ích
Trường hợp người nào nói hoặc người viết sáng tác những chuyện không có thật thành câu chuyện để cho người nghe hoặc người đọc tin theo, say mê theo lời nói của mình, rồi họ thấy sai làm mất sự lợi ích, sự an-lạc.
Như vậy, lời nói của người ấy gọi là lời nói vô ích (samphappalāpa).
Trường hợp người nào nói hoặc người viết những câu chuyện nhảm nhí, hoang đường, không có thật, để làm cho người nghe, người đọc say mê tiêu khiển trong chốc lát, làm mất thì giờ mà không đem lại lợi ích, gọi là lời nói vô ích (samphappalāpa), nhưng không gọi là lời nói- dối (musāvāda), bởi vì người nói hay người viết không có tác-ý trong ác-tâm nói-dối làm cho người nghe, người đọc tin theo rồi gây ra sự tai hại.
Nếu người nào nói hoặc người viết những chuyện nhảm nhí, hoang đường, không có thật, để người nghe hoặc người đọc say mê, tin theo rồi làm mất lợi ích, gây ra sự tai hại, thì người nói hoặc người viết phạm điều- giới nói lời vô ích và phạm điều-giới nói-dối nữa.
Trường hợp người nào nói hoặc người viết những chuyện không có thật để làm ví dụ trong việc giảng dạy, để giúp cho người nghe, người đọc dễ hiểu theo lời dạy ấy, thì lời nói của người ấy không gọi là lời nói vô ích.
Trường hợp người nào nói hoặc người viết trình bày những câu chuyện có thật, đúng theo sự thật, nhưng không đem lại lợi ích gì cho người nghe hoặc người đọc.
Như vậy, lời nói của người ấy không gọi là lời nói vô ích.
Phạm Điều-Giới Nói Lời Vô Ích Tạo Ác-Nghiệp
Nếu người phạm điều-giới nói lời vô ích trở thành thói quen hằng ngày như các diễn viên hài, viết chuyện vui cười, chuyện nhảm nhí,…thì người ấy tạo ác-nghiệp nặng.
Nếu thỉnh thoảng hoặc đôi khi nói lời vô ích, thì người ấy tạo ác-nghiệp nhẹ.
* Quả Xấu Của Ác-Nghiệp Nói Lời Vô Ích
Người nào phạm điều-giới nói lời vô ích, tạo ác- nghiệp nói lời vô ích nặng, sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nói lời vô ích nặng ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác- nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới, chịu quả khổ của ác- nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát khỏi được cõi ác-giới.
Sau khi thoát khỏi cõi ác-giới, trường hợp nếu có đại- thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
* Và trường hợp, nếu người nào phạm điều-giới nói lời vô ích, tạo ác-nghiệp nói lời vô ích nhẹ, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp nói lời vô ích nhẹ ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh, mà đại-thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái- sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái- sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy còn phải chịu quả xấu của ác-nghiệp nói lời vô ích trong kiếp quá-khứ của người ấy như sau:
Kiếp hiện-tại của người ấy:
1- là người có nhiều người không tin theo lời nói của mình.
2- là người có nhiều người không ưa thích.
3- là người không được nhiều người kính trọng.
4- là người không thể nói cho người khác tin theo.
5- là người nghèo khổ túng thiếu.
6- là người không có quyền lực.
7- là người thiểu trí (ngu dốt).
* Quả-Của Đại-Thiện-Nghiệp Tránh Xa Nói Lời Vô Ích
Người nào đã thọ trì bát-giới ājīvaṭṭhamakasīla, giữ gìn điều-giới tránh xa sự nói lời vô ích, tạo đại-thiện- nghiệp tránh xa sự nói lời vô ích, sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời vô ích ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm gọi là tái- sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
Hoặc sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời vô ích ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam hoặc thiên-nữ trong cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.
Sau khi vị thiên-nam, vị thiên-nữ chết tại cõi trời ấy, trường hợp nếu đại-thiện-nghiệp khác trong đại-thiện- tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ có được quả- tốt của đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời vô ích ấy trong kiếp quá-khứ của người ấy, đáng hài lòng.
Quả tốt của đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời vô ích ấy là hoàn toàn trái ngược với quả xấu của ác-nghiệp nói lời vô ích ấy như sau:
Kiếp hiện-tại của người ấy:
1- là người có nhiều người tin theo lời nói của mình.
2- là người có nhiều người thương yêu, quý mến.
3- là người có nhiều người kính trọng.
4- là người có thể nói cho người khác tin theo.
5- là người sống hạnh phúc an-lạc.
6- là người có nhiều quyền lực.
7- là ngời có nhiều trí-tuệ có tài đối đáp nhanh nhẹn.
Nói Lời Vô Ích
Nói lời vô ích (niratthakathā) là nói những lời không đem lại sự lợi ích. Trong kinh Sāmaññaphalasutta(1) Đức-Phật thuyết giảng có 32 chuyện không đem lại sự lợi ích giải thoát khổ gọi là tiracchānakathā, đó là:
1- Rājakathā: Nói chuyện về Đức-vua, Hoàng tộc,…
2- Mahāmattakathā: Nói chuyện về các quan trong triều đình, trong chính phủ.
3- Corakathā: Nói chuyện về bọn trộm cướp.
4- Senākathā: Nói chuyện về quân đội.
5- Bhayakathā: Nói chuyện về tai họa.
6- Yuddhakathā: Nói chuyện về chiến tranh.
7- Annakathā: Nói chuyện về vật thực: cơm, gạo,…
8- Pānakathā: Nói chuyện về đồ uống.
9- Vatthakathā: Nói chuyện về vải, quần áo.
10- Mālākathā: Nói chuyện về các loại hoa, vòng hoa.
11- Sayanakathā: Nói chuyện về chỗ nằm, chỗ ở.
12- Ghandhakathā: Nói chuyện về mùi thơm, dầu thơm.
13- Ñātikathā: Nói chuyện về bà con, dòng họ.
14- Yānakathā: Nói chuyện về xe cộ.
15- Gāmakathā: Nói chuyện về xóm làng.
16- Nigamakathā: Nói chuyện về quận, huyện.
17- Nagarakathā: Nói chuyện về thành phố.
18- Janapadakathā: Nói chuyện về vùng quê,
19- Itthikathā: Nói chuyện về đàn bà.
20- Purisakathā: Nói chuyện về đàn ông.
21- Kumārakathā: Nói chuyện về những chàng trai.
22- Kumārīkathā: Nói chuyện về những cô gái.
23- Surakathā: Nói chuyện về sự can đảm.
24- Visikhākathā: Nói chuyện về đường xá.
25- Kumbaṭṭhānakathā: Nói chuyện về bến nước.
26- Pubbapetakathā: Nói chuyện về bà con đã qua đời.
27- Nānattakathā: Nói những chuyện nhảm nhí.
28- Lokakkhāyika: Nói chuyện về thế giới tạo thiên lập địa.
29- Samuddakkhāyika: Nói chuyện về đại dương.
30- Itibhavābhavakathā: Nói chuyện về kiếp nhỏ, kiếp lớn luân-hồi.
31- Araññakathā: Nói chuyện về rừng.
32- Pabbatakathā: Nói chuyện về núi,…
10 Chuyện Có Ích (Kathāvatthu)
Đức-Phật dạy có 10 chuyện nên nói đem lại lợi ích là:
1- Appicchakathā: Nói chuyện về ít tham muốn.
2- Santutthikathā: Nói chuyện về biết tri túc.
3- Parivekakathā: Nói chuyện về ở nơi thanh vắng.
4- Asaṃsaggakathā: Nói chuyện về sự sống không tiếp xúc nhiều người, sống riêng một mình.
5- Vīriyārambhakathā: Nói chuyện về sự cố gắng tinh- tấn giải thoát khổ.
6- Sīlakathā: Nói chuyện về giới trong sạch và trọn vẹn.
7- Samādhikathā: Nói chuyện về định vững chắc.
8- Paññākathā: Nói chuyện về trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của các pháp.
9- Vimuttikathā: Nói chuyện về giải thoát khỏi phiền-não.
10- Vimuttiñāṇadassanakathā: Nói chuyện về tri kiến giải thoát khỏi phiền-não.
Đó là 10 chuyện nên nói, nên đàm đạo để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc
Gặp Nhau Có Hai Phận Sự Nên Hành
Đức-Phật khuyên dạy chư tỳ-khưu rằng: “Sannipatitānaṃ vo bhikkhave dvayaṃ karaṇīyaṃ dhammī vā kathā ariyo vā tuṇhibhāvo.”
– Này chư tỳ-khưu! Các con khi gặp mặt nhau có 2 phận sự nên hành là: nên nói đúng theo chánh-pháp, hoặc nên im lặng như bậc Thánh-nhân.”
* Trường Hợp Đức-Phật Thuyết Pháp
Đức-Phật tùy thời thuyết pháp chân-lý chắc chắn đem lại sự lợi ích cho chúng-sinh, nếu không đem lại sự lợi ích thì Đức-Phật không thuyết pháp.
Đức-Phật biết rõ 6 trường hợp, trường hợp nào nên thuyết giảng và trường hợp nào không nên thuyết giảng:
1- Đức-Phật biết rõ pháp nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỷ. Đức-Phật không thuyết giảng pháp ấy.
2- Đức-Phật biết rõ pháp nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, dù người nghe hài lòng, hoan hỷ. Đức-Phật không thuyết giảng pháp ấy.
3- Đức-Phật biết rõ pháp nào chân thật, nhưng không đem lại sự lợi ích, dù người nghe hài lòng, hoan hỷ. Đức-Phật không thuyết giảng pháp ấy.
4- Đức-Phật biết rõ pháp nào chân thật, nhưng không đem lại sự lợi ích, người nghe cũng không hài lòng, không hoan hỷ. Đức-Phật không thuyết giảng pháp ấy.
5- Đức-Phật biết rõ pháp nào chân thật và đem lại sự lợi ích, nhưng người nghe không hài lòng, không hoan hỷ. Đức-Phật biết tùy người, tuỳ nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng pháp ấy.
6- Đức-Phật biết rõ pháp nào chân thật và đem lại sự lợi ích, người nghe cũng hài lòng, hoan hỷ. Đức-Phật biết tùy người, tuỳ nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng pháp ấy.
Cho nên, muốn nói sự thật để đem lại sự lợi ích cho người nghe thì cần phải hội đủ 3 điều kiện là:
1- Người nghe hiểu biết sự thật (puggala).
2- Người nghe ấy có thời gian thích hợp nghe sự thật (kāla).
3- Người nghe ấy có thời gian thích hợp và có nơi chốn thích hợp nghe sự thật (desa).
Nếu khi hội đủ 3 điều kiện này thì người nói sự thật đem lại sự lợi ích cho người nghe.
8- Điều-giới thứ 8
Micchājīvā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Nghĩa từng chữ:
* Micchājīvā: Micchā + ājīvā
– Micchā: sai lầm, tà.
– Ājīvā: sinh-mạng.
– Micchājīvā: cách sống tà-mạng.
* Veramaṇisikkhāpadaṃ: Veramaṇī + sikkhāpadaṃ.
– Veramaṇī: tác-ý tránh xa.
– Sikkhāpadaṃ: Điều-giới, giới.
* Samādiyāmi: Con xin thọ trì.
Nghĩa toàn câu
Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa cách sống tà-mạng.
Giảng Giải Về Sự Tránh Xa Cách Sống Tà-Mạng
Micchājīvā là cách sống tà-mạng, nghĩa là nuôi mạng bằng thân hành 3 ác-nghiệp, khẩu nói 4 ác-nghiệp.
– Thân hành 3 ác-nghiệp là ác-nghiệp sát-sinh, ác- nghiệp trộm-cắp, ác-nghiệp tà-dâm gọi là tà-nghiệp.
– Khẩu nói 4 ác-nghiệp là ác-nghiệp nói dối, ác- nghiệp nói lời chia rẽ, ác-nghiệp nói lời thô tục, ác- nghiệp nói lời vô ích gọi là tà-ngữ.
Người nào sống bằng những thứ vật dụng như y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh, v.v… là những thứ nhu cầu cần thiết cho cuộc sống hằng ngày được tạo ra bằng tà-nghiệp (thân hành ác), tà-ngữ (khẩu nói ác), thì người ấy gọi là người sống tà-mạng (micchājīvā).
* Người sống tà-mạng do làm 5 nghề buôn bán như:
1- Satthavāṇijjā: Làm nghề buôn bán vũ khí giết hại chúng-sinh.
2- Sattavāṇijjā: Làm nghề buôn bán người để làm nô lệ, làm tôi tớ, buôn bán thú vật,…
3- Maṃsavāṇijjā: Làm nghề giết gia cầm, giết gia súc để bán thịt.
4- Majjavāṇijjā: Làm nghề buôn bán rượu, bia, và các chất-say như thuốc phiện, ma túy, thuốc lá,…
5- Visavāṇijjā: Làm nghề buôn bán các loại thuốc độc giết hại chúng-sinh (người, các loài vật,…).
* Người làm nghề cờ bạc, nghề cá độ ăn thua, nghề lừa đảo, lừa gạt, v.v…
Nếu người nào sống bằng những thứ của cải được tạo ra do những nghề bất lương như vậy thì người ấy gọi là người sống tà-mạng.
Vấn: Điều-giới tránh xa cách sống tà-mạng, sống chánh-mạng như thế nào?
Đáp: Người nào tránh xa cách sống tà-mạng là hoàn toàn tránh xa tà-nghiệp do thân hành 3 ác-nghiệp, tránh xa tà-ngữ do khẩu nói 4 ác-nghiệp, tránh xa 5 nghề buôn bán làm khổ chúng-sinh, tránh xa nghề cờ bạc, nghề cá độ ăn thua, nghề lừa đảo, lừa gạt, v.v… rồi sống theo chánh-mạng là sống bằng những thứ của cải được tạo ra một cách hợp với thiện-pháp bằng chánh-nghiệp do thân hành 3 thiện-nghiệp, bằng chánh-ngữ do khẩu nói 4 thiện-nghiệp, người ấy gọi là người sống chánh-mạng.
Vấn: Trước kia, một người nào chưa hiểu biết cách sống chánh-mạng, mà sống tà-mạng. Người ấy đã tạo ra những của cải bằng tà-nghiệp do thân hành 3 ác- nghiệp, bằng tà-ngữ do khẩu nói 4 ác-nghiệp, bằng nghề buôn bán bất lương làm khổ chúng-sinh, bằng cách lừa đảo, lừa gạt, v.v…
Về sau, người ấy nghe chánh-pháp, hiểu biết chánh- pháp, người ấy đã tránh xa cách sống tà-mạng, đã từ bỏ cách sống tà-mạng, sống theo chánh-mạng.
Những của cải sự nghiệp như nhà cửa những thứ vật dụng, đồ dùng, v.v… đã có trước kia được tạo ra bằng tà-nghiệp do thân hành 3 ác-nghiệp, bằng tà-ngữ do khẩu nói 4 ác-nghiệp, hoặc bằng nghề buôn bán bất lương làm khổ chúng-sinh, hoặc bằng nghề lừa đảo, lừa gạt, v.v…
* Người ấy có thể tiếp tục sử dụng những thứ của cải cũ không hợp với thiện-pháp ấy được hay không?
* Nếu người ấy sử dụng những thứ của cải cũ không hợp với thiện-pháp ấy, thì có gọi người ấy sống tà-mạng hay không?
Đáp: Sau khi hiểu biết chánh-pháp, người ấy hoàn toàn tránh xa cách sống tà-mạng, từ bỏ cách sống tà- mạng, người tại gia ấy có thể tiếp tục sử dụng những thứ của cải cũ không hợp với thiện-pháp đã có từ trước kia cho đến hết, mà không tạo ra thêm những thứ của cải mới không hợp với thiện-pháp nữa. Người ấy chỉ làm những nghề lương thiện hợp với thiện-pháp mà thôi.
Như vậy, tuy thân của người ấy vẫn còn sử dụng những thứ của cải cũ không hợp với thiện-pháp còn lại, nhưng tâm của người ấy hoàn toàn đã tránh xa tà- nghiệp (do thân hành 3 ác-nghiệp), đã tránh xa tà-ngữ (do khẩu nói 4 ác-nghiệp), đã tránh xa các nghề buôn bán bất lương, tránh xa nghề lừa đảo, lừa gat, v.v…
Như vậy, không thể gọi người ấy sống tà-mạng, mà nên gọi người ấy sống chánh-mạng.
Ví dụ: Trong bộ Chú-giải Pháp-cú, tích ông đao phủ tên Tambadāṭhikacoraghātaka ông hành nghề giết tội nhân trộm cướp theo lệnh của Đức-vua suốt 55 năm để nuôi mạng. Đến khi tuổi già sức yếu, ông xin về hưu.
Một hôm, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đi khất thực, ông thỉnh Ngài Đại-Trưởng-lão vào trong nhà để làm phước bố-thí vật-thực. Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta thuyết pháp tế độ ông.
Sau khi nghe pháp xong, ông thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niêt- bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Sau khi ông ấy chết, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện- tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi- sandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭi- sandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tusita (Đâu-xuất-đà-thiên) hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy.
Trong Chú-giải Pháp-cú, tích người thợ săn tên Kukkuṭamitta làm nghề săn bắn thú rừng nuôi sống cả gia đình gồm có người vợ, 7 đứa con trai và 7 đứa con dâu (bà vợ của người thợ săn là bậc Thánh Nhập-lưu, từ khi còn con gái). Khi kết hôn với người thợ săn, bà sinh được 7 đứa con trai.
Một hôm, Đức-Phật ngự đến thuyết pháp tế độ người thợ săn cùng với 7 người con trai và 7 người con dâu, toàn gia đình đều trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Từ đó về sau, toàn gia đình đều hoàn toàn tránh xa sự sát-sinh săn thú rừng, vĩnh viễn từ bỏ sự sát-sinh săn thú rừng để nuôi mạng, trở lại hành nghề lương thiện nuôi mạng chân chính, gọi là những người sống chánh-mạng.
Vấn: Một người thích săn bắn thú rừng hoặc thích câu cá,… xem như thú vui tiêu khiển.
Vậy, người ấy có phải sống tà-mạng hay không?
Đáp: Người ấy thích săn bắn thú rừng hoặc thích câu cá, v.v.… xem như thú vui tiêu khiển, không liên quan đến vấn đề nuôi mạng.
Cho nên, người ấy chỉ phạm điều-giới sát-sinh thuộc về tà-nghiệp mà thôi, không phạm điều-giới sống tà- mạng, bởi vì không liên quan đến sự nuôi mạng.
* Tương tự, một người nói-dối lừa gạt người khác cho vui, không liên quan đến vấn đề nuôi mạng, thì người ấy chỉ phạm điều-giới nói-dối thuộc về tà-ngữ mà thôi, không phạm điều-giới sống tà-mạng, bởi vì không liên quan đến sự nuôi mạng.
* Nếu người nào làm nghề sát-sinh để nuôi mạng, thì người ấy phạm điều-giới sát-sinh thuộc về tà-nghiệp và cũng thuộc về sống tà-mạng nữa.
* Nếu người nào nói-dối lừa gạt người khác để chiếm đoạt của cải đem về nuôi mạng, thì người ấy phạm điều- giới nói-dối thuộc về tà-ngữ và cũng thuộc về sống tà- mạng nữa.
Bậc Xuất-Gia Sống Tà-Mạng
Bậc xuất-gia là tỳ-khưu, sa-di cần phải tránh xa mọi cách sống tà-mạng, sống theo chánh-mạng, phải thực hành theo đúng giới luật mà Đức-Phật đã chế định và ban hành đến chư tỳ-khưu.
Đức-Phật không cho phép vị tỳ-khưu hành nghề thầy thuốc, thầy bói, thầy xem tướng số, v.v… và các ngành nghề khác.
Nếu tỳ-khưu nào làm nghề như vậy, tỳ-khưu ấy bị phạm điều-giới (āpatti). Những thứ vật dụng được phát sinh do hành nghề ấy gọi là những thứ vật dụng không hợp với giới luật của Đức-Phật chế định và ban hành đối với chư tỳ-khưu.
Cho nên, những thứ vật dụng ấy không chỉ vị tỳ-khưu phạm điều-giới ấy không thể sử dụng được, mà còn tất cả chư tỳ-khưu khác cũng không thể sử dụng được. Vị tỳ- khưu ấy chỉ có cách xả bỏ mà thôi.
Đức-Phật chế định những điều-giới đối với tỳ-khưu.
* Tỳ-khưu nào sống tà-mạng thấp hèn tự khoe khoang pháp của bậc Thánh-nhân mà chính mình không có, tỳ- khưu ấy phạm điều-giới bại-hoại (pārājika) (không còn phẩm hạnh tỳ-khưu nữa).
* Tỳ-khưu nào sống tà-mạng làm mai mối cho người nam và người nữ kết hôn thành vợ chồng, tỳ-khưu ấy phạm điều-giới hành-phạt (saṃghādisesa) (tuy còn phẩm hạnh tỳ-khưu, nhưng là tỳ-khưu phạm giới).
* Tỳ-khưu nào sống tà-mạng nói gián tiếp trong chùa có vị Thánh-nhân, tỳ-khưu ấy phạm điều-giới nặng (thullaccaya).
* Tỳ-khưu sống tà-mạng, tỳ-khưu không có bệnh xin vật thực ngon để dùng, tỳ-khưu ấy phạm điều-giới sám hối lỗi (pācittiya), v.v…
Để nâng cao đời sống trở nên cao thượng, các bậc xuất-gia và mọi người tại gia nên tránh xa cách sống tà- mạng, nên sống theo chánh-mạng.
Nhận Xét Về Ngũ-Giới Và Bát-Giới Ājīvaṭṭhamakasīla
Ngũ-giới và bát-giới ājīvaṭṭhamakasīla có điều giống nhau và điều đặc biệt.
Ngũ-giới và bát-giới ājīvaṭṭhamakasīla là 2 loại giới chung cho tất cả mọi người tại gia trong đời, không ngoại trừ một ai cả, dù có thọ trì, dù không thọ trì 2 loại giới này, hễ người nào phạm điều-giới nào, thì người ấy tạo ác-nghiệp điều-giới ấy.
Ác-nghiệp nặng hoặc ác-nghiệp nhẹ tùy theo tác-ý trong ác-tâm và đối-tượng làm cho phạm giới.
* Ngũ-giới có 5 điều-giới là thường-giới (niccasīla) của tất cả mọi người tại gia ở trong đời, không ngoại trừ một ai cả.
– Nếu người nào giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn thì người ấy giữ gìn được nhân phẩm cao quý con người của mình, đồng thời tạo đại-thiện-nghiệp giữ giới cao quý đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
– Nếu người nào phạm điều-giới nào trong ngũ-giới, thì người ấy làm mất nhân phẩm cao quý con người của mình, tạo ác-nghiệp điều-giới ấy đem lại sự bất lợi, sự thoái hoá, sự khổ não trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
* Bát-giới ājīvaṭṭhamakasīla có 8 điều-giới cũng là thường-giới (niccasīla) có tính chất rộng và sâu sắc đặc biệt hơn ngũ-giới.
– Bát-giới ājīvaṭṭhamakasīla là giới có tính chất rộng của tất cả mọi người tại gia, và những bậc xuất-gia, đặc biệt còn là giới của các hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, thực hành pháp-hành thiền-tuệ.
– Bát-giới ājīvaṭṭhamakasīla có 8 điều-giới cao quý, bởi vì 8 điều-giới này gồm có 3 chánh là chánh-nghiệp, chánh-ngữ, chánh-mạng thuộc về phần giới trong bát- chánh-đạo.
* Chánh-nghiệp có 3 thân hành thiện-nghiệp:
– Tránh xa sự sát-sinh.
– Tránh xa sự trộm-cắp.
– Tránh xa sự tà-dâm.
* Chánh-ngữ có 4 khẩu hành thiện-nghiệp:
– Tránh xa sự nói-dối.
– Tránh xa sự nói lời chia rẽ.
– Tránh xa sự nói lời thô tục.
– Tránh xa sự nói lời vô ích.
* Chánh-mạng là tránh xa cách sống tà-mạng do thân hành 3 ác-nghiệp, do khẩu hành 4 ác-nghiệp, mà chỉ sống theo chánh-mạng do thân hành 3 thiện-nghiệp, do khẩu hành 4 thiện-nghiệp mà thôi.
Bát-chánh-đạo có 8 chánh đó là chánh-kiến, chánh- tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh- tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định đó là 8 tâm-sở chỉ đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn mà thôi. 8 chánh trong bát-chánh- đạo này chia ra làm 3 phần:
1- Phần tuệ có 2 chánh là chánh-kiến, chánh-tư-duy.
2- Phần giới có 3 chánh là chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng.
3- Phần định có 3 chánh là chánh-tinh-tấn, chánh- niệm chánh-định.
Cho nên, bát-giới ājīvaṭṭhamakasīla là giới cơ bản của tất cả mọi người nói chung, làm nền tảng cho mọi thiện-pháp phát sinh từ dục-giới thiện-pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam- giới thiện-pháp đó là 4 Thánh-đạo-tâm.
Thật vậy, * trong siêu-tam-giới-tâm, chánh-ngữ, chánh- nghiệp, chánh-mạng đó là 3 tâm-sở cố định (niyata- ekatocetasika) chỉ đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm cùng có đối-tượng Niết-bàn mà thôi.
* Trong đại-thiện-tâm, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh- mạng đó là 3 tâm-sở bất định (aniyatacetasika) thuộc loại nānākadācicetasika mỗi tâm-sở đồng sinh riêng rẽ với 8 đại-thiện-tâm có mỗi đối-tượng khác nhau.
Trong bộ Visuddhimagga: Thanh-tịnh-đạo gọi bát- giới ājīvaṭṭhamakasīla là ādibrahmacariyakasīla: giới ban đầu thực-hành phạm-hạnh cao thượng, cho nên hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định hoặc thực hành pháp-hành thiền-tuệ cần phải giữ gìn bát-giới ājīvaṭṭhamakasīla cho được trong sạch và trọn vẹn, làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, để thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới, hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Cho nên, bát-giới ājīvaṭṭhamakasīla có một tầm quan trọng hơn ngũ-giới. Bát-giới ājīvaṭṭhamakasīla này cũng là thường-giới của tất cả mọi người ở trong đời, trong cuộc sống hằng ngày đêm, không ngoại trừ một ai cả.
* Nếu người nào giữ gìn bát-giới ājīvaṭṭhamakasīla trong sạch và trọn vẹn, làm nền tảng cho mọi thiện-pháp phát sinh và tăng trưởng thì người ấy được hưởng mọi sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai, cho đến khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Nếu người nào phạm điều-giới nào trong 8 điều-giới ājīvaṭṭhamakasīla này, đã tạo ác-nghiệp điều-giới ấy thì người ấy phải chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai cho đến khi mãn quả của ác- nghiệp ấy.