Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 10 – Đại-thiện-tâm có tám tâm chia theo trí-tuệ

b-Đại-thiện-tâm có 8 tâm chia theo trí-tuệ:

– 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ.

– 4 đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ.

c-Đại-thiện-tâm có 8 tâm chia theo tác-động:

– 4 đại-thiện-tâm không cần tác-động.

– 4 đại-thiện-tâm cần tác-động.

Giảng Giải

a-Đại-thiện-tâm có 8 tâm chia theo thọ:

– 4 đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ.

– 4 đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ xả.

* Đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ

Nếu khi người đang tạo phước-thiện nào với đại-thiện-tâm nào có đức-tin (saddhā) trong sạch nhiều, vô cùng hoan-hỷ trong phước-thiện ấy, thì đại-thiện-tâm ấy đồng sinh với thọ hỷ (somanassavedanā). 

Đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ có nhiều năng lực hơn đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ xả.

* Nhân phát sinh thọ hỷ

Đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ có 6 nhân:

1- Somanassapaṭisandhikatā: Tái-sinh-tâm đồng sinh với thọ hỷ.

2- Saddhābahulatā: Có nhiều đức-tin.

3- Visuddhadiṭṭhitā: Có chánh-kiến thanh-tịnh.

4- Ānisaṃsadassāvitā: Thấy rõ quả báu của đại-thiện-nghiệp ấy.

5- Iṭṭhārammaṇasamāyogo: Tiếp xúc với đối-tượng tốt đáng hài lòng.

6- Kassacipiḷābhāvo: Không gặp điều bất lợi, điều thiệt hại nào cả.

* Đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ xả

Nếu khi người đang tạo phước-thiện nào với đại-thiện-tâm nào có đức-tin (saddhā) trong sạch ít, hoan-hỷ ít trong phước-thiện ấy, thì đại-thiện-tâm ấy đồng sinh với thọ xả (upekkhāvedanā).

Đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ xả có ít năng lực hơn đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ.

* Nhân phát sinh thọ xả

Đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ xả có 6 nhân:

1- Upekkhāpaṭisandhikatā: Tái-sinh-tâm đồng sinh với thọ xả. 

2- Appasaddhatā: Có ít đức-tin.

3- Avisuddhadiṭṭhitā: Có chánh-kiến không thanh-tịnh.

4- Ānisaṃsa adassāvitā: Không thấy rõ quả báu của đại-thiện-nghiệp ấy.

5- Majjhattārammaṇasamāyogo: Tiếp xúc với đối-tượng trung bình không tốt, không xấu.

6- Kassacipiḷikatā: Gặp điều bất lợi, điều thiệt hại nào đó.

Đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ xả có ít năng lực hơn đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ.

* Sự khác nhau của thọ hỷ, thọ xả trong đại-thiện-tâm với bất-thiện-tâm (ác-tâm):

– Thọ hỷ đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm là đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ nhiều trong phước-thiện hoặc trong đại-thiện-nghiệp ấy, nên đại-thiện-nghiệp ấy có nhiều năng lực, có nhiều quả báu đáng hài lòng nhiều.

– Thọ hỷ đồng sinh với 4 tham-tâm là ác-tâm hoan-hỷ trong ác-pháp hoặc trong ác-nghiệp ấy, nên ác-nghiệp ấy là nặng, có nhiều quả khổ đáng kinh sợ.

– Thọ xả đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm là đại-thiện-tâm hoan-hỷ ít trong phước-thiện hoặc trong đại-thiện-nghiệp ấy, nên đại-thiện-nghiệp ấy có ít năng lực, có ít quả báu đáng hài lòng.

– Thọ xả đồng sinh với 4 tham-tâm là ác-tâm hoan-hỷ ít trong ác-pháp ấy hoặc trong ác-nghiệp ấy, nên ác-nghiệp ấy là nhẹ, có ít quả khổ.

b-Đại-thiện-tâm có 8 tâm chia theo trí-tuệ:

– 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ.

– 4 đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ.

* Đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ

Nếu người tạo phước-thiện nào với đại-thiện-tâm nào hợp với trí-tuệ hiểu biết rõ sự thật chỉ có nghiệp là của riêng mình mà thôi, thì đại-thiện-tâm ấy hợp với trí-tuệ (ñāṇasampayutta).

Đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có nhiều năng lực hơn đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ.

Trí-tuệ đồng sinh với đại-thiện-tâm có 2 loại trí-tuệ là:

– Kammassakatāñāṇa: Trí-tuệ hiểu biết rõ nghiệp là của riêng mình.

– Lokiyavipassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới.

1- Kammassakatāñāṇa: Trí-tuệ hiểu biết rõ nghiệp là của riêng mình.

Bậc thiện-trí có trí-tuệ hiểu biết rõ chỉ có tất cả mọi thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp mà mình đã tạo rồi là của riêng mình thật sự mà thôi.

Ngoài tất cả mọi nghiệp ấy ra, còn lại những của cải tài-sản khác trong đời này đều thuộc về của chung của mọi người.

Tuy nhiên, nếu người nào đã từng tạo phước-thiện bố-thí trong kiếp quá-khứ thì kiếp hiện-tại người ấy có quyền sở hữu tạm thời của cải tài-sản ấy, được hưởng quả báu của đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy trong khoảng thời gian lâu hoặc mau tùy theo quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy.

Ví dụ: Đất đai thuộc về của chung, không phải là của riêng một ai cả, nhưng nếu người nào đã từng tạo phước-thiện bố-thí trong kiếp quá-khứ thì kiếp hiện-tại người ấy có quyền sở hữu tạm thời phần đất đai ấy, được hưởng quả báu của đại-thiện-nghiệp bố-thí đó là phần đất đai ấy trong khoảng thời gian lâu hoặc mau tùy theo quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy, đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy, thì phần đất đai ấy lại thuộc về của người khác.

Nếu người thiện-trí nào có trí-tuệ kammas-sakatāñāṇa biết sử dụng phần tiền của nào mà mình đang tạm thời có quyền sở hữu, đem ra tạo phước-thiện bố-thí thì đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy vĩnh viễn thuộc về của riêng người ấy.

Như vậy, người thiện-trí ấy biết biến đổi của cải tạm thời trở thành đại-thiện-nghiệp bố-thí quý báu vĩnh-viễn thuộc về của riêng mình.

Tất cả mọi chúng-sinh nói chung, mỗi người nói riêng sau khi chết, nghiệp nào có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới nào trong 31 cõi-giới, thuộc về hạng chúng-sinh nào trong bốn loài chúng-sinh, hoàn toàn tùy thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng-sinh.

Mỗi chúng-sinh trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, từ vô thủy trải qua vô số kiếp quá-khứ cho đến kiếp hiện-tại đã từng tạo mọi đại-thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp của mỗi chúng-sinh từ kiếp này sang kiếp kia, tất cả mọi nghiệp ấy dù nặng dù nhẹ cũng đều được tích lũy, được lưu trữ đầy đủ trọn vẹn ở trong tâm, không hề mất mát một mảy may nào cả.

Nếu đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm là quả của đại-thiện-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới, hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy, mới rời khỏi cõi thiện-dục-giới.

Nếu ác-nghiệp nào trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhi-citta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát khỏi cõi ác-giới.

Người có kammassakatāñāṇa: Trí-tuệ hiểu biết rõ nghiệp là của riêng mình là người có chánh-kiến thấy đúng, biết đúng theo 10 pháp chánh-kiến.

Dasavatthusammādiṭṭhi:

1- Atthi dinnaṃ: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Phước-thiện bố-thí có quả tốt, quả an-lạc.

2- Atthi yiṭṭhaṃ: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Phước-thiện cúng-dường có quả tốt, quả an-lạc.

3- Atthi hutaṃ: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Đón rước, tiếp đãi có quả tốt, quả an-lạc.

4- Atthi sukatadukkatānam kammānaṃ phalaṃ vipāko: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Đã tạo thiện-nghiệp, ác-nghiệp rồi, thiện-nghiệp cho quả an-lạc, ác-nghiệp cho quả khổ.

5- Atthi ayaṃ loko: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Có cõi-giới này nghĩa là có chúng-sinh tái-sinh đến cõi-giới này.

6- Atthi paro loko: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Có cõi-giới khác nghĩa là sau khi chúng-sinh chết, nghiệp của họ cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác. 

7- Atthi mātā: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Đối xử tốt với mẹ có quả tốt, quả an-lạc; đối xử xấu với mẹ có quả xấu, quả khổ.

8- Atthi pitā: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Đối xử tốt với cha có quả tốt, quả an-lạc; đối xử xấu với cha có quả xấu, quả khổ.

9- Atthi sattā opapātikā: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Có các chúng-sinh loài hóa-sinh to lớn ngay tức thì như chư-thiên trong 6 cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trong 16 cõi trời sắc-giới, 4 cõi trời vô-sắc-giới, chúng-sinh địa-ngục, ngạ-quỷ, a-su-ra.

10- Atthi loke samaṇabrāhmaṇā samaggatā sammāpaṭipannā ye imañca lokaṃ parañca lokaṃ abhiññā sacchikatvā pavedenti: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Trong đời này, có sa-môn, bà-la-môn thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới, chứng đắc các phép-thần-thông, thấy rõ biết rõ cõi-giới này, cõi-giới khác, rồi thuyết giảng cho mọi người cùng biết, đó là điều có thật.

Lokiyavipassanāñāṇa: Trí-tuệ-thiền-tuệ tam-giới

Trí-tuệ phát sinh có 3 cách:

1- Sutamayapaññā: Trí-tuệ phát sinh do lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí, học hỏi, nghiên cứu chánh-pháp, gọi là trí-tuệ phát sinh do học (sutamayapaññā). 

2- Cintāmayapaññā: Trí-tuệ phát sinh do nghe nhiều hiểu rộng, học hỏi, nghiên cứu chánh-pháp của bậc thiện-trí làm nền tảng, rồi trí-tuệ suy xét, tư duy sâu sắc về chánh-pháp, gọi là trí-tuệ phát sinh do tư duy (cintāmayapaññā).

3- Bhāvanāmayapaññā: Trí-tuệ phát sinh do thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Hành-giả là hạng người tam-nhân thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có khả năng dẫn đến phát sinh từ trí-tuệ thứ nhất gọi là nāmarūpa-paricchedañāṇa: trí-tuệ thấy rõ, biết rõ phân tích rõ thật-tánh của danh-pháp sắc-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) là pháp-vô-ngã, không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng-sinh, v.v… mà chỉ là sắc-pháp, danh-pháp mà thôi, và các trí-tuệ-thiền-tuệ tuần tự phát sinh tiếp theo đến,

Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 4 gọi là uddayabbayā-nupassanāñāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của sắc-pháp danh-pháp hiện-tại do nhân-duyên sinh, do nhân-duyên diệt, nên thấy rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại, v.v… cho đến,

Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 13 gọi là gotrabhuñāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ có khả năng đặc biệt thấy rõ, biết rõ đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, nên vẫn còn lokiya-vipassanāñāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ tam-giới.

* Nhân hợp với trí-tuệ (1)

Đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có 4 nhân:

1- Paññāsaṃvattanikakammupanissayatā: Khi tái-sinh đầu thai làm người với đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ.

2- Abyāpajjalokupapattiyā: Kiếp tái-sinh không có phiền muộn, tâm mong mỏi trong thiện-pháp.

3- Kilesadūratā: Tránh xa mọi phiền-não.

4- Indriyaparipākatā: Có 5 tuệ-chủ đầy đủ.

* Nhân hợp với trí-tuệ (2)

Đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có 7 nhân:

1- Paripucchakatā: Thường tìm hiểu học hỏi trong chánh-pháp.

2- Vatthuvisuddhakariyatā: Thân tâm trong sạch lẫn các thứ vật dụng sạch sẽ.

3- Indriyasamattapaṭipādanatā: Giữ gìn 5 pháp-chủ (tín, tấn, niệm, định, tuệ) đều đặn với nhau.

4- Duppaññapuggalaparivajjanā: Tránh xa hạng người thiểu trí.

5- Paññāvantapuggalasevanā: Thường hay gần gũi thân cận với bậc thiện-trí.

6- Gambhīrañāṇacariyapaccavekkhaṇā: Ham thích suy xét, tư-duy các chánh-pháp sâu sắc. 

7- Tadadhimuttatā: Thường hướng tâm tìm hiểu chánh-pháp để phát sinh trí-tuệ.

* Đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ

Nếu người tạo phước-thiện nào với đại-thiện-tâm nào chỉ có đức-tin (saddhā) mà không hợp với trí-tuệ, không có kammassakatāñāṇa thì đại-thiện-tâm ấy không hợp với trí-tuệ (ñāṇa-vippayutta).

Như trường hợp người tạo phước-thiện bố-thí theo truyền thống của gia-đình, nên chỉ có đức-tin mà không có trí-tuệ đồng sinh với đại-thiện-tâm ấy; hoặc khi có bạn thân đến tác-động, khuyến khích tạo phước-thiện bố-thí, người ấy phát sinh đức-tin tạo phước-thiện bố-thí theo bạn thân mà không hiểu biết về kammassakatāñāṇa, nên đại-thiện-tâm ấy không hợp với trí-tuệ.

Đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ có ít năng lực hơn đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ.

* Nhân không hợp với trí-tuệ (1)

Đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ có 4 nhân:

1- Paññā asaṃvattanikakammupanissayatā: Khi tái-sinh đầu thai làm người với đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ.

2- Sabyāpajjalokupapattiyā: Kiếp tái-sinh có phiền muộn, không mong mỏi trong thiện-pháp.

3- Kilesādūratā: Không tránh xa mọi phiền-não. 

4- Indriya aparipākatā: Có 5 pháp-chủ kém.

* Nhân không hợp với trí-tuệ (2)

Đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ có 7 nhân:

1- Aparipucchakatā: Không thích tìm hiểu học hỏi trong chánh-pháp.

2- Vatthu avisuddhakariyatā: Thân tâm không trong sạch lẫn các thứ vật dụng không sạch sẽ.

3- Indriya asamattapaṭipādanatā: Có 5 pháp-chủ (tín, tấn, niệm, định, tuệ) không đều đặn.

4- Duppaññapuggalasevanā: Thường hay gần gũi thân cận với hạng người thiểu-trí.

5- Paññāvantapuggalaparivajjanā: Không gần gũi thân cận với bậc thiện-trí.

6- Gambhīrañāṇacariya apaccavekkhaṇā: Không thích suy xét các chánh-pháp sâu sắc.

7- Atadadhimuttatā: Không hướng tâm tìm hiểu chánh-pháp.

 

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 9 - Dục-giới tịnh-hảo-tâm & Đại-thiện-tâm có tám tâm chia theo thọ
Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 11 - Đại-thiện-tâm có tám tâm chia theo tác-động

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *