Tất cả mọi chúng-sinh trong 3 giới 4 loài, trong vòng tử sinh luân hồi từ vô thủy cho đến kiếp-hiện-tại này, trải qua vô sô kiếp không sao kể xiết được. Mỗi chúng-sinh nói chung, mỗi người nói riêng đã từng tạo và tích lũy, lưu trữ vô số ác-nghiệp và vô số đại-thiện-nghiệp mà chính ta là chủ-nhân của vô số nghiệp ấy.

Kiếp-hiện-tại này, mỗi chủ-nhân được sinh ra làm người, chắc chắn là quả của đại-thiện-nghiệp của mình mà mỗi người đã từng tạo trong những kiếp-quá-khứ. Sở dĩ mỗi người đều là khác nhau, dù là 2 anh em sinh đôi, có thể thân hình giống nhau, nhưng chắc chắn tâm tính hoàn toàn khác nhau là vì mỗi người có mỗi nghiệp riêng của mình khác nhau.

* Mỗi chủ-nhân của nghiệp trong cõi Nam-thiện-bộ-châu (trái đất mà mọi người đang sống) này, khi thì đạithiện-nghiệp của mình có cơ hội cho quả tốt, nên chủ-nhân hưởng được moi sự an-lạc trong cuộc sống; khi thì ác-nghiệp của mình có cơ-hội cho quả xấu, nên chủ-nhân phải chịu nỗi khổ trong cuộc sống.

Như vậy, mỗi chủ-nhân của nghiệp khi thì hưởng mọi sự an-lạc, hạnh-phúc trong cuộc sống, sự thật đó là quả của đại-thiện-nghiệp mà chính mình đã tạo trong thời quá-khứ, và khi thì gặp mọi cảnh khổ trong cuộc sống, sự thật đó là quả của ác-nghiệp mà chính mình đã tạo trong thời quá-khứ.

*Nghiệp (kamma) đó là tác-ý tâm-sở (cetanācetasika):

– Nếu tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) gọi là 12 bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) (akusalakamma)

– Nếu tác-ý tâm-sở đồng sinh với 21 thiện-tâm([1]) gọi là 21 thiện-nghiệp (kusalakamma).

Như vậy, 12 ác-nghiệp và 21 thiện-nghiệp thuộc về danh-pháp (nāmadhamma) không phải là sắc-pháp (rūpadhamma).

Nếu khi chủ-nhân đã tạo ác-nghiệp nào hoặc thiện-nghiệp nào xong thì ác-nghiệp ấy hoặc thiện-nghiệp ấy được lưu trữ trong tâm của chủ-nhân từ vô thuỷ cho đến kiếp-hiện-tại, từ kiếp này sang kiếp khác, được giữ gìn nguyên vẹn không bao giờ bị mai một theo thời gian và theo cõi-giới.

– Nếu khi ác-nghiệp nào có cơ hội cho quả thì chủ-nhân của nghiệp phải chịu quả xấu, quả khổ của ác-nghiệp ấy bằng mọi hình thức được biểu hiện tùy theo năng-lực quả của ác-nghiệp ấy.

– Nếu khi đại-thiện-nghiệp nào có cơ hội cho quả thì chủ-nhân của nghiệp được hưởng quả tốt, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy với mọi hình thức được biểu hiện tùy theo năng-lực quả của đại-thiện-nghiệp ấy.

* Nghiệp và quả của nghiệp thật là công-bình, không hề thiên vị một ai cả, dù là chư bậc Thánh-A-ra-hán, thậm chí Đức-Phật cũng không ngoại trừ.

– Đại-thiện-nghiệp cho quả tốt, quả an-lạc.

– Ác-nghiệp cho quả xấu, quả khổ.

Ví dụ 1: Tích Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna

* Quả Đại-Thiện-Nghiệp Của Ngài Đại-Trưởng-Lão

Tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lãoMahāmoggallāna, là trưởng giả Sirivaḍḍhana được Đức-Phật Anomadassī đã thọ ký rằng:

– Này Sirivaḍḍhana! Ý nguyện của con sẽ được thành-tựu trong thời vị lai, còn 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa. Thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, con sẽ là vị đệ nhị Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên trái có phép thần-thông xuất sắc bậc nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

Từ đó, tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão đã tạo và bồi bổ 10 pháp-hạnh ba-la-mật suốt 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, cho được đầy đủ.

Đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, Khi ấy, tu-sĩ Kolita đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Gotama, xin xuất gia trở thành tỳ-khưu có pháp-danh là Mahāmoggallāna.

Tỳ-khưu Mahāmoggallāna thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng-ngộ chân-lý tứ-Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-A-ra-hán cùng với lục-thông, tứ tuệ-phân-tích,..

Một hôm, chư tỳ-khưu-Tăng hội, Đức-Thế-Tôn tuyên dương Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Mahāmoggallāna là bậc Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên trái có phép thần-thông xuất sắc bậc nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Như-lai.

Đó là quả của đại-thiện-nghiệp 10 pháp-hạnh ba-la-mật mà tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahā-moggallāna đã tạo từ thời-kỳ Đức-Phật Anomadassī đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama, suốt 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất.

* Quả Ác-Nghiệp Của Ngài Đại-Trưởng-Lão

Trong tiền-kiếp xa xưa của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna, là người con trai thật sự chí hiếu đối với mẹ cha già đui mù. Mẹ cha khyên bảo người con trai nên có vợ để giúp đỡ đần công việc trong nhà, còn người con trai lo công việc đồng áng bên ngoài. Nhưng người con trai đã nhiều lần khước từ không chịu lấy vợ, chỉ muốn tự tay mình lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha già đui mù mà thôi.

Về sau, mẹ cha khẩn khoản nài nỉ, nên người con vâng lời mẹ cha chấp thuận lấy vợ. Người vợ về nhà phục vụ mẹ cha chồng được vài ngày, người vợ không chịu ở chung với mẹ cha chồng. Người con trai yêu thương vợ, nên lừa chở mẹ cha trên chiếc xe bò đi thăm người bà con, khi đến khu rừng, dừng xe lại, người con bước xuống, để mẹ cha ngồi trên xe chờ đợi.

Một lát sau, người con trai giả làm bọn cướp đến đánh đập mẹ cha già đui mù chết, rồi đem xác ném vào trong rừng, đánh xe trở về nhà sống với người vợ yêu.

Người con trai sau khi chết, ác-nghiệp vô-gián trọng- tội ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài trải qua nhiều đại-kiếp trái đất, mới thoát ra khỏi cõi đại-địa-ngục Avīci. Do năng lực của ác-nghiệp còn dư sót, nên tái-sinh kiếp sau trong các cõi tiểu-địa-ngục này đến cõi tiểu-địa-ngục khác, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục.

Do nhờ đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm người, do năng lực của ác-nghiệp còn dư sót, phần nhiều kiếp người nào cũng thường bị người khác đánh đập đến chết, rồi bỏ xác trong bụi cây như vậy.

*Kiếp chót là ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna, bậc Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên trái có phép thần-thông xuất sắc bậc nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama. Ngài Đại-Trưởng-lão biết ác-nghiệp cũ còn có cơ-hội cho quả, nên không thể tránh khỏi, đành bị nhóm ngoại đạo thuê mướn bọn cướp đến đánh đập Ngài đến tan xương nát thịt, chúng tưởng Ngài đã chết, đem bỏ xác Ngài Đại-Trưởng-lão trong bụi cây, rồi bỏ đi, Ngài Đại-Trưởng-lão sử dụng phép thần-thông gắn trở lại, rồi bay về đảnh lễ Đức-Phật, xin phép tịch diệt Niết-bàn.([2])

Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna bị bọn cướp đánh đập đến chết, đó là quả của ác-nghiệp vô-gián trọng-tội mà tiền kiếp xa xưa của Ngài Đại-Trưởng-lão đã từng đánh đập mẹ cha già đui mù của mình đến chết rồi bỏ xác trong rừng.

Ví dụ 2: Đức-Phật Gotama.

* Quả đại-thiện-nghiệp của Đức-Phật Gotama

Tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama của chúng ta là Đức-Bồ-tát Chánh-đẳng-giác có trí-tuệ siêu-việt. Đức-Bồ-tát Chánh-đẳng-giác tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã từng tạo các pháp-hạnh ba-la-mật trải qua 3 thời-kỳ:

* Thời-kỳ đầu: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác phát nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị lai, rồi thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật suốt 7 a-tăng-kỳ.

* Thời-kỳ giữa: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác phát nguyện bằng lời nói cho chúng sinh nghe hiểu biết Đức-Bồ-tát có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị lai, rồi thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật suốt 9 a-tăng-kỳ.

Trải qua 2 thời-kỳ gồm có 16 a-tăng-kỳ, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác vẫn còn là Aniyatabodhisatta: Đức-Bồ-tát bất-định nghĩa là Đức-Bồ-tát có thể thay đổi ý nguyện của mình, không muốn trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác, mà chỉ muốn trở thành Đức-Phật Độc-Giác, hoặc bậc Thánh thanh-văn-giác mà thôi.

Nếu Đức-Bồ-tát Chánh-đẳng-giác vẫn giữ nguyên ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác, rồi tiếp tục thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật, cho đến khi kiếp Đức-Bồ-tát Sumedha là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, được Đức-Phật Dīpaṅkara thọ ký xác định thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, hậu kiếp của Đức-Bồ-tát Sumedha sẽ trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.

Ngay khi ấy, Đức-Bồ-tát Sumedha là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama trở thành Niyatabodhisatta: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cố-định.

Từ đó về sau, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tiếp tục tinh-tấn thực-hành 30 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng, suốt thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, cho được đầy đủ trọn vẹn. Đức-Bồ-tát sau khi chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trên cõi trời Đâu-xuất-đà-thiên.

Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là vị thiên-nam Setaketu đang ngự trên cõi trời Đâu-xuất-đà-thiên. Đến thời-kỳ hợp thời đúng lúc, toàn thể chư-thiên, phạm-thiên đến thỉnh vị thiên-nam Setaketu là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tái-sinh đầu thai vào lòng bà Mahāmayādevī là Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Suddhodana, thuộc về dòng dõi Sakya, tại kinh thành Kapilavatthu, vào canh chót ngày thứ 5, nhằm ngày rằm tháng 6 (âm-lịch).

Tròn đúng 10 tháng, Đức-Bồ-tát sinh hạ tại khu vườn

Lumbīnī vào ban ngày thứ 6, nhằm ngày rằm tháng 4 (âm-lịch). Lễ đặt tên Thái-tử là Siddhattha.

* Năm 16 tuổi, Thái-tử là Siddhattha được Đức-Phụ-hoàng Suddhodana truyền ngôi vua, đồng thời thành hôn và công-chúa Yasodharā. Đức-vua Siddhattha lên ngôi làm vua được 13 năm.

* Năm 29 tuổi, vào đêm rằm tháng 6, nghe tâu Hoàng-hậu Yasodharā sinh hạ hoàng-tử (sau đặt tên là Rāhula).

Nửa đêm hôm ấy, Đức-vua Bồ-tát Siddhattha cởi con

ngựa Kaṇḍka cùng với quan giữ ngựa Channa trốn ra khỏi kinh-thành Kapilavatthu, đi xuất gia, suốt 6 năm thực-hành pháp-khổ-hạnh (dukkaracariyā) pháp-khó-hành, nên thân hình chỉ còn da và xương, mà không trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác.

Đức-Bồ-tát Siddhattha từ bỏ pháp-khổ-hạnh, trở lại đi khất thực, độ vật thực cho thân thể khoẻ mạnh như trước.

* Năm 35 tuổi, vào buổi chiều ngày rằm tháng 4 (âm-lịch), Đức-Bồ-tát Siddhattha ngự đến ngồi trên bồ-đoàn dưới cội cây Assattha.([3]) Sau khi toàn thắng Ác-Ma-Thiên từ trên cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên.

* Canh đầu đêm: Đức-Bồ-tát Siddhattha chứng đắc tiền-kiếp-minh (pubbenivāsānussatiñāṇa) là trí-tuệ nhớ rõ, biết rõ tiền-kiếp của Ngài không có giới hạn.

* Canh giữa đêm: Đức-Bồ-tát Siddhattha chứng đắc thiên-nhãn-minh (dibbackkhuñāṇa) là trí-tuệ thấy rõ biết rõ thấy rõ kiếp quá-khứ, kiếp-hiện-tại, kiếp vị-lai của tất cả chúng sinh trong tam-giới.

* Canh chót đêm: Đức-Bồ-tát Siddhattha chứng đắc trầm-luân-tận-minh (āsavakkhayañāṇa) là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, không thầy chỉ dạy, diệt-đoạn-tuyệt được 4 loại phiền-não trầm-luân nghĩa là diệt-đoạn-tuyệt được mọi phiền-não, mọi tham-ái không còn dư sót, đặc biệt diệt được tất cả mọi tiền-khiên tật-xấu (vāsanā) đã tích-luỹ nhiều kiếp trong quá-khứ, trở thành bậc Thánh-A-ra-hán cao-thượng đầu tiên trên toàn cõi-giới chúng sinh. Cho nên, gọi là Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác, độc nhất vô nhị, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama tại cội cây Assattha gọi là Cây Đại-Bồ-Đề (Mahābodhirukkha) của Đức-Phật Gotama.

Đó là quả của đại-thiện-nghiệp 30 pháp-hạnh ba-la-mật đầy đủ trọn vẹn mà vô số kiếp Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tích-luỹ suốt 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất.

* Quả ác-nghiệp của Đức-Phật Gotama

Trong tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama từ vô thuỷ cho đến kiếp-hiện-tại trước khi trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác đã từng tạo vô số ác-nghiệp.

Kiếp-hiện-tại của Đức-Phật Gotama có 12 loại ác-nghiệp cũ có cơ-hội cho quả của ác-nghiệp ấy.

Đức-Phật thuyết giảng thuật lại cho các hàng thanh-văn đệ-tử biết những ác-nghiệp mà tiền-kiếp của Đức-Phật đã tạo trong những kiếp quá-khứ. Nay kiếp chót hiện-tại này, năng lực của những ác-nghiệp ấy còn dư sót có cơ-hội cho quả, nên Đức-Phật phải chịu quả xấu của ác-nghiệp ấy, bởi vì ác-nghiệp và quả của ác-nghiệp ấy là của riêng Đức-Phật.([4])

Trong bộ Apadāna, phần Buddhāpadāna, Đức-Phật thuyết giảng thuật lại những ác-nghiệp ấy.

Nghiệp và quả của nghiệp thật là công bình thật sự, không hề thiên vị một ai cả như vậy.

*Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna là bậc Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử có 6 phép thần-thông xuất sắc bậc nhất trong các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

Đó là quả của đại-thiện-nghiệp 10 pháp-hạnh ba-la-mật mà tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão đã thực-hành suốt 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất.

Và Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna bị nhóm ngoại đạo thuê mướn bọn cướp đánh đập Ngài Đại-Trưởng-lão tan xương nát thịt, chúng nó tưởng Ngài Đại-Trưởng-lão đã chết, nên đem bỏ xác trong bụi cây.

Đó là quả của ác-nghiệp vô-gián trọng-tội cũ mà tiền-kiếp xa xưa của Ngài Đại-Trưởng-lão đã đánh đập mẹ cha già đui mù đến chết, rồi ném trong rừng.

* Đức-Phật Gotama là quả của đại-thiện-nghiệp 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã thực-hành suốt 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất.

Và Đức-Phật Gotama bị quả của 12 ác-nghiệp mà tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã từng tạo trong những kiếp quá-khứ.

Trong cuộc sống hiện-tại, khi người nào hưởng được mọi sự an-lạc mà do người khác đem đến, chắc chắn đó là quả của đại-thiện-nghiệp mà người ấy đã tạo trong kiếp-hiện-tại hoặc những kiếp quá-khứ.

Và khi người nào bị những quả khổ mà do người khác gây ra, chắc chắn đó là quả của ác-nghiệp mà người ấy đã tạo trong kiếp-hiện-tại hoặc những kiếp quá-khứ.

[1] 21 thiện-tâm đó là 8 đại-thiện-tâm + 5 sắc-giới thiện-tâm + 4 vô-sắc-giới thiện-tâm + 4 siêu-tam-giới thiện-tâm ( 4 Thánh-đạo-tâm).

[2] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, Daṇḍavagga, Mahāmoggallānattheravatthu

[3] Cây Assattha tại khu rừng Uruvelā này chính là cây Đại-Bồ-Đề đồng sinh cùng một lúc với Đức-Bồ-tát Siddhattha tại khu vườn Lumbīnī, tròn đúng 35 trước.

[4] Tìm hiểu trong bộ “ Nền-Tảng Phật-Giáo” quyển I Tam-Bảo, phần ác-nghiệp cũ của Đức-Phật Gotama (trang 197 ???)

Nghiệp và quả của nghiệp trong trường-hợp
Chánh-Kiến Về Nghiệp Của Ta (Kammassakatā Sammādiṭṭhi)

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *