PHẦN I

Bài Kinh Dạy Về Nghiệp

Nguyên-Nhân Đức-Phật Thuyết Bài Kinh Cūḷakammavibhaṅgasutta.

* Tích công-tử Subha

Công-tử Subha là con trai của phú hộ Todeyya trong kinh-thành Sāvatthī. Phú hộ Todeyya có của cải nhiều đến 87 koṭi (870 triệu), nhưng ông nổi tiếng là người keo kiệt bủn xỉn trong của cải tài sản của mình. Tuy ông được sinh ra trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, nhưng ông không từng tạo phước-thiện bố- thí cúng dường đến Đức-Phật dù chỉ là một muỗng cháo, một vá cơm.

Đến lúc lâm chung, ông phú hộ Todeyya phát sinh tham-tâm luyến tiếc của cải tài sản ấy, cho nên sau khi ông phú hộ chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh làm con chó trong nhà của ông. Con chó được công-tử Subha hết mực thương yêu, hễ công-tử dùng món ăn nào thì nó cũng được ăn món ăn ấy, nó còn được công-tử bồng ẵm cho nằm trên giường sang trọng.

Canh chót đêm ấy, sau khi xả đại bi định, Đức-Thế- Tôn xem xét chúng-sinh nên tế độ, thì thấy con chó trong nhà công-tử Subha. Đức-Phật xem xét thấy rõ, biết rõ tiền-kiếp của con chó ấy vốn là ông phú hộ Todeyya là cha của công-tử Subha. Lúc lâm chung ông phú hộ có tham-tâm luyến tiếc của cải tài sản của mình, nên sau khi ông phú hộ chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái- sinh làm con chó trong nhà của ông.

Vào buổi sáng ngày hôm ấy, Đức-Thế-Tôn ngự đi khất thực đến đứng trước biệt thự của công-tử Subha. Khi ấy, công-tử Subha đi vắng, con chó nhìn thấy Đức-Thế-Tôn, nó chạy ra sủa. Đức-Thế-Tôn gọi tên con chó rằng:

–   Này Todeyya! Ngươi không biết thân phận làm kiếp chó của ngươi, mà còn sủa Như-Lai. Kiếp sau ngươi còn phải tái-sinh trong đại-địa-ngục Avīci nữa.

Nghe Đức-Thế-Tôn truyền bảo như vậy, con chó cảm thấy vô cùng khổ tâm, cúi đầu chạy vào nhà và đến nằm chỗ đống tro gần bếp. Những người trong nhà không  một ai có thể bồng nó lên nằm trên giường sang trọng của nó.

Công-tử Subha trở về nhà nhìn thấy con chó đáng yêu của mình nằm chỗ đống tro gần bếp, nên hỏi rằng:

–   Ai đem con chó xuống nằm chỗ này vậy?

Những gia nhân thưa rằng:

–   Thưa cậu chủ, không có ai bồng nó xuống nằm chỗ ấy. Nó tự đến nằm, chúng tôi đã cố gắng bồng nó lên nằm trên giường, nhưng nó không chịu.

–   Thưa cậu chủ, nguyên do sự việc xảy ra như vầy:

Sáng nay, Sa-môn Gotama đi khất thực đến đứng trước cổng nhà, con chó nhìn thấy Sa-môn Gotama, nó chạy ra sủa, thì Sa-môn Gotama truyền bảo rằng:

–  “Này Todeyya, ngươi không biết thân phận làm kiếp chó của ngươi, mà còn sủa Như-Lai nữa. Kiếp sau ngươi còn phải tái-sinh trong đại-địa-ngục Avīci nữa.”

Nghe như vậy, con chó cảm thấy vô cùng khổ tâm, chạy vào nhà và đến nằm trên đống tro gần bếp.

Nghe người nhà thuật lại như vậy, công-tử Subha nổi giận nói rằng:

“Thân phụ của ta tái-sinh làm Phạm-thiên, làm gì có con chó tên Todeyya. Nhưng tại sao Sa-môn Gotama gọi con chó bằng tên thân phụ của ta. Sa-môn Gotama truyền bảo không đúng sự-thật.

Công-tử Subha đi tìm đến gặp để trách Đức-Phật, bởi vì Đức-Phật gọi tên con chó là Todeyya.

Công-tử Subha liền đi thẳng đến ngôi chùa Jetavana gặp Đức-Thế-Tôn, để hỏi rõ những sự việc xảy ra có đúng sự-thật như những gia nhân thuật lại hay không.

Đức-Thế-Tôn xác nhận đúng sự thật như vậy, rồi Đức-Thế-Tôn hỏi công-tử Subha rằng:

–   Này Subha! Những thứ của báu mà cha của con đã chôn giấu nơi nào, ông có nói cho con biết hay không?

Nghe Đức-Thế-Tôn hỏi như vậy, công-tử Subha liền phát sinh tham-tâm những thứ của báu ấy, nên tâm không còn tức giận nữa, mà từ tốn bạch rằng:

–   Kính bạch Đức Sa-môn Gotama, cha của con chôn giấu những thứ của báu như là những thỏi vàng đáng giá 100 ngàn kahāpana, đôi dép bằng vàng đáng giá  100 ngàn kahāpana, và nhiều báu vật vô giá khác, … ở chỗ nào, cha của con không nói cho con biết.

Nay cha của con đã chết rồi thì làm sao con có thể biết được? Bạch Ngài.

–    Này Subha! Con trở về nhà, cho con chó ăn món cơm nấu bằng sữa tươi với nước mía, … rồi bồng ẵm nó lên nằm trên giường. Khi nó vừa bắt đầu ngủ, con vỗ về hỏi nó về những thứ của báu chôn giấu chỗ nào. Nó sẽ chỉ chỗ ấy cho con biết.

Nghe Đức-Thế-Tôn truyền bảo như vậy, công-tử Subha phát sinh tham-tâm hoan hỷ nghĩ rằng:

“Nếu có thật thì ta được những thứ của báu ấy. Nếu không có thật thì ta sẽ trở lại để trách Sa-môn Gotama về lời nói của Ngài.”

Công-tử Subha trở về nhà làm theo lời chỉ dẫn của Đức-Thế-Tôn, con chó thức dậy, nhảy xuống  giường vừa chạy vừa kêu, đến chỗ chôn giấu những thứ của báu, nó lấy chân cào chỗ ấy. Công-tử Subha đào xuống đất và gặp được những thứ của báu của người cha đã chôn giấu mà cậu không biết.

Được những thứ của báu ấy, công-tử Subha vô cùng hoan hỷ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Thế-Tôn, Ngài là Đức-Phật đã thấy rõ, biết rõ những gì mà những người khác không thấy, không biết.

Công-tử Subha trở lại hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, công tử đặt 14 câu hỏi, bạch hỏi Đức-Thế-Tôn, kính xin Ngài giải đáp những câu hỏi ấy.

Đó là nguyên nhân mà Đức-Thế-Tôn thuyết bài kinh Cūḷakammavibhaṅgasutta.(1)

* Nội Dung Bài Kinh Cūḷakammavibhaṅgasutta

Con là Ānanda, được nghe bài kinh Cūḷakammavibhaṅga- sutta từ nơi kim ngôn của Đức-Thế-Tôn như vầy:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana của ông phú hộ Anāthapiṇḍika gần kinh-thành Sāvatthī. Khi ấy, công-tử Subha là con của ông phú hộ Todeyya đến hầu đảnh lễ, vấn an Đức-Thế-Tôn xong, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Công-tử Subha con của ông phú hộ Todeyya bạch hỏi rằng:

–  Kính bạch Đức Gotama, pháp nào là nhân, là duyên phân loại con người thấp hèn hoặc con người cao quý trong đời này như:

*  Số người chết yểu, số người sống lâu.

*  Số người có nhiều bệnh, số người có ít bệnh.

*    Số người có thân hình xấu xí, da dẻ sần sùi đáng ghê sợ, số người xinh đẹp, da dẻ hồng hào duyên dáng đáng chiêm ngưỡng.

*    Số người có ít quyền lực, số người có nhiều quyền lực.

*    Số người có ít của cải tài sản, số người có nhiều của cải tài sản.

*   Số người sinh trong gia đình thuộc dòng dõi thấp hèn, số người sinh trong gia đình thuộc dòng dõi cao quý.

*    Số người không có trí-tuệ, số người có nhiều trí-tuệ.

–   Kính bạch Đức Gotama, pháp nào là nhân, là duyên phân loại con người thấp hèn hoặc cao quý như vậy? Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

–     Này Subha! Tất cả chúng-sinh có nghiệp là của riêng mình, họ là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra họ, nghiệp là bà con thân quyến của họ, nghiệp là nơi nương nhờ của họ. Chính nghiệp phân loại chúng-sinh thấp hèn hoặc cao quý.

–     Kính bạch Đức Gotama, con chưa hiểu rõ ý nghĩa rộng, sâu sắc của lời giáo huấn tóm tắt ấy.

–     Kính xin Đức Gotama phân tích giảng giải rộng cho con hiểu rõ ý nghĩa sâu sắc của lời giáo huấn tóm tắt ấy. Bạch Ngài.

–      Này Subha! Như vậy, con hãy nên chú tâm lắng nghe. Như-Lai sẽ phân tích giảng giải rộng.

Công-tử Subha con của ông Todeyya cung-kính vâng lời dạy của Đức-Thế-Tôn rằng:

–        Kính bạch Đức Gotama, con xin vâng lời Ngài.

Khi ấy Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

1-  Người chết yểu

–   Này Subha! Trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà nào là người sát hại sinh-mạng của chúng- sinh, là người tàn nhẫn có bàn tay đẫm máu, hăng say trong sự sát hại chúng-sinh, không có lòng thương xót đến tất cả chúng-sinh cùng khổ, …

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp sát-sinh ấy có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.

Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp sát-sinh ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới, mà nhờ dục-giới thiện-nghiệp khác có cơ hội cho quả tái- sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này thì người ấy sẽ là người chết yểu (do quả của ác-nghiệp sát-sinh trong kiếp quá-khứ của họ).

–   Này Subha! Sát hại sinh-mạng của chúng-sinh với tâm tàn nhẫn, có bàn tay đẫm máu, hăng say trong sự sát hại chúng-sinh, không có lòng thương xót đến tất cả mọi chúng-sinh cùng khổ, là tạo ác-nghiệp sát-sinh, ác- nghiệp ấy có cơ hội dẫn đến cho quả là người chết yểu.

2-  Người sống lâu

–   Này Subha! Trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà nào là người không sát hại sinh-mạng của chúng-sinh, là người tránh xa sự sát-sinh, từ bỏ khí giới sát-sinh, có tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi và biết ghê-sợ tội- lỗi, có lòng thương xót đến tất cả mọi chúng-sinh cùng khổ, có tâm từ, tâm bi tế độ đến tất cả mọi chúng-sinh.

Sau khi người ấy chết, dục-giới thiện-nghiệp không sát sinh ấy có cơ hội cho quả tái-sinh trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trên cõi trời ấy.

Hoặc sau khi người ấy chết, nếu dục-giới thiện- nghiệp không sát-sinh ấy không có cơ hội cho quả tái- sinh trên cõi trời dục-giới, mà lại có cơ hội cho quả tái- sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này thì người ấy sẽ là người sống lâu (do quả của dục-giới thiện-nghiệp không sát-sinh trong kiếp quá-khứ của họ).

–    Này Subha! Không sát hại sinh-mạng của chúng- sinh, tránh xa sự sát-sinh, từ bỏ khí giới sát-sinh, tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi và biết ghê-sợ tội-lỗi, thương xót tất cả mọi chúng-sinh, có tâm từ, tâm bi tế độ đến tất cả mọi chúng-sinh, là tạo đại-thiện nghiệp, đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội dẫn đến cho quả là người sống lâu.

3-   Người có nhiều bệnh hoạn

–    Này Subha! Trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà nào là người thường hay hành hạ, làm khổ chúng-sinh bằng tay chân, hoặc bằng cách ném đá, hoặc đánh bằng gậy gộc, hoặc bằng khí giới, …

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp hành hạ làm khổ chúng-sinh ấy có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi ác- giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.

Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp hành hạ làm khổ chúng-sinh ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới, mà do nhờ dục-giới thiện-nghiệp khác có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này thì người ấy sẽ là người có nhiều bệnh hoạn (do quả của ác-nghiệp hành hạ, làm khổ chúng-sinh trong kiếp quá-khứ của họ).

–   Này Subha! Hành hạ, làm khổ chúng-sinh bằng tay chân, hoặc bằng cách ném đá, hoặc đánh bằng gậy gộc, hoặc bằng khí giới, … là tạo ác-nghiệp, ác-nghiệp ấy có cơ hội dẫn đến cho quả là người có nhiều bệnh hoạn.

4-  Người có ít bệnh hoạn

–   Này Subha! Trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà nào là người không hành hạ, không làm khổ chúng-sinh bằng tay chân, hoặc bằng cách ném đá, hoặc đánh bằng gậy gộc, hoặc bằng khí giới, …

Sau khi người ấy chết, dục-giới thiện-nghiệp không hành hạ, không làm khổ chúng-sinh có cơ hội cho quả tái-sinh trên cõi trời dục-giới (do quả của dục-giới thiện- nghiệp mà họ đã tạo trong kiếp trước).

Hoặc sau khi người ấy chết, nếu dục-giới thiện- nghiệp không hành hạ, không làm khổ chúng-sinh ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh trên cõi trời dục-giới, mà lại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này thì người ấy sẽ là người có ít bệnh hoạn (do quả của đại-thiện-nghiệp không hành hạ, không làm khổ chúng-sinh trong kiếp quá-khứ của họ).

–   Này Subha! Không hành hạ, không làm khổ chúng- sinh bằng tay chân, hoặc bằng cách ném đá, hoặc đánh bằng gậy gộc, hoặc bằng khí giới,… là tạo đại-thiện- nghiệp, đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội dẫn đến cho quả  là người có ít bệnh hoạn.

5-  Người xấu xí, da dẻ sần sùi đáng ghê sợ

–   Này Subha! Trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà nào là người có tính hay nóng giận, thường căm tức nhiều, khi bị người khác xúc phạm dù chút đỉnh cũng phát sinh tâm sân-hận, căm thù, giận dữ, gây tai hại, hành động tàn ác, biểu lộ tính hung ác.

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp sân-hận ấy có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.

Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp sân-hận  ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới, mà do nhờ dục-giới thiện-nghiệp khác có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này thì người ấy sẽ là người xấu xí, da dẻ sần sùi đáng ghê sợ (do quả của ác-nghiệp sân-hận trong kiếp quá-khứ của họ).

–   Này Subha! Hay nóng giận, thường căm tức nhiều, khi bị người khác xúc phạm dù chút đỉnh cũng phát sinh tâm sân-hận, căm thù, giận dữ, gây tai hại, hành động tàn ác, biểu lộ tính hung ác là tạo ác-nghiệp, ác-nghiệp ấy có cơ hội dẫn đến cho quả là người xấu xí, da dẻ sần sùi đáng ghê sợ.

6-   Người xinh đẹp, da dẻ hồng hào đáng ngưỡng mộ

–    Này Subha! Trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà nào là người không hay nóng giận, tâm mát mẻ, không tức giận, dù khi bị người khác xúc phạm cũng không phát sinh tâm sân-hận, không oán thù, không giận dữ, không gây tai hại, không hành động tàn ác, không biểu lộ tính hung ác.

Sau khi người ấy chết, dục-giới thiện-nghiệp không sân-hận ấy có cơ hội cho quả tái-sinh trên cõi trời dục-giới.

Hoặc sau khi người ấy chết, nếu dục-giới thiện-nghiệp không sân-hận ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh lên cõi trời, mà lại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này thì người ấy sẽ là người xinh đẹp, da dẻ hồng hào đáng ngưỡng mộ (do quả của dục-giới thiện-nghiệp không sân-hận trong kiếp quá-khứ của họ).

–     Này Subha! Không hay nóng giận, không tức giận, dù khi bị người khác xúc phạm cũng không phát sinh  tâm sân-hận, không oán thù, không giận dữ, không gây tai hại, không hành động tàn ác, không biểu lộ tính hung ác là tạo đại-thiện-nghiệp, đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội dẫn đến cho quả là người có thân hình xinh đẹp, da dẻ hồng hào đáng ngưỡng mộ.

7-  Người có ít quyền lực

–   Này Subha! Trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà nào là người có tính hay ganh tỵ, tỏ ra ganh tỵ, sinh tâm ganh tỵ trong lợi lộc, lễ vật, tôn kính, yêu mến, lễ bái, cúng dường của người khác.

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ganh tỵ ấy có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.

Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp ganh tỵ ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới, mà do nhờ dục-giới thiện-nghiệp khác có cơ hội cho quả tái- sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này thì người ấy sẽ là người có ít quyền lực (do quả của ác- nghiệp ganh tỵ trong kiếp quá-khứ của họ).

–    Này Subha! Hay ganh tỵ, tỏ ra ganh tỵ, sinh tâm ganh tỵ trong lợi lộc, lễ vật, tôn kính, yêu mến, lễ bái, cúng dường của người khác là tạo ác-nghiệp, ác-nghiệp ấy có cơ hội dẫn đến cho quả là người có ít quyền lực.

8-  Người có nhiều quyền lực

–   Này Subha! Trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà nào là người không có tính ganh tỵ, không tỏ ra ganh tỵ, không sinh tâm ganh tỵ trong lợi lộc, lễ vật, tôn kính, yêu mến, lễ bái, cúng dường của người khác (là người có tâm hoan hỷ).

Sau khi người ấy chết, dục-giới thiện-nghiệp không ganh tỵ ấy cho quả tái-sinh trên cõi trời dục-giới.

Hoặc sau khi người ấy chết, nếu dục-giới thiện- nghiệp không ganh tỵ ấy không có cơ hội cho quả tái- sinh lên cõi trời dục-giới, mà lại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này thì người ấy sẽ là người có nhiều quyền lực (do quả của dục-giới thiện-nghiệp không ganh tỵ trong kiếp quá-khứ của họ).

–    Này Subha! Không ganh tỵ, không tỏ ra ganh tỵ, không sinh tâm ganh tỵ trong lợi lộc, lễ vật, tôn kính, yêu mến, lễ bái, cúng dường của người khác (là người có tâm hoan hỷ) là tạo đại-thiện-nghiệp, đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội dẫn đến cho quả là người có nhiều quyền lực.

9-   Người có ít của cải

–   Này Subha! Trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà nào là người keo kiệt bủn xỉn trong của cải của mình, không bố-thí cơm, nước, vải, xe cộ phương tiện, hoa, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở đến Sa-môn, Bà-la-môn,…

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp không bố-thí ấy có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su- ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.

Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới, mà do nhờ dục-giới thiện-nghiệp khác có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người có ít của cải (do quả của ác-nghiệp không bố-thí trong kiếp quá-khứ của họ).

 

–   Này Subha! Không bố-thí cơm, nước, vật thực, vải, xe cộ phương tiện, hoa, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở đến Sa-môn, Bà-la-môn, … là tạo ác-nghiệp, ác- nghiêp ấy có cơ hội dẫn đến cho quả là người có ít của cải (người nghèo khổ thiếu thốn).

10-  Người có nhiều của cải

–   Này Subha! Trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà nào là người hay tạo phước-thiện bố-thí  cơm, nước, vải, xe cộ phương tiện, hoa, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở đến Sa-môn, Bà-la-môn, …

Sau khi người ấy chết, dục-giới thiện-nghiệp bố-thí ấy có cơ hội cho quả tái-sinh trên cõi trời dục-giới.

Hoặc sau khi người ấy chết, nếu dục-giới thiện- nghiệp bố-thí ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh trên cõi trời dục-giới, mà lại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người có nhiều của cải (do quả của dục-giới thiện- nghiệp bố-thí trong kiếp quá-khứ của họ).

–   Này Subha! Hay làm phước bố-thí cơm, nước, vải, xe cộ phương tiện, hoa, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở đến Sa-môn, Bà-la-môn,… là tạo đại-thiện-nghiệp, đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội dẫn đến cho quả là người có nhiều của cải (người giàu có).

11-   Người sinh trong gia đình thuộc dòng dõi thấp hèn

–   Này Subha! Trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà nào là người có tính ngã-mạn, khó dạy, không biết đảnh lễ bậc đáng đảnh lễ (như Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng, Đức-Phật Độc-Giác, bậc có giới đức cao thượng, …); không biết cung-kính đón  rước  bậc đáng đón rước, không biết nhường chỗ cao quý cho bậc trưởng-lão, không biết tránh đường cho bậc đáng tránh đường, không biết cung-kính cúng dường bậc  đáng cung-kính cúng dường, không biết tôn kính bậc đáng tôn kính, không biết lễ bái cúng dường bậc đáng lễ bái cúng dường, …

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp không biết tôn kính ấy có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới (địa- ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.

Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp không biết tôn kính ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới, mà do nhờ dục-giới thiện-nghiệp khác có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này thì người ấy sẽ sinh trưởng trong gia đình thuộc dòng họ thấp hèn (do quả của ác-nghiệp không biết tôn kính trong kiếp quá-khứ của họ).

–  Này Subha! Ngã mạn, khó dạy, không biết đảnh lễ bậc đáng đảnh lễ (như Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng, Đức- Phật Độc-Giác, bậc có giới đức cao thượng, …); không biết cung-kính đón rước bậc đáng  đón  rước,  không  biết nhường chỗ cao quý cho bậc trưởng-lão, không biết tránh đường cho bậc đáng tránh đường, không biết cung-kính cúng dường bậc đáng cung-kính cúng dường, không biết tôn kính bậc đáng tôn kính, không biết lễ bái cúng dường bậc đáng lễ bái cúng dường,… là tạo ác- nghiệp, ác-nghiệp ấy có cơ hội dẫn đến cho quả là người trong gia đình thuộc dòng dõi thấp hèn.

12-   Người sinh trong gia đình thuộc dòng dõi cao quý

–    Này Subha! Trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà nào là người có tính khiêm tốn, không ngã- mạn, dễ dạy, biết đảnh lễ bậc đáng đảnh lễ (như Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng, Đức-Phật Độc-Giác, bậc  có giới đức cao thượng, …), biết cung-kính đón rước  bậc đáng đón rước, biết nhường chỗ cao quý cho bậc đáng nhường chỗ, biết tránh đường cho bậc đáng tránh đường, biết cung-kính cúng dường bậc đáng cung-kính cúng dường, biết tôn kính bậc đáng tôn kính, biết lễ bái cúng dường bậc đáng lễ bái cúng dường,…

Sau khi người ấy chết, dục-giới thiện-nghiệp biết tôn kính ấy có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi trời dục-giới. Hoặc sau khi người ấy chết, nếu thiện-nghiệp biết tôn kính ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh trên cõi trời dục-giới, mà lại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người sinh trưởng trong gia đình thuộc dòng dõi cao quý (do quả của dục-giới thiện-nghiệp biết tôn kính trong kiếp quá-khứ của họ).

–    Này Subha! Khiêm tốn, không ngã- mạn, dễ dạy, biết đảnh lễ bậc đáng đảnh lễ (như Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng, Đức-Phật Độc-Giác, bậc có giới đức cao thượng, …), biết cung-kính đón rước bậc đáng đón rước, biết nhường chỗ cao quý cho bậc trưởng lão, biết tránh đường cho bậc đáng tránh đường, biết cung-kính cúng dường bậc đáng cung-kính cúng dường, biết tôn kính bậc đáng tôn kính, biết lễ bái cúng dường bậc đáng lễ bái cúng dường,… là tạo đại-thiện-nghiệp, đại-thiện- nghiệp ấy có cơ hội dẫn đến cho quả là người trong gia đình thuộc dòng dõi cao quý.

13-  Người không có trí-tuệ

–   Này Subha! Trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà nào là người khi gần gũi thân cận với vị Sa- môn hay vị Bà-la-môn là bậc thiện-trí mà không bạch hỏi rằng:

–   Kính bạch Ngài, pháp nào là pháp thiện? Pháp nào là pháp bất-thiện?

–   Pháp nào là pháp có tội? Pháp nào là pháp vô tội?

–   Pháp nào là pháp nên thực-hành? Pháp nào là pháp không nên thực-hành?

–   Pháp nào mà con đã thực-hành rồi, sẽ đem lại sự bất lợi, sự khổ não lâu dài? Pháp nào mà con đã thực- hành rồi, sẽ đem lại sự lợi ích, sự an-lạc lâu dài? v.v…

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.

Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới, mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này thì người ấy sẽ là người không có trí-tuệ (do quả của ác-nghiệp ấy trong kiếp quá-khứ của họ).

–   Này Subha! Gần gũi, thân cận Sa-môn hoặc Bà-la- môn là bậc thiện-trí mà không bạch hỏi rằng:

–    Kính bạch Ngài, pháp nào là pháp thiện? Pháp nào là pháp bất-thiện?

–    Pháp nào là pháp có tội? Pháp nào là pháp vô tội?

–    Pháp nào là pháp nên thực-hành? Pháp nào là pháp không nên thực-hành?

–   Pháp nào mà con đã thực-hành rồi, sẽ đem lại sự bất lợi, sự khổ não lâu dài? Pháp nào mà con đã thực- hành rồi, sẽ đem lại sự lợi ích, sự an-lạc lâu dài? v.v… là tạo ác-nghiệp, ác-nghiệp ấy có cơ hội dẫn đến cho quả là người không có trí-tuệ (người ngu dốt).

14-   Người có nhiều trí-tuệ

–    Này Subha! Trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà nào là người khi gần gũi thân cận với vị Sa-môn hay vị Bà-la-môn là bậc thiện-trí thường hay bạch hỏi rằng:

–   Kính bạch Ngài, pháp nào là pháp thiện? Pháp nào là pháp bất-thiện (ác-pháp)?

–  Pháp nào là pháp có tội? Pháp nào là pháp vô tội?

Pháp nào là pháp nên thực-hành? Pháp nào là pháp không nên thực-hành?

Pháp nào mà con đã thực-hành rồi, sẽ đem lại sự bất lợi, sự khổ não lâu dài? Pháp nào mà con đã thực-hành rồi, sẽ đem lại sự lợi ích, sự an-lạc lâu dài ? v.v..

Sau khi người ấy chết, dục-giới thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh trên cõi trời dục-giới.

Hoặc sau khi người ấy chết, nếu dục-giới thiện- nghiệp ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh trên cõi trời dục-giới, mà lại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người có nhiều trí-tuệ (do quả của dục-giới thiện- nghiệp ấy trong kiếp quá-khứ của họ).

–    Này Subha! Gần gũi, thân cận vị Sa-môn hoặc vị Bà-la-môn là bậc thiện-trí thường hay bạch hỏi rằng:

–   Pháp nào là pháp có tội? Pháp nào là pháp vô tội?

Pháp nào là pháp nên thực-hành? Pháp nào là pháp không nên thực-hành?

Pháp nào mà con đã thực-hành rồi, sẽ đem lại sự bất lợi, sự khổ não lâu dài? Pháp nào mà con đã thực-hành rồi, sẽ đem lại sự lợi ích, sự an-lạc lâu dài? v.v… là dục- giới thiện-nghiệp ấy có cơ hội dẫn đến cho quả là người có nhiều trí-tuệ.

–   Này Subha! Tóm lại nghiệp và quả của nghiệp là như sau:

*   Hành ác-nghiệp sát-sinh và quả của ác-nghiệp sát- sinh là người chết yểu, trở thành người chết yểu.

*    Hành đại-thiện-nghiệp không sát-sinh và quả của đại-thiện-nghiệp không sát-sinh là người sống lâu, trở thành người sống lâu.

*   Hành ác-nghiệp hành hạ chúng-sinh và quả của ác- nghiệp hành hạ chúng-sinh là người có nhiều bệnh  hoạn, trở thành người có nhiều bệnh hoạn.

*    Hành đại-thiện-nghiệp không hành hạ chúng-sinh và quả của đại-thiện-nghiệp không hành hạ chúng-sinh là người có ít bệnh hoạn, trở thành người có ít bệnh hoạn.

*   Hành ác-nghiệp hay sân-hận và quả của ác-nghiệp hay sân-hận là người xấu xí, trở thành người xấu xí, da dẻ sần sùi đáng ghê sợ.

*   Hành đại-thiện-nghiệp không hay sân-hận (có tâm từ) và quả của đại-thiện-nghiệp không hay sân-hận (có tâm từ) là người xinh đẹp, trở thành người xinh đẹp, da dẻ hồng hào đáng chiêm ngưỡng.

*   Hành ác-nghiệp hay ganh tỵ và quả của ác-nghiệp hay ganh tỵ là người có ít quyền lực, trở thành người có ít quyền lực.

*   Hành đại-thiện-nghiệp không hay ganh tỵ (hoan hỷ) và quả của đại-thiện-nghiệp không hay ganh tỵ (hoan hỷ) là người có nhiều quyền lực, trở thành người có nhiều quyền lực.

Hành ác-nghiệp không bố-thí và quả của ác-nghiệp không bố-thí là người có ít của cải, trở thành người có ít của cải (người nghèo khổ).

*   Hành đại-thiện-nghiệp bố-thí và quả của đại-thiện- nghiệp bố-thí là người có nhiều của cải, trở thành người có nhiều của cải (người giàu có).

*   Hành ác-nghiệp không biết tôn kính và quả của ác- nghiệp không biết tôn kính là người thấp hèn, người sinh trong dòng dõi thấp hèn.

Hành đại-thiện-nghiệp biết tôn kính và quả của đại- thiện-nghiệp biết tôn kính là người cao quý, người sinh trong dòng dõi cao quý.

Hành ác-nghiệp không học hỏi về ác-pháp, về thiện- pháp,… từ các bậc thiện-trí và quả của ác-nghiệp không học hỏi về ác-pháp, về thiện-pháp, … là người không có trí-tuệ, trở thành người không có trí-tuệ (người ngu dốt).

*   Hành đại-thiện-nghiệp thường hay học hỏi về ác- pháp, về thiện-pháp, … từ các bậc thiện-trí và quả của đại-thiện-nghiệp thường hay học hỏi về ác-pháp, về thiện-pháp, … là người có trí-tuệ, trở thành người có nhiều trí-tuệ.

–   Này Subha! Tất cả mọi chúng-sinh đều có nghiệp là của riêng họ, họ là người thừa hưởng quả của nghiệp của họ, nghiệp là nhân sinh ra họ, nghiệp là bà con thân quyến của họ, nghiệp là nơi nương nhờ của họ. Chính nghiệp phân loại chúng-sinh thấp hèn hoặc cao quý.

Khi nghe Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, công-tử Subha, con của ông phú hộ Todeyya bạch với Đức-Thế- Tôn rằng:

–    Kính bạch Đức-Phật Gotama, lời giáo huấn của Ngài rõ ràng quá!

–    Kính bạch Đức-Phật Gotama, lời giáo huấn của Ngài rõ ràng quá!

–  Kính bạch Đức-Phật Gotama, ví như lật ngửa ra vật bị úp, hoặc mở ra vật bị đóng, hoặc chỉ đường  cho người lạc đường, hoặc rọi đèn vào chỗ tối tăm để cho người có đôi mắt sáng được nhìn thấy mọi vật như thế nào, Đức-Phật Gotama thuyết pháp bằng nhiều cách rõ ràng như thế ấy.

Kính bạch Đức-Phật Gotama, con đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức-Phật Gotama, kính xin quy y nương nhờ nơi Đức-Pháp và kính xin quy y nương nhờ nơi chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Kính xin Đức-Phật Gotama công nhận con là người cận-sự-nam đã quy y nương nhờ nơi Tam-bảo kể từ nay cho đến trọn đời.

(Xong bài kinh Cūḷakammavibhaṅgasutta)

 

Quyển 4 - Nghiệp Và Quả Của Nghiệp - Lời Nói Đầu
Phần I - Kinh Mahākammavibhaṅgasutta 4 Hạng Người

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *