ĐOẠN KẾT
“Khổ đế” là sự thật chân lý hiển nhiên trong đời, và “Niết Bàn” diệt Khổ đế cũng là sự thật hiển nhiên, mà con đường pháp hành dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn diệt Khổ đế, thì chưa có một ai khám phá phát hiện ra con đường cổ xưa giải thoát khổ ấy. Mãi cho đến khi Đức vua Siddhattha ra đời, Ngài là Đức Bồ Tát đã từng tích lũy đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp trong quá khứ, và Ngài đã được 24 Đức Phật Chánh Đẳng Giác theo tuần tự thọ ký. Đến kiếp hiện tại này là kiếp chót của Ngài. Ngài từ bỏ ngôi báu, vợ con đi xuất gia, tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi tham ái, mọi phiền não không còn dư sót, đặc biệt diệt tận mọi tiền khiên tật (vasanā), trở thành bậc Thánh Arahán đầu tiên trong muôn ngàn thế giới chúng sinh, không có thầy chỉ giáo. Đương nhiên Ngài là Đức Chánh Đẳng Giác độc nhất vô nhị, có danh hiệu Đức Phật Gotama.
Đức Phật Gotama là Bậc đầu tiên khám phá, phát hiện ra con đường cổ xưa giải thoát khổ mà Chư Phật quá khứ đã tuần tự thực hành theo con đường duy nhất, để giải thoát khổ cho mình, rồi chỉ con đường ấy cho các hàng đệ tử cũng được giải thoát khổ theo quý Ngài.
Đức Phật dạy:
“Katama ca bhikkhave purāṇamaggo purāṇaañjaso pubbakehi sammāsambuddhehi anuyāto. Ayameva ariyo atthaṅgiko maggo” 1
“Này chư Tỳ khưu, Chư Phật Chánh Đẳng Giác theo con đường cổ xưa thế nào? Con đường quá khứ đã tuần tự ngự đi đó chính là Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh”.
Con đường cổ xưa giải thoát khổ đó là Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định, là pháp hành dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn, diệt Khổ Thánh Đế, mà Đức Phật Gotama đã khám phá, đã phát hiện đầu tiên. Đức Phật đã giải thoát khổ bằng con đường cổ xưa ấy, rồi Ngài đã chỉ con đường cổ xưa giải thoát khổ ấy cho các hàng Thanh Văn đệ tử.
Những hàng Thanh Văn đệ tử nào thực hành đúng theo con đường pháp hành Bát Chánh Đạo thì dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn giải thoát khổ, còn những hàng Thanh Văn đệ tử nào thực hành không đúng theo con đường pháp hành Bát Chánh Đạo, thì không dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn, không giải thoát khổ được.
Như trong bài kinh Gaṇakamoggallānasutta 2 được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Pubbārāma gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy Bàlamôn tên Gaṇakamoggallāna đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong ngồi một nơi hợp lẽ. Sau khi lắng nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp, ông phát sinh tâm vô cùng hoan hỷ bèn bạch với Đức Thế Tôn rằng:
– Kính bạch Đức Gotama, các hàng đệ tử của Đức Thế Tôn được Đức Thế Tôn chỉ dạy rõ ràng như vậy, tất cả đều chứng ngộ Niết Bàn hay có một số không chứng ngộ Niết Bàn? Bạch Ngài.
Đức Thế Tôn dạy rằng:
– Này Bàlamôn, các hàng đệ tử của Như Lai được Như Lai chỉ dạy rõ ràng như vậy, có một số ít chứng ngộ Niết Bàn, còn phần đông không chứng ngộ Niết Bàn.
– Kính bạch Đức Thế Tôn, do nhân nào, do duyên nào? Một khi Niết Bàn vẫn hiện hữu, pháp hành dẫn đến Niết Bàn vẫn hiện hữu, Đức Gotama, Bậc Tôn Sư chỉ dạy rõ ràng vẫn hiện hữu: Nhưng tại sao các hàng đệ tử của Đức Gotama có một số ít chứng ngộ Niết Bàn, còn phần đông không chứng ngộ Niết Bàn? Bạch Ngài.
Đức Thế Tôn dạy rằng:
– Này Bàlamôn, nếu như vậy, Như Lai hỏi con về chuyện này, con nghĩ như thế nào thì trả lời như thế ấy.
Này Bàlamôn, con nghĩ sao về điều này? Con biết đường đến kinh thành Rājagaha có phải không?
– Kính bạch Đức Gotama, con biết rõ đường đến kinh thành Rājagaha, Bạch Ngài.
– Vậy, này Bàlamôn, nếu có những người nhờ con chỉ đường đến kinh thành Rājagaha, họ đều đến nơi kinh thành Rājagaha cả thảy, hay có một số người không đến nơi.
– Kính bạch Đức Gotama, có số người đến nơi, còn có số người khác thì không, Bạch Ngài.
– Này Bàlamôn, do nhân nào, do duyên nào, một khi kinh thành Rājagaha vẫn hiện hữu, con đường đến kinh thành Rājagaha vẫn hiện hữu, con là người chỉ dẫn rõ ràng vẫn hiện hữu; nhưng tại sao có số người đến kinh thành Rājagaha, còn có số người thì không đến kinh thành Rājagaha ?
– Kính bạch Đức Gotama, về vấn đề này, con làm sao biết được, con chỉ là người chỉ đường mà thôi.
Đức Thế Tôn dạy rằng:
– Này Bàlamôn, cũng như vậy đó, một khi Niết Bàn vẫn hiện hữu, pháp hành dẫn đến Niết Bàn vẫn hiện hữu, Như Lai chỉ dạy rõ ràng vẫn hiện hữu; nhưng mà các hàng đệ tử của Như Lai, có một số ít chứng ngộ Niết Bàn, còn phần đông không chứng ngộ Niết Bàn. Như Lai cũng chẳng làm sao được, bởi vì, Như Lai chỉ là người chỉ đường (Maggakkhāyī) mà thôi!”.
Như vậy, Đức Phật là Bậc chỉ con đường pháp hành Bát Chánh Đạo đến mục đích cứu cánh cho các hàng Thanh Văn đệ tử, những hàng Thanh Văn đệ tử có nhiều bậc:
* Những bậc Thanh Văn đệ tử nào đã từng tích luỹ đầy đủ các pháp hành ba-la-mật từ nhiều kiếp trong quá khứ, thì ngay kiếp hiện tại này, sau khi lắng nghe Đức Phật chỉ dạy con đường pháp hành Bát Chánh Đạo, những bậc Thanh Văn đệ tử ấy thực hành đúng theo con đường pháp hành Bát Chánh Đạo dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
* Những bậc Thanh Văn đệ tử nào tuy đã từng tích luỹ các pháp hành ba-la-mật từ nhiều kiếp trong quá khứ, nhưng chưa đủ, sau khi lắng nghe Đức Phật chỉ dạy con đường pháp hành Bát Chánh Đạo, những bậc Thanh Văn đệ tử ấy dù có thực hành đúng theo con đường pháp hành Trung Đạo, nhưng vẫn chưa dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn.
* Những bậc Thanh Văn đệ tử nào tuy đã có tích luỹ các pháp hành ba-la-mật, nhưng còn ít, dù những bậc Thanh Văn đệ tử ấy lắng nghe Đức Phật hoặc chư Thánh Thanh Văn chỉ dạy con đường pháp hành Bát Chánh Đạo, họ cũng không có khả năng thực hành đúng theo con đường pháp hành Trung Đạo, không dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn được.
Niết Bàn vẫn hiện hữu, con đường pháp hành Bát Chánh Đạo dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn vẫn hiện hữu, hành giả có đủ năng lực ba-la-mật hỗ trợ để thực hành đúng theo con đường pháp hành Trung Đạo dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn giải thoát khổ hay không? Điều ấy, ngoài Đức Phật ra, còn lại tất cả chúng ta không có một ai có thể biết rõ được. Chúng ta chỉ còn có một cách tự mình thực nghiệm, cố gắng tinh tấn thực hành pháp hành thiền tuệ đúng theo pháp hành Trung Đạo suốt thời gian lâu dài, mới có thể biết được kết quả.
Soạn phẩm “Con đường giải thoát khổ” này vốn đã được biên soạn từ lâu, do sự động viên khuyến khích của ông bà Phạm Kim Khánh, cách đây 25 năm, tại Thiền Viện Om Nói, tỉnh Samutsakhorn Thái Lan, rồi đã được gửi đến ông bà Phạm Kim Khánh tại Hoa Kỳ. Thời gian trải qua nhiều năm, bần sư không còn nhớ đến nó nữa.
Nay, ông Phạm Kim Khánh gửi đến bần sư bản thảo soạn phẩm này, nhờ xem lại để ấn hành truyền bá đến mọi người. Bần sư vô cùng hoan hỷ và cũng vô cùng cảm kích trước tâm thiện của ông. Bần sư chân thành biết ơn ông nhiều, ông đã có công khéo giữ gìn cẩn trọng, bảo tồn chu toàn bản thảo viết tay suốt hơn 25 năm qua. Cho nên, bần sư đã cố gắng xem lại, biên tập xong. Nay xin gửi lại cho ông tuỳ nghi sử dụng.
Bần sư thành tâm nguyện cầu Ân đức Tam Bảo hộ trì cho ông thân tâm thường được an lạc.
Núi rừng Viên Không, cuối năm 2005
Xã Tóc Tiên, Huyện Tân Thành
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Tỳ khưu Hộ Pháp
(Dhammarakkhita Bhikkhu)
1 Dhammapadagāthā thứ 203; bộ Chú giải Dhammapada, tích Eka upāsakavatthu.
2 Ngũ dục: 5 đối tượng tham muốn (sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngọt, xúc êm ấm).
1 Ngũ trần: Sắc trần, thanh trần, hương trần,vị trần, xúc trần.
1 Dīghanikāya, Mahāvagga, kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta.
1 Majjhimanikāya, Mūl., kinh Mahāsatipaṭṭhāsuttavaṇṇanā.
1 Tam uẩn: Thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn tổng hợp toàn tâm sở trong tâm tịnh hảo.
1 Chú giải Dī. Bộ Mahāvaggaṭṭhakathā. Kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta-vaṇṇanā.
2 Dī. Bộ Mahāvaggapāḷi. Kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta.
1 Danh pháp đó là tâm (tâm cùng với tâm sở).
2 Sắc pháp đó là thân (sắc tứ đại).
1 Majjhimanikāya, Mūlapanāsa, Mahā.
1 Một cách thoáng qua: Nghĩa là không cần chú tâm rõ ràng đối tượng quá, chỉ cần chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác biết thoáng qua đối tượng, nhờ tinh tấn nên càng lúc càng rõ thêm. Bởi vì, chú tâm quá nơi đối tượng, thì đối tượng không còn ở lãnh vực đối tượng paramattha, mà chuyển sang lãnh vực đối tượng paññatti.
2 Oai nghi tĩnh trong một giây lát ngắn ngủi hiện tại trong mỗi dáng đứng, tư thế đứng yên, nếu cử động, thì trở thành oai nghi phụ, không phải oai nghi chính. Oai nghi chính chỉ có 4: Oai nghi đi, oai nghi đứng, oai nghi ngồi, oai nghi nằm, ngoài 4 oai nghi chính ra, còn lại gọi là oai nghi phụ.
1 Thuần túy tự nhiên: Những tư thế ấy, những dáng ấy tự nhiên phát sinh từ tâm thiện trong sạch, hoàn toàn không bị phiền não chi phối.
1 Riêng trong Tứ Niệm Xứ có 21 đối tượng.
1 Saṃyuttanikāya, bộ Mahāvagga, kinh Dhammacakkappavattanasutta.
1 Phương pháp tiến hành xem quyển “Tìm Hiểu Pháp Hành Thiền Tuệ” trang 474 – 477 cùng một soạn giả.
1 Bộ Saṃyuttanikāya, Sāḷāyatanavaggasamyutta, kinh Kimatthiyasutta,
2 Bộ Saṃyuttanikāya, Sāḷāyatanavaggasamyutta, kinh Nibbānapañhāsutta.
1 Saṃyuttanikāya, Sālayatanasamyutta kinh Anurādhasutta.
2 Saṃyuttanikāya, Khandhavaggasamyutta, kinh Abhinandasutta.
1 Trong kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta, Dī. Mahāvagga.
1 Chú giải Saṃyuttanikāya, phần Khandhavagga, Chú giải kinh Phena-pindupamasuttavaṇṇanā.
2 Danh pháp là tâm, tâm sở.
1 Danh: Tâm + Tâm Sở.
1 M. Uparipaṇṇāxa, kinh Gaṇakamogallānasutta.
1 Ngoại 3 thời: Không ở trong thời quá khứ, thời hiện tại, thời vị lai.
1 16 trí tuệ thiền tuệ giảng giải rộng trong quyển “Tìm Hiểu Pháp Hành Thiền Tuệ” cùng một soạn giả.
1 Saṃyuttanikāya, Nidānasamyutta. Kinh Nagarasutta.
2 Majjhi. Upari. Kinh Gaṇakamoggallānasutta.
-ooOoo-
Icchitaṃ patthitaṃ amhaṃ,
Khippameva samijjatu.
Điều mong ước, ý nguyện của chúng con,
Cầu mong sớm được thành tựu như ý.