Pháp luật là lời giáo huấn của Đức-Phật
Trong Tạng Luật, bộ Cūḷavagga, Đức-Phật thuyết dạy Đại-đức Tỳ-khưu-ni Mahāpajāpati Gotamī biết phân biệt rõ điều không đúng pháp, điều không đúng luật, điều không đúng lời giáo huấn của Đức-Phật và biết rõ điều đúng pháp, điều đúng luật, điều đúng lời giáo huấn của Đức-Phật.
Không đúng pháp, luật, lời giáo huấn của Đức-Phật
– Này Gotamī! Con nên biết phân biệt pháp nào
* là pháp làm phát sinh tham-ái, không phải diệt tham-ái,
* là pháp ràng buộc trong cảnh khổ, không phải giải thoát khỏi cảnh khổ,
* là pháp chấp-thủ trong tử sinh luân-hồi, không phải giải thoát khổ tử sinh luân-hồi,
* là pháp tham muốn nhiều, không phải tham muốn ít,
* là pháp không biết tri túc, không phải biết tri túc,
* là pháp thích sống chung nhiều người, không phải sống một mình nơi thanh vắng,
* là pháp làm biếng nhác, không phải cố gắng tinh-tấn,
* là pháp sống khó nuôi, không phải sống dễ nuôi.
Như vậy, con nên biết rõ chắc chắn rằng: Những pháp ấy là không đúng pháp, không đúng luật, không đúng lời giáo huấn của Đức-Tôn-sư.
Đúng pháp, luật, lời giáo huấn của Đức-Phật
– Này Gotamī! Con nên biết phân biệt pháp nào
* là pháp diệt tham-ái, không phải làm phát sinh tham-ái,
* là pháp giải thoát khỏi cảnh khổ, không phải ràng buộc trong cảnh khổ,
* là pháp giải thoát khổ tử sinh luân-hồi, không phải chấp-thủ trong tử sinh luân-hồi,
* là pháp tham muốn ít, không phải tham muốn nhiều,
* là pháp biết tri túc, không phải không biết tri túc,
* là pháp sống một mình nơi thanh vắng, không phải thích sống chung nhiều người,
* là pháp cố gắng tinh-tấn, không phải làm biếng nhác.
* là pháp sống dễ nuôi, không phải sống khó nuôi.
Như vậy, con nên biết rõ chắc chắn rằng: Những pháp ấy là đúng pháp, đúng luật, đúng lời giáo huấn của Đức-Tôn-sư.
Ngài Trưởng-lão Pháp sư (Dhammakathika)
Ngài Trưởng-lão Pháp-sư không chỉ là Bậc đa-văn túc-trí (bahussuta) học nhiều hiểu rộng, uyên thâm sâu sắc, thông thuộc, thấu suốt Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi thuộc về pháp-học Phật-giáo, mà còn giảng giải rành rẽ về pháp-hành Phật-giáo nữa.
Kinh Dhammakathikasutta
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, một vị tỳ-khưu đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi ngồi một nơi hợp lẽ, bạch hỏi Đức-Thế-Tôn rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, tỳ-khưu như thế nào được gọi là ‘Dhammakathika, Dhammakathika’ Ngài Trưởng-lão Pháp-sư, Ngài Trưởng-lão Pháp-sư? Bạch Ngài.
Tỳ-khưu như thế nào được gọi là ‘dhammānudham-mappaṭipanno bhikkhu’ tỳ-khưu thực-hành chánh-pháp chứng đắc siêu-tam-giới-pháp? Bạch Ngài.
Tỳ-khưu như thế nào được gọi là ‘diṭṭhadhamma-nibbānappatto bhikkhu’ tỳ-khưu đạt đến Niết-bàn kiếp hiện-tại? Bạch Ngài.
Đức-Phật thuyết dạy rằng:
– Này tỳ-khưu! Nếu tỳ-khưu nào thuyết giảng chánh-pháp để phát sinh tâm nhàm chán, để xa lìa tham-ái, để diệt sắc-uẩn thì nên gọi tỳ-khưu ấy là vị pháp-sư (dhammakathika bhikkhu).
* Nếu tỳ-khưu nào là hành-giả thực-hành chánh-pháp, để phát sinh tâm nhàm chán, để xa lìa tham-ái, để diệt sắc-uẩn thì nên gọi tỳ-khưu ấy là hành-giả thực-hành chánh-pháp chứng đắc siêu-tam-giới-pháp (dham-mānudhammappaṭipanno bhikkhu).
* Nếu tỳ-khưu nào là hành-giả thực-hành chánh-pháp đã hoàn toàn giải thoát, không còn chấp-thủ, bởi vì đã nhàm chán, đã xa lìa tham-ái, đã diệt được sắc-uẩn thì gọi tỳ-khưu ấy là hành-giả đã đạt đến Niết-bàn kiếp hiện-tại (diṭṭhadhammanibbānappatto bhikkhu).
Tương tự như trên,
Nếu tỳ-khưu nào thuyết giảng chánh-pháp để phát sinh tâm nhàm chán, để xa lìa tham ái, để diệt thọ-uẩn,… tưởng-uẩn,… hành-uẩn,… thức-uẩn thì gọi tỳ-khưu ấy là vị pháp-sư (dhammakathika bhikkhu).
* Nếu tỳ-khưu nào là hành-giả thực-hành chánh-pháp, để phát sinh tâm nhàm chán, để xa lìa tham-ái, để diệt thọ-uẩn,… diệt tưởng-uẩn,… diệt hành-uẩn,…diệt thức-uẩn thì gọi tỳ-khưu ấy là hành-giả thực-hành chánh-pháp chứng đắc siêu-tam-giới-pháp (dham-mānudhammappaṭipanno bhikkhu).
* Nếu tỳ-khưu nào là hành-giả thực-hành chánh-pháp, đã hoàn toàn giải thoát, không còn chấp-thủ, bởi vì đã nhàm chán, đã xa lìa tham-ái, đã diệt được thọ-uẩn,… diệt tưởng-uẩn,… diệt hành-uẩn,… diệt thức-uẩn thì gọi tỳ-khưu ấy là hành-giả đã đạt đến Niết-bàn kiếp hiện-tại (diṭṭhadhammanibbānappatto bhikkhu).
Vấn: Nếu có cùng câu hỏi thì bậc Thánh Thanh-văn giải đáp với Đức-Phật giải đáp có khác nhau hay không?
Đáp: Nếu có cùng câu hỏi thì bậc Thánh Thanh-văn giải đáp với Đức-Phật giải đáp về nội dung ý nghĩa hoàn toàn giống nhau từng chữ, từng câu, nhưng chỉ có khác nhau về cách xưng hô mà thôi.
Một Đêm Tốt Lành (Bhaddekaratta)
Thật vậy, một thuở nọ Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Tapodārāma gần kinh-thành Rājagaha. Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Samiddhi đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, ngồi một nơi hợp lẽ, rồi kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết dạy bài kệ “Bhaddekaratta: Một đêm tốt lành”.
Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết dạy rằng:
“Atītaṃ nānvāgameyya, nappaṭikaṅkhe anāgataṃ.
Yadatītaṃ pahīnaṃ taṃ, appattañca anāgataṃ.
Paccuppannañca yo dhammaṃ, tattha tattha vipassati.
Asaṃhīraṃ asaṃkuppaṃ, taṃ vivdā manubrūhaye….
Taṃ ve ‘bhaddekaratto’ti, santo acikkhate mini.”
– Này tỳ-khưu!
Hành-giả không nên hồi tưởng đến ngũ-uẩn quá-khứ.
Không nên mong ước ngũ-uẩn trong vị-lai.
Ngũ-uẩn nào quá-khứ, ngũ-uẩn ấy đã diệt rồi.
Ngũ-uẩn nào vị-lai, ngũ-uẩn ấy chưa sinh.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ chỉ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của ngũ-uẩn đang sinh hiện-tại là pháp-vô-ngã.
Hành-giả tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ chứng ngộ Niết-bàn bất thoái, bất diệt.
Hãy nên cố gắng tinh-tấn tạo mọi thiện-pháp ngay trong ngày hôm nay!
Ai có thể biết được sự chết trong ngày mai?
Sự khất với tử thần có đoàn binh hùng hậu không bao giờ được đối với chúng ta.
Tỳ-khưu nên cố gắng tinh-tấn ngày đêm không ngừng, như vậy, gọi là “tỳ-khưu có một đêm tốt lành”.
Sau khi thuyết dạy bài kệ “Một đêm tốt lành, Bhaddekaratta” như vậy, Đức-Thế-Tôn đứng dậy rời chỗ ngồi ngự vào cốc gandhakuṭi.
Chư tỳ-khưu bàn thảo
Sau khi Đức-Thế-Tôn ngự vào cốc gandhakuṭi, chư tỳ-khưu bàn thảo với nhau rằng:
– Này chư pháp-hữu! Đức-Thế-Tôn thuyết dạy bài kệ “Bhaddekaratta: Một đêm tốt lành” các đầu đề tóm tắt với chúng ta, mà chưa khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc các đầu đề của bài kệ ấy, rồi Đức-Thế-Tôn đứng dậy ngự vào cốc gandhakuṭi.
Vậy, Ngài Trưởng-lão nào có khả năng khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài kệ này.
Khi ấy, chư tỳ-khưu có ý kiến rằng: “Ngài Trưởng-lão Mahākaccāna mà Đức-Thế-Tôn cùng chư pháp-hữu đồng phạm hạnh thiện-trí đều tán dương ca tụng tài đức của Ngài Trưởng-lão.
Chắc chắn, Ngài Trưởng-lão Mahākaccāna có khả năng khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài kệ này.
Vậy, chúng ta cùng nhau đi đến tìm Ngài Trưởng-lão Mahākaccāna”.
Chư tỳ-khưu cùng nhau dẫn đến đảnh lễ Ngài Trưởng-lão Mahākaccāna, rồi bạch rằng:
– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, Đức-Thế-Tôn thuyết dạy bài kệ “Bhaddekaratta: Một đêm tốt lành” rằng:
“Atītaṃ nānvāgameyya, nappaṭikaṅkhe anāgataṃ.
Yadatītaṃ pahīnaṃ taṃ, appattañca anāgataṃ…”.
Sau khi thuyết dạy xong bài kệ mà chưa khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc các đầu đề của bài kệ ấy, Đức-Thế-Tôn đứng dậy ngự vào cốc gandhakuṭi.
– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, chúng tôi kính thỉnh Ngài Trưởng-lão khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài kệ ấy.
Nghe chư tỳ-khưu bạch như vậy, Ngài Trưởng-lão Mahākaccāna thưa rằng:
– Thưa quý vị! Ví như người đi tìm lõi cây, tìm gặp cây lớn có lõi, người ấy bỏ qua thân cây và rễ, mà tìm lõi cây ở nơi cành cây và lá, như thế nào.
Quý vị cũng như thế ấy, khi Đức-Thế-Tôn đang hiện hữu thì quý vị không kính thỉnh Đức-Thế-Tôn khai triển giảng giải, mà lại đến hỏi tôi.
Chư tỳ-khưu tha thiết khẩn khoản, Ngài Trưởng-lão Mahākaccāna hoan-hỷ khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài kệ ấy.
Sau khi nghe Ngài Trưởng-lão Mahākaccāna giảng giải khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài kệ ấy xong, chư tỳ-khưu đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi kính bạch Đức-Thế-Tôn rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, vị Trưởng-lão Mahākaccāna giảng giải khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài kệ “Bhaddekaratta: Một đêm tốt lành” cho các con nghe với lời lẽ như vậy, với chữ như vậy, với câu như vậy.
Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
“Paṇḍito bhikkhave, Mahākaccāno, mahāpañño bhikkhave, Mahākaccāno, maṃ cepi tumhe bhikkhave, etamatthaṃ paṭipuccheyyātha, ahampi taṃ evamevaṃ byākareyyaṃ. Yathā taṃ Mahākaccānena byākataṃ, eso cevetassa attho, evañca naṃ dhāretha.”
“- Này chư tỳ-khưu! Mahākaccāna là bậc thiện-trí.
– Này chư tỳ-khưu! Mahākaccāna là bậc đại-trí-tuệ.
– Này chư tỳ-khưu! Nếu các con bạch hỏi, thỉnh cầu
Như-Lai giảng giải khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài kệ ấy, thì Như-Lai cũng giảng giải khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài kệ ấy giống như Mahākaccāna vậy.
Mahākaccāna giảng giải khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề ấy, đó là ý nghĩa của các đầu đề ấy. Các con nên ghi nhớ rõ như vậy.”
Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, chư tỳ-khưu vô cùng hoan-hỷ nghe theo lời dạy của Đức-Thế-Tôn.