Nhận Thức Nghiệp Và Quả Của Nghiệp
Các hàng thanh-văn đệ-tử là bậc thiện-trí có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có chánh-kiến về nghiệp của mình (kammassakatā sammādiṭṭhi), nên nhận thức đúng theo sự-thật về nghiệp và quả của nghiệp:
* Khi ta hưởng được mọi sự an-lạc trong cuộc sống, có quyền cao chức trọng trong kiếp-hiện-tại, thì ta nên nhận thức đúng theo sự-thật về nghiệp và quả của nghiệp rằng:
“ Đó là quả tốt, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp mà ta đã tạo trong kiếp-hiện-tại hoặc trong kiếp quá-khứ.”
Ngoài đại-thiện-nghiệp và quả của đại-thiện-nghiệp ra, chắc chắn không có một ai bỗng dưng ban cho ta mọi sự an-lạc, mọi điều tốt lành trong cuộc sống hiện-tại như vậy.
Đại-thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm thuộc về danh-pháp (nāmadhamma) không phải là sắc-pháp (rūpadhamma), nếu khi đại-thiện-nghiệp nào cho quả thì gồm có danh-pháp, sắc-pháp liên quan với đại-thiện-nghiệp ấy.
Ví dụ: đại-thiện-nghiệp đặc biệt có cơ-hội cho quả tái-sinh đầu thai vào lòng bà Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua, khi sinh ra đời là Thái-tử khôi ngô tuấn tú, nên Thái-tử hưởng được mọi sự an-lạc, mọi người ân cần chăm sóc nuôi dưỡng chu đáo. Khi Thái-tử trưởng thành là một Thái-tử có tài đức văn võ song toàn, nên được Đức-Phụ-vương truyền ngôi báu, lên làm vua, trị vì đất nước.
Thái-tử hưởng mọi sự an-lạc, mọi điều tốt lành trong cuộc sống hiện-tại này đều là do quả của đại-thiện-nghiệp đặc biệt mà tiền-kiếp của Thái-tử đã tạo trong kiếp quá-khứ.
* Nếu khi ta bị động bắt gặp mọi điều bất hạnh, mọi sự nỗi khổ đau trong cuộc sống hiện-tại thì ta nên nhận thức đúng theo sự-thật về nghiệp và quả của nghiệp rằng:
“ Đó là quả xấu, quả khổ của ác-nghiệp mà ta đã tạo trong kiếp-hiện-tại hoặc trong kiếp quá-khứ.”
Ngoài ác-nghiệp và quả của ác-nghiệp ra, chắc chắn không có một ai bỗng dưng chịu làm khổ ta, làm cho ta đau khổ trong cuộc sống hiện-tại như vậy.
Ác-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 ác-tâm thuộc về danh-pháp (nāmadhamma) không phải là sắc-pháp (rūpadhamma), nếu khi ác-nghiệp nào cho quả thì gồm có danh-pháp, sắc-pháp liên quan với ác-nghiệp ấy.
Ác-nghiệp nào trong kiếp quá-khứ có cơ-hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) kiếp-hiện-hữu.
Ví dụ: Người cận-sự-nam Mahākāla([1]) là bậc Thánh-Nhập-lưu có ngũ-giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn.
Một hôm, nhằm vào ngày bát-giới uposathasīla, cận-sự-nam Mahākāla đến ngôi chùa Jetavana, xin thọ bát-giới uposathasīla xong, rồi ở lại chùa nghe pháp, thực-hành pháp-hành-thiền suốt đêm, gần rạng đông, ông trở về nhà.
Khi đi ra đến hồ nước, ông cận-sự-nam xuống hồ, ngồi lấy nước rửa mặt. Trong đêm ấy, bọn trộm cắp lén vào trong nhà lấy trộm của cải tài sản, người chủ nhà hay biết thức dậy, bon trộm cắp liền mang theo gói của cải chạy trốn thoát thân.
Người chủ truyền bảo những người nhà đuổi theo bọn trộm, một tên trộm chạy dọc theo con đường đến ngôi chùa Jetavana, biết đàng sau có người đuổi theo, nên tên trộm ném gói đồ lấy trộm cắp xuống hồ nước, để nhẹ người chạy thoát thân. Chẳng may, gói đồ trộm cắp ấy rơi gần người cận-sự-nam Mahākāla đang ngồi rửa mặt lúc rạng đông. Khi ấy, nhóm người nhà đuổi theo, nhìn thấy gói đồ trộm cắp bên cạnh ông cận-sự-nam, chúng bắt ông Mahākāla, rồi bảo rằng:
“ Đêm qua, ngươi lén vào nhà lấy trộm cắp của cải tài sản của chúng ta, có tang chứng rõ ràng, ngươi đừng giả vờ.”
Người cận-sự-nam Mahākāla bị đánh đập đến chết, chúng bỏ thây bên hồ nước.
Buổi sáng hôm ấy, số tỳ-khưu trẻ mang nồi đi lấy nước ở hồ, nhìn thấy thây của cận-sự-nam Mahākāla bị chết oan, nên chư tỳ-khưu bảo nhau rằng:
“ Ông cận-sự-nam Mahākāla thọ trì, giữ gìn bát-giới uposathasīla, nghe pháp, thực-hành pháp-hành thiền suốt đêm qua tại chùa, nay ông bị đánh đập chết oan, thật là không công bằng.”
Chư tỳ-khưu đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, kính bạch về sự chết oan, không công bằng đối với ông cận-sự-nam Mahākāla ấy.
Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Người cận-sự-nam Mahākāla bị chết như vậy là không công bằng ở kiếp-hiện-tại, nhưng lại công bằng theo ác-nghiệp sát-sinh mà cận-sự-nam Mahākāla đã tạo trong kiếp quá-khứ của y.
Nghe Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, chư tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết giảng về ác-nghiệp của người cận-sự-nam Mahākāla đã tạo trong kiếp quá-khứ.
Đức-Thế-Tôn thuyết giảng về ác-nghiệp của người cận-sự-nam Mahākāla đã tạo trong kiếp quá-khứ. ([2])
Kiếp-hiện-tại này, người cận-sự-nam Mahākāla bị đánh đập đến chết như vậy, đó là quả của ác-nghiệp cũ mà kiếp-quá-khứ của người cận-sự-nam Mahākāla là người trạm-trưởng có quyền hành đã từng vu oan giá hoạ cho người chồng có người vợ trẻ xinh đẹp, nên đánh đập người chồng chết, rồi chiếm lấy người vợ trẻ xinh đẹp ấy.
* Cho nên, bậc thiện-trí có chánh-kiến về nghiệp của mình (kammassakatā sammādiṭṭhi),khi đang hưởng được mọi sự an-lạc như sự giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, v.v… trong kiếp-hiện-tại, nên có chánh-kiến về nghiệp của mình mà thấy đúng, hiểu đúng rằng:
Đó là quả của đại-thiện-nghiệp mà ta đã tạo đại-thiện-nghiệp trong kiếp-hiện-tại hoặc trong kiếp quá-khứ.”
Vậy, ta nên tin nghiệp và quả của nghiệp, chớ nên dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp, mà nên cố gắng tinh-tấn tạo mọi thiện-nghiệp, để nâng đỡ kiếp sống của ta càng thêm cao quý.
Mọi thiện-nghiệp đó là dục-giới đại-thiện-nghiệp, sắc-giới thiện-nghiệp, vô-sắc-giới thiện-nghiệp, cho đến siêu-tam-giới thiện-nghiệp trong 4 Thánh-đạo-tâm liền cho quả là 4 Thánh-quả-tâm, trở thành bậc Thánh-A-ra-hán cao-thượng, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới, hoàn toàn không còn bị chi phối bởi mọi ác-nghiệp và mọi thiện-nghiệp nữa.
* Nếu khi ta đang chịu những cảnh khổ, gặp những điều bất hạnh trong đời, thì ta cũng nên có chánh-kiến về nghiệp của mình mà thấy đúng, hiểu đúng rằng:
Đó là quả của ác-nghiệp mà ta đã tạo ác-nghiệp trong kiếp-hiện-tại hoặc trong kiếp quá-khứ.”
Vậy, ta nên tin nghiệp và quả của nghiệp, chớ nên dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp, mà nên cố gắng tinh-tấn tạo mọi thiện-nghiệp, mà tránh xa mọi ác-nghiệp.
Mọi thiện-nghiệp đó là dục-giới đại-thiện-nghiệp, sắc-giới thiện-nghiệp, vô-sắc-giới thiện-nghiệp, cho đến siêu-tam-giới thiện-nghiệp trong 4 Thánh-đạo-tâm liền cho quả là 4 Thánh-quả-tâm, trở thành bậc Thánh-A-ra-hán cao-thượng, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới, hoàn toàn không còn bị chi phối bởi mọi ác-nghiệp và mọi thiện-nghiệp nữa.
[1] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, Tich Mahākāla upāsikavatthu
[2] Xem đầy đủ trong bộ “Nền tảng Phật-giáo” quyển III Pháp-Hành-Giới, phần Sự tích người phạm giới sát-sinh,( trang 102 ??) cùng soạn giả.