Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 15 – Vô-nhân duy-tác-tâm

3- Vô-nhân duy-tác-tâm (Ahetukakriyacitta)

Vô-nhân duy-tác-tâm là tâm phát sinh làm phận sự không hợp với nhân.

Vô-nhân duy-tác-tâm chỉ phát sinh làm phận sự, không phải là thiện-tâm, cũng không phải là bất-thiện-tâm, cũng không phải là quả-tâm của tâm nào cả.

Ahetukakriyacitta: Vô-nhân duy-tác-tâm có 3 tâm:

1- Upekkhāsahagataṃpañcadvāravajjanacittam:

Ngũ-môn-hướng-tâm đồng sinh với thọ xả, suy xét 5 đối-tượng trong ngũ môn.

2- Upekkhāsahagataṃ manodvāravajjanacittam:

Ý-môn-hướng-tâm đồng sinh với thọ xả, suy xét 6 đối-tượng trong ý môn, hoặc quyết định 5 đối-tượng trong ngũ-môn-lộ-trình-tâm.

3- Somanassasahagataṃ hasituppādacittaṃ: Tâm mỉm cười của bậc Thánh A-ra-hán đồng sinh với thọ hỷ phát sinh trong 6 môn (Không phát sinh đối với các chúng-sinh khác).

Giảng giải 3 vô-nhân duy-tác-tâm

1- Pañcadvārāvajjanacitta: Ngũ-môn hướng-tâm đồng sinh với thọ xả làm phận sự tiếp nhận 5 đối-tượng mới (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu hoặc tốt tiếp xúc tương xứng với môn (dvāra), mở cửa cho ngũ-môn-lộ-trình-tâm (pañcadvāravīthicitta) tương xứng phát sinh.

Ví dụ: * Ngũ-môn hướng-tâm làm phận sự tiếp nhận đối-tượng sắc mới xấu hoặc tốt tiếp xúc tương xứng với nhãn-môn, mở cửa cho nhãn-môn-lộ-trình-tâm phát sinh.

* Ngũ-môn-hướng-tâm làm phận sự tiếp nhận đối-tượng âm-thanh mới xấu hoặc tốt tiếp xúc tương xứng với nhĩ-môn, mở cửa cho nhĩ-môn-lộ-trình-tâm phát sinh.

* Ngũ-môn hướng-tâm làm phận sự tiếp nhận đối-tượng hương mới xấu hoặc tốt tiếp xúc tương xứng với tỷ-môn, mở cửa cho tỷ-môn-lộ-trình-tâm phát sinh.

* Ngũ-môn hướng-tâm làm phận sự tiếp nhận đối-tượng vị mới xấu hoặc tốt tiếp xúc tương xứng với thiệt-môn, mở cửa cho thiệt-môn-lộ-trình-tâm phát sinh. 

* Ngũ-môn hướng-tâm làm phận sự tiếp nhận đối-tượng xúc mới xấu hoặc tốt tiếp xúc tương xứng với thân-môn, mở cửa cho thân-môn-lộ-trình-tâm phát sinh.

2- Manodvārāvajjanacitta: Ý-môn hướng-tâm đồng sinh với thọ xả làm phận sự tiếp nhận 1 trong 6 đối-tượng mới (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) xấu hoặc tốt tiếp xúc với ý-môn (manodvāra) mở cửa cho ý-môn-lộ-trình-tâm phát sinh.

* Ý-môn hướng-tâm đồng sinh với thọ xả còn làm phận sự quyết định (voṭṭhabbanakicca) đối-tượng xấu hoặc tốt cho ngũ-môn-lộ-trình-tâm.

3- Hasituppādacitta: Tâm mỉm cười của bậc Thánh A-ra-hán đồng sinh với thọ hỷ phát sinh trong 6 môn (Không phát sinh đối với các chúng-sinh khác).

Bậc Thánh A-ra-hán có thiên-nhãn-thông (dibbacakkhu-abhiññā) nhìn thấy loài ngạ-quỷ có thân hình kỳ dị với duy-tác thần-thông-tâm 1 sát-na-tâm, tiếp theo suy xét với đại-duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ rằng: “Ta đã thoát khỏi kiếp loài ngạ-quỷ này rồi.”

Sau khi suy xét như vậy, tâm mỉm cười của bậc Thánh A-ra-hán (hasituppādacitta) phát sinh.

Bậc Thánh A-ra-hán đã chứng đắc tiền-kiếp-thông (pubbenivāsānusatiñāṇa), thiên-nhãn-thông dibbacakkhuñāṇa) dễ dàng có hasituppādacitta: tâm mỉm cười của bậc Thánh-A-ra-hán phát sinh.

Mỉm cười và cười

Mỉm cười và cười có 6 loại:

1- Sita: Tâm mỉm cười trên mặt không lộ hàm răng, đó là sự mỉm cười của Đức-Phật.

2- Hasita: Tâm mỉm cười lộ chút ít hàm răng, đó là sự mỉm cười của bậc Thánh-A-ra-hán. Ngoài bậc Thánh A-ra-hán ra, tâm mỉm cười của bậc Thánh Bất-lai, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Nhập-lưu, hoặc hạng thiện-trí phàm-nhân đều hợp với thiện-nhân (vô-tham, vô-sân, vô-si).

3- Vihasita: Tâm cười ra tiếng nho-nhỏ phát sinh đối với 3 bậc Thánh-nhân: bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai, hạng thiện-trí phàm-nhân, đó là đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ hợp với thiện-nhân (vô-tham, vô-sân, vô-si).

4- Atihasita: Tâm cười ra tiếng lớn phát sinh đối với 2 bậc Thánh-nhân: bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, hạng thiện-trí phàm-nhân đó là đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ hợp với thiện-nhân (vô-tham, vô-sân, vô-si).

5- Apahasita: Tâm cười làm cho thân mình nghiêng ngả chỉ phát sinh đối với hạng phàm-nhân mà thôi. 

6- Upahasita: Tâm cười làm trào ra nước mắt chỉ phát sinh đối với hạng phàm-nhân mà thôi.

Trong 6 loại cười này có hai loại cười chỉ có đối với Đức-Phật và bậc Thánh A-ra-hán mà thôi.

* Tâm mỉm cười trên mặt không lộ hàm răng gọi là sita, đối với Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

* Tâm mỉm cười lộ chút ít hàm răng gọi là hasita, đối với chư bậc Thánh A-ra-hán.

Hai loại tâm mỉm cười này phát sinh làm phận sự, mà không quan tâm nơi đối-tượng, nên tâm này có năng lực yếu đặc biệt phát sinh không hợp với nhân (hetu), gọi là hasituppādacitta, thuộc về loại vô-nhân-tâm.

* Bốn loại tâm cười còn lại, tâm có năng lực mạnh, chấp-thủ nơi đối-tượng, nên tâm này phát sinh hợp với nhân gọi là sahetukacitta: tâm có nhân.

Saṅkhāra trong ahetukacitta

Trong bộ Abhidhammatthasaṅgaha, Ngài Đại-Trưởng-lão Anuruddha trình bày trong phần ahetukacitta: vô-nhân-tâm có 18 tâm, không trình bày thuộc về loại asaṅkhārikacitta: tâm cần tác-động hoặc sasaṅkhārikacitta: tâm không cần tác-động nào cả.

Theo các bộ khác có ý kiến khác nhau về saṅkhārikacitta trong ahetukacitta được tóm lược theo 3 cách như sau: 

* Trong bộ Mūlaṭīkā và bộ Abhidhammattha-vibhāvinīṭīkā có ý kiến rằng: “Ahetukacitta: vô-nhân-tâm có 18 tâm đều là saṅkhāravimutti, 18 vô-nhân-tâm đều là không có saṅkhāra nào cả”, bởi vì trong bộ Abhidhammatthasaṅgaha không trình bày asaṅkhārikacitta và sasaṅkhārikacitta nào cả.

* Trong bộ Paramatthadīpanīṭīkā có ý kiến rằng: “Ahetukacitta: vô-nhân-tâm có 18 tâm có asaṅkhārikacitta hoặc sasaṅkhārikacitta.”

* Bậc Tiền-bối có ý kiến rằng: “Ahetukacitta: vô-nhân-tâm có 18 tâm thuộc về asaṅkhārika-citta”, bởi vì nhãn-thức-tâm tự nhìn thấy đối-tượng sắc, nhĩ-thức-tâm tự nghe đối-tượng thanh, tỷ-thức-tâm tự ngửi đối-tượng hương, thiệt-thức-tâm tự nếm đối-tượng vị, thân-thức-tâm tự xúc-giác đối-tượng xúc, v.v… do nương nhờ upattihetu: nhân-duyên, khiến cho tâm ấy phát sinh, cho nên 18 vô-nhân-tâm này thuộc về asaṅkhārikacitta: không cần tác-động.

Ahetukacitta: Vô-nhân-tâm là tâm không có 6 nhân (hetu): 3 bất-thiện-nhân: nhân tham, nhân sân, nhân si, và 3 thiện-nhân: nhân vô-tham, nhân vô-sân, nhân vô-si (trí-tuệ). 6 nhân này gọi là sampayuttahetu: nhân hợp với tâm.

Nếu tâm nào có bất-thiện-nhân (akusalahetu) hoặc thiện-nhân (kusalahetu) hợp với tâm ấy thì tâm ấy gọi là sahetukacitta: hữu-nhân-tâm.

Ahetukacitta: Vô-nhân-tâm là tâm không hợp với sampayuttahetu: nhân hợp với tâm, nhưng tất cả các pháp đều phát sinh từ nhân (hetup-pabhava), nhân này không phải là sampayutta-hetu (sáu nhân hợp với tâm), nhưng có nhân-duyên khiến cho tâm phát sinh gọi là upattihetu.

Cho nên, 18 ahetukacitta: Vô-nhân-tâm phát sinh đều do nương nhờ upattihetu: nhân-duyên, khiến cho mỗi tâm phát sinh.

Upattihetu của 18 ahetukacitta

Mỗi vô-nhân-tâm phát sinh cần phải hội đủ nhân-duyên của mỗi tâm, nếu trường-hợp thiếu một nhân-duyên nào thì vô-nhân-tâm ấy không thể phát sinh được.

Theo bộ Abhidhammatthasaṅgaha: Vi-diệu-pháp yếu-nghĩa giảng giải rằng:

* Nhân duyên phát sinh 2 nhãn-thức-tâm

– Cakkhuviññāṇa: Nhãn-thức-tâm có 2 tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:

1- Cakkhupasāda: Nhãn-tịnh-sắc tốt (mắt không bị bệnh).

2- Rūpārammaṇa: Đối-tượng sắc rõ ràng tiếp xúc với nhãn-tịnh-sắc (mắt).

3- Āloka: Ánh sáng rõ ràng.

4- Manasikāra: Chú tâm đó là ngũ-môn hướng-tâm tiếp nhận đối-tượng sắc ấy. 

Nếu khi hội đủ 4 nhân-duyên này thì nhãn-thức-tâm hợp với 7 tâm-sở phát sinh làm phận sự nhìn thấy đối-tượng sắc ấy.

* Nhãn-thức-tâm có 2 tâm:

– Nhãn-thức-tâm là quả-tâm của bất-thiện-nghiệp nhìn thấy đối-tượng sắc xấu, không đáng hài lòng.

– Nhãn-thức-tâm là quả-tâm của đại-thiện-nghiệp nhìn thấy đối-tượng sắc tốt, đáng hài lòng.

* Nhân duyên phát sinh 2 nhĩ-thức-tâm

– Sotaviññāṇa: Nhĩ-thức-tâm có 2 tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:

1- Sotapasāda: Nhĩ-tịnh-sắc tốt (tai không bị điếc).

2- Saddārammaṇa: Đối-tượng âm-thanh rõ ràng tiếp xúc với nhĩ-tịnh-sắc (lỗ tai).

3- Vivarākāsa: Khoảng trống không gian không có vật cản.

4- Manasikāra: Chú tâm đó là ngũ-môn hướng-tâm đến đối-tượng âm-thanh ấy.

Nếu khi hội đủ 4 nhân-duyên này thì nhĩ-thức-tâm hợp với 7 tâm-sở phát sinh làm phận sự nghe đối-tượng âm-thanh ấy.

* Nhĩ-thức-tâm có 2 tâm:

– Nhĩ-thức-tâm là quả-tâm của bất-thiện-nghiệp nghe đối-tượng âm-thanh dở, không đáng hài lòng.

– Nhĩ-thức-tâm là quả-tâm của đại-thiện-nghiệp nghe đối-tượng âm-thanh hay, đáng hài lòng. 

* Nhân duyên phát sinh 2 tỷ-thức-tâm

Ghānaviññāṇa: Tỷ-thức-tâm có 2 tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:

1- Ghānapasāda: Tỷ-tịnh-sắc tốt (mũi không bị bệnh).

2- Gandhārammaṇa: Đối-tượng hương rõ ràng tiếp xúc với tỷ-tịnh-sắc (lỗ mũi).

3- Vāyodhātu: Phong-đại (gió) thổi đưa mùi hương đến mũi.

4- Manasikāra: Chú tâm đó là ngũ-môn hướng-tâm đến đối-tượng hương ấy.

Nếu khi hội đủ 4 nhân-duyên này thì tỷ-thức-tâm hợp với 7 tâm-sở phát sinh làm phận sự ngửi đối-tượng hương ấy.

* Tỷ-thức-tâm có 2 tâm:

– Tỷ-thức-tâm là quả-tâm của bất-thiện-nghiệp ngửi đối-tượng mùi hôi, không đáng hài lòng.

– Tỷ-thức-tâm là quả-tâm của đại-thiện-nghiệp ngửi đối-tượng hương thơm tốt, đáng hài lòng.

* Nhân duyên phát sinh 2 thiệt-thức-tâm

Jivhāviññāṇa: Thiệt-thức-tâm có 2 tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:

1- Jivhāpasāda: Thiệt-tịnh-sắc tốt (lưỡi không bị bệnh).

2- Rasārammaṇa: Đối-tượng vị rõ ràng tiếp xúc với thiệt-tịnh-sắc (lưỡi).

3- Āpodhātu: Thủy-đại (nước miếng trong miệng).

4- Manasikāra: Chú tâm đó là ngũ-môn hướng-tâm đến đối-tượng vị ấy.

Nếu khi hội đủ 4 nhân-duyên này thì thiệt-thức tâm hợp với 7 tâm-sở phát sinh làm phận sự nếm đối-tượng vị ấy.

* Thiệt-thức-tâm có 2 tâm:

– Thiệt-thức-tâm là quả-tâm của bất-thiện-nghiệp nếm đối-tượng vị dở, không đáng hài lòng.

– Thiệt-thức-tâm là quả-tâm của đại-thiện-nghiệp nếm đối-tượng vị ngon, đáng hài lòng.

* Nhân duyên phát sinh 2 thân-thức-tâm

Kāyaviññāṇa: Thân-thức-tâm có 2 tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:

1- Kāyapasāda: Thân-tịnh-sắc tốt (thân khoẻ mạnh không bị bại liệt).

2- Phoṭṭhabbārammaṇa: Đối-tượng xúc (cứng, mềm, nóng, lạnh, căng, phồng) rõ ràng tiếp xúc với thân-tịnh-sắc (thân).

3- Thaddhapaṭhavīdhātu: Địa-đại cứng, …

4- Manasikāra: Chú tâm đó là ngũ-môn hướng-tâm đến đối-tượng xúc ấy.

Nếu khi hội đủ 4 nhân-duyên này thì thân-thức-tâm với 7 tâm-sở phát sinh làm phận sự xúc-giác đối-tượng xúc ấy.

* Thân-thức-tâm có 2 tâm: 

– Thân-thức-tâm là quả-tâm của bất-thiện-nghiệp xúc-giác đối-tượng xúc xấu, không đáng hài lòng.

– Thân-thức-tâm là quả-tâm của đại-thiện-nghiệp xúc-giác đối-tượng xúc tốt, đáng hài lòng.

* Nhân duyên phát sinh 3 ý-tự-tánh

Manodhātu: Ý-tự-tánh-tâm gồm có 3 tâm:

– Pañcadvārāvajjanacitta: Ngũ-môn hướng-tâm.

– Sampaṭicchanacitta: Tiếp-nhận-tâm có 2 tâm. Ba tâm này phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:

1- Pañcadvāra: 5 môn đó là nhãn-môn, nhĩ-môn, tỷ-môn, thiệt-môn, thân-môn tốt.

2- Pañcārammaṇa: 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc).

3- Hadayavatthu: Sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm.

4- Manasikāra: Chú tâm đến đối-tượng ấy.

Nếu hội đủ 4 nhân-duyên này thì manodhātu có 3 tâm, mỗi tâm phát sinh tùy theo nhân-duyên, làm phận sự của mình đối với đối-tượng ấy.

* Manodhātu có 3 tâm:

– Ngũ-môn hướng-tâm phát sinh làm phận sự tiếp nhận 1 trong 5 đối-tượng mới (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu hoặc tốt tiếp xúc tương xứng với môn (dvāra), mở cửa cho ngũ-môn-lộ-trình-tâm (pañcadvāravīthicitta) tương xứng phát sinh.

– Tiếp-nhận-tâm là quả-tâm của bất-thiện-nghiệp tiếp nhận đối-tượng xấu, không đáng hài lòng. 

– Tiếp-nhận-tâm là quả-tâm của đại-thiện-nghiệp tiếp nhận đối-tượng tốt, đáng hài lòng.

* Nhân duyên phát sinh 5 ý-thức-tự-tánh

Manoviññāṇadhātu: Ý-thức-tự-tánh gồm có 5 tâm trong 18 vô-nhân-tâm là:

– Manodvāravajjanacitta: Ý-môn hướng-tâm.

– Santīraṇacitta: Suy-xét-tâm gồm có 3 tâm.

– Hasituppādacitta: Tâm mỉm cười của bậc Thánh A-ra-hán. 5 tâm này phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:

1- Dvāra: 6 môn đó là nhãn-môn, nhĩ-môn, tỷ-môn, thiệt-môn, thân-môn, ý-môn.

2- Ārammaṇa: 6 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).

3- Hadayavatthu: Sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm.

4- Manasikāra: Chú tâm đến đối-tượng ấy.

Nếu khi hội đủ 4 nhân-duyên này thì mano-viññāṇadhātu có 5 tâm, mỗi tâm phát sinh tùy theo nhân-duyên làm phận sự của mình.

Cho nên, 18 vô-nhân-tâm là tâm không hợp với sampayuttahetu (u nhân hợp với tâm), nhưng mỗi vô-nhân-tâm phát sinh đều do nhân-duyên gọi là upattihetu: nhân-duyên phát sinh.

Như vậy, cakkhuviññāṇa: Nhãn-thức-tâm phát sinh làm phận sự nhìn thấy đối-tượng sắc, hình dáng là do hội đủ 4 nhân-duyên của nhãn-thức-tâm, nếu trường-hợp thiếu nhân-duyên nào thì nhãn-thức-tâm không thể phát sinh được.

Cũng như vậy, mỗi tâm với tâm-sở phát sinh đều do hội đủ nhân-duyên của tâm ấy.

Tất cả các pháp-hữu-vi phát sinh đều do từ nhân-duyên, cho nên, tất cả các pháp-hữu-vi đều là pháp-vô-ngã (anattā), không phải là ta, không phải là người, không phải là đàn ông, không phải là đàn bà, không phải là chúng-sinh nào cả, thật-tánh của tất cả các pháp-hữu-vi chỉ là sắc-pháp hoặc danh-pháp mà thôi.

Sở dĩ các hàng phàm-nhân thấy sai chấp lầm nơi sắc-pháp hoặc nơi danh-pháp cho là ta, là người, là đàn ông, là đàn bà, là chúng-sinh, v.v… là vì do vô-minh (avijjā) che phủ thật-tánh của sắc-pháp hoặc danh-pháp, do tà-kiến (diṭṭhi) thấy sai chấp lầm nơi sắc-pháp hoặc nơi danh-pháp cho là ta, là người, là đàn ông, là đàn bà, là chúng-sinh, v.v…

Như vậy, ta hoặc ngã không có thật, nên không có phương pháp diệt ngã.

Tà-kiến (diṭṭhi) là một loại phiền-não có thật, nên có phương pháp diệt tà-kiến.

Thật vậy, hành-giả là hạng người tam-nhân có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn làm nơi nương nhờ thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp danh-pháp, trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của sắc-pháp danh-pháp tam-giới, trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp danh-pháp tam-giới, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được hai loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) và hoài-nghi (vicikicchā) không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

Bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn có tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi sắc-pháp, nơi danh-pháp cho là ta, là ngã, là người, là đàn ông, là đàn bà, là chúng-sinh nào nữa.

Bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới, mà chỉ còn tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới là cõi người và cõi trời dục-giới nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi.

Đến kiếp thứ 7, bậc Thánh Nhập-lưu chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. 

 

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 14 - Nhận xét về bất-thiện-nghiệp và đại-thiện-nghiệp cho quả
Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 16 - Tâm Với Tâm-Sở

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *