10 loại ác-nghiệp ở trong tâm nào?

Nương nhờ nơi môn nào?

* 10 loại ác-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 ác-tâm đó là: 8 tham-tâm + 2 sân-tâm + 2 si-tâm.

*10 loại ác-nghiệp được tạo do nương nhờ nơi 3 môn:

* Thân-môn: ác-nghiệp được tạo do nương nhờ nơi thân-môn, tạo 3 loại ác-nghiệp.

  • Ác-nghiệp sát-sinh
  • Ác-nghiệp trộm-cắp
  • Ác-nghiệp tà-dâm

3 loại ác-nghiệp này được tạo phần nhiều do nương nhờ nơi thân-môn, do đó gọi là thân ác-nghiệp hoặc thân hành-ác.

* Khẩu-môn: ác-nghiệp được tạo do nương nhờ nơi khẩu-môn, tạo 4 loại ác-nghiệp.

  • Ác-nghiệp nói dối.
  • Ác-nghiệp nói lời chia rẽ.
  • Ác-nghiệp nói lời thô tục.
  • Ác-nghiệp nói lời vô ích

4 loại ác-nghiệp này được tạo phần nhiều do nương nhờ nơi khẩu-môn, do đó gọi là khẩu ác-nghiệp hoặc khẩu hành-ác.

* Ý-môn: ác-nghiệp được tạo do nương nhờ nơi ý-môn, tạo 3 loại ác-nghiệp.

  • Ác-nghiệp tham lam của cải, tài sản người khác
  • Ác-nghiệp thù hận người khác
  • Ác-nghiệp tà-kiến thấy sai chấp lầm

3 loại ác-nghiệp này được tạo phần nhiều do nương nhờ nơi ý-môn, do đó gọi là ý ác-nghiệp hoặc ý hành-ác.

30 loại ác-nghiệp tính theo 3 thời kỳ tác-ý ác-tâm

10 loại ác-nghiệp này nếu tính theo 3 thời kỳ tác-ý ác-tâm thì có 30 loại ác-nghiệp như sau:

  • Pubbacetanā: Tác-ý ác-tâm phát sinh trước khi tạo 10 ác-nghiệp.
  • Muñcacetanā: Tác-ý ác-tâm phát sinh trong đang khi tạo 10 ác-nghiệp.
  • Aparacetanā: Tác-ý ác-tâm phát sinh sau khi đã tạo 10 ác-nghiệp.

Như vậy, 10 loại ác-nghiệp nhân với 3 thời kỳ tác-ý ác-tâm thành 30 loại ác-nghiệp.

40 loại ác-nghiệp tính theo 4 hạng người

10 loại ác-nghiệp này tính theo 4 hạng người thì có 40 loại ác-nghiệp như sau:

  • Sāhatthikaduccarita: Tự mình tạo 10 ác-nghiệp.
  • Āṇattikaduccarita: Sai khiến người tạo 10 ác-nghiệp.
  • Vaṇṇabhāsanaduccarita: Tán dương ca tụng người tạo 10 ác-nghiệp.
  • Samanuññāduccarita: Tâm hài lòng hoan hỷ trong 10 ác-nghiệp.

Ví dụ: Tạo ác-nghiệp sát-sinh

1- Người tự mình sát hại chúng-sinh.

2- Sai khiến, ra lệnh người khác sát hại chúng-sinh.

3- Người tán dương ca tụng người sát hại chúng-sinh.

4- Người tự mình không sát hại chúng-sinh, không sai khiến người khác sát hại chúng-sinh, cũng không nói lời tán dương ca tụng người khác sát hại chúng-sinh, mà lại phát sinh ác-tâm hoan hỷ khi thấy, nghe người khác sát hại chúng-sinh.

Nếu chúng-sinh ấy bị sát hại do tự mình sát hại chúng-sinh ấy, hoặc sai khiến, ra lệnh người khác sát hại chết chúng-sinh ấy, hoặc người tán dương ca tụng người giết hại chúng-sinh ấy, cả 3 hạng người này đã tạo ác-nghiệp sát-sinh hội đủ 5 chi-pháp. Còn hạng người nào phát sinh ác-tâm hoan hỷ khi thấy, nghe người khác sát hại chúng-sinh ấy, người ấy cũng đã tạo ác-nghiệp sát-sinh không hội đủ chi-pháp.

Cũng tương tự như ác-nghiệp sát-sinh, các ác-nghiệp khác còn lại cũng nên hiểu như vậy.

Như vậy, 10 loại ác-nghiệp nhân với 4 hạng người thành 40 loại ác-nghiệp.

Quả của thân hành ác (kāyaduccarita) và khẩu hành ác (vacīduccarita)

Trong kinh Duccaritavipākasutta(1) Đức-Phật thuyết dạy về quả của thân-hành-ác và quả của khẩu-hành-ác như sau:

– Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp sát-sinh, thường sát-sinh, sát-sinh nhiều. Người ấy sau khi chết, ác-nghiệp sát-sinh ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.

Nếu ác-nghiệp sát-sinh nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới), mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người chết yểu.

– Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp trộm-cắp, thường trộm-cắp, trộm-cắp nhiều. Người ấy sau khi chết, ác-nghiệp trộm-cắp ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.

Nếu ác-nghiệp trộm-cắp nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới), mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người có của cải, tải sản bị khánh kiệt, nghèo khổ thiếu thốn.

– Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp tà-dâm, thường tà-dâm, tà-dâm nhiều. Người ấy sau khi chết, ác-nghiệp tà-dâm ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ- quỷ.

Nếu ác-nghiệp tà-dâm nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới), mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người có nhiều người thù, có nhiều người oan trái.

– Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp nói dối, thường hay nói dối, nói dối nhiều lần. Người ấy sau khi chết, ác-nghiệp nói dối ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.

Nếu ác-nghiệp nói dối nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới), mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người thì người ấy sẽ là người thường bị vu oan giá họa với những điều không có thật.

– Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ, thường hay nói lời chia rẽ, nói lời chia rẽ nhiều lần. Người ấy sau khi chết, ác-nghiệp nói lời chia rẽ ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc- sinh, trong loài ngạ-quỷ.

Nếu ác-nghiệp nói lời chia rẽ nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới), mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người thì người ấy sẽ là người thường bị bạn bè xa lánh.

– Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), thường hay nói lời thô tục, nói lời thô tục nhiều lần. Người ấy sau khi chết, ác-nghiệp nói lời thô tục ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.

Nếu ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới), mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người thì người ấy sẽ là người thường nghe những lời nói cay độc.

– Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp nói lời vô ích, thường hay nói lời vô ích, nói lời vô ích nhiều lần. Người ấy sau khi chết, ác-nghiệp nói lời vô ích ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.

Nếu ác-nghiệp nói lời vô ích nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới), mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người thì người ấy sẽ là người nói điều gì cũng không ai tin tưởng, thường bị chống đối.

– Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp uống rượu và các chất say, thường hay uống rượu và các chất say, uống rượu và các chất say nhiều lần. Người ấy sau khi chết, ác-nghiệp uống rượu và các chất say ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.

Nếu ác-nghiệp uống rượu và các chất say nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới), mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người thì người ấy sẽ là người điên cuồng loạn trí.

(Xong bài kinh Duccaritavipākasutta)

1 Aṅguttaranikāya, Aṭṭhakanipāta, kinh Duccaritavipākasutta.

Uống rượu và các chất say thuộc về ác nghiệp nào?
Quả của thân hành ác (kāyaduccarita) và khẩu hành ác (vacīduccarita)

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *