Đức-Phật dạy:

“Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā tassa dāyādo bhavissāmi.”(1).

Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta; ta sẽ tạo nghiệp nào ‘thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp’ ta sẽ là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp hoặc quả khổ của ác-nghiệp ấy.

Danh từ kammassako’mhi: Ta có nghiệp là của riêng nghĩa là ta đã tạo thiện-nghiệp nào hoặc ác-nghiệp nào rồi thiện-nghiệp ấy hoặc ác-nghiệp ấy là của riêng ta, hoàn toàn không phải của chung với ai khác, không liên quan đến người nào khác, với chúng sinh nào khác

* Ta đã tạo mọi thiện-nghiệp nào hoặc mọi ác-nghiệp nào dù nhẹ, dù nặng, mọi thiện-nghiệp ấy hoặc mọi ác-nghiệp ấy được lưu trữ ở trong tâm của ta một cách nguyên vẹn, từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp, từ kiếp này sang kiếp kia, cho đến kiếp-hiện-tại, tất cả mọi nghiệp ấy không hề bị thất thoát chút nào, chỉ thuộc về của riêng ta mà thôi, dù cho thân có thay đổi theo mỗi kiếp, tuỳ theo quả của nghiệp của ta, song tâm vẫn sinh rồi diệt liên tục từ kiếp sang kiếp khác trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, đối với chúng sinh còn là hạng phàm-nhân.

Cũng như vậy, mỗi chúng sinh cũng có tất cả mọi ác-nghiệp, mọi thiện-nghiệp cũng được lưu-trữ ở trong tâm của mỗi chúng sinh, thuộc về của riêng của họ, hoàn toàn không phải của chung với ai khác, không liên quan đến người nào khác, với chúng sinh nào khác.

Thật ra, trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài của tất cả chúng sinh nói chung, mỗi người nói riêng, từ vô thuỷ trải qua số kiếp quá-khứ đến kiếp-hiện-tại này đã tạo vô số thiện-nghiệp và vô số ác-nghiệp đều được lưu trữ ở trong tâm của mỗi người, một cách nguyên vẹn, không hề thất thoát chút nào cả.

Quả Của Nghiệp (Kammaphala)

Đức-Phật dạy:

“ …. tassa dāyādo bhavissāmi.” Ta sẽ là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp ấy hoặc chịu đựng quả khổ của ác-nghiệp ấy.

* Nếu ta đã tạo thiện-nghiệp nào rồi thì ta sẽ là người thừa hưởng quả tốt, quả an-lạc của thiện-nghiệp ấy, như người thừa kế (dāyādo).

* Nếu ta đã tạo ác-nghiệp nào rồi thì ta sẽ là người chịu đựng quả xấu, quả khổ của ác-nghiệp ấy, như người thừa kế (dāyādo).

Đặc biệt, quả của đại-thiện-nghiệp hoặc quả của ác-nghiệp không chỉ có ta là người trực-tiếp thừa hưởng quả tốt, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy, hoặc chịu đựng quả xấu, quả khổ của ác-nghiệp ấy, mà còn gián-tiếp ảnh hưởng đến những người khác, chúng sinh khác gần gũi thân cận với ta nữa.

Ví dụ: tích Ngài Trưởng-lão Sīvali, tích Ngài Trưởng-lão Losakatissa.

* Số-Mệnh, Định-Mệnh

Vấn: Mỗi chúng sinh có số-mệnh của mình hay không?    

Đáp: Mỗi chúng sinh không có số-mệnh của mình.

Giả sử, nếu mỗi chúng sinh có số-mệnh, có định-mệnh của mình thật sự, thì ai có khả năng định sẵn số-mệnh, định-mệnh của mỗi chúng sinh lớn nhỏ trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới chúng sinh này ???

Thật ra, mỗi chúng sinh chỉ có nghiệp và quả của nghiệp của mình mà thôi, không có số-mệnh, định-mệnh của mình nào cả.

Nghiệp và quả của nghiệp đều thuộc về pháp-vô-ngã (anattā), nghiệp và quả của nghiệp được phát sinh do nhân-duyên của mỗi nghiệp ấy.

* Nếu khi dục-giới đại-thiện-nghiệp nào gặp thuận-duyên (sampatti), có cơ-hội cho quả thì chủ-nhân của nghiệp được hưởng quả tốt, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy như người thừa-kế (dāyāda), mà không có quyền khước từ.

* Nếu khi ác-nghiệp nào gặp nghịch-duyên (vipatti), có cơ-hội cho quả thì chủ-nhân của nghiệp phải chịu đựng quả xấu, quả khổ của ác-nghiệp ấy như người thừa kế (dāyāda), mà không có quyền khước từ.

* Tạo thiện-nghiệp có thể xoá được ác-nghiệp hay không?

* Thiện-nghiệp có 4 loại:

  • Dục-giới đại-thiện-nghiệp.
  • Sắc-giới thiện-nghiệp.
  • Vô-sắc-giới thiện-nghiệp.
  • Siêu-tam-giới thiện-nghiệp.

* Dục-giới đại-thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới đại-thiện-tâm.

* Sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 5 sắc-giới thiện-tâm là 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.

* Vô-sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 vô-sắc-giới thiện-tâm là 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.

3 loại thiện-nghiệp trên có trong Phật-giáo và cũng có ngoài Phật-giáo.

* Siêu-tam-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm.

Siêu-tam-giới thiện-nghiệp chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo.

* Ác-nghiệp có 3 loại:

  • Ác-nghiệp tà-kiến cố-định có 3 loại ác-nghiệp.
  • Ác-nghiệp vô-gián trọng-tội có 5 loại ác-nghiệp.
  • Ác-nghiệp loại thường có 10 ác-nghiệp do nương nhờ nơi thân, khẩu, ý.

* Nếu người nào có 1 trong 3 loại ác-nghiệp tà-kiến cố-định nghĩa là người ấy hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp, hoặc người nào đã tạo 1 trong 5 ác-nghiệp vô-gián trọng-tội thì người ấy không còn phương giải cứu, vô phương cứu chữa.

Người ấy sau khi chết, chắc chắn ác-nghiệp trọng-yếu ấy có quyền ưu tiên, có cơ-hội ưu tiên cho quả tái-sinh kiếp-kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy, suốt thời gian lâu dài trải qua nhiều đại-kiếp trái đất.

* Tuy nhiên, người nào đã tạo 1 trong 5 ác-nghiệp vô-gián trọng-tội rồi, về sau, người ấy biết ăn năn sám hối tội lỗi của mình, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, rồi giữ gìn ngũ-giới được trong sạch trọn vẹn, tránh xa mọi ác-nghiệp, cố gắng tinh-tấn chỉ tạo được mọi dục-giới đại-thiện-nghiệp mà thôi, nhưng không thể tạo được sắc-giới thiện-nghiệp, bởi vì ác-nghiệp vô-gián trọng-tội ngăn cản

sắc-giới thiện-nghiệp và siêu-tam-giới thiện-nghiệp.

Người ấy sau khi chết, đáng lẽ phải tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục Avīci, nhưng nhờ biết ăn năn sám hối tội lỗi của mình, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, rồi giữ gìn ngũ-giới trong sạch trọn vẹn, tránh xa mọi ác-nghiệp, cố gắng tinh-tấn tạo dục-giới đại-thiện-nghiệp, làm giảm được tiềm năng cho quả của ác-nghiệp vô-gián trọng-tội ấy, nên ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi tiểu-địa-ngục (tránh được cõi đại-địa-ngục Avīci).

Như trường-hợp Đức-vua Ajātasattu đã phạm tội giết Đức Phụ-vương Bimbisāra. Về sau, Đức-vua biết ăn năn sám hối tội lỗi với Đức-Phật, rồi có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, kính xin quy-y Tam-bảo, cố gắng tinh-tấn tạo mọi phước-thiện, nhất là có cơ-hội hộ độ 500 bậc Thánh-A-ra-hán, trong kỳ kết tập Tam-tạng pāḷi và chú-giải pāḷi lần thứ nhất, suốt 7 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam-tạng pāḷi và Chú-giải pāḷi.

Đức-vua Ajātasattu sau khi băng hà, ác-nghiệp vô-gián trọng-tội ấy chỉ cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi tiểu-địa-ngục Lohakumbhī: Nồi-đồng-sôi, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy suốt 60.000 năm.

Sau khi thoát ra khỏi cõi địa-ngục, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.

Khi trưởng thành, hậu kiếp của Đức-vua Ajātasattu đi xuất gia trở thành Đức-Phật Độc-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Độc-Giác Vijitāvi,([1])sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.

*Như vậy, trước kia, người nào đã tạo ác-nghiệp nặng nào rồi, về sau, người ấy không thể xoá bỏ ác-nghiệp nặng ấy được, nhưng có thể làm giảm tiềm năng cho quả của ác-nghiệp nặng ấy được.

Ví như muối có vị mặn, người ta không thể làm mất vị mặn của muối được, mà có thể làm giảm vị mặn của muối, bằng cách người ta đổ muối vào trong một cái hồ nước lớn, rồi múc nước đổ vào hồ càng nhiều nước bao nhiêu thì vị mặn của muối càng giảm bấy nhiêu.

Cũng như vậy, trước kia người nào đã tạo ác-nghiệp nặng nào rồi. Về sau, người ấy phát sinh đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, biết sám hối tội lỗi của mình, rồi tránh xa mọi ác-nghiệp, cố gắng tinh-tấn tạo mọi đại-thiện-nghiệp. Nhờ đại-thiện-nghiệp ấy làm giảm bớt tiềm năng cho quả của ác-nghiệp nặng ấy.

* Trước kia, nếu người nào đã tạo ác-nghiệp loại thường trong 10 ác-nghiệp do thân, khẩu, ý.

Về sau, người ấy biết ăn năn, sám hối tội lỗi của mình, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo:Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới, rồi giữ gìn ngũ-giới trong sạch trọn vẹn, có tác-ý tránh xa mọi ác-nghiệp, chỉ tạo mọi thiện-nghiệp.

Nếu người ấy vốn là hạng người tam-nhân thì có khả năng tạo mọi thiện-nghiệp, từ dục-giới đại-thiện-nghiệp, 5 sắc-giới thiện-nghiệp, 4 vô-sắc-giới thiện-nghiệp, cho đến siêu-tam-giới thiện-nghiệp đó là thiện-nghiệp trong 4 Thánh-đạo-tâm liền cho quả là 4 Thánh-quả-tâm, trở thành bậc Thánh-A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.

Ví dụ: tích Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla.

Trước kia, Aṅgulimāla là kẻ cướp sát nhân trú trong rừng sâu, đã từng giết hại hơn cả ngàn người, rồi cắt đầu ngón tay làm vòng đeo cổ, nên có danh hiệu là Aṅgulimāla.

Về sau, Đức-Phật ngự vào khu rừng, tế độ Aṅgulimāla. Kẻ cướp sát nhân Aṅgulimāla biết phục thiện, rồi ném khí giới xuống hố, từ bỏ ác-nghiệp sát-sinh, kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu.

Sau khi trở thành tỳ-khưu, tỳ-khưu Aṅgulimāla tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng-ngộ chân-lý tứ-Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh-A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài. Cho nên, tất cả mọi ác-nghiệp và mọi thiện-nghiệp đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosi-kamma), không còn có cơ-hội cho quả được nữa.

*Tạo ác-nghiệp có thể ngăn cản được thiện-nghiệp hay không?

Nếu người nào trước đã tạo thiện-nghiệp, về sau tạo ác-nghiệp vô-gián trọng-tội thì chắc chắn ác-nghiệp vô-gián trọng-tội ngăn cản thiện-nghiệp không có cơ-hội

cho quả của thiện-nghiệp ấy.

* Như trường-hợp tỳ-khưu Devadatta trước đã chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-nghiệp, chứng đắc các phép thần-thông, nhưng về sau, tỳ-khưu Devadatta tạo ác-nghiệp chia rẽ chư tỳ-khưu-Tăng, làm bầm máu bàn chân của Đức-Phật, đã tạo ác-nghiệp vô-gián trọng-tội.

Tỳ-khưu Devadatta sau khi chết, chắc chắn ác-nghiệp vô-gián trọng-tội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp vô-gián trọng-tội ấy, bị thiêu đốt suốt 100 ngàn đại-kiếp trái đất,

mới mãn quả của ác-nghiệp ấy.

Sau khi thoát ra khỏi cõi địa-ngục, nhờ đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.

Khi trưởng thành, hậu kiếp của tỳ-khưu Devadatta đi xuất gia trở thành Đức-Phật Độc-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Độc-Giác Aṭṭhissara,([2]) rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.

*Ác-nghiệp có cơ-hội cho quả khổ.

* Thiện-nghiệp có cơ-hội cho quả an-lạc.

Đó là sự công bằng của nghiệp và quả của nghiệp.

Những Quan Niệm Về Nghiệp Và Quả Của Nghiệp

* Nghiệp và quả của nghiệp hoàn toàn không phải là định-mệnh, hoặc số-mệnh định sẵn của mỗi chúng sinh, bởi vì mỗi người có quyền tuyệt đối chủ động tự chọn lựa muốn tạo ác-nghiệp nào hoặc thiện-nghiệp nào theo khả năng của mình, nghĩa là mỗi người muốn quả an-lạc của thiện-nghiệp như thế nào, thì chủ động tự chọn lựa tạo thiện-nghiệp như thế ấy.

* Nghiệp và quả của nghiệp được diễn biến theo thời

gian qua mỗi thời thiếu-niên, thời trung-niên, thời lão-niên của cuộc đời của mỗi người.

* Số người có đại-thiện-nghiệp cho quả an-lạc suốt 3 thời: thời thiếu-niên, thời trung-niên, thời lão-niên được giàu sang, phú quý suốt cuộc đời.

* Số người có ác-nghiệp cho quả khổ trong thời thiếu-niên, đến thời trung-niên, thời lão-niên thì đại-thiện-nghiệp cho quả an-lạc, được giàu sang, phú quý.

* Số người có ác-nghiệp cho quả khổ trong thời thiếu-niên, thời trung-niên, đến thời lão-niên thì đại-thiện-nghiệp cho quả an-lạc, được giàu sang, phú quý.

* Số người có đại-thiện-nghiệp cho quả an-lạc trong thời thiếu-niên, đến thời trung-niên, thời lão-niên thì ác-nghiệp cho quả khổ cho đến lúc chết. v.v….

Như vậy, không có số-mệnh định sẵn cho cuộc đời của mỗi người, hoặc cuộc đời của mỗi chúng sinh, sự-thật chỉ có quả của đại-thiện-nghiệp và quả của ác-nghiệp mà thôi.

Tuy nhiên mỗi quả của nghiệp dù nặng, dù nhẹ cũng đều có thời hạn, mà chỉ có Đức-Phật mới biết thời hạn quả của nghiệp ấy mà thôi.

Cho nên, người có nhiều của cải tài-sản, có quyền cao chức trọng không phải là số-mệnh, mà sự-thật đó là quả của đại-thiện-nghiệp trong kiếp-hiện-tại hoặc trong những kiếp quá-khứ của họ.

Người nghèo khổ thiếu thốn cũng không phải là số-mệnh, mà sự-thật đó là quả của ác-nghiệp trong kiếp-hiện-tại hoặc trong những kiếp quá-khứ của họ.

Nghiệp và quả của nghiệp có câu kệ rằng:

“ Yādisaṃ vapate bījaṃ, tādisaṃ harate phalaṃ.

Kalyāṇakārī kalyāṇaṃ, pāpakārī ca pāpakaṃ.”([3])

Người nào gieo hạt giống thế nào,

Người ấy gặp quả như thế ấy.

Người hành thiện thì được quả thiện,

Người hành ác thì chịu quả ác.

Quả Của Nghiệp

Thiện-nghiệp ác-nghiệp của riêng của mỗi chúng sinh nói chung, mỗi người nói riêng, không phải là của chung với ai cả, không liên quan với chúng sinh khác, với người khác.

Quả của đại-thiện-nghiệp quả của ác-nghiệp không chỉ là của riêng trực-tiếp đối với chủ-nhân của nghiệp, mà còn gián-tiếp ảnh hưởng đến những gần gũi thân cận khác nữa.

Ví dụ: Người con được sinh ra trong gia đình ông phú-hộ, người con được hưởng mọi sự an-lạc trong cuộc sống, kể từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành, do nương nhờ nơi quả của đại-thiện-nghiệp của phú-hộ thân-phụ hoặc của thân-mẫu.

* Ông phú-hộ có được nhiều của cải tài-sản lớn lao trong kiếp-hiện-tại này, đó là quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí mà tiền-kiếp của ông đã tạo trong kiếp quá-khứ.

* Con của ông phú-hộ có 2 hạng người:

– Nếu con của ông phú-hộ là người mà tiền-kiếp đã từng làm phước-thiện bố-thí chung với ông phú-hộ thì kiếp-hiện-tại này hưởng được mọi sự an-lạc trong của cải tài-sản ấy.

Khi ông phú-hộ thân-phụ sau khi chết, người con ấy tiếp tục thừa kế tất cả của cải tài-sản của thân-phụ để lại cho đến trọn đời.

– Nếu con của ông phú-hộ là người mà tiền-kiếp không từng làm phước-thiện bố-thí chung với ông phú-hộ thì kiếp-hiện-tại này chỉ hưởng được mọi sự an-lạc trong của cải tài-sản ấy, do nương nhờ quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí của ông phú-hộ thân-phụ mà thôi.

Khi ông phú-hộ sau khi chết, tất cả của cải tài-sản của thân-phụ để lại sẽ bị mai một theo thời gian. Người con không thể giữ gìn duy trì của cải tài-sản ấy được, bởi vì đó là quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí của thân-phụ, không phải là của người con.

Như tích Mahādhanaseṭṭhiputtavatthu([4])được tóm lược :

Trong kinh-thành Bārāṇasī có 2 gia đình phú-hộ, mỗi gia đình có của cải tài-sản đến 80 triệu, một gia đình phú-hộ này có một đứa con trai, một gia đình phú-hộ kia có một đứa con gái.

Hai gia đình phú-hộ tác hợp cho hai người con thành đôi vợ chồng. Khi cha mẹ đôi bên đều qua đời, đôi vợ chồng trẻ thừa kế đại tài-sản lớn gồm có 160 triệu, nên gọi là “mahādhanaseṭṭhiputta: con phú-hộ đại tài sản.”

Về sau, người chồng gần gũi với bọn người ác nghiện rượu, nên trở thành người nghiện rượu cùng với bọn nghiện rượu, tiêu xài phung phí vui chơi ca hát, rượu chè, hết sạch của cải tài-sản gồm có 160 triệu, cuối cùng bán luôn cả ngôi nhà, rồi hai vợ chồng già dắt nhau đi xin ăn, sống nhờ mái hiên nhà người khác.

Của cải tài-sản ấy là quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí

của cha mẹ, không phải là của hai người con, nên khi cha mẹ còn sống thì người con nương nhờ nơi cha mẹ hưởng được mọi sự an-lạc . Đến khi cha mẹ qua đời, hai người con không thể giữ gìn của cải tài-sản ấy được, nên khiến tiêu xài phung phí hết sạch như vậy.

Quả của đại-thiện-nghiệp, có khi con nương nhờ nơi cha mẹ, có khi cha mẹ nương nhờ nơi người con.

* Satta: Chúng sinh có 2 hạng:

– Satta: Chúng sinh không phải là Đức-Bồ-tát.

Bodhisatta: Chúng sinh là Đức-Bồ-tát.

Mỗi chúng sinh (satta) chỉ có nghiệpcủa riêng mà thôi, ngoài nghiệp ra không có gì thật sự thuộc về của riêng trong mỗi kiếp tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài cả.

* Satta: Chúng sinh không phải là Đức-Bồ-tát đã tạo mọi ác-nghiệp và mọi thiện-nghiệp dù nhẹ dù nặng đều được lưu trữ ở trong tâm của mỗi chúng sinh, từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp cho đến kiếp-hiện-tại, không hề thất thoát chút nào cả, mặc dù mỗi kiếp có thân (sắc-uẩn) thay đổi do năng lực của quả của nghiệp, nhưng tất cả mọi nghiệp ấy vẫn được lưu trữ trong tâm (danh-uẩn) nguyên vẹn của mỗi chúng sinh.

* Nếu khi ác-nghiệp cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì sinh trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.

* Nếu khi thiện-nghiệp cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì sinh trong cõi thiện-giới cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới, 16 cõi trời sắc-giới phạm-thiên, 4 cõi trời vô-sắc-giới phạm-thiên, được sinh làm loài chúng sinh nào, trong cõi-giới nào hoàn toàn tuỳ thuộc vào quả của thiện-nghiệp ấy, hưởng quả an-lạc cho đến khi mãn quả của thiện-nghiệp ấy, rồi tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác tuỳ theo nghiệp cho quả.

* Đối với chúng sinh không phải là Đức-Bồ-tát trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài từ vô thuỷ đến vô chung.

* Bodhisatta là hạng chúng sinh có trí-tuệ sáng suốt có mục đích cứu cánh cuối cùng là Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Bodhisatta có 3 hạng([5])

  • Sammāsambodhisatta:Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-giác.
  • Paccekabodhisatta: Đức-Bồ-tát Độc-giác.
  • Sāvakabodhisatta: Vị-Bồ-tát thanh-văn-giác

1- Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác là Đức-Bồ-tát có nguyện vọng muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác để thuyết-pháp tế độ chúng sinh.

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo đại-thiện-nghiệp gọi là pháp-hạnh ba-la-mật gồm có 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng cho được đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật.

Trong thời-kỳ không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác xuất gia tự mình thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng-ngộ chân-lý tứ-Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền-khiên-tật xấu (vāsanā), trở thành bậc Thánh-A-ra-hán đầu tiên gọi là Đức-Phật

Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị trong muôn ngàn cõi-giới chúng sinh. Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thuyết-pháp tế độ chúng sinh chứng-ngộ chân-lý tứ-Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn. …

2- Đức-Bồ-tát Độc-Giác là Đức-Bồ-tát có nguyện vọng tự mình muốn trở thành Đức-Phật Độc-Giác.

Đức-Bồ-tát Độc-Giác cần phải tạo đại-thiện-nghiệp gọi là pháp-hạnh ba-la-mật gồm có 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung cho được đầy đủ trọn vẹn 20 pháp-hạnh ba-la-mật.

Trong thời-kỳ không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian, Đức-Bồ-tát Độc-Giác xuất gia tự mình thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng-ngộ chân-lý tứ-Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh-A-ra-hán gọi là Đức-Phật Độc-Giác không có khả năng thuyết-pháp tế độ chúng sinh chứng-ngộ chân-lý tứ-Thánh-đế y theo Đức-Phật Độc-Giác được.

Đức-Phật Độc-Giác có nhiều Vị trong cùng thời.

3- Vị Bồ-tát thanh-văn-giác là vị-Bồ-tát có nguyện   vọng muốn trở thành vị Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.      

Vị Bồ-tát thanh-văn-giác cần phải tạo đại-thiện-nghiệp gọi là pháp-hạnh ba-la-mật có 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ cho được đầy đủ trọn vẹn.

Vị Bồ-tát thanh-văn-giác chờ khi có Đức-Phật Chánh-

Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian. Khi ấy vị Bồ-tát thanh-văn-giác đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, hoặc lắng nghe chánh-pháp từ bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng-ngộ chân-lý tứ-Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt được mọi tham-ái, mọi phiền-não, trở thành bậc Thánh-A-ra-hán là hạng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Bậc Thánh-A-ra-hán thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật có khả năng thuyết-pháp tế độ chúng sinh y theo lời giáo huấn của Đức-Phật.

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Phật Độc-Giác, bậc Thánh-A-ra-hán thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật cuối cùng đều tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.

* Đối với chúng sinh là chư Đức-Bồ-tát trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài từ vô thuỷ mà hữu chung.

Tóm lại, nghiệp và quả của nghiệp như là định-luật nhân và quả.

Đối với tất cả mọi người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu (Jumbudīpa) trái đất mà mọi người đang sinh sống.

Người nào trong cuộc sống, khi thì đại-thiện-nghiệp có cơ-hội cho quả tốt, quả an-lạc, khi thì ác-nghiệp có cơ-hội cho quả xấu, quả khổ, người ấy không hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp, nên có quan niệm rằng:

“ Cuộc sống của ta khi thì gặp may, khi thì gặp rủi.”

Thật ra, trong đời này, cuộc sống của mỗi người đều

tuỳ thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp mà mỗi người đã tạo trong kiếp-hiện-tại và vô số kiếp quá-khứ.

* Sự-thật, nghiệp và quả của nghiệp là 1 trong 4 điều bất khả tư nghì mà Đức-Phật thuyết dạy trong bài kinh Acinteyyasutta([6]) rằng:

– “Này chư tỳ-khưu! Có 4 điều bất-khả tư-nghì này không nên suy nghĩ, người nào suy nghĩ sẽ trở thành người loạn trí, điên cuồng, làm khổ não.   4 điều bất khả tư nghì là:

  • Năng lực phi thường của chư Phật đó là điều bất-khả tư-nghì không nên suy nghĩ, người nào suy nghĩ sẽ trở thành người loạn trí, điên cuồng, làm khổ não.
  • Năng lực phi thường của thiền-định, phép thần-thông đó là điều bất-khả tư-nghì không nên suy nghĩ, người nào suy nghĩ sẽ trở thành người loạn trí, điên cuồng, làm khổ não.
  • Nghiệp và quả của nghiệp đó là điều bất-khả tư-nghì không nên suy nghĩ, người nào suy nghĩ sẽ trở thành người loạn trí, điên cuồng, làm khổ não.
  • Suy nghĩ về tạo cõi-giới này đó là điều bất-khả tư-nghì không nên suy nghĩ, người nào suy nghĩ sẽ trở thành người loạn trí, điên cuồng, làm khổ não.

– Này chư tỳ-khưu! Có 4 điều bất-khả tư-nghì này không nên suy nghĩ, người nào suy nghĩ sẽ trở thành người loạn trí, điên cuồng, làm khổ não.”

Chỉ có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thấy rõ biết rõ nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng sinh trong kiếp-hiện-tại và những kiếp quá-khứ mà thôi.

Ngoài Đức-Phật ra, các bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đều không có khả năng thấy rõ biết rõ nghiệp và quả của nghiệp của chúng sinh.

Để hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp, mỗi người nên gần gũi, thân cận với chư bậc thiện-trí trong Phật-giáo, lắng nghe, học hỏi về nghiệp và quả của nghiệp, để phát sinh đại-thiện-tâm, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp của mình, mà tránh xa mọi ác-nghiệp, cố gắng tinh-tấn tạo mọi thiện-nghiệp tuỳ theo khả năng của mình, mới có được kammassakatā sammādiṭṭhi: chánh-kiến về nghiệp của mình.

Cuối năm 2014, P.L 2558,

tại rừng núi Viên Không

Xã Tóc Tiên, Huyện Tân Thành

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Tỳ-khưu Hộ-Pháp

(Dhammarakkhita Bhikkhu)

(Aggamahāpaṇḍita)

1Aṅg. phần Pañcakanipāta, kinh Abhiṇhapaccavekkhitabbaṭhānasutta.

[1] Bộ Dīghanikāya, Aṭṭhakāthā, Sāmaññaphalasuttavaṇṇanā

[2] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tich Devadattavatthu

[3] Bộ Samyuttanikāya, phần Sagāthavagga, Kinh Samuđakasutta

[4] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, Jarāvagga, tích Mahādhanaseṭṭhiputtavatthu

[5] Tìm hiểu đầy đủ trong bộ Nền-Tảng Phật-Giáo, quyển VI, Pháp-Hạnh Ba-La-Mật, tập 1, cùng soạn giả.

[6] Aṅguttaranikāya. phần Catukkanipātapāḷi, kinh Acinteyyasutta

Tóm Lược Các-Nghiệp Và Quả Của Các-Nghiệp

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *