Nhận xét về đoạn kết của mỗi đối tượng Tứ Niệm Xứ
Trong bài kinh Đại Niệm Xứ gồm có 21 đối tượng, mà đoạn kết của mỗi đối tượng đều bắt đầu: “Iti ajjhattaṃ vā…”, ý nghĩa như thế nào?
* Iti ajjhattaṃ vā: Hoặc đối tượng bên trong của mình như: Hơi thở vô – hơi thở ra bên trong của mình; 4 oai nghi: Đi, đứng, ngồi, nằm, bên trong của mình v.v… những điều ấy dễ hiểu.
* Bahiddhā vā: Hoặc đối tượng bên ngoài mình, của người khác như: Hơi thở vô – hơi thở ra (của người khác); 4 oai nghi: Đi, đứng, ngồi, nằm, bên ngoài mình, của người khác v.v… hiểu như thế nào?
Thật ra, hành giả thực hành pháp hành Tứ Niệm Xứ hoặc pháp hành thiền tuệ đã đến giai đoạn có khả năng phát sinh trí tuệ thứ nhất gọi là Nāmarūpaparicchedañāṇa: Trí tuệ thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ từng mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp bên trong của mình đúng theo thực tánh các pháp đều là pháp vô ngã, có chánh kiến thiền tuệ (Vipassanā sammādiṭṭhi), đạt đến thanh tịnh gọi là Diṭṭhivisuddhi: Chánh kiến thanh tịnh. Và trí tuệ phát triển, tiến hoá tuần tự phát sinh trí tuệ thứ nhì gọi là Nāmarūpapaccayapariggahañāṇa: Trí tuệ thấy rõ, biết rõ nhân duyên phát sinh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp, với paccakkhañāṇa: Trí tuệ trực tiếp thấy rõ, biết rõ nhân duyên phát sinh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp bên trong (ajjhatta) của mình như thế nào? Và bằng anumānañāṇa: Trí tuệ gián tiếp thấy rõ, biết rõ nhân duyên phát sinh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp bên ngoài mình (bahiddhā), của người khác, chúng sinh khác phát sinh cũng do nhân duyên như thế ấy. Cho nên, trí tuệ thứ nhì này đạt đến thanh tịnh gọi là Kaṅkhāvitaraṇavisuddhi: Trí tuệ thoát ly hoài nghi thanh tịnh.
Do nhờ trí tuệ thứ nhì này, hành giả không có hoài nghi về sự sinh của danh pháp, sắc pháp bên trong của mình; và cũng không còn có hoài nghi về sự sinh của danh pháp, sắc pháp bên ngoài mình, của người khác.
Như vậy, “bahiddhā vā”: Hoặc đối tượng bên ngoài mình, của người khác, không phải là đối tượng thật hiện tại, mà chỉ là đối tượng của trí tuệ tư duy đúng đắn, do nhờ trí tuệ thứ nhì thấy rõ, biết rõ nhân duyên phát sinh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp bên trong của mình làm nền tảng.
Ví dụ: Một người có dịp đi Vũng Tàu tắm biển, đã nếm nước biển, biết rõ vị mặn của nước biển, người ấy không còn hoài nghi về vị mặn của nước biển tại Nha Trang hoặc tại các nước khác trên khắp toàn thế giới nữa; mặc dù họ không đến nơi đó.
* Samudayadhammānupassī vā: Hoặc trí tuệ theo dõi thấy rõ, biết rõ trạng thái sinh của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp do nhân duyên sinh. Đó là trí tuệ thứ nhì gọi là Nāmarūpa-paccayapariggahañāṇa: Trí tuệ thấy rõ, biết rõ nhân duyên sinh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp. Trí tuệ này có khả năng thấy rõ, biết rõ mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp sinh do nhân duyên của riêng nó sinh.
* Vayadhammānupassī vā: Hoặc trí tuệ thiền tuệ theo dõi thấy rõ, biết rõ trạng thái diệt của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp do nhân duyên diệt. Đó là trí tuệ thứ ba gọi là Samma-sanañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp do nhân duyên diệt, nên thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp. Trí tuệ này có khả năng thấy rõ biết rõ mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp diệt do nhân duyên diệt của riêng nó (người này chết do bệnh này).
* Samudayavayadhammānupassī vā: Hoặc trí tuệ thiền tuệ theo dõi thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp do nhân duyên sinh, do nhân duyên diệt ngay hiện tại, nên thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp sắc pháp. Đó là trí tuệ thiền tuệ thứ tư gọi là Udayabbayañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp ngay hiện tại, nên thấy rõ 3 trạng thái chung: Trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp sắc pháp. Trí tuệ thiền tuệ thứ tư này có khả năng đặc biệt thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp.
Sắc pháp nào sinh do 5 nhân duyên: Vô minh, tham ái, nghiệp, vật thực và sự sinh của sắc pháp; thì sắc pháp ấy diệt cũng do 5 nhân duyên ấy: Vô minh, tham ái, nghiệp, vật thực và sự diệt của sắc pháp ấy.
Danh pháp nào sinh do 5 nhân duyên: Vô minh, tham ái, nghiệp, danh pháp – sắc pháp và sự sinh của danh pháp; thì danh pháp ấy diệt cũng do 5 nhân duyên ấy: Vô minh, tham ái, nghiệp, danh pháp – sắc pháp và sự diệt của danh pháp ấy.
Trí tuệ thiền tuệ thứ tư này bắt đầu chính thức gọi là trí tuệ thiền tuệ, bởi vì, trí tuệ này có khả năng thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp sinh rồi diệt; thấy rõ ba trạng thái chung: Trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp. Và từ đó trí tuệ thiền tuệ phát triển theo tuần tự dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt phiền não.
* Atthi kāyo: Nghĩa là chỉ là thân mà thôi, thân này thuộc sắc pháp là pháp vô ngã, không phải ta, không phải của ta…
* Atthi vedanā: Nghĩa là chỉ là thọ mà thôi, thọ này thuộc danh pháp là pháp vô ngã, không phải ta, không phải của ta…
* Atthi cittaṃ: Nghĩa là chỉ là tâm mà thôi, tâm này thuộc danh pháp là pháp vô ngã, không phải ta, không phải của ta…
* Atthi dhammā: Nghĩa là chỉ là pháp mà thôi, pháp này thuộc sắc pháp, danh pháp là pháp vô ngã, không phải ta, không phải của ta…
* Anissito ca viharati: Nghĩa là hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác hoàn toàn trong sạch thanh tịnh, không có tà kiến nương nhờ và cũng không có tham ái nương nhờ nơi đối tượng thân, thọ, tâm, pháp hay danh pháp, sắc pháp.
* Na ca kiñci loke upādīyati: Nghĩa là tâm không còn chấp thủ cho rằng: “Ta, của ta” trong ngũ uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn) hoặc sắc pháp, danh pháp này nữa. Đó là tâm của bậc Thánh Arahán.
Tóm lại, tất cả 21 đối tượng trong Tứ Niệm Xứ (thân niệm xứ có 14 đối tượng, thọ niệm xứ có 1 đối tượng chia làm 9 loại thọ, tâm niệm xứ có 1 đối tượng chia làm 16 loại tâm, pháp niệm xứ có 5 đối tượng), mỗi đối tượng đều có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả; Nhất Lai Thánh Đạo – Nhất Lai Thánh Quả; Bất Lai Thánh Đạo – Bất Lai Thánh Quả; đến Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng, tùy theo duyên lành, 5 pháp chủ (tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ) và ba-la-mật của mỗi hành giả.
6 Đối Tượng
Đối tượng nói chung có 6 loại 1 :
1- Sắc trần: Tất cả các hình dạng, màu sắc.
2- Thanh trần: Tất cả các loại âm thanh.
3- Hương trần: Tất cả các thứ mùi.
4- Vị trần: Tất cả các thứ vị.
5- Xúc trần: Có 3 chất: Chất đất cứng hoặc mềm, chất lửa nóng hoặc lạnh, chất gió phồng hoặc xẹp.
6- Pháp trần: Có nhiều pháp thuộc về pháp trần như: Tâm, tâm sở, sắc pháp, Niết Bàn và pháp chế định.
Phiền não, tham ái có thể nương nhờ nơi 6 đối tượng này và 6 chủ thể (tâm biết đối tượng). Cho nên, hành giả cần phải học cho hiểu biết rõ 6 đối tượng và 6 chủ thể (tâm biết đối tượng).
6 Thức Tâm
Đối tượng có 6 loại, nên tâm nhận biết đối tượng cũng có 6 loại; mỗi loại tâm đặc biệt biết đối tượng như sau:
1- Nhãn thức tâm làm phận sự nhìn thấy sắc trần, có 2 tâm.
– Nhãn thức tâm là quả của nghiệp ác, nhìn thấy sắc trần xấu không đáng hài lòng.
– Nhãn thức tâm là quả của nghiệp thiện, nhìn thấy sắc trần đẹp đáng hài lòng.
Như vậy, nhãn thức tâm nhìn thấy sắc trần, không phải ta nhìn thấy sắc trần, và sắc trần là hình dạng không phải vật này, vật kia,…
Nhãn thức tâm thuộc về danh pháp, và sắc trần thuộc về sắc pháp.
Khi nhãn thức tâm nhìn thấy sắc trần, hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ danh pháp thấy sắc trần (sắc pháp) không phải ta thấy vật này, vật kia,…
Như vậy, tà kiến, tham ái không thể nương nhờ nơi chủ thể (nhãn thức tâm) và đối tượng (sắc trần).
2- Nhĩ thức tâm làm phận sự nghe thanh trần, có 2 tâm.
– Nhĩ thức tâm là quả của nghiệp ác, nghe thanh trần dở không đáng hài lòng.
– Nhĩ thức tâm là quả của nghiệp thiện, nghe thanh trần hay đáng hài lòng.
Như vậy, nhĩ thức tâm nghe thanh trần, không phải ta nghe thanh trần, và thanh trần là âm thanh không phải tiếng Việt, tiếng Anh,…
Nhĩ thức tâm thuộc về danh pháp, và thanh trần thuộc về sắc pháp.
Khi nhĩ thức tâm nghe thanh trần, hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ danh pháp nghe thanh trần (sắc pháp) không phải ta nghe tiếng Việt, tiếng Anh,…
Như vậy, tà kiến, tham ái không thể nương nhờ nơi chủ thể (nhĩ thức tâm) và đối tượng (thanh trần).
3- Tỷ thức tâm làm phận sự ngửi hương trần, có 2 tâm.
– Tỷ thức tâm là quả của nghiệp ác, ngửi hương trần hôi không đáng hài lòng.
– Tỷ thức tâm là quả của nghiệp thiện, ngửi hương trần thơm đáng hài lòng.
Như vậy, tỷ thức tâm ngửi hương trần, không phải ta ngửi hương trần, và hương trần là các thứ mùi, không phải mùi hôi của phẩn, mùi thơm của nước hoa,…
Tỷ thức tâm thuộc về danh pháp, và hương trần thuộc về sắc pháp.
Khi tỷ thức tâm ngửi hương trần, hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ danh pháp ngửi hương trần (sắc pháp) không phải ta ngửi mùi hôi của phẩn, mùi thơm của nước hoa,…
Như vậy, tà kiến, tham ái không thể nương nhờ nơi chủ thể (tỷ thức tâm) và đối tượng (hương trần).
4- Thiệt thức tâm làm phận sự nếm vị trần, có 2 tâm.
– Thiệt thức tâm là quả của nghiệp ác, nếm vị trần dở không đáng hài lòng.
– Thiệt thức tâm là quả của nghiệp thiện, nếm vị trần ngon đáng hài lòng.
Như vậy, thiệt thức tâm nếm vị trần, không phải ta nếm vị trần, và vị trần là các thứ vị, không phải vị mặn của muối, vị ngọt của mật ong,…
Thiệt thức tâm thuộc về danh pháp, và vị trần thuộc về sắc pháp.
Khi thiệt thức tâm nếm vị trần, hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ danh pháp nếm vị trần (sắc pháp) không phải ta nếm vị mặn của muối, vị ngọt của mật ong,…
Như vậy, tà kiến, tham ái không thể nương nhờ nơi chủ thể (thiệt thức tâm) và đối tượng (vị trần).
5- Thân thức tâm làm phận sự xúc giác với xúc trần, có 2 tâm.
– Thân thức tâm là quả của nghiệp ác, xúc giác với xúc trần xấu không đáng hài lòng.
– Thân thức tâm là quả của nghiệp thiện, xúc giác với xúc trần tốt đáng hài lòng.
Như vậy, thân thức tâm xúc giác với xúc trần, không phải ta xúc giác với xúc trần, và xúc trần là cứng hoặc mềm, nóng hoặc lạnh, phồng hoặc xẹp; không phải cứng của sắt, mềm của nệm, nóng của lửa, lạnh của nước đá,…
Thân thức tâm thuộc về danh pháp, và xúc trần thuộc về sắc pháp.
Khi thân thức tâm xúc giác với xúc trần, hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ danh pháp xúc giác xúc trần (sắc pháp), không phải ta xúc giác với sắt cứng, với nệm mềm, với lửa nóng,…
Như vậy, tà kiến, tham ái không thể nương nhờ nơi chủ thể (thân thức tâm) và đối tượng (xúc trần).
6- Ý thức tâm gồm có nhiều loại tâm, có khả năng biết 6 đối tượng. Ý thức tâm có 79 tâm (không có 10 thức tâm: 2 nhãn thức tâm + 2 nhĩ thức tâm + 2 tỷ thức tâm + 2 thiệt thức tâm + 2 thân thức tâm), mỗi tâm làm phận sự biết đối tượng theo khả năng của tâm, theo từng mỗi trường hợp, từng mỗi thời.
Đối với hành giả thực hành thiền tuệ, đối tượng pháp trần loại trừ Chế định pháp, và tâm chỉ có tâm trong tam giới mà thôi, loại trừ 8 tâm Siêu tam giới.
Như vậy, ý thức tâm thuộc về danh pháp và đối tượng gồm có 28 sắc pháp và tâm, tâm sở trong tam giới (không có 8 tâm Siêu tam giới) thuộc về danh pháp.
Khi ý thức tâm biết đối tượng pháp trần nào, hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ danh pháp biết sắc pháp ấy hoặc biết danh pháp ấy (không phải ta biết môn này, pháp kia, hoặc ta đi, ta đứng, ta ngồi, ta nằm,…)
Như vậy, tà kiến, tham ái không thể nương nhờ nơi chủ thể (ý thức tâm) và đối tượng (pháp trần).
Thật ra, tâm sở tà kiến (diṭṭhicetasika) đồng sinh với 4 tâm tham hợp với tà kiến, và tâm sở tham (lobhacetasika) đồng sinh với 8 tâm tham gọi là tham ái. Tâm này có cơ hội, thì sinh trong 6 lộ trình tâm qua 6 môn là nhãn môn lộ trình tâm, nhĩ môn lộ trình tâm, tỷ môn lộ trình tâm, thiệt môn lộ trình tâm, thân môn lộ trình tâm và ý môn lộ trình tâm.
Nếu hành giả thực hành thiền tuệ, khi phát sinh trí tuệ thiền tuệ tam giới (lokiya-vipassanāñāṇa) có khả năng diệt từng thời (tadaṅgapahāna) được tà kiến, tham ái trong 6 lộ trình tâm. Khi trí tuệ thiền tuệ tam giới phát triển theo tuần tự cho đến trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới (Lokuttaravipassanāñāṇa) thì có khả năng diệt đoạn tuyệt (samucchedapahāna) được tà kiến, tham ái nơi chủ thể và đối tượng bằng Thánh Đạo Tuệ rồi, từ đó về sau vĩnh viễn không còn tà kiến, tham ái sinh trong 6 lộ trình tâm nữa.
Ví dụ: Có 2 tên cướp của giết người thường quấy phá trong 6 tỉnh, dân chúng sống không được an toàn. Công an vây bắt được hai tên cướp ấy nơi tỉnh nào, rồi giết chết tại nơi đó. Từ đó về sau dân chúng trong 6 tỉnh ấy được sinh sống an toàn cả tính mạng lẫn của cải tài sản. Cũng như vậy, bậc Thánh Nhập Lưu đã diệt đoạn tuyệt được tà kiến, nghĩa là đã diệt đoạn tuyệt được 4 tâm tham hợp với tà kiến rồi, 4 tâm này không còn có trong tâm của bậc Thánh Nhập Lưu nữa (nhưng còn 4 tâm tham không hợp với tà kiến). Cho nên, trong 6 lộ trình tâm không bao giờ có 4 tâm tham hợp với tà kiến phát sinh làm ô nhiễm trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai nhiều nhất 7 kiếp, chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Và bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt hoàn toàn mọi tham ái không còn dư sót, nghĩa là đã diệt đoạn tuyệt được 4 tâm tham không hợp với tà kiến rồi, 4 tâm này không còn có trong tâm của bậc Thánh Arahán nữa. Cho nên, trong 6 lộ trình tâm hoàn toàn không có 4 tâm tham không hợp với tà kiến phát sinh làm ô nhiễm trong kiếp hiện tại nữa. Ngay kiếp hiện tại, bậc Thánh Arahán sẽ tịch diệt Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.