Lợi Ích Của Phép Quy-Y Tam-Bảo
Lợi-ích của phép quy-y Tam-bảo có 2 phần:
1- Sự lợi ích chung của phép quy-y Tam-bảo.
2- Sự lợi ích riêng của mỗi pháp quy-y Phật, quy-y Pháp, quy-y Tăng.
1- Sự Lợi Ích Chung Của Phép Quy-Y Tam-Bảo
Người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã thọ phép quy-y Tam-bảo rằng:
* Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
* Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
* Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi, v.v…
Người nào đã thành tựu phép quy-y Tam-bảo xong rồi, người ấy trở thành người cận-sự-nam hoặc cận-sự- nữ có được sự lợi ích chung của phép quy-y Tam-bảo vô cùng phong phú, vô lượng, vô biên.
Trong Chú-giải dạy rằng:
* Saraṇagatānaṃ teneva saraṇagamanena bhayaṃ santāsaṃ dukkhaṃ duggatiṃ parikilesaṃ hanati
vināsetīti attho.(1)
– Đối với người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã thành tựu phép quy-y Tam-bảo, … sẽ có được sự lợi ích như:
– Tránh khỏi khổ tái-sinh trong 4 cõi ác-giới.
– Giảm bớt được sự khổ thân.
– Tiêu diệt được sự kinh sợ, khổ tâm.
– Diệt được họa tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Đó là sự lợi ích chung của sự thành tựu phép quy-y Tam-bảo.
Giải thích:
* Tránh Khỏi Khổ Tái-Sinh Trong 4 Cõi Ác-Giới
Đối với những người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã quy-y Tam-bảo, sau khi chết, do năng lực phước-thiện quy-y Tam-bảo này, có khả năng tránh khỏi khổ tái-sinh trong 4 cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, do năng lực của phước-thiện quy-y Tam-bảo này cho quả tái-sinh trong cõi thiện-giới, đó là cõi người hoặc cõi trời dục-giới hưởng mọi sự an-lạc trong cõi ấy cho đến hết tuổi thọ. Như Đức-Phật dạy:
“Yekeci Buddhaṃ saraṇaṃ gatāse,
Na te gamissanti apāyabhūmiṃ.
Pahāya mānussaṃ dehaṃ,
Devakāyaṃ paripūressanti”.(1)
Những người nào đã quy-y Đức-Phật,
Những người ấy sau khi bỏ thân người,
Sẽ không tái-sinh trong cõi ác-giới
Sẽ hóa sinh lên cõi trời dục-giới.
* Giảm Được Sự Khổ Thân
Hễ có thân là có khổ, song người đã thành tựu phép quy-y Tam-bảo rồi, họ là người có nhiều phước-thiện cho quả tốt lành, có đầy đủ mọi thứ cần thiết trong cuộc sống như y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh và các thứ phương tiện khác, do đó, nên giảm được mọi sự khổ thân, đói khát, nóng lạnh, v.v…
* Tiêu Diệt Được Sự Kinh Sợ, Khổ Tâm
Người đã quy-y nương nhờ nơi Tam-bảo, tâm thường niệm tưởng đến 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo thì chắc chắn mọi kinh sợ sẽ không thể phát sinh được. Như Đức-Phật dạy:
“Evaṃ Buddhaṃ sarantānaṃ
Dhammañca Saṃghañca bhikkhavo
Bhayaṃ vā chambhitattaṃ vā
Lomahaṃso na hessati”.(1)
– Này chư tỳ-khưu! Như-lai chỉ dạy,
Các con thường niệm ân-đức Phật-bảo,
Ân-đức Pháp-bảo, ân-đức Tăng-bảo,
Sự kinh hồn, run sợ, sởn tóc gáy,
Không phát sinh đối với các con vậy.
* Diệt Được Khổ Tử Sinh Luân-hồi Trong Tam-giới
Sở dĩ, chúng-sinh luẩn quẩn trong vòng tử sinh luân- hồi trong 3 giới 4 loài, là vì có ba pháp-luân:
– Phiền-não-luân (Kilesavaṭṭa)
– Nghiệp-luân (Kammavaṭṭa)
– Quả-luân (Vipākavaṭṭa)
Tam-luân này kết nối với nhau thành vòng tròn, không có chỗ bắt đầu cũng không có chỗ cuối cùng; nghĩa là: có phiền-não-luân khiến tạo nên nghiệp-luân, có nghiệp- luân cho quả-luân tái-sinh, có quả-luân tái-sinh thì còn phiền-não-luân, tạo nghiệp-luân, có nghiệp-luân cho quả-luân tái-sinh, … Cứ như vậy, khiến chúng-sinh luẩn quẩn trong vòng tử sinh luân-hồi trong tam-giới từ vô- thủy đến vô-chung.
Người đã thọ phép quy-y nương nhờ nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc được 4 Thánh-đạo-tuệ diệt tận được tất cả mọi phiền-não-luân không còn dư sót; đồng thời cũng phá tan rã vòng tam-luân, diệt được khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài, do nhờ thành-tựu được phép quy-y Tam-bảo theo pháp siêu-tam-giới.
2- Sự Lợi Ích Riêng Của Mỗi Pháp Quy-Y
Mỗi pháp quy-y: Quy-y Đức-Phật-bảo, quy-y Đức- Pháp-bảo, quy-y Đức-Tăng-bảo có đối-tượng khác nhau, nên có sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc khác nhau.
- a) Sự Lợi Ích Của Pháp Quy-Y Đức-Phật-Bảo
Những người cận-sự-nam, cận-sự-nữ có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật-bảo, thành kính xin quy-y Đức-Phật- bảo rằng: “Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân-đức Phật-bảo, nên người ấy có sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc như sau:
“Hite pavattanena ahite ca nivattanena sattānaṃ bhayaṃ hiṃsati Buddho:(1)
Người đã quy-y Đức-Phật-bảo, Đức-Phật dạy bảo những pháp đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc, răn cấm những pháp đem lại sự bất lợi, thoái hóa, khổ não, giáo huấn pháp-hành để diệt hoạ tử sinh luân-hồi của chúng-sinh.”
Giải thích:
* Dạy Bảo Những Pháp Đem Lại Sự Lợi Ích, Sự Tiến Hóa
Đức-Phật truyền dạy rằng:
“Sampannasīlā bhikkhave viharatha:
– Này chư tỳ-khưu, tỳ-khưu ni, cận-sự-nam, cận-sự- nữ! Các con sống nên giữ gìn giới hạnh cho được đầy đủ và trọn vẹn.”
Thật vậy, khi hành-giả có giới-hạnh trong sạch làm nền tảng thì pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ được phát triển và tăng trưởng.
Đó là những pháp đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.
* Răn Cấm Những Pháp Đem Lại Sự Bất Lợi, …
Đức-Phật truyền dạy rằng:
“Sace bhāyatha dukkhassa, sace vo dukkhamappiyaṃ.
Mā kattha pāpakaṃ kammaṃ, avi vā yadi vā raho.”
Nếu các con sợ khổ thân, khổ tâm,
Nếu các con không thích khổ thân, khổ tâm,
Thì các con chớ nên hành ác-nghiệp,
Cả nơi trống trải lẫn nơi kín đáo.”
* Giáo Huấn Pháp-Hành Để Diệt Khổ Tử Sinh, …
Đức-Phật thấy rõ, biết rõ căn duyên của chúng-sinh, cho nên Đức-Phật giáo huấn pháp-hành thiền-tuệ thích hợp với căn duyên của chúng-sinh ấy, khi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ người ấy chắc chắn chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả và Niết-bàn, diệt được họa tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.
- b) Sự Lợi Ích Của Pháp Quy-Y Đức-Pháp-Bảo
Những người cận-sự-nam, cận-sự-nữ có đức-tin trong sạch nơi Đức-Pháp-bảo, thành kính xin quy-y Đức-Pháp- bảo rằng: “Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Pháp” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 6 ân-đức Pháp-bảo, nên người ấy có sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc như sau:
“Bhavakantārato uttaraṇena assāsadāṇena ca dhammo:(1)
Người đã quy-y Đức-Pháp-bảo, chánh-pháp có khả năng diệt được khổ tử sinh luân-hồi, giải thoát khỏi khổ kiếp trầm-luân, cho quả an-lạc.”
Giải thích:
* Giải Thoát Khỏi Khổ Kiếp Trầm-Luân
Chánh-pháp đó là 4 Thánh-đạo-tuệ diệt tận được mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi ác-pháp không còn dư sót, có khả năng giải thoát khỏi khổ kiếp trầm-luân, đó là kiếp tử sinh luân-hồi trong cõi dục-giới, cõi sắc-giới, cõi vô-sắc-giới.
* Cho Quả An-Lạc
Chánh-pháp đó là 4 Thánh-đạo-tâm cho quả là 4 Thánh quả-tâm, khi nhập Thánh-quả hưởng sự an-lạc Niết-bàn.
* Diệt Được Khổ Tử Sinh Luân-hồi
Chánh-pháp đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết- bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn, diệt được khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.
- c) Sự Lợi Ích Của Pháp Quy-Y Đức-Tăng-Bảo
Những người cận-sự-nam, cận-sự-nữ có đức-tin trong sạch nơi Đức-Tăng-bảo, thành kính xin quy-y Đức-Tăng- bảo rằng: “Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân-đức Tăng-bảo, nên người ấy có sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc như sau:
“Appakānam pikārānaṃ vipulaphalapaṭilābha- karaṇena Saṃgho:(1)
Người đã quy-y Đức-Tăng-bảo, làm phước-thiện dù chút ít, song quả của phước-thiện lớn lao vô lượng, được chư Thánh-Tăng chỉ dạy pháp-hành thiền-tuệ, để diệt khổ tử sinh luân-hồi”.
Giải thích:
* Làm Phước-Thiện Chút Ít, Song Quả Của Phước- Thiện Vô-lượng, …
Chư Thánh-Tăng là phước điền cao thượng của chúng- sinh không nơi nào sánh được. Do đó, người cận-sự- nam, cận-sự-nữ là thí-chủ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, thành kính dâng lễ cúng dường đến chư Thánh-Tăng và chư phàm-Tăng dù ít, họ vẫn được hưởng quả của phước-thiện lớn lao vô lượng cả trong kiếp hiện-tại lẫn vô lượng kiếp trong vị-lai. Họ sẽ được thành tựu quả báu trong cõi người (manussasampatti), được thành tựu quả báu trong cõi trời (devasampatti), và đặc biệt được thành tựu quả báu Niết-bàn cao thượng (Nibbānasampatti).
* Được Chư Thánh-Tăng Chỉ Dạy Pháp-Hành Thiền-Tuệ
Người cận-sự-nam, cận-sự-nữ được gần gũi thân cận với chư Thánh-Tăng, chư phàm-Tăng, được lắng nghe chánh-pháp của chư Thánh-Tăng, rồi thực-hành pháp- hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.
Địa Vị Cận-Sự-Nam, Cận-Sự-Nữ Trong Phật-Giáo
– Người cận-sự-nam dịch nghĩa từ danh từ upāsaka.
– Người cận-sự-nữ dịch nghĩa từ danh từ upāsikā.
Người cận-sự-nam, người cận-sự-nữ là những người gần gũi thân cận với Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức- Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo.
Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật có 4 chúng: Bhikkhu (Tỳ-khưu), Bhikkhunī (Tỳ-khưu-ni), Upāsaka (cận-sự- nam), Upāsikā (cận-sự-nữ).
Như vậy, người cận-sự-nam (upāsaka), người cận-sự- nữ (upāsikā) thuộc trong hàng tứ chúng. Cho nên, địa vị người cận-sự-nam, cận-sự-nữ cũng rất cao quý.
Một số người có quan niệm rằng: “Trong gia đình có tôn thờ tượng Đức-Phật, hằng ngày dâng lễ cúng dường lễ bái Đức-Phật, họ đi đến chùa dâng lễ cúng dường lễ bái Đức-Phật, làm phước bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu Tăng, v.v… Như vậy, họ đã là người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ rồi”.
Nhưng thực ra, mọi việc phước-thiện ấy, chưa đủ tiêu chuẩn để được chính thức gọi là người cận-sự- nam, người cận-sự-nữ trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, mà chỉ có thể gọi họ là người có đức-tin nơi Tam-bảo hoặc là người có đại-thiện-tâm tín ngưỡng Phật-giáo mà thôi.
Thật ra, một người nào có ý nguyện muốn trở thành người cận-sự-nam, hoặc người cận-sự-nữ trong giáo- pháp của Đức-Phật Gotama, người ấy cần phải có đức- tin trong sạch nơi Tam-bảo, đến gần gũi thân cận với bậc thiện-trí hiểu biết giáo-pháp của Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp, nhất là phải học hỏi, ghi nhớ hiểu rõ ý nghĩa 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo, có nhận thức đúng đắn rằng: Đức-Phật-bảo cao thượng, Đức-Pháp-bảo cao thượng, Đức-Tăng-bảo cao thượng, rồi kính bạch với Ngài Đại-Trưởng-lão kính thỉnh Ngài hướng dẫn làm lễ thọ phép quy-y Tam-bảo.
* Nếu không có Ngài Đại-Trưởng-lão thì Ngài Trưởng-lão,
* Nếu không có Ngài Trưởng-lão thì vị tỳ-khưu,
* Nếu không có vị tỳ-khưu thì vị sa-di,
* Nếu không có vị sa-di thì thậm chí người cận-sự- nam hoặc cận-sự-nữ là bậc thiện-trí hiểu biết giáo-pháp của Đức-Phật, nhất là hiểu biết cách hướng dẫn làm lễ thọ phép quy-y Tam-bảo.
Sau khi đã thành tựu thọ phép quy-y Tam-bảo xong rồi, thì người ấy mới chính thức được gọi là người cận- sự-nam (upāsaka), hoặc cận-sự-nữ (upāsikā) đã quy-y Tam-bảo, kể từ đó cho đến trọn đời.
Cho nên, phép quy-y Tam-bảo này không chỉ đối với các hàng phàm-nhân, mà còn đối với chư bậc Thánh- nhân nữa.
Mặc dù chư bậc Thánh-nhân đã thành tựu phép quy-y Tam-bảo theo pháp siêu-tam-giới, ngay khi sát-na Thánh- đạo-tâm phát sinh có đối-tượng Niết-bàn, diệt tận được phiền-não.
Thế mà, chư bậc Thánh-nhân còn phải xin thọ phép quy-y Tam-bảo, trước sự hiện diện chứng minh của Đức- Phật, hoặc bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật. Kính xin Ngài công nhận họ là người cận-sự-nam, hoặc cận-sự-nữ đã quy-y Tam-bảo, kể từ đó cho đến trọn đời, huống hồ các hàng phàm-nhân.
Đối với các hàng phàm-nhân, người nào có ý nguyện muốn trở thành người cận-sự-nam hoặc người cận-sự-nữ trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, người ấy cần phải học hỏi, ghi nhớ hiểu rõ ý nghĩa 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo, rồi đến hầu Ngài Trưởng-lão, đảnh lễ kính xin Ngài hướng dẫn làm lễ thọ phép quy-y Tam-bảo nếu không có Ngài Trưởng-lão thì vị tỳ-khưu hoặc vị sa-di hoặc thậm chí người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ hiểu biết về Phật-giáo hướng dẫn.
Sau khi được thành-tựu phép quy-y Tam-bảo rồi, người ấy mới chính thức trở thành người cận-sự-nam (upāsaka) hoặc cận-sự-nữ (upāsikā) trong hàng tứ- chúng của Đức-Phật Gotama.