SỰ TÍCH PHẬT LỰC THỨ SÁU
ÐỨC PHẬT CẢM THẮNG BÀ LA MÔN SACCAKA
Ðức Phật cảm thắng Bà la môn Saccaka đầy kiêu căng và tự phụ, do nhờ đuốc tuệ.
(Phỏng theo bài kinh Cùlasaccakasutta, Majjhimanikàya Mùlapannàsa)
-ooOoo-
Saccaka là con trai của hai ông bà Bà la môn Nigantha, họ nổi tiếng thông thái, uyên bác có tài hùng biện, vì mỗi người học hiểu 500 luận thuyết, nên tài vấn đáp của hai ông bà ít ai sánh nổi. Saccaka là người con được thừa huởng di sản tinh thần sở học của cha và mẹ. Ngoài ra, Saccaka còn theo học tất cả các giáo lý của các phái ngoại đạo đương thời, để biết rõ sở trường, sở đoản, điểm ưu, điểm khuyết của các giáo phái ấy nữa. Bởi thế, càng lớn lên, tiếng tăm của Saccaka càng vượt trội hơn cả cha mẹ, trở thành nhà hùng biện vô địch. Khi gặp các nhà luận sư trưởng của các phái, mở cuộc tranh biện, thì bao giờ chàng cũng là kẻ thắng cuộc. Các cuộc đấu trí trổ tài hùng biện, chàng đều là kẻ chiếm thượng phong, chưa có một Sa môn, Bà la môn nào có đủ tài trí khả dĩ xứng đáng là đối thủ của chàng.
Và kể từ đó, Saccaka tự cho mình có tài trí hơn người, sanh tâm ngã mạn, một số đông quần chúng hết lời ca tụng về tài hiểu biết sâu rộng của chàng. Quá kiêu căng tự phụ về sở học của mình, sự hiểu biết nhiều quá sợ có ngày vỡ bụng nên Saccaka làm một dây nịt bằng sắt ràng rịt cái bụng lại.
Danh tiếng Saccaka lại càng vang dội, khi hoàng tộc Licchavi trị vì xứ Vesali, mời chàng dạy học cho các Hoàng tử cùng con cháu của các hoàng thân quốc thích.
SACCAKA GẶP ĐẠI ĐỨC ASSAJI
Thuở ấy, Ðức Phật cùng nhóm đông Tỳ khưu Tăng có phạm hạnh cao thượng, ngự đến tại một ngôi tịnh xá ở trong khu rừng lớn gần thành Vesali.
Một hôm đứng trước hội chúng của mình ở Vesali, Saccaka tuyên bố một cách ngạo nghễ rằng: “Ta thấy không có một Sa môn, một Bà la môn nào, dù là giáo chủ, trưởng giáo phái hoặc bậc Ðạo sư lỗi lạc tự xưng là bậc Arahán, một khi đối đáp với ta, không ai mà không hồi hộp, run sợ, không toát mồ hôi lạnh; thậm chí nếu ta cật vấn cây cột không có tâm thức, nó cũng rung chuyển lay động, huống nữa là con người có tâm thức!”.
Vào một buổi sáng, Ðại đức Assaji đắp y mang bát vào thành Vesali đi khất thực. Lúc ấy, Saccaka đang đi dạo với đám đồ chúng trong thành vừa nhìn thấy Ngài Assaji từ xa đi đến, chàng đến gặp và vấn an Ngài xong, chàng đứng một nơi hợp lẽ, lễ phép cung kính của một bậc trí thức, bèn thưa rằng:
– Thưa Ðại đức, Sa môn Gotama thường chỉ dạy cho các hàng đệ tử của Ngài như thế nào? Và lời giáo huấn của Sa môn Gotama cho các hàng đệ tử ấy ra sao?
Ðại đức Assaji đáp rằng:
– Này Aggivessana! Ðức Thế Tôn thường chỉ dạy các hàng đệ tử như vầy:
“Này chư Tỳ khưu, sắc uẩn là vô thường, thọ uẩn là vô thường, tưởng uẩn là vô thường, hành uẩn là vô thường, thức uẩn là vô thường; sắc uẩn là vô ngã, thọ uẩn là vô ngã, tưởng uẩn là vô ngã, hành uẩn là vô ngã, thức uẩn là vô ngã, tất cả các pháp đều vô ngã…”.
Này Aggivessana, Ðức Thế Tôn thường chỉ dạy cho các hàng đệ tử như vậy, lời giáo huấn của Ngài cho các hàng đệ tử cũng như vậy.
– Thưa Ðại đức, tôi được nghe lời giáo huấn của Sa môn Gotama như vậy đó, quả thật chính tai tôi đã nghe những điều chẳng lành. Nếu có cơ hội, tôi sẽ gặp Sa môn Gotama để luận chiến, đấu trí, thế nào tôi cũng đè bẹp những lời giáo huấn sai lầm và tệ hại ấy bằng lý lẽ của tôi.
SACCAKA LUẬN CHIẾN VỚI ĐỨC PHẬT
Hoàng tộc Licchavi gồm chừng 500 người đang hội họp tại đại hội trường. Lúc ấy, Saccaka đột ngột bước vào, chàng cổ động họ:
– Này chư vị, xin quý vị hãy cùng đi với tôi.
Nói như vậy hai ba lần, rồi chàng nói tiếp:
– Hôm nay sẽ có cuộc luận chiến, đấu trí xảy ra giữa tôi và Sa môn Gotama. Nếu quả thật lời giáo huấn của Sa môn Gotama như Ðại đức Assaji đã trình bày cho tôi nghe, tôi sẽ vặn hỏi, bắt bẻ lý lẽ của Sa môn Gotama bằng lý lẽ của tôi. Ví như, một thanh niên khỏe mạnh đầy sức lực, một tay nắm lấy cổ con cừu, tay kia nắm lông cừu dài rồi lột tuột ra không chừa môät mảy – thì tôi cũng như vậy, tôi sẽ vặn hỏi bắt bẻ lý lẽ lời giáo huấn của Sa môn Gotama, bị lột trần bằng lý lẽ vững chắc của tôi như thế ấy. Hoặc ví như người khoẻ mạnh làm việc lâu năm trong xưởng nấu rượu, tay cầm vợt vớt bọt rượu trong một chảo sâu, kéo từ bên này sang bên kia rồi ngược lại như thế nào, thì tôi cũng như vậy, tôi sẽ vặn hỏi, bắt bẻ lý lẽ lời giáo huấn của Sa môn Gotama từ đầu này sang đầu kia và ngược lại, bằng lý lẽ kiến thức rộng lớn của tôi cũng như thế ấy. Hoặc ví như một người nghiện rượu, tay cầm chung rượu, khi thì úp khi thì ngửa như thế nào, thì tôi cũng như vậy, tôi sẽ vặn hỏi, bắt bẻ lời giáo huấn của Sa môn Gotama khi thì úp, khi thì ngửa bằng lý lẽ biện luận sắc bén của tôi như thế ấy.
Xin mời qúy vị hãy đi cùng với tôi! Hôm nay tôi sẽ có cuộc luận chiến với Sa môn Gotama.
Trong nhóm hoàng tộc Licchavi, có số người nghĩ rằng:
“Sa môn Gotama làm sao mà thắng lý lẽ của Saccaka, sự thật, Saccaka chắc chắn thắng lý lẽ của Sa môn Gotama!”.
Nhưng trong nhóm đó có số người nghĩ trái ngược rằng:
“Saccaka làm sao mà thắng được lý lẽ của Sa môn Gotama, sự thật, Sa môn Gotama mới thắng lý lẽ của Saccaka!”.
Sau đó, Saccaka cùng nhóm 500 người thuộc hoàng tộc Licchavi cùng nhau đi đến tịnh xá có đỉnh cao ở trong khu rừng lớn gần thành Vesali. Ở đây có một số đông Tỳ khưu đang đi kinh hành ở bìa rừng thoáng mát. Lúc ấy, Saccaka lễ phép đến hỏi một vị Tỳ khưu rằng:
– Thưa Ngài, hiện giờ Sa môn Gotama đang ở đâu? Chúng tôi muốn gặp Ðức Ðạo Sư ấy.
Vị Tỳ khưu chỉ dẫn:
– Này Aggivessana, Ðức Thế Tôn đang nghĩ trưa dưới cội cây trong khu rừng lớn đằng kia.
Saccaka cùng với nhóm hoàng tộc đến lễ phép vấn an Ðức Phật, rồi chàng ngồi xuống một nơi hợp lẽ, số người còn lại, có người đảnh lễ Ðức Phật, có người còn ân cần hỏi thăm bằng những lời thân mật, có người chỉ chấp tay, có người tự xưng tên và dòng dõi của mình, có người chỉ im lặng, rồi tất cả mọi người đều ngồi nghiêm chỉnh một nơi hợp lẽ.
Saccaka cảm thấy hồi hộp, e ngại, cố lấy lại sự bình tĩnh bèn thưa với Ðức Phật rằng:
– Kính thưa Sa môn Gotama, xin Ngài vui lòng trả lời những câu hỏi của tôi.
Ðức Phật dạy rằng:
– Này Aggivessana, Như Lai rất sẵn lòng, ngươi cứ hỏi tùy ý.
Saccaka được cơ hội liền bạch:
[Sac: Saccaka – ÐP: Ðức Phật]
Sac: – Kính bạch Sa môn Gotama, Ngài thường chỉ dạy cho các hàng đệ tử của Ngài như thế nào? Và lời giáo huấn của Ngài cho các hàng đệ tử ra sao?
ÐP: – Này Aggivessana, Như Lai thường chỉ dạy cho các hàng đ? tử như vầy:
“Này chư Tỳ khưu, sắc uẩn là vô thường, thọ uẩn là vô thường, tưởng uẩn là vô thường, hành uẩn là vô thường, thức uẩn là vô thường; sắc uẩn là vô ngã, thọ uẩn là vô ngã, tưởng uẩn là vô ngã, hành uẩn là vô ngã, thức uẩn là vô ngã, tất cả các pháp đều vô ngã.
Này Aggivessana, Như Lai thường chỉ dạy cho các hàng đệ tử như vậy, lời giáo huấn của Như Lai cho các hàng đệ tử cũng như vậy.
Sac: – Kính bạch Sa môn Gotama, xin phép Ngài cho tôi đưa ra ví dụ:
Kính bạch Sa môn Gotama, các loại giống, loại cây nào có đủ nhựa sống, được tăng trưởng tươi tốt, tất cả loại cây ấy đều nương nhờ từ đất, mọc ở trong đất mà lớn lên phát triển tốt, tăng trưởng tốt rồi đơm hoa kết trái, hoặc như mọi công việc trồng trọt đồng áng, công việc xây dựng nhà…, những công việc ấy người ta phải nương nhờ ở đất, đặt trên đất mới thành tựu. Cũng như vậy, người ta chấp sắc uẩn là ta, rồi nương nhờ nơi sắc uẩn mới tạo nên thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp; người ta chấp thọ uẩn là ta, rồi nương nhờ thọ uẩn mới tạo nên thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp; người ta chấp hành uẩn là ta, rồi nương nhờ hành uẩn mới tạo nên thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp; người ta chấp thức uẩn là ta, rồi nương nhờ thức uẩn mới tạo nên thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp,
ÐP: – Này Aggivessana, ngươi nói rằng: Sắc uẩn là cái ngã của ta (rùpam me attà), thọ uẩn là cái ngã của ta, tưởng uẩn là cái ngã của ta, hành uẩn là cái ngã của ta, thức uẩn là cái ngã của ta có phải vậy không?
Sac: – Kính bạch Sa môn Gotama, không phải chỉ riêng tôi nói như vậy, mà nhiều người khác cũng nói như vậy.
ÐP: – Này Aggivessana, những người khác không liên quan đến tà kiến của ngươi, chính ngươi phải xác nhận sở kiến của mình.
Sac: – Kính bạch Sa môn Gotama, tôi xin xác nhận sở kiến của tôi: Sắc uẩn là cái ngã của tôi, thọ uẩn là cái ngã của tôi, tưởng uẩn là cái ngã của tôi, hành uẩn là cái ngã của tôi, thức uẩn là cái ngã của tôi.
ÐP: – Này Aggivessana, nếu như vậy Như Lai hỏi ngươi, ngươi hài lòng thế nào thì trả lời thế ấy.
Này Aggivessana, ví như Ðức vua Pasenadi trị vì xứ Kosala, Ðức vua Ajàtasattu trị vì xứ Màgadha đã làm lễ đăng quang lên ngôi trị vì vương quốc của mình, các Ðức vua ấy có quyền giết người đáng tội chết, tịch thu của cải của người đáng tội tịch thu, lưu đày những người đáng tội lưu đày có được chăng?
Sac: – Thưa được, kính bạch Sa môn Gotama! Những Ðức vua cai trị vùng Vajjì, vùng Malla cũng có thẩm quyền làm được việc ấy, huống gì là Ðức vua Pasenadi, Ðức vua Ajàtasattu các nước lớn ấy.
ÐP: – Này Aggivessana, ngươi nghĩ thế nào về điều này, ngươi nói sắc uẩn nào là: “Sắc uẩn là cái ngã của ta” (rùpam me attà)? vậy ngươi có thẩm quyền khiến sắc uẩn ấy rằng:
“Sắc uẩn của ta hãy như thế này!” (evam me rùpam hotu). (Nghĩa là sắc uẩn của ta hãy trẻ trung, mạnh khỏe, sống lâu).
“Sắc uẩn của ta đừng như thế kia!” (evam me rùpam mà ahosi). (Nghĩa là sắc uẩn của ta đừng có già, đừng có bịnh, đừng có chết).
Như vậy có được không?
Nghe Ðức Phật hỏi vậy, Saccaka ngồi sững như bị sét đánh, mặt tái ngắt, không nói được lời nào. Ðức Phật hỏi lại lần thứ nhì, chàng vẫn ngồi ngậm câm không trả lời được.
Ðức Phật bảo Saccaka rằng:
– Này Aggivessana, bây giờ là lúc mà ngươi phải trả lời, không phải lúc ngươi ngồi làm thinh.
Này Aggivessana, khi Như Lai hỏi người nào, về một vấn đề gì hợp với sự thật, đúng với chân lý đến ba lần, mà người ấy vẫn không chịu trả lời, thì cái đầu của người ấy sẽ vỡ thành bảy mảnh ngay tại nơi ấy.
Lúc ấy Ðức Sakka vua cõi Tam thập tam thiên liền hoá ra dạ xoa, tay cầm cái chùy kim cang phát ra luồng ánh sáng khiếp người, ngồi trên đỉnh đầu của Saccaka nói cho chàng nghe rằng: “Này Aggivessana, nếu Ðức Thế Tôn hỏi ngươi đến lần thứ ba mà ngươi vẫn ương ngạnh, ngoan cố không chịu trả lời thì ta sẽ dùng cái chùy kim cang này đánh vào cái đầu của ngươi vỡ ra thành bảy mảnh”.
Sự việc xảy ra như trên chỉ có Ðức Phật và Saccaka nhìn thấy. Saccaka kinh sợ, khiếp đảm vô cùng, rởn tóc gáy, toát mồ hôi. Bây giờ chàng chỉ còn biết nương nhờ vào oai lực của Ðức Phật mà thôi, bèn chấp tay run sợ bạch với Ðức Thế Tôn rằng:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, xin Ngài hỏi lại, con sẽ trả lời ngay.
ÐP: – Này Aggivessana, ngươi nghĩ thế nào về điều này? Ngươi nói sắc uẩn nào là “Sắc uẩn là cái ngã của ta”?
Vậy ngươi có thẩm quyền khiến sắc uẩn ấy rằng:
Sắc uẩn của ta hãy như thế này!
Sắc uẩn của ta đừng như thế kia!
Như vậy có được không?
Sac: – Kính bạch Ðức Gotama, điều ấy là không thể được.
ÐP: – Này Aggivessana, ngươi hãy suy xét kỹ càng, thấu đáo rồi mới trả lời, đừng để cho lời sau không hợp với lời trước, hoặc lời trước và lời sau của ngươi không tương hợp, không đồng nhất.
Sac: – Con hiểu rõ. Bạch Ðức Gotama.
ÐP: – Này Aggivessana, ngươi nghĩ thế nào về điều này?
Ngươi nói thọ uẩn nào là “thọ uẩn là cái ngã của ta”?
Vậy ngươi có thẩm quyền khiến thọ uẩn ấy rằng:
“Thọ uẩn của ta hãy như thế này!” (nghĩa là thọ uẩn của ta hãy thọ lạc).
“Thọ uẩn của ta đừng như thế kia!” (nghĩa là thọ uẩn của ta đừng thọ khổ).
Như vậy có được không?
Sac: – Kính bạch Ðức Gotama, điều ấy là không thể được.
ÐP: – Này Aggivessana, ngươi hãy suy xét kỹ càng, thấu đáo rồi mới trả lời….
Này Aggivessana, ngươi nghĩ thế nào về điều này?
Ngươi nói tưởng uẩn nào là “tưởng uẩn là cái ngã của ta”?
Vậy ngươi có thẩm quyền khiến tưởngï uẩn ấy rằng:
“Tưởng uẩn của ta hãy như thế này!” (nghĩa là tưởng uẩn của ta hãy tưởng đối tượng tốt, đối tượng thiện).
“Tưởng uẩn của ta đừng như thế kia!” (nghĩa là tưởng uẩn của ta đừng tưởng đối tượng xấu, đối tượng ác).
Như vậy có được không?
Sac: – Kính bạch Ðức Gotama, điều ấy là không thể được.
ÐP: – Này Aggivessana, ngươi hãy suy xét kỹ càng, thấu đáo rồi mới trả lời….
Này Aggivessana, ngươi nghĩ thế nào về điều này?
Ngươi nói hành uẩn nào là “hành uẩn là cái ngã của ta”?
Vậy ngươi có thẩm quyền khiến hành uẩn ấy rằng:
“Hành uẩn của ta hãy như thế này!” (nghĩa là hành uẩn của ta hãy hành thiện).
“Hành uẩn của ta đừng như thế kia!” (nghĩa là hành uẩn của ta đừng hành ác).
Như vậy có được không?
Sac: – Kính bạch Ðức Gotama, điều ấy là không thể được.
ÐP: – Này Aggivessana, ngươi hãy suy xét kỹ càng, thấu đáo rồi mới trả lời….
Này Aggivessana, ngươi nghĩ thế nào về điều này?
Ngươi nói thức uẩn nào là “thức uẩn là cái ngã của ta”?
Vậy ngươi có thẩm quyền khiến thức uẩn ấy rằng:
“Thức uẩn của ta hãy như thế này!” (nghĩa là thức uẩn của ta hãy biết đối tượng tốt, đối tượng thiện).
“Thức uẩn của ta đừng như thế kia!” (nghĩa là thức uẩn của ta đừng biết đối tượng xấu, đối tượng ác).
Như vậy có được không?
Sac: – Kính bạch Ðức Gotama, điều ấy là không thể được.
ÐP: – Này Aggivessana, ngươi hãy suy xét kỹ càng, thấu đáo rồi mới trả lời, đừng để cho lời sau không hợp với lời trước, hoặc lời trước và lời sau của ngươi không tương hợp, không đồng nhất.
Này Aggivessana, ngươi nghĩ thế nào về điều này:
Sắc uẩn thường hay vô thường?
Sac: – Kính bạch Ðức Gotama, sắc uẩn vô thường.
ÐP: – Này Aggivessana, sắc uẩn nào là vô thường, sắc uẩn ấy khổ hay lạc?
Sac: – Kính bạch Ðức Gotama, sắc uẩn ấy là khổ.
ÐP: – Này Aggivessana, sắc uẩn nào là vô thường, khổ, có sự biến đổi là thường, vậy có nên chấp thủ sắc uẩn ấy là của ta (do tham ái), sắc uẩn ấy là ta (do ngã mạn), sắc uẩn ấy là tự ngã của ta (do tà kiến) chăng?
Sac: – Kính bạch Ðức Gotama, không nên chấp như vậy.
ÐP: – Này Aggivessana, ngươi nghĩ thế nào về điều này thọ uẩn…, tưởng uẩn…, hành uẩn….
Thức uẩn là thường hay vô thường?
Sac: – Kính bạch Ðức Gotama, thức uẩn là vô thường.
ÐP: – Thức uẩn nào vô thường, thức uẩn ấy khổ hay lạc?
Sac: – Kính bạch Ðức Gotama, thức uẩn ấy là khổ.
ÐP: – Thức uẩn nào vô thường, khổ, có sự biến đổi là thường, vậy có nên chấp thủ thức uẩn ấy là của ta, thức uẩn ấy là ta, thức uẩn ấy là tự ngã của ta chăng?
Sac: – Kính bạch Ðức Gotama, chẳng nên chấp như vậy.
ÐP: – Này Aggivessana, ngươi nghĩ thế nào về điều này?
Người nào đang dính mắc trong sự khổ, đang ở trong sự khổ, đang chịu đựng khổ, mà còn chấp thủ khổ ấy rằng: “khổ này là của ta, khổ này là ta, khổ này là tự ngã của ta”. Như vậy, sự thật, người ấy có thể tự mình phân tách biết rõ sự khổ được chăng? mong cho hết khổ, giải thoát khổ được chăng?
Sac: – Kính bạch Ðức Gotama, làm sao có được, điều ấy chắc chắn không thể được!
ÐP: – Này Aggivessana, ngươi nghĩ thế nào về điều này?
Có phải chính ngươi đang dính mắc sự khổ, đang ở trong sự khổ, đang chịu đựng khổ, mà ngươi còn chấp thủ khổ ấy rằng: khổ này là của ta, khổ này là ta, khổ này là tự ngã của ta chăng?
Sac: – Kính bạch Ðức Gotama, đáng lẽ con không nên chấp như vậy, nhưng mà sự thực con đã chấp nó như vậy.
ÐP: – Này Aggivessana, như một người cần lõi cây, mong muốn lõi cây, tìm lõi cây, mang búa đi vào rừng, thấy một cây chuối rừng cao, to lớn, thẳng đứng, chưa trổ buồng, người ấy bèn chặt cây chuối ấy tận gốc, chặt ngọn rồi lột tất cả bẹ chuối, từ ngoài vào trong ra hết, không hề tìm thấy giác cây thì làm sao y tìm thấy lõi cây được.
Này Aggivessana, cũng như vậy, Như Lai đã xét hỏi về những sở học và những kiến thức của ngươi, chúng đều rỗng tuếch, trống không, vô bổ, không có lợi ích gì, thế mà ngươi dám tự cao ngã mạn tuyên bố với hội chúng ở Vesali rằng: “Ta không thấy có một Sa môn, một Bà la môn nào, dù là giáo chủ, trưởng giáo phái hoặc bậc đạo sư lỗi lạc tự xưng là bậc Arahán, một khi đối đáp với ta, không ai là không hồi hộp, run sợ, không toát mồ hôi lạnh. Thậm chí, nếu ta cật vấn cây cột không có tâm thức, nó cũng rung chuyển lay động, huống hồ nữa là con người có tâm thức!”.
Như vậy, này Aggivessana, mồ hôi của ngươi toát ra từ trán, chảy xuống mặt thấm qua áo rồi rơi xuống mặt đất.
Này Aggivessana, trong thân của Như Lai, Như Lai không thấy một giọt mồ hôi nào toát ra cả.
Ðức Phật bèn vạch chiếc y của mình để lộ ra màu da vàng óng ánh, cho Saccaka và hội chúng hoàng tộc Licchavi nhìn thấy rõ.
Lúc ấy, Saccaka ngồi co rúm lại, gục đầu, da mặt tái đi, thân toát mồ hôi lạnh, chàng ngồi im lặng, không nói ra được một lời nào nữa.
Trong hội chúng hoàng tộc Licchavi, có ông hoàng Dummukha nhận thấy Saccaka hoàn toàn mất hết nhuệ khí ban đầu, đang ngồi chết lặng vì xấu hổ bèn hướng về Ðức Phật mà bạch rằng:
– Kinh bạch Ðức Thế Tôn, kính xin Ðức Thế Tôn cho phép con đưa ra một ví dụ.
Ðức Thế Tôn làm thinh cho phép.
Ông hoàng Dummukha bạch Ðức Thế Tôn:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, ví như ở gần xóm làng có một cái ao, một nhóm trẻ tinh ngịch kéo nhau đến ao ấy, chúng xuống ao bắt một con cua đem lên bờ để chơi, hễ con cua đưa cái càng nào ra, thì chúng lấy cây hay đá đập gãy càng ấy, cứ như vậy cho đến lúc nó không còn một cái càng nào, bèn phải nằm yên không cựa quậy, không nhúc nhích được, chẳng còn bò đi xuống ao được nữa.
Kính bạch Ðức Thế Tôn, cũng như vậy, những tà kiến hiểu lầm, tánh ngã mạn, tự cao tự đại, những luận thuyết của Saccaka như những càng cua đã bị trí tuệ của Ðức Thế Tôn bẻ gãy. Từ nay về sau, Saccaka sẽ không còn có những ý nghĩ ngông cuồng đối với Ðức Thế Tôn như vậy nữa.
Khi nghe vậy, Saccaka nổi giận nói rằng:
– Này Dummukha, xin ông đừng nói nữa!
Chàng hổ thẹn yêu cầu ông hai lần như vậy, rồi chấp tay hướng về Ðức Phật:
– Kính bạch Ðức Gotama, con thành tâm sám hối những tội lỗi của con, kính xin Ngài từ bi tha thứ những tội lỗi ấy do si mê lầm lạc, mà con đã lỡ phạm, con xin phép học hỏi Ngài những điều mà con thắc mắc.
Ðức Thế Tôn cho phép, Saccaka bèn bạch hỏi:
Sac: – Kính bạch Ðức Gotama, bậc Thánh Thinh văn đệ tử của Ngài thực hành như thế nào gọi là hành giả hành đúng theo chánh pháp, hành đúng theo lời giáo huấn của Ngài, để đoạn tuyệt được mọi hoài nghi, đạt đến trí tuệ Siêu tam giới, không còn tin vào người khác, sống được an lạc trong giáo pháp của Ngài.
Ðức Phật dạy rằng:
ÐP: – Này Aggivessana, trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh văn đệ tử của Như Lai, là hành giả có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ sắc uẩn đúng theo thật tánh của các pháp rằng:
“Sắc uẩn nào ở quá khứ, vị lai, hiện tại, sắc uẩn bên trong, sắc uẩn bên ngoài, sắc uẩn thô, sắc uẩn vi tế, sắc uẩn thấp hèn, sắc uẩn cao quý, sắc uẩn ở gần, sắc uẩn ở xa; tất cả sắc uẩn ấy không phải là của ta (netam mama), không phải là ta (neso hamasmi), không phải là tự ngã của ta (na meso attà). Và cũng như vậy, có trí tuệ thiền tuệ, thấy rõ, biết rõ, thọ uẩn…, tưởng uẩn…, hành uẩn…, thức uẩn đúng theo thực tánh của các pháp rằng: “thức uẩn nào ở quá khứ, vị lai, hiện tại, thức uẩn bên trong, thức uẩn bên ngoài, thức uẩn thô, thức uẩn vi tế, thức uẩn thấp hèn, thức uẩn cao quý, thức uẩn ở gần, thức uẩn ở xa; tất cả thức uẩn ấy không phải là của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta.
Này Aggivessana, với trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ uẩn đúng theo thật tánh cuả các pháp như vậy, gọi là hành giả hành đúng theo chánh pháp, hành đúng theo lời giáo huấn của Như Lai, đạt đến trí tuệ Siêu tam giới, không còn tin vào người khác, sống an lạc trong giáo pháp của Như Lai.
Sac: – Kính bạch Ðức Gotama, thế nào gọi là Tỳ khưu bậc Thánh Arahán đã tận diệt được tất cả mọi phiền não trầm luân, đã hoàn thành phạm hạnh, đã hoàn thành mọi phận sự Tứ Thánh đế, đã bỏ được gánh nặng ngũ uẩn, đã chứng đắc Arahán Thánh Ðạo, Arahán Thánh Quả, đã diệt đoạn tuyệt pháp ràng buộc tái sanh kiếp sau, đã trở thành bậc Thánh Arahán, đã giải thoát khổ?
ÐP: – Này Aggivessana, Tỳ khưu là hành giả có trí tuệ thiền tuệ, thấy rõ, biết rõ sắc uẩn nào ở quá khứ, vị lai, hiện tại, sắc uẩn bên trong, sắc uẩn bên ngoài, sắc uẩn thô, sắc uẩn vi tế, sắc uẩn thấp hèn, sắc uẩn cao quý, sắc uẩn ở gần, sắc uẩn ở xa; tất cả sắc uẩn ấy “không phải là của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta”.
Cũng như vậy, có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thọ uẩn… tưởng uẩn… hành uẩn…, thức uẩn…” không phải là của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta”.
Này Aggivessana, với trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ uẩn đúng theo thực tánh của các pháp như vậy, gọi là Tỳ khưu là bậc Thánh Arahán đã tận diệt được tất cả mọi phiền não trầm luân, đã hoàn thành phạm hạnh, đã hoàn thành mọi phận sự Tứ Thánh đế, đã bỏ được gánh nặng ngũ uẩn, đã chứng đắc Arahán Thánh Ðạo, Arahán Thánh Quả, đã diệt đoạn tuyệt pháp ràng buộc tái sanh kiếp sau, đã trở thành bậc Thánh Arahán, đã giải thoát khổ.
Này Aggivessana, Tỳ khưu có tâm hoàn toàn giải thoát khổ như vậy, có ba đặc tính ưu việt là:
– Trí tuệ chứng ngộ ưu việt.
– Pháp hành ưu việt.
– Tâm giải thoát khổ ưu việt.
Này Aggivessana, Tỳ khưu có tâm hoàn toàn giải thoát khổ như vậy, nên thường tôn kính lễ bái, cúng dường Như Lai rằng:
– Ðức Thế Tôn là Bậc Chánh Ðẳng Giác, tự mình đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế.
– Ðức Thế Tôn là bậc tự mình đã thực hành xong, rồi thuyết pháp chỉ dạy cho chúng sinh thực hành theo.
– Ðức Thế Tôn là bậc tự mình đã diệt đoạn tuyệt phiền não xong, rồi thuyết pháp chỉ dạy cho chúng sinh cùng diệt đoạn tuyệt phiền não.
– Ðức Thế Tôn là bậc tự mình đã vượt qua khỏi vùng nước xoáy tử sanh luân hồi, rồi thuyết pháp dạy chúng sinh cùng vượt qua khỏi vùng nước xoáy tử sanh luân hồi như Ngài.
– Ðức Thế Tôn là bậc tự mình đã dập tắt mọi phiền não không còn dư sót xong, rồi thuyết pháp chỉ dạy cho chúng sinh cùng dập tắt mọi phiền não.
SACCAKA TỰ THÚ
Lắng nghe Ðức Thế Tôn thuyết giảng xong, Saccaka bạch Ðức Thế Tôn:
– Kính bạch Ðức Gotama, chính con là người si mê, không biết đến tài đức cao thượng của người khác, là người có tánh tự cao tự đại, ngã mạn, khinh thường người khác, cho nên con trở nên người tự phụ, nghĩ sai lầm rằng lý lẽ của mình chắc chắn sẽ thắng được lý lẽ của Ðức Gotama.
Sự thật, người nào đối chọi với voi lên cơn say, người ấy còn hy vọng thoát thân được; còn người nào đấu trí, luận chiến với Ðức Gotama thì chắc chắn chỉ chuốc lấy sự thất bại mà thôi. Tương tự như vậy, một người đang ở trong vòng lửa cháy ngùn ngụt bốn bề, hẳn còn chút may mắn thoát ra khỏi; hoặc một người bị rắn độc cắn, hẳn còn hy vọng chữa trị được, còn người nào luận chiến, đấu trí với Ðức Gotama thì chắc chắn chỉ chuốc lấy sự thất bại thảm hại mà thôi.
Kính bạch Ðức Gotama, chính con là người si mê, không biết Ðức Gotama là bậc Toàn tri diệu giác, con quen tánh tự cao ngã mạn, nên tự phụ nghĩ sai lầm rằng: con mở cuộc luận chiến, đấu trí với Ðức Gotama, con sẽ thắng; nhưng sự thật thì ngược lại, con hoàn toàn thảm bại.
Kính bạch Ðức Gotama, ngày mai, con kính thỉnh Ngài cùng chư Tỳ khưu Tăng ngự đến tư xá, để cho con cùng hội chúng hoàng tộc Licchavi được có cơ hội làm phước dâng vật thực cúng dường Ngài cùng chư Tỳ khưu Tăng.
Ðức Phật làm thinh nhận lời.
Saccka thành kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn với tâm vô cùng hoan hỷ và tri ân. Sau đó, Saccaka, một lần nữa, cùng hội chúng hoàng tộc Licchavi đảnh lễ Ðức Thế Tôn trở về với tâm vô cùng hoan hỷ.
Sau khi Ðức Phật đã nhận lời thỉnh mời, Saccaka mới thông báo cho hoàng tộc Licchavi rằng:
– Này chư quý vị, ngày mai Ðức Gotama cùng chư Tỳ khưu Tăng nhận thọ thực tại tịnh xá của tôi, xin qúy vị hãy mang những vật thực ngon lành đến cùng tôi để cúng dường Ðức Gotama cùng chư Tỳ khưu Tăng.
Ðêm đã qua, sáng sớm hôm ấy, tất cả hội chúng hoàng tộc Licchavi mỗi người mỗi phần, gồm cả thảy 500 phần vật thực ngon lành, đem đến tịnh xá của Saccaka, hùn chung để cúng dường Ðức Phật cùng chư Tỳ khưu Tăng.
Vào buổi sáng, Ðức Thế Tôn mặc y mang bát cùng số đông chư Tỳ khưu Tăng ngự đến tịnh xá Saccaka để thọ thực. Saccaka cùng nhóm hội chúng hoàng tộc Licchavi hân hạnh được đón rước Ðức Phật cùng chư Tỳ khưu Tăng, chàng thỉnh Ðức Phật ngự chỗ cao quý nhất, tiếp theo là chư Tỳ khưu Tăng. Lúc ấy, Saccaka tự mình dâng những vật thực ngon lành đến Ðức Phật cùng chư Tỳ khưu Tăng.
Khi Ðức Phật cùng chư Tỳ khưu thọ thực xong, Saccaka ngồi một nơi hợp lẽ ở chỗ thấp hơn bèn bạch với Ðức Thế Tôn:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, cầu mong phước thí và quả báu của phước thí này sẽ được thành tựu hạnh phúc, an lạc đến cho tất cả mọi người trong hoàng tộc Licchavi.
Ðức Phật dạy rằng:
– Này Aggivessana, phước thí này những thí chủ do nương nhờ ở con là người chưa diệt được phiền não tham, sân, si thì sẽ được thành tựu an lạc đến cho tất cả thí chủ trong hoàng tộc Licchavi.
Này Aggivessana, phước thí này con nương nhờ ở Như Lai là Bậc đã diệt đoạn tuyệt phiền não tham, sân, si thì sẽ được thành tựu sự an lạc đến cho con.
Saccaka cùng toàn thể thí chủ trong hoàng tộc Licchavi vô cùng hoan hỷ theo lời giáo huấn của Ðức Thế Tôn.
-ooOoo-