*   Đức-Phật Bị Voi Nāḷāgiri Rượt Đuổi

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác, tiền-kiếp của Đức- Phật Gotama, là người nài voi, đang cỡi voi đi,  nhìn thấy Đức-Phật Độc-Giác đang đi trên đường, Đức-Bồ- tát nài voi liền nghĩ rằng:

“Sa-môn này từ đâu đến đây?”

Y phát sinh tâm sân làm cho con voi nổi giận rượt đuổi theo Đức-Phật Độc-Giác.

Sau khi Đức-Bồ-tát chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái- sinh trong cõi địa-ngục, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới được thoát ra khỏi cõi địa-ngục.

Kiếp hiện-tại là Đức-Bồ-tát Siddhattha kiếp chót đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.

Do năng lực của ác-nghiệp cũ trong quá-khứ còn dư sót chút đỉnh, khiến tỳ-khưu Devadatta đến gặp đức-vua Ajātasattu trình tâu âm mưu dùng voi Nāḷāgiri hung dữ, để sát hại Đức-Phật và được Đức-vua chấp thuận. Tỳ- khưu Devadatta ra lệnh người quản tượng rằng:

–    Này người quản tượng! Ngày mai, ngươi phải cho hung tượng Nāḷāgiri uống 16 hũ rượu, say điên cuồng rồi thả ra theo con đường mà Sa-môn Gotama thường hay đi vào thành khất thực, để nó chạy thẳng đến chà chết Sa-môn Gotama.

Sáng hôm ấy, Đức-Phật đang ngự vào kinh-thành Rājagaha cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, voi Nāḷāgiri nhìn thấy Đức-Phật từ xa ngự đến, liền cuộn vòi, quạt hai lỗ tai, cong đuôi chạy thẳng đến nơi Đức- Phật, ví như một quả núi đang bổ nhào về phía Đức-Phật.

Đức-Phật liền niệm rải tâm từ đến voi Nāḷāgiri, rồi gọi bằng một giọng phạm âm ngọt ngào trìu mến rằng:

–    Này Nāḷāgiri đáng thương! Người ta cho con uống 16 hũ rượu mạnh, làm cho con say điên cuồng để con giết hại Như-Lai.

–     Này Nāḷāgiri đáng thương! Con hãy đến đây với Như-Lai.

Voi Nāḷāgiri hung ác nghe giọng phạm âm ngọt ngào trìu mến của Đức-Phật, liền mở mắt, ngẩng đầu nhìn thẳng thấy kim thân Đức-Phật tỏa ra hào quang mát dịu, thì lập tức cơn say điên cuồng tan biến mất, tâm thức tỉnh.

Do nhờ oai lực tâm từ của Đức-Phật, voi Nāḷāgiri hạ vòi xuống, ngoan ngoãn đi lần đến, quỳ một cách cung kính dưới đôi bàn chân của Đức-Phật. Đức-Phật thuyết pháp tế độ voi Nāḷāgiri, toàn thân tâm của voi Nāḷāgiri phát sinh hỷ lạc chưa từng có.

Nếu không phải là loài súc sinh thì sau khi nghe pháp xong chắc chắn voi Nāḷāgiri đã chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào đó, nhưng vì voi Nāḷāgiri là loài súc-sinh nên không thể chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào được.

Từ đó về sau, voi Nāḷāgiri(1) trở thành voi hiền lành dễ mến cho đến trọn đời của nó.

Đức-Phật dạy về ác-nghiệp cũ của Ngài rằng:

–    Trong tiền-kiếp Như-Lai là người quản tượng đang cỡi voi đi trên đường, Đức-Bồ-tát quản tượng làm cho con voi nổi giận rượt đuổi Đức-Phật Độc-Giác đang đi khất thực. Sau khi Đức-Bồ-tát quản tượng chết, ác- nghiệp ấy cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác giới.

Do năng lực của ác-nghiệp cũ còn dư sót chút đỉnh, khiến tỳ-khưu Devadatta sai người quản tượng thả voi Nāḷāgiri chạy nhào đến trước mặt Như-Lai đang đi vào kinh thành Rājagaha để khất thực.

*   Đức-Phật Bị Mảnh Đá Đụng Ngón Chân Cái Làm Bầm Máu (sakalikāvedha)

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, sinh trong một gia đình dân thường. Khi còn nhỏ Đức-Bồ-tát rất tinh nghịch, cậu bé đang chơi giữa đường, nhìn thấy Đức-Phật Độc-Giác đang đi khất thực, cậu bé nghĩ rằng: “Sa-môn này đi đâu?”

Cậu bé tinh nghịch cầm một mảnh đá ném vào sau lưng Đức-Phật Độc-Giác, đụng phải gót chân của Ngài bị bầm máu.

Sau khi Đức-Bồ-tát chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái- sinh trong cõi địa-ngục, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài hằng ngàn năm, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới được thoát ra khỏi cõi địa-ngục.

Kiếp hiện-tại là Đức-Bồ-tát Siddhattha kiếp chót đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.

Khi Đức-Phật đang đi kinh hành tại núi Gijjhakūṭa, do năng lực của ác-nghiệp cũ trong quá-khứ còn dư sót chút đỉnh, khiến tỳ-khưu Devadatta xô tảng đá lăn xuống, tuy tảng đá bị ngăn cản lại, nhưng một mảnh đá nhỏ vỡ văng ra đụng vào ngón chân cái bàn chân phải của Đức-Phật, bị bầm máu.

Đó là do quả của ác-nghiệp cũ quá-khứ của Đức-Phật.

*   Đức-Phật Bị Mổ Vết Bầm Bằng Dao (Satthaccheda)

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, là Đức-vua một nước nhỏ ngoài trung xứ, Đức- vua Bồ-tát gần gũi thân cận với các vị quan cận thần ác nên trở thành Đức-vua ác.

Một ngày nọ, Đức-vua nổi khùng cầm gươm, đi chân trần (không mang dày dép) ra khỏi cung điện chạy vào thành giết chết nhiều người vô tội.

Sau khi Đức-vua Bồ-tát băng hà, ác-nghiệp sát sinh  ấy cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới được thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Kiếp hiện-tại là Đức-Bồ-tát Siddhattha kiếp chót đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.

Do năng lực của ác-nghiệp cũ trong quá-khứ còn dư sót chút đỉnh, khiến tỳ-khưu Devadatta xô tảng đá lăn xuống, một mảnh đá nhỏ văng đụng ngón chân cái của Đức-Phật bị bầm máu.

Về sau, thái-y Jīvaka chữa trị chỗ máu bầm bằng cách dùng con dao bén mổ lấy máu bầm ra với tâm từ của vị thái-y. Đó là đại-thiện-nghiệp chữa trị vết bầm ở đầu ngón chân cái của Đức-Phật.

Tỳ-khưu Devadatta làm bầm máu ngón chân cái của Đức-Phật bằng mảnh đá với tâm sân nên phạm phải ác- nghiệp rất nặng gọi là ác-nghiệp vô-gián trọng-tội (anantariyakamma) chắc chắn sẽ cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục Avīci mà không có nghiệp nào làm gián đoạn được.

Đức-Phật dạy về ác-nghiệp cũ của Ngài rằng:

Trong tiền-kiếp Như-Lai là Đức-vua nổi khùng, đi chân trần, cầm gươm vào thành giết người vô tội. Sau khi Đức-vua băng hà, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, chịu quả khổ bị hành-hạ thiêu đốt trong địa-ngục suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục.

Do quả của ác-nghiệp cũ còn dư sót chút đỉnh, kiếp chót hiện-tại này, Như-Lai bị mổ lấy máu bầm ở vết thương đầu ngón chân cái của Như-Lai, bởi vì năng lực của ác-nghiệp cũ còn cho quả.

*   Đức-Phật Bị Bệnh Đau Đầu (Sīsadukkha)

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, sinh trong gia đình ngư dân, Đức-Bồ-tát cùng đám ngư dân đến chỗ bắt cá, nhìn thấy đám ngư dân bắt được cá rất nhiều gom thành đống lớn, liền phát sinh tâm hoan hỷ về sự sát sinh ấy.

Sau khi Đức-Bồ-tát chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái- sinh trong cõi ác-giới, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác- nghiệp ấy, mới được thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Kiếp hiện-tại là Đức-Bồ-tát Siddhattha kiếp chót đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.

Do quả của ác-nghiệp cũ hoan hỷ ác-nghiệp sát sinh trong quá-khứ ấy còn dư sót chút đỉnh, nên đôi khi Đức- Phật bị bệnh đau đầu.

Còn tiền-kiếp của đám ngư dân trong quá-khứ, nay kiếp hiện-tại sinh trong hoàng tộc dòng Sakya đều bị tiêu diệt bởi Đức-vua Viṭaṭūbha(1).

Đức-Phật dạy về ác-nghiệp cũ của Ngài rằng:

–     Tiền-kiếp Như-Lai sinh trong xóm ngư dân. Nhìn thấy đám ngư dân bắt được cá rất nhiều, tiền-kiếp của Như-lai phát sinh tâm hoan hỷ.

Do năng lực của ác-nghiệp cũ còn dư sót chút đỉnh, đôi khi cho quả khổ bệnh đau đầu trong kiếp chót của Như-Lai. Còn đám ngư dân trong quá-khứ, nay là dòng họ Sakya bị Đức-vua Viṭaṭūbha tàn sát tất cả.

* Đức-Phật Độ Cơm Gạo Đỏ (Yavakhādana)

Đức-Bồ-tát, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, sinh trong gia đình thuộc giai cấp thấp, kém học thức, là kẻ si mê (andhabāla). Đức-Bồ-tát nhìn thấy chư tỳ-khưu thanh văn đệ-tử của Đức-Phật độ vật thực ngon lành, cơm gạo sāli, nên Đức-Bồ-tát đã xúc phạm rằng:

“Các Sa-môn đầu trọc này hãy dùng cơm gạo đỏ, không nên dùng cơm gạo sāli, …”

Đức-Bồ-tát sau khi chết, khẩu ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới được thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Kiếp hiện-tại là Đức-Bồ-tát Siddhattha kiếp chót đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama. Đức-Phật cùng với chư Đại-đức tỳ- khưu-Tăng du hành khắp mọi nơi, thuyết pháp tế độ cho chúng-sinh có duyên lành nên tế độ.

Một thuở nọ, Đức-Phật ngự đến xứ Verañjā cùng với nhóm 500 tỳ-khưu-Tăng. Hay tin Đức-Phật đã ngự đến, ông Bà-la-môn Verañja đến hầu Đức-Phật, để đấu khẩu tranh tài với Đức-Phật, nhưng ông Bà-la-môn không thể thắng được Đức-Phật, liền hồi tâm tỉnh trí phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp- bảo, Đức-Tăng-bảo, xin quy y Tam-Bảo trở thành cận- sự-nam trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

Ông Bà-la-môn Verañja thành kính đảnh lễ Đức-Phật, thỉnh cầu Đức-Phật cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng an cư nhập hạ 3 tháng mùa mưa tại xứ Verañjā này.

Đức-Phật im lặng nhận lời thỉnh cầu của ông Bà-la- môn Verañja. Trong xứ Verañjā gặp phải hạn hán mất mùa, thiếu thốn vật thực, nên dân chúng chịu cảnh chết đói, lại còn bị Ác-Ma-thiên làm dân chúng xứ Verañjā mê muội, cho nên Đức-Phật cùng với chư Đại-đức tỳ- khưu-Tăng đi khất thực ít người để bát cúng dường vật thực đến Đức-Phật cùng với nhóm 500 chư Đại-đức tỳ- khưu-Tăng.

Khi ấy, đoàn người lái buôn từ xứ Uttarāpatha cùng với 500 cỗ xe ngựa vừa đến xứ Verañjā gặp mùa mưa, nên đành phải trú lại. Họ nhìn thấy chư tỳ-khưu đi khất thực nhưng không được vật thực, nên họ phát sinh đại- thiện-tâm trong sạch làm phước-thiện bố-thí cúng dường phần lúa đem theo làm vật thực cho ngựa, giã ra thành gạo đỏ, nấu cơm, chư-thiên bỏ thêm vào hương vị trời, rồi cúng dường để bát đến Đức-Phật cùng với nhóm 500 chư tỳ-khưu-Tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.

Đặc biệt họ làm phước-thiện cúng dường đến Ngài Trưởng-lão Ānanda món bơ mật ong, đường, … để Ngài Trưởng-lão làm thêm vật thực dâng cúng dường lên Đức-Phật.

Như vậy, Đức-Phật cùng với nhóm 500 Đại-đức tỳ- khưu Tăng độ cơm gạo đỏ suốt 3 tháng trong mùa an cư nhập hạ năm ấy, cho đến ngày rằm làm đại lễ Pavāraṇā (lễ yêu cầu thỉnh mời) trước ngày mãn hạ, đồng thời Ác-Ma-thiên không còn làm cho dân chúng xứ Verañjā mê muội nữa.

Thật vậy, ông Bà-la-môn Verañja nhớ lại trước đây 3 tháng, có thỉnh mời Đức-Phật cùng với 500 Đại-đức tỳ- khưu-Tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại xứ Verañjā này, mà ông đã quên hẳn, nên suốt thời gian nhập hạ ông không cúng dường những thứ vật dụng đến Đức-Phật cùng với 500 Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Ông Bà-la-môn Verañja đến hầu đảnh lễ sám hối Đức-Phật, rồi kính thỉnh Đức-Phật cùng với 500 Đại-đức tỳ-khưu-Tăng ngày hôm sau đến tư gia của ông, để ông làm phước-thiện đại-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu- Tăng có Đức-Phật chủ trì.

Đức-Phật làm thinh, ông Bà-la-môn Verañja biết Đức-Phật nhận lời thỉnh mời của ông. Ông Bà-la-môn Verañja đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi xin phép trở về nhà.

Sáng ngày hôm sau, Đức-Thế-Tôn ngự đến tư gia của ông Bà-la-môn Verañja, cùng với 500 Đại-đức tỳ-khưu- Tăng. Ông Bà-la-môn Verañja đón tiếp Đức-Phật cùng với 500 Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, xin làm lễ phước-thiện đại-thí cúng dường vật thực đến chư Đại-đức tỳ-khưu- Tăng có Đức-Phật chủ trì.

Sau khi Đức-Phật cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu- Tăng thọ thực xong, ông Bà-la-môn Verañja đảnh lễ Đức-Phật cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, xin sám hối tội-lỗi mê muội quên hẳn bổn phận của ông.

Ông Bà-la-môn Verañja kính xin Đức-Phật cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng tha thứ tội-lỗi mê muội quên hẳn bổn phận của ông.

Thật ra, đó là ác-nghiệp cũ mà Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama còn dư sót chút đỉnh, nay còn có cơ-hội cho quả đến Đức-Phật Gotama.

Ác-nghiệp thuộc về của riêng Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, còn quả của ác-nghiệp không chỉ riêng của Đức-Phật mà còn ảnh hưởng đến 500 Đại-đức tỳ-khưu-Tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật nữa.

*        Đức-Phật Bị Bệnh Đau Lưng (Piṭṭhidukkha)

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, sinh trong gia đình giàu sang, Đức-Bồ-tát có dáng vóc lùn, nhưng có sức mạnh phi thường.

Thời ấy, một võ sĩ đô vật có thân hình vạm vỡ, qua những trận đọ sức với các đối thủ từ khắp tỉnh thành cho đến kinh-thành, y đều toàn thắng, rồi y tự cho mình là người vô địch.

Một hôm, võ sĩ này đến quê hương của Đức-Bồ-tát, cũng như các nơi khác, không có một đối thủ nào có thể đọ sức nổi với y. Cho nên, y huyênh hoang tự đắc cho mình là người vô địch, rồi hãnh diện lên đường đi đến nơi khác.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát nghĩ rằng: “Người võ sĩ này đã thắng tất cả các võ sĩ đô vật trong quê hương của ta, rồi y ra đi với vẻ tự cao ngã-mạn như vậy.”

Đức-Bồ-tát liền đến gặp y vỗ tay bảo rằng:

–   Này ngươi hãy đến đây, đọ sức với ta rồi đi!

Nghe Đức-Bồ-tát nói vậy, võ sĩ đô vật cười khanh khách và nghĩ rằng:

“Các địch thủ to lớn, ta còn thắng một cách dễ dàng, huống gì dáng người thấp lùn này, ta chỉ cần dùng một tay là đủ.”

Nghĩ xong, y vỗ tay đi đến gặp Đức-Bồ-tát. Hai người bắt tay lẫn nhau trước khi đọ sức. Đức-Bồ-tát vồ đến ôm gọn thân hình vạm vỡ của y, nhấc bổng chân lên, đưa lên hư không, quay vòng tròn, rồi dộng vai mạnh xuống mặt đất làm đau sụn cột xương sống, rồi để y nằm dài trên mặt đất, không còn cựa quậy được nữa.

Dân chúng trong xứ thấy vậy vỗ tay tán dương khen thưởng Đức-Bồ-tát đã thắng được một võ sĩ đô vật lừng danh, rồi họ tặng cho Đức-Bồ-tát những phần thưởng vô cùng quý giá.

Đức-Bồ-tát chữa trị lại phần xương vai, xương cột sống cho võ sĩ, rồi đỡ y đứng dậy và dạy bảo y rằng:

– Này bạn! Từ nay về sau bạn không nên đọ sức so tài với ai nữa.

Do ác-nghiệp ấy còn dư sót, cho nên mỗi khi Đức-Bồ- tát được tái-sinh làm người, ác-nghiệp làm khổ võ sĩ đô vật ấy, nếu có cơ hội cho quả, thì Đức-Bồ-tát thường bị đau lưng, đau mình nhức mỏi.

Kiếp hiện-tại là Đức-Bồ-tát Siddhattha kiếp chót đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama hoàn toàn không còn khổ-tâm do phiền-não nữa, nhưng Đức-Phật vẫn còn khổ-thân tứ đại, thường mắc bệnh đau lưng, …

Cho nên, đôi khi Đức-Phật đang thuyết pháp, bệnh đau lưng phát sinh, Đức-Phật truyền dạy Ngài Đại- Trưởng-lão Sāriputta hoặc Ngài Đại-Trưởng-lão Mahā- moggallāna thay thế Đức-Phật tiếp tục thuyết pháp.

Còn Đức-Phật truyền bảo tỳ-khưu trải y, để cho Đức- Phật nằm nghỉ, để giảm bớt cơn đau lưng.

Đó là quả của ác-nghiệp cũ. Đức-Phật dạy về ác- nghiệp cũ của Ngài rằng:

– Tiền-kiếp Như-Lai đã từng làm cho võ sĩ đô vật lừng danh trong thời quá-khứ, đau sụn lưng. Do nghiệp cũ ấy cho quả, nên kiếp hiện-tại, Như-Lai thường bị bệnh đau lưng phát sinh.

*        Đức-Phật Bị Bệnh Đại Tiện Ra Máu (Atisāra)

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, sinh trong gia đình thầy thuốc. Đức-Bồ-tát trưởng thành cũng sinh sống bằng nghề làm thầy bốc thuốc chữa bệnh cho mọi người.

Khi Đức-Bồ-tát chữa lành bệnh cho con trai một phú hộ, mà người con trai phú hộ trả tiền công bốc thuốc không xứng đáng. Do không hài lòng, nên Đức-Bồ-tát đã bốc thuốc xổ cho con trai phú hộ uống.

Khi Đức-Bồ-tát, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama được tái-sinh làm người, do ác-nghiệp cho uống thuốc xổ ấy, nếu có cơ hội cho quả thì Đức-Bồ-tát bị bệnh kiết lị, đi đại tiện ra máu.

Kiếp hiện-tại là Đức-Bồ-tát Siddhattha kiếp chót đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama năm 35 tuổi.

Từ đó về sau, suốt 45 năm thuyết pháp tế độ cho chúng- sinh giải thoát khỏi biển khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới.

Khi Đức-Phật Gotama tròn 80 tuổi, đúng vào ngày rằm tháng tư âm lịch, ngày cuối cùng của Đức-Phật Gotama sẽ tịch diệt Niết-bàn.

Sau khi Đức-Phật độ món ăn đặc biệt bổ dưỡng sūkuramaddava của ông Cunda kammāraputta, và có thêm phần hương vị của chư-thiên ở các cõi trời bỏ vào món ăn ấy, để bồi bổ tăng thêm sức mạnh trong cơ thể của Đức-Phật.

Trên đường Đức-Phật ngự đến khu rừng Kusinārā cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, Đức-Phật bị lâm bệnh kiết lị đi đại tiện ra máu, làm cho cơ thể của Đức- Phật mệt nhoài, lại thêm khát nước, Đức-Phật phải dừng lại nằm nghỉ ngơi một lúc, rồi mới tiếp tục ngự đến khu rừng Kusinārā, để Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn vào canh chót đêm rằm tháng tư (âm lịch) ấy.

Đức-Phật là bậc cao thượng nhất trong tam-giới chúng-sinh, thế mà vẫn không sao tránh khỏi ác-nghiệp cũ cho quả.

Đức-Phật dạy về ác-nghiệp cũ của Ngài rằng:

– Tiền-kiếp Như-Lai làm nghề thầy thuốc, vị thầy ấy chữa bệnh cho con trai phú hộ. Do không hài lòng con trai phú hộ, nên vị thầy đã bốc thuốc xổ cho con trai phú hộ uống.

Do ác-nghiệp cũ ấy cho quả, nên kiếp hiện-tại này phát sinh bệnh đại tiện ra máu đến Như-Lai.

*        Đức-Phật Khát Nước

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, là người chăn bò, dẫn đàn bò ra đồng ăn cỏ, Đức-Bồ-tát nhìn thấy con bò mẹ đang uống nước đục, nên ngăn cấm không cho nó uống nước đục theo ý muốn của nó.

Kiếp hiện-tại là Đức-Bồ-tát Siddhattha kiếp chót đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama. Trên đường từ thành phố Pāvā đến khu rừng Kusinārā, trước khi tịch diệt Niết-bàn, Đức- Phật bị lâm bệnh kiết lị đi đại tiện ra máu, mệt nhoài và khát nước. Đức-Phật truyền dạy Ngài Trưởng-lão Ānanda đi lấy nước.

Do ác-nghiệp cũ không cho con bò mẹ uống nước đục ấy cho quả, nên con sông còn ít nước, vừa có 500 chiếc xe bò băng qua sông làm nước sông đục ngầu.

Khi đi đến con sông ấy, Ngài Trưởng-lão Ānanda nhìn thấy nước sông đục ngầu, nên Ngài Trưởng-lão không muốn lấy nước ấy.

Đức-Phật vì khát nước quá không chịu đựng nổi, nên Đức-Phật lại truyền bảo Ngài Trưởng-lão Ānanda đi lấy nước đem về cho Ngài độ cho qua cơn khát.

Một lần nữa, Ngài Trưởng-lão Ānanda cũng đến con sông ấy, vừa bước xuống, thật phi thường thay! Nước sông đang đục ngầu, bỗng nhiên trở nên trong sạch lạ thường. Ngài Trưởng-lão Ānanda lấy nước ấy đem về dâng đến Đức-Phật.

Đó là quả của ác-nghiệp cũ ngăn cấm con bò mẹ đang uống nước đục trong tiền-kiếp của Đức-Phật.

Đức-Phật đã thuyết giảng đến chư tỳ-khưu Tăng tại ven rừng gần hồ Anotatta, những ác-nghiệp cũ và quả của ác-nghiệp cũ mà Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật đã tạo trong thời quá-khứ, nay kiếp hiện-tại những ác- nghiệp cũ ấy vẫn còn có cơ-hội cho quả của ác-nghiệp, trước khi Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.(1)

Nghiệp và quả của nghiệp là rất công bằng, không hề thiên vị ai, kể cả Đức-Phật và chư bậc Thánh A-ra-hán.

Thật vậy, * đại-thiện-nghiệp 30 pháp-hạnh ba-la-mật của Đức-Bồ-tát Siddhattha kiếp chót cho quả trở thành Đức-Phật Gotama.

Và những ác-nghiệp cũ của Đức-Phật Gotama, có cơ- hội cho quả, nên Đức-Phật Gotama phải chịu quả xấu trong kiếp hiện-tại cho đến trước khi tịch diệt Niết-bàn.

* Đại-thiện-nghiệp 10 pháp-hạnh ba-la-mật của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna cho quả trở thành bậc Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.

Và ác-nghiệp cũ của Ngài có cơ-hội cho quả, nên Ngài bị đánh đập phải tịch diệt Niết-bàn.

Còn mỗi người trong chúng ta cũng phải thừa hưởng quả của đại-thiện-nghiệp và ác-nghiệp của mình như vậy.

 

Tam Bảo – Ác-Nghiệp Cũ Của Đức-Phật Gotama (P1)
Tam Bảo - Đức-Phật Với Cây Đại-Bồ-Đề & Cung Nghinh Sang Srilanka

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *