Đức-vua-trời Sakka tạo phước-thiện bố-thí
Đức-vua-trời Sakka trị vì cõi trời Tam-thập-tam-thiên mà tiền-kiếp của Đức-vua-trời đã từng làm những phước-thiện trong thời-kỳ không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian, nên Đức-vua-trời Sakka cảm thấy tủi phận nghèo của mình, mỗi khi gặp những vị thiên-nam mà tiền-kiếp đã tạo phước-thiện trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, những vị thiên-nam ấy có hào-quang sáng chói làm lấn át hào quang của Đức-vua-trời Sakka, cho nên, Đức-vua-trời Sakka tìm cơ hội tốt tạo phước-thiện đến bậc Thánh-nhân trong Phật-giáo.
Đức-vua-trời Sakka suy xét biết rõ Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa chỉ tế độ những người nghèo khổ mà thôi, nên Đức-vua-trời Sakka và Chánh-cung Hoàng-hậu Sujā từ cõi trời Tam-thập-tam-thiên hiện xuống cõi người, hoá ra thành 2 ông bà già nghèo khổ đáng thương chờ đợi tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường vật thực đến Ngi Đại-Trưởng-lão Mahākassapa sau khi xả diệt-thọ-tưởng (nirodhasamāpatti), đi khất thực tế độ người nghèo khổ để có được nhiều quả-báu cao quý ngay trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
* Tích Mahākassapattherapiṇḍapātadinnavatthu (1) được tóm lược như sau:
Một thuở nọ Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Veḷuvana đề cập sự cúng dường vật thực đến Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa có giới-đức trong sạch và có pháp cao thượng.
Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa nhập diệt-thọ-tưởng suốt 7 ngày đêm xong, sáng hôm ấy, Ngài Đại-trưởng-lão đi khất thực chỉ tế độ người nghèo khổ mà thôi.
Đức-vua Trời Sakka theo dõi biết Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa đã xả diệt-thọ-tưởng, buổi sáng hôm ấy, Ngài đại-trưởng-lão đi khất thực trên đường đi vào xóm nhà.
Đức-vua-trời Sakka gọi Chánh-cung Hoàng-hậu Sujā từ cõi trời Tam-thập-tam-thiên hiện xuống cõi người, Đức-vua-trời Sakka hoá ra thành ông già và Chánh-cung Hoàng-hậu Sujā hoá ra thành bà già, như 2 ông bà già nghèo khổ thật là đáng thương làm nghề thợ dệt sống trong một căn chòi lá bên đường mà Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa sẽ đi khất thực ngang qua.
Hai ông bà già đã chuẩn bị vật thực sẵn sàng, ông già (Đức-vua-trời) đang trông chờ Ngài Đại-Trưởng-lão đi ngang qua.
Ngài Đại-Trưởng-lão vừa đi đến căn chòi lá, nhìn thấy 2 ông bà già, nên nghĩ rằng:
“Hai ông bà già yếu này là người có tuổi cao mà còn phải làm việc, thật là đáng thương quá! Bần tăng nên tế độ 2 ông bà già này” nên Ngài Đại-Trưởng-lão đứng trước chòi lá.
Khi nhìn thấy Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa, ông già liền đến đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Ngài Đại-Trưởng-lão, rồi bạch rằng:
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, kính xin Ngài có tâm bi tế độ hai vợ chồng già chúng con.
Ông già kính xin nhận cái bát của Ngài Đại-Trưởng- lão Mahākassapa.
Ngài Đại-Trưởng-lão nghĩ rằng:
“Lão Tăng nên tế độ hai vợ chồng già đáng thương này” Ngài Đại-Trưởng-lão trao cái bát cho ông già.
Ông già (Đức-vua Trời Sakka) vô cùng hoan-hỷ nhận cái bát của Ngài Đại-Trưởng-lão, rồi cung-kính thỉnh vào chòi lá, ông già và bà già (Chánh-cung Hoàng-hậu Sujā) cùng nhau để các món ăn ngon vào trong bát, rồi đậy kín nắp lại, hai ông bà già cung-kính cúng dường lên Ngài Đại-Trưởng-lão.
Khi Ngài Đại-Trưởng-lão vừa nhận cái bát, mùi hương thơm của các món ăn toả ra khắp kinh-thành Rājagaha.
Ngài Đại-trưởng-lão Mahākassapa biết ngay hai ông bà già này chính là Đức-vua-trời Sakka và Chánh-cung Hoàng-hậu Sujā, nên Ngài Đại-Trưởng-lão quở trách:
– Này Vua-Trời Sakka! Vua-trời đã giành phước-thiện bố-thí của người nghèo khổ rồi!
Đức-vua-trời Sakka bạch sự thật
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, chúng con cũng là người nghèo. Bạch Ngài.
– Này Vua-Trời Sakka! Vua-trời là Vị cao cả trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, hưởng mọi an-lạc cao quý trên cõi trời. Vậy, do nguyên-nhân nào mà tự xưng mình là người nghèo?
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, sự thật con là Vua-trời Sakka cao cả trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, do tiền-kiếp của con đã làm mọi phước-thiện trong thời-kỳ không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian, nên quả báu của phước-thiện của con nghèo nàn thấp hèn so với các vị thiên-nam mà tiền-kiếp của họ đã làm các phước-thiện trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian.
Thật vậy, tiền-kiếp của các vị thiên-nam ấy đã làm các phước-thiện trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, sau khi họ chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, có hào quang sáng chói làm lấn át hào quang của con, có oai lực nhiều hơn con.
Vậy, con cũng là người nghèo nàn thấp hèn hơn các vị thiên-nam ấy. Bạch Ngài.
– Này Vua-Trời Sakka! Mặc dù có như vậy, kể từ nay về sau, Vua-trời cũng không nên lừa tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến lão tăng nữa!
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, nếu con lừa tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão, thì con có được phước-thiện bố-thí cúng dường hay không? Bạch Ngài.
– Này Vua-Trời Sakka! Dĩ nhiên là có phước-thiện bố-thí cúng dường đối với Vua-trời.
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, nếu như vậy thì việc tạo phước-thiện bố-thí cúng dường cũng nên đối với chúng con. Bạch Ngài.
Sau khi bạch như vậy, Đức-vua-trời Sakka cung-kín đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa, rồi dẫn Chánh-cung Hoàng-hậu Sujā bay lên hư không, với đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ tán dương ca tụng 3 lần rằng:
“Aho dānaṃ paramadānaṃ Kassape suppatiṭṭhitaṃ!
Aho dānaṃ paramadānaṃ Kassape suppatiṭṭhitaṃ!
Aho dānaṃ paramadānaṃ Kassape suppatiṭṭhitaṃ!
“Ô! Phước-thiện bố-thí cúng dường là sự cúng dường cao thượng nhất mà ta đã tạo vững chắc nơi Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa.”
“Ô! Phước-thiện bố-thí cúng dường là sự cúng dường cao thượng nhất mà ta đã tạo vững chắc nơi Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa.”
“Ô! Phước-thiện bố-thí cúng dường là sự cúng dường cao thượng nhất mà ta đã tạo vững chắc nơi Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa.”
Đức-vua-trời Sakka hồi cung trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên có hào quang sáng chói toả khắp, có oai lực phi thường trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên.
Chư-thiên thấy 5 hiện-tượng báo trước sự chết
Tất cả chư-thiên trong cõi trời dục-giới, vị thiên-nam nào hoặc vị thiên-nữ nào mỗi khi thấy 5 hiện-tượng báo trước (pañcapubbanimitta)(1) sắp hết tuổi thọ tại cõi trời dục-giới ấy, phải chuyển kiếp (cuti) (chết), rồi phải tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác, tuỳ theo nghiệp và quả của nghiệp của vị thiên-nam ấy, vị thiên-nữ ấy.
Pañcapubbanimitta: 5 hiện-tượng báo trước:
1- Mālā milāyanti: Các vòng hoa bị héo xàu.
2- Vatthāni kilissanti: Các bộ y phục bị dơ bẩn.
3- Kacchehi sedā muccanti: Mồ hôi toát ra hai bên nách.
4- Kāye dubbaṇṇiyaṃ okkamati: Sắc thân trở nên xấu.
5- Sake devo devāsane nābhiramati: Chư-thiên không hài lòng với cõi trời của mình nữa.
Sau khi thấy 5 hiện-tượng báo trước như vậy:
* Nếu vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ nào biết mình có nhiều phước-thiện, có đại-thiện-nghiệp sẽ cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh trở lại cõi trời ấy hoặc cõi trời cao hơn thì vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ ấy vẫn có vẻ tự nhiên, không có chút sợ hãi nào cả.
* Nếu vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ nào biết mình có ít phước-thiện, ác-nghiệp sẽ cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), thì cảm thấy kinh sợ nhiều.
Đức-vua-trời Sakka thấy 5 hiện-tượng báo trước
Đức-vua-trời Sakka được an hưởng mọi sự an-lạc đặc biệt trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, không còn thua kém vị thiên-nam nào, nên cảm thấy rất hài lòng với ngôi vị Đức-vua-trời của mình.
Về sau, Đức-vua-trời Sakka thấy 5 hiện-tượng báo trước (pañcapubbanimitta) sắp hết tuổi thọ tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên. Khi ấy, Đức-vua-trời Sakka xem xét về sự nghiệp của mình như là:
– Cung điện 10.000 do-tuần.
– Lâu-đài cao 1.000 do-tuần.
– Hội-trường Sudhammasabhā rộng 100 do-tuần.
– Cây Mahāparicchatta cao 100 do-tuần.
– Tảng đá Paṇḍukambala rộng 60 do-tuần.
– Vũ-nữ có 250 triệu cô.
– Chư-thiên thuộc hạ gồm có 2 cõi trời.
– Khu vườn Nandana, Cittalatā, Missaka, Pārusaka,…
Đức-vua-trời Sakka phát sinh nỗi khổ tâm cùng cực, sầu não, bởi vì không còn sở hữu những sự nghiệp đế vương này được nữa.(1)
Đức-vua-trời Sakka suy xét chỉ có Đức-Phật Gotama có tâm đại bi tế độ chắc chắn sẽ dập tắt được nỗi khổ tâm cùng cực này mà thôi.
Khi ấy, Đức-Thế-Tôn hiện đang ngự tại động Indasāla nằm ở khoảng giữa núi Vediyaka với phía bắc của xóm nhà bà-la-môn tên Ambasaṇḍa, thuộc về hướng Đông kinh-thành Rājagaha, của đất nước Magadha.
* Đức-vua-trời Sakka cho truyền gọi vị thiên-nam Pañcasikha cùng với nhóm chư-thiên đông đảo xuất hiện xuống núi Vediyaka, ngự đến động Indasāla, đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi bạch hỏi 14 câu hỏi.
Đức-vua-trời Sakka bạch hỏi 14 câu hỏi
Trong Sakkapañhasutta(1) là bài kinh dài trong Trường-bộ-kinh, trong quyển sách này chỉ đề cập đến tích Đức-vua-trời Sakka tạo phước-thiện bố-thí và phước-thiện nghe-pháp mà thôi.
Đức-vua-trời Sakka có được cơ hội đến hầu cung-kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi xin phép kính bạch hỏi 14 câu hỏi có tiêu đề như sau:
1- Issāmacchariya: tính ganh tỵ và tính keo kiệt.
2- Piyāpiya: đối-tượng làm cho ưa thích, không thích.
3- Chanda: hài lòng.
4- Vitakka: hướng tâm.
5- Papañcadhamma: pháp trì hoãn.
6- Somanassa: thọ hỷ.
7- Domanassa: thọ khổ.
8- Upekkhā: thọ xả.
9- Kāyasamācāra: thân hành động.
10- Vacīsamācāra: khẩu nói năng.
11- Pariyesanā: sự tìm kiếm.
12- Indriyasaṃvara: giữ gìn 6 xứ trong và 6 xứ ngoài.
13- Anekadhātu: vô số tự-tánh.
14- Accantaniṭṭhā: Niết-bàn.
Nghe Đức-Thế-Tôn giải đáp đến câu hỏi thứ 5 Papañcadhamma: pháp-trì-hoãn đó là taṇhā: tham-ái, māna: ngã-mạn, diṭṭhi: tà-kiến. Khi ấy, Đức-vua-trời Sakka chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) và hoài-nghi (vicikicchā) trở thành bậc Thánh Nhập-lưu (Sotāpanna). Ngay khi ấy, Đức-vua-trời Sakka chuyển kiếp (cuti) (chết), rồi đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm Đức-vua-trời Sakka trở lại tại nơi ấy, chỉ có Đức-vua-trời Sakka và Đức-Thế-Tôn biết mà thôi. Còn tất cả chư-thiên khác đều không có vị nào biết cả.
Đức-vua-trời Sakka tiếp tục bạch hỏi những câu hỏi còn lại, Đức-Thế-Tôn giải đáp đầy đủ 14 câu hỏi của Đức-vua-trời Sakka.
Cho nên, bài kinh này gọi là Sakkapañhasutta: Kinh câu hỏi của Đức-vua-trời Sakka.
Đức-vua-trời Sakka và các hậu kiếp
Đức-vua-trời Sakka mới là bậc Thánh Nhập-lưu hồi cung ngự trở về cung trời Tam-thập-tam-thiên cho đến hết tuổi thọ tại cõi trời ấy, chuyển kiếp (chết), đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong lòng Bà Chánh-cung Hoàng-hậu.
Khi sinh ra đời, lúc trưởng thành là Thái-tử rồi trở thành Đức-vua trong cõi người. Khi hết tuổi thọ ở cõi người (chết), rồi đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm Đức-vua-trời Sakka trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên.
Như vậy, Đức-vua tử sinh luân-hồi trong cõi thiện-dục-giới là cõi người và cõi trời dục-giới suốt 7 kiếp.
Kiếp Đức-vua trở thành bậc Thánh Nhất-lai tại cõi người đến khi hết tuổi thọ cõi người (chết), đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm Đức-vua-trời Sakka trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, trở thành bậc Thánh Bất-lai, rồi chuyển kiếp (chết), đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) có đệ ngũ thiền sắc-giới quả-tâm tương xứng gọi là sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Suddhavāsa (Tịnh-cư-thiên) dành cho bậc Thánh Bất-lai có 5 tầng trời theo tuần tự như sau:
1- Avihā: tầng trời Vô-phiền-thiên có tuổi thọ 1.000 đại-kiếp trái đất.
2- Atappā: tầng trời Vô-nhiệt-thiên có tuổi thọ 2.000 đại-kiếp trái đất.
3- Sudassā: tầng trời Thiện-hiện-thiên có tuổi thọ 4.000 đại-kiếp trái đất.
4- Sudassī: tầng trời Thiện-kiến-thiên có tuổi thọ 8.000 đại-kiếp trái đất.
5- Akaniṭṭhā: tầng trời Sắc-cứu-cánh-thiên có tuổi thọ 16.000 đại-kiếp trái đất.
Như vậy, Đức-vua-trời Sakka đã phát nguyện hưởng an-lạc trong tầng trời Suddhavāsa (Tịnh-cư-thiên) có 5 tầng trời sắc-giới phạm-thiên theo tuần tự từ tầng trời Avihā: tầng trời Vô-phiền-thiên cho đến tầng trời Akaniṭṭhā: Sắc-cứu-cánh-thiên, suốt 5 tầng trời cõi trời sắc-giới phạm-thiên gồm có 31.000 đại-kiếp trái đất, rồi sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán tại tầng trời Akaniṭṭhā: Sắc-cứu-cánh-thiên, mới tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama có ba bậc Thánh Nhập-lưu là Đức-vua-trời Sakka, ông phú hộ Anāthapiṇḍika gahapati và bà Visākhā mahā-upāsikā đều phát nguyện giống nhau như vậy, nên gọi là vaṭṭā-bhiratasattā: bậc Thánh Nhập-lưu thích tử sinh luân-hồi hưởng sự an-lạc trong các tầng trời cõi trời sắc-giới phạm-thiên.
Bài viết trích từ cuốn Phước Thiện – Tỳ Khưu Hộ Pháp biên soạn. Quý vị có thể tải sách bản PDF tại đây.