Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 23 – Nghiệp Và Quả Của Nghiệp

Nghiệp Và Quả Của Nghiệp

Tất cả mọi chúng-sinh trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới, 4 loài: thai-sinh, noãn-sinh, thấp-sinh, hóa-sinh đều tùy thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng-sinh, hoàn toàn không tùy thuộc vào một ai cả, nên chắc chắn không có số-mệnh hoặc định-mệnh của mỗi chúng-sinh lớn nhỏ trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới này.

Giả sử mỗi chúng-sinh có số-mệnh hoặc định-mệnh thì ai có khả năng an bài số-mệnh hoặc định-mệnh của mỗi chúng-sinh lớn hoặc nhỏ trong 4 loài, trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới chúng-sinh???

Đức-Phật dạy về nghiệp rằng:

Cetanā’haṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi, cetayitvā kammaṃ karoti kāyena vācāya manasā.

– Này chư tỳ-khưu! Sau khi đã có tác-ý rồi, mới tạo nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

Vì vậy, Như-lai dạy rằng: Tác-ý gọi là nghiệp.

Tác-ý (cetanā) đó là tác-ý tâm-sở (cetanā-cetasika) là một trong 52 tâm-sở, đồng sinh với 89 hoặc 121 tâm.

Vậy, tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh với các tâm nào gọi là nghiệp và đồng sinh với các tâm nào không gọi là nghiệp?

* Tác-ý gọi là nghiệp

Nếu khi tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm) và đồng sinh với 21 hoặc 37 thiện-tâm thì tác-ý tâm-sở ấy gọi là nghiệp như sau:

– Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm) gọi là bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

– Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm gọi là dục-giới thiện-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

– Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 5 sắc-giới thiện-tâm gọi là sắc-giới thiện-nghiệp bằng ý.

– Tác-ý tâm-sở khi đồng sinh với 4 vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là vô-sắc-giới thiện-nghiệp bằng ý.

– Tác-ý tâm-sở khi đồng sinh với 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm gọi là siêu-tam-giới thiện-nghiệp bằng ý.

* Tác-ý không gọi là nghiệp

– Nếu khi tác-ý tâm-sở đồng sinh với 36 hoặc 52 quả-tâm và 20 duy-tác-tâm thì tác-ý tâm-sở ấy không gọi là nghiệp.

(36 hoặc 52 quả-tâm đó là 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm + 8 thiện-quả vô-nhân-tâm + 8 dục-giới quả-tâm + 5 sắc-giới quả-tâm + 4 vô-sắc-giới quả-tâm + 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm).

(20 duy-tác-tâm đó là 3 duy-tác vô-nhân-tâm + 8 dục-giới duy-tác-tâm + 5 sắc-giới duy-tác-tâm + 4 vô-sắc-giới duy-tác-tâm).

* Tính chất của nghiệp (Kamma)

Mỗi người đều có quyền hoàn toàn chủ động lựa chọn tạo ác-nghiệp hoặc không tạo ác-nghiệp và tạo thiện-nghiệp nào tùy theo khả năng của mình.

Nếu người nào đã tạo ác-nghiệp nào, hoặc thiện-nghiệp nào rồi thì ác-nghiệp ấy, hoặc thiện-nghiệp ấy chỉ thuộc về của riêng người ấy mà thôi, không có chung với một ai cả, không liên quan đến người nào khác.

Cũng như vậy, mỗi chúng-sinh nói chung, mỗi người nói riêng còn là hạng phàm-nhân và ba bậc Thánh-nhân là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai (trừ bậc Thánh A-ra-hán) đã tạo mọi đại-thiện-nghiệp nào, mọi ác-nghiệp nào dù nặng dù nhẹ từ kiếp này sang kiếp kia, từ vô thủy trải qua vô số kiếp quá-khứ, cho đến kiếp hiện-tại này, tất cả mọi đại-thiện-nghiệp, mọi ác-nghiệp ấy cũng đều được lưu trữ đầy đủ trọn vẹn ở trong tâm sinh rồi diệt liên tục từ kiếp này sang kiếp kia, trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài của mỗi chúng-sinh nói chung, của mỗi người nói riêng, không hề bị mất mát một mảy may nào cả, dù cho thân bị thay đổi mỗi kiếp tùy theo quả của nghiệp, còn tâm vẫn sinh rồi diệt liên tục có phận sự giữ gìn, tích lũy, lưu trữ tất cả mọi đại-thiện-nghiệp, mọi ác-nghiệp của mỗi chúng-sinh nói chung, của mỗi người nói riêng.

Suy xét về nghiệp và quả của nghiệp

Đức-Phật dạy các hàng Thanh-văn đệ-tử hằng ngày thường suy xét về nghiệp và quả của nghiệp của mình rằng:

“Kammassako’mhi, kammadāyādo kammayoṇi kammabandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kam-maṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi.”

– Này chư tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ! Các con hằng ngày nên thường suy xét rằng:

“Ta có nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta, ta tạo nghiệp nào ‘thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp ấy hoặc chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy.”

* Tính chất quả của nghiệp (Kammaphala)

Dĩ nhiên chính ta là người thừa hưởng quả tốt, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp của ta, và chịu quả xấu, quả khổ của ác-nghiệp của ta một cách hoàn toàn bị động, mà không có quyền lựa chọn quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp theo ý của ta, và cũng không có quyền khước từ quả khổ của ác-nghiệp của ta.

Trong cuộc sống hiện-tại, nếu đại-thiện-nghiệp nào của ta gặp thuận-duyên (sampatti), có cơ hội cho quả thì ta hưởng quả tốt, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy, cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy.

Nếu ác-nghiệp nào của ta gặp nghịch-duyên (vipatti), có cơ hội cho quả thì ta phải chịu quả xấu, quả khổ của ác-nghiệp ấy, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy.

Hơn nữa, quả tốt, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp của ta, hoặc quả xấu, quả khổ của ác-nghiệp của ta, không chỉ trực-tiếp riêng đối với ta mà quả tốt, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy hoặc quả xấu, quả khổ của ác-nghiệp ấy của ta còn gián-tiếp ảnh hưởng đến những người thân của ta và những người khác gần gũi, thân cận với ta nữa. 

Bậc thiện-trí có chánh-kiến sở nghiệp (kam-massakatā sammādiṭṭhi) thấy đúng, biết đúng nghiệp là của riêng mình, mỗi chúng-sinh nào trong vòng tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài, từ vô thủy trải qua vô số kiếp quá-khứ cho đến kiếp hiện-tại, đã tạo mọi đại-thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp dù nặng dù nhẹ vẫn được lưu trữ ở trong tâm của mỗi chúng-sinh ấy không hề bị mất mát một mảy may nào cả, dù cho thân của mỗi kiếp chúng-sinh ấy bị thay đổi do nghiệp và quả của nghiệp của họ, nhưng tâm vẫn sinh rồi diệt liên tục từ kiếp này sang kiếp kia, mỗi tâm có phận sự giữ gìn lưu trữ tất cả mọi đại-thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp của mỗi chúng-sinh ấy.

Nếu mỗi đại-thiện-nghiệp nào, hoặc mỗi ác-nghiệp nào có cơ hội thì nghiệp ấy cho quả trong kiếp hiện-tại, kiếp kế-tiếp và kiếp vị-lai kể từ kiếp thứ ba cho đến kiếp chót của bậc Thánh A-ra-hán, trước khi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Sau khi bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết-bàn, tất cả mọi đại-thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp mới thật sự đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma), bởi vì bậc Thánh A-ra-hán không còn tái-sinh kiếp sau nữa.

Như vậy, tất cả mọi chúng-sinh nói chung, mỗi người nói riêng, còn là phàm-nhân đều bị chi phối bởi nghiệp và quả của nghiệp của mình, nên vẫn còn tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.

* Đối với tất cả loài người trong Nam-thiện-bộ-châu (trái đất mà chúng ta đang sinh sống), nếu đại-thiện-nghiệp nào có cơ hội cho quả tốt, quả an-lạc thì chủ nhân của đại-thiện-nghiệp ấy hưởng mọi sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai, như là người thừa-kế quả của đại-thiện-nghiệp ấy (kammadāyāda).

* Nếu bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) nào có cơ hội cho quả xấu, quả khổ thì chủ nhân của ác-nghiệp ấy phải chịu quả xấu, quả khổ trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai, như là người thừa-kế quả của ác-nghiệp ấy (kammadāyāda).

 

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 22 - Bất-định tâm-sở
Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 24 - Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *