2- Ác-nghiệp Nói Lời Chia Rẽ
Nói lời chia rẽ là nói lời làm cho 2 người bạn thân thiết chia rẽ nhau, để có lợi cho mình.
Người nói lời chia rẽ bằng cách nào?
Ví dụ: Cậu A và cô B là hai người bạn thân thiết với nhau, thường giúp đỡ lẫn nhau. Nhìn thấy 2 người thân thiết với nhau như vậy, cô C sinh tâm ganh tỵ, nên đặt điều nói xấu để làm cho cậu A và cô B nghi ngờ lẫn nhau, rồi dẫn đến ghét bỏ chia rẽ nhau, để cho cô C có lợi cả 2 người. Cô C lén tìm đến gặp cậu A nói rằng:
– Này anh A! Em nói cho anh biết, cô B lén lút quan hệ với người con trai khác, anh nên thận trọng là hơn.
Ban đầu cậu A không tin, nhưng do cô C nói nhiều lần khiến cho cậu A phát sinh tâm nghi ngờ về cô B. Từ nghi ngờ nên mỗi khi gặp cô B, cậu A thường có thái độ dè dặt. Lúc khác cô C lén tìm đến gặp cô B khuyên rằng:
– Này em B! Chị nói cho em biết, cậu A lén lút quan hệ với người con gái khác, em hãy thận trọng trong việc quan hệ với cậu ấy, để tránh sự hối hận về sau.
Ban đầu cô B không tin, nhưng do cô C nói nhiều lần khiến cho cô B phát sinh tâm nghi ngờ về cậu A. Từ nghi ngờ, nên cô B có thái độ dè dặt, bắt đầu để ý, dò xét thấy gần đây cậu A có thái độ không thân mật tự nhiên như trước. Cô B tin lời cô C nói thật và nghĩ rằng: “Chị C thật tâm thương mình nên nhắc nhở.”
Về phía cậu A, từ khi nghe lời cô C, cậu A cũng dò xét, để ý thấy cô B gần đây có thái độ bớt thân thiết như trước, đáng nghi ngờ, nên nghĩ rằng: “ Chắc có lẽ điều mà cô C nói là sự thật.”
Một hôm, bất ngờ cậu A nhìn thấy cô B đang nói cười vui vẻ với một người con trai khác ở một nơi nào đó. Cậu A lẫn tránh không cho cô B nhìn thấy, rồi nghĩ rằng: “Cô C thật là tốt với ta, cô ấy không muốn ta thất vọng.”
Chuyện gì sẽ xảy ra? Cậu A tìm đến gặp cô B, mắng nhiếc cô B rằng:
– Cô là con người lừa dối, không thật tâm với tôi.
Khi nghe cậu A mắng như vậy, cô B do bị xúc phạm quá nặng và vì quá oan ức, nên cô cũng phản ứng gay gắt rằng:
– Anh cũng không có tốt gì đâu!
Hai người tin theo lời nói chia rẽ của cô C, nên làm cho cậu A và cô B hiểu lầm nhau, ghét bỏ chia rẽ nhau, rồi xa lánh nhau.
Như vậy, cô C đã tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ. Nói lời chia rẽ do khẩu là chính, nhưng cũng có trường hợp thuộc về phần thân: Không nói mà có cử chỉ, hành động, hoặc viết thư gửi cho hai người khiến cho họ hiểu lầm nhau, ghét bỏ chia rẽ nhau, rồi xa lánh nhau.
Chi-pháp của ác-nghiệp nói lời chia rẽ
Để biết ác-nghiệp nói lời chia rẽ có hội đủ chi-pháp hay không hội đủ chi-pháp, thì căn cứ vào 5 chi-pháp của ác-nghiệp nói lời chia rẽ như sau:
1- Bhinditabbo: Những người bị chia rẽ.
2- Bhedapurakkhāro: Tác-ý ác làm cho hai người ấy chia rẽ nhau.
3- Payogo: Cố gắng bằng khẩu và bằng thân để hai người ấy chia rẽ.
4- Tadatthajānanaṃ: Những người nghe hiểu rõ ý nghĩa lời nói chia rẽ ấy.
Hai người ghét bỏ lẫn nhau, rồi chia rẽ xa lánh nhau.
– Nếu người nào tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ hội đủ 4 chi-pháp của ác-nghiệp nói lời chia rẽ thì người ấy tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ hội đủ chi-pháp, nhưng nếu không hội đủ 4 chi-pháp này, thì người ấy tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ không hội đủ chi-pháp.
Quả của 2 loại ác-nghiệp nói lời chia rẽ này có sự khác biệt:
– Nếu ác-nghiệp nói lời chia rẽ hội đủ 4 chi-pháp này thì ác-nghiệp nói lời chia rẽ ấy có năng lực, có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) kiếp-hiện-hữu.
– Nếu ác-nghiệp nói lời chia rẽ không hội đủ 4 chi-pháp này thì ác-nghiệp nói lời chia rẽ ấy có ít năng lực, nếu có cơ-hội thì chỉ cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) kiếp-hiện-hữu mà thôi.
Cố gắng tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ
Người cố gắng tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ bằng thân, bằng khẩu:
* Ác-nghiệp biểu hiện chia rẽ bằng thân là sử dụng 2 tay ra dấu để cho người khác hiểu biết ý nghĩa của mình.
Ví dụ: Đôi vợ chồng sống với nhau, người chồng đi làm, người vợ lén đi sang nhà bên cạnh đánh bài bạc. Khi người chồng trở về nhà không thấy vợ, hỏi người bà con trong nhà. Người bà con vốn không ưa cháu dâu, muốn cho cặp vợ chồng gây xích mích chia rẽ nhau, nên lấy 2 tay ra dấu đánh bài bạc ở nhà bênh cạnh. Hiểu biết người vợ của mình như vậy, người chồng không thích người vợ ham chơi bài bạc. Cho nên, khi người vợ trở về nhà, người chồng la mắng người vợ một cách thậm tệ, rồi đôi vợ chồng ly dị, chia rẽ nhau.
Đó là ác-nghiệp biểu hiện chia rẽ bằng thân.
* Ác-nghiệp biểu hiện chia rẽ bằng khẩu là sử dụng lời nói đặt điều nói xấu người kia cho người này biết, rồi đến nói xấu người này cho người kia biết, để cho 2 người hiểu lầm với nhau, rồi ghét bỏ, chia rẽ nhau.
Chuyện kể rằng: Đôi vợ chồng rất thương yêu nhau tha thiết, người chồng là người địa phương giàu có sang trọng, còn người vợ là người từ nơi khác. Các cô gái trong địa phương sinh tâm ganh tỵ, nên đặt điều nói xấu để gây sự hiểu lầm với nhau, rồi ghét bỏ, chia rẽ nhau. Một hôm, cô gái địa phương lén đến gặp riêng người đàn ông là chồng của cô gái, nói cho biết rằng:
– Này anh! Người vợ của anh có dạ-xoa nhập, ban đêm khi anh ngủ say, dạ-xoa nhập vào vợ anh, trước khi đi kiếm ăn đồ dơ, nó bước qua người anh, làm cho anh mê, rồi nó xuất ra ngoài kiếm ăn xong, trở về bước lại người anh, làm cho anh trở lại bình thường.Nếu anh không tin thì anh để ý dò xét sẽ rõ.
Cô gái địa phương lén đến gặp riêng người đàn bà là vợ của người đàn ông, nói cho biết rằng:
– Này cô em! Người chồng của em không không phải là người bình thường đâu! anh ta là dạ-xoa hoá ra người. Nếu em không tin thì em sờ dưới xương cụt có cái đuôi ngắn lòi ra bên ngoài, em sẽ rõ.
Một đêm nọ, người chồng giả vờ ngủ say, tưởng chồng đã ngủ say, nên người vợ ngồi dậy lấy tay vừa chuẩn bị sờ vào xương cụt của chồng. Khi ấy, chồng nghĩ rằng: “Người vợ là dạ-xoa nhập chuẩn bị bước qua thân người của ta, để xuất ra đi kiếm ăn đồ dơ.” Do nghĩ như vậy, người chồng đạp mạnh vào người vợ rơi xuống nền đau điếng. Người vợ ngồi dậy mắng chồng là dạ-xoa hung ác. Người chồng cũng mắng vợ là loài dạ-xoa ăn đồ dơ. Đôi vợ chồng gây gổ với nhau, rồi ghét bỏ, chia rẽ nhau, bởi vì tin theo lời nói đặt điều nói xấu chia rẽ của cô gái địa phương.
Tội nặng – tội nhẹ của ác-nghiệp nói lời chia rẽ.
Tội nặng hoặc tội nhẹ của sự phạm điều giới nói lời chia rẽ tùy thuộc vào đối tượng người có giới-đức hoặc không có giới-đức.
Nếu người có tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm nói lời chia rẽ giữa hai người có giới-đức thì có tội nặng, tạo ác-nghiệp nặng nói lời chia rẽ.
Nếu người có tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm nói lời chia rẽ giữa hai người không có giới-đức thì có tội nhẹ, tạo ác-nghiệp nhẹ nói lời chia rẽ.
* Quả xấu của ác-nghiệp nói lời chia rẽ:
Người nào tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ, nếu có tội nặng thì người ấy sau khi chết, ác-nghiệp nói lời chia rẽ cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ của ác-nghiệp nói lời chi rẽ ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.
Sau khi thoát ra khỏi cõi ác-giới, * trường-hợp nếu có đại-thiện-nghiệp nào khác có cơ-hội thì cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) làm người.
* Và trường hợp, người nào tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ có tội nhẹ. Người ấy sau khi chết, nếu ác-nghiệp nói lời chia rẽ không có cơ-hội cho quả thì dục-giới đại-thiện-nghiệp cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) làm người.
Cả 2 trường-hợp ấy, người ấy còn phải chịu quả xấu của ác-nghiệp nói lời chia rẽ mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong quá-khứ.
Trong chú-giải Khuddakapātha giảng giải về 14 quả xấu của ác-nghiệp nói lời chia rẽ trong kiếp-quá-khứ.
Kiếp hiện-tại của người ấy:
1- Là người có 5 giác quan không trong sáng.
2- Là người có giọng nói không rõ, khó nghe.
3- Là người có đôi hàm răng không đều đặn, xấu xí.
4- Là người có thân hình quá mập, dị kỳ.
5- Là người có thân hình quá ốm.
6- Là người có thân hình quá thấp,
7- Là người có thân hình quá cao,
8- Là người có da thịt sần sùi, xấu xí.
9- Là người có mùi hôi thoát ra từ trong miệng.
10- Là người nói không ai tin theo.
11- Là người nói không ai muốn nghe.
12- Là người có cái lưỡi cứng và ngắn.
13 Là người có tâm thường thoái chí nản lòng.
14- Là người có tật nói cà lăm, hoặc bị câm điếc.
Đó là 14 quả xấu của ác-nghiệp nói lời chia rẽ mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong thời quá-khứ. (1)
1 Xem đầy đủ trong phần phạm giới nói lời chia rẽ trong bộ Nền-Tảng Phật-giáo quyển III “Pháp-Hành-Giới” cùng một soạn giả.