Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 11 – Đại-thiện-tâm có tám tâm chia theo tác-động

c-Đại-thiện-tâm có 8 tâm chia theo tác-động

– 4 đại-thiện-tâm không cần tác-động.

– 4 đại-thiện-tâm cần tác-động.

* Đại-thiện-tâm không cần tác-động

Nếu người tạo phước-thiện nào với sự hiểu biết trong chánh-pháp, rồi tự tác-động bằng thân, khẩu, ý tạo phước-thiện ấy, không có người khác tác-động thì đại-thiện-tâm ấy phát sinh không cần tác-động (asaṅkhārikaṃ). 

Đại-thiện-tâm không cần tác-động có nhiều năng lực hơn đại-thiện-tâm cần tác-động.

* Nhân phát sinh không cần tác-động

Đại-thiện-tâm phát sinh không cần tác-động có 6 nhân:

1- Asaṅkhārikakammajanitapaṭisandhikatā: Tái-sinh-tâm phát sinh từ đại-thiện-nghiệp không cần tác-động.

2- Kallakāyacittatā: Có thân tâm an-lạc.

3- Sītuṇhādīnaṃ khamanabahulatā: Có đức-tính nhẫn-nại chịu đựng thời tiết nóng, lạnh, v.v…

4- Kattabbakammesu diṭṭhānisaṃsasatā: Hiểu biết rõ quả báu của đại-thiện-nghiệp sẽ làm.

5- Kammesu ciṇṇavasitā: Có tính chuyên môn trong đại-thiện-nghiệp mà mình làm.

6- Utubhojanādīsappāyalābho: Được thời tiết tốt, vật thực đầy đủ, v.v…

Nếu trường-hợp có bạn thân đến tác-động, khuyến khích tạo phước-thiện thì người ấy nên suy xét thế nào, để cho đại-thiện-tâm trở thành không cần tác-động?

Nếu khi nghe bạn thân đến tác-động, khuyến khích làm phước thiện nào thì người ấy nên suy xét rằng:

Phước-thiện ấy là phước-thiện nên làm. Đây là cơ hội tốt của ta, ta nên tạo phước-thiện ấy.

Nếu khi suy xét như vậy thì người ấy đã chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, rồi tạo phước-thiện ấy với đại-thiện-tâm không cần tác-động.

Ví như trường hợp Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, đang an hưởng mọi sự an-lạc trên cõi trời Tusita (Đâu-suất-đà-thiên). Khi ấy, các Đức-vua trời trong 6 cõi trời dục-giới cùng chư-thiên, chư Đức phạm-thiên trên các cõi trời sắc-giới ngự đến hầu, chắp tay cung kính thỉnh Đức-Bồ-tát Setaketu xuống tái-sinh đầu thai làm người, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thuyết-pháp tế độ chúng-sinh giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Khi nghe lời thỉnh cầu của chư-thiên, chư phạm-thiên như vậy, Đức-Bồ-tát chưa nhận lời thỉnh cầu ấy, mà Đức-Bồ-tát suy xét trong thời quá-khứ rằng:

Đức-Bồ-tát kiếp chót tái-sinh đầu thai xuống làm người để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đã xem xét như thế nào?

Theo lệ thường, chư Đức-Bồ-tát kiếp chót xuống tái-sinh đầu thai làm người, thường xem xét 5 điều:

1- Xem xét về thời-kỳ tuổi thọ con người.

2- Xem xét về châu đến tái-sinh. 

3- Xem xét về xứ sở đến tái-sinh.

4- Xem xét về dòng họ nơi tái-sinh.

5- Xem xét về mẫu-hậu để tái-sinh đầu thai.

Sau khi xem xét đầy đủ 5 điều rồi, Đức-Bồ-tát Setaketu quyết định xuống tái-sinh đầu thai làm người, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, nên Đức-Bồ-tát truyền dạy rằng:

– Này chư-thiên, chư phạm-thiên! Ta đồng ý nhận lời thỉnh cầu của các ngươi, Ta sẽ xuống tái-sinh đầu thai làm người trong cõi Nam-thiện bộ-châu, tại Trung-xứ, kinh-thành Kapilavatthu, trong dòng dõi Sakya, Đức-vua Suddhodana là Đức Phụ-vương, Chánh-cung hoàng-hậu Mahā-māyādevī là mẫu-hậu của Ta.

Nghe Đức-Bồ-tát Setaketu truyền dạy như vậy, tất cả chư-thiên, phạm-thiên vô cùng hoan-hỷ cùng nhau tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát, rồi chắp tay cung kính xin phép trở về cõi-giới của mỗi vị.

Sau khi Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu quyết định chuyển-kiếp (cuti: chết) từ cõi trời Tusita, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh đầu thai vào lòng bà Chánh-cung hoàng-hậu Mahāmāyādevī vào canh chót đêm rằm tháng 6 (âm lịch).

* Đại-thiện-tâm cần tác-động

Nếu người tạo phước-thiện nào do nhờ người khác đến tác-động bằng thân, bằng khẩu, khuyến khích tạo phước-thiện ấy, thì đại-thiện-tâm ấy phát sinh cần tác-động (sasaṅkhārikaṃ).

Đại-thiện-tâm cần tác-động có ít năng lực hơn đại-thiện-tâm không cần tác-động.

* Nhân phát sinh cần tác-động

Đại-thiện-tâm phát sinh cần tác-động có 6 nhân:

1- Sasaṅkhārikakammajanitapaṭisandhikatā: Khi tái-sinh đầu thai làm người với đại-thiện-nghiệp cần tác-động.

2- Akallakāyacittatā: Thân tâm không có an-lạc.

3- Sītuṇhādīnaṃ akhamanabahulatā: Không có đức-tính nhẫn-nại chịu đựng thời tiết nóng, lạnh.

4- Kattabbakammesu adiṭṭhānisaṃsasatā: Không biết rõ quả báu của đại-thiện-nghiệp mà mình làm.

5- Kammesu aciṇṇavasitā: Không có tính chuyên môn trong đại-thiện-nghiệp mà mình làm. 

6- Utubhojanādī asappāyalābho: Gặp thời tiết xấu, vật thực thiếu thốn, v.v…

Đại-thiện-tâm chia theo thiện-nhân

– Thiện-nhân (kusalahetu) có 3 nhân là vô-tham (lobhahetu), vô-sân (dosahetu), vô-si (moha-hetu) (trí-tuệ).

Đại-thiện-tâm có 8 tâm chia theo nhân (hetu), có 2 loại:

1- Tihetukakusalacitta: 4 đại-thiện-tâm có đủ tam-nhân là vô-tham, vô-sân, vô-si (trí-tuệ).

2- Dvihetukakusalacitta: 4 đại-thiện-tâm chỉ có nhị-nhân là vô-tham, vô-sân, không có vô-si (trí-tuệ).

Nếu khi đang tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ giới, phước-thiện hành-thiền, v.v… với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ kammassakatāñāṇa hoặc lokiyavipassanāñāṇa, thì gọi là tihetuka-kusalacitta: 4 đại-thiện-tâm có đủ tam-nhân là vô-tham, vô-sân, vô-si (trí-tuệ).

Nếu khi đang tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện hành-thiền, v.v… với đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ kammas-sakatāñāṇa hoặc lokiyavipassanāñāṇa, thì gọi là dvihetukakusalacitta: 4 đại-thiện-tâm chỉ có nhị-nhân là vô-tham, vô-sân, không có vô-si (trí-tuệ).

Đại-Thiện-Nghiệp

Đại-thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở (cetanā-cetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm tạo đại-thiện-nghiệp.

Đại-thiện-nghiệp phát sinh có 2 cách:

– Đại-thiện-nghiệp phát sinh do nương nhờ 3 môn: thân-môn, khẩu-môn, ý-môn tạo 10 đại-thiện-nghiệp (mahākusalakamma).

– Đại-thiện-nghiệp phát sinh do tạo 10 phước-thiện (puññakriyāvatthu).

* Đại-thiện-nghiệp phát sinh do nương nhờ 3 môn

  • Đại-thiện-nghiệp phát sinh do nương nhờ thân-môn gọi là thân đại-thiện-nghiệp, có 3 loại:

– Đại-thiện-nghiệp không sát-sinh.

– Đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp.

– Đại-thiện-nghiệp không tà-dâm.

  • Đại-thiện-nghiệp phát sinh do nương nhờ khẩu-môn gọi là khẩu đại-thiện-nghiệp, có 4 loại:

– Đại-thiện-nghiệp không nói-dối.

– Đại-thiện-nghiệp không nói lời chia rẽ.

– Đại-thiện-nghiệp không nói lời thô tục.

– Đại-thiện-nghiệp không nói lời vô ích.

  • Đại-thiện-nghiệp phát sinh do nương nhờ ý-môn gọi là ý đại-thiện-nghiệp, có 3 loại:

– Đại-thiện-nghiệp không tham lam của cải người khác.

– Đại-thiện-nghiệp không thù hận người khác.

– Đại-thiện-nghiệp có chánh-kiến thấy đúng, hiểu đúng theo thật-tánh của các pháp.

* Đại-thiện-nghiệp phát sinh do tạo 10 phước-thiện (puññakriyāvatthu)

Đại-thiện-nghiệp phát sinh do tạo 10 phước-thiện (puññakriyāvatthu):

1- Dānakusala: Phước-thiện bố-thí.

2- Sīlakusala: Phước-thiện giữ-giới.

3- Bhāvanākusala: Phước-thiện hành-thiền là hành pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ.

4- Apacāyanakusala: Phước-thiện cung-kính những bậc đáng tôn kính.

5- Veyyāvaccakusala: Phước-thiện hỗ-trợ trong việc tạo mọi phước-thiện.

6- Pattidānakusala: Phước-thiện hồi-hướng phần phước-thiện của mình đến cho những chúng-sinh khác.

7- Pattānumodanakusala: Phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng, hoặc chia sẻ.

8- Dhammasavanakusala: Phước-thiện nghe chánh-pháp của Đức-Phật. 

9- Dhammadesanākusala: Phước-thiện thuyết-pháp là thuyết giảng chánh-pháp của Đức-Phật.

10- Diṭṭhijukammakusala: Phước-thiện chánh-kiến đó là kammassakatāsammādiṭṭhi: chánh-kiến thấy đúng, hiểu đúng nghiệp là của riêng mình.

Puññakriyāvatthu có 10 pháp đều thuộc về ý-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm có đối-tượng theo mỗi phước-thiện ấy.

10 phước-thiện này được gom lại thành 3 nhóm:

1- Nhóm phước-thiện bố-thí gồm có 3 pháp:

– Phước-thiện bố-thí.

– Phước-thiện hồi-hướng.

– Phước-thiện hoan-hỷ.

2- Nhóm phước-thiện giữ-giới gồm có 3 pháp:

– Phước-thiện giữ-giới.

– Phước-thiện cung-kính.

– Phước-thiện hỗ-trợ.

3- Nhóm phước-thiện hành-thiền gồm có 4 pháp:

– Phước-thiện hành-thiền.

– Phước-thiện nghe pháp.

– Phước-thiện thuyết-pháp.

– Phước-thiện chánh-kiến.

Tuy nhiên, phước-thiện chánh-kiến rất cần cho cả 3 nhóm, để hỗ trợ cho mỗi phước-thiện có nhiều năng lực trở thành tam-nhân đại-thiện-nghiệp. 

Nhân phát sinh đại-thiện-tâm

Đại-thiện-tâm phát sinh do nương nhờ nơi ‘yonisomanasikāra’ trí-tuệ biết rõ trong tâm đúng theo thật-tánh của các pháp.

Để có yonisomanasikāra, cần phải nương nhờ cả nhân quá-khứ lẫn nhân hiện-tại, có 5 điều:

1- Pubbekatapuññatā: Đã từng tạo phước-thiện tích lũy từ những kiếp quá-khứ.

2- Paṭirūpadesavāsa: Sinh sống ở nơi thuận lợi có Phật-giáo.

3- Sappurisupanissaya: Được gần gũi thân cận với bậc thiện-trí trong Phật-giáo.

4- Saddhammassavana: Lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật.

5- Attasammāpaṇidhi: Tâm biết đúng trong chánh-pháp.

Yonisomanasikāra phát sinh cần phải có đủ 5 điều, nhân đầu tiên là do nương nhờ phước-thiện đã từng tích lũy từ những kiếp quá-khứ, còn lại 4 nhân sau do nương nhờ trong kiếp hiện-tại, người thiện cần phải hội đủ 5 nhân để cho yonisomanasikāra phát sinh.

 

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 10 - Đại-thiện-tâm có tám tâm chia theo trí-tuệ
Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 12 - Dục-giới quả-tâm & Duy-tác-tâm

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *