Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 7 – Ba pháp che phủ 3 trạng-thái-chung, Phương pháp đối trị + Giảng giải về tâm

* Ba pháp che phủ 3 trạng-thái-chung, phương pháp diệt 3 pháp che phủ

Ba trạng-thái-chung của sắc-pháp, của danh-pháp là:

1- Aniccalakkhaṇa: Trạng-thái vô-thường.

2- Dukkhalakkhaṇa: Trạng-thái khổ.

3- Anattalakkhaṇa: Trạng-thái vô-ngã.

Ba trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới là sự thật hiển nhiên. Sở dĩ 3 trạng-thái-chung này không hiện rõ là vì bị che phủ bởi 3 pháp đó là:

1- Santati: Dòng sinh diệt liên tục vô cùng mau lẹ làm che phủ trạng-thái vô-thường không hiện rõ.

2- Iriyāpatha: Các oai-nghi thay đổi làm che phủ trạng-thái khổ không hiện rõ.

3- Ghana: Ngã-tưởng đồng-nhất làm che phủ trạng-thái vô-ngã không hiện rõ.

Giảng giải

1- Santati: Dòng sinh diệt liên tục vô cùng mau lẹ làm he phủ trạng-thái vô-thường không hiện rõ như thế nào?

Đức-Phật dạy:

“Sabbe saṅkhārā aniccā.”

Tất cả các pháp-hữu-vi đều có trạng-thái vô-thường.

Pháp-hữu-vi đó là sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự-tánh (dhātu), v.v… đều có trạng-thái vô-thường, bởi vì mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp sinh rồi diệt liên tục không ngừng vô cùng mau lẹ, có rồi lại không.

Như vậy, trạng-thái vô-thường của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới là sự thật hiển nhiên, do nguyên nhân nào làm cho trạng-thái vô-thường không hiện rõ?

Trong bộ Visuddhimagga, Thanh-Tịnh-đạo giải rằng:

“Aniccalakkhaṇaṃ tāva udayabbayānaṃ amanasikārā santatiyā paṭicchannattā na upaṭṭhāti.”

Trước hết, trạng-thái vô-thường không hiện rõ, vì dòng sinh diệt liên tục (santati) vô cùng mau lẹ của danh-pháp, sắc-pháp tam-giới, làm che phủ trạng-thái vô-thường, do không có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới.

Dòng sinh diệt liên tục (santati) che phủ trạng-thái vô-thường như thế nào?

Ví dụ thô thiển dễ hiểu để so sánh như:

– Khi ta thấy những hình ảnh trên màn hình chiếu phim, cứ 1 giây đồng hồ có khoảng 24 tấm hình liên tục quay nhanh qua máy chiếu phim, ta thấy hình ảnh những tài tử diễn viên có những cử chỉ, hành động, lời nói tự nhiên bình thường. Ta không thể thấy từng tấm phim cách khoảng nhau và cũng không nghe từng tiếng nói cách khoảng nhau.

Đó là sự liên tục của cuộn phim quay nhanh.

– Khi ta thấy bóng đèn đang cháy sáng, cứ mỗi giây đồng hồ có khoảng 50-60 lần dòng điện tắt rồi cháy sáng liên tục không ngừng trong suốt thời gian bóng đèn cháy sáng. Ta không thể thấy bóng đèn cháy sáng rồi tắt liên tục.

Đó là sự liên tục của dòng điện tắt rồi cháy sáng.

Còn sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới thì vô cùng mau lẹ phi thường.

Trong Chú-giải giảng giải rằng:

“Ekaccharakkhaṇe koṭisatasahassasaṅkhā uppajitvā nirujjhati.”

“Chỉ một lần búng đầu ngón tay, tâm với tâm-sở (danh-pháp) sinh rồi diệt liên tục 1.000 tỷ lần.”

Như vậy, chỉ có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 gọi là udayabbayā-nupassanāñāṇa sắc bén nhanh nhạy có khả năng thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại mà thôi.

Nếu không có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayā-nupassanāñāṇa thì không thấy rõ, biết rõ được sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại, nên chắc chắn không thể cắt đứt santati: Dòng sinh diệt liên tục của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại.

Vì vậy, hành-giả không thể thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại.

Sở dĩ, hành-giả không thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại là vì dòng sinh diệt liên tục vô cùng mau lẹ của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại, làm che phủ trạng-thái vô-thường của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại.

Phương pháp làm cho trạng-thái vô-thường hiện rõ

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 gọi là udayabbayānupassanāñāṇa phát sinh sắc bén nhanh nhạy thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại, mới có khả năng cắt đứt dòng sinh diệt liên tục vô cùng mau lẹ của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại, thì sự thật hiển nhiên trạng-thái vô-thường của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện rõ.

Như bộ Visuddhimagga giải rằng:

“Udayabbayampana pariggahetvā santatiyā vikopitāya aniccalakkhaṇaṃ yathāvasarasato upaṭṭhāti.”

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh, thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại, mới có khả năng cắt đứt dòng sinh diệt liên tục của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại. Khi ấy, trạng-thái vô-thường của sắc-pháp, của danh-pháp hiển nhiên hiện rõ sự thật của nó.

Trí-tuệ thiền-tuệ nào có khả năng thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp?

Trong 16 loại trí-tuệ thiền-tuệ theo tuần tự của pháp-hành thiền-tuệ, thì đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 gọi là udayabbayānupassanāñāṇa có khả năng thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp của danh-pháp tam-giới hiện-tại.

Thật vậy, trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupas-sanāñāṇa này là trí-tuệ thiền-tuệ bắt đầu thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại là:

– Danh-pháp nào sinh, do nhân-duyên nào sinh,

– Danh-pháp ấy diệt, do nhân-duyên ấy diệt.

– Sắc-pháp nào sinh, do nhân-duyên nào sinh,

– Sắc-pháp ấy diệt, do nhân-duyên ấy diệt.

Cho nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ tư udayabbayānupas-sanāñāṇa này chính thức được gọi là trí-tuệ thiền-tuệ, bởi vì trí-tuệ thiền-tuệ thứ tư udayabbayānupassanāñāṇa có khả năng cắt đứt dòng sinh diệt liên tục (santati) mau lẹ không ngừng của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.

Như vậy, sự thật trạng-thái vô-thường của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại được hiển nhiên hiện rõ.

Thật ra, không chỉ trạng-thái vô-thường của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại được hiển nhiên hiện rõ, mà còn trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại cũng được hiển nhiên hiện rõ, bởi vì 3 trạng-thái-chung này có sự liên quan với nhau.

Bắt đầu từ trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupas-sanāñāṇa này cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 gọi là saccānulomañāṇa đều có khả năng thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái-vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.

Nếu hành-giả nào là hạng người tam-nhân (tihetuka-puggala) thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có khả năng phát sinh đến trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới hiện-tại, thì hành-giả ấy thật là cao quý.

Như trong Dhammapadagāthā, Đức-Phật dạy rằng:

“Yo ca vassasataṃ jīve, apassaṃ udaybbayaṃ.

Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo, passato udaybbayaṃ.”

Người nào dù sống đến trăm năm,

Mà không có trí-tuệ thiền-tuệ,

Không thấy sự sinh và sự diệt.

Không bằng hành-giả sống một ngày,

Có trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh,

Thấy rõ sự sinh và sự diệt,

Của sắc-pháp danh-pháp hiện-tại,

Cuộc đời cao quý biết dường nào!

2- Iriyāpatha: Các oai-nghi thay đổi làm che phủ trạng-thái khổ không hiện rõ như thế nào?

Đức-Phật dạy rằng:

“Sabbe saṅkhārā dukkhā.”

Tất cả các pháp-hữu-vi đều có trạng-thái khổ.

Pháp-hữu-vi đó là sắc-pháp, danh-pháp, ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự-tánh (dhātu), … đều có trạng-thái khổ.

Như vậy, trạng-thái khổ của sắc-pháp, của danh-pháp là sự thật hiển nhiên, do nguyên nhân nào làm cho trạng-thái khổ không hiện rõ?

Trong bộ Visuddhimagga Thanh-Tịnh-Đạo giải rằng:

“Dukkhalakkhaṇaṃ abhiṇhasampaṭipīḷanassa amanasikārā iriyāpathehi paṭicchannattā na upaṭṭhāti.”

Trạng-thái khổ không hiện rõ, vì các oai-nghi thay đổi che phủ, do không có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt, trạng-thái vô-thường của sắc-pháp, các oai-nghi luôn luôn hành hạ.

Các oai-nghi làm che phủ trạng-thái khổ không hiện rõ như thế nào?

Tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi-ngồi, oai-nghi nằm và các oai-nghi phụ là bước tới trước, bước lui sau, quay bên phải, quay bên trái, co tay vào, co chân vào, duỗi tay ra, duỗi chân ra, v.v…

Tứ-oai-nghi và các oai-nghi phụ thuộc về sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa), có sự sinh, sự diệt liên tục không ngừng, có trạng-thái vô-thường luôn luôn hành hạ các oai-nghi, nên oai-nghi có trạng-thái khổ.

Thế mà mỗi khi có oai-nghi nào phát sinh khổ, theo thói quen liền thay đổi từ oai-nghi cũ ấy sang oai-nghi mới ngay, mà không có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của oai-nghi cũ ấy, nên không có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trạng-thái khổ của oai-nghi cũ ấy.

Vì vậy, oai-nghi mới làm che phủ trạng-thái khổ của oai-nghi cũ.

Phương pháp làm cho trạng-thái khổ hiện rõ

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trước khi thay đổi mỗi oai-nghi, cần phải có trí-tuệ thiền-tuệ biết rõ nguyên nhân chính đáng, đó là sự khổ bắt buộc phải thay đổi từ oai-nghi cũ sang oai-nghi mới.

Khi thay đổi oai-nghi, hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ theo dõi nhất cử nhất động từ oai-nghi cũ sang oai-nghi mới, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của các sắc-pháp oai-nghi cũ ấy, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường luôn luôn hành hạ các oai-nghi cũ ấy.

Vì vậy, trạng-thái khổ của sắc-pháp các oai-nghi ấy hiện rõ.

Như bộ Visuddhimagga giải rằng:

“Abhiṇhapaṭisampaṭipīḷanaṃ manasikatvā iriyāpathe ugghāṭite dukkhalakkhaṇaṃ yathāvasarasato upaṭṭhāti.”

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp oai-nghi ấy, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường luôn luôn hành hạ oai-nghi ấy, nên diệt được các oai-nghi che phủ trạng-thái khổ.

Khi ấy, trạng-thái khổ của sắc-pháp oai-nghi ấy hiển nhiên hiện rõ sự thật của nó.

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa phát sinh thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp oai-nghi, mỗi danh-pháp hiện-tại, hiện rõ trạng-thái vô-thường luôn luôn hành hạ, nên trạng-thái khổ của sắc-pháp oai-nghi, của danh-pháp biết oai-nghi ấy hiển nhiên hiện rõ sự thật của nó.

3- Ghana: Ngã-tưởng đồng-nhất làm che phủ trạng-thái vô-ngã không hiện rõ như thế nào?

Đức-Phật dạy rằng:

“Sabbe dhammā anattā.”

Tất cả các pháp đều có trạng-thái vô-ngã.

Dhammā đó là pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp, ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự-tánh (dhātu), v.v… đều có trạng-thái vô-ngã, bởi vì các pháp-hữu-vi ấy đều có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, nên có trạng-thái vô-ngã.

Như vậy, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp là sự thật hiển nhiên, do nguyên nhân nào trạng-thái vô-ngã không hiện rõ?

Trong bộ Visuddhimagga Thanh-Tịnh-Đạo giải rằng:

“Anattalakkhaṇaṃ nānādhātuvinibhogassa amanasi-kārā ghanena paṭicchannattā na upaṭṭhāti.”

Trạng-thái vô-ngã không hiện rõ, vì ngã-tưởng đồng-nhất che phủ, do không có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ, phân tích rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp riêng biệt với nhau.

Ngã-tưởng đồng-nhất che phủ trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, như thế nào?

Ghana: Ngã-tưởng đồng-nhất có 3 loại:

1- Samūhaghana: Ngã-tưởng đồng-nhất tổng-hợp là gom mọi danh-pháp và mọi sắc-pháp lại cho là ta.

2- Kiccaghana: Ngã-tưởng đồng-nhất phận sự là gom mọi phận sự của mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp lại cho là ta.

3- Ārammaṇaghana: Ngã-tưởng đồng-nhất đối-tượng là gom mọi đối-tượng lại cho là ta.

Sự thật theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) thì mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp được phân biệt như sau:

* Danh-pháp (nāmadhamma) đó là tâm với tâm-sở:

– Tâm (citta) gồm có 89 hoặc 121 tâm.

– Tâm-sở (cetasika) gồm có 52 tâm-sở.

* Sắc-pháp (rūpadhamma) gồm có 28 sắc-pháp.

– Mỗi tâm, tâm-sở đều có trạng thái riêng, có phận sự riêng, có đối-tượng riêng.

– Mỗi sắc-pháp có trạng thái riêng, v.v…

Thế mà, ngã-tưởng đồng-nhất do tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp gom lại cho là ta theo 3 loại ngã-tưởng đồng-nhất: Ngã-tưởng đồng-nhất tổng-hợp, ngã-tưởng đồng-nhất phận sự, ngã-tưởng đồng-nhất đối-tượng, nên che phủ trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp như sau:

1- Samūhaghana: Ngã-tưởng đồng-nhất tổng-hợp là gom mọi danh-pháp và mọi sắc-pháp lại cho là ta như thế nào?

Ví dụ: Sở dĩ gọi là “chiếc xe” là vì có các bộ phận được lắp ráp lại với nhau. Nếu tháo rời mỗi bộ phận ra riêng rẽ thì không còn thấy chiếc xe nữa.

Gọi là “ngôi nhà” vì được xây bằng cát, xi-măng cốt sắt. Nếu phá vỡ ra thành mảnh vụn thì không còn thấy ngôi nhà nữa, như thế nào

Cũng như vậy, sở dĩ gọi là “con người” gọi là ta là vì có ngũ-uẩn: Sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn nương nhờ, liên kết lại lẫn nhau. Nếu có trí-tuệ phân tích ra mỗi uẩn riêng rẽ thì không có uẩn nào gọi là con người cũng không gọi là ta nữa.

Ngũ-uẩn có 5 uẩn:

– Sắc-uẩn đó là 28 sắc-pháp.

– Thọ-uẩn đó là thọ tâm-sở đồng sinh với tâm.

– Tưởng-uẩn đó là tưởng tâm-sở đồng sinh với tâm.

– Hành-uẩn đó là 50 tâm-sở còn lại (trừ thọ tâm-sở và

tưởng tâm-sở) đồng sinh với tâm.

– Thức-uẩn đó là tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm.

Trong 5 uẩn này:

– Phần sắc-uẩn thuộc về sắc-pháp gọi là thân người.

– Phần thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn gồm có 4 uẩn này thuộc về danh-pháp (tâm với tâm-sở) luôn luôn nương nhờ lẫn nhau, không thể tách rời được.

Tuy nhiên, trong trường-hợp khi con người hết tuổi thọ (chết), thì 4 danh-uẩn (tâm với tâm-sở) tách rời ra khỏi sắc-uẩn (thân). Khi ấy, thân trở thành tử thi rồi theo thời gian sẽ trở thành bột.

2- Kiccaghana: Ngã-tưởng đồng-nhất phận sự là gom mọi phận sự của mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp lại cho là ta như thế nào?

Theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), mỗi tâm với tâm-sở có mỗi phận sự như sau:

– Cakkhuviññāṇa: Nhãn-thức-tâm có 2 tâm làm phận sự thấy đối-tượng sắc.

– Sotaviññāna: Nhĩ-thức-tâm có 2 tâm làm phận sự nghe đối-tượng thanh.

– Ghānaviññāna: Tỷ-thức-tâm có 2 tâm làm phận sự ngửi đối-tượng hương.

– Jivhāviññāna: Thiệt-thức-tâm có 2 tâm làm phận sự nếm đối-tượng vị.

– Kāyaviññāna: Thân-thức-tâm có 2 tâm làm phận sự xúc-giác đối-tượng xúc.

– Manoviññāna: Ý-thức-tâm có 79 tâm (trừ 10 thức-tâm) làm phận sự biết đối-tượng pháp.

Thế mà, ngã-tưởng đồng-nhất phận sự cho là ta thấy, ta nghe, ta ngửi, ta nếm, ta xúc-giác, ta biết, nên che phủ trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp.

3- Ārammaṇaghana: Ngã-tưởng đồng-nhất đối-tượng là gom mọi đối-tượng lại cho là ta như thế nào?

Theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), đối-tượng có 6 loại, mỗi đối-tượng được biết bằng mỗi loại tâm riêng biệt như sau:

– Đối-tượng sắc được thấy bằng nhãn-thức-tâm.

– Đối-tượng thanh được nghe bằng nhĩ-thức-tâm.

– Đối-tượng hương được ngửi bằng tỷ-thức-tâm.

– Đối-tượng vị được nếm bằng thiệt-thức-tâm.

– Đối-tượng xúc được xúc-giác bằng thân-thức-tâm.

– Đối-tượng pháp được thấy bằng ý-thức-tâm.

Sáu loại đối-tượng này vốn thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), thế mà, ngã-tưởng đồng-nhất đối-tượng cho là ta biết các đối-tượng ấy theo chế-định-pháp (paññattidhamma), nên che phủ trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp.

Phương pháp làm cho trạng-thái vô-ngã hiện rõ

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 phát sinh gọi là uddayabbayānupassanā-ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp.

Như bộ Visuddhimagga giải rằng:

“Nānādhātuyo vinibbhujitvā ghanavinibbhoge kate anattalakkhaṇaṃ yathāvasarasato upaṭṭhāti.”

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ, phân-tích, phân-biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp khác nhau, nên ngã-tưởng đồng-nhất bị tách rời ra từng mỗi tâm khác nhau, phận sự của mỗi tâm khác nhau, mỗi tâm biết mỗi đối-tượng khác nhau, nên trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, nên trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiển nhiên hiện rõ sự thật của nó.

Trạng-thái-chung của sắc-pháp, của danh-pháp có 3 là:

– Trạng-thái vô-thường (aniccalakkhaṇa).

– Trạng-thái khổ (dukkhalakkhaṇa).

– Trạng-thái vô-ngã (anattalakkhaṇa).

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã.

Thật ra, trong 3 trạng-thái-chung này, trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ 1 trạng-thái-chung nào của sắc-pháp nào, danh-pháp nào hiện rõ, 2 trạng-thái-chung kia không hiện rõ.

Tuy 2 trạng-thái-chung kia không hiện rõ, nhưng chắc chắn tiềm năng của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 uddayabbayā-nupassanāñāṇa này cũng có khả năng diệt được 3 pháp-đảo-điên (vipallāsa), bởi vì 3 trạng-thái-chung có sự liên quan lẫn nhau.

– Nếu khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường của sắc-pháp, của danh-pháp thì diệt được tưởng-đảo-điên, tâm-đảo-điên, tà-kiến-đảo-điên cho rằng: Sắc-pháp, danh-pháp là thường (nicca).

– Nếu khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 thấy rõ, biết rõ trạng-thái khổ của sắc-pháp, của danh-pháp thì diệt được tưởng-đảo-điên, tâm-đảo-điên, tà-kiến-đảo-điên cho rằng: Sắc-pháp, danh-pháp là lạc (sukha).

– Nếu khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp thì diệt được tưởng-đảo-điên, tâm-đảo-điên, tà-kiến-đảo-điên cho rằng: Sắc-pháp, danh-pháp là ngã (attā).

Do sự liên quan của 3 trạng-thái-chung, nên trạng-thái-chung nào hiện rõ đều có khả năng diệt được tưởng-đảo-điên, tâm-đảo-điên, tà-kiến-đảo-điên cho rằng: Sắc-pháp, danh-pháp là thường, lạc, ngã.

Giảng giải về tâm, phận sự, đối-tượng

Tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm chia ra làm 6 loại tâm có 14 phận sự biết 6 đối-tượng như sau:

– Nhãn-thức-tâm có 2 tâm chỉ có 1 phận sự thấy 1 đối-tượng sắc hiện-tại, các hình dạng mà thôi.

Ngoài ra, nhãn-thức-tâm không có phận sự biết các đối-tượng khác.

– Nhĩ-thức-tâm có 2 tâm chỉ có 1 phận sự nghe 1 đối-đối-tượng thanh hiện-tại, các âm thanh mà thôi.

Ngoài ra, nhĩ-thức-tâm không có phận sự biết các đối-tượng khác.

– Tỷ-thức-tâm có 2 tâm chỉ có 1 phận sự ngửi 1 đối-tượng hương hiện-tại, các loại mùi hương mà thôi.

Ngoài ra, tỷ-thức-tâm không có phận sự biết các đối-tượng khác.

– Thiệt-thức-tâm có 2 tâm chỉ có 1 phận sự nếm 1 đối-tượng vị hiện-tại, các thứ vị mà thôi.

Ngoài ra, thiệt-thức-tâm không có phận sự biết các đối-tượng khác.

– Thân-thức-tâm có 2 tâm chỉ có 1 phận sự xúc giác 1 đối-tượng xúc hiện-tại, cứng mềm, nóng lạnh, v.v… mà thôi.

Ngoài ra, thân-thức-tâm không có phận sự biết các đối-tượng khác.

– Ý-thức-tâm gồm có 79 hoặc 111 tâm (trừ 10 thức-tâm) có nhiều phận sự biết cả 6 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) trong quá-khứ, hiện-tại, vị-lai, đặc biệt biết đối-tượng siêu-tam-giới Niết-bàn, và chế-định-pháp nữa.

(Tìm hiểu rõ 14 phận sự của mỗi tâm trong bộ Abhi-dhammatthasaṅgaha: Vi-diệu-pháp yếu-nghĩa, trong chương 3, phần Pakiṇakasaṅgaha.)

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, cốt để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, để thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.

Trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh theo tuần tự từ trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới (lokiyavipassanā) đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới (lokuttaravipassanā) trải qua 16 loại trí-tuệ thiền-tuệ.

Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 gọi là udayabbayānunupassanā-ñāṇa mới có khả năng thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, bắt đầu chính thức gọi là trí-tuệ thiền-tuệ (vipassanāñāṇa).

Đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gọi là gotrabhuñāṇa có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, tiếp theo trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 gọi là Maggañāṇa chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo-tuệ.

 

Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 6 - Trạng-thái-chung, trạng-thái-riêng - Pháp che án 3 trạng-thái-chung
Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 8 - Tứ Thánh-Đế (Ariyasacca)

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *