4- Ân-Đức Phật-Bảo Thứ Tư: Sugato
Itipi so Bhagavā Sugato.
(Cách đọc: Í-tí-pí xô Phá-gá-voa Xú-gá-tô)
Nghĩa:
– So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
– Itipi: Do Ngài là Bậc thuyết pháp chân-lý đem lại sự lợi ích thật sự cho chúng-sinh.
– Sugato: Do đó, Đức-Thế-Tôn có Ân-đức Thiện Ngôn.
Sugato có 4 ý nghĩa
– Thuyết pháp chân-lý đem lại sự lợi ích cho chúng-sinh.
– Ngự theo chánh-đạo.
– Ngự đến Niết-bàn an-lạc tuyệt đối.
– Ngự đến mục đích cao thượng, bất thoái chí.
Giải thích:
1- Sugato có ý nghĩa thuyết pháp chân-lý đem lại sự lợi ích cho chúng-sinh như thế nào?
Đức-Thế-Tôn tùy thời thuyết pháp chân-lý chắc chắn đem lại sự lợi ích cho chúng-sinh, nếu không đem lại sự lợi ích thì Đức-Thế-Tôn không thuyết pháp. Đức-Thế- Tôn biết rõ 6 trường hợp, trường hợp nào nên thuyết giảng và trường hợp nào không nên thuyết giảng như sau:
– Đức-Thế-Tôn biết rõ pháp nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỷ. Đức-Phật không thuyết giảng pháp ấy.
– Đức-Thế-Tôn biết rõ pháp nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, dù người nghe hài lòng, hoan hỷ. Đức-Phật vẫn không thuyết giảng pháp ấy.
– Đức-Thế-Tôn biết rõ pháp nào chân thật, nhưng không đem lại sự lợi ích, dù người nghe hài lòng, hoan hỷ. Đức-Phật vẫn không thuyết giảng pháp ấy.
– Đức-Thế-Tôn biết rõ pháp nào chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỷ. Đức-Phật không thuyết giảng pháp ấy.
– Đức-Thế-Tôn biết rõ pháp nào chân thật, đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỷ. Đức- Phật biết rõ tùy nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng pháp ấy.
– Đức-Thế-Tôn biết rõ pháp nào chân thật, đem lại sự lợi ích, người nghe hài lòng, hoan hỷ. Đức-Phật biết rõ tùy nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng pháp ấy.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sugato với ý nghĩa thuyết pháp chân-lý đem lại sự lợi ích cho chúng-sinh.
2- Sugato có ý nghĩa ngự theo chánh-đạo như thế nào?
Đức-Thế-Tôn ngự (hành) theo chánh-đạo hợp đủ 8 chánh là:
* Chánh-kiến: Trí-tuệ chân-chánh là trí-tuệ thiền-tuệ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.
* Chánh-tư-duy: Tư-duy chân-chánh là:
– Tư-duy thoát khỏi ngũ-dục,
– Tư-duy không thù oán,
– Tư-duy không hại chúng-sinh.
* Chánh-ngữ: Lời nói chân-chánh là:
– Không nói dối,
– Không nói lời đâm thọc chia rẽ,
– Không nói lời thô tục,
– Không nói lời vô ích.
* Chánh-nghiệp: Hành nghiệp chân-chánh là:
– Không sát sanh,
– Không trộm cắp,
– Không tà dâm.
* Chánh-mạng: Nuôi mạng chân-chánh là không sống theo tà mạng do thân hành ác, khẩu nói ác.
* Chánh-tinh-tấn: Tinh-tấn chân-chánh đó là:
– Tinh-tấn ngăn ác-pháp chưa sinh, không cho sinh.
– Tinh-tấn diệt ác-pháp đã sinh.
– Tinh-tấn làm cho thiện-pháp chưa sinh, được sinh.
– Tinh-tấn làm cho tăng trưởng thiện-pháp đã sinh.
* Chánh-niệm: Niệm chân-chánh là:
– Niệm thân, thân là đối-tượng của chánh-niệm…
– Niệm thọ, thọ là đối-tượng của chánh-niệm…
– Niệm tâm, tâm là đối-tượng của chánh-niệm…
– Niệm pháp, pháp là đối-tượng của chánh-niệm…
* Chánh-định: Định chân-chánh là định-tâm trong các bậc thiền siêu-tam-giới có Niết-bàn làm đối-tượng:
– Định trong đệ nhất thiền siêu-tam-giới,
– Định trong đệ nhị thiền siêu-tam-giới,
– Định trong đệ tam thiền siêu-tam-giới,
– Định trong đệ tứ thiền siêu-tam-giới,
– Định trong đệ ngũ thiền siêu-tam-giới.
Chánh-đạo hợp đủ 8 chánh này đồng sinh trong Thánh-đạo-tâm, Thánh-quả-tâm, có Niết-bàn làm đối-tượng.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sugato với ý nghĩa ngự theo chánh-đạo.
3- Sugato có ý nghĩa ngự đến Niết-bàn an-lạc tuyệt đối như thế nào?
Đức-Thế-Tôn là Bậc đầu tiên chứng ngộ Niết-bàn bằng trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới đó là: 4 Thánh-đạo- tuệ, 4 Thánh-quả-tuệ, nên Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sugato với ý nghĩa ngự đến Niết-bàn an-lạc tuyệt đối.
Về sau, Đức-Thế-Tôn thuyết pháp tế độ các hàng đệ- tử cũng chứng ngộ Niết-bàn cũng bằng Thánh-đạo-tuệ, Thánh-quả-tuệ, nhưng những bậc Thánh thanh-văn đệ- tử này không có ân-đức Sugato như Đức-Thế-Tôn, vì không phải bậc đầu tiên chứng ngộ Niết-bàn.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn mới có ân-đức Sugato với ý nghĩa ngự đến Niết-bàn an-lạc tuyệt đối mà thôi.
4- Sugato có ý nghĩa ngự đến mục đích cao thượng, bất thoái chí như thế nào?
Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Sumedha, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác. Lần đầu tiên, Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Sumedha được Đức-Phật Dīpaṅkara thọ ký xác định thời gian còn 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp nữa, sẽ trở thành Đức- Phật Chánh-Đẳng-Giác, có danh hiệu Đức-Phật Gotama.
Từ đó, Đức-Bồ-tát trở thành Đức-Bồ-tát cố-định tiếp tục thực-hành cho đầy đủ 30 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung và 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng, suốt khoảng thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất một cách bất thoái chí.
Đến kiếp chót, Đức-Bồ-tát Siddhattha từ bỏ ngai vàng, đi xuất gia đã chứng đắc thành Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác, có danh hiệu Đức-Phật Gotama.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sugato với ý nghĩa ngự đến mục đích cao thượng bất thoái chí.
Ân-đức Sugato có 4 ý nghĩa tóm tắt này, đặc biệt đáng ghi nhớ ý nghĩa ân-đức Sugato là Đức-Thế-Tôn thuyết pháp chân-lý đem lại sự lợi ích cho chúng-sinh
Niệm Ân-Đức Sugato
Các hàng thanh-văn đệ-tử thường niệm tưởng đến ân- đức Phật-bảo, niệm “ân-đức Sugato” này, sẽ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Thế-Tôn, có trí-tuệ sáng suốt, phát sinh hỷ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Đức-Thế- Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước-thiện được tăng trưởng.
Hành-giả thực-hành đề-mục niệm-niệm ân-đức Phật- bảo, niệm ân-đức Sugato như sau:
Câu ân-đức Sugato rằng: “Itipi so Bhagavā Sugato,… Itipi so Bhagavā Sugato, … Itipi so Bhagavā Sugato, …” làm đối-tượng thiền-định.
Hoặc danh từ ân-đức Sugato rằng: “Sugato, … Sugato, … Sugato, …” làm đối-tượng thiền-định.
Đề-mục thiền-định niệm ân-đức Phật-bảo, niệm ân- đức Sugato này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi-tế, rộng lớn vô lượng vô biên. Vì vậy, định-tâm không thể an định vào một pháp nào nhất định làm đối-tượng được, nên chỉ có khả năng dẫn đến chứng đạt cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không có khả năng chứng đạt đến an-định (appanāsamādhi), nên không thể chứng đắc được bậc thiền sắc-giới nào.
Như vậy, tâm cận-định này vẫn còn trong dục-giới thiện-tâm.
(Phần còn lại giống như Ân-đức Arahaṃ)
5- Ân-Đức Phật-Bảo Thứ Năm: Lokavidū
Itipi so Bhagavā Lokavidū.
(Cách đọc: Í-tí-pí xô Phá-gá-voa Lô-ká-ví-đu).
Nghĩa:
– So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
– Itipi: Do Ngài là Bậc thấy rõ, biết rõ tổng các loài chúng-sinh, tổng các cõi thế giới chúng-sinh, tổng các pháp-hành.
– Lokavidū: Do đó, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Thông- Suốt Tam-Tổng-Pháp.
* Loka là các pháp có sự sinh, sự diệt, sự thành, sự hoại, … ngũ-uẩn của mình gọi là loka.
Tam-tổng-pháp có 3 loại
1- Tổng các loài chúng-sinh (sattaloka).
2- Tổng các cõi thế giới chúng-sinh (okāsaloka).
3- Tổng các pháp-hành (saṅkhāraloka).
Đức-Thế-Tôn có 2 loại trí-tuệ đặc biệt mà Chư Phật Độc-Giác và bậc Thánh thanh-văn không có là:
– Indriyaparopariyattañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ căn duyên cao thấp của mỗi chúng-sinh.
– Āsayānusayañāṇa:Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ phiền-não ngấm ngầm, thiện-nghiệp, ác-nghiệp của mỗi chúng-sinh.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có khả năng đặc biệt thông suốt tam-tổng-pháp.
1- Thế nào gọi là tổng các loài chúng-sinh?
Chúng-sinh thế giới có nhiều loại.
Về nơi sinh có 4 loại
– Thai-sinh: Chúng-sinh sinh từ bụng mẹ như loài người, voi, ngựa, trâu, bò, …
– Noãn-sinh: Chúng-sinh sinh từ trứng như gà, vịt, chim,..
– Thấp-sinh: Chúng-sinh sinh từ nơi ẩm thấp như con dòi, con giun,…
– Hóa-sinh: Chúng-sinh sinh hiện hữu ngay tức thì như chư-thiên, phạm-thiên, loài ngạ-quỷ, a-su-ra, chúng-sinh địa-ngục, con người đầu tiên xuất hiện trên trái đất này.
Về uẩn có 3 loại
– Chúng-sinh có ngũ-uẩn (sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng- uẩn, hành-uẩn và thức-uẩn) trong 11 cõi dục-giới và 15 cõi sắc-giới.
– Chúng-sinh có tứ-uẩn (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn và thức-uẩn không có sắc-uẩn) trong 4 cõi vô-sắc-giới.
– Chúng-sinh có nhất-uẩn là sắc-uẩn (không có 4 danh-uẩn) trong cõi sắc-giới Vô-tưởng-thiên.
Đức-Thế-Tôn biết rõ tất cả mọi loài chúng-sinh có căn duyên cao hoặc thấp, có phiền-não ngấm ngầm nặng hoặc nhẹ, có bản tánh riêng của mỗi chúng-sinh, có nguyện vọng cao quý hoặc thấp hèn, có 5 pháp-chủ (indriya) tín pháp-chủ, tấn pháp-chủ, niệm pháp-chủ, định pháp-chủ, tuệ pháp-chủ già dặn hoặc còn non nớt.
Chúng-sinh có khả năng chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả trong kiếp hiện-tại, hoặc kiếp vị-lai sẽ chứng đắc thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Phật Độc- Giác, hoặc bậc Thánh thanh-văn-giác, …
Chúng-sinh không có khả năng chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả trong kiếp hiện-tại, bởi do nguyên nhân nào. Đức-Thế-Tôn thấy rõ, biết rõ thông suốt tất cả các loài chúng-sinh không còn dư sót.
2- Thế nào gọi là tổng các cõi thế giới chúng-sinh ?
Cõi thế giới là nơi tạm trú của tất cả các loài chúng- sinh hiện-hữu, tùy theo thiện-nghiệp, ác-nghiệp cho quả và hỗ trợ chúng-sinh.
Tam-Giới
Tam-giới là 3 cõi giới, nơi sinh của các loài chúng- sinh gồm có 31 cõi như sau: dục-giới có 11 cõi, sắc-giới có 16 cõi, vô-sắc-giới có 4 cõi.
11 Cõi Dục-giới
* 4 cõi ác-giới
– Cõi địa-ngục: Chúng-sinh có tuổi thọ không nhất định.
– Cõi a-su-ra: Chúng-sinh có tuổi thọ không nhất định.
– Loại ngạ-quỷ: Chúng-sinh có tuổi thọ không nhất định.
– Loài súc-sinh: Chúng-sinh có tuổi thọ không nhất định.
* 7 cõi thiện dục-giới
– Cõi người: Con người có tuổi thọ không nhất định.
– Cõi Tứ-đại-thiên-vương: Chư-thiên có tuổi thọ 500 tuổi trời, bằng 9 triệu năm cõi người (bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 50 năm cõi người).
– Cõi Tam-thập-tam-thiên: Chư-thiên có tuổi thọ
1.000 tuổi trời, bằng 36 triệu năm cõi người (bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 100 năm cõi người).
– Cõi Dạ-ma-thiên: Chư-thiên có tuổi thọ 2.000 tuổi trời, bằng 144 triệu năm cõi người (bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 200 năm cõi người).
– Cõi Đâu-suất đà-thiên: Chư-thiên có tuổi thọ 4.000 tuổi trời, bằng 576 triệu năm cõi người (bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 400 năm cõi người).
– Cõi Hóa-lạc-thiên: Chư-thiên có tuổi thọ 8.000 tuổi trời, bằng 2.304 triệu năm cõi người (bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 800 năm cõi người).
– Cõi Tha-hóa-tự-tại-thiên: Chư-thiên có tuổi thọ 16.00 tuổi trời, bằng 9.216 triệu năm cõi người (bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 1.600 năm cõi người).
16 Cõi Sắc-giới Phạm-thiên
* Đệ nhất thiền sắc-giới có 3 cõi
– Cõi Phạm-chúng-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 1/3 a-tăng-kỳ kiếp trụ(1).
– Cõi Phạm-phụ-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 1/2 a- tăng-kỳ kiếp trụ.
– Cõi Đại-phạm-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 1 a- tăng-kỳ kiếp trụ.
* Đệ nhị thiền sắc-giới có 3 cõi
– Cõi Thiểu-quang-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 2 đại-kiếp(2).
– Cõi Vô-lượng-quang-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 4 đại-kiếp.
– Cõi Quang-âm-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 8 đại-kiếp.
* Đệ tam thiền sắc-giới có 3 cõi
– Cõi Thiểu-tịnh-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 16 đại-kiếp.
– Cõi Vô-lượng-tịnh-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 32 đại-kiếp.
– Cõi Biến-tịnh-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 64 đại-kiếp.
* Đệ tứ thiền sắc-giới có 7 cõi
– Cõi Quảng-quả-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 500 đại-kiếp.
– Cõi Vô-tưởng-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 500 đại-kiếp.
– Cõi Tịnh-cư-thiên: Có 5 cõi dành riêng cho Phạm-thiên bậc Thánh Bất-lai chứng đắc đệ tứ thiền sắc-giới:
– Cõi Vô-phiền-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 1.000 đại-kiếp.
– Cõi Vô-nhiệt-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 2.000 đại-kiếp.
– Cõi Thiện-hiện-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 4.000 đại-kiếp.
– Cõi Thiện-kiến-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 8.000 đại-kiếp.
– Cõi Sắc-cứu-cánh-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 16.000 đại-kiếp.
4 Cõi Vô-sắc-giới Phạm-thiên
– Không-vô-biên-xứ-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 20.000 đại-kiếp.
– Thức-vô-biên-xứ-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 40.000 đại-kiếp.
– Vô-sở-hữu-xứ-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 60.000 đại-kiếp.
– Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiên: Phạm-thiên có tuổi thọ 84.000 đại-kiếp.
– 1 tam-giới gồm có 31 cõi.
– 1 tiểu-thế-giới có 31.000 cõi.
– 1 trung-thế-giới gồm có 31 triệu cõi.
– 1 đại-thế-giới gồm có 31 triệu triệu cõi (31.000 tỷ cõi)
Đức-Thế-Tôn không những thông suốt 31.000 tỉ cõi mà còn thông suốt vô số cõi thế giới (anantacakkavāḷa).
3- Thế nào gọi là tổng các pháp-hành?
Tổng các pháp-hành là ngũ-uẩn do nhân-duyên cấu tạo, nên có sự sinh, sự diệt. Tổng các loài chúng-sinh và tổng các cõi thế-giới chúng-sinh thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma), còn tổng các pháp-hành thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).
Đức-Thế-Tôn thông suốt tổng các pháp-hành có nhiều loại như sau:
– Pháp-hành có 1 pháp: tất cả chúng-sinh được tồn tại do nhờ nhân (āhāra).
– Pháp-hành có 2 pháp: danh-pháp và sắc-pháp.
– Pháp-hành có 3 thọ: thọ khổ, thọ lạc, thọ xả.
– Pháp-hành có 4 pháp: vật thực, xúc, tác-ý, tâm.
– Pháp-hành có 5 uẩn: sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn và thức-uẩn.
– Pháp-hành có 6 xứ bên trong: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; và có 6 xứ bên ngoài: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, v.v…
Đức-Thế-Tôn thông suốt vô số pháp-hành, bắt nguồn từ ngũ-uẩn của Đức-Thế-Tôn.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Lokavidū: Đức- Thông-Suốt Tam-Tổng-Pháp.
Niệm Ân-Đức Lokavidū
Các hàng thanh-văn đệ-tử thường niệm tưởng đến ân- đức Phật-bảo, niệm“ân-đức Lokavidū” này, sẽ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Thế-Tôn, có trí-tuệ sáng suốt, phát sinh hỷ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Đức-Thế- Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước-thiện được tăng trưởng.
Hành-giả thực-hành đề-mục niệm-niệm ân-đức Phật- bảo, niệm ân-đức Lokavidū như sau:
Câu ân-đức Lokavidū rằng: “Itipi so Bhagavā Lokavidū, … Itipi so Bhagavā Lokavidū, … Itipi so Bhagavā Lokavidū, …” làm đối-tượng thiền-định.
Hoặc danh từ ân-đức Lokavidū rằng: “Lokavidū, … Lokavidū, … Lokavidū, …” làm đối-tượng thiền-định.
Đề-mục thiền-định niệm-niệm ân-đức Phật-bảo, niệm ân-đức Lokavidū này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi-tế, rộng lớn vô lượng vô biên. Vì vậy, định-tâm không thể an-định vào một pháp nào nhất định làm đối-tượng được, nên chỉ có khả năng dẫn đến chứng đạt cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không có khả năng chứng đạt đến an-định (appanāsamādhi), nên không thể chứng đắc được bậc thiền sắc-giới nào.
Như vậy, tâm cận-định này vẫn còn trong dục-giới thiện-tâm.
(Phần còn lại giống như ân-đức Arahaṃ)
6- Ân-Đức Phật-Bảo Thứ Sáu: Anuttaro purisadammasārathi
Itipi so Bhagavā Anuttaro purisadammasārathi.
(Cách đọc: Í-tí-pí xô Phá-gá-voa Á-nút-tá-rô pú-rí-xá-đăm-má- xa-rá-thí).
Nghĩa:
– So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
– Itipi: Do Ngài là Bậc giáo huấn chúng-sinh cải tà quy chánh, cải ác làm thiện, từ hạng phàm-nhân lên bậc Thánh-nhân.
– Anuttaro purisadammasārathi: Do đó, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Vô-Thượng Giáo-Hóa chúng-sinh.
Giáo hóa người ác trở thành bậc Thánh-nhân
Kẻ cướp sát nhân, cắt ngón tay xâu thành vòng đeo ở cổ, có biệt danh Aṅgulimāla. Y có võ nghệ cao cường, sống một mình ở trong rừng, từng đoàn người 20 – 30 người đi qua khu rừng ấy, không một ai thoát chết.
Một hôm, Đức-Thế-Tôn một mình đi vào rừng, nơi ẩn náu của Aṅgulimāla, để giáo hóa y. Y thức tỉnh, từ bỏ sát nhân, xin xuất gia trở thành tỳ-khưu nơi Đức-Phật.
Về sau không lâu, tỳ-khưu Aṅgulimāla thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết- bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.
Giáo hóa dạ xoa ác trở thành bậc Thánh-nhân
Tích Dạ-xoa Āḷavaka ăn thịt người rất hung ác, tàn bạo, có nhiều phép mầu cực kỳ nguy hiểm.
Một hôm, biết Dạ-xoa Āḷavaka đi vắng, Đức-Thế-Tôn ngự đến ngồi trên bảo tọa trong lâu đài của y. Nghe tin Đức-Thế-Tôn ngự trên bảo toạ của y, Dạ-xoa Āḷavaka nổi cơn giận dữ, vô cùng bực tức, liền trở về ngay, y dùng mọi phép mầu cực kỳ nguy hiểm, để xua đuổi Đức- Thế-Tôn bước xuống bảo toạ, rời khỏi cung điện của y ngay tức khắc, nhưng y hoàn toàn bất lực, không xua đuổi Đức-Thế-Tôn được.
Cuối cùng, có một bài kệ khó mà y quên câu giải đáp, y đã hỏi nhiều Sa-môn, Bà-la-môn mà không một ai có thể giải đáp đúng, để làm cho y hài lòng.
Nay, y đem bài kệ ấy đặt điều kiện, nếu Đức-Thế-Tôn không giải đáp đúng thì phải rời khỏi lâu đài của y ngay. Đức-Thế-Tôn ngự đến cốt để giải đáp bài kệ ấy, và tế độ Dạ-xoa Āḷavaka. Cho nên, sau khi Dạ-xoa Āḷavaka hỏi câu kệ xong, Đức-Thế-Tôn giải đáp đúng ý nghĩa sâu sắc của câu kệ ấy làm cho Dạ-xoa Āḷavaka vô cùng hoan hỷ, ngay khi ấy, Dạ-xoa Āḷavaka chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, có đức-tin trong sạch và không lay chuyển trong Phật-giáo.
Giáo hóa phạm-thiên tà-kiến trở thành chánh-kiến
Phạm-thiên Baka ở tầng trời sắc-giới Quang-âm- thiên phát sinh thường-kiến mê lầm. Đức-Thế-Tôn từ ngôi chùa Jetavana, xuất hiện lên cõi trời sắc-giới, để tế độ phạm-thiên Baka từ bỏ tà kiến trở lại chánh-kiến, …
Giáo hóa loài súc-sinh
Đức-Thế-Tôn giáo hóa các loài súc-sinh như rồng chúa Apalāla, rồng chúa Cūḷodara, rồng chúa Mahodara, … trở thành rồng hiền lành.
Voi chúa Nālāgiri rất hung dữ, trong cơn say, chạy đến để hại, Đức-Thế-Tôn rải tâm từ đến voi chúa, ngay tức khắc voi chúa tỉnh lại, bò đến quỳ mọp xuống hai bàn chân của Đức-Thế-Tôn, Ngài giáo hóa voi chúa hung dữ này trở thành voi hiền lành, biết quy-y Tam- bảo, thọ trì ngũ-giới.
Kể từ đó về sau, voi chúa rất hiền lành dễ thương, Đức-Thế-Tôn đặt tên là voi chúa Dhanapāla(1), …
Đức-Thế-Tôn giáo hóa tế độ chúng-sinh hữu duyên nên tế độ, nghĩa là những chúng-sinh ấy tiền-kiếp có liên quan với Đức-Phật, hoặc tiền-kiếp đã từng gieo duyên lành nơi Chư Phật trong quá-khứ, hoặc đã từng tạo ba- la-mật, gieo phước duyên trong giáo-pháp của Chư Phật quá-khứ ấy.
Nay kiếp hiện-tại, có phước duyên được Đức-Thế-Tôn quan tâm đến, để giáo hóa tế độ chúng-sinh ấy.
Đức-Thế-Tôn giáo hóa những chúng-sinh mà không có một ai có thể giáo hóa tế độ được, không có một vị nào có thể sánh được với Đức-Phật.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Anuttaro purisa- dammasārathi: Đức-Vô-Thượng Giáo-Hóa chúng-sinh.
* Riêng ân-đức Phật-bảo Anuttaro purisadam- masārathi: Trong bộ Thanh-Tịnh-Đạo, phần giảng dạy Ân-đức Phật-bảo, Ân-đức Anuttaro purisadammasārathi này phân chia làm 2 ân-đức riêng biệt.
– Anuttaro: Đức Vô-Thượng.
– Purisadammasārathi: Đức Giáo-Hóa chúng-sinh.
Giải thích:
1- Ân-đức Anuttaro: Đức Vô-Thượng như thế nào?
Đức-Thế-Tôn có giới-đức trong sạch thanh-tịnh, không một ai trong toàn tam-giới hơn Ngài. Cũng như vậy,
– Có định-đức trong sạch thanh-tịnh …
– Có tuệ-đức trong sạch thanh-tịnh …
– Có giải-thoát-đức trong sạch thanh-tịnh …
– Có giải-thoát-tri-kiến-đức trong sạch thanh-tịnh không một ai trong toàn tam-giới hơn Đức-Phật.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Anuttaro: Đức Vô-Thượng.
2- Ân-đức Purisadammasārathi: Đức Giáo-Hóa chúng- sinh như thế nào?
Đức-Thế-Tôn giáo hóa các loài chúng-sinh có duyên lành, mà không có một ai trong toàn tam-giới chúng-sinh có khả năng giáo hóa tế độ chúng-sinh như Đức-Phật.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Purisadammasārathi: Đức Giáo-Hóa chúng-sinh.
Niệm ân-đức Anuttaro Purisadammasārathi
Các hàng thanh-văn đệ-tử thường niệm tưởng đến ân- đức Phật-bảo, niệm “ân-đức Anuttaro purisadamma- sārathi,” này sẽ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Thế- Tôn, có trí-tuệ sáng suốt, phát sinh hỷ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Đức-Thế-Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước-thiện được tăng trưởng.
Hành-giả thực-hành đề-mục niệm-niệm ân-đức Phật- bảo, niệm ân-đức Anuttaro purisadammasārathi như sau:
Câu ân-đức Anuttaro purisadammasārathi rằng: “Itipi so Bhagavā Anuttaro purisadammasārathi, …” làm đối-tượng thiền-định.
Hoặc danh từ Ân-đức Anuttaro purisadammasārathi rằng: “Anuttaro purisadammasārathi, …” làm đối-tượng- thiền-định.
Đề-mục thiền-định niệm-niệm ân-đức Phật-bảo, niệm ân-đức Anuttaro purisadammasārathi này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi-tế, rộng lớn vô lượng vô biên. Vì vậy, định-tâm không thể an định vào một pháp nào nhất định làm đối-tượng được, nên chỉ có khả năng dẫn đến chứng đạt cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không có khả năng chứng đạt đến an-định (appanāsamādhi), nên không thể chứng đắc được bậc thiền sắc-giới nào.
Như vậy, tâm cận-định này vẫn còn trong dục-giới thiện-tâm.
(Phần còn lại giống như Ân-đức Arahaṃ)