PĀTIMOKKHA
Thỉnh Ðức Phật Thuyết Pātimokkha
Trong Luật tạng, bộ Cūḷavagga, tích Pātimok-khuddesayācana (Thỉnh thuyết giảng Pātimokkha), được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngự tại chùa Pubbārama thuộc xứ Sāvatthi. Vào ngày uposatha, Ðức Thế Tôn cùng ngự giữa hội chúng Tỳ khưu Tăng tại sīmā. Khi ấy, đêm đã sang canh đầu, Ðại Ðức Ānanda ngồi chắp tay hướng về Ðức Thế Tôn bạch rằng:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, đêm đã sang canh đầu, chư Tỳ khưu Tăng ngồi đã lâu, kính xin Ðức Thế Tôn thuyết giảng pātimokkha dạy chư Tỳ khưu. Bạch Ngài.
Khi nghe lời thỉnh cầu như vậy, Ðức Thế Tôn ngồi im lặng.
Khi đã sang canh giữa, lần thứ nhì, Ðại Ðức Ānanda ngồi chắp tay hướng về Ðức Thế Tôn bạch rằng:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, đêm đã sang canh giữa, chư Tỳ khưu Tăng ngồi đã lâu, kính xin Ðức Thế Tôn thuyết giảng pātimokkha dạy chư Tỳ khưu. Bạch Ngài.
Ðức Thế Tôn vẫn ngồi im lặng.
Khi đã sang canh chót, trời sắp rạng đông, lần thứ ba, Ðại Ðức Ānanda ngồi chắp tay hướng về Ðức Thế Tôn bạch rằng:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, đêm đã sang canh chót, trời sắp rạng đông, chư Tỳ khưu Tăng ngồi đã lâu, kính xin Ðức Thế Tôn thuyết giảng pātimokkha dạy chư Tỳ khưu. Bạch Ngài.
Ðức Thế Tôn dạy rằng:
– Này Ānanda, trong nhóm Tỳ khưu này, có Tỳ khưu giới không trong sạch.
Ðại Ðức Moggallāna nghĩ: Ðức Thế Tôn dạy: “Này Ānanda, trong nhóm Tỳ khưu này, có Tỳ khưu giới không trong sạch”. Vậy Ngài ám chỉ đến vị Tỳ khưu nào đây?
Ðại Ðức Moggallāna dùng tha tâm thông quán xét đến tâm mỗi vị Tỳ khưu, để biết vị Tỳ khưu nào phạm giới, giới không trong sạch, hành ác, đáng chê trách, che giấu tội lỗi của mình; không phải là Tỳ khưu tự cho là Tỳ khưu, không phải bậc hành phạm hạnh tự cho là bậc hành phạm hạnh; bên trong tâm thối tha, bị ô nhiễm bởi phiền não, như rác ngập nước, vị Tỳ khưu ấy đang ngồi trong nhóm Tỳ khưu. Ngay khi ấy, Ðại Ðức Moggallāna đến gặp vị Tỳ khưu phạm giới ấy bảo rằng:
– Này ông kia, ông hãy đứng dậy đi ra khỏi nơi này, Ðức Thế Tôn đã biết rõ ông rồi! Ông không được ngồi chung với chư Tỳ khưu Tăng.
Dầu Ðại Ðức Moggallāna nói như vậy, song vị Tỳ khưu phạm giới ấy không chịu đi ra.
Ðại Ðức Moggallāna bảo vị Tỳ khưu ấy, như trên lần thứ nhì…, lần thứ ba, vị Tỳ khưu phạm giới ấy vẫn không chịu đi ra.
Ðại Ðức Moggallāna nắm tay vị Tỳ khưu phạm giới ấy dắt ra khỏi cửa rồi cài chốt lại, đi vào hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn bạch rằng:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, con đã bắt vị Tỳ khưu phạm giới ấy đưa ra khỏi nhóm Tỳ khưu Tăng, chư Tỳ khưu Tăng còn lại có giới hoàn toàn trong sạch, kính xin Ðức Thế Tôn thuyết giảng pātimokkha dạy chư Tỳ khưu. Bạch Ngài.
Ðức Thế Tôn dạy rằng:
– Này Moggallāna, thật kỳ lạ! Thật chưa từng có!
Ðến nỗi con phải nắm tay “người rổng tuếch” (moghapurisa) kia đưa ra ngoài.
Tám điều kỳ lạ trong đại dương
Ðức Phật dạy rằng:
– Này chư Tỳ khưu, có tám điều kỳ lạ chỉ có trong đại dương, mà nhóm Asura đã nhìn thấy những điều ấy, nên vô cùng hoan hỉ với đại dương.
Tám điều kỳ lạ ấy như thế nào?
1- Này chư Tỳ khưu, đại dương bắt đầu từ cạn đến sâu thẳm, không phải bắt đầu từ sâu thẳm.
Này chư Tỳ khưu, sự tuần tự từ cạn đến sâu thẳm, không phải bắt đầu từ sâu thẳm, là điều kỳ lạ thứ nhất chỉ có trong đại dương, mà nhóm Asura đã nhìn thấy nên vô cùng hoan hỉ với đại dương.
2- Này chư Tỳ khưu, đại dương giữ mực nước bình thường không tràn bờ.
Này chư Tỳ khưu, sự giữ mực nước bình thường không tràn bờ, là điều kỳ lạ thứ nhì chỉ có trong đại dương, mà nhóm Asura đã nhìn thấy nên vô cùng hoan hỉ với đại dương.
3- Này chư Tỳ khưu, đại dương không chứa chấp tử thi, nếu có tử thi, thì đại dương mau chóng đưa vào bờ rồi tấp lên bãi.
Này chư Tỳ khưu, trong đại dương không chứa chấp tử thi, nếu có tử thi thì mau chóng đưa vào bờ rồi tấp lên bãi, là điều kỳ lạ thứ ba chỉ có trong đại dương, mà nhóm Asura đã nhìn thấy nên vô cùng hoan hỉ với đại dương.
4- Này chư Tỳ khưu, tất cả các con sông lớn như sông Gaṅga, sông Yamunā, sông Aciravatī, sông Sarabhū, sông Mahī… khi chảy ra đến đại dương đều từ bỏ tên riêng, dòng sông cũ của mình, được gọi tên chung là “đại dương”.
Này chư Tỳ khưu, sự từ bỏ tên riêng của các con sông lớn như sông Gaṅga, sông Yamunā, sông Aciravatī, sông Sarabhū, sông Mahī… khi chảy ra đến đại dương, được gọi tên chung là “đại dương”, là điều kỳ lạ thứ tư chỉ có trong đại dương, mà nhóm Asura đã nhìn thấy nên vô cùng hoan hỉ với đại dương.
5- Này chư Tỳ khưu, trên địa cầu này, tất cả dòng sông, rạch lớn, nhỏ chảy ra đại dương, và tất cả các trận mưa lớn rơi xuống đại dương, thế mà trong đại dương sự đầy, sự vơi lại không hiện rõ.
Này chư Tỳ khưu, sự đầy, sự vơi lại không hiện rõ khi tất cả dòng sông, rạch lớn, nhỏ chảy ra, và tất cả các trận mưa lớn rơi xuống của đại dương, là điều kỳ lạ thứ năm chỉ có trong đại dương, mà nhóm Asura đã nhìn thấy nên vô cùng hoan hỉ với đại dương.
6- Này chư Tỳ khưu, nước trong đại dương chỉ có một vị mặn mà thôi.
Này chư Tỳ khưu, chỉ có một vị mặn trong nước đại dương, là điều kỳ lạ thứ sáu chỉ có trong đại dương, mà nhóm Asura đã nhìn thấy nên vô cùng hoan hỉ với đại dương.
7- Này chư Tỳ khưu, trong đại dương có vô số báu vật như ngọc Muttā, ngọc Maṇī, ngọc Veḷuriya, ốc Saṅkha, đá quý, Pavāḷa, bạc, vàng, Lohita, Masārapalla….
Này chư Tỳ khưu, trong đại dương có vô số báu vật như ngọc Muttā, ngọc Maṇī, ngọc Veḷuriya, ốc Saṅkha, đá quý, Pavāḷa, bạc, vàng, Lohita, Masārapalla…, là điều kỳ lạ thứ bảy chỉ có trong đại dương, mà nhóm Asura đã nhìn thấy nên vô cùng hoan hỉ với đại dương.
8- Này chư Tỳ khưu, đại dương là nơi nương nhờ của những loại chúng sinh lớn như cá Timi, cá Timiṅgala, cá Timitimiṅgala, Asurā, Nāgā, Gandhabbā… và các loại chúng sinh có thân hình to lớn 100 do tuần, 200 – 300 – 500 do tuần….
Này chư Tỳ khưu, những loại chúng sinh lớn như cá Timi, cá Timiṅgala, cá Timitimiṅgala, Asurā, Nāgā, Gandhabbā… và các loại chúng sinh có thân hình to lớn 100 do tuần, 200 – 300 – 500 do tuần… đều nương nhờ trong đại dương, là điều kỳ lạ thứ tám chỉ có trong đại dương, mà nhóm Asura đã nhìn thấy nên vô cùng hoan hỉ với đại dương.
Này chư Tỳ khưu, tám điều kỳ lạ chưa từng có này, mà nhóm Asura đã nhìn thấy nên vô cùng hoan hỉ với đại dương.
Tám điều kỳ lạ trong Phật giáo
– Này chư Tỳ khưu, cũng như vậy, có tám điều kỳ lạ chỉ có trong Phật giáo này, mà chư Tỳ khưu đã nhận thấy rõ những điều ấy nên vô cùng hoan hỉ trong Phật giáo.
Tám điều kỳ lạ trong Phật giáo là:
1- Này chư Tỳ khưu, ví như đại dương tuần tự từ cạn đến sâu thẳm, không phải bắt đầu từ sâu thẳm. Cũng như vậy, trong Phật giáo, thiện pháp theo tuần tự, pháp hành theo tuần tự, phương pháp thực hành theo tuần tự, không phải bắt đầu từ chứng đắc A-ra-hán Thánh Quả tột bậc.
Này chư Tỳ khưu, thiện pháp theo tuần tự, pháp hành theo tuần tự, phương pháp thực hành theo tuần tự, không phải bắt đầu từ chứng đắc A-ra-hán Thánh Quả tột bậc, là điều kỳ lạ thứ nhất chỉ có trong Phật giáo, mà chư Tỳ khưu đã nhận thấy rõ, nên vô cùng hoan hỉ.
2- Này chư Tỳ khưu, ví như đại dương giữ mực nước bình thường không tràn bờ. Cũng như vậy, trong Phật giáo, Như Lai đã chế định điều học nào rồi, thì đối với hàng Thanh văn đệ tử giữ gìn không dám phạm giới, dầu vì nguyên nhân sanh mạng.
Này chư Tỳ khưu, trong Phật giáo, những điều học nào mà Như Lai đã chế định rồi, đối với hàng Thanh văn đệ tử dầu phải hy sinh thân mạng, quyết không phạm giới, là điều kỳ lạ thứ nhì chỉ có trong Phật giáo, mà chư Tỳ khưu đã nhận thấy rõ, nên vô cùng hoan hỉ.
3- Này chư Tỳ khưu, ví như đại dương không chứa chấp tử thi, nếu có tử thi thì đại dương mau chóng đưa vào bờ rồi tấp lên bãi. Cũng như vậy, trong Phật giáo, Tỳ khưu phạm giới, giới không trong sạch, hành ác, đáng chê trách, che giấu tội lỗi của mình; không phải là Tỳ khưu, tự cho là Tỳ khưu, không phải là bậc hành phạm hạnh, tự cho là bậc hành phạm hạnh; bên trong tâm thối tha, bị ô nhiễm bởi phiền não thấm ướt, là người không có giới (dussīla); chư Tỳ khưu không tiếp nhận Tỳ khưu ấy, khi hội họp hành Tăng sự phải loại bỏ vị Tỳ khưu ấy ra ngoài. Sự thật, dầu vị Tỳ khưu ấy ngồi gần trong nhóm Tỳ khưu Tăng, nhưng vẫn xa cách chư Tăng và chư Tăng cũng xa cách vị Tỳ khưu ấy.
Này chư Tỳ khưu, trong Phật giáo, Tỳ khưu phạm giới, giới không trong sạch, hành ác, đáng chê trách, che giấu tội lỗi của mình; không phải là Tỳ khưu, tự cho là Tỳ khưu, không phải là bậc hành phạm hạnh, tự cho là bậc hành phạm hạnh; bên trong tâm thối tha, bị ô nhiễm bởi phiền não thấm ướt, là người không có giới (dussīla); chư Tỳ khưu không tiếp nhận Tỳ khưu ấy, khi hội họp hành Tăng sự phải loại bỏ vị Tỳ khưu ấy ra ngoài. Sự thật, dầu vị Tỳ khưu ấy ngồi gần trong nhóm Tỳ khưu Tăng, nhưng vẫn xa cách chư Tăng và chư Tăng cũng xa cách vị Tỳ khưu ấy, là điều kỳ lạ thứ ba, chỉ có trong Phật giáo, mà chư Tỳ khưu đã nhận thấy rõ, nên vô cùng hoan hỉ.
4- Này chư Tỳ khưu, ví như đại dương, tất cả các con sông lớn như sông Gaṅga, sông Yamunā, sông Aciravatī, sông Sarabhū, sông Mahī… khi chảy ra đến đại dương đều từ bỏ tên riêng, dòng sông cũ của mình, được gọi tên chung là “đại dương”. Cũng như vậy, bốn giai cấp là Bà la môn, vua chúa, thương gia và hạ tiện, khi bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu trong Phật giáo, đều từ bỏ gia cấp cũ của mình, được gọi tên chung là “Samaṇa Sakyaputta”: Tỳ khưu dòng dõi Sakya mà thôi.
Này chư Tỳ khưu, bốn giai cấp là Bàlamôn, vua chúa, thương gia và hạ tiện, khi bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu trong Phật giáo, đều từ bỏ giai cấp cũ của riêng mình, được gọi tên chung là “Samaṇa Sakyaputta”: Tỳ khưu dòng dõi Sakya, là điều kỳ lạ thứ tư, chỉ có trong Phật giáo, mà chư Tỳ khưu đã nhận thấy rõ, nên vô cùng hoan hỉ.
5- Này chư Tỳ khưu, ví như trên địa cầu này, tất cả dòng sông, rạch lớn, nhỏ chảy ra đại dương, và tất cả các trận mưa lớn rơi xuống đại dương, thế mà trong đại dương sự đầy, sự vơi lại không hiện rõ. Cũng như vậy, có vô số chư bậc Thánh A-ra-hán, đã tịch diệt Niết Bàn, thế mà đối với Niết Bàn sự đầy, sự vơi không hiện rõ.
Này chư Tỳ khưu, đã có vô số chư bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết Bàn, thế mà trong Niết Bàn sự đầy, sự vơi không hiện rõ, là điều kỳ lạ thứ năm, chỉ có trong Phật giáo, mà chư Tỳ khưu đã nhận thấy rõ, nên vô cùng hoan hỉ.
6- Này chư Tỳ khưu, ví như nước đại dương chỉ có một vị mặn. Cũng như vậy, trong giáo pháp của Như Lai chỉ có một vị giải thoát khổ.
Này chư Tỳ khưu, chỉ có một vị giải thoát khổ trong giáo pháp của Như Lai, là điều kỳ lạ thứ sáu, chỉ có trong Phật giáo, mà chư Tỳ khưu đã nhận thấy rõ, nên vô cùng hoan hỉ.
7- Này chư Tỳ khưu, ví như trong đại dương, có vô số báu vật như ngọc Muttā, ngọc Maṇī, ngọc Veḷuriya, ốc Saṅkha, đá quý, Pavāḷa, bạc, vàng, Lohita, Masārapalla…. Cũng như vậy, trong Phật giáo này, có vô số pháp bảo như: 4 pháp niệm xứ, 4 pháp tinh tấn, 4 pháp thành tựu, 5 pháp chủ, 5 pháp lực, 7 pháp giác chi, 8 pháp chánh đạo….
Này chư Tỳ khưu, có vô số pháp bảo như: 4 pháp niệm xứ, 4 pháp tinh tấn, 4 pháp thành tựu, 5 pháp chủ, 5 pháp lực, 7 pháp giác chi, 8 pháp chánh đạo… trong Phật giáo, là điều kỳ lạ thứ bảy, chỉ có trong Phật giáo, mà chư Tỳ khưu đã nhận thấy rõ, nên vô cùng hoan hỉ.
8- Này chư Tỳ khưu, ví như trong đại dương là nơi nương nhờ của những loài chúng sinh lớn như cá Timi, cá Timiṅgala, cá Timitimiṅgala, Asurā, Nāgā, Gandhabbā… và các loại chúng có thân hình to lớn 100 do tuần, 200 – 300 – 500 do tuần…. Cũng như vậy, trong Phật giáo này, là nơi phát sanh các bậc Thánh nhân, như: bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai và bậc Thánh A-ra-hán.
Này chư Tỳ khưu, các bậc Thánh nhân, như: bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai và bậc Thánh A-ra-hán, chỉ phát sanh trong Phật giáo này, là điều kỳ lạ thứ tám, chỉ có trong Phật giáo, mà chư Tỳ khưu đã nhận thấy rõ, nên vô cùng hoan hỉ.
Sau khi Ðức Thế Tôn thuyết giảng tám điều kỳ lạ trong Phật giáo xong, Ngài tự thuyết bài kệ rằng:
“Channamativassati
ivataṃ nātivassati.
Tasmā channaṃ vivaretha
evaṃ taṃ nātivassati”.
Phiền não thấm ướt Tỳ khưu che giấu āpatti. Phiền não không thấm ướt Tỳ khưu sám hối āpatti.
Cho nên, đã che giấu āpatti thì phải nên sám hối.
Như vậy, phiền não không thấm ướt Tỳ khưu đã sám hối āpatti.
Sau đó, Ðức Thế Tôn dạy chư Tỳ khưu rằng:
– Này chư Tỳ khưu, từ nay về sau, Như Lai không hành Tăng sự uposatha, không thuyết giảng pātimokkha nữa.
Này chư Tỳ khưu, chỉ có các con hành Tăng sự uposatha, tụng đọc pātimokkha mà thôi.
Này chư Tỳ khưu, không có một lý do nào mà Như Lai hành Tăng sự uposatha, thuyết giảng pātimokkha trong nhóm Tỳ khưu có Tỳ khưu giới không hoàn toàn trong sạch.
Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu phạm giới không được nghe pātimokkha, Tỳ khưu nào nghe, Tỳ khưu ấy phạm āpatti dukkaṭa.
Này chư Tỳ khưu, Như Lai cho phép chư Tỳ khưu cấm Tỳ khưu nào phạm āpatti ngồi nghe pātimokkha.
(Vinaya, Cūḷavagga, phần Pātimokkhuddesayācana).
Tỳ khưu không nên vắng mặt trong ngày uposatha
Tích Ðại Ðức Mahākappina.
Một thuở nọ, Ðại Ðức Mahākappina ở một mình nơi thanh vắng trong rừng Maddakucchi, gần thành Rājagaha. Hôm ấy, nhằm ngày uposatha, Ðại Ðức Mahākappina ở nơi thanh vắng suy nghĩ trong tâm rằng:
“Gaccheyyaṃ vāhaṃ uposathaṃ na vā gaccheyyaṃ.
Gaccheyyaṃ vāhaṃ saṃghakammaṃ na vā gacheyyaṃ.
Atha khvāhaṃ visuddho paramāya visuddhiyā”.
“Ta có nên đi hành lễ uposatha hay không nên đi?
Ta có nên đi hành Tăng sự hay không nên đi?
Sự thật, ta là bậc trong sạch, hoàn toàn trong sạch”.
Khi ấy, Ðức Thế Tôn biết rõ điều suy nghĩ của Ðại Ðức Mahākappina, nên Ngài từ núi Gijjhakūṭa dùng thần thông biến đi, rồi hiện ra ngay trước mặt Ðại Ðức Mahākappina tại khu rừng Maddakucchi, mau lẹ như người khỏe mạnh duỗi cánh tay ra hoặc co vào. Ðức Thế Tôn ngự trên chỗ ngồi đã trải sẵn, Ðại Ðức Mahākappina đảnh lễ Ðức Thế Tôn rồi ngồi xuống một nơi hợp lẽ, Ðức Thế Tôn hỏi rằng:
– Này Kappina, có phải con phát sanh suy nghĩ ở trong tâm như thế này chăng?
“Ta có nên đi hành lễ uposatha hay không nên đi?
Ta có nên đi hành Tăng sự hay không nên đi?
Sự thật, ta là bậc trong sạch, hoàn toàn trong sạch”.
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, dạ, sự thật đúng như vậy. Bạch Ngài. Ðức Thế Tôn dạy rằng:
– Các con là những bậc Tỳ khưu phạm hạnh, nếu các con không cung kính, không tôn trọng, không thành tâm, không cúng dường uposatha, thì ai sẽ là người cung kính, tôn trọng, thành tâm, cúng dường uposatha đây!
Này Tỳ khưu phạm hạnh, con phải nên đi hành uposatha! Con không đi không được!
Con phải nên đi hành Tăng sự! Con không đi không được!
Ðại Ðức Mahākappina vâng theo lời dạy của Ðức Thế Tôn.
Ðức Thế Tôn thuyết pháp khuyên dạy Ðại Ðức Mahākappina xong, Ngài biến đi khỏi nơi ấy, rồi hiện trở lại núi Gijjhakūṭa.
(Vi. Mahāvagga, tích Mahākappinavatthu).
Ðối với Tỳ khưu, việc hành tăng sự Uposatha-kamma là một phận sự rất quan trọng, để tỏ lòng tôn kính, nghiêm chỉnh thực hành đúng theo giới luật của Đức Phật đã ban hành đến cho tất cả chư Tỳ khưu; dầu bậc thánh Arahán là bậc có thân khẩu ý hoàn toàn trong sạch thanh tịnh vẫn phải hết lòng thành kính tôn trọng việc hành tăng sự uposatha-kamma, còn các bậc Tỳ khưu phàm nhân và bậc thánh hữu học lại cần phải hết lòng thành kính tôn trọng việc hành tăng sự uposathakamma hơn thế nữa, để cho tất cả chư Tỳ khưu hòa hợp với nhau trong tình đoàn kết giữa những người con trong dòng dõi Sakya, không phân biệt giai cấp, quốc gia dân tộc nào; bởi vì tất cả chư Tỳ khưu đều được gọi tên chung là Sakyaputta. Nhờ tinh thần đoàn kết hòa hợp với nhau giữa những người con Sakyaputta nên mới có thể gìn giữ duy trì giáo pháp của Đức Phật được trường tồn trên thế gian ngõ hầu đen lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho tất cả chúng sinh, chư thiên và nhân loại.