Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 14 – Đối-Tượng Tứ-Oai-Nghi

Iriyāpathapabba: Đối-Tượng Tứ-Oai-Nghi

Nếu hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ mà không có khả năng biết được đối-tượng nào phù hợp với bản-tính và trí-tuệ của mình, thì hành-giả nên thử lựa chọn iriyāpathapabba: Đối-tượng tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm trong thân-niệm-xứ thuộc về sắc-pháp phát sinh từ tâm làm đối-tượng, để thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, bởi vì iriyāpathapabba là 1 trong 21 đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-Đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi tham-ái, mọi phiền-não, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Xét thấy iriyāpathapabba: Đối-tượng tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm trong thân-niệm-xứ thuộc về sắc-pháp phát sinh từ tâm là một đối-tượng tương đối thô, rõ ràng hiện rõ nhiều trong thời hiện-tại, so với các đối-tượng tứ-niệm-xứ khác, bởi vì khi đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm, nếu có oai-nghi phụ nào phát sinh như cử động tay, chân, quay bên phải, quay bên trái, v.v… thì khi ấy, oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm không còn hiện hữu rõ ràng nữa.

Iriyāpathapabba: Đối-tượng tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm này trong thân-niệm-xứ phù hợp với hành-giả có bản-tính tham-ái, trí-tuệ kém.

Nếu hành-giả có bản-tính tham-ái, trí-tuệ kém có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ thì nên lựa chọn đối-tượng tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm, trong phần thân-niệm-xứ, gọi là thân đi, thân đứng, thân ngồi, thân nằm hoặc sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm dùng làm đối-tượng thiền-tuệ, lúc ban đầu thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ.

Trước tiên, hành-giả cần phải học hỏi, tìm hiểu biết rõ về phần pháp-học của đối-tượng tứ-oai-nghi, và phần pháp-hành của đối-tượng tứ-oai-nghi, phương pháp thực-hành của mỗi oai-nghi.

Hành-giả thử nghiệm thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng tứ-oai-nghi ấy, nếu xét thấy phù hợp với bản-tính và trí-tuệ của mình thì tiếp tục thực-hành đối-tượng ấy để dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Nếu hành-giả xét thấy đối-tượng tứ-oai-nghi này không phù hợp với bản-tính và trí-tuệ của mình thì thay đổi đối-tượng khác. Đó là việc bình thường trong pháp-hành thiền-tuệ.

Thật ra, đối-tượng tứ-oai-nghi là những oai-nghi bình thường trong đời sống hằng ngày của mỗi người, nên khi hành-giả sử dụng tứ-oai-nghi làm đối-tượng thiền-tuệ, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ ban đầu, đó là điều rất thuận lợi cho hành-giả, dù chưa dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào, cũng làm nền tảng cho mọi thiện-pháp phát sinh và tăng trưởng.

Nếu trong những tiền kiếp của hành-giả đã từng thực-hành những đối-tượng thiền-tuệ nào khác đã thành thói quen, phù hợp với bản-tính và trí-tuệ của mình thì kiếp hiện-tại này đến giai đọan tự động chuyển sang đổi đối-tượng thiền-tuệ ấy, đó là điều rất bình thường trong pháp-hành thiền-tuệ, bởi vì pháp-hành thiền-tuệ gồm tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới, không có sự phân biệt nào cả (khác với hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền định bắt buộc giới hạn một số đối-tượng thiền-định).

Kāyānupassanā Iriyāpathapabba

Đối-tượng tứ-oai-nghi

Bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta phần Iriyāpatha-pabba như sau:

Đức-Phật thuyết giảng rằng:

“Puna ca paraṃ bhikkhave, bhikkhu

– Gacchanto vā gacchāmī’ti pajānāti,

– Ṭhito vā ṭhitomhī’ti pajānāti,

– Nisinno vā nisinnomhī’ti pajānāti,

– Sayāno vā sayānomhī’ti pajānāti,

– Yathā yathā vā pana’ssa kāyo paṇihito hoti, ihi tathā tathā naṃ pajānāti.

Iti ajjhattaṃ vā kāye kāyānupassī viharati,

Bahiddhā vā kāye kāyānupassī viharati,

Ajjhattabahiddhā vā kāye kāyānupassī viharati,

Samudayadhammānupassī vā kāyasmiṃ viharati.

Vayadhammānupassī vā kāyasmiṃ viharati.

Samudayavayadhammānupassī vā kāyasmiṃ viharati.

“Atthi kāyo”ti vā pana’ssa sati paccupaṭṭhitā hoti, yāvadeva ñāṇamattāya patissatimattāya.

Anissito ca viharati, na ca kiñci loke upādiyati.

Evaṃpi kho bkikhave, bhikkhu kāye kāyānupassī viharati.”

(Iriyāpathapabbaṃ niṭṭhitaṃ.)

Ý nghĩa

Sau khi thuyết giảng “ānāpānapabba” xong, Đức-Phật tiếp tục thuyết giảng “Iriyāpathapabba” rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Một đối-tượng khác,

– Khi đang đi, tỳ-khưu có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác biết rõ rằng: “Thân đi” hoặc “sắc-đi”.

– Hoặc khi đang đứng, tỳ-khưu có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác biết rõ rằng:“Thân đứng” hoặc “sắc-đứng”.

– Hoặc khi đang ngồi, tỳ-khưu có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác biết rõ rằng: “Thân ngồi” hoặc “sắc-ngồi”.

– Hoặc khi đang nằm, tỳ-khưu có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác biết rõ rằng: “Thân nằm” hoặc “sắc-nằm”.

– Hoặc toàn thân của hành-giả đang ở trong tư thế (dáng) như thế nào, thì hành-giả nên có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thấy rõ, biết rõ toàn thân đang ở trong tư thế (dáng) như thế ấy.

Như vậy, hành-giả có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thường dõi theo thấy rõ, biết rõ toàn thân trong thân-niệm-xứ bên trong của mình.

Hoặc hành-giả có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thường dõi theo thấy rõ, biết rõ toàn thân trong thân-niệm-xứ bên ngoài mình, của người khác.

Hoặc hành-giả có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thường dõi theo thấy rõ, biết rõ toàn thân trong thân-niệm-xứ, khi thì bên trong của mình, khi thì bên ngoài mình, của người khác.

Hoặc hành-giả có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thường dõi theo thấy rõ, biết rõ trạng-thái-sinh do nhân-duyên nào sinh trong thân.

Hoặc hành-giả có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thường dõi theo thấy rõ, biết rõ trạng-thái-diệt do nhân-duyên ấy diệt trong thân.

Hoặc hành-giả có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thường dõi theo thấy rõ, biết rõ trạng-thái-sinh do nhân-duyên nào sinh, và trạng-thái-diệt do nhân-duyên ấy diệt trong thân.

Chánh-niệm trực nhận, trí-tuệ tỉnh-giác trực giác của hành-giả biết rõ rằng: “Chỉ là thân mà thôi”. Đối-tượng hiện-tại chỉ để phát triển chánh-niệm, chỉ để phát triển trí-tuệ tỉnh-giác mà thôi.

Hành-giả không có tham-ái và tà-kiến nương nhờ (nơi đối-tượng và chủ-thể); không có chấp-thủ nào (ta và của ta) trong ngũ-uẩn này.

– Này chư tỳ-khưu! Như vậy, gọi là tỳ-khưu có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thường dõi theo thấy rõ, biết rõ toà n thân trong thân-niệm-xứ.

(Xong phần đối-tượng tứ-oai-nghi)

Giảng giải

Đọan kinh này có những động từ:

– Gacchāmi: Theo nghĩa thường là “tôi đi”, theo chân-nghĩa-pháp nghĩa là “thân đi” hoặc “sắc-đi”.

– Ṭhito’mhi: Theo nghĩa thường là “tôi đứng”, theo chân-nghĩa-pháp nghĩa là “thân đứng” hoặc “sắc-đứng”.

– Nisinno’mhi: Theo nghĩa thường là “tôi ngồi” theo chân-nghĩa-pháp nghĩa là “thân ngồi” hoặc “sắc-ngồi”.

– Sayāno’mhi: Theo nghĩa thường là “tôi nằm” theo chân-nghĩa-pháp nghĩa là “thân nằm” hoặc “sắc-nằm”.

Phần Chú-giải iriyāpathapabba

Phần Aṭṭhakathā (Chú-giải) của iriyāpathapabba: 

– Iti ajjhattaṃ vā’ti evaṃ attano vā catu iriyā-pathapariggaṇhanena kāye kāyānupassī viharati…

– Bahiddhā vā’ti parassa catu iriyāpathaparig-gaṇhanena …

– Ajjhattabahiddā vā’ti kālena attano, kālena parassa vā catu iriyāpathapariggaṇhanena kāye kāyānupassī viharati…

– Samudayadhammānupassī vā’ti ādīsu pana “avijjā-samudayā rūpasamudayo”ti ādinā nayena pañcahākārehi rūpakkhandhassa samudayo ca vayo ca nīharitabbo. Tañhi sandhāya idha “samudayadhammānupassīvā” ti ādi vuttaṃ.

– Atthi kāyo’ti vā panassā’ ti kāyo atthi, na satto, na puggalo, na itthī, na puriso, na attā, na attaniyaṃ, nā’haṃ, na mama, na koci, na kassacīti evamassa sati paccupaṭṭhitā hoti.

Ý nghĩa

– Iti ajjhattaṃ vā: Tỳ-khưu hành-giả có chánh-niệm trực nhận, trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ toàn thân trong thân-niệm-xứ đó là tứ-oai-nghi bên trong của mình.

– Bahiddhā vā: Hoặc tỳ-khưu hành-giả có chánh-niệm trực nhận, trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ toàn thân trong thân-niệm-xứ đó là tứ-oai-nghi bên ngoài mình, của người khác.

– Ajjhattabahiddā vā: Hoặc tỳ-khưu hành-giả có chánh-niệm trực nhận, trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ toàn thân trong thân-niệm-xứ đó là tứ-oai-nghi, khi thì bên trong của mình, khi thì bên ngoài mình, của người khác.

– Samudayadhammānupassī vā: Hoặc hành-giả có chánh-niệm trực nhận, trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thường dõi theo thấy rõ, biết rõ trạng-thái-sinh do 5 nhân-duyên-sinh của tứ-oai-nghi là vô-minh, tham-ái, nghiệp, vật-thực, trạng-thái-sinh của tứ-oai-nghi trong thân.

– Vayadhammānupassī vā: Hoặc hành-giả có chánh-niệm trực nhận, trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thường dõi theo thấy rõ, biết rõ trạng-thái-diệt do 5 nhân-duyên-diệt của tứ-oai-nghi là vô-minh, tham-ái, nghiệp, vật-thực, trạng-thái-diệt của tứ-oai-nghi trong thân.

– Samudayavayadhammānupassī vā: Hoặc hành-giả có chánh-niệm trực nhận, trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thường dõi theo thấy rõ, biết rõ trạng-thái-sinh do 5 nhân-duyên-sinh của tứ-oai-nghi là vô-minh, tham-ái, nghiệp, vật thực, trạng-thái-sinh của tứ-oai-nghi, và trạng-thái-diệt do 5 nhân-duyên-diệt của tứ-oai-nghi là vô-minh, tham-ái, nghiệp, vật-thực, trạng-thái-diệt của tứ-oai-nghi trong thân.

– “Kāyo’va atthi: Thân chỉ là sắc-thân mà thôi. Thân thuộc về sắc-pháp là pháp-vô-ngã (anattā) nghĩa là na satto: Không phải là chúng-sinh, na puggalo: Không phải là người, na itthī: Không phải là người nữ, na puriso: Không phải là người nam, na attā: Không phải là ngã, na attaniyaṃ: Không phải thuộc về ngã, nā’haṃ: Không phải là ta, na mama: Không phải là của ta, na koci: Không phải là ai cả, na kassaci: Không phải thuộc về của ai cả,…”

Chánh-niệm trực nhận dáng đi, tư thế đi; dáng đứng, tư thế đứng; dáng ngồi, tư thế ngồi; dáng nằm, tư thế nằm, …

Trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp ấy, cốt để cho chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác càng phát triển và tăng trưởng (satisampajaññānaṃ vuḍḍhatthāya).

– Anissito ca viharati: Hành-giả có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác hoàn toàn trong sạch thanh-tịnh, không có tà-kiến và tham-ái nương nhờ nơi sắc-pháp 4 oai-nghi ấy.

– Na ca kiñci loke upādīyati: Tâm không còn chấp-thủ do tà-kiến và tham-ái cho rằng: “Ta, của ta” nào trong ngũ-uẩn này nữa (đó là tâm của bậc Thánh-A-ra-hán).

Như vậy, đối-tượng tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm trong thân-niệm-xứ này có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế:

– Chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) và hoài-nghi (vicikicchā) không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

– Chứng đắc đến Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 1 loại phiền-não là sân (dosa) loại thô, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

– Chứng đắc đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 1 loại phiền-não là sân (dosa) loại vi-tế không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Bất-lai.

– Chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 7 loại phiền-não còn lại là tham (lobha), si (moha), ngã-mạn (māna), buồn-chán (thīna), phóng-tâm (uddhacca), không biết hổ-thẹn tội-lỗi (ahirika), không biết ghê-sợ tội-lỗi (anottappa) không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Hành-giả trở thành Thánh-nhân bậc nào hoàn toàn tuỳ thuộc vào năng lực của 10 pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ: (Indriya) tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của hành-giả.

Đọan kết của tứ-niệm-xứ so với trí-tuệ thiền-tuệ

Đọan kết của đối-tượng tứ-oai-nghi có thể so sánh tương đương với mỗi trí-tuệ thiền-tuệ như sau:

– Ajjhattaṃ vā: Hành-giả có chánh-niệm trực nhận, trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ thật-tánh của (tứ-oai-nghi) bên trong của mình có thể so sánh tương đương với trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp là pháp-vô-ngã.

– Bahiddhā vā, ajjhattabahiddā vā, samudayadham-mānupassī vā: Hành-giả có chánh-niệm trực nhận, trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ trạng-thái-sinh do nhân-duyên-sinh của sắc-pháp phát sinh từ tâm (tứ-oai-nghi) bên trong của mình (ajjhatta) như thế nào, và trạng-thái-sinh do nhân-duyên-sinh của sắc-pháp phát sinh từ tâm (tứ-oai-nghi) bên ngoài mình (bahiddhā), của người khác cũng như thế ấy có thể so sánh tương đương với trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggaha-ñāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ nhân-duyên-sinh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp do nhân-duyên-sinh bên trong của mình (ajjhatta) với paccakkhañāṇa: Trí-tuệ trực tiếp thấy rõ, biết rõ nhân-duyên-sinh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp bên trong của mình (ajjhatta) như thế nào, và với anumānañāṇa: Trí-tuệ gián tiếp biết rõ nhân-duyên-sinh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp bên ngoài mình (bahiddhā), của người khác, của chúng-sinh khác, cũng như thế ấy.

– Vayadhammānupassī vā: Hành-giả có chánh-niệm trực nhận, trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ trạng-thái-diệt do nhân-duyên-diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, có thể so sánh tương đương với trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp diệt do nhân-duyên-diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp tam-giới, nên trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới.

– Samudayavayadhammānupassī vā: Hành-giả có chánh-niệm trực nhận, trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp và danh-pháp hiện-tại phát sinh từ tâm (tứ-oai-nghi), nên thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại, có thể so sánh tương đương với trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại do nhân-duyên-sinh do nhân-duyên-diệt, nên thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại.

– Anissito ca viharati, na ca kiñci loke upādīyati: Tiếp theo các trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới tuần tự phát sinh không có tà-kiến và tham-ái nương nhờ nơi sắc-pháp nơi danh-pháp tam-giới, cho đến 2 trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 gọi là 4 Thánh-đạo-tuệ, và thứ 15 gọi là 4 Thánh-quả-tuệ, trở thành bậc Thánh A-ra-hán không còn chấp thủ do tà-kiến và tham-ái nữa.

Kāya: Thân nghĩa là gì?

– “Kāyo’va atthi: Thân chỉ là sắc-thân mà thôi. Thân thuộc về sắc-pháp là pháp-vô-ngã (anattā) nghĩa là na satto: Không phải là chúng-sinh, na puggalo: Không phải là người, na itthī: Không phải là người nữ, na puriso: Không phải là người nam, na attā: Không phải là ngã, na attaniyaṃ: Không phải thuộc về ngã, nā’haṃ: Không phải là ta, na mama: Không phải là của ta, na koci: Không phải là ai cả, na kassaci: Không phải thuộc về của ai cả,…”

* Kāya trong phần kāyānupassanāsatipaṭṭhāna: Thân-niệm-xứ trong kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta: Kinh Đại-niệm-xứ, có nghĩa là toàn thân thuộc về sắc-pháp gồm có 28 sắc-pháp do tâm điều khiển mọi oai-nghi đi, đứng, ngồi, nằm, v.v…

 

Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 14 - Pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ
Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 15 - Nhận xét về đối-tượng tứ-oai-nghi

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *